Hoàng Ngọc Nguyên: Ai cũng cầu nguyện cho ông!

Ai cũng cầu nguyện cho ông!

Hoàng Ngọc Nguyên



Ai không đeo mạng là quyền của người đó.
    Ai uống thuốc gì là quyền của người ta!


Hay mạnh ai nấy sống. Ai chết rán chịu.
Ngày 27-5 vừa qua là một ngày lịch sử đau buồn của nước Mỹ, chỉ hai ngày sau Memorial Day. Người ta đau buồn vì chiều ngày hôm đó, thống kê chính thức đã đưa ra con số hơn 100.000 người Mỹ đã tử nạn trong thời gian chưa đến ba tháng, vì đại dịch coronavirus ông trời giáng xuống không đỡ được. Như thế, phải chăng “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”? Phần lớn mọi cái chết đều có thể thấy trước được phần nào, hiểu được phần nào nguyên do. Vì chiến tranh. Vì trận mạc. Vì khủng bố. Vì tai nạn. Vì tội ác. Vì bạo lực gia đình. Vì bệnh tật mãn tính. Nhưng COVID-19? Ai có ngờ được đâu mà ngừa? Có hiểu tường tận đâu mà chữa trị?

Nghe nói người nhiễm bệnh có những triệu chứng thông thường như nóng sốt (bởi vậy cần lấy thân nhiệt nếu có gì nghi ngờ),  ho khan, mệt mỏi, khó thở... chẳng phải là lạ. Một số triệu chứng này trùng lắp với triệu chứng bệnh cúm, làm cho người nhiễm bệnh có thể tưởng mình bị cúm, hoặc người bị cúm lại lo mình bị nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, người bị cúm thường chảy mũi hay nghẹt mũi hơn. Trung tâm Kiểm và Phòng Dịch CDC đã ghi thêm một số triệu chứng khác, như ớn lạnh, nhức mỏi bắp thịt, đau họng, nhức đầu và mất mùi vị... Phần lớn người ta mắc bệnh 5-7 ngày sau khi bị lây nhiễm, nhưng triệu chứng có thể hiện ra, nhanh thì trong trong hai ngày, lâu thì 14 ngày.

Người ta không sợ cúm mùa mà hãi hùng vì corona là vì tỷ lệ tử vong cao – có thề đến 5.5-6% số người nhiễm bệnh, mà mắc bệnh xem chừng dễ dàng cho dù đã “cảnh giác cao độ”. Tính đến chiều ngày 27-9, số  người chết trên nước Mỹ  lên tới 100.271 (con số chính xác thật khó nói vì nói gì Tổng thống cũng không tin, cho là “fake number”); số người nhiễm bệnh là 1.697.459 (con số mà tổng thống hãnh diện cho rằng đây là “badge of honor” – huân chương tưởng thưởng thành tích khám phá bệnh nhân của ông); tỷ  lệ tử vong là  5.90% - 100 người mắc bệnh thì gần 6 người thiệt mạng, ông nói cũng thấp hơn con số trung bình 6.19% của toàn cầu.

Trong cùng cách tính đó,  với 8.706 trường hợp nhiễm và 105 người chết, tỷ lệ 1.20% của Utah là thấp.  Một cách tính khác dựa trên dân số. Utah có khoảng 3.2 triệu dân, tỷ lệ người đã được thử là 6%, tỷ lệ mắc bệnh trên dân số là 0.26% - tức 10.000 người có 26 người bệnh (xấp xỉ 400/1). Còn tính cho cả nước, dân số khoảng 325 triệu, tỷ lệ được thử chỉ có 3.33%, tỷ lệ số người mắc bệnh là 0.50% - 200/1, gấp đôi tỷ lệ Utah! Dĩ nhiên, những con số này chỉ có giá trị tương đối. Ở tiểu bang Utah, hơn một nửa số người mắc bệnh đã hồi phục. Tỷ lệ người đã được thử ở Utah là 6%, trong khi toàn nước Mỹ là 3..33%.

