Hoàng Ngọc Nguyên, BÁCH NIÊN CHI KẾ!

BÁCH NIÊN CHI KẾ!

Hoàng Ngọc Nguyên




Cuối tháng tư vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã có dịp trăm ngày để trình làng thành tích lãnh đạo đất nước của mình sau hơn ba tháng ông ngồi tại Nhà Trắng. Con số 100 ngày được chọn không phải vì đó là thời gian cần thiết để chứng minh một thành quả gì đó, mà là vì tính tròn trịa của nó. Từ lâu người ta đã đợi đến “lễ bách nhật” để xem khả năng lãnh đạo của tổng thống tân cử. Cái lý cũng rõ ràng: tuy 100 ngày chưa là bao, nhưng những gì người lãnh đạo đã làm, không hẳn những gì đã thực hiện được, cũng nói lên được bản lĩnh, đảm lược của ông.

          Thực ra, kết quả của trăm ngày của Joe Biden là điều “nhãn tiền” – ai cũng quan tâm theo dõi và ai cũng có thể thở phào. Thăm dò đều cho thấy người dân chỉ lo lắng hai chuyện: đại dịch và suy thoái. Donald Trump đã thất cử năm ngoái chính là vì người ta thấy ông ta vô tâm, vô đạo quá đáng trước hiểm họa COVID-19 của người dân. Ông thừa biết hơn ai cả mối đe dọa lớn lao này. Ngày nào ông chẳng được báo cáo về số người nhiễm bệnh và số người chết. Thế nhưng ông cứ làm như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí ông còn nói chuyện ba hoa, bậy bạ, vô ý thức, như cứ uống thuốc tẩy trùng để ngừa bệnh, chống bệnh! Rồi ông nói đừng hốt hoảng, tự nhiên rồi đại dịch cũng chấm dứt. Đại dịch chỉ chết người với người già mang bệnh. Rồi ông xua tất cả giới y khoa quanh ông vì họ không biết nói láo. Thậm chí, Trump còn nổi tiếng ở chỗ nhất quyết không mang mạng để làm gương! Những lỗi lầm ấu trĩ xuất phát từ tâm địa “Me First” của ông ta: Tính đến đầu tháng năm, đã có hơn 650.000 người ở Mỹ đi chính thức vì đại dịch, nhưng con số thực sự (tính cả những người “đi chui”) người ta nói lên đến cả 900.000. Cái họa của Trump không chỉ ở chỗ đó!

          Tổng thống Joe Biden lập thành tích tương đối dễ dàng trong việc chống đại dịch. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhờ ông tái lập trật tự trong bộ máy nhà nước chống đại dịch, phục hồi tiếng nói của giới khoa học. Nhờ ông bày tỏ một mối quan tâm với chuyện phòng ngừa COVID (đeo mạng, cách ly...). Và nhất là nhờ ông thúc đẩy mạnh mẽ chuyện chích ngừa để đạt chỉ tiêu 100 triệu mũi 100 ngày đầu. Cho đến nay, khoảng 1/3 dân số Mỹ (109 triệu) đã được chích ngừa đầy đủ. Những tiểu bang đông dân nhất đều đạt mục tiêu: New York 37%, California 33%, Texas: 28.8%, Florida: 31%... Cái khó khăn nhất hiện nay cho Joe Biden không phải là thiếu thầy thiếu thuốc mà quá dư những người không tin thuốc, tin thầy, không chịu chích ngửa, không chịu đeo mạng... Rất khó mà đánh giá thấp thách đố này. Có thể hàng chục triệu người thuộc thành phần này. Những người “phản kháng” phần lớn thuộc thành phần theo Trump, được gọi là WASP (Da trắng Tin lành Anglo-Saxon), là một đối tượng chắc chắn sẽ được theo dõi rất thưòng xuyên hiện nay và trong tương lai. Có thể họ chưa biết nên chích ngừa hay không, nhnưg nói “Không” cái đã, để bày tỏ nhãn hiệu của mình - sự “trung thành” (loyalty) hay  “lòng ái quốc” (patriotism). Cái họa của Trump đã khơi dậy chính là ở chỗ đó!

          Cho nên, nhiều người vẫn lo ngại chuyện đại dịch vẫn chưa xong, những thử thách vẫn  đang còn ở phía trước.

