Bút ký Hoàng Ngọc Nguyên HAI ANH EM TÔI

Bút ký Hoàng Ngọc Nguyên

 
HAI ANH EM TÔI



Nhà văn Hoàng Ngọc Biên

Lời Diễn Đàn: Bài này được viết năm 2018 và đã đăng tải trên tuần báo Saigon Weekly số #26. Nhà văn Hoàng Ngọc Biên đã qua đời vào ngày 16.5.2019 tại San Jose (Mỹ) ở tuổi 81. Saigon Weekly xin đăng lại bài viết này như một nén hương tưởng niệm người quá cố,




Ba an hem nhà họ Hoàng: Hoàng Ngọc Lương (trái) Hoàng Ngọc Biên (giữa) và tác giả, Hoàng Ngọc Nguyên (phải)

Bài viết này dành cho anh tôi Hoàng Ngọc Biên, chủ yếu kể lễ cho anh nghe những chuyện xưa tích cũ của một thời 60-70 năm trước, rất xa xưa khó nhớ khi người ta đã đi vào tuổi để quên và dễ quên hết, quên tên con đường, quên tên bạn bè, quên tựa sách, bài hát, hay cuốn phim, quên tên ca sĩ hay diễn viên được ưa thích một thời… Thế nhưng nếu quên hết như thế, còn nghĩa gì nữa trong cuộc sống, nếu chẳng có ai nhắc lại, để có thể nói rằng: Tôi hiện hữu, vì tôi có quá khứ… Bởi thế người viết cố kể ra những gì còn có thể kể, càng nhiếu càng tốt, để mai đây khi mình bắt đầu quên, cón có chút gì để nhớ, khỏi quên…


Tôi đã “cầm bút” có lẽ cũng được cả nửa thế kỷ - tính từ khi còn là một sinh viên tập tểnh viết được hai ba truyện ngắn gì đó mà ông Viên Linh có lẽ nghĩ tình ông anh tôi nên cho đăng trên tờ Nghệ Thuật danh giá, ông Phan Kim Thịnh cho đăng một truyện ngắn khác trên tạp chí Văn Học chính lưu, hay dịch một vài tác giả như J. D. Salinger, John Updike, Carson McCullers, Bernard Malamud, Alberto Moravia… mà ông Trần Phong Giao đã sử dụng trên tạp chí Văn rất chuyên nghiệp. Và nếu nhìn lại xa hơn nữa, khi mới 14-15 tuổi học lớp đệ tứ trường Chu Văn An mà đã can đảm viết bài bình luận ca ngợi không tiếc lời đội bóng Tổng Tham Mưu của mình và viết “hư cấu” hai truyện ngắn nói lên nỗi buồn của một cầu thủ xế bóng phải cố lết ra sân và một võ sĩ về già mà phải gắng gượng lên võ đài, tất cả đều được chiếu cố trên tờ Đuốc Thiêng của ông Thiệu Võ nằm ở số 24 đường Nguyễn An Ninh, bên hông chợ Bến Thành (tại sao tôi có thể nhớ chính xác địa chỉ này vào một tuổi người ta chỉ sợ mỗi một thứ Alzheimer? Làm sao tôi có thể quên được khi trong hơn một năm, trưa thứ hai nào tôi cũng đạp xe đến chầu chực ở tòa soạn chờ báo ra) thì tính ra, tôi theo đuổi “sự nghiệp” này cũng được 56 năm!

Kể lể dông dài như thế vào lúc cuối đường chắc chắn không phải nhằm tìm kiếm một vài ảo tưởng ở tuổi xế bóng, nhưng chỉ nói lên những cảm khái chân thành với một nghiệp dĩ càng lao vào càng say mê, càng không gỡ ra được. Nhưng còn hơn thế nữa, tôi muốn ghi lại một câu chuyện riêng tư: Nếu không có tác động âm thầm của anh tôi, có lẽ tôi đã rẽ qua một con đường khác. Thật khó mà tưởng được cuộc đời của tôi, cuộc sống của tôi sẽ như thế nào!

Tôi học trường Chính trị Kinh doanh, Viện Đại học Dalat, khóa đầu tiên 1964, theo cả hai khoa kinh doanh và chính trị (đến năm thứ tư đi vào chuyên ngành báo chí, và từ hai ba thập niên qua, tôi vẫn là người “sống sót” kỳ diệu của lớp báo chí Việt Tấn Xã của ông Nguyễn Ngọc Linh năm 1968) rất có thể đã là nhân viên ngân hàng quân đội nếu bị động viên ngay sau khi ra trường bộ binh Thủ Đức. Đó là cách trở thành nhân viên ngân hàng dễ nhất, khỏi phải phỏng vấn và kể lễ gì cả về những kinh nghiệm chưa có. Tôi cũng tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chánh, ban Cao học, và đã là công chức (khá cao cấp) của Bộ Kinh tế, nhờ sự “ủng hộ”của ông Bộ trưởng Phạm Kim Ngọc, sau đó là Nguyễn Đức Cường, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo và Bộ trưởng Thương mãi &Tiếp tế Nguyễn Văn Diệp (viết tờ The Saigon Post cũng có cái lợi trên quan lộ đấy chứ).

Sự nghiệp hành chánh đang mở rộng thì bị  “giải phóng” mà chẳng những tôi mà còn nguyên cả thế hệ Baby-doom của tôi đều là nạn nhân (Mỹ thì gọi là baby-boom những người sinh sau năm 1945, Việt thì gọi là baby-doom, vì có lẽ ít phụ nữ can đảm dám có con khi phải lo chạy giặc. Ai may mắn lắm mới được sinh ra những năm đó). Phần lớn, trong đó có tôi, đều được “đi học” trở lại ở tuổi gần 30, khi tốt nghiệp, không mũ áo, không văn bằng nhưng âm thầm được phát một giấy ra trại để về trình với địa phương, chuẩn bị đi “kinh tế mới”!  Tôi cũng đã học lên trong ngành kinh tế (Hertford College - Oxford University) và kinh doanh (David Eccles School of Business - University of Utah) ở cả Anh, cả Mỹ, lẽ ra hay may ra cũng có thể làm trong ngành chuyên môn. Như thế mà sau bao nhiêu biến chuyển đổi đời trong cuộc sống, tôi vẫn cầm bút. Già đã hơn 70 mà vẫn thấy độc giả cần mình. Tôi “mãn nguyện” đã đành. Vợ tôi tự hào vô kể là chuyện đương nhiên. Có một người cũng mãn nguyện, cũng tự hào nhưng không nói ra. Đó chính là anh tôi. Anh không nói ra, nhưng tôi phảỉ nói ra. Bây giờ chưa nói, đến khi nào mới nói? Không có anh, làm sao có tôi!

       Anh Biên không phải là “anh Hai” của tôi, nhưng là con trai trưởng trong nhà với tám đứa em dưới trướng. Đông em đến thế, trên mỗi đứa em, cách này hay cách khác, anh đều để lại “dấu ấn” rõ rệt – nhất là đối với năm đứa đợt sau, ra đời sau khi cha tôi trở về từ chiến khu năm 1952 khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn chưa vào trận Điện Biên Phủ (cũng may ông sớm “hồi chánh”. Ông mà còn ở lại, đến năm 1954 chưa về, gia đình tôi dám dọn ra Bắc để vận dụng sức mạnh của “bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm”, cho đến ngày “giải phóng Miền Nam”).

Hầu như anh sống với cha mẹ từ nhỏ đến khi song thân qua đời - tức cả hơn 70 năm! Một kỷ lục Guinness nếu người ta biết tới. Cũng có nghĩa là anh đã sống với tất cả những đứa em trai, em gái của anh từ khi chúng chào đời cho đến khi ra đời. Trong sáu năm cha tôi đi theo Việt Minh, anh vẫn còn nhỏ, chưa thể nói “quyền huynh thế phụ” được (khi cha về,  anh chi mới 14). Thế nhưng chúng tôi, trong thời gian chỉ cỏ năm đứa đợt trước, đều có cảm nhận về vị trí trưởng nam của anh. Thực ra, anh đã có vai trò dìu dắt rõ rệt với từng đứa, nhất là những khi chúng “vấp ngã” trong trường học, trước khi ra trường đời. Anh chưa hề một lần rao giảng, nhưng ở anh chúng tôi thấy rõ một mẫu mực trong cách sống với các em: sẵn sàng chia sẻ, che chở, đỡ đần, nhưng không dòm ngó, đố kỵ hay nghiêm khắc. Tôi ít khi để ý chuyện anh em nhà người ta để “học tập kinh nghiệm” của người khác, nhưng khi nhìn đến sự gần gũi của anh với tất cả các em, cùng sự thương mến các em vẫn dành cho anh và cả cho bà chị dâu quá  “đắc đạo” (bởi vì không có chị giúp thể hiện được con người của anh, thì làm sao có anh?), tôi nghĩ đúng là cha mẹ tôi hẳn phải vui lắm cho dù nay không còn gần con cái nữa.




Thế nhưng khi tôi nghĩ đến những tình cảm nồng nhiệt mà một số bạn bè không ít vẫn dành cho anh - một điều tôi không bao giờ có được – thì kết luận đương nhiên phảỉ là: Người ngoài còn gần gũi với anh như thế, huống gì người trong nhà. Anh có thể gần tôi, nhưng chẳng biết mấy những người bạn của tôi, mặc dù chẳng phải tôi không có bạn, đương nhiên không nhiều nhưng phải có. Ngược lại, tôi biết rất nhiều, nếu không phải tất cả bạn bè của anh, lớn nhỏ. Và hầu như ai cũng biết tôi. Không nhiều thì ít. Khi nói thế, tôi nghĩ đến các anh Nguyễn Đăng Thường, Diễm Châu, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Đồng, Nguyễn Xuân Hoàng, Đinh Cường, Trần Đình Sơn Cước, Võ Phiến, Nguyễn Ngọc Lan… Chưa kể những người anh quen biết trong giới sư phạm và văn nghệ (văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ…) như Trần Phong Giao, Phan Kim Thịnh, Viên Linh, Nguyên Sa, Nguyễn Khắc Ngữ… Đúng là đối với tôi, anh có vai trò “xúc tác”. Sự thực còn hơn thế nữa. Trong gia phả của họ Hoàng làng Bích Khê, trong mấy anh em chúng tôi, anh là người duy nhất được mấy bậc “trưởng thượng” tuổi già mắt yếu chiếu cố như một “văn nghệ sĩ tài hoa”. Họ nhìn đúng, nhưng tầm nhìn cũng rất giới hạn – có lẽ chưa vượt qua được lũy tre đầu làng. Cũng có không ít người thuộc thế hệ sau, có thể gọi là đàn em, vẫn xem anh như một người thầy, một người anh cả họ thường tìm đến khi có dịp. Nổi bật nhất trong đó là Đỗ Trung Quân. Tôi vẫn thấy lạ vì điều đó!

