• Hoàng Ngọc Nguyên, BA NHẬN THỨC CĂN BẢN VỀ CUỘC CHIẾN VN

BA NHẬN THỨC CĂN BẢN
VỀ CUỘC CHIẾN VN

• Hoàng Ngọc Nguyên



               Ai nhận ra được mình trong này

Trong ngày 30-4 năm nay, kỷ niệm 45 năm ngày chế độ Saigon sụp đổ và xe tăng của Việt Cộng ủi sập cổng Dinh Độc Lập, những người đang mang nỗi hận ly hương đã không có dịp nghe bài “Saigon ơi vĩnh biệt” chỉ vì con vi khuẩn Corona. 30-4 là một ngày lịch sử mà chúng ta cần tưởng niệm, ít nhất là để nhìn lại, để hiểu nguồn gốc của mình nay đã nhạt nhòa trong tâm trí của nhiều người bởi vì những thử thách và cố gắng trong hội nhập vào một đất nước đa chủng, đa văn hóa.

Thế nhưng, chúng ta cũng nghe từ Việt Nam một phát biểu kinh khủng một cách “can đảm” từ lãnh đạo Hà Nội. Cũng vì COVID-19 mà người ta không thể tổ chức diễn hành chiến thắng, nhưng người lãnh đạo Bắc Bộ Phủ vẫn lên tiếng. Thế nên chúng ta mới nghe phát biểu từ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, về sự “thành công” của đường lối “hòa hợp hòa giải dân tộc” của “chính quyền cách mạng” sau ngày 30-4 năm đó. Những gì ông nói đã thể hiện một sự ngu xuẩn, gian trá và đạo đức giả nơi lãnh đạo Hà Nội hiện nay, đáng lo ngại cho trăm triệu dân trong nước ngày nay.

Người ta trích dẫn lời ông ta nói. “Hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công. Chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thua và thời gian đã chứng minh điều ấy. Những năm đầu sau 1975, hận thù rất lớn, nhất là từ những người từng làm việc ở chế độ cũ. Tâm tư về sự thua cuộc của họ rất nặng nề. Điều đó khiến chúng ta trải qua giai đoạn rất khó khăn về hòa giải dân tộc. Chúng ta vừa phải giúp người dân nhận thức vấn đề thật đúng đắn, đồng thời khẳng định có kẻ thắng, người thua, không thể hòa cả làng…”

Hòa hợp hòa giải dân tộc đã thành công? Có hòa hợp hòa giải đâu mà thành công hay không thành công.

Chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thù? Lợi ích cho người thắng thì rõ rồi. Còn cho kẻ thù? Ông Vịnh có điên không. Vào trại “học tập” dài hạn và gia đình đi kinh tế mới là lợi ích chăng?

Hận thù rất lớn? Hòa hợp hòa giải cách đó làm sao chẳng có hận thù, nhưng nếu hận thù “rất lớn” thì đã có “mặt trận giải phóng” rồi.

“Khẳng định có kẻ thắng người thua, không thể hòa cả làng”. Chẳng ai chui đầu vào “trại cải tạo” mà nói chuyện hòa cả làng cả, chỉ có kẻ thắng mang mặc cảm vì sau lưng mình  còn có Nga, có Tàu cho đến phút cuối.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vốn là con của Thượng tướng Nguyễn Chí Thanh, người từng chỉ huy quân miền bắc đánh miền nam cho đến khi bị tử thương năm 1967. Con vua thì lại làm vua, thế thôi. Người ta còn trích lời ông Vịnh nói “Việt kiều từng làm việc cho chế độ cũ”nay có thể “về nước với tâm lý thoải mái, không hề bị kỳ thị, miễn là họ yêu nước, tuân thủ luật pháp, họ được chào đón, tạo công ăn việc làm lẫn điều kiện để thường xuyên quay trở về.”

Vịnh điên thì không điên, nhưng ngu thì chắc có. Đã 45 năm trôi qua. Việt kiều nào “từng làm việc cho chế độ cũ đang về nước và được tạo công ăn việc làm lẫn điều kiện để thường xuyên quay trở về”?“Miễn là họ yêu nước”! Điều kiện khó quá! Hay điên quá! Người trong nước có yêu nước không mà đòi Việt kiều yêu nước? Hay ngay cả đảng viên cũng âm thầm tìm cách bỏ nước ra đi, không nói gì đến người thường! Ông không nói đến chuyện mỗi năm kiều hối (tiền Việt kiều gởi về nước) hàng tỷ, làm sao vòng tay không rộng mở, miệng không cười được?

