Hoàng Ngọc Nguyên, AI MANG BỤI ĐỎ ĐI RỒI...

AI MANG BỤI ĐỎ ĐI RỒI...

Hoàng Ngọc Nguyên



Chị (hàng sau, tận cùng bên trái); Chó (hàng trước, tận cùng bên trái)

Chắc chắn chị em mình phải nói chuyện ít nhất một lần cuối.

            Chưa bao giờ em có một nỗi bàng hoàng, xúc động mênh mông như khi được tin chị đột ngột ra đi. Hơn mười năm trước, em đã qua Pháp để tiễn đưa Út, hiểu rằng kết cuộc này không bất ngờ đối với em và đối với anh chị em chúng ta. Em đã bay ngay xuống San Jose trước hung tín về anh Biên, dĩ nhiên chẳng chứng kiến được phút cuối cùng của anh. Nhưng trước đó, trong 2-3 năm chúng ta đã thay phiên nhau đến với anh, trong tâm trạng tuyệt vọng không nói nên lời.

Chị lớn hơn anh Biên (81 tuổi cách đây hai năm) và Út vắn số. Hai đứa em vẫn tin rằng trong nhà, nói gõ gỗ, chỉ có chị có thể sống đến 90-95 như ba mạ, vì chị sống rất giữ gìn, ăn uống, thuốc men, vận động...  Nhưng giữa lúc em và Phương vẫn chia sẻ với nhau nỗi mừng cho chị mỗi khi được gặp chị, hay nói chuyện với chị qua điện thoại để nghe chị kể về huyết áp (140-150/80-85) hay tiểu đường (A1c 6.2), thì câu chuyện đại dịch xảy ra như một định mệnh, một sự sắp xếp nhầm lẫn của ông trời không có mắt, ngoài khả năng hiểu biết, kiểm soát của chúng ta. Em chỉ nói chuyện với chị một lần khi chị còn nằm tại nhà. Và hai đứa em và Phương cứ nghĩ rồi chị sẽ lướt qua khỏi. Chị cũng tin như thế, huống gì em! Như thế mà...

Em nay trí nhớ đã hao hụt nhiều. Tên nhiều người, tựa nhiều bài hát, danh tính của nhiều nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ, tài tử... nhiều khi không nhớ được. Về mặt này đương nhiên em thua chị cho dù chị hơn em đến 10 tuổi. Chị giống mạ ở chỗ đó. Chuyện gì cũng nhớ. Chị chẳng quên tên ai hay năm sinh của ai.

Thế nhưng có những chuyện em phải nhớ thì không thể quên được.

Lúc em mới sinh ra chưa được bao lâu, năm Bính Tuất, bởi thế vẫn mang tên Chó cho đến nay, ba bị Việt Minh bắt đi vào chiến khu (1946), để lại mạ một mình nuôi năm con. Trong khi mạ quá bận rộn vì sinh kế, làm việc trong nhà thương cho ông ngoại, chị một mình phải lo cho bốn đứa em, nhưng chủ yếu cho em. Chị vẫn nói với Bồ Câu con chị: “Cậu Chó được như vậy là nhờ má mớm cho ăn từ hồi nhỏ”. Câu nói đó ít nhất đúng phần sau. Em được chị mớm ăn từ hồi nhỏ, nên cũng từ nhỏ đã nổi tiếng móm. Và chị còn chưa nói hết. Tắm rửa cho em, giặt áo quần, em đều nhờ chị. Hồi đó, chưa đến 1 tuổi, làm sao làm việc nhà giỏi như bây giờ!

Nếu ngày nay em còn thích hát, còn nhớ những bài hát thời kháng chiến, rồi sau này  thời sau chiến tranh, Pháp đã rút, ba đã về và gia đình mình dọn vào Saigon, chui rúc vào xóm Nguyễn Tấn Nghiệm, Cầu Kho... tất cả đều bắt đầu từ chị - mặc dù anh Sim cũng từng dạy anh Ổi và Chó  hát, ngồi trên giường hai tầng. Những bài hát thời đó nhờ chị đã ăn sâu vào đầu: Nương Chiều, Nhớ Người Thương Binh, Người Về, Quê Nghèo, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Tình Hoài Hương... (Phạm Duy), Giọt Mưa Thu, Buồn Tàn Thu (Đặng Thế Phong), Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương), Quê Hương, Ngày Về (Hoàng Giác), Bến Xuân, Trường Ca Sông Lô, Suối Mơ (Văn Cao), Biệt Ly (Doãn Mẫn), Cô Láng Giềng (Hoàng Quý), Dư Âm (Nguyễn Văn Tý), Tình Sầu Biên Giới (Hoàng Thi Thơ), Bến Cũ (Anh Việt), Em Tôi (Lê Trạch Lựu), Người Em Nhỏ (Nguyễn Hiền) ...  Âm nhạc thời đó đã làm nên con người của thời đó. Con người đang chịu những nỗi đau của gia đình, của xã hội, của đất nước, và đang tìm đến nhau trong một thời loạn lạc cùng cực như thế. Nhờ Chị mà em đã thành con người của thời cuộc, con người của văn hóa dân tộc. lớn lên từ Nhị Thập Tứ Hiếu, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Trê Cóc, Lục Súc Tranh Công: Trong bạn bè lứa tuổi của em, chẳng có mấy đứa có thể biết nhiều bài hát như thế. Và rất ít đứa hiểu rằng sống với nhạc dân tộc chính là sự xác định rõ ràng nguồn gốc, nhân dạng của mình.