Chẳng có ý so sánh, tôi vẫn có thể nói một sự thật hiển nhiên: trong tất cả những người em của anh, có lẽ anh đã “tác động” mạnh mẽ nhất, rõ rệt nhất lên tôi – ít nhất là về mặt “cuộc sống văn hóa”. Tôi nói đến “cuộc sống văn hóa” theo nghĩa bình thường “dân gian” nhất, bao gồm những khoản như âm nhạc, điện ảnh, văn học, thể thao, sách vở…- làm nên “đời sống tinh thần” của một người. Những hiểu biết, sở thích, hay quan tâm, giải trí, nghiên cứu … trong những lĩnh vực này có thể nói lên giá trị, trình độ nhân văn của một người – bên cạnh cuộc sống bình thường chạy theo cơm áo gạo tiền. Tôi không “xi-ních” đến mức nghĩ rằng lối sống ngày nay khiến cho con người ngày càng “kém văn hóa”, theo nghĩa đơn giản không nghe nhạc, không ca hát, không xem phim, không đọc sách, không xem đá banh trên truyền hình… nhưng quả thật ít nhất có một thời, ở một nơi, chúng ta khó biết sống có văn hóa là gì, hay cuộc sống văn hóa là gì cả. Chẳng lẽ ngồi buồn mà lại hát “Trông cây ta lại nhớ người” hay “Cô gái Saigon đi tải đạn”. Hay xem phim “Như thế là tội ác” hay “Cánh đồng hoang”. Và đọc “Thép đã tôi thế đấy” hay “Nhật ký trong tù”?  Đó là thời trước. Còn thời nay? Trong cuộc sống tha hương hiện nay, bao nhiêu người còn theo đuổi cuộc sống văn hóa của mình một cách thường tình? Hay chỉ sống dật dờ, hết đi ra đi vào lại đi vào đi ra?

 Anh và tôi cách nhau đến tám tuổi, khó nói cùng chung thế hệ. Giữa hai chúng tôi còn có một người chị, một ngưòi anh “cản trở”. Anh và tôi “chí hướng” cũng khác nhau. Tôi hướng ngoại nhưng lại sống như người ẩn dật, anh hướng nội nhưng lại hay ra ngoài gặp bạn bè. Lạ nhất là vì tôi thích những ngành chính trị, lịch sử, kinh tế - đó là lý do tôi đã chọn ngành báo chí để đeo đuổi - trong khi có lẽ anh chẳng để ý bao nhiêu đến mấy thứ “phi văn nghệ” đó. Tôi theo ban B, toán và lý hóa là môn tủ, anh là dân ban C, chẳng có ích gì cho tôi. Tôi theo ngành chính trị kinh doanh, là hướng nghiên cứu cả đời. Anh theo ngành sư phạm Pháp văn, đúng sở trường của anh - tiếng Pháp và văn chương Pháp. Như thế mà tôi vẫn nghĩ mình học được nếp văn hóa ở anh nhiều nhất. Chẳng phải từ tác động tự nhiên của anh, làm sao bao giờ tôi cũng có cảm tưởng như đang nghe văng vẳng bên tai bài hát “Tạ Từ” của Tô Vũ mà ca sĩ Anh Ngọc lừng danh một thời đã hát trên sân khấu rạp Văn Cầm ở khu Nancy đường Galiéni (sau đổi tên là Trần Hưng Đạo), “trú quán” đầu tiên của tôi ở Saigon trước khi dọn về đường Nguyễn Tấn Nghiệm (sau được Tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên là Phát Diệm)  gần trường Cầu Kho là “ngôi trường đầu tiên” của tôi. Tạ Từ là bát hát ngậm ngùi nhất, nghệ sĩ nhất, của một người đã sống qua một cuộc chiến mất mát, đổ vỡ quá nhiều và nhìn đến những ngày thanh bình trước mắt nhưng không quên được những ngày loạn ly sau lưng. Khi nghe bài Tạ Từ lần đầu tiên, tôi chưa được 10 tuổi nhưng vẫn đủ khả năng cảm nhận để mở cửa tâm hồn và dành cho bài hát một chỗ đứng “lịch sử” . Và làm sao một học trò đệ thất ở trường Trần Lục, Tân Định, tiếng Anh tiếng Pháp đương nhiên lõm bõm, có thể rung động vì những bài hát như Autumn Leaves với giọng ca bất tử của Nat King Cole, hay Smoke Gets in Your Eyes của ban hợp ca cũng bất tử The Platters, hay giọng ca tuyệt vời Patti Page với các bài hát đã trở thành “cổ điển” Tennessee Waltz, I Went to Your Wedding, hay Doris Day với Que Sera, Sera, Frankie Laine với High Noon!  Và đó là chỉ nói qua trên lĩnh vực âm nhạc! Còn điện ảnh, còn văn chương, còn báo chí…
Khi tôi gần 7 tuổi, theo gia đình từ Quảng Trị vào Huế mấy tháng (học trường Trần Quốc Toản và ở trước mặt chợ Xép (?) trong thành nội) rồi trở thành “di dân” ở Saigon, có lẽ tâm trạng lạc loài gần giống như hồi mới đến Mỹ. Nhưng tôi đến Mỹ khi đã gần tuổi 50, trong khi đến Saigon, “vùng đất hứa”, “vùng đất (thực sự) của những cơ hội”, “bến đậu của di dân chạy giặc”, khi chưa được mười. Khi nhìn đến biết bao khó khăn của người Việt muốn hội nhập vào xã hội Mỹ, nay có thể bắt đầu cảm thấy bất an vì ông Trump cứ MAGA (Make America Great Again), America First,  không muốn nước Mỹ là “land of immigrants”, “home of refugees” nữa, chúng ta mới thấy “Saigon đẹp lắm Saigon ơi, Saigon ơi”.

Tuy nhiên, tại sao một đứa nhỏ học chưa hết lớp năm (tức lớp một thời nay) lại có thể “hội nhập” nhanh chóng như thế trong một “Xóm đêm” hay “Phố buồn” ở Cầu Kho quận 1 (gần trường Đức Trí nằm trên góc đường Võ Tánh)? Phải nói Saigon đã mở rộng vòng tay và đi theo một nền “văn hóa đa chủng” (multiculturalism) còn hơn cả Mỹ thời nay. Nhớ lại hồi đó, nhà tôi từ Nancy sau biến cố Bình Xuyên đảo chánh hụt dọn về đường Phát Diệm, bên phải là nhà bà Trùng Quang bắc kỳ, thành viên cao cấp của đảng Đại Việt Quan Lại chống cộng triệt để, bên trái là nhà của “chú Linh” người “nam bộ kháng chiến”, cả một nhà là Việt Cộng nằm vùng, trước mặt là nhà ông Thân, trong nhà ai cũng có tên tây (Jeff, Anna, Josephine). Tuy nhiên, nếu không “tiếp thu” được phần nào “văn hóa” của anh, biết hát những bài mở màn thời “hậu chiến” thanh bình, biết xem những phim của tây của Mỹ, chắc rằng chúng tôi cũng chật vật lắm.

Khi rời căn nhà ở đường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, để bắt đầu cuộc hành trình vào nam, tôi chỉ mới 6 tuổi. Thật khó nhớ được nhiều mình đã sống như thế nào trong những năm không có cha, lớn lên chỉ bằng tiếng hát của mẹ. Tôi còn nhớ căn nhà của mình bên cạnh phòng mạch của ông ngoại… Hay biệt thự “vĩ đại” có sân có vườn của ông (Bác sĩ Phan Văn Hy, hay nhà thơ Kỉnh Chỉ, có lúc là tỉnh trưởng (?) có lúc là giám đốc bệnh viện của tỉnh). Hay nhớ một hội chợ trong một khu đất (công viên?) rộng lớn. Tôi không nhớ được hay không biết được Quảng Trị thời đó có báo chí hay phim ảnh hay rạp hát hay tiệm sách nào không. Chắc chắn người ta vặn radio và cũng nghe được đài phát thanh (Pháp Á?). Ở một tỉnh lẻ như Quảng Trị, đó có thể là những thứ “xa xỉ”. Nhưng sống trong một tỉnh bên bờ Thạch Hãn, con người dễ kết nối hơn, trong gia đình hay với bà con, với bạn bè. Nhất là vì người ta đang sống trong một thời ly loạn bất định. Và có thể ai cũng có mang trong lòng một nỗi niềm, một tâm sự nào đó trước thời cuộc, trước hoàn cảnh riêng của mình – và có lẽ ngay cả một thiếu niên tuổi chừng mười mấy như anh Biên cũng có tâm sự của một người con có cha đang ở chiến khu Ba Lòng tuy chẳng xa bao nhiêu mà vẫn như ngăn sông cách núi, chẳng biết khi nào “Người về”. Anh chắc cũng có những ký ức không thể phai mờ về những ngày theo mẹ chạy loạn trên những con đường quê gập ghềnh hay bước cao bước thấp vào chiến khu thăm cha, hay chứng kiến giặc lê-dương bố ráp các xóm làng, đánh đập người dân, mà ông anh trên tôi Hoàng Ngọc Lương còn cả vết hằn trên má vì một lằn roi quất vào mặt.

Trong cuộc sống phẳng lặng bên ngoài đó, âm nhạc đương nhiên là một phương tiện rất hữu hiệu chuyên chở và nói lên những nỗi lòng của con người. Thế hệ của tôi đây có thể nhớ lại nếu muốn nhớ hay còn có thể nhớ những năm 50 đó là một thời âm nhạc Việt Nam phát triển một cách kỳ diệu. Chưa bao giờ âm nhạc trở thành một nhu cầu bức bách, một thức ăn tinh thần  cho con người như vào lúc ấy – có lẽ vì người ta sống nhiều hơn trong cô đơn, khắc khoải, phân vân, bất định, hy vọng và những mong đợi mâu thuẫn. Và đó cũng là một thời những người soạn nhạc được cảm hứng và đầy tự hào với công việc sáng tác của mình, và những ca sĩ cũng nhiệt tình tìm cách đến với quần chúng đang nô nức mở rộng vòng tay đón nhận.



Nhớ về quá khứ đã khó, nhớ về quá khứ thời thơ ấu lại càng khó hơn - chủ quan hay hoa mắt tưởng tượng trong cái nhìn là điều khó tránh.  Tuy nhiên, để giải thích cái “quả” hiện tại, nhiều khi ta khó tránh được suy luận về cái “nhân”. Để hiểu tại sao mình chỉ biết hát (nhưng chưa chắc đã biết) nhưng không hề biết đọc nốt nhạc lại có thể cảm thấy gắn bó, gần gũi với nhạc Việt như một “food for soul” trong đời, biết được sự chuyển biến của nhạc Việt qua các thời đại, từ thời “tiền chiến” (tức trước và trong thời kháng chiến) đến thời thanh bình đẹp đẽ đầy hy vọng và  mong đợi khi hơn triệu người đã “Về miền nam” và mang mối “hận ly hương”, hay yêu thương đất nước, quê hương với những bài Tình ca, Tình hoài hương, Hội trùng dương, Bắc một nhịp cầu, Khúc hát ân tình (Tình bắc duyên nam), Người về, Vợ chồng quê, Thuyền viễn xứ  (1954-60), và thời chiến tranh chống cộng ở Miền Nam (“hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo tàn vênh vang bề thế”), thì phải nói rằng cái “nhân” gieo rắc chính là anh. Chính những bài hát một thời đó đã cho tôi một ý niệm về sự cần thiết phải hiểu biết lịch sử dân tộc, đồng thời với cảm nhận âm nhạc chính là tiếng lòng trong cuộc sống. Và như sau này tôi suy nghĩ thêm, âm nhạc là một quan tòa lịch sử khách quan nhất – pháp bất vị thân.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân ta đã được âm nhạc đền đáp xứng đáng khi đến được với mọi người, đi vào lòng của tất cả chúng ta. Sáu mươi, bảy mươi năm sau hát lên vẫn còn rung động, nghe vẫn thấy xúc động. Nhưng chúng ta cứ nhìn dòng nhạc của hai miền bắc và nam trong những năm “chiến tranh giải phóng” của ông Lê Duẩn sau này chỉ đưa đến một hận ly hương mới. Trong cuộc chiến 15 năm ròng rã đó, bài hát nào hay tác phẩm văn học nào của miền bắc thực sự “vinh danh” được cho cuộc “chiến tranh giải phóng” của họ? Trong khi ở miền nam bao nhiêu bài ca và tác phẩm nhân bản nói lên sự đau đớn, buồn bã và bế tắc trước một cuộc chiến vô nghĩa mà người ta nhất quyết bắt người dân cả hai miền phải nhấn thân vào, hy sinh bao triệu mạng sống và cả sự nghiệp phát triển của đất nước cho một cuồng vọng nghiệp chướng.

