Vladimir Putin Muốn Làm Vua Nước Nga

Tham Luận

Vladimir Putin Muốn Làm Vua Nước Nga

Vladimir Putin tin rằng ông được giao phó nhiệm vụ làm nước Nga vĩ đại trở lại và có một kế hoạch để “trị vì” lâu dài.

Phân tích của Mikhai Zygar ở Moscow trên báo TIME ngày 2/4/2018
Nguyễn Minh Tâm dịch


Tổng thống Nga Putin sống tại Điện Cẩm Linh xa hoa và độc tài hơn cả Nga Hoàng thế kỷ 19

Bầu không khí trở nên căng thẳng tại điện Cẩm Linh.  Chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày 18 tháng Ba, ngày cử tri Nga đi bầu tổng thống, các vị bộ trưởng chính phủ liên bang lo lắng về việc chức vụ của mình trong tương lai có còn hay không. Trong phiên họp, đã có một bộ trưởng quay đầu hỏi Tổng thống: “Thưa Tổng thống chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi sau ngày 18 tháng Ba?.”

Mọi người có mặt trong phiên họp đều biết vị bộ trưởng đó đã phạm lỗi. Ở  điện Cẩm Linh, không một ai được phép để lộ sự yếu kém của mình, và không một ai được phép hỏi ông Putin về số phận tương lai của mình. Một người thân tín của tôi trong nội các nói rằng ông Putin không bao giờ đưa ra câu trả lời rõ ràng, ông chỉ nhếch mép cười kín đáo, nham hiểm. Ông ta đã trả lời vị bộ trưởng đó như sau: “Nào có ai biết được. Chính tôi còn không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi sau ngáy 18 tháng Ba.”.

Lẽ dĩ nhiên, việc tái tranh cử nhiệm kỳ thứ tư của ông Putin đã được dàn xếp từ trước. Cuộc bầu cử hết sức tẻ nhạt, với đa số phiếu 77% ủng hộ ứng cử viên đương nhiệm. Nhưng giới lãnh đạo chính trị Nga vẫn hồi hộp, đợi chờ trong sợ hãi vào ngày bầu cử. Họ lo sợ không phải về kết quả bầu cử, mà về số phận của họ sau kỳ bầu cử lần này. Mặc dù chuyện trừ khử bằng thuốc độc cựu nhân viên tình báo Sergei Skripal vừa mới xảy ra ở Luân Đôn hôm 4 tháng Ba, song họ không mảy may lo ngại về tình trạng căn thẳng với phương Tây. Họ lo sợ nhiều hơn về những thay đổi sắp tới trong nội các.

Theo đúng hiến pháp hiện thời của nước Nga, ông Putin sẽ làm việc tiếp sáu năm, trong nhiệm kỳ cuối cùng. Nhưng rõ ràng là không ai có thể đoán chắc được ông Putin sẽ chịu thoái vị, không ra làm tổng thống sau năm 2024. Theo một bộ trưởng thân tín của ông Putin, thì “có dự đoán sai lầm nói rằng ông Putin khi đó sẽ mệt mỏi, muốn nghỉ hưu, ở nhà rong chơi, an hưởng cuộc sống của một tỉ phú.”. Theo tôi, ông Putin chưa cảm thấy thấm mệt đâu. Ông ta vẫn còn rất nhiều đam mê, ông muốn làm nhiều thứ khác, và luôn luôn để ý đến chi tiết của từng việc. Đó là lối sống của ông ta. Ông Putin là như thế đó: Ông ta không thể sống được nếu không nắm quyền bính trong tay.”.

Bây giờ thì ông Putin đang ngồi suy nghĩ ra kế hoạch phức tạp để cai trị đất nước ông trong tương lai. Có lẽ ông sẽ đi tìm những kẽ hở trong Hiến Pháp, hay sửa Hiến Pháp, hoặc xây dựng cơ cấu hạ tầng cơ sở mới cho nhà nước. Theo nguồn tin đáng tin cậy cho báo TIME biết thì chắc chắn ông Putin đang nắm trọn quyền bính trong tay.

