• Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên: KHÔNG PHẢI LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN

Thế Sự Thăng Trầm, Hoàng Ngọc Nguyên

KHÔNG PHẢI LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN




Trong thời buổi ai cũng bồn  chồn với nỗi lo “về làm cát bụi”, phải “từng ngày qua mỏi ngóng tin vui”, thì ngày thứ năm 26-3 vửa qua nhiều người tưởng là đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Thị trường chứng khoán thường nôn nóng làm áp lực, cho nên chỉ trong hai tuần đầu tháng ba chỉ số Dow Jones đã mất cả 10.000 điểm (1/3), làm tiêu tan những gì Tồng thống Donald Trump tạo được trong hơn ba năm qua. Tuy nhiên, Dow Jones đã kiên nhẫn trong ba ngày liền, từ thứ ba đến thứ năm, lên gần 3.000 điểm để khuyến khích, kích thích những nhà làm luật lưỡng viện của Quốc Hội Mỹ.

 Thế nhưng đến cuối ngày, người ta phải tự an ủi thôi thì rán chờ thêm một ngày nữa. Dự luật cứu vãn kinh tế Thượng Viện đã thông qua ngày thứ tư trước đó với số phiếu 96-0 nhằm cứu giúp người dân đang đứng ngồi không yên vì công ăn việc làm và cuộc sống gia đình cùng giới kinh doanh của Mỹ đang bế tắc. Mục tiêu chính của luật là tìm cách phục hồì, làm giảm áp lực đại suy thoái lên nền kinh tế. Nhưng việc thông qua dự luật này hôm thứ năm bị nghẽn tại Hạ Viện, nguyên nhân chính lại là Thomas Massie, một dân biểu Cộng Hòa ở Kentucky phá bỉnh, đòi mọi người phải có mặt để bỏ phiếu, trong khi phần lớn đã rút khỏi thủ đô vì sợ đại dịch coronavirus. Massie được gọi là “a monster Republicans created”. Ông Trump nổi nóng, tweet “Đảng Cộng Hòa phải đuổi kẻ phá hoại này đi”. Đến  xế trưa thứ sáu, Hạ Viện mới thông qua sau được luật để tức thì chuyển qua cho Tổng thống ký. Tuy nhiên, thị trường Wall Street vốn khó tính, cho nên chỉ số Dow Jones ngày hôm đó mất 915 điểm, chỉ còn 21.636. Mức cao nhất Dow Jones từng lên đến là 29.551 ngày 12-2, trong khi ông Trump có tiếng là người chỉ sống với những con số này!

     Dự luật này trị giá đến 2.000 tỉ Mỹ  kim (2 trillion – 2 triệu triệu), trung bình $6.000 trên đầu người, nhằm đến tất cả các thành phần kinh tế, được nói đến nhiều nhất là sự khó khăn chung của người Mỹ vì phải ở nhà, vì thất nghiệp, không biết bao lâu... Tổng thống Trump tán dương đây là luật vĩ đại nhất lịch sử Mỹ, cho thấy chính phủ đã lo cho dân đến mức nào. Đúng là theo luật này, những người thọ thuế (tax-payers) sẽ nhận được chi phiếu $1,200 của chính phủ (nếu lợi tức dưới mức $75,000/năm). Nếu hai vợ chồng khai thuế chung, số tiền họ nhận được là $2,400. Người thọ thuế không nhất thiết phải là người có nộp thuế, miễn là người đã khai thuế. Điều này cũng có nghĩa là không nhất thiết phải là công dân Mỹ mới được hưởng khoản tiền trợ cấp này. Ai có thẻ xanh, có số An sinh Xã hội (Social Security Number) đều được hưởng. Mỗi trẻ em trong gia đình dưới 17 tuổi cũng được $500. Những người đang được tiền An sinh Xã hội SSA củng được hưởng trợ cấp này. Ước tính khoàng 6-4 người ta sẽ bắt đầu gởi tiền đi. Người ta ước tính sẽ có đến 93.6% người đã khai thuế, 140 triệu gia đình (households) sẽ nhận được “chi phiếu kích thích” (stimulus cheques) này.