          Trump rớt đài cũng là vì kinh tế suy thoái, rớt mạnh kể từ tháng ba năm 2020 (mất một lúc 22 triệu công việc, đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 3% lên đến 14.7%). Trump vẫn chỉ có một cách ứng xử: làm ngơ hiểm họa đại dịch và xúi người ta cứ làm ăn như thường. Thực ra đến nửa năm sau đó, tháng 9/2020, đến hơn 10 triệu việc làm được phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 7.9%; tháng 10 còn xuống 6.9%, nhưng niềm tin vào Trump lãnh đạo kinh tế thì không thể hồi phục được. Đó cũng là một lý do nữa khiến Trump mất phiếu.

          Đến tháng giêng năm nay, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 6.3%. Và tỷ lệ này vào tháng ba là 6.0%, tháng tư 6.1%, nói lên một điều nổi bật, người ta đang có việc làm dễ dàng hơn, nghĩa là  kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong quí 1 vừa qua, với tỷ lệ 6.4% so với 4% trong quí tư năm 2020 và mức giảm tổng quát 3.5% cho tròn cả năm 2020. Từ hiện tình này đưa đến cuộc tranh luận: Phải chăng nhờ Trump mà Biden hưởng được thành quả này, hay chính Biden đã đem đến cho người dân niềm tin và hy vọng, khiến cho kinh tế tăng trưởng trở lại.

          Hỏi, phần nào, là trả lời. Trump thực sự đã chẳng làm gì cả để vực dậy kinh tế - ngoại trừ chuyện khoanh tay nhìn đại dịch để cho người dân “yên tâm” làm ăn hay vui chơi. Một mặt, ông nói cứ chờ bầu cử cho xong rồi ông mới làm, tưởng thế là một lời hứa có điều kiện khôn ngoan. Mặt khác, thực ra ông cũng chẳng biết phải làm gì! Đánh thuế thêm nữa lên hàng nhập từ Trung Quốc? Giảm thuế cho doanh nghiệp và giới nhà giàu? Tăng trợ cấp cho người dân trong cơn hoạn nạn và đặc biệt cho người thất nghiệp? Trump cứ nói “Hãy đợi đấy” để xem người ta bỏ phiếu cho ai. Ông không biết lá phiếu chỉ là “quả”, mà “nhân” chính là hành động của ông.

Còn ông Biden đã làm những gì? Một số nhà kinh tế cho rằng những kết quả kinh tế trong quí 1 chẳng phải do Biden làm ra, vì đến ngày 20-1 ông mới vào Tòa Bạch Ốc, và thông thường kinh tế phải có thời gian để có phản ứng hay hiệu quả trước một chính sách, biện pháp mới của chính phủ. Giới kinh tế gia “tiêu cực” này cho rằng kinh tế xoay trở theo chu kỳ, bởi thế công hay tội của các tổng thống thật khó nói. Tuy nhiên, hai kinh tế gia Lakshman Achuthan và Anirvan Banerji của Trung tâm Khảo sát Chu Kỳ Kinh tế có lẽ cứ nói cho được việc.

Sự thực thì chiến thắng của Biden trong bầu cừ vào đầu tháng 11 năm 2020 đã tạo sự nức lòng từ đó khiến cho người ta dấn thân vào việc bình thường hóa hoạt động kinh tế. Người ta biết đại dịch sẽ đi xuống vì chính phủ Biden sẽ tăng cường kiểm soát và thúc đẩy việc chích ngừa. Người ta biết ông Biden sẽ đẩy mạnh việc trợ cấp cho ngưòi dân đang gặp khó khăn, túng thiếu vì đại dịch. Chính cái tâm lý mong đợi và tin tưởng này từ giới sàn xuất, kinh doanh và người dân tiêu thụ đã đẩy kinh tế sớm đi lên. Ai cũng biết đến “gói cứu trợ” của Biden ngay cả trước khi ông đắc cử; và sau khi ông đắc cử cùng với việc đảng Dân Chủ nay có thể kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội, thì ai cũng biết cứu trợ này nay trong tầm tay. Đó chinh là một yếu tố lớn thúc đẩy kinh tế ngay cả trước khi Biden vào Tòa Bạch Ốc.

