Đào Văn Bình, TU THEO HẠNH ĐẦU ĐÀ  Hay NHẬP THẾ ĐỘ SANH?

Đào Văn Bình

TU THEO HẠNH ĐẦU ĐÀ 

Hay NHẬP THẾ ĐỘ SANH?
        


Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt  tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.

        Sở dĩ sư Minh Tuệ được quần chúng ngưỡng mộ là vì :

-Sư là biểu tượng của sự đoạn diệt được lòng tham vì sư không nhận tiền bố thí mà chỉ nhận nước uống và đồ ăn trước giờ ngọ và không nhận nhiều để dành cho ngày hôm sau, trái ngược với lối sống của một số tăng ni sống sa hoa với điện thoại, xe sang và đồng hồ Rolex, kêu gọi Phật tử đem hết tài sản cúng chùa hầu được phước, gom góp tiền bạc của Phật tử gửi về cho cha mẹ xây nhà.

-Sư là biểu tượng sống động của thời Đức Phật còn tại thế với đầu trần, chân đất, y may bằng những mảnh vải nhặt được ở đống rác hay nghĩa địa. Sư không nhận những tấm vải đẹp do Phật tử bố thí. Sư không an trú tại bất cứ nơi nào quá ba ngày và tiếp tục du hành như thế cho đến chết.

-Sư là biểu tượng của sự tận diệt cái ngã khi xưng “con” với mọi người, khác hẳn với một số sự trẻ mới 30 tuổi mà xưng “thầy” và gọi các cụ 70, 80 tuổi là “con”. Sư khiêm tốn nói rằng mình không chứng đắc gì cả mà chỉ làm theo những gì Phật dạy. Ngày xưa chư Tổ chứng đắc rồi mới đăng đàn thuyết pháp. Ngày nay do nhu cầu hoằng pháp, các chùa đã tổ chức các lớp huấn luyện giảng sư trẻ, đời tu chưa bao nhiêu cho nên nói thì hay nhưng lời nói không đi đôi với việc làm khiến tổn hại tới giá trị của Đạo Phật và làm hoen ố các vị tu hành chân chính.

-Sư là biểu tượng của sự đoạt diệt si mê mà ngày nay có cả trăm ngàn thứ si mê đang say đắm lòng người như nữ trang, son phấn, quần áo, tiện nghi, xe cộ, ca nhạc, ma túy, tuyển lựa ca sĩ, thi hoa hậu, trẻ con mới năm ba tuổi  đã biết ca hát, nhảy múa trên sân khấu…

        Theo tôi, sự tôn kính nhiệt thành của quần chúng đưa tới hai hệ quả và cho chúng ta thấy:

-Đây là hình ảnh sống dậy của đạo Phật đang bắt sâu vào lòng quần chúng vốn là nền tảng tâm linh và đạo đức của dân tộc qua gần hai nghìn năm. Đó là dấu hiệu vô cùng đáng mừng. Đây là thành quả và công lao của bao tăng ni đã miệt mài công đức, ít ra là trong nửa thế k qua. Sự bùng nổ của kỹ nghệ truyền thông và “bùng nổ” của những buổi thuyết pháp tại chùa hay trên các diễn đàn đã đem giáo lý của Đức Phật tới tận nhà của người dân. Trong cuộc sống đầy lo toan và căng thẳng đến chóng mặt của thời đại “Toàn cầu hóa” và “Cách mạng khoa học, kỹ thuật thứ năm” người dân đã bắt đầu thấy cần thiết phải có “ông Phật” trong tim hay trong nhà mình.  Khi nhìn thấy sư Minh Tuệ, quần chúng nhớ tới hình ảnh của Đức Phật năm xưa.

-Thế nhưng sự tán dương quá nhiệt tình của quần chúng đưa tới quan niệm cho rằng chỉ có sư Minh Tuệ là tu theo chánh pháp còn hàng chục ngàn tăng ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện kia không tu theo chánh pháp, không phải là hình ảnh sống động của Đức Phật và các đại đệ tử khi Phật còn tại thế. Hình ảnh tăng ni hiện tại đang bị suy giảm trước nhãn quan của quần chúng.



        Là người học Phật, tha thiết đến đạo pháp và tiền đồ của dân tộc chúng ta phải suy nghĩ như thế nào?