 Một khoản thứ hai gây tranh luận nhiều hơn là trợ cấp cho những người thất nghiệp vì nạn cúm COVID-19 này. Bao nhiêu và mấy tháng và điều kiện thế nào. Luật bao gồm những người hành nghề tự do, “tự thu dụng” (self-employed), cấp dịch vụ theo nhu cầu (tài xế xe Uber)... Trợ cấp thất nghiệp sẽ kéo dài 13 tuần, khoảng 80% lương căn bản, cùng bốn tháng phúc lợi an sinh. Tranh cãi chủ yếu là ở chỗ những người Cộng Hòa có thói quen vẫn sợ “bội chi ngân sách” (cho dù dưới thời ông Trump thì bội chi bất kể vì chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp và người có lợi tức cao), sợ người lao động lạm dụng, cứ nghỉ ở nhà không đi kiếm việc để lãnh trợ cấp và phúc lợi.  Hai khoản này được ước tính lên đến 500 tỉ đô-la.

     Một chương trình cho vay 367 tỉ được chính phủ liên bang bảo đảm dành cho các doanh nghiệp nhỏ nếu họ cam kết không cho nhân viên nghỉ việc; mỗi doanh nghiệp có thể vay từ các ngân hàng trong cộng đồng đến 10 triệu, và chủ nhân có thể dùng tiền này để trả cho nhân viên làm đến $100.000 một năm. Thời gian xin vay kéo dài đến ngày 30-6, và khoản nợ có thể được xóa nếu chủ nhân tiếp tục trả lương cho nhân viên trong suốt thời gian khủng hoảng.

Mặt khác, những công ty đang bị khủng hoảng có thể nhận được giúp đỡ từ chương trình “cứu vớt doanh nghiep” (bailout) của chính phủ - dĩ nhiên với điều kiện phải chịu sự giám sát của chính quyền. Những khoản cho vay này đến từ một quỹ tài trợ trị giá đến 425 tỷ Mỹ kim do Quỹ Dự trữ Liên bang quản lý, cùng với một khoản khác trị giá 75 tỷ bổ sung dành cho vay trong một số trường hợp cụ thể - bao gồm các hãng máy bay và khách sạn.

     Chính sự thương lượng giữa Hành pháp và Lập pháp, cũng như giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, kéo dài, tưởng như bế tắc, là ở quỹ này. Phía Dân Chủ vẫn sợ giới doanh nghiệp lạm dụng lòng tốt của ông Trump – như người Cộng Hòa vốn nghi kỵ giới lao động, công nhân “bóc lột” giới chủ nhân. Nhiều người Dân Chủ đã nói “các công ty máy bay không cần, và không đáng, được sự hỗ trợ này”. Người ta nói đến câu chuyện “cứu vớt Wall Street năm 2008” (dưới thời Đại suy thoái của Tổng thống George W. Bush) mà nhiều người trong hai đảng vẫn xem là một chương trình què quặt, chỉ có những công ty lớn hưỏng lợi trong khi giới công nhận chịu thiệt hại. Ở tư thế mạnh vì dự luật được xướng xuất từ phía Trump&Cộng Hòa, phía Dân Chủ đã đòi công bố ngay danh sách những công ty được cứu xét, cùng thiết lập sự giám sát chặt chẽ những công ty được giúp đỡ qua một cơ chế thanh tra. Những công ty được tài trợ này sẽ không được tham dự vào việc mua lại cổ phần trong thời gian được chính quyền giúp đỡ... Phía Dân Chủ cũng đòi những công ty của gia đình Trump hay của bất cứ viên chức cao cấp nào trong chính quyền được nhận tiền vay từ quỹ này. Phía Cộng Hòa phải “thỏa hiệp” với tất cả những đòi hỏi này để “qua cầu”.