Tuy thế, những phát biểu này của ông Vịnh vẫn“có ích, vì làm cho chúng ta có thể nhận thức rõ hơn về nhu cầu giao lưu thế hệ, để cho những thế hệ trẻ vốn biết rất ít về lịch sử, lịch sử Mỹ cũng như lịch sử Việt, biết được nguồn gốc, ngọn ngành của mình. Không thể xem nhẹ câu hỏi về “identity”được.  Nhất là sau khi đã nghe tổng thống thốt lên“it is a terrible war”và ông chưa bao giờ là“fan”của cuộc chiến đó.

Phải nói ông là người can đảm tầm cỡ ông Vịnh, vì chưa có tổng thống nào trước đây dám“nói thẳng, nói thật”như thế. Và ông dám nói công khai, không phải ở Mỹ là nơi có đông đảo người Việt quốc gia đang tỵ nạn, mà ở bên Anh, tức nói với quốc tế, không ngại người ta nhắc đến thành tích của ông, từng khéo léo trốn tránh cuộc chiến tranh Việt Nam nhờ bốn lần được hoãn dịch: hai năm vì lý do học vấn, hai năm vì lý do bệnh tật (sưng xương trong lòng bàn chân). Đương nhiên nhờ cha ông khéo chạy – như chính con ông bác sĩ cấp giấy này tiết lộ. Ông nói ông hài lòng đã tránh được chuyện đi lính, “một cuộc chiến tệ hại”.“Tôi từng nghĩ rằng nơi đó xa, xa lắm; vào lúc đó, chẳng ai biết nước này. Nhiều người chết. Như thế chuyện gì đang xảy ra ở nước này. Bởi thế, tôi chẳng ưa thích gì cuộc chiến đó”.

Ông can đảm ở chỗ dám cho mọi người biết tuy là tổng thống, ông vẫn chẳng cần học hỏi  gì thêm về lịch sử nước Mỹ, hiểu gì hơn về cuộc chiến Việt Nam đó. Ông chẳng cần biết chiến tranh lạnh là gì (cho dù ông lớn lên trong thời đó), vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Mỹ đối với Thế giới Tự do, và vị trí tiền đồn của Miền Nam VN trong sự ngăn chận làn sóng đỏ tràn đến vùng Đông Nam Á. Đó là chuyện hiển nhiên, chẳng phải là chuyện đáng tranh cãi – cho dù chẳng phải ai cũng nhìn thấy. Ông cũng can đảm ở chỗ không hiểu có những cộng đồng người Việt tự do ở các tiểu bang được hình thành từ những người chạy nạn qua đây. Một cộng đồng của boat people. Nhưng có lẽ ông chỉ cần biết trong cộng đồng người Việt cũng có những phần tử“cầm chuông”như người Mỹ.
 
Như vậy, nhân ngày 30-4 năm nay, 45 năm nhìn lại, chúng ta có thể nói gì với nhau? Thế hệ của những người đã từng sống qua, lớn lên dưới chế độ Saigon, đã từng biết chuyện tù tội, đã trải qua nhọc nhằn khôn kcủa những ngày “ăn cơm còn độn khoai mì”, cần nói gì với thế hệ may mắn hơn lớn lên sau này trên đất Mỹ, về cuộc chiến tranh Việt Nam, chinh thức thì từ 1960-1975, nhưng có thể phải nhìn ngược lại xa hơn 10-15 năm. Hiểu biết lịch sử chỉ làm cho con người vững vàng hơn là để cả một khoảng trống trong đầu mà không biết!
 
Cuộc chiến xâm lăng

Việt Cộng vẫn nói cuộc chiến tranh ở Miền Nam là một cuộc chiến nổỉ dậy, “khởi nghĩa”, vì người dân không chịu được sự áp bức của chế độ Ngô Đình Diệm.  Nếu chế độ Saigon là phát xít, quân phiệt, giống như chuyên chính vô sản, tại sao bộ máy quân đội, cảnh sát yếu kém đến mức không dập tắt được ngay khi ngọn lửa còn nhỏ, chưa bùng lên thành “mặt trận”? Và nếu người dân nổi dậy mà dễ dàng đến thế thì chế độ Hà Nội đã bị lật đổ từ khuya, từ phong trào cải cách ruộng đất cùng truy bức người Thiên chua giáo ở Qiỳnh Lưu.