Sau khi cha chúng tôi về năm 1952 và làm cuộc di cư nam tiến, định cư ở Saigon, anh rất bộn bề trong việc học (trước anh theo học trường Kiến Thiết ở Nancy được vài tháng, sau lại thi đậu vào trường Chasseloup Laubat – sau đó đổi tên là Jean-Jacques Rousseau – và học trung học đệ nhị cấp theo chương trình Pháp), trong việc thích nghi với xã hội mới, văn hóa mới, bạn bè mới (anh Nguyễn Đăng Thường). Đổi qua chương trình Pháp, anh đứng trước những thách thức lớn, học sinh trường Tây thường có gốc lớn trong xã hội, và đã quen với tiếng Pháp từ lâu. Dòng nhạc cũ không còn mấy thì giờ vướng vít anh cho dù anh vẫn thỉnh thoảng “tập dượt” với các chị em trong nhà. Anh vẫn rất thích âm nhạc và tìm đến những bài ca êm đềm hơn. Những bài hát như Chiều, Nhớ về Hà Nội, Tiếng chuông chiều thu, Thu vàng, Hẹn hò, Mộng lành, Chiều vàng, Mộng dưới hoa, Hương xưa… Cuộc đổi đời không chỉ của gia đình tôi mà của cả miền nam bắt đầu từ khi chúng ta có một đất nước độc lập, nhạc kháng chiến chẳng thể tồn tại, nhưng sự đam mê âm nhạc vẫn quyện lấy hồn anh. Hay cả anh chị em trong nhà. Chúng tôi đều có kinh nghiệm đi thi hát ở đài phát thanh, nhưng kết quả đều “không như ý”. Nếu không…
Tôi chẳng hiểu anh đã học âm nhạc và học đánh đàn với ai, lúc nào. Hay anh chỉ tự học. Ngay cả mẹ tôi, tôi chẳng hiểu mẹ học đàn mandoline với ai. Thế nhưng tôi vẫn còn nhớ những ngày chủ nhật buồn mẹ ngồi buồn gảy đàn bài Lời Hẹn Xưa. Có giai đoạn nào trong tuổi niên thiếu của anh, tôi đã quên theo dõi chăng? Nhưng bây giờ khi nhìn lại ba bài hát anh đã sáng tác (Hồ Thu, Nhớ Cao Nguyên, Nắng Hoàng Hoa) khi chưa được 20, tôi ước gì khi đó tôi đã có thể viết báo để có đôi lời giới thiệu. Ba bài nhạc này, nhạc và lời, nói lên hết con người thực của anh. Hồ Thu, một bài hát dịu dàng, êm đềm nhưng không kém day dứt mà tôi cho rằng thể hiện hết một con người có tâm hồn nghệ sĩ, khiêm tốn, và hiền hòa. Anh sáng tác bài hát này vào năm 1955, khi anh 17 tuổi, gia đình đã dọn lên Dalat vì cha tôi được thuyên chuyển lên đó. Anh vẫn còn học ở Saigon, nhưng lên thành phố cao nguyên chơi với gia đình.  Chỉ đến năm 1957 anh mới lên Dalat học, thế nhưng tình yêu đối với vùng cao nguyên này đã đậm nét trong tâm hồn anh như một quá khứ ám ảnh - một nostalgia rất sớm. Cái lãng mạn bất thường thầm lặng đó thể hiện ở bài Nhớ Cao Nguyên – một nỗi buồn xa vắng mất mát cho dù anh chưa sống với nó bao nhiêu. Phải chăng đó là sự mở đường sau này anh đến với A la recheche du temps perdu của Marcel Proust: 

Chiều nay sương khói dâng mờ kín không gian
Hàng cây theo gió ru ngàn tiếng lâng lâng
Chiều ơi ta lắng nghe nhạc sáo chơi vơi mơ màng
Nghe gió gào nghe lá rơi chợt nhớ thu về
Ngồi đây nghe gió reo buồn lấn tâm tư
Hoài âm như thiết tha gợi phút vui xưa
Thời gian như lắng nghe ngàn tiếng xa xăm mơ hồ
Trong gió chiều như thoáng nghe giọng hát thê lương
Năm xưa nhạc thắm cung đàn
Nghe thu gợi ý mơ màng
Mây trời nhẹ lướt
Thu lạc ngàn phương
Tâm tư lắng trong mơ
Ngày vui xưa chóng theo ngày tháng phôi pha
Tìm đâu êm ấm xưa nhạc thắm cung mơ
Ngồi đây mơ ước bao lần lá thu rơi bên hồ
Nghe gió gào nghe thác reo buồn nhớ cao nguyên

Một câu hỏi tôi vẫn muốn hỏi mà chưa có dịp hỏi: Tại sao anh chỉ có một “Hồ Thu” viết về sự phẳng lặng u hoài của thiên nhiên Dalat mà không có “Xóm Nghèo” mô tả cuộc sống vất vả từng ngày nhưng ấm áp trong niềm tin thương yêu của gia đình trong hẻm đường Phát Diệm? Có lẽ thời sống chen chúc đó, anh chỉ có thời giờ cho gia đình mà không có giây phút nào riêng tư?

Nói về chuyện nhân quả, tôi lại nhớ thời còn học ở trường Trần Lục (Tân Định), Chu Văn An vào những năm cuối của thập niên 50, tiếng Anh của tôi thời đó có thể đã khá, nhưng không thể khá tới mức thuộc biết bao nhiêu bài hát tiếng Anh (và cả vài bài tiếng Pháp) thịnh hành thời đó. Trong bao ca sĩ đương thời, tôi thích nhất là ban The Platters, với ba nam một nữ, đều da đen, tuyệt vời trong những bài ca Smoke gets in your eyes, Only you, The great pretender… Xem phim High noon (thời đó chỉ biết dưới “tên tây” Le train sifflera trois fois), nhớ ngay bài ca “Do not forsake me” với giọng ca của Frankie Laine. Patti Page vẫn là một tượng đài với hàng loạt bài hát, một bài cần nhắc đến là How much is that dog in the window! Và Dean Martin với bài Let me go, Frank Sinatra và bài hát Three coins in the fountain trong phim cùng tên! Và sau đó là nổi lên những hiện tượng Elvis Presley với bài Wooden heart, It’s now or never, Jailhouse rock, hay Paul Anka với bài tủ Diana, Lonely boy, Put your head on my shoulder, It’s time to cry hay Neil Sedaka với Oh Carol, The girl for me! Tôi có thể nói mà không sợ mang tiếng “nhà báo…”, là tôi còn thuộc ít nhất 53% lời của những bài ca này mà không cần phải vào google.com. Và tôi nói thế không phải vì mình mà vì … mọi người. Đúng hơn là vì anh. Để anh nhớ lại một thời đã mất (“Those were the days, my friend; We thought they never ended”): “The way we were”. Anh không nghe những bài đó, không mua dĩa nhạc của những ca sĩ đó, thì còn lâu tôi mới dám đến gần những ca sĩ này. Và về sau, tôi còn biết đông đảo lớp sau, đáng nhớ nhất là Connie Francis (Where the boys are), Brenda Lee (Sweet nothing), Frankie Avalon (Venus, Why), Ray Charles, Stevie Wonder, The Rolling Stones, The Beattles… Hay những ca sĩ Pháp như Sylvie Vartan (La plus belle pour aller danser), Francoise Hardy (Tous les garcons et les filles), Johnny Holiday (Retiens la nuit), Charles Aznavour (Sur ma vie,  Et pourtant), Richard Anthony, France Gall, Sheila. Anh cũng là người “truyền bá” điệu nhạc Twist rất “thời trang” giữa hai thập niên 50-60, đến mức trên sân khấu sinh viên của Viện Đại học Dalat, anh đã từng lên hát bài Let’s twist again như Chubby Checker!

Anh dễ dàng, nhanh chóng đến với “chính lưu” của nhạc Pháp, nhạc Mỹ có thể nhờ anh học trường Tây, nhưng đúng hơn nữa chính là sự nhậy cảm tự nhiên của anh đối với văn hóa, nghệ thuật nước ngoài. Có một điều khá lạ là tuy rất bận rộn (anh còn phải giúp ba tôi dọn nhà lui dọn nhà tới, vì tính ba tôi thích thay đổi vị trí các thứ trong nhà, anh còn đi thu tiền hụi cho mẹ - nhờ chuyện làm ăn này gia đình mới sống sót trong thuở ban đầu -  và anh còn phụ ba tôi việc làm phụ đề Việt ngữ cho các phim nói tiếng Pháp) nhưng anh theo rất sát những “phát hiện” mới, chẳng hạn như không có anh thì có lẽ trong nhà chẳng ai biết tập Tình Ca thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Pham Duy, họa Ngy Cao Uyên với những bài tuyệt vời như Tương phản, Mùa thu Paris, Tiễn Em… Thời đó chưa có internet, chưa có google, làm sao anh có thể nắm vững tình hình chuyển biến trong các lĩnh vực nghệ thuật nhanh như thế?

Như thế đó, tôi lớn lên trong thời thơ ấu với gịọng ru buồn bã của mẹ (từ “ru con cho théc cho muồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu” đến “Ai đời còn nhớ chăng, Xóm Nam Xương có một nàng…”. sau này mẹ hay đọc kinh sáng hay tối, giọng đọc Chú đại bi (Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni…) hay Kinh sám hối (Đệ tử chúng con từ vô thỉ; Gây bao tội ác bởi lầm mê; Đắm trong sinh tử đã bao lần; Nay đến trước Đài Vô thượng giác…) nghe buồn đến não ruột - nhất là khi mẹ vừa đọc kinh vừa nghĩ đến kiếp người và nghiệp chướng của các con, các cháu. Và tôi lớn lên trong thời niên thiếu với nhạc Việt và nhạc nước ngoài mà anh đã truyền thụ. Nhưng từ nhỏ anh đã sớm “phát huy” năng khiếu sưu tầm (ba tôi mỗi khi không hài lòng anh lại phê phán con mình: “collection de défauts”), và có lẽ ngay từ khi mới vào Saigon anh đã sắm sẵn bao nhiêu cái kéo để cắt hình ảnh từ các báo.  Và tôi bị anh “áp đặt” mối đam mê điện ảnh phương tây này, mặc dù tôi chẳng mất thì giờ như anh, tìm mua những tạp chí điện ảnh của Pháp và cắt dán hình ảnh các tài tử vào những cuốn album dày cộm, mỗi cuốn cũng 300-400 trang, ít nhất cũng 5-6 cuốn gì đó. Và trong lũ chúng tôi “lạc loài năm bảy đứa”, chỉ có anh Lương là nối nghiệp được anh về mặt sưu tầm điện ảnh và nhạc nước ngoài về sau này. Để chiều lòng anh, ông trời đã cho anh Lương ở Pháp từ năm 1962 đến nay – môt nơi chẳng thế nào có ông Donald Trump nhưng chạy không khỏi bà Le Pen. Chắc chắn tôi rất thích phim ảnh, nó chính là một phần của sự háo hức của tôi như một chuyện thời sự. Và đó là chuyện đương nhiên, vì thực ra ai mà không thích đi xem phim, vừa để giải trí vừa mở rộng kiến thức, tầm nhìn. Nhưng điều tôi muốn nói là tất cả đều nhờ anh đưa chúng tôi đi xem phim, và sự chọn lọc phim của anh cho thấy anh “rất có gout” trong địa hạt này.