Cuối cùng, những bệnh viện nghiêng ngả vì gánh nặng của coronavirus cũng sẽ được nhận hỗ trợ. Luật này dự chi khoảng 100 tỉ cho các bệnh viện và hệ thống y tế trên cà nước. Chính phủ còn dự liệu bỏ ra hàng tỉ cho những trang bị bảo vệ cá nhân, cho nhân viên y tế, bộ  thử nghiệm (test kits) cho bệnh viện và xây thêm nơi tiếp nhận bệnh nhân. Mức tiền Medicare thanh toán cho bệnh viện cũng gia tăng...

Chiều thứ sáu, Trump ký ban hành luật cứu trợ, chung quanh là Phó tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sĩ Mitch MacConnell, Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, Dân biểu   Kevin MacCarthy, trưởng khối Cộng Hòa... Không có nhân vật lãnh đạo nào của đảng Dân Chủ, cho dù không có sự hậu thuẫn của Dân Chủ, dự luật này khó ra đời được. Không chỉ là vấn đề của Trump mà còn là liêm sĩ của mấy nhà dân cử Cộng Hòa. Và nay người ta nói Trump đòi có chữ ký của mình trên chi phiếu gởi cho người dân... No comment!

     Đó là những “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”. Bởi vì cùng ngày hôm đó, nước Mỹ đã đạt được hai kỷ lục về y tế và kinh tế.
 Về nạn cúm viêm phổi, coronavirus, hay COVID-19 ( nhiều người nay gọi là “cúm Việt Cộng” vì cho rằng COVID là Communist Vietnamese Disease), Mỹ nay đã nhanh chóng đứng đầu bảng, qua mặt cả Trung Quốc và Ý vế con số người bị nhiễm. Mỹ nay có 82.830 người, trong khi Trung Quốc chỉ có 81.285 vì tỷ lệ tăng trưởng con số người bệnh quá chậm, hầu như đứng yên trong cả hai tuần nay. Thứ ba là Ý, khoảng 80.589, cho dù số tử vong lên đến 8.215.

Thực ra, Mỹ có nhiều lý do để lo ngại nghiêm trọng. Ngày thứ sáu, đến 5 giờ chiều giờ New York, số bệnh nhân đã quá 100.513, số người thiệt mạng: 1.571. Tình hình New York đặc biệt căng thẳng: gần 45.000 trường hợp, và số người chết: 515.  Nhiều nơi khác cũng nghiêm trọng: New Jersey (8.825 bệnh nhân, 108 thiệt mạng), California (4052, 83), Washington (3.207, 147), Louisiana (2,746, 119). Riêng Utah: 480, 2 (trên tồng số 9.244 ca thử). Và ở đâu đâu, nhưng nhất là ở New York, người ta cảm thấy thiếu thuốc thiếu thầy: dụng cụ xét nghiệm, nơi thử, nơi nằm, nơi lìa trần, bác sĩ, y tá... Đâu đâu cũng tràn ngập. Đâu đâu chính quyền cũng tuyệt vọng, kêu gọi người dân đừng ra đường, shelter in place, social distancing... Salt Lake City đã ban hành lệnh cố thủ trong nhà cho người dân. Người ta muốn phát điên từng ngày vì chưa thấy ngày mình mong đợi sẽ đến hay chăng. Người già thì cứ lo ngày mình không mong đợi rồi sẽ vẫn đến sớm... Và những sự ra đi trong neo đơn, quạnh quẽ...