-Có phải tu theo sư Minh Tuệ là theo đúng chánh pháp và phải tu như vậy chăng?
Đúng vậy, tu theo sư Minh Tuệ là theo đúng chính pháp nhưng đó không phải là pháp tu duy nhất. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng, “Pháp của Như Lai không hề có thấp cao” tức tu pháp nào cũng được, tùy theo căn cơ và tu đến nơi đến chốn. Còn trong Kinh Viên Giác (*) Đức Phật dạy ngài Phổ Giác Bồ Tát rằng, “Nếu có người nói rằng tôi diệt hết tất cả phiền não, thân-tâm hoàn toàn không, không có, huống là cảnh giới hư vọng của căn trần, tất cả đều là vắng lặng để cầu Viên Giác. Nhưng tính Viên Giác không phải là tướng vắng lặng, cho nên gọi đó là bệnh.” Rồi Đức Phật dạy ngài Viên Giác Bồ Tát, “Những chúng sinh có đủ căn tính đại thừa, hoặc Đức Phật còn tại thế hoặc sau khi Phật nhập diệt, hoặc đương thời mạt pháp muốn tu hành hoặc trụ trì một cảnh chùa, lĩnh coi đồ chúng mà có duyên sự thì tùy phận quán xét như tôi đã nói.” Như lời Phật đã dạy ngài Phổ Giác trong phần ở trên như sau, “Tuy là hiện trần lao, làm việc khó nhọc ở đời mà tâm thường thanh tịnh, thị hiện ra có lỗi lầm để tán thán hạnh thanh tịnh, không để chúng sinh sa vào chỗ không giới luật uy nghi.”

-Sư Minh Tuệ theo hạnh tịch tĩnh, không nhận đồ chúng (đệ tử và Phật tử) sống riêng một mình, không tăng đoàn, khổ hạnh…để đọan trừ phiền não giống như hạnh của các vị La Hán. Thế nhưng còn cả ngàn tăng ni đang trụ trì các ngôi chùa, thu nhận đệ tử và phục vụ quần chúng đang là các Bồ Tát nhập thế để “hằng thuận vì lợi ích của chúng sinh” thì sao?




-Tu theo hạnh Đầu Đà vì không còn tiếp xúc với đời cho nên ít hoặc không còn phiền não, tuy khổ hạnh nhưng dễ tu. Còn khi đã nhập thế thì “gần bùn” cho nên dễ “hôi tanh mùi bùn” và khó tu hơn và rất dễ sa ngã. Chính vì thế mà các bậc tu hành, an trú tại một tự viện, thu nhận đệ tử, giáo hóa và làm theo lợi ích của chúng sinh mà tâm không hề để “hôi tanh mùi bùn” như Lục Tổ nói rằng, “Hà xứ nhạ trần ai?” thì đích thực đây là các thánh tăng. Cho nên chúng ta không thể coi thường các vị đang tu hành chân chính tại các chùa, tịnh xá và tu viện.


- Cứ thử tưởng tượng khoảng ba chục ngàn tăng ni trong nước và cả ngàn tăng ni hải ngoại bỏ cả chùa chiền, tu viện thành hoang phế để tu theo hạnh Đầu Đà để cho đúng chánh pháp và được quần chúng ngưỡng mộ thì Phật Giáo sẽ ra sao?


Theo tôi Đạo Phật sẽ hủy diệt. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ là vì sau khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử của ngài lui vào các hang động và núi rừng để ẩn tu và không thành lập được một giáo hội và các cộng đồng Phật tử vững mạnh tại các đô thị lớn. Chính vì thế mà Phật Giáo không có ảnh hưởng hay sức mạnh để tác động tới chính quyền và sự tồn vong của đất nước. Sự thành lập một giáo hội và các tăng đoàn rất quan trọng. Chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, là nơi tu học và hằng thuận vì lợi ích của chúng sinh như Vu Lan Báo Hiếu, các lễ Hằng Thuận, cầu an cho gia đình và cầu siêu cho vong linh người đã khuất, nuôi dạy cô nhi cùng tổ chức các đại lễ cầu Quốc Thái Dân An cho quốc gia. Cứ thử tưởng tượng cả chục ngàn tăng ni lang thang khắp đất nước, ngủ ở núi rừng, nghĩa trang, gò mả, ngày ngày đi xin ăn… lúc đó sẽ là hình ảnh không đẹp, mất vệ sinh và gây khó khăn cho đời sống của người dân. Với đời sống cá nhân như thế, không tăng đoàn thì làm sao tổ chức được các đại hội Phật Giáo trên toàn thế giới để nói về những vấn nạn của thời đại như biến đổi khí hậu, bạo động, chiến tranh, con người chạy đua theo vật chất quá đáng? Không hợp quần, không tổ chức thì làm sao có được đại lễ Vesak nhân ngày Phật Đản với sự tham dự của các tổ chức Phật Giáo trên toàn thế giới cùng với sự tham dự của Liên Hiệp Quốc và các vị lãnh đạo quốc gia của các quốc gia Phật Giáo? Phật Giáo đã trải qua hơn 2600 năm. Cốt tủy của Đạo Phật vẫn còn nguyên nhưng pháp tu phải thích ứng với thời thế theo lời dạy “Tùy duyên nhưng bất biến”. Nam Tông tu hơi khác Bắc Tông và Mật Tông, nhưng Tâm của tất cả đều “đồng một pháp tính”. Tất cả đều là con Phật và đều thành Phật.

