Trúc Giang MN, Bệnh AIDS Có Còn Là Bản Án Tử Hình?

Tham Luận

Bệnh AIDS Có Còn Là Những Bản Án Tử Hình?
Trúc Giang MN
 
1. Đêm tân hôn
Đêm tân hôn. Yên lặng nhìn cô dâu, chú rể rưng rưng rồi bật khóc. Cô gái trẻ tưởng chồng mình xúc động vì quá hạnh phúc được sống gần người yêu, nhưng sự thật đau lòng hơn nhiều. Anh ta vừa nhận được kết quả dương tính HIV qua cuộc thử nghiệm mà bịnh viện vừa gởi tới. Anh cũng không ngờ số mệnh của mình lại kết cuộc như thế.
Sau 3 năm lao động ở nước ngoài, với số tiền dành dụm được, anh vừa mới làm đám cưới với người yêu đã chờ đợi suốt thời gian anh ở nước ngoài.
Thời gian thương nhớ 3 năm, cho nên khi chàng trai trở về, thì cô gái đã “cho” người yêu trước đêm tân hôn.
Sáng ra, vợ chồng trẻ nhìn nhau, im lặng. Mỗi người miên man biết bao nhiêu ý nghĩ. Tương lai, hạnh phúc gia đình, thái độ phải đối diện với cuộc sống, về con cái, cha mẹ hai bên, về sức khoẻ và về cái chết.
Càng đau khổ hơn nữa, khi cô gái phát hiện mình đã mang bầu hơn 4 tuần lễ.
Nổi buồn và hoàn cảnh bi đát nầy không thể thố lộ cùng ai. Cô khao khát được có những đứa con ngoan, thành công ở đời, nhưng tất cả những ước mơ đơn giản ấy giờ đây đã tan tành theo mây khói.
Ba năm ở nước ngoài, do bạn rủ rê, chàng trai cũng đã có nhiều lần đi mua vui, nhưng không biết được mình đã vướng vào căn bịnh quái ác nầy.
Cô gái cũng không có con đường nào để thoát ra khỏi số mệnh hiện tại. Trách mắng chồng, chửi bới, ly dị cũng không thay đổi được gì. Làm rùm beng lên thì cũng chỉ làm cho mọi người xa lánh và né tránh mình mà thôi.
Thỉnh thoảng về khuya, cảm thấy cái chết mỗi ngày càng đến gần hơn, vợ chồng ôm nhau khóc. Người chồng đau khổ trong hối hận, tội lỗi, một vài phút hoan lạc mà phải trả cái giá của 3 mạng người như thế nầy, thì thật là quá đắt.
2* Hiệp sĩ tình yêu
2.1. Mối tình làm rung động thế giới
Mối tình làm rung động thế giới của chàng thanh niên Đức với cô gái Campuchia nhiễm HIV.
Tháng 9 năm 2003, trên sàn nhảy của một hộp đêm ở Phnom Penh, Campuchia, Benjamin Prüfer đã làm quen với Sreykeo Solvan.
   
Gương mặt không son phấn, cũng không khêu gợi, nhưng chính con người thực.
Benjamin Prüfer sinh ngày 1-1-1979 tại Darmstadt, Germany, là biên tập viên của tờ Tomorrow ở Đức. Không thành công trong nghề nghiệp, Benjamin thực hiện một chuyến du lịch Thái Lan, qua Lào, rồi đến Phnom Penh.
Sreykeo Solvan 21 tuổi, không khêu gợi, không son phấn lòe lẹt như những cô gái khác trong vũ trường nầy, bàn tay thô của người thiếu nữ làm ruộng, nhưng những âu yếm phản phất nét chân thật của Sreykeo là điều làm cho Benjamin xúc động. Sau một đêm, cô gái Miên ấy đã để lại trong lòng Ben một chút quyến luyến, mặc dù ban đầu anh vẫn coi cuộc gặp gỡ với cô như là một bước lỡ chân trong một đêm rượu đã ngà ngà say.
Anh thừa thì giờ để ra đi, nhưng Sreykeo dường như có một cái gì để cầm chân anh lại. Thái độ chân thật của cô khiến anh quên rằng cô là một cô gái mãi dâm.
Những ngày sống ở Phnom Penh, Ben và Sreykeo đi chợ, mua sắm, khám bịnh và về quê. Ben đã khám phá ra Sreykeo chỉ có một giấc mơ đơn giản là có chồng và sinh con.
                 
Tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi biên giới và chia sẻ sức mạnh để sống một đời hạnh phúc bên nhau.
Benjamin về Đức. Họ thường liên lạc nhau qua Email, điện thoại, nhắn tin. Một ngày âm u nọ, vực thẳm đã hiện ra. Sreykeo đã viết trong Email rằng cô bị phát hiện đã nhiễm vi khuẩn HIV.
Dù có thể, nhưng Ben không muốn bỏ rơi cô. Trong suy nghĩ của anh thì “Tình yêu là một giấc mơ về một tương lai chung, căn nhà chung và những ngày sống chung”
Từ trên Internet, từ bạn bè và các tổ chức cứu trợ, Benjamin đã cố tìm phương pháp trị liệu hầu đẩy lùi cái chết cho Sreykeo.
Anh bắt đầu tiết kiệm từng đồng tiền để đưa Sreykeo đi chữa trị.
Chính lúc nầy, ước mơ của Sreykeo càng trở nên mãnh liệt, cô muốn được đi học, đến trường học tiếng Anh, tiếng Pháp…
Trong một lần với nhau, bị rách bao cao su, lúc đó Benjamin phải đối mặt với thử thách, đó là nổi lo âu bị nhiễm bịnh và với mặc cảm tội lỗi là anh lo sợ mình sẽ trở thành gánh nặng của người khác.
Nhưng may mắn cho anh, các cuộc xét nghiệm cho thấy âm tính của HIV. Không có vi khuẩn. Không có bịnh.
2.2. “Tình yêu là thử thách ở thực tại cuộc sống có nhiều cay đắng”.
Cuối cùng, anh quyết định chung sống với Sreykeo. Cuộc đấu tranh về tình yêu, đã trở thành cuộc đấu tranh với móng vuốt của tử thần. Benjamin nói “Tình yêu không nhất thiết phải được thử thách ở tầm cao của trí tuệ, mà là thử thách ở thực tại cuộc sống có nhiều cay đắng”.
Đến Phnom Penh và ở lại với Sreykeo, khi thì ở chung cư cũ nát, lúc thì ở căn hộ thuê chật hẹp tồi tàn.

                   
                   Những ngày hạnh phúc bên nhau ở Campuchia
Anh nhận ra người Khmer phân biệt phụ nữ, giữa “Trắng” và “Đen” một cách đơn giản về con người. “Trắng” là còn trinh cho đến đêm tân hôn. “Đen” là phụ nữ chưa có chồng mà đã mất trinh. Mất trinh có nghĩa là mất tất cả, mất phẩm giá, mất chồng, không có gia đình, và không có tất cả, đau yếu không có người chăm sóc. Đó là số phận của Sreykeo ở đất nước của cô, vì thế Ben không thể bỏ cô.
Để có tiền, Benjamin đã viết chuyện dài của mình trên nhiều kỳ báo. Hai người đã từng bị cho là “Thằng khùng và con đĩ” nhưng sau những bài báo cảm động, họ được tôn là “Hiệp sĩ của tình yêu”.
 Sau nầy, một nhà xuất bản đề nghị anh viết lại câu chuyện về đời anh.
Năm 2006, Benjamin kết hôn với Sreykeo Solvan theo nghi lễ của người Khmer. Cha mẹ, anh trai và một bạn thân từ Đức qua dự hôn lễ.
Benjamin viết “Tình yêu không phải là một vòng tay êm ấm vĩnh viễn, mà trái lại, đó là một cuộc đấu tay đôi thì đúng hơn, và không ai được thắng. Nếu có người thua, thì tình yêu chấm dứt”.
         