Guồng máy cai trị hiện nay thừa hiểu rằng trong tương  lai sẽ xảy ra rất nhiều xáo trộn, bão tố. Giống như câu hỏi vị bộ trưởng vừa đặt ra cho ông Putin, mọi sự thay đổi có thể xảy ra cho bất cứ ai trong giai cấp lãnh đạo chính trị Nga.

Cá nhân ông Vladimir Putin thay đổi rất nhiều kể từ ngày ông nắm chính quyền. Hồi năm 2000, ông không bao giờ nghĩ rằng ông lại nắm ghế tổng thống lâu đến như vậy. Trong nhiệm kỳ đầu, ông có có ý định từ chối không ra tái tranh cử vào năm 2004. Như tôi đã trình bầy trong cuốn sách của tôi All the Kremin’s Men cho thấy rằng tập đoàn cai trị, bạn thân của ông đã chiếm hữu, thủ đắc vô số tài sản trong ngành kinh doanh, hay trong ngành tình báo. Đối với bọn tay chân thủ túc này, ông Putin là người đảm bảo cho sức mạnh toàn năng, và họ cố tình tạo sức ép, buộc ông phải tiếp tục nắm giữa quyền bính.  
 
Sang đến nhiệm kỳ hai, ông bắt đầu suy nghĩ về chỗ đứng của ông trong lịch sử, và ông muốn dân Nga sẽ nghĩ đến ông về những gì ông đóng góp cho đất nước. Năm 2008, ông nhượng chức tổng thống cho ông Dmitry Medvedev, ông trở thành Thủ tướng, nắm giữa quyền bính trong tay, và điều khiển việc nước từ trong bóng tối. Nhưng kinh nghiệm cai trị kiểu này khiến ông cảm thấy tổn thương. Ông rất bực mình về việc ông Medvedev đối phó với Cuộc cách Mạng Mùa Xuân Ả Rập xảy ra hồi năm 2011.  
 
Cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập nhắc nhở ông Putin về những cuộc cách mạng “sắc mầu” khác xảy ra liên tiếp trong những năm của thập niên 2000’s. Nó xảy ra ở nước cộng hòa Sô Viết cũ Georgia, và Ukraine, nhằm lật đổ những người lãnh đạo thân Nga. Quan sát những gì đang xảy ra, làm suy yếu quyền lực ủa chế độ Muamar Gaddafi, ông Putin tin rằng nước Nga chớ nên ủng hộ chiến dịch quốc tế chống lại nước Libya. Ông coi đó là một âm mưu toàn cầu nhằm khuynh đảo thế giới. Nước kế tiếp sắp bị tấn công sẽ là nước Nga.

Nhưng ông Medvedev đã ủng hộ chiến dịch quốc tế, và không chịu bỏ phiếu phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chính vì việc này, ông Putin cho rằng ông không thể tin vào bất cứ ai khác, ngoại trừ ông, có thể nắm giữ vai trò lãnh đạo nước Nga. Thế là ông trở lại nắm quyền lãnh đạo ở Cẩm Linh từ năm 2012.

Kể từ thời điểm đó trở đi, tâm lý trong con người ông Putin trải qua một giai đoạn chuyển biến hết sức quan trọng. Ông trở nên tin tưởng chắc chắn rằng ông được chọn là người lãnh đạo, phải hoàn tất một sứ mạng hết sức đặc biệt: Đó Là Cứu Nguy nước Nga. Chính cái tâm lý này đã khiến cho ông làm những sự kiện quan trọng trong năm 2014, khi ông cương quyết sát nhập vùng Crimea vào lãnh thổ Nga để trả đũa cho cuộc cách mạng đang xảy ra ở Ukraine. Làm như thế, ông muốn đập tan âm mưu toàn cầu chống lại nước Nga. Thế giới Tây Phương  phản ứng với sự hốt hoảng, và Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh Âu châu áp dụng những biện pháp trừng phạt thật nặng đối với Nga. Hành động sát nhập vùng Crimea vào lãnh thổ nước Nga ám chỉ rằng đây là lần đầu tiên kể từ  khi Liên Bang Xô Viết tan rã, nước Nga đã quanh trở lại vị trí siêu cường.
 