Chẳng có gì buồn hơn cho lớp người thuộc thế hệ baby boom khi nhìn thẳng vào sự thật: đến 80% trường hợp người chẳng may là trong độ tuổi cao niên, 65 trở lên, có “tiền sử” bệnh (pre-existying condition), tức là đã có bệnh gì đó sẵn rồi – huyết áp, mỡ trong máu, tiểu đường, tim mạch, phổi... Sự thực thì trên đời này, có người già nào mà không có bệnh – bệnh này hay bệnh khác. Và đến 1/3 số tử vong là từ những nursing homes. Nhưng những con số bách phân này chẳng có gì là lạ: bình thường trong cuộc đời, trong mọi bệnh tật, người già đương nhiên thuộc lớp “tiên phong”, dễ chết hơn vì khả năng đề kháng yếu hơn trước bệnh tật. Họ đã đến tuổi mà cánh cửa đã mở sẵn, chỉ cần bệnh tật hích nhẹ là bị đầy vào. Hơn nữa, cái coronavirus này nguy hiểm hơn thập bội so với bất cứ mọi nạn cúm vi khuẩn trước đây: Ebola, SARS - nhất là vì người ta vẫn chưa thực sự biết nó. Nếu biết nó thì đã kiếm ra được vaccine phòng ngừa, thuốc chữa trị rồi - khỏi phải nghe lời người xúi dại để bán thuốc hydroxychloroquine hay chích Lysol. Nói tóm tắt, nó tàn phá nhanh chóng như một cơn bão lớn lục phủ ngũ tạng của con người – chẳng biết làm sao nó mạnh mẽ, hung tợn đến thế. Người bệnh mê man và đơn chiếc trong bệnh viện, và ra đi lặng lẽ chẳng có người thân nào chung quanh - như kiểu sinh ra thì có nhà có cửa, nhưng tử thì vô địa táng. Cả những người rất già ở những trung tâm chăm sóc cao niên dài hạn (long term care) cũng chịu hiểm tai cao hơn vì đã có sẵn vấn đề và tâm trạng khủng hoảng hơn trong khi sự chung đụng cũng khó tránh hơn.

Người ta đang nói nhiều đến hai ác mộng của thời đại này. Ác mộng coronavirus của thế hệ cao niên và ác mộng mở cửa hoạt động trở lại của những thế hệ trẻ hơn, hoặc còn đi học hoặc phải đi làm. Ác mộng của người cao niên là chuyện đương nhiên.  Tổng thống người đã nói COVID-19 chỉ là vấn đề của người già có tiền sử bệnh, cho nên đã già thì phải tự nhốt trong nhà, tất nhiên con virus này chẳng làm hại ai cả. Trong mấy ngày Memorial Day, con số người nhiễm và tử nạn xuống thấp, chỉ 500-700 người chết một ngày, so với 1.500/2.000 một tháng trước đó. Thật đáng mừng!

Bởi vậy mà người ta mới nghĩ đến hàng chục ngàn người đã chết oan. Theo báo cáo của một mô hình ước tính của Đại học Columbia, nếu từ ngày 1-3 Người đã đưa ra lệnh “social distancing” thì đã có 54.000 người không nằm trong danh sách 65.307 người thiệt mạng vì coronavirus ghi nhận ngày 3-5. Nếu ông chậm hơn một tuần thì cũng có đến 30.000 người may mắn. Nhưng ông cứ sợ “cách ly xã hội” thì ông chẳng đi vận động tái tranh cử được. Mà đây là chuyện sống chết của người.

Đáp ứng chậm và không thỏa đáng chính là nguyên nhân nước Mỹ nay có đến cả 100.000 người chết, thay vì có thể chỉ 30.000 người thôi, nếu chúng ta đã có một khởi điểm tự cách ly tốt đẹp như các nước có lãnh đạo biết tập trung vào việc nước đã làm. Nhưng tổng thống, người đã nói rồi. Ông không có trách nhiệm gì trong chuyện này. Lý luận của ông từng được đưa ra trước tòa: tập trung vào tái tranh cử để tiếp tục lo cho dân cho nước chính là đặt quyền lợi quốc gia tối thượng, mọi chuyện khác trở thành thứ yếu. Nhằm nhò gì vài chục ngàn người phải hy sinh vì đại cuộc. Lỗi lầm là từ chính quyển Obama trước đó đã để lại một di sản không toan tính gì cả cho các chính quyền sau; từ Trung Quốc đã che dấu sự thật, nay Mỹ phải trả đũa cho biết mặt; từ Tô chức Y tế Thế giới, đã ăn tiền của Bắc Kinh để đồng lõa che đậy; từ Cơ quan Kiểm dịch và Phòng dịch CDC không đưa ra những con số chính xác khiến cho người ta sợ; và từ người già, nhất là những người đã có bệnh sẵn...