     Benjamin kết hôn với Sorvan theo nghi lễ của người Khmer
Con người đi tìm tình yêu trong nhiều hoàn cảnh ngang trái khác nhau. Dù trong hoàn cảnh nào, cảm nhận được tình yêu tức là đã có nó. Cũng có người quan niệm rằng “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt canh thâu”.
Sở dĩ cô gái đã gây ấn tượng trong Benjamin là do trước khi gặp nhau, cô đã đi chùa lễ Phật và phóng sinh 2 con rùa, một con cái, một đực, và cầu xin cho cô được gặp một người chồng. Trên con rùa cái, cô viết tên mình lên nó, để cho thần linh biết ước vọng của cô. Và trong ngày hôm đó, cô đã gặp Benjamin và nghĩ rằng lời cầu nguyện đã hiển linh, cho nên trong thâm tâm, cô tự coi Benjamin như là người chồng mà thần linh ban cho cô. Chính thái độ thật tình đó đã khiến cho Benjamin cảm kích.
Đối với nhiều người, mối tình nầy là một mối tình bi thương và tuyệt vọng, nhưng chính hai người trong cuộc chưa một lần nào ta thán về nổi bất hạnh của mình. Đó là họ đã vượt qua mọi biên giới để sống hạnh phúc bên nhau, dù cho thời gian được đong đo bằng ngày tháng.
Năm 2007, Benjamin đã đoạt được Giải Truyền Thông của Tổ Chức AIDS Đức (Deutsche AIDS-Stiftung)
2.3. Phim “Same same but Different”
             
