Hoàng Ngọc Nguyên: BACK TO AMERICA!

BACK TO AMERICA!

Hoàng Ngọc Nguyên

@www.saigonweeklyonline.com



Câu chuyện khá hiển nhiên!
Từ sáng ngày 20-1, sau khi Donald Trump lên máy bay ở phi trường quân sự Andrews ở Maryland để trở lại căn cứ địa Mar-a-Lego ở Florida sau bốn năm tạm trú tại Tòa Bạch Ốc, mọi người đều hiểu đã đến lúc nước Mỹ phải khởi đầu cuộc hành trình để tìm lại chính mình. Đi tìm một nước Mỹ bị đánh mất (in search of a lost United States). Một nước Mỹ đã bị phá phách, hủy hoại đến mức nhân dạng trở nên thật khó coi trong mắt thế giới. Một nước Mỹ đã không còn biết gì đến những giá trị đặc thù truyền thống như công lý, pháp luật, bình đẳng, tự do... Bởi thế mà tân Tồng thống Joe Biden đã phải nhấn mạnh vắn tắt con đường ông đi: “America Is Back”. Nưóc Mỹ trở lại với thế giới. Và “Back to America”, chúng ta trở lại với nước Mỹ mà người trước đó đã đánh mất.

Chặng khởi đầu của cuộc hành trình tái thiết đầy thử thách này chính là phiên tòa đã được tiến hành chính thức từ ngày 8-2 tại Thượng Viện xét xử cựu Tổng thống Donald Trump vào tội gây bạo loạn (inciting insurrection) tại Capitol Hill (tòa nhà Quốc Hội lưỡng viện) vào ngày 6-1. “Tòa sơ thẩm” Hạ Viện đưa ông ra xét xử vào ngày 13-1 và kết tội “xúi giục phản loạn” một tuần sau đó, lập ra một ban chín dân biểu luận tội (impeachment managers) cùng một bản cáo trạng chi tiết và những chứng cớ để trình bày trước “tòa thượng thẩm”, tức Thượng Viện trong vai trò bồi thẩm đoàn. Nếu được 2/3 số thượng nghị sĩ (tức 67 người) đồng ý, Trump sẽ bị truất bãi cho dù đã không còn tại chức, ý nghĩa là ở chỗ ông ta sẽ không bao giờ được ra ứng cử nữa.

“Xúi giục phản loạn” là một cáo trạng chưa đầy đủ nghĩa. Qua câu chuyện các dân biểu công tố trình bày, cùng với những đoạn video cho thấy những lời lẽ thúc giục bạo lực của Trump, và sự tràn vào Quốc Hội xâm nhập các nơi của những kẻ bạo loạn có vũ trang “theo lệnh của Tổng thống”, chúng ta mới thấy hết sự nham hiểm tột cùng của Trump. Ông ta đã toan tính biến cố này cả mấy tuần trước, với một lập luận điên khùng đơn giản: ông không thể thất cử, nếu ông có thua là do “bầu cử gian lận”. Con người ông, trong kinh doanh cũng như trong chính trị, không hề biết thất bại và chấp nhận thất bại. Cho nên, ông ta quyết định tiến hành bạo động trong ngày quyết định 6-1, khi Quốc Hội phê chuẩn lần cuối kết quả bầu cử, sau khi ông thất bại trong tất cả nỗ lực làm áp lực chính trị với các chính quyền tiểu bang (Georgia, Arizona...) và kiện cáo “gian lận bầu cử” ở các tòa án liên bang, thậm chí Tối cao Pháp viện.

Ông ta đã tập họp đám đông bạo loạn này đến trước Tòa Bạch Ốc nghe ông khích động và xúi giục họ kéo đến Quốc Hội hơn chục ngàn người, tràn vào tòa nhà lập pháp liên bang trong âm mưu tiến hành một cuộc đảo chánh, hủy bỏ việc công bố kết quả bầu cử, lùng sục, tìm kiếm những người Dân Chủ đối lập hoặc Cộng Hòa “bất trung” để xét xử ngay tại chỗ (ngoài sân, người ta còn dựng lên một giá treo cổ), để sau đó, ông có lý do ban hành tình trạng giới nghiêm và tổ chức lại bầu cử ở 5-6 tiểu bang trọng yếu mà ông đã thua cuộc. Chẳng những sinh mạng của các thành viên Dân Chủ như Nancy Pelosi (chủ tịch Hạ Viện), Chuck Schumer (trưởng khối đa số) bị đe dọa, mà Trump còn nhắm đến những người Cộng Hòa “không trung kiên”, “bất hợp tác” như Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Mitch McConnell. Trump thích thú theo dõi cuộc tấn công này từ Tòa Bạch Ốc, và khi được ngay chính những thành viên Cộng Hòa đang bị vây khổn, trốn chui trốn nhũi trong Điện Capitol  kêu cứu, nhờ ông lên tiếng, can thiệp, Trump đã bất động, chần chừ, “mua thời gian”.

