Hoàng Ngọc Nguyên: 200 NGÀY DÀI ĐẰNG ĐẲNG

Hoàng Ngọc Nguyên

200 NGÀY DÀI ĐẰNG ĐẲNG




Lời Tòa Soan: Hiện nay, câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ ra cho nước Mỹ nếu ông Trump đắc cử năm 2024?  Năm 2017, ông Trump chưa bị kết 91 tội hình sự và chưa bị đưa ra tòa tiểu bang New York về tội thổi phồng giá trị bất động sản và cả lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ đều nằm trong tay đảng Cộng Hòa. Từ ngày đó đến nay, Hoa Kỳ đã được chứng kiến những xáo trộn chưa từng xãy ra trong thế giới chính trị của Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hòa của Lincoln, của Ronald Reagan đã biến dạng thàng đảng của Trump.  Nhưng nhiệm kỳ đầu, tổng thống Trump đã làm được gì: ông không dẹp nổi Obamacare, không xây được tường Trump và nhất là không dẹp nổi … kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 mà ông cho là “tụi nó đã cướp của ông”?

Bài viết này cuả nhà báo Hoàng Ngọc Nguyên năm 2017, 6 tháng sau khi ông Trump làm tổng thống cho thấy những xáo trộn chưa từng xảy ra tại Hoa Kỳ. Đọc lại để độc giả có thể tự trả lời về câu hỏi: có hay không một nhiệm kỳ 2 của “tổng thống” Donald Trump?
*
Cuối tháng bảy, đầu tháng tám (2017), hầu như người ta chỉ có mỗi một đề tài trong câu chuyện hàng ngày: ông Trump sáu tháng, hay ông Trump 200 ngày. Bởi vì tính từ ngày ông chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc nhậm chức tổng thống 20-1, thì nay ông vừa qua sáu tháng hay 200 ngày. Và đương nhiên chúng ta chẳng thiếu gì chuyện để tổng kết nửa năm đầu của ông, chẳng phải vì giới truyền thông báo chí nhiều chuyện và bịa ra những “fake news” như ông Trump vẫn phàn nàn, mà chính vì ông nhiều chuyện, ngày nào cũng tweet, giờ nào cũng tweet, sáng trưa chiều tối,  cho nên báo chí trong chức năng của mình phải cho người dân biết ông tweet cái gì, cho dù ông nói tweeting này là cách ông thông đạt hữu hiệu nhất với người dân, không qua báo chí, khỏi sợ bị “xuyên tạc”. Điều người ta nay cũng thấy rõ hơn là vì ông chỉ ôm i-phone để tweet cả ngày cho nên đương nhiên khi người ta phải nhìn lại những gì ông đã làm được trong thời gian đầu đầy thách đố, quyết liệt và có tính quyết đinh này, người ta chẳng thấy gì cả. Vì chẳng thấy gì cả, cho nên CNN tổng kết tạm thời: “Trump’s first six months in office: 991 tweets and 0 pieces of major legislations” – sáu tháng đầu tại nhiệm của ông Trump: 991 lần tweet và 0 sắc luật nào quan trọng được thông qua.