Tôi còn nhớ nhiều phim lịch sử mà tôi ưa thích, đã xem thì thường nhớ hoài, bắt đầu là Robin des Bois tức Robinhood (Errol Flynn và Olivia de Havilland) và Ivanhoe (Robert Taylor, Joan Fontaine, Elizabeth Taylor). Errol Flynn có lẽ là tài tử đầu tiên tôi xem, và còn nhớ, về sau còn gặp lại trong phim Don Juan. Robert Taylor cũng là người không thể quên được, nhất là sau này tôi có dịp đứng trên cầu Waterloo – con đường trên cầu hầu như chẳng thay đổi gì - và nhớ Vivien Leigh với “Điệu vũ trong bóng mờ” (La valse dans l’hombre).  Về sau còn có nhiều phim “trứ danh” hơn nữa, như Samson and Delliah (Victor Mature, Heddy Lamar), Quo vadis (Robert Taylor, Deborah Kerr, Sophia Loren) Julius Caesar (Marlon Brando), Scaramouche (Stewart Granger, Eleanor Parker, Janet Leigh), Les trois mousquetaires (Lana Turner, Gene Kelly…), Le Conte de Monte Cristo, Les Misérables,  El Cid (Charlton Heston, Sophia Loren), Ben Hur (Charlton Heston), Spartacus (Kirk Douglas, Jean Simmons), The Robe (Richard Burton, Jean Simmons)…

Tôi cũng rất thích phim cao bồi, và tài tử đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ chính là Gary Cooper trong High Noon (nữ tài tử trong phim cũng trác tuyệt, sau này là bà hoàng Monaco). Grace Kelly còn nổi tiếng trong một phim của Alfred Hitchcock: Rear Window – Fenêtre sur cour - với James Stewart. Tài tử James Stewart này còn đóng một phim Hitchcock khác với Kim Novak: Vertigo. Và nói đến Alfred Hitchcock lại phải nhắc đến phim Psycho, với Anthony Perkins, Janet Leigh và Vera Miles. Những tài tử phim cao bồi của Mỹ cần phải nhắc đến trong thời đó còn có John Wayne (Rio Grande, Red River), Glenn Ford (The fastest gun alive, Heaven with a gun), Burt Lancaster (Apache, Vera Cruz, Gunfight at OK Corral), Kirk Douglas (Last train from Gunhill), James Stewart (Two rode together, The man who shot Liberty Valence), Marlon Brando (One-eyed Jack) …

Bây giờ đã ở Mỹ, chúng ta mới thấy ý nghĩa của những phim cao bồi này, ngoài sự hào hứng hấp dẫn ở mấy chuyện phim. Những phim này cho chúng ta một ý niệm về lịch sử nước Mỹ trong thời lập quốc và mở mang bờ cõi, sự chinh phục miền Viễn Tây, và sự xung đột triền miên với các bộ lạc da đỏ. Nhưng sâu xa hơn chính là sự nổi lên ngay từ đầu của cuộc tranh luận về vai trò của chính quyền liên bang (federalism) và quyền tự chủ của các tiểu bang - một tranh luận bế tắc đã góp phần, cùng với nạn nô lệ ở miền nam, đưa đến cuộc nội chiến bốn năm 1861-65 và cuộc tương tranh chết bỏ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hiện nay. Phim cao bồi cũng làm nổi bật một văn hóa chính trị còn tồn tại đến bây giờ về luật pháp, quyền con người (trong đó bao gồm quyền có súng và quyền tự do kinh doanh) và giới hạn trong nghĩa vụ thuế khóa, vai trò của chính quyền và công lực. Nếu ngay từ hổi đó, tôi đã bắt đầu nghiên cứu lịch sử chính trị Mỹ qua những phim này thì quá hay cho mình và mọi người. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ quá – chưa đến 15 tuổi. Những phim đã kể thường là đi với anh. Mà anh có nói gì đâu.
 
Từ hồi còn nhỏ, tôi đã có những ấn tượng mạnh mẽ về sự vĩ đại của nước Mỹ. Thời đó, có lẽ tôi chưa có ý niệm nước Mỹ là  một nước “chẳng giống ai” vì  làm sao mình chỉ mới mười mấy tuổi ở một xứ khỉ ho cò gáy có thể biết được từ lâu người ta đã dùng từ “exceptional” để nói về nước Mỹ. Chỉ có gần đây, trong thời hậu chiến tranh lạnh,  đã nổi lên cuộc tranh luận xem nước Mỹ có thực sự “ngoại lệ” hay không hay người ta đã  “nói quá”, hay có còn “ngoại lệ” hay không nếu đã từng là “ngoại lệ” thực sự. Nhưng từ thời xưa, chẳng có ai tranh cãi về chuyện chẳng nước nào có thể so sánh được với nước Mỹ, vì nước Mỹ… ngoại lệ. Và tất cả sự vĩ đại đó tôi đều có thể thấy qua những phim ảnh mà anh đã khai trí, khai tâm cho tôi. Sự vĩ đại, hiện đại của nước Mỹ từ các thành phố với bao nhiêu tòa nhà chọc trời ở những thành phố như New York, Los Angeles… đến thiên nhiên đồi núi bao la, hùng vĩ là điều dễ nhận thấy nhất - nhất là khi chúng ta nhìn lại sự nhỏ bé muôn mặt của nước Việt Nam của mình, ở giữa miền trung lại thu nhỏ như muốn ngăn sông cách núi để cho người miền bắc và người miền nam khó lòng hội nhập thực sự. Đã nhỏ bé còn bị chia cắt và con người không thể lớn nổi vì hạn hẹp tầm nhìn. Nhưng qua những phim về chính trị, xã hội của nước Mỹ, chúng ta còn nhìn thấy sự vĩ đại đó ở những kích thước khác nữa. Tôi không thể nào quên được những phim như From here to eternity (thời đó được biết dưới tên Tant qu’il y aura des homes) về nước Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến, các diễn viên chính là Burt Lancaster, Deborah Kerr, Montgomery Clift, Hope Lange. Hay Giant, phim cuối cùng của đại tài tử James Dean, các diễn viên khác là Elizabeth Taylor, Rock Hudson, Carroll Baker, cho thấy sự thành công của kỹ nghệ dầu hỏa đã làm thay đổi diện mạo kinh tế nước Mỹ. James Dean đã bất ngờ chết trong một tai nạn xe hơi vào tháng chin năm 1955 khi chỉ mới 24 tuổi, tuy chỉ đóng ba phim nhưng đã xác định được chỗ đứng “exceptional” trong lòng khán giả điện ảnh Mỹ. Đây là tài tử đã làm cho anh Biên mất nhiều thì giờ nhất trong sưu tập “tài liệu”. Hai phim kia của James Dean “vĩ đại” không kém: Rebel without a cause (nữ tài tử là Natalie Wood, về sau chết bi thảm trong một biển hồ mà nay người ta nói thủ phạm chính là người chồng, tái tử Robert Wagner) nói về sự phản kháng của tuổi trẻ trong học đường, và East of Eden (phía đông vườn địa đàng) phỏng theo một tiểu thuyết của đại văn hào John Steinbeck, một phim sâu sắc vế tâm lý gia đình. Trong cả hai phim, James Dean thể hiện xuất sắc sự lạc loài, cô đơn của tuổi trẻ - dưới mái nhà và dưới mái trường. Hai phim khác cũng phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn được giải Nobel John Steinbeck, đều là phim đặc sắc: Chùm nho uất hận (The Grapes of wrath - với tài tử chính là Henry Fonda) và Của chuột và người (Of mice and men - 1939). Con người nước Mỹ có nhũng vấn đề khác thường, nếu người ta chịu thấy!

Một văn hào khác cũng được giải Nobel là Ernest Hemingway được giới điện ảnh hâm mộ với ba phim nổi tiếng với những tài tử lớn: Snow of Kilimanjaro (Gregory Peck, Ava Gardner và Susan Hayward), Farewell to Arms (Gary Cooper – 1932), For whom the bell tolls (Gary Coper, Ingrid Bergman 1943)… Những phim này đã trở thành “classics” từ lâu. Cũng phải kể những phim kinh điển khác mà anh Biên đã đưa chúng tôi đi xem: War and Peace (tác giả Leo Tolstoy, diễn viên Henry Fonda, Audrey Hepburn), Gone with the wind (tác giả Margaret Mitchell, diễn viên Clark Gable, Vivien Leigh – phim này cho ta có một số ý niệm về cuộc nội chiến ở Mỹ), Dr. Zhivago (tác giả Boris Pasternak viết về nước Nga trong biến chuyển cách mạng tháng mười, những diễn viên chính là Omar Shariff, Julie Andrew, Geraldine Chaplin), Cầu sông Kwai (William Holden, Alec Guiness)…

Chắc chắn cố nhớ mãi, kể mãi cũng sẽ chẳng bao giờ hết cho dù chẳng động gì đến những phim về sau này tôi đã xem khi đã “trưởng thành”. Nhưng sẽ thiếu sót lớn nếu không kể đến ba phim On the waterfront, Fanny và Vacances Romaines. Ba phim nay là dấu mốc lớn của một thời. On the waterfront (Sur les quais) là phim mở đường cho thế giới “tôn sùng” Marlon Brando. Nữ tài tử đóng phim này cũng rất dễ thương: Eva Marie-Sant. Hai phim khác của Marlon Brando cũng lừng danh thời đó: Julius Caesar và A streetcar named desire (kịch bản của Tennessee Williams, Marlon Brando đóng chung với Vivien Leigh). Fanny phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Marcel Pagnol, với hai diễn viên Leslie Caron và Horst Buchholz. Roman Holiday là phim “kinh điển” mà có lẽ ai cũng biết, cũng nhớ hai đại tài tử Audrey Hepburn và Gregory Peck. Audrey Hepburn có lẽ là nữ tài tư lớn nhất của mọi thời đại, sau này còn được biết đến qua những phim My fair lady, Sabrina, Charade, The nun’s story… Và cũng phải “vinh danh” Marlon Brando ở đây, khi nhớ đến những phim khác như La petite maison de thé (Glenn Ford, Machiko Kyo), Sayonara, The young lions, Desiree (Marlon Brando đóng vai Napoleon, và Jean Simmons vai Desirée), Mutiny on the Bounty, the Ugly American, Last tango in Paris, Godfather…  

Anh vẫn bị mang tiếng là “hiện sinh”- có lẽ bởi vì anh thích Jean Paul Sartre và có khuynh hướng để tóc dài, râu dài theo kiểu “nouvelle vague”. Nhưng thực ra, anh chẳng hiện sinh tí nào cả, bởi vì hiện sinh thì chỉ biết sống cho mình và cho hiện tại mà anh thì chẳng bao giờ biết sống cho mình và cho hiện tại. Người theo chủ nghĩa tư bản vẫn bị mang “tiếng ác” chỉ biết “sống vì mình”. Người theo cộng sản xã hội chủ nghĩa thì tuy miệng nói “mình vì mọi người” nhưng trong thực tế họ vẫn nghĩ “mọi người (phải sống) vì mình”. Anh là người không thực tế, không thực tiễn, không thực dụng - chẳng phải là người tư bản mà cũng còn lâu mới là người cộng sản. Có lẽ anh là một trong những người biết sống cho mình ít nhất. Và về mặt này anh giống mẹ nhiều nhất. Anh cũng chẳng phải là người chủ trương “sống hưởng thụ cho hiện tại”. Cách sống của anh là miệt mài trong những mục đích anh đeo đuổi, cho nên thời giờ đâu mà anh sống cho hiện tại?