Luật pháp nước Mỹ cũng lạ! Trước những chứng cớ phạm pháp nghiêm trọng, có tính mưu sát “diệt chủng” như thế, vậy mà Thượng Viện cũng bình tâm, còn mất công bỏ phiếu xem đem một tổng thống đã rời nhiệm sở về tội phản quốc như thế ra xử có “hợp hiến” hay không. Phải chăng như thế một tổng thống không còn tại chức nữa thì mọi tội lỗi trước đây đều xí xóa?

Có 56 phiếu thuận, 44 phiếu chống. Nguời ta gắng gượng nói con số 56 là tích cực. Công lý “đã thắng” vì Thượng Viện vẫn quyết định đi tới trong phiên xử này và gạt qua một bên câu hỏi trẻ con, nhảm nhí: hợp hiến hay vi hiến! Thật ra, nó phơi bày tất cả vấn đề của chính trị Mỹ: sự ung nhọt trong tư tưởng chính trị của phía Cộng Hòa: đảng Cộng Hòa, những nhà dân cử Cộng Hòa, cử tri Cộng Hòa. Chỉ có sáu thượng nghị sĩ Cộng Hòa nhìn nhận việc luận tội là hợp hiến, cho dù toàn thể 50 thượng nghị sĩ Cộng Hòa đều bị kẹt trong Capitol chiều hôm đó. Điều căn bản mà những nhà dân cử mê muội này đã không thấy: hợp hiến hay không, Donald Trump hiển nhiên đã phạm tội phản loạn, tức sự vi hiến quan trọng nhất, và công lý của nước Mỹ không thể bấrt động, im lặng trước sự việc này.

Lá phiếu này cho thấy cái hỏng của dân chủ Mỹ: trước một tội trạng hiển nhiên như thế, cơ chế dân chủ của Mỹ vẫn không làm nổi bật được vai trò và hiệu quả của công lý. Bởi vì ai cũng thấy trước mà không nói ra: Câu hỏi thứ nhất đã qua (hợp hiến hay vi hiến) nhưng làm sao qua được câu hỏi thứ hai: Trump có phạm tội hay không. “Bồi thẩm đoaàn” cần đến 67 phiếu, tức 2/3 của tổng số 100 thượng nghị sĩ, trong khi số phiếu đã có chỉ là 56? Bởi thế Trump từ Mar-a-Lego đã bình thản chỉ thị cho đám luật sư của ông ta: “Biện hộ nhăng cuội thế nào cũng xong, nhưng mau lên, vì cuối cùng Thượng Viện, hay đúng hơn là Cộng Hòa, cũng sẽ bỏ phiếu ủng hộ ta”.

Bởi thế, chúng ta mới nghe luật sư chính của ông ta có những biện luận nhảm nhí: sở dĩ bên Dân Chủ đưa vấn đề này ra là vì họ sợ ông Trump sẽ ra tranh cử bốn năm nữa, và khi tước đoạt của Trump quyền tranh cử, đó cũng là tước đoạt của người dân quyền chọn lựa lãnh đạo của đất nước. Chính vì người dân có quyền chọn lựa cho nên người ta đã thể hiện quyền của mình trong bầu cử tổng thống vừa qua, chọn ông Biden (bỏ ông Trump). Chính luật sư của Trump đã hùng hồn biện luận như thế, vô hình chung, đã bác bỏ ý kiến của ông chủ mướn họ bào chữa là vì bầu cử gian lận cho nên ngươi ta mới bạo loạn. Tuy nhiên, sau đó, luật sư lại nói Trump có toàn quyền theo Đệ nhất Tu chánh án để nói với đám bạo loạn này quan điểm của ông ta là bầu cử gian lận, nhưng ông chẳng xúi giục gì (Chỉ nói “Giành lấy chính quyền về tay nhân dân! We have to fight). Những người bào chữa cho Trump cũng có những lập luận “táo bạo”: những người bạo loạn tại Capitol khác với những người đến nghe Trump “êm thắm” xúi giục tại hàng rào Nhà Trắng; Những người bạo loạn hành động tự ý (of their own accord), không phải vì nghe lời Trump xúi giục; phía Dân Chủ dựng lên phiên tòa này nhằm trả thù Trump cùng kích động cử tri Dân Chủ...