Kể từ đó về sau, nỗ lực làm cho nước Nga vĩ đại là một phần của ý thức hệ mà ông Putin muốn theo đuổi. Guồng máy tuyên truyền của nhà nước bắt đầu nhấn mạnh rằng ông Putin là người duy nhất có thể khôi phục lại sự vĩ đại cho nước Nga. Ý niệm này được giải thích, tuyên truyền, rất tỉ mỉ trong các kỳ tuyển cử, trong những bài xã luận trên đài truyền hình, hệ thống truyền hình của nhà nước Rossiya1. Cuốn phim Valaam thuật lại câu chuyện ông Putin đã cứu vãn, phục hồi giáo hội chính thống giáo của nước Nga như thế nào. Trong thời kỳ còn Liên Bang Xô Viết, giáo hội này bị bỏ bê, không hề được chăm sóc tử tế. Ông Putin đã làm được sự hòa hợp giữa những người còn hoài niệm chế độ cộng sản với những người muốn trở về thời đế quốc Nga trước khi xảy ra cách mạng vô sản. Ông đặt nền tảng trên sự hưng thịnh của Chính Thống Giáo Nga.

Trong một đoạn hết sức tiêu biểu của cuốn phim kể trên, ông Putin nói rằng những nhà kiến trúc Bôn Sê Vích của nhà nước Cộng Sản Nga USSR, chẳng qua cũng chỉ chế biến lại học thuyết, giáo điều từng chế ngự giáo hội Chính Thống giáo trong nhiều thế kỷ trước. Ông ta còn so sánh việc bảo tồn xác ướp Lê Nin trong Lăng Lê Nin ở Công trường Đỏ giống như việc bảo tồn những di tích các vị thánh trong Chính Thống Giáo.

Cuối cùng cuốn phim xác quyết một điều: ông Putin là  người lãnh đạo duy nhất có khả năng kết đoàn những chia rẽ phân ly trong lịch sử. Ông Vyacheslav Volodin, cựu chánh văn phòng của Putin từng nói: “Không có Putin thì không có nước Nga.”.

Trước khi bầu cử diễn ra khá lâu, ông Putin đã bắt đầu chuẩn bị việc ông sẽ làm trong kỷ nguyên mới. Trong suốt  một năm qua, ông đã làm công việc dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Ông sa thải một số đông những tỉnh trưởng già nua, thay bằng những chuyên gia hành chánh trẻ tuổi vô danh, chưa hề nghe nói đến. Điển hình nhất là vụ thay thế tỉnh trưởng của các tình Samara và Nizhny Novgorod. Vụ thay thế tỉnh trưởng này rất rõ ràng, và gây chấn động, khiến cho những người sử dụng mạng xã hội so sánh với việc chơi đánh cờ Matrix. Thay thế bằng những nhân vật gọi là Agent Smiths chỉ biết răm rắp tuân lệnh chính quyền trung ương.

Trò chơi thay chủ tỉnh bằng những nhân vật gia nô của ông Putin nói lên nghệ thuật dụng nhân của ông Putin. Ông muốn tất cả đều ở lứa tuổi còn trẻ, trên dưới 40, hay trẻ hơn, không mang trong người tư tưởng chính trị cực đoan. Họ thuần túy chỉ là những viên chức hành chánh, trung thành tuyệt đối với ông Putin. Tiêu chuẩn để chọn ra những chuyên gia hành chánh này dựa vào hình ảnh cốt lõi của ông Putin. Hình ảnh đó là sự kết hợp của con người ông Putin trước đây: ông Putin là một viên chức chính phủ vô danh tiểu tốt, không có tham vọng chính trị, cho đến khi bỗng dưng được bổ nhiệm làm Thủ tường, sau đó, lên đảm nhiệm chức vụ tổng thống, khi ông Boris Yeltsin từ chức.