Thông thường, ba tháng đầu của một tân tổng thống là thời kỳ trăng mật giữa Tòa Bạch Ốc và phía đối lập. Theo qui luật văn hóa chính trị bất thành văn về “civility” hay “political correctness” hai bên phải “tương kính như tân” – kính trọng nhau như khách.  “Cư xử văn minh” hay “tư cách chính trị” là điều mà giới chính trị Mỹ vẫn xem là cần thiết để duy trì tinh thần thỏa hiệp và khả năng hợp tác giữa hai đảng, để tránh “nội chiến” chính trị, tránh sự thù hằn, ghét bỏ, phá hoại qua lại. (Một ví dụ đáng làm bài học quốc văn giáo khoa thư là mới đây, cựu Tổng thống George W. Bush đã “tiết lộ” cựu Tổng thống Bill Clinton là người em cùng cha khác mẹ với mình, khi ông Clinton, theo thông lệ hàng năm, đến thăm cả hai cha con ông Bush tại Texas). Và văn minh chính trị nói ở đây thường được thể hiện nơi ngôn ngữ, theo tinh thần “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thế nhưng ông Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử lại chỉ nhằm gây hận thù cho nên dứt khoát bác bỏ những chuyện “tuế toái” đối với ông không cần thiết như tư cách, nhân cách, lịch sự, văn minh, văn hóa này. Thay vì tranh luận, ông đã mạt sát các ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử với ông – nhờ thế mà đánh bại tất cả những người này. Ông đã nặng lời thóa mạ bà Hillary Clinton, gọi bà là “Crooked Hillary”, và đã thắng được ứng cử viên Dân Chủ này trên đường chạy vào Tòa Bạch Ốc. Khi thua bà Clinton khá nặng ở số phiếu phổ thông, ông đổ ngay cho bầu cử gian lận. Bởi thế khi đã là tổng thống ông chẳng những duy trì, mà còn leo thang chính sách thù nghịch chống các đối thủ chính trị và nhất là giới truyền thông trong cả sáu tháng qua. Bởi thế tuần trăng mật chẳng có, mà cả sự chuẩn bị chu đáo về mặt lập pháp để thực hiện những lời hứa của mình với cử tri cũng chẳng làm được.

Chúng ta nay đã quen với cách nói của vị tổng thống của mình. Khi đắc cử, ông đắc chí: We had a massive landslide victory - Chưa tổng thống nào sau ông Ronald Reagan đắc cử với số phiếu cao như tôi. Nhưng thực ra, chiến thắng này chẳng có gì ‘trời long đất lở” cả; về mặt phiếu phổ thông ông Trump thua bà Clinton cả 3 triệu phiếu; về mặt phiếu cử tri đoàn, ông được 306, so với ông Bush cha năm 1988 được 422 phiếu, ông Clinton được 370 phiếu năm 1992 và 379 năm 1996, và ông Obama được 365 phiếu năm 2008 và 332 năm 2012; Trump chỉ hơn được một người: ông Bush con năm 2000 được 271 phiếu thắng sít sao vất vả ông Albert Gore, và năm 2004 thắng ông John Kerry với số phiếu 286. Khi đưa tay tuyên thệ nhậm chức, ông cũng nhìn quanh và tấm tắc: Chưa có một lễ nhậm chức nào người đi xem đông như lễ nhậm chức của tôi! Sự thực, tính gần nhất, lễ nhậm chức của ông cũng thua xa hai lần nhậm chúc của ông Obama; và điều châm biếm nhất, một cuộc tuần hành của phụ nữ phản kháng ông Trump (Women’s March) đươc tổ chức ngay  ngày sau đó (21-1) chẳng những ở Washington, D.C, qui tụ hơn một triệu người xuống đường, đông hơn hẳn ngày nhậm chức của ông, mà còn ở nhiều thành phố lớn của Mỹ và thủ đô một số nước Châu Âu. Ông Trump không tranh luận gì về những cuộc tuần hành “giả tạo” này.

Không biết họ “Trâm” của tổng thống Mỹ có liên quan gì với họ Nhậm của Trung Hoa, nhưng Donald có nhiều mặt giống Ngã Hành, thích được tôn sùng. Vì bị giới truyền thông đồng loạt tẩy chay, ông Trump chưa hề nghe lọt lỗ tai bất cứ bình luận nào từ những người nhận định thời cuộc. Đã thế thì ông có cách khác, cho dù “hơi” dị hợm: ngày 12-6, ông triệu tập một phiên họp nội các đông đủ thành viên và mời báo chí truyền hình đến chứng kiến; phiên họp chẳng bàn chuyện gì, chỉ có một việc: các ông bà bộ trưởng thay phiên nhau đứng dậy ca ngợi thành quả xuất sắc của “Tổng thống anh minh” sau 145 ngày và bày tỏ lòng tri ân được phục vụ dưới trướng và thể một lòng một dạ trung thành với “Trâm” giáo chủ. Ông Trump ngổi nghe, mặt vênh lên, cười mãn nguyện. Ông Trump là như thế.