Cuối cùng, chì có bảy thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiều kết tội Trump vào ngày thứ bảy 13-2 là Richard Burr (North Carolina), Pat Toomey (Pennsylvalnia), Susan Collins (Maine), Lisa Murkowski (Alaska), Ben Sasse (Nebraska), Bill Cassidy (Louisiana), Mitt Romney (Utah). Ông Burr là người cuối cùng tham gia nhóm, giải thích: “Tổng thống đã ngụy tạo thuyết âm mưu vô căn cứ để tạo sự nghi ngờ về tính trung thực của một cuộc bầu cử tự do và công bằng bởi vì ông không thích kết quả đó. Khi Quốc Hội nhóm họp để xác nhận kết quả bầu cử, ông chỉ đạo người theo ông đến Capitol để làm giặc, gây gián đoạn tiến trình hợp pháp mà Hiến Pháp đã qui định. Khi đám đông trở nên bạo loạn, Tổng thống dùng văn phòng của mình, trước là để chế dầu vào lửa cho bạo loạn thay vì tức thì kêu gọi chấm dứt ngay sự nổi loạn này. Như tôi đã nói vào ngày 6-1, Tổng thống phải chịu trách nhiệm đối với những sự kiện bi kịch này. Chứng cớ rất mạnh mẽ là Tổng thống Trump đã phạm tội khích động bạo loạn chống lại một ngành chính phủ tương đồng (coequal), và những tội lỗi này đã đến mức Trọng án và Phạm luật (High crimes and Misdemeanors). Bởi thề tôi đã bỏ phiếu luận tội”.

Đáng thất vọng là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử làm nhân cách khi ông ta bỏ phiếu miễn chấp cho Trump. Có một điều lạ là có đến hơn 200 dân biểu Cộng Hòa tại Hạ Viện, 50 thượng nghị sĩ Cộng Hòa tại Thượng Viện, nhưng phần lớn không thấy bàn tay của Trump đẫm máu của những người đã chết vì COVID-19 (nay lên đến con số xấp xỉ 485.000 người bất hạnh), không thấy chính mình suýt chết vì bạo loạn ngày 6-1, không thấy nạn bạo lực chính trị đang đe dọa nơi nơi trong xã hội Mỹ, không thấy sự phân hóa giữa hai đảng đã tệ hại cùng cực như một cuộc nội chiến dưới thời Trump, không thấy dân chủ nước Mỹ đã tê liệt trong bốn năm qua. Họ không thấy bất kỳ một chính sách nào gây phân hóa chủng tộc, bạo lực xã hội, phân biệt giai cấp của Trump. Càng không thấy uy tín và hình ảnh của nưóc Mỹ trở nên cực kỳ tệ hại trên thế giới... Họ cũng chẳng nghĩ gì đến sự xây dựng một đảng Cộng Hòa lành mạnh, có tôn chỉ dân chủ vì dân vì nước, có tinh thần dân chủ pháp trị, thượng tôn pháp luật và  bảo vệ hiến pháp, quyết bảo vệ dân chủ bằng thiện chí tìm kiếm sự hợp tác giữa hai đảng...

Đa số lớn các thành viên Cộng Hòa tại lưỡng viện chỉ nghĩ đến mình trong những cuộc bầu cử sắp đến 2022 va 2024. Do đó chỉ nghĩ đến khối cử tri Cộng Hòa của mình, đến sự biến thái quá khích cực hữu của thành phần da trắng “thượng đẳng” trong đảng, và phải thực tế làm sao nắm được khối cử tri này bằng cách chiều lòng đi theo họ, thay vì dẫn dắt họ, cho nên đang trở thành những phần tử “cầm chuông” (Trumpist) cực kỳ nguy hiểm. Chủ yếu người ta nhằm đến sự cạnh tranh trong đảng để nắm thành phần cử tri Cộng Hòa bào thủ cực hữu quá khích này. Chẳng người Cộng Hòa nào nghĩ “con tim và khối óc” của cử tri Dân Chủ là thế nào!