Cuộc chiến mà Việt Cộng đã dấy lên bắt đầu dưới chiêu bài “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Hà Nội được toan tính từ khi Bắc Việt quyết định đặt bút ký kết Hiệp định hòa bình Geneve năm 1954 chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải), nhằm sau này sẽ chiếm cả Miền Nam, bằng chứng đơn giản là Cộng Sản đã gài lại hàng ngàn người ở Miền Nam thay vì “tập kết”. Mục đích cuối cùng của Cộng Sản Việt Nam bao giờ cũng là áp đặt chế độ “chuyên chính vô sản” lên cả nước – không nói đến mở rộng trong vùng Đông Nam Á. Việt Cộng đương nhiên xem đó là chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng, xem sự tham dự của Mỹ là “giới hạn”, “cục bộ”. Nhưng thực chất, cuộc chiến của Việt Cộng là chiến tranh xâm lăng. Cần hiểu rằng cuộc chiến này là của Cộng Sản Hà Nội, chẳng phải của “Miền Nam”; hầu như ngay sau ngày 30-4, “Mặt trận” và “Chính phủ Cách mạng Lâm thời” đã rớt ngay mặt nạ bù nhìn của chúng, rút ngay vào bóng tối.
      
Những giới nghiên cứu sử học Mỹ hay phân biệt hai loại chiến tranh: cần thiết (war of necessity) và lựa chọn (war of choice). Nhiều nhà sử học Mỹ cho rằng sự tham dự của Mỹ vào  chiến tranh Việt Nam là “lựa chọn”. Nhìn lại, cuộc chiến tranh này đối vói chế độ và nhân dân Miền Nam và cả với Mỹ là “chiến tranh cần thiết”, có tính sống còn.

Điều đáng tiếc là khi chúng ta nhìn lại một cách phê phán, chế độ Saigon đã không thấy tính cách sống còn của cuộc chiến và âm mưu của địch “trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” (học theo sách cua Mao). Thay vì phải huy động toàn dân, toàn quân mở cuộc chiến ra miền bắc cho đúng nghĩa nội chiến, Saigon chỉ có một lối chơi phòng thủ - như trong đá banh. Trong khi Mỹ cũng không nhận ra được dã tâm của địch hy sinh đến người dân cuối cùng, cho nên cũng theo đuổi một chiến tranh hạn chế, cuối cùng thì chán nản bỏ cuộc giữa khi có ưu thế.
 
Cuộc chiến sát nhân

Chính vì Hà Nội xem đó là một cuộc chiến cần thiết, để chiến thắng cần phải trả bất cứ  giá nào, cho nên phải sẵn sàng thí mạng người dân cho cuộc chiến. Khi khởi chiến, người ta hẳn phải tính trước phải hy sinh hàng triệu người (v3ừa dân lành vừa bộ đội), và cũng phải sát hại hàng trăm ngàn hay hàng triệu người ở miền nam. Nhưng Cộng Sản vẫn tiến tới (Bài thơ của Tố Hữu đã nói rõ: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ; Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong; Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng; Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt). Cuộc chiến của Việt Cộng có tính cách sát nhân, diệt chủng (genocidal war). Sách lược của cộng sản, học từ Mao, là: (i) Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân (people’s war; people’s army), và (ii) trường kỳ kháng chiến. Có nghĩa là nguồn cung từ người dân không bao giờ hết, cho nên cứ đánh cho đến kỳ cùng ắt thắng.

       Hà Nội biết sức mạnh của Mỹ (ưu thế áp đảo quân sự) và chỗ yếu (dân tình bất định cho nên Mỹ phải giới hạn trong cam kết và thời gian). Để chiến thắng, Hà Nội chẳng những sát hại, khủng bố người dân Miền Nam đã đành (Diệt chủng là biểu dương sức mạnh giai cấp và cũng là mục tiêu của cách mạng như một phương cách “giải phóng” hiệu quả nhất, trông thấy nhất) mà sẵn sàng “hy sinh” bao nhiêu thế hệ trẻ của Miền Bắc đang lớn lên trong thời hậu chiến. Một chuyện rõ rệt là Việt Cộng đã vét hết nam và nữ, bất kể độ tuổi, giới tính (bởi thế mới có chuyện “Người mẹ cầm súng” ở nông thôn Miền Nam), nhất là ở các tỉnh miền trung (quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn), vào lực lượng”giải phóng” của chúng. Đến khi nướng hết người ở miền nam trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, từ vùng Quảng Ngãi, Bình Định đến đồng bằng sông Cửu Long, chúng mới đưa thêm quân chính qui ở bắc vào nam (sinh bắc tử nam!).