Cuối tháng tư, ông Trump từng nói: “Chưa có tổng thống nào trong 100 ngày đầu đã làm được lắm chuyện như tôi, thực hiện được nhiều lời hứa (cuội) với cử tri như tôi”. Bởi vì 100 ngày là quá ngắn ngủi, và người ta chưa thấy gì, cho nên người ta cho ông thêm 100 ngày nữa để ông nói lại. Sự thực là sau 200 ngày, người ta cũng chưa thấy được gì, hay chỉ thấy “mưa sa trong màu cờ” của ông Trump - những điều ông không muốn người ta thấy!

BBC là cơ quan thông tấn của Anh, không phải của Mỹ, khó đổ cho BBC là báo chí dòng chính “cấp tiến, khuynh tả” của Mỹ cay cú vì bà Clinton thất bại khiến cho họ bị hỏng giò. Tiếng nói của BBC có thể được xem là tiếng nói phổ thông từ bên kia bờ Đại Tây Dương. BBC viết về sáu tháng của ông Trump: “Donald Trump nhận nhiệm sở với lời hứa thay đổi bộ mặt của chính trị Mỹ và giao trả quyền lực “trở lại cho nhân dân”. Như thế, tính ra ông đã làm được gì ở thời điểm sáu tháng này? … Donald Trump là một trong những tổng thống xa rời quần chúng nhất trong thời hiện đại. Tỷ lệ đồng tình ủng hộ dành cho ông cứ quanh quẩn ở mức 39% sau sáu tháng tại chức, theo thăm dò của hãng Gallup. Tổng thống Barack Obama và George W. Bush vào thời điểm này ở mức 56%. Chúng ta phải đi trở lại dưới thời Gerald Ford đế có một tổng thống đạt mức điểm thấp tương tự như ông Trump hiện nay, Nhưng mức chống đối của ông Ford chỉ có 45% so với kỷ lục của ông Trump là 56%.

Có thể nói thêm BBC không đề cập thăm dò của Washington Post/ABC công bố ngày 18-7 với tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ có 36%, trong khi tỷ lệ chống đối: 58%”. Chúng ta có thể suy luận sự ủng hộ cho ông Trump xuống liên tục là vì ngay trong hàng ngũ những người Cộng Hòa ủng hộ, số người mệt mỏi và ngờ vực ngày càng đông. Và chúng ta cũng có thể đoán ông Trump phản ứng thế nào trước con số 36%: “Thăm dò của ABC/Washington Post, dù gần đến 40% (!) cũng chẳng là tệ vào lúc này, nhưng đó vẫn là thăm dò không chính xác nhất như ta đã thấy trong bầu cử”. Thực ra, thăm dò này rất chính xác: trong bầu cử họ đưa ra con số 47% cho bà Clinton và 43% cho ông Trump, so với thực tế là 48.5% cho bà và 46.4% cho ông - cộng với một sai số là 2.5%. Tuy nhiên, ông Trump vẫn quen với cách bào chữa đó: cái gì không hay cho ông thì là “fake”, còn cái gì “fake” nhưng tốt cho ông thì “real”.

Khi ông Trump đắc cử tổng thống và sau mấy tháng thao túng quyền hành pháp nhưng rồi cũng chẳng làm được gì, nhiều người đã lo ngại về sự tê liệt, hư hỏng của nền dân chủ Mỹ. Sự lo ngại này là có lý, và đương nhiên vẫn còn đó vì chúng ta vẫn chứng kiến một sự ngưng trệ bế tắc của ba ngành chính phủ. Nhưng kết quả thăm dò dân ý trong mấy tháng qua và những “thành tích” bất lực của ông Trump trong nửa năm đầu nay cho ta một niềm tin: dân chủ Mỹ đang trổi dậy (resilience), người dân vẫn có tiếng nói (như thăm dò cho thấy), và những ước vọng, quyền lợi thiết thực của họ vẫn phải là trọng tâm trong những quyết định của chính quyền, hay vẫn có khả năng ngăn chận mọi sự lạm dụng của người có quyền lực. Là một người mấy chục năm qua vẫn quen nếp điều hành kinh doanh theo kiểu độc đoán, khi lên làm tổng thống ông cứ nghĩ mình la vua, muốn gì được nấy, nay ông Trump có lẽ bắt đầu hiểu rằng chẳng phải khi đã được ngồi ở Tòa Bạch Ốc là ông muốn gì được nấy, và ông có thể hiểu được sự khác biệt giữa công bộc với gia nhân, giữa con người và nô lệ.