Cùng với ác mộng COVID-19 là ác mộng kinh tế sụp đổ, nơi nơi người người thất nghiệp, Tổng sản lượng nội địa (Gross Domestic Product -  GDP) còn bi đát hơn trong quí 2 và thảm khốc hơn trong quí ba... Và làm sao nhà nước có thể cứ in tiền ra mà phát cho dân như phát giấy quảng cáo. Ngưòi dân ngất ngư đã đành, kinh tế ắt phải lạm phát, và ông Trump làm sao lấy phiếu được của họ. Bởi thế mà chúng ta đang thấy ông đang mớm ý: bầu cử năm nay có thể phải hoãn lại (vô thời hạn?). Và ông cứ bắt cử tri phải đi đến tận phòng phiếu, thay vì bỏ phiếu qua thư. Đó chính là một phần mặt trận của cuộc “nội chiến” hiện nay giữa hai đảng!

Nhưng khảo hướng của ông có thể nói là dị tật, nếu không nói là ác tâm (criminal), như thường lệ. Người ta tuy phải đi làm, nhưng đương nhiên phải sợ, muốn thấy chính phủ nói lên mối quan tâm đến sự an toàn và nói đến những biện pháp cần thiết như đeo mạng, giữ cách ly xã hội, không nên đi những nơi tụ họp đông người, và những quan tâm đến trẻ em liên quan đến chuyện đi học trở lại. Một số bác sĩ hữu trách trong việc phòng chống COVOID-19 như Anthony Fauci, Deborah Birx đã nhấn mạnh  chưa nên cho trẻ em trở lại đi học, mở cửa trở lại phải tuân thủ chuyện đeo mạng và cách ly xã hội. Nhưng ông ta đã dẹp bỏ tất cả những lời khuyên “tiêu cực” đó!

Ông vẫn nói những con số người chết là “fake”, bị thổi phồng. Một số người Cộng Hòa nói theo ông: sau bầu cử là hết nạn dịch, vì coronavirus là chuyện bên đảng Dân Chủ dựng lên. Ông chủ trương phải “chấm dứt bế tỏa” bằng bất cứ giá nào cho kinh tế hoạt động trở lại, người đi ra đường, công nhân trở lại nhà máy, học trò trở lại trường... Đóng cửa cũng chẳng ích gì. Đói ăn rau, đau uống thuốc. Ông làm gương về sự bình thường hóa bằng cách nhất quyết không đeo mạng. Ông phòng ngừa bằng cách dùng loại thuốc “không được chứng nghiệm” mà còn bị cơ quan y tế liên bang xem là nguy hại cho tính mạng người bệnh. Ông khoe “Tôi đã dùng cả mười ngày nay, có sao đâu”. Ông lại còn hăm he: Nếu đại dịch bừng phát trở lại, đừng hòng tôi sẽ đóng cửa trở lại. Lửa bừng phát ở đâu, dập nơi đó”.

Ngày 26-5, tin tức cho biết có ít nhất 17 tiểu bang số trường hợp nhiễm đang tăng trở lại.  Tạp chí y khoa cực kỳ có uy tín Lancet đã lên tiếng phê phán nghiêm khắc cách lãnh đạo đất nước chống đại dịch của ông nhưng chỉ nhằm gây phân hóa nhân tâm, thù ghết chủng tộc, là “tắc trách” và “vô ý thức” và nói đất nước vĩ đại như Hoa Kỳ không thể chấp nhận một sự lãnh đạo độc đoán như thế. Ông “không thèm” trả lời – lần đầu tiên khi bị phê phán nặng như thế. Vấn đề là ông đã thành ác mộng có thực cho dù mùa hè chưa đến.

Cầu trời mỗi người mang mạng che mặt đi ra đường, thận trọng giữ cách ly xã hội theo ý thức “bản năng cơ bản” của mình, và đừng uống thuốc bậy, chich thuốc bậy bởi vì mê tín nhẹ dạ chuyện bất nhân.

Tổng thống có thể không lo hết cho dân, vì lo không xuể. Nhưng người dân chỉ có mỗi một ông để lo, để cầu. Nhất là vì ông đã lớn tuổi, cho dù khi lao vào tái tranh cử, có lẽ ông quên nhận thức điều đó. Ông cũng có bao nhiêu tiền sử bệnh, như bà Chủ tịch Quốc Hội Nancy Pelosi đã nhắc khéo. Ông cũng có vấn đề tâm thần là điều ai cũng thấy, cho nên ông phải uống thuốc chống sốt rét. Trong hai ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong 23-24 ông chơi golf một mình, không đeo mạng. Bác sĩ Birx nói đeo mạng là chuyện an toàn tối thiết cho mình, cho người. Bác sĩ Fauci nhấn mạnh thêm: Là người có trách nhiệm, tôi đeo mạng chính là để làm gương. Tổng thống Trump? “I don’t care”.

Cho nên ai cũng ngày đêm cầu nguyện cho ông. Chính là cầu nguyện cho chính mình trong 155 ngày nữa.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top