                          Phim Same Same but Different
Năm 2009, một phim kể lại cuộc tình của Benjamin và Sreykeo mang tên Same Same but Different được đánh giá cao và được tham dự Đại hội điện ảnh lần thứ 62 Locarno International Film Festival ngày 13-8-2009.
Phim nêu chuyện tình của Benjamin và Sreykeo mang hai đặc điểm: một là đề cập đến tác hại kinh hoàng của chứng bịnh chưa có thuốc chữa trị, hai là câu chuyện có thật thể hiện tình người đối với những nạn nhân của căn bịnh quái ác đó.
Hai đặc điểm nầy cũng là nội dung của Ngày Thế Giới Phòng Chống bịnh AIDS mà LHQ cổ động.
3* Một cái chết làm kinh hoàng cả xóm nghèo
Ở một xóm nghèo của huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), người ta mới bắt đầu biết về căn bịnh ấy từ câu chuyện có thật của một người quen.
Căn nhà của chị Bùi Thị Biển khá bề thế nhưng cỏ mọc um tùm vì đã từ lâu vắng bóng người ở.
Sau khi chồng chết trong một cơn bão lụt, chị Biển lâm vào cảnh túng thiếu, do nợ nần chồng chất.
Lợi dụng nhan sắc trời cho, ở tuổi ba mươi càng thêm rực rỡ, chị sống buông thả với những người đàn ông dê xồm ham của lạ, để có tiền tiêu xài và trả nợ. Chị đã chung đụng với nhiều đàn ông, từ nông dân đến người buôn bán, công chức thành phố…
Lần ấy chị bị sốt. Khi xét nghiệm máu, bác sĩ nhận ra một sự thật phũ phàng: chị bị nhiễm vi khuẩn HIV.
Và rồi không biết vì sao mà mọi người dân trong làng đều biết chị bị nhiễm HIV. Những người đàn ông chung chạ với chị bỏ của chạy lấy người, nhưng nào được yên thân vì bản án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu, tâm trạng hoang mang cùng cực.
Tiếng xì xầm, phê bình chỉ trích càng gia tăng, khi hai người đàn ông trong xóm chết theo chị sau hai tháng.
Cả làng xôn xao, đâu đâu người ta cũng bàn tán, dự đoán về danh tánh của những người đàn ông đã từng chung đụng với người đẹp. Nhiều gia đình nổi cơn sóng gió, những bà vợ có máu Hoạn Thư, đa nghi hạch sách các ông chồng, oan có, mà ưng cũng có. Những ông chồng hảo ngọt, ham của lạ bị vặn hỏi thì chỉ gãi đầu, gãi tai quanh co chối tội.
Cả làng xôn xao, kinh hoàng, vì suy ra thì có rất nhiều người liên hệ có thể bị lây lan, vợ chồng, con cái, bạn bè...
Bác sĩ giám đốc trung tâm Phòng Chống HIV/AIDS Quảng Ngãi cho biết: “Nếu như HIV/AIDS là bản án tử hình, thì sự kỳ thị, xa lánh của những người chung quanh là bản án chung thân”. Án nào rồi cũng có chung một kết cuộc. Một kết cuộc đầy tang tóc.      
4*. Tổng quát về HIV/AIDS
4.1. HIV và bịnh AIDS
• HIV
Bịnh AIDS do vi khuẩn HIV tạo ra.
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể con người, làm suy yếu và hủy diệt hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, là bạch huyết cầu. Hệ miễn nhiễm là hệ thống phòng thủ bảo vệ cơ thể chống lại những loại vi khuẩn, vi trùng, nói chung là những mầm gây bịnh từ bên ngoài xâm nhập vào.
Khả năng đánh lừa cơ thể của vi khuẩn HIV.
HIV/AIDS đáng sợ hơn những vi khuẩn khác, là do nó dễ dàng xâm nhập và làm suy giảm nhanh chóng hệ thống miễn dịch.  Khi HIV xâm nhập vào cơ thể nó được che giấu trong phân tử đường Carbohydrate, đánh lừa, khiến cho hệ thống miễn dịch tưởng lầm rằng nó là chất dinh dưỡng nên không tấn công kịp thời ngay từ bước đầu. Ngay khi vào cơ thể, HIV phát triển theo cấp số nhân, gia tăng số lượng rất nhanh chống, làm suy giảm và hủy diệt bạch huyết cầu, là hệ thống miễn nhiễm.
• Nhiễm HIV có 3 giai đoạn: cấp tính, mãn tính và bịnh AIDS
a). Giai đoạn cấp tính
Là thời gian kể từ khi vi khuẩn HIV xâm nhập cơ thể. Phát triển bằng cấp số nhân, làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạch huyết cầu.
Thời gian nầy từ 2 đến 4 tuần lễ. Triệu chứng: sốt, nổi hạch, đau cơ bắp, viêm họng, khó chịu, nhức đầu, buồn nôn. Ở giai đoạn nầy, số lượng vi khuẩn HIV tăng lên tới vài triệu con trong 1 ml máu.
b). Giai đoạn mãn tính
Ở những cơ thể mạnh, sức đề kháng của hệ miễn nhiễm làm giảm số lượng vi khuẩn HIV. HIV không chết, mà tồn tại, kéo dài từ 2 tuần lễ đến 20 năm. Thời gian nầy, HIV không ngừng tấn công hệ bạch huyết cầu, làm hệ nầy suy yếu. Bịnh nhân có những triệu chứng như: sụt cân, nhiễm trùng đường hô hấp làm sưng phổi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm họng, gây nhiều thứ bịnh ung thư và lao phổi.
Trong thời gian nầy, bịnh nhân có thể lây bịnh. HIV có trong tinh dịch, máu, nước bọt, nước mắt, nước tiểu, sữa mẹ, dịch tiết âm đạo và các dịch khác của cơ thể.
c). Giai đoạn AIDS
Bịnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải- Acquired ImmunoDeficiency Syndrome-AIDS) còn gọi là bịnh Liệt kháng, (tê liệt khả năng đề kháng).
AIDS là giai đoạn cuối cùng. Người bịnh giảm cân, thân thể chỉ còn xương bọc da. Các bịnh viêm tái phát, tạo ra các loại ung thư và lao phổi. Bịnh nhân tử vong.
4.2. Nguồn gốc của vi khuẩn HIV
Về nguồn gốc, có hai loại virus là HIV-1 bắt nguồn từ con tinh tinh (Chimpanzee, Gorilla), và HIV-2 bắt nguồn từ loài khỉ nhỏ tên Sooty Mangabey ở châu Phi.
        
                Chimpanzee, Gorilla (HIV-1)            Sooty Mangabey (HIV-2)
Những người mắc bịnh AIDS có những triệu chứng khác nhau, đó là tùy thuộc vào loại vi khuẩn, vi khuẩn nào cũng tấn công và hủy diệt hệ thống miễn nhiễm của bịnh nhân.
                            
                        Hình virus HIV qua kính hiển vi
5*. Người đầu tiên được chữa khỏi HIV
Theo báo Huffington Post, Timothy Ray Brown, người Mỹ gốc Đức, sinh ngày 11-3-1966, được biết đến với biệt danh "Bệnh nhân Berlin". Năm 1995, ông Brown bị nhiễm HIV, đã được cấy ghép tủy năm 2007, và 4 năm sau, 2011, bịnh nhân hoàn toàn hết sạch HIV trong cơ thể. Thời gian chữa trị kéo dài 16 năm.
Các bác sĩ điều trị cho Brown đã công bố một báo cáo trên tạp chí Blood, khẳng định kết quả của cuộc thử nghiệm tốn kém nhiều thời gian trên, "minh chứng mạnh mẽ cho việc đã chữa trị được bệnh nhân nhiễm HIV". Báo cáo nhấn mạnh, chính phương pháp cấy ghép tủy đã giúp chữa khỏi cả bệnh bạch cầu và AIDS ở bệnh nhân Brown.