Cả gia đình 

Vào năm 20 tuổi (1958), anh đã sống với gia đình trong một thời trải qua bao nhiêu thử thách của một cuộc đổi đời, những kinh nghiệm khiến cho anh bao giờ cũng sẵn sàng là người “của gia đình, do gia đình, vì gia đình”, vì anh đã chứng kiến những hy sinh lớn lao của cha mẹ trong viêc khai phá một chương mới cho mình, cho con cái. Cái đẹp tuyệt vời thời đó của người dân lao động của chúng ta chân tay hay trí thức chẳng phải là tinh thần “đấu tranh giai cấp” như được tuyên truyền. Là người châu Á bị ảnh hưởng nhiều bởi đạo Không, đạo Phật, người Việt thường nói đến hai chữ “thân phận”, nhưng lại không ngừng phấn đấu cố vươn lên, chịu thương, chịu khổ, chịu khó, và sống trong những quần thể chen chúc trong “kiếp nghèo” đậm tình nghĩa hàng xóm. Sau này qua Mỹ chúng ta mới biết được chủ nghĩa cá nhân có thể làm cho kinh tế mạnh đến thế nào và gia đình có khi rã rời và xã hội tan nát thế nào, nhưng suy cho cùng đó là chuyện của người ta. Từ 8 tuổi, anh đã thấy sự trống vắng của cha trong nhà, trách nhiệm của anh là đỡ đần mẹ gánh vác gia đình. Lớn lên, cho dù cha đã trở về, với khung cảnh mới đầy thử thách, anh vẫn quen nếp dẫn dắt các em thay cho cha mẹ. Chữ dẫn dắt có hai nghĩa, cụ thể và trừu tượng. Khi nghĩ đến sự dẫn dắt cụ thể, tôi luôn nhớ đến những chuyến đi Nha Trang, Vũng Tàu mà anh đưa anh em chúng tôi đi để biết biển cả là gì.

Trong hoàn cảnh gia đình công chức “tiểu tư sản” thời đó, có lẽ đi đó đi đây trong nước để biết đây biết đó còn khó hơn giới “tư sản mại bản” dưới chế độ “vô sản” hiện nay ở Việt Nam đi Úc, đi Mỹ chơi. Không nói chuyện người nhà giàu thuộc “giai cấp mới” đang đi chơi cuối tuần ở Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Angkor Wat… như thời trước dân Saigon đi Vũng Tàu hay Lái Thiêu. Chuyến đi Nha Trang duy nhất của chúng tôi trước năm 1975 là vào khoảng năm 1958 thăm ông ngoại - lần đầu tiên tôi được biết thế nào là một thành phố biển, và cũng là lần đầu tiên đi xe lửa trên một đoạn đường dài hơn 400 cây số. Thời đó đi chơi bằng xe lửa là điều rất thú vị, có lẽ còn vui vẻ, dễ chịu hơn đi máy bay là một phương tiện chưa phổ biến. Sau này (sau năm 1975), thì quá chen chúc, đông đúc. Trong ba anh em  chúng tôi – chỉ có anh Biên đã biết xe lửa trên những chuyến đi từ Quảng Trị vào Huế thời anh mới lên trung học. Tôi và anh Lương trước đó chưa hề biết xe lửa - chỉ thấy, nên thích thú lắm. Xe ngừng liên tục ở các nhà ga lớn nhỏ, cũng mất nhiều thì giờ chờ người lên xuống, nhưng nhờ đó lại biết thêm những nơi khác trên đường đi. Sau này, rất tiếc là khủng bố Việt Cộng đã đặt bom phá hoại, có nơi còn gỡ  đường rầy xe lửa. Ngành hỏa xa phải ngưng hoạt động, các nhà ga vắng bóng người.

Nha Trang, Dalat và Vũng Tàu đều là những thành phố du lịch cao cấp do người Pháp dựng lên cho nên đều có vẻ đẹp của các thành phố Pháp.  Nha Trang là thành phố biển giáp hai miền trung và nam, mang những nét của một thành phố phương tây văn minh, sạch sẽ, ngăn nắp. Nó không phải là một thành phố cảng như Hải Phòng hay Đà Nẵng là những nơi hàng hóa lên xuống tấp nập và buôn bán phồn thịnh, giao thông nhộn nhịp. Nhà của ông chúng tôi nằm ngay giữa trung tâm thành phố, đứng ở tầng trên có thể nhìn ra quãng trường trước mặt, thấy phố xá, chợ búa chen chúc ở dưới. Bãi biển Nha Trang dài cho nên không đông người chen chúc lắm. Tôi không còn nhớ mấy những nơi tôi đã đến ngoại trừ hai nơi không quên được: Hòn Chồng và Tháp Bà. Vũng Tàu là một thành phố biển cực đẹp trên những con đường chạy dọc theo Bãi Trước rợp bóng cây với những tòa nhà tráng lệ nhìn ra biển, hoặc thấp hoặc nằm cao trên sườn núi chạy ra Bãi Sau. Những chuyến đi chơi như thế không chỉ có ý nghĩa du lịch, giải trí. Chúng có “giá trị nhân văn” nơi chung tôi, giúp chúng tôi lớn được phần nào, hiểu biết được phần nào về quê hương, xã hội, đất nước, con người, để có thể t ựnhiên nói “quê hương yểu dấu”. Cảnh sống và cách sống của con người mà sự khác biệt tuy có nhưng không gây bất bình đẳng, chia cắt, phân hóa xã hội như chúng ta biết về sau này và hiện nay - ở quê nhà cũng như quê người.

Dalat cách Saigon 300 cây số, tức chưa đến 200 dặm ngày nay, đi xe đò Minh Trung êm ả, thong thả… mất chưa đến sáu giờ. Lại có một trạm trung chuyển là Định Quán đậm nét trong trí nhớ của mỗi chúng ta – vì những tảng đá khổng lồ chồng lên nhau, vì những quán ăn tập trung ở đó “không thể ngon hơn”. Không có nơi nào ăn phở ngon như Dalat, đâu đâu cũng có phở, từ nhà thờ, bến xe, và chung quanh chợ Dalat cũng ít nhất 3-4 tiệm, dưới rạp Ngoc Hiệp cũng có một tiệm. Dalat vốn là vùng cao nguyên nam phần “hoàng triều cương thổ” dành cho vua chúa, cho nên trông như một chốn thần tiên. Đó cũng là một nơi thể hiện rõ nét nhất nếp “đa văn hóa” kinh thượng. Thành phố này cũng có nhiều thắng cảnh mà du khách không thể không biết. Và Dalat cũng là nơi trốn cái nóng mùa hè của Saigon. Điều đặc biệt ở Dalat là hầu như người ta đi bộ không bao giờ mệt người, mỏi chân – cho dù đi quanh “Hồ Lớn” hay Thác Cam Ly, hay Hồ Than Thở. Và cảnh trí thiên nhiên của Dalat có sức thu hút lạ thường – không cần phải đi đâu xa mà chỉ từ Thủy Tạ nhìn xuống bờ hồ và những ngọn đồi bao quanh. Xa xa là Viện Đại học Dalat. Bởi thế mà anh Biên, khi chỉ mới 17 tuôi, chưa học ở Dalat, chỉ lên thăm gia đình,  đã bị cảm hóa trước một mặt hồ phẳng lặng như gương trong những buổi chiều âm thầm, xa vắng, tê tái, hiu hắt… - anh được cảm hứng nôn nao đến phải viết thành bài Hồ Thu như một thử thách đầu đời con người nghệ sĩ vào một tuổi thông thường người ta vùi đầu vào sách vở, tìm vui bên bạn bè, ít khi nhìn cảnh tượng thiên nhiên chung quanh.

Bài ca nói lên tất cả những dao động trong tâm hồn của anh và mở ra những kích thước tinh thần sâu thẳm mà anh chưa hề tưởng được:
Gió lên rồi dường như nhắc mùa xưa
Tiếng thu về nhẹ rơi lá bên hồ
Buồn hiu hắt về hồ xưa chốn cũ
Hương xa rồi luyến tiếc chi ngày qua
Nước gương hồ lặng im cánh buồm mơ
Bước xưa về lặng nghe sóng bên bờ
Hoàng hôn xuống lạnh lùng hồ soi bóng
Cố nhân về lối cũ mong tìm thu
Mùa hết hương rồi lắng nghe u hoài
Hồ thu năm nay nhuốm màu tình năm cũ
Hoa lá phai tàn úa theo mây vàng
Rộn ràng nghe tiếng thu tê tái
Gió thu về dường như nhắc mùa xưa
Lá thu vàng nhẹ rơi khắp gương hồ
Trởi mây nước này ngàn năm thương nhớ
Hương thu về bối rối trên đường tơ

Tôi chẳng thế nào không nhớ đến hai câu thơ của Lamartine: Objets inanimés, avez vous donc une âme; Qui s’attache a notre âme et la force d’aimer? Vật vô tri, phải chăng cũng có một linh hồn, quyện chặt vào hồn ta và bắt ta phải nhớ thương…

 

Ngô Thế Vinh và Hoàng Ngọc Biên



- Những mẫu bìa sách của Hoàng Ngọc Biên


- Nét vẽ trên mạng


Tuyển tập báo Văn về Marcel Proust do Hoàng Ngọc Biên thực hiện

Nhiều người vẫn biết tôi là một cây viết bình luận thời sự chính trị, kinh tế, xã hội. Bình luận là chuyện bình thường của con người, ai cũng có thể bình luận được cả. Bởi vậy, bình luận là chữ Hán, nhưng nghĩa tiếng Việt là “tán dóc”. Và ai cũng thích bình luận để chứng tỏ mình là người hiểu biết. Thậm chí không ít người chỉ thích nói, không thích nghe ai nói. Do đó có khi chỉ nói cho mình nghe mà không cần biết có ai nghe mình hay chăng. Cái chứng bệnh này có thể rất nguy hiểm, nhất là khi người ta càng lên cao trong gia đình, trong công sở, trong xã hội, trong tôn giáo, trong chính trị càng trở nên dễ độc tài. Cứ nhìn tình hình thế giới chung quanh ta thì biết. Hay không nhìn đâu xa, cứ nhìn trước mắt để tránh cái gương của Tổng thống Mỹ thời nay. Ai cũng thích bình luận, chì có điều người thì ưa nói, người ham viết. Viết thì mệt và khó hơn nói. Nói thì dễ hơn và thường không có tính “ràng buộc”. Lời nói bay đi. Nói xong, người ta còn có thể nói: “Tôi có nói đâu”. Hay “Ý của tôi không phải như vậy”. Hay nói như ông Trump: “Tôi chỉ nói chơi trong locker room”. Truyển thông mạng tệ hại chính là ở chổ viết không ra viết, nói lại chẳng giữ mồm giữ miệng. Trong khi đó, chữ viết để lại. Bút sa gà chết. Cho nên viết thì phải ý tứ. Phải xác định rõ mình muốn nói gì. Phải có mở bài, thân bài, kết luận. Phải có lập luận, dẫn chứng. Đưa ra những con số phải chính xác, nguồn gốc, không bịa. Nói chung, phải hết sức thận trọng. Chớ tưởng có Đệ nhất Tu chánh án (về quyền tự do ngôn luận) là xong cả. Nói gì cũng được. Viết gì cũng xong.