Đám cận thần bao quanh ông Putin còn bao gồm một số nhân vật mệnh danh là Checkist chính thống, xuất thân là nhân viên tình báo, mật vụ, giống như ông Putin, làm trong KGB, Tình báo Trung Ương Nga dưới thời ông Brezhnev. Trong số đám cận thần loại này có ông Igor Sechin, chủ tịch công ty năng lượng Rosneft, người được coi là đứng đầu nhóm đệ tử xuất thân làm nghể mật vụ. Nói chung đám mật vụ này chẳng bao giờ ưa cộng sản, nhưng bây giờ chúng lại là những người tin vào Thượng Đế. Và nếu như nước Nga là nước được Thượng Đế chọn, hệ luận sẽ là Putin chính là người được Thượng Đế chọn để lãnh đạo. Bản thân Tổng thống Putin cũng tin vào lập luận này.

Hai nhóm lãnh đạo do ông Putin gầy dựng gồm những nhà hành chánh mới, và những tay “Cheklists”, hay “Mật vụ cũ” tạo thành một lực lượng ghê gớm cho giới chính trị ưu tú của nước Nga, hay nhóm “Cấp tiến đang ngủ yên”, xuất hiện từ thập niên 1990’s trong thời kỳ ông Yeltsin còn làm Tổng thống. Nhiều người trong nhóm chính trị gia cấp tiến họp lại với nhau thành những nhà cải cách, đòi hỏi dân chủ như các cựu thủ tướng Yegor Gaidar và Anatoly Sobchak, thị trưởng đầu tiên của thành phố St. Petersburg do dân chúng bầu ra. Phần lớn những chính khách này xuất thân từ những gia đình danh giá, giầu có, gia đình của họ làm chủ nhiều bất động sản ở ngoại quốc.  Bản thân họ là thành phần lãnh đạo ưu tú, hay là bạn thân của giới lãnh đạo.

Giới chính khách cấp tiến tin rằng nước Nga cần có chế độ dân chủ, một nền kinh tế thị trường, tự do ngôn luận, và có quan hệ tốt với phương Tây. Những người này không bao giờ lên tiếng lớn, bởi vì họ sợ đi trái với lập trường của ông Putin. Trong lúc họ giữ thái độ yên lặng, thì liên minh chuyên gia hành chánh và “cựu mật vụ” của ông Putin tìm cách thu tóm quyền bính để giữ cho Tổng thống nắm được chức vụ này cho thế hệ tương lai.

Thành viên của nhóm chính trị gia cấp tiến, đang tạm thời im tiếng, ngủ yên, cả quyết rằng họ sẵn sàng thức dậy, chờ cơ hội chín mùi để ra tay hành động. Nhưng có nhiều lần cơ hội đến rồi lại đi. Họ vẫn chưa có cơ hội nắm lấy lá cờ để phất. Một nhà lãnh đạo xã hội Nga phải tiếc thầm, và nói: “Thật là kỳ lạ. Chúng ta không nhận ra khi cơ hội đến, và để vuột khỏi tầm tay. Chúng ta đã không chiến đấu để bảo vệ lý tưởng của chúng ta. Bây giờ chúng ta đành phải lặng yên đứng nhìn mọi thứ đang tan rã  từng mảng.”