Tuy  nhiên, để có thể đánh giá thành quả kinh tế của Joe Biden, tất cả vẫn đang còn ở phía trước, và chưa hẳn chúng ta đã có thể thấy gì cho dù tâm trạng có thể lạc quan hơn!

Nói chung, kinh tế vi mô hay vĩ mô đều là chuyện đa diện phức tạp, hiệu quả và hậu quả diễn ra trên nhiều mặt. Những biện pháp vĩ mô (hay đại tượng = macroeconomics) của chính phủ như đẩy mạnh phúc lợi xã hội, đầu tư vào cơ sở hạ tầng... đều có thể có những tác đông lớn lên nền kinh tế. Ngay cả chuyên tăng thuế hay giảm thuế. Bởi thế mà Kinh tế gia nổi tiếng John Kenneth Galbraith gọi kinh tế học là “nghe thuat tranh cãi” (art of controversy).
Ngồi chưa nóng chỗ, Joe Biden đã đưa ra gói cứu trợ 1.900 tỷ (GDP, hay Tổng sản lượng Quốc nội, của Mỹ năm 2020 là 21 ngàn tỷ) để giúp hầu hết tất cả mọi người cùng đặc biệt những ngưòi thất nghiệp, cùng hỗ trợ cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Mỗi ngưởi được $1.400, cộng với $600 trước đó của Trump. Người thất nghiệp một tuần được $300. Bên phía Cộng Hòa không đồng tình với “của cho và cách cho”. Người ta nói ngân sách vốn thiếu hụt (từ trước vì Trump chơi sang “tiền chùa”) sẽ thêm thiếu hụt, nợ công sẽ tăng hơn nữa làm ngập đầu con cháu đời sau. Cứ nhắm mắt mà cho nhiều quá chưa chắc đã hay, có thể đưa đến sự lạm dụng, ỷ lại, khiến nhiều người nay không chịu đi kiếm việc mà cứ “há miệng chờ sung”. Tác dụng tích cực của gói cứu trợ này, có tên là American Rescue Plan Act, tuy nhiên, là hiển nhiên!

Vấn đề là ông Biden đã có chủ ý, phải tích cực lợi dụng cuộc khủng hoảng sâu sắc hiện nay để đưa ra những sáng kiến phát triển vĩ đại của ông - những sáng kiến có thể đưa ông vào lịch sử với chỗ đứng ngang hàng với các tổng thống trên Mount Rushmore. Đặc biệt là Tổng thống Franklin Roosevelt là người đã ban hành chế độ An sinh Xã hội (Social Security) giữa thời Đại khủng hoảng (Great Depression) vào đầu thập niên 30. Cho nên trong tháng tư ông Biden lại đưa ra thêm hai gói khác: một gói đầu tư $2.3 ngàn tỷ vào cơ sở hạ tầng vừa tạo công ăn việc làm vừa chỉnh đốn lại hệ thống cầu đường (American Jobs Plan)..., và một gói hỗ trợ “định chế xã hội” (giáo dục đại học miễn phí, giúp chăm sóc trẻ em, nâng cấp giáo dục thiếu niên...) $2 ngàn tỷ, có tên là American Families Plan, “một đầu tư vào con trẻ, gia đình và tương lai kinh tế của chúng ta”. Tuy ông vẫn đưa ra khẩu hiệu “hòa giải hòa hợp” với đảng Cộng Hòa đốí nghịch (mà nay Biden nói ông chẳng còn hiểu được), hai cái gói khó nuốt này đúng là thọc ngay vào họng của Cộng Hòa, một đảng càng ngày càng cho thấy một hình ảnh lạ lùng với những nhân vật như Marjorie Taylor Greene, Matt Gaetz, Ted Cruz... Tuy Trump đã rời khỏi Tòa Bạch Ốc được hơn 100 ngày trong ô nhục với biến cố bạo động 6-1 tại Quốc Hội, đảng Cộng Hòa lạ kỳ thay, không hiểu được sự ô nhục này, ngày càng trở thành “đảng của Trump”. Cứ xem số người đang đến chầu chực Thái thượng hoàng tại Mar-a-Lego trong mấy tháng qua! Nay thì người ta có dịp xì xào: Joe Biden đang ăn bả của chủ nghĩa xã hội!