Thông thường người ta chỉ biết tôi từng viết cho các tờ Viet Tribune của anh Nguyễn Xuân Hoàng, nay đã qua đời. Tờ Saigon Nhỏ trước đây. Tờ Saigon Weekly ngày nay của chị Hoàng Dược Thảo, người tôi cộng tác lâu nhất và chặt chẽ nhất. Và tờ Bút Tre nguyệt san của cháu Mộng Tuyền, một trong rất ít những thiếu nữ thông minh, tế nhị, tư cách mà tôi từng biết. Nhưng đương nhiên, thực ra tôi đã viết bình luận chính trị và kinh tế từ lâu. Viết bằng tiếng Anh trên tờ The Saigon Post. Thường tập trung vào phe đối lập chính trị ở Saigon, có cái vỏ mà rỗng ruột. Khi người ta đi theo Big Minh về chính trị và Ấn Quang về tôn giáo thì chỉ có chết. Và những khó khăn của người dân trong thời buổi Kinh tế Mùa thu của Quốc vụ khanh Giáo sư Vũ Quốc Thúc (ông là thầy đạy tôi ở Trường Chính trị Kinh doanh và Quốc gia Hành chánh) và kinh tế kiệm ước của Bộ trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc (“xếp” của tôi). Có lẽ nhờ những bài bình luận “sắc bén” này (nhưng không làm ai chết), tôi đã được Tòa Đại sứ Anh tại Saigon để mắt chú ý, tìm đến và cho tôi học bồng theo học hậu đại học về phát triển kinh tế tại Oxford Universi-ty. Đó là chuyện “không thề nói khác đi được” của một thời vẫn còn đậm nét trong ký ức ngày càng hao mòn và gạn lọc của người thất thập cổ lai hi.

Cố nhớ lại thời xa xưa, có lẽ bài bình luận đầu tiên tôi viết là cho một đặc san của Hội Thanh niên Thiện chí Công tác và Nghị luận Dalat. Có lẽ tuy “còn nhỏ” và chưa ra trường, nhưng sống trong một thời chiến tranh của đất nước, chính trị băng hoại, lãnh đạo không có tầm nhìn, tôn giáo tâm thần và người dân gánh chịu tất cả nghiệp chướng đó, cho nên tôi tức cảnh sanh tình có thói quen tật xấu ưa ‘dạy đời” từ đó. Lúc đó vào khoảng năm 1966. Đại học Dalat tuy mang tiếng là công giáo nhưng thực chất là “tự do”. Thời đó trong sinh viên cũng có nhóm “Nước Mắt Mẹ” của những người “sinh viên bán trí thức” than khóc chiến tranh như những vị thức giả do hai ông Trung (Nguyễn và Lý) châm dầu vào mắt. Nhạc Nguyễn Đức Quang ra đời trong bối cảnh đó, kêu than đau buồn về thân phận nhược tiểu. Nhưng ai nghe?

Sau đó, anh Biên và bạn thân của anh, Diễm Châu (đã qua đời), đưa tôi vào tờ Trình Bày của Thế Nguyên (ra đi trước cả Diễm Châu), và tôi viết thường xuyên hơn những bài bình luận về kinh tế. Thực tế là thời đó, những cây viết chính trị sắc sảo thì không thiếu, cho dù họ không vực dậy được tình thế. Nhưng ít có cây bút nào chuyên nghiệp viết về kinh tế. Cho nên phải nhờ đến “tài tử”. Tôi còn nhớ được bài phiếm luận đầu tiên về kinh tế tôi viết trên tờ The Saigon Post là “A Chopstick for the Autumn Economy”. Tôi cầu nguyện mọi chuyện an lành cho kinh tế khi Mỹ đang giảm bớt các chương trình viện trợ kinh tế thương mãi hóa (CIP) và Thực phẩm Phụng sự Hòa bình (PL 480). Nhưng vì là thời buổi kiệm ước, cho nên thay vì thắp đủ ba cây nhang, tôi chỉ tiết kiệm thắp một nén.

Đó là chuyện sau này khi tôi đã ra trường.

Chuyện trước đó, phải nói là không phải đợi đến năm 1966 tôi mới bắt đầu viết bình luận thời sự. Những bài bình luận thời sự đầu tiên của tôi vào năm 1960 cũng không phải là chuyện kinh tế, chính trị, xã hội hay chiến tranh. Năm đó, Việt Cộng vừa mới chính thức khai trương “chiến tranh giải phóng”, sau này đi “học tập cải tạo” mới nghe được chuyện chính quyền Ngô Đình Diêm “lê máy chém” đi khắp nơi. Thú thật tôi chưa hề thấy cái máy này như họ nói, và chẳng hiểu vì sao, nếu sự thực là thế, Mỹ lại không chịu viện trợ máy chém cho ông Diệm khiến ông chỉ có một cái mà phải đưa máy đi khắp nơi, máy dễ hư mà chém. cũng chẳng được bao nhiêu người. Cầu (số người phải tội chết) quá lớn mà cung chỉ có một. Cũng trong năm 1960, Nhóm Caravelle trí thức 21 người vừa mới tống đạt cho Tổng thống Diệm bức tuyên ngôn về dân chủ; và hai sĩ quan Nhảy dù Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông làm cuộc đảo chánh nửa vời 11-11 rồi “tẩu vi thượng sách”. Tôi chẳng liên quan gì đến những chuyện này khi chỉ mới lên mười (bốn).
 
Nhưng 1960 là năm tôi viết bài bình luận đầu tiên. Tôi viết cái gì thì chẳng còn nhớ, nhưng sau khi đội bóng bất diệt trong lòng tôi, đội Tổng Tham Mưu của Trung tá Trần Văn Xội (ông vừa qua đời vào cuối năm ngoái), vừa thắng đội Peru 2-1 trên sân Cộng Hòa đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn. Peru đương nhiên kỹ thuật cao hơn, cầu thủ to lớn hơn, TTM  nhỏ con nhưng lanh hơn và đá “quyết tử” hơn. Vì là trận đầu tiên của Peru, cho nên đội khách bị “quê” và đá dữ. Nhưng TTM cố thủ và hàng hậu vệ đá rất chắc. Cho đến bây giờ tôi chưa thấy có hậu vệ phải nào hay hơn Lê Văn Tỷ mang áo số 2 của TTM thời đó.

Vào thời đó chỉ mới có một tờ báo thề thao là Đuốc Thiêng của ông Thiệu Võ (sau này có thêm tờ Thao Trường của lớp ký giả thể thao trẻ như Tuấn Linh, Hồ Nguyễn, Tấn Quỳnh…). Những tên tuổi lớn khác trong ngành báo chí, truyền thanh thể thao là Huyển Vũ, Phan Như Mỹ, Hoa Lê… Huyền Vũ là người tường thuật bóng đá trực tiếp truyền thanh chẳng ai không biết. Cho đến bây giờ, chưa có ai trực tiếp truyền thanh bóng đá hơn Huyền Vũ. Nếu người ta biêt tôi chỉ mới 14, đi xem thì ít tưởng tượng thì nhiều, có lẽ họ sẽ chẳng đăng ý kiến của tôi, cho dù là miễn phí. Tôi chỉ muốn nói TTM đã đứng vững trong lòng tôi trong những năm đó, bởi vì một soccer fan thông thường chỉ có một đội trong tim. Ví dụ như Liverpool đã xâm nhập vào tôi từ năm 1973 nay vẫn còn đứng vững trong lòng tôi. Những đội Saigon thời đó đều có những cố gắng vượt bực, trong đó phảì kể AJS của Lâm Kinh, Đỗ Quang Thách, Hiếu, Hồ (Myo), Pierre (Nhung), Kane (Don). Sau đó AJS mang thêm tên Thanh niên Thề thao rồi Cảnh sát Quốc gia. Những đội khác con có thể nhớ tên là Cảnh sát, Quan thuế, Quân khu Thủ đô, Quân cụ, Ngôi sao Gia Định, Không quân, Hải quân. Nhưng khi tôi mới bắt đầu say mê bóng đá, vừa như là người đi coi đá banh vừa là một học sinh đệ ngũ, đệ tứ ham đá banh, thì TTM đang là một đội trẻ, vô địch, có lối chơi banh ngắn, tốc độ và quyết liệt. Cho nên TTM đã chiếm ngự trái tim tôi ngay từ đau. Cho dù nay tuổi già, sức yếu, hơn 50 năm nay không “thổi” nữa (“Thổi” là trò chơi chính tôi nghĩ ra, hay bịa ra, khi mới mười mấy khi thấy mình thích thời sự bóng đá quá; cảm hứng từ trò chơi “bàn đá banh”, tôi làm một bàn giấy từ một tấm bìa lớn là “sân bóng”, và cũng dùng giấy cắt 22 miếng hai màu khác nhau làm hai đội bóng, cùng một trái banh nhỏ,  đặt trên bàn giấy và thổi trái banh qua lại – thông thường tôi cho đội TTM thắng cả), hơn 40 năm nay không ra sân nữa, chỉ ngồi nhà coi TV, nhưng tôi vẫn nhớ thành phần của đội bóng của mình hồi đó, như thể chẳng bị ảnh hưởng gì của bệnh ít nhớ hay quên. Thành phần quen thuộc vẫn là Rạng hay Đực 2 (thủ môn); hậu vệ: Tỳ, Đực 1 và Sáng; tiếp ứng: Thanh (thủ quân), Văn; tiền đạo: Hùng 1 (hay Phát), Mành (Vinh), Há, Rỏn, Hùng 2 (hay Ngầu). Đây là đội hình WM 1-3-2-5 cổ điển với “hình vưông di động kỳ diệu” gồm Thanh, Văn, Rỏn và Vinh. Những trận nổi tiếng của TTM tôi đã xem là với Nam Hoa, Ô-tô-buýt Hong Kong, Đông Phương, Kiệt Trí (đều là của Hong Kong), Djurgarden (Thụy Điển)… Những tiền nội (chữ thời xưa, giống như chữ “tiếp ứng”; ngày nay người ta dùng chữ midfielder - tiền vệ -, forwarders hay strikers - tiền đạo) như Đỗ Thới Vinh, Đỗ Quang Thách, Lý Văn Rỏn hay Hồ Thanh Cang, đúng là không quên được đối với người coi bong đá.