Cái bẽ bàng nhất cho Tổng thống của chúng ta trong những bữa tiệc tại Nhà Trắng khoản đãi các thượng nghị sĩ Cộng Hòa nhân dịp 180 ngày là đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện cuối cùng đã bó tay trong dự luật y tế mà họ đưa ra nhằm “hủy bỏ” (repeal) Obamacare và thay thế bằng những qui định mới về bảo hiểm y tế dành cho người có lợi tức thấp, cho người có tiến sử bệnh (pre-existing conditions)… Thêm một lần nữa đảng Cộng Hòa lại thất bại trong chuyện REPEAL VÀ REPLACE, bởi vì họ cố tình quên trong tự điển còn có chữ công hiệu hơn: REPAIR. Repeal là “giết”, là phá hết, đương nhiên làm người ta bất an, vì chẳng biết không còn Obamacare thì người ta làm sao mà sống. Replace là thay thế thì đương nhiên chẳng phải là chuyện làm một ngày một bữa, vì thay thế thì phải tốt hơn cũ, không thể thay thế bằng những thứ tệ hại hơn. Thế nhưng bao nhiêu lần tìm cách thay thế, cả Hạ Viện do Cộng Hoa kiểm soát, cả Thượng Viện cũng do Cộng Hòa kiểm soát, đều mở ra một tương lai xám xịt cho y tế đại chúng: bảo phí gia tăng, dịch vụ y tế thêm đắt đỏ, khan hiếm, phúc lợi ít hơn, và số ngưòi không có bào hiểm, hay mất bào hiểm tăng vọt. Duy trì những phúc lợi đã có cho người già, người nghèo, nhất là Medicaid, cho người có tiền sử bệnh, kiểm soát các công ty bảo hiểm để tránh sự lạm dụng, và khuyến khích cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm bằng cách không loại trừ khả năng có thể có một hệ thống bảo hiểm chỉ một mình nhà nước trang trải mọi chi phí (single-payer healthcare)… là những điều hấp dẫn cho đại chúng, nhưng lại là “sản phẩm” của Obamacare, nên người ta tránh dùng, vì sợ mang tiếng “bỏ cũng như không”. Nhiều người Cộng Hoa muốn chứng tỏ là người Cộng Hòa “thuần chủng” lại còn đòi cắt giảm Medicaid, Medicare, buộc những người không có khả năng phải “tự lực cánh sinh”. Bởi thế, nói “repeal” thì dễ, làm repeal thì khó. Bởi vì repeal thì phải replace toàn bộ. Và điều này thì tranh cãi không cùng, và những dự án thay thế của Cộng Hòa bị bế tắc chính là vì một số nữ nghị sĩ Cộng Hòa (Susan Collins, Lisa Murkowski, Shelley Caputo) ái ngại khi hủy bỏ toàn bộ Obamacare làm nguy hại đến lợi ích sống còn của người dân thấp cổ bé miệng. 

Không có cách mô tả nào khác: ông Trump, vốn điên sẵn, đang phát điên về chuyện này. Cho dù ông Trump trong sáu tháng qua đã nói nhiều chuyện vĩ đại, trong thực tế ông chỉ nhằm vào một mục tiêu duy nhất: tiêu diệt cho bằng được Obamacare.

Ông nhắm vào Obamacare thì ít (thực ra, người ta nói ông chẳng biết gì mấy về Obamacare vì nói chung chuyện gì ông cũng biết lơ mơ) mà nhắm vào ông Obama thì nhiều. Ông muốn xây dựng tượng đài của ông, bởi thế ông phải triệt hạ cho bằng được tượng đài Obama để có chỗ cho tượng đài của ông. Tuy bị mang tiếng là tác giả của Trumpcare, ông thực sự chẳng có dự luật nào của riêng ông (cách ông nói thì ông chẳng biết y tế đại chúng là gì). Hạ Viện từng thông qua luật American Health Care Act đầu tháng năm vừa qua, nhưng Thương Viện lại đưa ra dự luật riêng của mình. Sau bao nhiêu lần sửa đổi lui tới, họ vẫn không đủ 50 phiếu thông qua, dù Cộng Hòa có 52 người tại viện trên. Ông Trump phát khùng là phải. Bắt ông chờ mãi trong khi ông ngày thì đứng ngồi không yên đêm nằm chỉ thấy ác mộng, và báo chí đang đặt câu hỏi liệu một tồng thống có thể ban hành lệnh tự ân xá cho mình hay không. Nhưng nếu chuyện đời dễ thế thì Tổng thống Richard Nixon năm 1974 đã tự tha cho mình.