Bạn không cần phải tìm kiếm đâu xa để biết xem ông Putin sẽ làm gì trong nhiệm kỳ sắp tới. Hôm 1 tháng Ba, ông đã hé lộ lập trường của ông trong bài diễn văn thường niên đọc trước quốc hội liên bang. Trong đó, ông tiết lộ về vũ khí nguyên tử thuộc thế hệ mới nhất nước Nga. Bất chấp thông lệ hàng năm, kỳ này ông đọc bài diễn văn tại hội trường hoành tráng vĩ đại là Moscow Manege, thay vì tại Điện Cẩm Linh để ông có dịp trình chiếu cuốn phim video cho thấy tên lửa của Nga bay thẳng sang Hoa Kỳ. Từ nay, phe Tây phương sẽ không còn có thể coi thường nước Nga như trước đây được nữa. Ông Putin nói thật lớn giữa tiếng reo hò vang dội tại hội trường: “Hồi trước không ai thèm lắng nghe chúng ta. Bây giờ đã đến lúc họ phải tỉnh giấc, và lắng nghe.”.

Khắp thế giới hiện nay, mọi người đều có cảm tưởng như tình trạng “Chiến Tranh Lạnh” tái xuất hiện. Đó chính là chủ đích của ông Putin. Nước Nga không thể giả vờ đóng vai siêu cường về kinh tế, nhưng nước Nga có một loại tài nguyên khác: Đó là vũ khí nguyên tử. Ông Putin tin rằng không còn cách nào khác để bắt phương Tây phải kính nể nước Nga, chỉ còn có vũ khí nguyên tử.

Theo quan điểm của ông Putin thì ông đã quá mệt mỏi khi tìm đủ mọi cách kết thân với các nhà lãnh đạo Tây phương trong suốt 15 năm trời mà không đem lại kết quả. Ông từng hy vọng Tổng thống George W. Bush, Thủ tướng Tony Blair và những người kế vị đối xử bình đẳng với ông. Nhưng ông Putin cảm thấy ông bị ông Bush sỉ nhục vì thái độ của nước Mỹ đối với Nga. Ông có cảm tưởng rằng Tổng Thống Mỹ chỉ coi nước Nga như một một quốc gia Âu châu tầm thường, hạng nhì, vì có đất rộng. Chỉ có cách trở về tình trạng Chiến Tranh Lạnh  mới có cơ hội đem lại sự đối thoại bình đẳng. Người Mỹ sẽ phải kính nể ông như đã từng kính nể Brezhnev và các nhà lãnh đạo Liên Xô ngày xưa.

Cùng lúc đó, ông Putin lại muốn quan hệ với phương Tây được cải thiện. Ông không mơ tưởng sẽ xảy ra một trận thế chiến mới, nhưng ông mơ đến một thứ Hội Nghị Yaltar mới từng diễn ra ở Crimea hồi năm 1945, nơi đó, lãnh tụ Nga Stalin tiếp đón các nhà lãnh đạo Tây phương như Roosevelt và Churchill. Lúc bấy giờ, lãnh đạo của các nước thắng trận trong Thế Chiến Thứ Hai đã cùng ngồi lại với nhau để phân chia vùng ảnh hưởng, và đặt qui tắc mới cho cuộc chơi. Ông ta muốn Tây phương phải công nhận rằng những vùng lãnh thổ trước đây thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Bang Xô Viết, (và cả những nước lân cận) phải được đem trả lại trong vùng trách nhiệm của Nga. Ông ta muốn có sự đảm bảo, có sự tôn vinh mà ông xứng đáng được hưởng.

Các nhà lãnh đạo phương Tây như Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra phản biện nói rằng vấn đề chia vùng ảnh hưởng ngày nay không còn nữa trong bối cảnh của thế giới ngày nay. Ông Putin bác bỏ lập luận này. Gọi đó là giả dối, xảo trá. Ông chỉ muốn gặp những lãnh tụ Tây phương nào muốn ngồi xuống thương lượng với ông.