Có lẽ chị trưởng thành như thế cũng là nhờ âm hưởng của mạ. Mạ đã bao nhiêu năm xa ba, cũng chỉ tồn tại qua những bài hát nhung nhớ như Hòn Vọng Phu, Lời Hẹn Xưa, Thiếu Phụ Nam Xương... Chó vẫn nhớ mãi đám cưới của chị năm 1958 đặc biệt có phần ca hát, anh Cao Cự Phúc, tức nhạc sĩ Hoàng Nguyên, lên hát bài Tình Anh Lính Chiến của Lam Phương. Tối đó, chị hát bài gì? Mộng Lành của Hoàng Trọng? Ngẫm nghĩ lại, chị có thể tự hào có nhiều điểm giống mạ nhất – ngay cả sự gần gũi của chị với sách báo. Đó là cách chị sống đơn chiếc, cách ly với bên ngoài mà vẫn biết và hiểu chuyện gì đang xảy ra chung quanh. Chị vẫn gọi điện thoại: “Chó! Bài tuần này của Chó chị đọc rồi nghe!”

Chị và anh Sim là người duy nhất trong anh chị em chúng ta sống với đầy đủ ý nghĩa trong tất cả các giai đoạn lịch sử đổi đời của đất nước, từ năm chị sinh ra 1936 là thời còn Pháp thuộc (i), đến thời kháng chiến của Việt Minh chín năm 1946-1953 (ii), sau đó đất nước chia cắt và gia đình “Về Miền Nam”, di chuyển vào Saigon dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Diệm bị lật đổ mới có Nguyễn Hữu Châu, mượn tên thầy Thích Tâm Châu (iii). Sau 1960 miền nam lại rơi vào tai họa “chiến tranh giải phóng” 15 năm của Việt Cộng (iv) mà kết quả cuối cùng sau năm 1975 là hơn 20 triệu dân miền nam nhờ đó mới biết được “ăn cơm còn độn khoai mì” (v). Đã muộn nhưng vẫn chưa muộn vì gia đình chị cũng sớm đi Mỹ (vi). Bởi thế cuộc sống của chị trải qua bao nhiêu khó khăn liên tiếp vì những biến chuyển thời cuộc có tính đổi đời. Những thử thách đó đã làm cho chị thực sự lớn hơn về mặt ý thức sự nhỏ bé của con người.

Thử thách lớn nhất và cũng là mất mát “vô thường” nhất là anh Cầm đột ngột ra đi. Anh chị chưa ai đến 55. Anh ra đi để chị lại đương đầu một mình trong cuộc sống trên đất khách, quê người. Bốn đứa đầu thì đã lớn đủ để chị an tâm. Nhưng hai đứa sau còn nhỏ, 16 và 13. Thử thách không ít cho người mẹ, nhưng cũng qua đó nổi bật lên “tình mẹ bao la như Biển Thái Bình dạt dào”. Chị thương mấy đứa, lo cho mấy đứa tưởng như không bao giờ đủ được mặc dù quá thừa! Qui luật của muôn đời là thế! Nước mắt chảy xuống! Cho nên em cũng rất mừng khi thấy mấy cháu ra sức báo hiếu bù đắp, đem đến những niềm vui an ủi cho chị những năm qua, cho dù đương nhiên chẳng bao giờ đủ.

Và nay chị cũng đột ngột ra đi. Sinh ký tử qui. Mất mát đương nhiên là lớn bởi vì có mấy ai muốn về. Nhưng có thể mong đợi được chăng từ những bất định của chuyến trở về này, những gì chị sẽ tìm được cũng không nhỏ. Có thể nào gặp lại bao người đã đi trước đó? Hay có dịp hát Ngày Xưa Hoàng Thị riêng cho anh Cầm nghe! Đi quanh tìm hoài. Ai mang bụi đỏ đi rồi.

Thôi thì thôi, chỉ là phù vân. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi!  Thế nào đi nữa, khoảng trống chị để lại cho những người ở lại chắc chắn không bao giờ lấp đầy được. 

Đó chính là nỗi bàng hoàng sâu đậm nhất cho mọi người hôm nay.

Hoàng Ngọc Nguyên



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top