Nhưng Donald Trump theo cách của ông, “không cần ngay thực phù phiếm, tư cách, liêm sĩ; chỉ cần người ta nhắm mắt nhắm mũi tin”, vẫn nói “chưa có ở đâu chính quyền kiểm soát nạn coronavirus tốt hơn ở Mỹ” vì “tôi là một tổng thống thời chiến” và “sẽ có một ngày không xa” mọi chuyện tốt đẹp trở lại. Ông tự cho mình 10 điểm. Đáp lại, bà Rachel Maddow, một người dẫn chương trình nổi tiếng của ABC, nói “trong những nước kỹ nghệ hóa hàng đầu của thế giới, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông đã đáp ứng tồi tệ nhất trước sự hung hãn của nạn cúm này”. Ông Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm từ năm 1984, đã nói “tổng thống vẫn quen lối nói cho bằng được” (wishful thinking, aspirational), và ông không còn đứng cạnh ông Trump trong những  họp báo hàng ngày nữa. Sự thực, Trump đã hành động quá trễ và không đúng mức (thiếu sót) vì cứ hiểu lầm coronavirus cũng bình thường như cúm cảm hàng năm, vi khuẩn này xa xăm từ bên tàu, và là chuyện Dân Chủ bịa ra để chơi ông trong mùa truất bãi và bầu cử!

Một thành tích thứ hai: trong tuần lễ này, số người xin trợ cấp thất nghiệp lên tới 3.3 triệu, một con số chưa tổng thống nào trước đây đạt được! Nhưng kỷ lục sẽ dễ bị phá trong những tuần tới. Kinh tế đại suy thoái là điều không tránh được. Đàng vào: người ta không đi làm; đàng ra: số cầu trong nước và ngoài nước đều giảm nặng. Trump cũng nói như không: kinh tế Mỹ trong ba năm qua đã phát triển huy hoàng, chưa tổng thống nào trước đây làm được. Nay khủng hoảng này sẽ sớm qua đi, nhanh đến mức người ta không thể ngờ được, và kinh tế Mỹ sẽ phồn thịnh trở lại.

Và để cho người ta thấy mình nghĩ  gì  nói nấy, chưa nghĩ đã nói, Trump phát biểu rằng ông sẽ theo dõi tình hình sát sao và tìm cách mở cửa lại kinh tế vào dịp Phục Sinh (giữa tháng tư). Tức khoảng hai tuần tới. Trước hiểm họa coronavirus, ông nói mọi người cứ uống thuốc ký-ninh đi. Không đáng sợ (có gì ông chịu cho!), mặc dù Trung tâm Kiểm và Phòng bệnh CDC vẫn nhấn mạnh họ chưa thề chuẩn thuận cho loại thuốc này nhằm trị cúm viêm phổi.

Từ lâu, người ta đã đặt ra vấn đề tâm thần đặc biệt của người lãnh đạo nước Mỹ. Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ đó. Vấn đề là ở chỗ không thiếu gì những người đồng tình. Ông phó thống đốc Texas Dan Patrick họp báo nói rằng nước Mỹ phải đi làm trở lại và người già trên 70 phải tự lo cho mình. Nhiều nhân vật Cộng Hòa ủng hộ quan điểm đó. Không thể chỉ vì thế hệ baby boom cao niên mà phải hy sinh kinh tế Mỹ. Có khi nhờ coronavirus mà nước Mỹ giải quyết được gánh nặng của thế hê người già! 

Quan điểm này không những đòi hỏi người ta phải nhắm mắt trưóc sự thật là nạn coronavirus này không phải do người già gây ra mà họ chỉ là nạn nhân bi thảm nhất; ngay trước mắt, đất nước phải dồn sức trong nhiều tháng tới ngăn chận sự lan tràn đến mức một ngày mấy ngàn người mắc bệnh, mấy trăm người chết; kinh tế chưa thể chạy lại được khi y tế chưa có ánh sáng cuối đường hầm... mà còn cho thấy một tư tưởng bất nhân và tàn bạo và ngu xuẩn, không phải America First mà Me First, Re-election First, khi cho rằng có thể lựa chọn giữa y tế và kinh tế.

Bởi vậy mà tờ Washington Post hôm thứ bảy 28-3 đã đưa ra bài quan điểm: đó là một sự lựa chọn lọc lừa và man rợ (phony and barbaric).

Hoàng Ngọc Nguyên



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top