-Với trình độ văn minh, khoa học và đầu óc chuộng luận lý (logic) người Hoa Kỳ và Âu Châu không quý trọng lối tu khổ hạnh hay ép xác đã có trong tôn giáo của họ từ ngàn xưa. Họ quý trọng một người tu hành bình thường nhưng có phẩm hạnh và trí tuệ tuyệt vời và nhất là lòng Từ Bi và bao dung. Cho nên pháp tu Thiền và ngày nay Mật Tông đã phát triến mạnh trong thế giới Tây Phương. Nếu hình ảnh và lối sống của sư Minh Tuệ được phổ biến ở các quốc gia Tây Phương họ sẽ ngạc nhiên tự hỏi, “Tu ép xác như vậy để làm gì? Bộ tu hành trong các tu viện không chứng đắc và giải thoát sao?” Đạo Phật được cả thế giới ngưỡng mộ không phải vì pháp tu khổ hạnh mà là một tôn giáo của trí tuệ, hòa bình, bao dung, bình đẳng và bảo vệ môi trường.

       

 Vậy thì quý Phật tử Việt Nam chớ vì lòng cung kính với sư Minh Tuệ mà coi nhẹ bao nhiêu tăng ni trong và ngoài nước đã và đang tu hành chân chính, làm công việc cứu khổ, độ sinh và giữ gìn giềng mối tâm linh, đạo đức cho dân tộc trong bao nhiêu năm qua. Bản thân tôi rất quý trọng cá nhân và pháp tu của sư Minh Tuệ nhưng đó không phải là pháp tu duy nhất.    Phật có tới 84,000 pháp môn cho tăng ni, tùy căn cơ và hạnh nguyện của từng người. Hiện có một vị sư Trung Hoa đang hoằng pháp tại Phi Châu. Sư đã phát nguyện sau khi vãng sinh, ngài sẽ tái sinh tại Phi Châu để tiếp tục làm công việc hoằng hóa chúng sinh tại lục địa đen này. Phải chăng đây là một vị bồ tát vào chốn trần lao gian khổ để giáo hóa chúng sinh như lời dạy của Phật trong Kinh Viên Giác mà đâu cần phải tu theo hạnh Đầu Đà?

        Sư Minh Tuệ là đóa hoa thơm trong vườn hoa Phật Giáo nhưng còn rất nhiều đóa hoa quý  khác thường như Đạt Ma Tổ Sư rồi tới Lục Tổ, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Bồ Tát Quảng Đức và bao thánh tăng, thiền sư của Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma của thời đại ngày hôm nay. Xin cúi đầu đảnh lễ tất cả.

        Thế giới này là thế giới của Nhị Nguyên tương đối và không thể có Tuyệt Đối. Chỉ có Tâm là thành Phật còn thế giới vật chất thì muôn đời vẫn như thế. Trước khi Phật ra đời con chim đã ăn con sâu. Khi Phật thành đạo và chuyển pháp luân con chim vẫn ăn con sâu. Và sau khi Phật nhập diệt, con chim vẫn ăn con sâu cho tới ngày hôm nay. Dù Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành Phật nhưng vẫn không thay đổi được thế giới này đó là Luật Vô Thường và Sinh-Lão-Bệnh-Tử . Khi đói Phật vẫn phải ăn. Do đó con đường đúng đắn và dòng chính vẫn là Trung Đạo, tức sống ở đời bình thường nhưng giữ nghiêm giới luật và vui với đạo như lời dạy của Phật Hoàng Trần Nhân Tông,  “Cư trần lạc đạo” và đặt đức Từ Bi lên hàng đầu. Còn Phật xuất thế thì phải chờ thêm vài ngàn năm nữa.

Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 10/5/2024)


(*) Bản dịch của Cụ Thích Huyền Cơ, Hà Nội 1952


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top