Viết dông dài những chuyện này chỉ nhằm nói lên một điều: Có lẽ tôi đẵ chẳng lao vào nghề viết lách chính trị, kinh tế nếu thời còn nhỏ chẳng thấy mình có “năng khiếu” viết thời sự bóng đá, và có lẽ tôi chẳng lao vào “nghề” viết bóng đá nếu không “khám phá” được bóng đá là  niềm vui trong cuộc sống - tất cả nhờ anh dắt đi xem đội bóng TTM từ sân Tao Đàn nằm bên hông Dinh Độc Lập đường Huyền Trân Công Chúa (còn có tên sân Vườn Ông Thượng trước đây. Sau ngày “giải phóng”, đạp xe trên đường Hồng Thập Tự góc Huyền Trân công chúa, được nhiều cô gái trẻ mời chào, tôi chỉ lắc đầu từ chối vì không làm sao quên được các cầu thủ TTM của mình). Chẳng riêng gì sân Tao Đàn nằm sâu trong tim óc của tôi (lần đầu tiên tôi thấy ánh đèn sáng choang phủ xuống sân bóng, những hàng cây bao quanh, khán giả reo hò, cổ vũ, vui vẻ, ấm cúng – con người có thể gần gũi nhau biết chừng nào). Đậm nét trong trí nhớ của tôi còn có sân Cộng Hòa, mới mở ra hồi đó trên đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn, mênh mông bát ngát văn minh hiện đại theo tiêu chuẩn thời đó. Rồi sân quân đội gần phi trường Tân Sơn Nhất, tất cả sàn đều bằng gỗ, nơi đội tuyển quân đội thua đội Nhật Bản 2-0 ngay trên sân nhà của mình – là một cảnh báo cho sức bật ghê gớm của nước Thái Dương Thần Nữ! TTM từng thắng Đông Phương 4-1 cũng trên sân này… Lạ lùng thay, di tích lịch sử nào tôi cũng có thể quên được, vì chỉ xem một lần, hay một vài lần, nhưng các sân bóng nay thì mãi mãi in đậm trong ký ức. Phải kể thêm cả sân Hoa Lư nằm góc đường Mạc Đỉnh Chi và Trần Quí Cáp, và sân trên đường Trấn Quốc Toản bên cạnh trường Chu Văn An (cũ) của tôi – là hai nơi tôi vẫn thường ra sân tập dượt, tuy chẳng đá cho đội bóng nào cả.

Lúc đó tôi vẫn còn nhỏ. Không nghề không ngỗng. Không tiền không bạc. Làm sao có thể “chui” vào được các sân bóng đó nếu không có anh Biên chịu khó dắt đi coi đá banh từ sân này đến sân khác. Sau năm 1975, hai anh em tôi còn đi xem đá banh ở sân Cộng Hòa (có tên mới là Thống Nhất sau năm 1975), anh đem con anh, tôi đem con tôi, thần tượng chung là đội Hải Quan, gởi xe đạp ở nhà ông Lan.

Nhưng cần nói thêm là tôi chẳng phải chỉ biết một chuyện bóng đá. Tôi cũng rất thích theo dõi chuyện bóng bàn vì một thần tượng là Lê Văn Tiết. . Đó là thời ngôi sao này còn rất trẻ vượt trội tất cả mọi danh thủ đàn anh như Mai Văn Hòa (chuyên môn đứng xa bàn, thủ), hay Trần Cảnh Được, nhờ lối chơi công vũ bão. Sau này, tôi còn có dịp chung trại L1T1 với Lê Văn Inh, đại úy, cũng là một danh thủ bóng bàn. Tiết và Hòa từng được cả Miền Nam ngưỡng mộ theo dõi khi qua Tokyo tham dự Á Vận Hội và găp tay vợt số 1 thế giới Takamura. Bên phía nữ, có nhân vật Kim Ngôn. Sau này có dịp gặp chị, một người hiền lành, nhũn nhặn. Đương nhiên, nhờ anh Biên mà tôi biết tất cả những chuyện đó, vì anh cũng thích chơi và theo dõi chuyện bóng bàn. Cũng là môt cái duyên khi trong nhà chúng tôi ở Tân Định có đủ chỗ rộng và thoáng để đặt một cái bàn ping-pong. Tại sao tôi không trở thành một danh thủ bong bàn như Lê Văn Tiết chẳng hạn là chuyện “lực bất tòng tâm”, hay trời chẳng chiều người.

Là một “quan sát viên” thời sự thể thao, tôi còn nhớ mình vẫn hàng năm theo dõi “Vòng Việt Nam” (?), các đoàn xe đạp chạy từ Quảng Trị vào đến Cà Mau và trở lại Sai-gon, tính ra có đến hơn 25 chặng, ít nhất là 2.000 cây số. Những tên tuổi như Lê Thành Các (con phượng hoàng trên đèo Hải Vân), Trần Gia Châu, Trần Gia Thu, Nguyễn Văn Nhiều, Lâm Thành Liêm có lẽ một ít người còn nhớ. Thời đó, chẳng ai có sáng kiến mở rộng vòng đua qua vĩ tuyến thứ 17. Hay đề nghị “giao lưu” đá banh giữa hai miền. Đúng là trong thời Chiến tranh Lạnh, người ta sống cách xa nhau quá. Thế nhưng trong thời hậu chiến tranh lạnh như hiện nay, dường như con người còn tàn độc hơn, sự thù ghét điên rồ ngày càng lấn át mọi tình cảm nhân hậu khác. Sau này vì “chiến tranh giải phóng”, Vòng đua này phải bị dẹp bỏ. Đó là một trong những thành tích lớn mà “cách mạng” không biết – bức tử một sinh hoạt thể thao mang tính nối kết giữa các vùng, cac địa phương với nhau. Một lĩnh vực khác là quần vợt, hai người duy nhất nhiều người còn có thể nhớ là Võ Văn Bảy – không ai qua mặt được - và Võ Văn Thành – tuy Bảy và Thành chẳng là anh em hay bà con gì cả.

Đó là thời tôi trong cỡ tuổi 15-18, thời sự quốc nội và quốc tế diễn tiến rất phức tạp. Chuyện thế sự thăng trầm đang diễn ra trước mắt. Lạ lùng thay tôi chẳng biết bao nhiêu hay chẳng bận tâm bao nhiêu trước những biến cố đang xảy ra định đoạt vận mệnh, tương lai của đất nước. Sau này nhìn lại mới thấy có bao nhiêu chuyện mình không hay. Cùng lắm thì chỉ nhớ vụ đảo chánh Nguyễn Chánh Thi năm 1960 và vụ thả bom của hai sĩ quan Không Quân (Cử và Quốc) vào Dinh Độc Lập năm 1962.  Phải chăng vì thế mà tầng lớp sĩ phu, trí thức Miền Nam trong thời đó mũ ni che tai, cứ như người mê ngủ, hay bị choáng, loay hoay, phân vân, không biết tình hình sẽ diễn tiến như thế nào và mình phải làm gì cho thích hợp. Sự tương phản, bên ni bên nớ giữa miền bắc và miền nam có lẽ chính là ở chỗ đó: ngoài bắc thì nhồi sọ, tẩy não với những giáo điều, khiến cho con người đều trở thành kỵ sĩ cụt đầu, trong khi ở miền nam thì người ta vẫn như đang mộng du, rốt cuộc có đầu cũng như không.

Dĩ nhiên, “sự nghiệp” cây bút thể thao của tôi rất ngắn ngủi, tỉnh dậy nồi cơm vẫn chưa chín. Nhưng nên nhớ răng đó là tất cả thuở thiếu thời của tôi. Thiêu nhi thới trước không sướng” như trẻ thời nay. YThời nay, trẻ nao cung biet chơi Lego láp ráp, chơi xe lửa Thomas Train, chơi game, thậm chí còn ngồi “quẹt” mạng cả ngày. Thời trước, tuổi thơ của chúng tôi làm gì cho hết ngày hết giờ. Đồ chơi là một thứ xa xỉ phẩm. Mạng thì chẳng có mà lên. Sách truyện thiếu ni chăng có nhiều mà đọc..… Quả thật khó nhớ, khó biết. Cho nên tôi chỉ biết chắc nếu không có anh dẫn dắt, thì tơi sẽ chăng biet l1m gí “có ý nghĩa” cho het nbgay hết giờ. Mỗi phần của “cuộc đời trước” đều có những dấu ấn trên những bưóoc đời đã qua sau đó của mình. Chính từ những đam mê nhẹ nhang đó từ âm nhac, phim ảnh, văn chương, thể thao mà tôi đã dọ dẫm đến với nghiệp dị cấm bút trong mấy chục năm qua.

Trong cuộc hành trình đi ngược dòng thời gian này, một trong những kỷ niệm tôi vẫn nao nức khi nghĩ tới là những bước khó ngờ của mình chập chửng tìm hiểu văn học nước ngoài cùng những “thử nghiệm” đầu tiên với chuyện dịch thuật một số tác giả mình đang “xúc tác”. Chuyện một người học ban toán nhưng thích viết báo ngay từ hồi nhỏ mà lại chịu tìm hiểu và dịch thuật văn chương nước ngoài đương nhiên phải có lý do - như tất cả mọi sự trên đời. Lý do thứ nhất chắc chắn là vì tôi đang vừa “học chữ” ở trường Chu Văn An vừa học thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ. Bước vào trình độ Proficiency sau hơn một năm dùi mài kinh sử tại tòa nhà năm tầng số 55  đường Mạc Đỉnh Chi quận 1 Saigon, tôi bắt đầu học và đọc văn chương nước Mỹ với hai cuốn “gối đầu giường”: People, Places And Opinions, và People In Fact And Fiction. Những tác giả văn học Mỹ tôi bắt đầu quen là Washington Irving, Edward Allan Poe, Mark Twain, Herman Melville, Helen Keller, O. Henry – nhưng đậm nét nhất vẫn là O. Henry.

Lý do thứ hai càng chắc chắn, là ông anh cả học Đại học Sư phạm Dalat ban Pháp văn khóa đầu tiên 1958, làm việc trong ngành giáo dục, nhưng đam mê nghiên cứu văn học phương tây – ngoài những theo đuổi khác về âm nhạc, thi ca và hội họa. Ở anh cái gì cũng là nouvelle-vague “đợt sống mới”, trừ ra bài hát Hồ Thu êm đềm, ray rứt nghe như nhạc “cổ điển” (tiền chiến). Là người đến với nouveau roman (tiểu thuyết mới) của Pháp rất sớm, anh là tác giả “Mười Nhà Văn Pháp Hiện Đại” tạp chí Trình Bày xuất bản năm 1969 (Anh còn là tác giả của một tập truyện ngắn “Đêm Ngủ Ở Tỉnh”, Cảo Thơm xuất bản năm 1970, và “Marcel Proust – Con Người Xã Hội”, Trình Bày xuất bản năm 1974). Tác phẩm này đương nhiên nay đã trở thành “classic” – hình như chưa có tác giả người Việt nào khác đã viết thành sách về văn chương cận đại và hiện đại của Pháp.

Anh đã lôi cuốn tôi đến với những tác giả J. D. Salinger, Truman Capote, Bernard Malamud, John Updike, Carson McCullers, Jack Kerouac, D. H. Lawrence… khi nào không hay. Có lẽ một phần lớn là vì anh có mấy tủ sách quá lớn phần lớn là “livre de poche” và “pocket books” không thiếu tác giả nào của Pháp, của Anh, của Mỹ, của Nga... Ngẫm nghĩ lại, thời đó người ta nhập sách nhiều, giá cũng không đắt; ngay cả ở Dalat, các tiệm sách ở đây cũng có bán tiểu thuyết tiếng Pháp, tiếng Anh.  Và đương nhiên, người ta nhập sách nhiều là vì có người đọc. Thời đó, người ta còn ham đọc, ham viết bởi vì còn nghĩ con người còn có một đời sống tinh thần, đời sống trí thức góp phần tạo giá trị con người, phải bồi bổ, không thể hy sinh được. Và đúng là thời đó chúng ta có quá nhiều thứ để đọc, đến mức nhiều khi không cần đọc báo, hay quên cả đọc báo cho nên chẳng hiểu gì thời sự cả - ngày 30-4 đến lúc nào không hay. Và xã hội thời đó cũng “nghèo nàn”, “thiếu” chuyện hấp dẫn như thời nay để cho người ta phải đọc báo.