Ngày 18-7, khi thấy Thượng Viện vẫn bế tắc, ông phát khùng: “Thôi, đừng làm gì nữa. Cứ để cho Obamacare hỏng (let Obamacare fail) thì đương nhiên những người Dân Chủ sẽ phải tìm đến chúng ta van xin”. Ngày hôm sau, nghĩ sao ông lại điên hơn nữa, thúc giục các thượng nghị sĩ Cộng Hòa “Thôi, cứ hủy bỏ Obamacare đi đã, chuyện gì tính sau”. Và ông ra lệnh, cứ như là vua: “Không ai được rời Capitol Hill nếu chưa bỏ phiếu repeal”. Cái chuyện hủy bỏ Obamacare bất kể mà không có gì để thay thế, đương nhiên chỉ có người điên mới nghĩ ra và người điên mới chấp nhận. Ông Trump không cần biết đến hàng chục triệu người đang thấp thòm vì mất bảo hiểm, mất Medicaid, nhưng các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa, sang năm là bầu cử giữa mùa, họ phải đặt quyền lợi cụ thể của mình trên quyền lợi của đảng, cho dù có khi đặt quyền lợi thực tế của đảng trên quyền lợi mơ hồ của đất nước.

Đương nhiên, trong sáu tháng qua chẳng phải chỉ có chuyện này. Chuyện ông giao tranh hàng ngày qua tweeting với giới truyền thông, cứ tố họ là “fake news”, trong khi họ  công bố những danh sách dài dằng đặc: “Những lời nói láo của Trump”, “nhưng phát biểu của Trump về Putin và Nga”, “Những lời hứa nhăng hứa cuội”… Chuyện ông dòm ngó mặt m4ui, thân hình phụ nữ, lúc thì ăn nói dơ dáy, lúc thi tán tỉnh bất kể… Chuyện nói một đàng làm một nẻo: “Buy American, Hire American”, nhưng những trung tâm giải trí của ông chỉ mướn người ngoài chủ yếu đến từ Mexico, nơi mà ông cứ đòi xây tường...

Nhưng nổi bật hơn cả là chuyện Trump và Putin, ngày càng cho thấy có những chứng cớ chính Trump và ngưòi trong gia đình ông đã móc nối với người Nga trong bầu cử để đánh bại bà Clinton là kẻ thù chung của Trump và Putin. Ông Trump ngày càng khó nói: “Tôi chẳng liên quan gì cả, có phải không?”. Nay ông chỉ có thểnói uất ức: “Đã thế tôi chẳng bổ nhiệm ông Jeff Sessions làm bộ trưởng tư pháp. Ông Sessions chẳng công bằng với tôi”. Sở dĩ ông nói thế là vì ông Sessions, tuy là tổng biện lý của chính quyền Trump, lại xin đứng ra ngoài cuộc điều tra về vụ án Nga kết nối với ông Trump can thiệp vào bầu cử. Vì ông Sessions rút lui, ông Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosentein mà ông Trump cũng chẳng biết mấy đã bổ nhiệm cựu giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố đặc biệt (special counsel) điều tra vụ án này và càng ngày ông Mueller càng đến gần sự thật mà ông Trump không làm sao ngăn cản được và dường như chỉ có một caáh mà ông chưa tìm ra: ngưng chức ông Mueller vì ông Mueller “không đủ trung thực, khách quan, công bằng”! Ông Trump từng tố ông Mueller là bạn ông James Comey, người bị Trump ngưng chức giám đốc FBI vào đầu tháng năm!
Chuyện 200 ngày cũng còn dài, nhưng sáu tháng với ông Trump này cũng đã quá đủ với quần chúng cho dù ông Trump có lúc mơ tưởng nhiệm kỳ thứ hai!

Hoàng Ngọc Nguyên



  
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top