Dân chủ nước Mỹ nước Mỹ đã hỏng vì thế. Cơ chế lưỡng đảng rõ rệt không duy trì, không thúc đẩy được sự tiến bộ chính trị của đất nước, bởi vì đảng không có lãnh đạo, không có đường lối,  bởi vì con người tạo áp lực sau lưng đảng, sống trong “United States” nhưng  không đủ tinh thần “united” khi sự thương tôn của văn hóa bạch chủng đang cảm thấy bị đe dọa vì những chủng tộc khác (da vàng, da nâu...) đang đến với nước Mỹ với ưu thế, đang làm cho cán cân chủng tộc bị áp lực xoay chiều trong 15-20 năm nửa.

Khi Biden chuẩn bị đường vào Tòa Bạch Ốc, ông thường xuyên nói đến chuyện mở ra một trang sử mới, một chương mới “hòa giải và hợp tác” giữa hai đảng bằng cách tìm mọi cách ngồi lại với nhau, và trong mọi quyết định cố tỏ sự tương nhượng. Trump đã nói “còn lâu”, và chẳng phải đợi lâu người ta cũng thấy Trump nói đúng. Biden sẽ cực kỳ khó khăn vì Trump là tổng thống Cộng Hòa thành công nhất trong việc kéo cử tri Cộng Hòa cốt cán đi theo mình, bằng cách đơn giản ông ta cứ đi theo họ, khác với những tổng thống trước đây cứ tìm cách kéo cử tri Cộng Hòa đi theo mình.

Sự thử thách trong thời gian trước mắt là nhiều chính sách của Biden sẽ bị trục trặc, bế tắc vì thiếu sự hợp tác, thỏa hiệp, trong khi trên nhiều lĩnh vực, chính quyền Mỹ cần hành động ngay, trước khi khủng hoảng tái bùng nổ về đại dịch, kinh tế, y tế, quốc tế... Về lâu dài, người ta đang lo sợ đảng Cộng Hòa chuyển hướng thành một đảng của giới “dân quân” militia thời lập quốc hay nội chiến, dựa vào bạo lực súng đạn để thể hiện mục tiêu của mình.

Đảng Dân Chủ nay cũng chông chênh. Họ cố tình theo đuổi phiên tòa luận tội ở cả hai viện, chẳng phải vì không biết sẽ thất bại. Họ muốn sự thất bại sẽ nói với lịch sử Trump đồi bại và Cộng Hòa hư hỏng thế nào, và phải chịu trách nhiệm ra sao trước sự đình đốn dân chủ hiện nay - một sự đình đốn đang làm nổi bật một nhu cầu tuyệt vọng: phải tu chỉnh hiến pháp. Họ cũng muốn cho đảng Cộng Hòa phải phát điên trong những cuộc bầu cử sắp đến mà Trump và phe cánh ông ta quấy phá. Thượng nghị sĩ gia nô Lindsay Graham vừa lên tiếng khoe Trump “rất hân hoan” về cuộc bầu cử giữa kỳ 2022, Trump sẽ tập trung vào việc “tái thiết đảng” và Graham đã nói với Trump: “Thưa Tổng thống, nay ngài có thể tiếp tục làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA) để tái dựng sự đoàn kết trong đảng”. Nhưng cũng có những người Cộng Hòa đã lên tiếng “Tôi bỏ đảng”. Chắc chắn đảng Cộng Hòa sẽ yếu hơn, và nhánh độc lập có khuynh hướng chống Cộng Hòa sẽ mạnh hơn. Để xem bầu cử giữa kỳ kết quả lưỡng viện sẽ thế nào!!!

Nói gì thi nói, con đường “Back to America” chẳng có gì dễ dàng cả.

Nhiệm kỳ hiện nay của Joe Biden sẽ chứng nghiệm điều đó!

Hoàng Ngọc Nguyên
@www.saigonweeklyonline.com

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top