Theo một số nhận định, Joe Biden đang có những nỗi bất định, bồn chồn về tuổi tác, sức khỏe của ông (qua cách ông ăn nói có khi vấp váp, đi đứng có khi loạng quạng...) cũng như bất an về sức mạnh của đảng Dân Chủ trong quần chúng trước sự bùng phát của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cưc đoan. Trong khi phía Trump không chịu tin ở 81.2 triệu phiếu của Biden, ông Biden ngược lại rất tin ở 74.2 triệu phiếu của Trump! Một thiểu số không nhỏ và không thầm lặng trước đa số thầm lặng của Biden. Ông Biden chưa thể nắm được các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa vững chắc trong bầu cử sang năm. Phải chăng vì thế mà ông quyết định “thầm lặng” chơi một nước cờ “không thành công thì thành nhân”?

Tuy nhiên, báo cáo về lao động ngày 7-5 vừa qua đã cho thấy thách đố trước mắt cho tham vọng “Đại Gia Đình “ (Great Family) của ông: con số công ăn việc làm mới trong tháng tư quá thấp và tỷ lệ thất nghiệp chưa xuống được dưới mức 6%. Số lao động có việc làm hiện nay còn thấp hơn mức tháng tư năm trước 8.2 triệu. Lý do có thể không chỉ là một số người không chịu kiếm việc làm bởi vì phúc lợi thất nghiệp có khi còn cao hơn tiền công “ba cọc ba đồng”  người ta kiếm được. Mặt khác, một số công ty không kiếm ra người làm có đủ kỹ năng cần thiết. Đó chính là một vấn đề lao động rất then chốt, liên quan đến giáo dục, đào tạo hiện nay ở Mỹ. Lạm phát (cầu áp đảo cung) đang nổi lên và chẳng thể sớm chấm dứt, bởi vì sự khan hiếm hàng hóa hiện nay khó thuyên giảm vì lý do sản xuất thiếu nguyên vật liệu trầm trọng (thép và cao su hay “chip” điện tử chẳng hạn) và cả phương tiện phân phối (tài xế xe vận chuyển hàng hóa).
Ông Biden cho rằng những con số lao động này cho thấy gói đầu tiên chưa đủ liều lượng cho nên phải “tăng đô”, làm thêm hai gói nữa. Phía Cộng Hòa thì cho rằng ông Biden đã thất bại trong “Cứu vãn người Mỹ”. Thật ra họ nói thế vì chỉ muốn ông Biden thất bại, và chống chuyện ông cứ đòi tăng thuế cho doanh nghiệp và tư nhân có thu nhập, lợi tức cao để có ngân quỹ tài trợ những đầu tư vĩ đại này của Biden.

Chính trị Mỹ thường ít cho phép các nhà lãnh đạo toan tính chuyện lâu dài mà phải thực tiễn tập trung vào những chuyện trước mắt. Nhất là vì trước mắt bầu cử liền liền, và cử tri Mỹ vẫn quen thay lòng đổi dạ. Kế hoạch “Đại Gia Đình” của ông Biden (Tổng thống Johnson trước đây có “Đại Xã Hội” – Great Society) cho thấy ông muốn thử thoát khỏi sự kềm tỏa đó và nghĩ đến chuyện lâu dài của đất nước - nếu không phải chuyện lâu dài của ông, tức đường vào lịch sử. Với kế hoạch “Đai Gia Đình” nếu làm được, nước Mỹ sẽ nổi lên như một đại cường hàng đầu thế giới đặt nặng giá trị nhân bản phát triển gia đình như một nền tảng thăng tiến xã hội. Cũng là một tư tưởng “cách mạng” hiếm có ở chính trị Mỹ!

Vấn đề là ông Biden không nên vì tuổi tác mà quá vội vàng. Dục tốc bất đạt (Haste makes waste). Ông cần có thời gian để được sự đồng cảm, ủng hộ mạnh hơn của quần chúng để có thể đi tới. Nhưng ngược lại, có thể ông sợ rằng bây giờ mà không đi tới, sang năm 2022, bầu cử Hạ Viện và Thượng Viện sẽ cam go hơn, nhỡ đảng Dân Chủ không giữ được ưu thế mong manh hiện nay thì sao?