Ông Putin muốn thế giới xem ông như một nhà lãnh đạo đem lại hòa bình. Để làm được điều này, ông can thiệp vào cuộc chiến ở Syria. Ông dùng sức mạnh quân sự để ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar Assad. Không một ai ở Điện Cẩm Linh tin rằng Hoa Kỳ sẽ đồng ý tham dự một hội nghị quan trọng để giải quyết vấn đề Syria, hay sẵn sàng đi phó hội với những điều kiện của ông Putin.

Chính quyền của ông Putin đang chuẩn bị một số công tác khác, những việc cần phải làm ngay bên cạnh nước Nga. Ví dụ: ông Putin đang chuẩn bị giải quyết vấn đề ở Donbas, vùng đất phía đông của Ukraine, nơi quân đội Nga gây ra cuộc nội chiến từ năm 2014 đến nay. Nguồn tin thân cận trong bộ Ngoại Giao Nga nói với báo TIME rằng ông Putin sẵn sàng đồng ý để vùng phía đông Ukraine trở thành một vùng do quốc tế ủy trị giống như những vùng ở Bosnia, và Herzergovia, hay Kosovo trước đây.

Nhưng ông ta không sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề Crimea. Khi ký giả quốc tế hỏi ông Putin về việc này, ông trả lời :”Vấn đề là phải công bằng, hợp lý.”. Theo quan điểm của ông thì người dân sống ở Crimea rất hài lòng với sự sát nhập vào nước Nga. Tức là công lý đã được thực hiện. Không cần phải làm gì khác để thay đổi tình trạng đó.

Cái khẩu hiệu “Chỉ là vấn đề công bằng” được ông Putin sử dụng rất nhiều lần. Cách đây 10 năm, ông Putin khoe rằng ông là một luật sư, một luật sư qua kinh nghiệm thực tiễn. Ông cương quyết đòi hỏi rằng việc tuân thủ vô điều kiện đới với luật pháp là nguyên tắc tối thượng. Ông không hề sửa đổi hiến pháp Nga để được đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Ông nhượng quyền lại cho một luật sư khác là Medvedev lên làm tổng thống, trước khi ông lấy lại quyền hành. Sau khi sát nhập vùng Crimea vào lãnh thổ Nga, ông muốn từ nay trở đi mọi việc phải làm đúng theo sách vở.

Nhưng ông Putin lại thay đổi. Bây giờ ông cho rằng công lý quan trọng hơn cả luật pháp. Do đó, ông có thể sửa đổi cả luật pháp nếu thấy kết quả đem lại sự công bằng.

Rồi đây ông Putin sẽ còn nắm quyền bính trong bao lâu nữa, không ai có thể đoán được. Ông ta có cả sáu năm suy tính ra cách nào  để duy trì quyền bính, và ông không cần phải bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch của ông ngay từ bây giờ. Ít ra là cũng phải đề sau kỳ thi đấu bóng tròn World Cup tổ chức ở Nga vào mùa hè năm nay. Ông ta sẽ không vội vàng chia sẻ ý kiến của ông với đám tùy tùng. Ông thích làm cho mọi người phải ngạc nhiên. Càng để thiên hạ biết về kế hoạch của ông trễ chừng nào, càng gây nên nhiều thú vị.

Chắc chắn ông sẽ tìm ra cách để duy trì sự kiểm soát của ông; ông cho rằng đó chỉ là việc làm công bình, hợp lý mà thôi. Và kỳ này, nói theo suy nghĩ riêng của ông. Đến tháng Ba năm 2024, khi nhiệm kỳ thứ tư của ông chấm dứt, ông Putin mới được 71 tuổi, cùng số tuổi của ông Trump hiện nay.

Ghi chú: Tác giả Zygar là cựu chủ bút hệ thống truyền thông Dozhd. Đây là hệ thống truyền thông độc lập duy nhất ở nước Nga. Ông là tác giả hai cuốn sách: All the Kremlin’s Men và The Empire Must Die
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top