Khi tôi học đòi, muốn có một tủ sách riêng cho mình, tôi đã “trưng thu” của anh nhiều pocket books của các tác giả văn chương Mỹ. Sách chẳng phải chỉ để chưng. Đã có sách thì phải đọc, không nhiều thì ít. Và khi đã đọc, người ta ít nhiều có một ước mong chia sẻ. Bởi thế, trong bốn năm ẩn dật trên trường Chính trị Kinh doanh của Viện Đại học Da-lat đứng ngoài thế sự thăng trầm cùng ngoài tầm các sân bóng, một phần thì giờ tôi đã dành cho việc miệt mài đọc và dịch những tác phẩm văn chương Mỹ… Theo kinh tế chú trọng về nguồn cung của Mỹ (supply-side economics), cứ làm ra hàng đi, thế nào cũng tiêu thụ được. Còn trong chuyện dịch thuật này, thì cứ dịch đi, dịch đúng dịch sai nói sau, đã có ông anh tôi giúp đưa lên báo Nghệ Thuật, Văn Học. Tôi đã dịch một số truyện ngắn (Truyện ngắn đầu tiên là “Uncle Wiggily in Connecticut” của J. D. Salinger đăng trên tờ Văn Học). Nhưng ba “đại thành công” có thể mở đường cho tôi vào “văn học sử” chính là một kịch khá dài của Arthur Miller, “After The Fall”, mà tôi đã dịch trong thời gian này, có tựa là Sau Khi Ngã, chỉ vì tôi thích Marilyn Monroe trong phim The Riv-er Of No Return và Bus Stop. Bản dịch đến hơn 200 trang này đăng đầy đủ, miễn phí, cũng trên tạp chí Văn Học của ông Phan Kim Thịnh. Tiếc thay tôi đã mất bản thảo, bản in. Ngày 30-4 tai hại là thế đó! Một truyện khá dài của tác giả Ba Lan Marek Hlasko có tựa là “The Eighth Day of the Week” nói lên cuộc sống ngột ngạt, bế tắc, khủng hoảng của tuổi trẻ dưới một chế độ cộng sản – sau này anh Nguyễn Xuân Hoàng cho đăng lại trên tờ Văn (bộ mới) ở Orange County. Và ngay giữa khi Saigon còn ngạt mùi thuốc súng của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, tờ báo Văn đã ra một tuyển tập truyện ngắn cùng bình luận văn học giới thiệu nữ tác giả Carson McCullers – tôi vừa dịch vừa viết về bà. Tuy nhiên, tuyển tập được độc giả văn học đón nhận và theo dõi nồng nhiệt hơn chính là “Đọc Văn Marcel Proust” cũng do tạp chí Văn của ông Trấn Phong Giao xuất bản, bởi vì Proust là tác giả nổi tiếng hơn và người ta ai cũng muốn đi tìm một thời đã mất – như ông Proust.


Vợ chồng nhà văn Võ Phiến (trái), vợ chồng nhà văn Hoàng Ngọc Biên (phải)

Nhờ chuyện đọc và dịch này, tôi đã trưởng thành” trên nhiều mặt và cũng quen biết thêm nhiều người ở ngoài giới quan hệ của tôi. Tôi đã nói trước đây, bạn của anh, tôi biết gần hết và gần hết biết tôi. Ví dụ như làm sao tôi có thể quen được ông Võ Phiến nếu không nhờ anh – và được ông tặng cuốn sách “Võ Phiến Tuyển Tập” có chữ ký quí báu của ông? Làm sao tôi biết được anh Cung Tiến, họa sĩ Nguyên Khai, vân vân và vân vân. Tôi đã nhìn xa hơn những người quanh tôi, xã hội quanh tôi. Tôi đã nhìn sâu hơn vào tâm tư phức tạp của con người. Sự cô đơn, khao khát, cuồng nộ, điên rồ. Những thất vọng, tuyệt vọng không nói lên được. Cuộc sống là cơm áo gạo tiền nhưng không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền. Bởi thế mà con người ngày càng lâm vào nghiệp chướng. Chính nhờ sự mở rộng tầm nhìn, mở rộng quan hệ này là những “cơ duyên” làm cho con người thăng bằng hơn, cuộc sống thăng bằng hơn, thay vì chỉ tập trung vào những gì mình đã học ở nhà trường, vào những gì mình làm để kiếm sống trong cuộc sống.

Từ giác ngộ rằng cầm bút là con đường đến với mọi người, chia sẻ với mọi người, đi tìm sự đồng cảm, cho dù có khi là ảo tưởng, tôi đã lao vào nghiệp dĩ báo chí không mệt mỏi, không ngừng cho đến nay – cho dù thực sự nhiều khi rất mỏi mệt khi phải đọc nhiều quá và chẳng hiểu phải viết ưu tiên là gì và thực sự có ai “đọc” không. Anh cũng đã “khai hoang” cho tôi đến với báo chí tiếng Việt ngay giữa khi tôi làm cho tờ The Sai-gon Post – với tờ Trình Bày. Sau 1977, trở về từ trại “học tập”, tôi tham gia một nhóm các nhà kinh tế của chế độ cũ nghiên cứu đồi mới kinh tế - ngày nay, các ông Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Văn Diệp, Phạm Hoàng Hộ, chẳng ai còn! Tôi trở thành một cây bút bình luận kinh tế, phê phán sự lạc hậu, thoái hóa của kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa không có ý niệm gì về vai trò, chức năng của tiền tệ, ngân hàng, ngoại thương…

Khi cổ vũ đổi mới kinh tế, tôi cũng đã nhấn mạnh nhu cầu lãnh đạo quốc gia phải có tầm nhìn về một kinh tế đa thành phần và nền hành chánh phải dân chủ. Đáng tiêc hơn 30 năm qua, nến kinh tế thị trường có “định hướng chủ nghĩa xã hội” lại chỉ trở thành mot thứ tư bàn chủ nghĩa tập             quyền vào đang chuyên chính với tât cả sự thoái hóa tệ hại hơn n4ưa về tham nhũng va bất bình đẳng xã hội. Sự tìm kiếm, thăm dò này đều được anh ủng hộ. Gần đây nhất, chính anh đã dắt tôi đến với anh Nguyễn Xuân Hoàng vào khoảng năm 2006 – từ đó tôi mới bước vào tờ Viet Tribune và ở lại gần 10 năm như một cộng tác viên “trụ cột”.

Càng về già, thời gian ngày càng qua nhanh hơn chúng ta tưởng. Hiện tại còn ngoài tầm tay. Huống gì tương lai. Quá khứ chìm sâu trong trí nhớ. Bao nhiêu chuyện đã quên hẳn, khiến cho hiện tại càng thêm hư ảo. Nhưng nhũng kỷ niệm với anh gầy dựng vẫn đứng vững trong tôi, cho dù vẫn chưa nói được hết. Vì không thể nhớ đươc hết. Vào một lứa tuổi mà người ta bị ám ảnh bởi một chuyện dementia, nhớ được chuyện gì là mừng, không nhớ cũng chẳng lấy làm lạ. Thậm chí không còn thì giờ để nhớ. Bởi vì tất cả thì giờ tập trung cho chuyện quên. Nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau, và chỉ cần gặp nhau, dường như chúng tôi chẳng quên chuyện gì cả. Và anh cũng còn hiểu rằng trong đám những người em của anh, tôi là đứa anh đã dày công góp phần rất lớn gầy dựng con người của “thằng Chó”. 

Postscript:
Bài viết “Hai Anh Em Tôi” chỉ nhằm bổ sung, thậm chí bổ sung thửa thải, cho bài “Hoàng Ngọc Biên với con đường Tiểu Thuyết Mới và Thời Gian Tìm Thấy Lại” tác giả là Ngô Thế Vinh. Hay những bài thơ đậm tình bạn bè ngọt ngào của họa sĩ Đinh Cường (khi chưa biết mình sẽ qua đời) “Gởi Biên vừa thay gan và về nhà đội chiếc mũ dạ đỏ”. Hay từ những người gần gũi với anh còn hơn ruột thịt như Nguyễn Đăng Thường Trần Đình Sơn Cước, Đỗ Trung Quân.. Và bài thơ sau đây của Hoàng Ngọc Biên nói lên tất cả tâm tư của anh khi vào tuổi 80.
 
Giữa cuối năm và đầu năm

By Hoàng Ngọc Biên - March 5, 2016


giữa cuối năm và đầu năm
chúng ta sống giữa những lời chào hỏi và
             những lời từ biệt
chúng ta đã cố gắng giữ cho được như thế
hôm qua –
còn ngày mai? ngày mai
chúng ta cũng sẽ sống như thế
             giữa những lời thăm hỏi và những lời
                          từ biệt
và chúng ta lại sẽ cố gắng…
hẻm phố quanh ta không mặt trời vẫn có bình minh
chiều không sương
hoàng hôn vẫn đi vào những nhạc khúc
như đã chứng kiến
ngôi nhà từng che chở chúng ta đầy những lỗ thủng
nhưng chẳng phải chúng ta đã cố gắng
bớt đi những lời nguyền rủa?
những lỗ thủng đoạn trường trên đầu chúng ta
như đã chứng kiến
vẫn một màu trời xanh – và những ánh trăng khiêm tốn
             mây vần vũ trôi những vòng âm đục
quanh ta những vũng nước hơn
             mươi hai ba mươi năm trước chiến tranh
             nay kiên cường đi vào cổ tích
quá khứ trở thành đề từ cho những lễ hội
nhưng tương lai không khác
sợi thừng đã nhão những lớp sơn mộ chí phết đầy
             có đủ độ dẻo
             để giữ cho khỏi bứt những mối dây?
chúng ta vẫn không phải là vô lý
nhưng có lý cũng chẳng giúp được gì
kinh cung chi điểu…
khi cố quên những ngọn gió độc đông bắc tây nam
khi cố bớt đi những lời hằn học vô tâm
             chúng ta có sẽ có lý hơn?
chúng ta nuốt trôi những ngộ nhận
             âm thầm đẩy vào chỗ kín đáo nhất của lòng mình
             những câu hỏi xót xa
chúng ta nhắm mắt và tưởng tượng để có thể
chạm tới chiếc cầu thang ọp ẹp trong bóng đêm những năm trước
             những bậc cầu thang vang động nhiều năm trước
             nét kỳ cọ của hai bàn tay không còn đủ độ nhám
             & độ bám
             để kỳ cọ chút kỷ niệm êm đềm
chúng ta không sợ phải vất vả loanh quanh tìm
                                                                 một tư thế
chúng ta không sợ phải nuốt trôi những ngộ nhận
chúng ta không sợ phải âm thầm
giấu trong tận cùng lòng mình
             những câu hỏi xót xa
chỉ sợ trên sàn diễn
cú ngã của anh hề không làm cười nổi
những khán giả chỉ còn cách sống cho hết một mối
đam mê

 


      




 

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top