Lại còn thêm một câu hỏi: nước Mỹ là một đất nước của di dân. Một đất nước của di dân trong thời buổi thế giới toàn cầu hóa, nhất là đang bị áp lực mạnh mẽ ở biên giới! Có lẽ đã đến lúc phải nói rõ, xác định minh bạch “triết lý di dân”, ít nhất là ý thức tự lực, độc lập nơi di dân – như thời xưa lập quốc vào hai thế kỷ 18 và 19. Thời đó, chẳng ai dám mong đợi hay trông chờ hay đòi hỏi phúc lợi gì của nhà nước mà kế hoạch “Đại Gia Đình” của Biden đã hứa hẹn. Di dân thời nay phức tạp hơn nhiều, với nguồn gốc, động cơ, năng lực khác nhau, văn hóa khác nhau...

Mặt khác, chúng ta đang ở vào một thời điểm tế nhị của đất nước Mỹ. Di sản của Trump còn đó, rất nặng nề khi đảng Cộng Hòa đã trở thành “Trumpublican party”.

Thù ghét chủng tộc, thành kiến với di dân đang làm cho cuộc sống chính trị và xã hội rất khó thở... Lại thêm thành kiến từ bao đời của cảnh sát da trắng đối với người da đen khiến cho phong trào “Black Lives Matter” cần được hiểu một cách nghiêm chỉnh thay vì sự bài bác đơn giản của những người nói hùa theo: mang sô`1ng của ai cung phải được tôn trọng.

Cho nên hai gói mới của Biden có thể chưa phải lúc và dễ gây “ngộ nhận”.

Chắc chắn ông Biden còn rất nhiều việc chồng chất trên bàn nên khó mà tweet tối ngày như ông Trump trước đây.

Chỉ trong hai ngày cuối tuần 8-9 tháng năm, trên khắp nước Mỹ có ít nhất chín vụ bắn súng vào đám đông. Tuy thế, chính giới dân cử nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng tìm giải pháp cho nạn bạo lực súng đạn vô tình này trong gia đình và ngoài xã hội.

Áp lực di dân ở biên  giới Mexico vẫn là bài toán rất nhức đầu.

Nạn thù ghét chủng tộc của những người da trắng “thượng đẳng” ngày càng sôi sục. Nay người Mỹ gốc Á đang đứng ngồi không yên vì ai mới nhìn qua cũng có thể bị nhầm.

Sự phân hóa chính trị ở Mỹ chưa bao giờ tồi tệ hơn. Hai đảng không nhìn mặt nhau. Đảng Dân Chủ chưa ý thức được thời cơ mong manh của họ. Trong nội bộ đảng Cộng Hòa đang  chứng kiến một sự suy đồi trầm trọng về ý thức dân chủ qua sự truất bãi dân biểu Liz Chenney.

Joe Biden đã tái lập quan hệ bình thường với thế giới, nhưng rõ ràng ông lúng túng trước   hai thế lực Nga và Tàu đang khuynh loát toàn bộ trật tự thế giới. Trong khi quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Âu và Á đang dần dần hồi phục, quan hệ giữa Mỹ với các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ thêm phức tạp, và quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông như Saudi Arabia, Syria, Iran, Iraq, Afghanistan... chưa có lối ra. Một thí dụ: ngày 10-5, một lực lượng phản loạn ở Afghanistan cho bom nổ bên ngoài một trường trung học ở Kabul: hơn 80 người chết, phần lớn là nữ sinh của trường. Taliban không nhìn nhận là kẻ chủ mưu, nhưng nếu không phải Taliban thì là ai đây? Nga? Càng ngày, người ta càng thấy quyết định của Biden rút khỏi Afghanistan là vội vàng, thiếu cân nhắc, nhất là ngày càng rõ Putin đang chơi trò hai mặt ở nước này: vừa đứng sau lưng Taliban vừa dụ dỗ chính quyền Kabul! Chưa bao giờ chúng ta thấy một sự lúng túng khủng khiếp của Mỹ trên toàn cầu như hiện nay.

Thế mới biết, đi tìm hai chữ bình an có khi khó làm sao!

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top