       Sự vô đạo của cuộc chiến tranh “giải phóng”, như đã được nhấn mạnh, là ở chỗ tàn sát dân lành. Nổi bật nhất trong trí nhớ của chúng ta là Tết Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa... Đối với Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng nghĩ rằng “vận nước đã đến rồi, Bình minh chiếu khắp nơi” cho nên đã dấy lên ở khắp nơi, đương nhiên hiểu rằng thường dân nơi nơi phải chịu chết để mở đường cho chúng lên nắm quyền. Thế nhưng sau khi thấy nơi nơi nhà tan cửa nát, ngưòi dân vô tội đã lớp lớp nằm xuống nhưng chẳng ai chịu đứng dậy dương cao lá cờ “chính nghĩa” của chúng, Việt Cộng đã uất hận rút lui, và vì bẻ mặt nên không quên để lại dấu ấn trả thù của chúng bằng sự tàn sát hàng ngàn ngưòi dân vô tội ở Huế. Cho đến giờ, chưa ai ở Hà Nội dám giải thích vì sao có vụ thảm sát này trong thành nội Huế.
 
Cuộc chiến tiêu diệt

Chúng ta nghe đến mấy chữ “hòa hợp hòa giải” từ Hiệp định hòa bình 1973. Nếu có hòa hợp, hòa giải thì Bắc Việt đã phải rút quân ra khỏi miền nam từ năm 1973. Nếu có hòa hợp hòa giải thì đã không có chinh sách “khoan hồng” bằng cách bỏ tù cả trăm ngàn người không thời hạn, và gọi đó là “tập trung học tập cải tạo”. Nếu có hòa hợp hòa giải dân tộc thi đã không có “cải tạo công thương nghiệp”, thực chất không chỉ là “tiêu diệt tư sản mại bản” mà còn nhằm vào lớp tiểu tư sản ở thành thị.

“Học tập cải tạo” là một chinh sách lừa dối phỉnh phờ để cho “Nguy quân, ngụy quyền” đút đầu vô rọ. Khi loan báo chuyện tập trung cải tạo này, “cách mạng” khôn ngoan (một chữ khác thông dụng, dễ hiểu hơn chữ ngoan: “điếm”) hết cỡ, nói là đem lương thực đủ cho mười ngày thôi, có “diện” thì một tháng, cho nên “ngụy quân ngụy quyền” ai cũng mắc mưu, cứ dặn vợ con “mai mốt anh về”. Chẳng bao lâu, người ta biết ngay thực chất của những con số 10 ngày, 1 tháng. Mười ngày thực ra tối thiểu là ngàn ngày hay 2.000 ngày. Một tháng đã trở thành 100-150 tháng.  Có người phải ở tù suốt 17 năm, một số còn chôn thây nơi rừng thiêng nước độc.

“Đánh tư sản” đương nhiên là “mục tiêu cách mạng” lớn nhất, chiến lược nhất, sau khi Cộng Sản by được “ngụy quân ngụy quyền” vào các trại tập trung. Nhưng Cộng Sản đương nhiên hiểu rằng chính người dân miền nam mới là nền tảng của chế độ, đứng sau lưng “ngụy quyền” và cả thề chế kinh tế. Và những chiến dịch “cải tạo công thương nghiệp” liên tiếp trong những năm 1975-78 chính là nhằm trừng phạt đồng thời xích hóa người dân tầng lớp dưới – trong đó là gia đình, vợ con của những người đang bị “cải tạo”.
Chủ trương cải tạo này đương nhiên là tham vọng và ngu xuẩn. Vội vàng, gấp rút xóa bỏ kinh tế thị trường ở miền nam, lại giao tất cả quyền hành cho một người thợ sơn ở Hà Nội ngu xuẩn và ngoan cố như Đỗ Mười, thể hiện ba đặc điểm nổi bật của chế độ Hà Nội thời đó: ngu xuẩn, phân hóa bắc nam và phi nhân.
Từ năm 1986 Cộng Sản Hà Nội bắt buộc phải “đổi mới”, và 35 năm sau chúng ta thấy một Việt Nam có khác đi: chế độ càng lún sâu vào độc tài chuyên chính, không hề biết gì đến nhu cầu dân chủ của thời đại;  chế độ càng thêm tham nhũng và phân hóa – câu kết giữa giới có quyền và giới có tiền; văn hóa dân tộc càng thêm bệ rạc trên mọi mặt, và tôn giáo thêm rã rời...
Chúng ta cần phải ý thức hơn về một thời đã mất – thế hệ sắp qua và những thế hệ đang tới... 

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top