              

Timothy Ray Brown, bệnh nhân AIDS đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi.
Năm 2019, tái phát ung thư máu và qua đời ngày 30-9-2020
Các bác sĩ người Đức đã tuyên bố là đã xoá sạch Virus HIV trong cơ thể của một bịnh nhân ung thư máu (Leukemia) đã nhiễm HIV, nhờ kỹ thuật ghép tủy. Tuyên bố của bác sĩ Thomas Schneider và các công sự ở bịnh viện Charite Berlin đã tạo ra niềm hy vọng lớn lao cho hàng triệu người bị nhiễm HIV trên thế giới.
Bác sĩ Thomas Schneider lưu ý “Kết quả của chúng tôi nhấn mạnh rằng bịnh nhân nầy đã được chữa khỏi HIV/AIDS”.
Tuy nhiên, công trình vấp phải sự phản đối của các nhà nghiên cứu bịnh AIDS. Họ cho rằng “nó không thực tế và có thể giết người”, bởi vì kỹ thuật nầy phải phá hủy tủy của bịnh nhân và tiến trình của nó là một chuỗi đau đớn. Đó là, trước ca phẩu thuật, bịnh nhân được trị liệu bằng thuốc và phóng xạ thật mạnh để giết chết những tế bào trong tủy xương đã nhiễm bịnh, đồng thời làm mất hiệu lực của hệ thống miễn nhiễm, và dùng thuốc trị liệu nhằm chận đứng sự phục hồi của HIV.
Sau đó, cấy tủy của người khác có hệ thống miễn nhiễm gần giống như tủy của bịnh nhân và phải mất nhiều tháng, đến cả năm mới hồi phục.
Một số chuyên gia cho biết kết quả của công trình có nhiều hứa hẹn, nhưng nó không phải là phương pháp phổ biến để chữa trị cho hàng chục triệu bịnh nhân trên thế giới. Cách chữa trị tốn rất nhiều tiền và rất khó tìm cho đủ những người có tủy cần thiết cho hàng triệu cơ thể khác nhau của các sắc tộc khác nhau trên thế giới.
Bác sĩ Gero Hutter, một thành viên của nhóm ghép tủy cho biết “Trong 80 người tình nguyện, ông chỉ tìm được một người có tủy phù hợp với tủy của bịnh nhân mà thôi”.
Bịnh nhân đầu tiên chữa khỏi bịnh HIV/AIDS đã qua đời.
8 năm sau khi hết bịnh, năm 2019, ông Timothy Ray Brown tái phát bịnh ung thư máu. Các bác sĩ ở Viện Chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật ở Palm Springs , California, cho biết bịnh ung thư máu đã di căn vào cột xương sống và não, và ông Brown đã qua đời vào ngày 30-9-2020.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sẽ không bao giờ tìm ra được một phương cách tuyệt đối nào để chữa trị khỏi bịnh HIV/AIDS, vì nhiều người sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do chính các thủ thuật điều trị căn bịnh nầy tạo ra.
6*. Người thứ hai được chữa khỏi HIV sau một năm điều trị.
        
Adam Castillejo sinh ra ở Venezuela, đến định cư ở London (Anh) vào năm 2002. Anh được chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi 23, sau chuyến du lịch đến Đan Mạch.
Anh Adam Castillejo được tuyên bố là không còn vi khuẩn HIV sau 18 tháng chữa trị bằng thuốc kháng vi khuẩn ARV. ARV là chữ viết tắt của Antiretrovaral, là thuốc kìm hãm sự phát triển của HIV, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, và kéo dài thời gian từ HIV đến AIDS.
Ngoài ra, anh cũng được chữa trị bằng phóng xạ, quang tuyến X. Các bác sĩ không tìm thấy HIV trong dịch não tủy, ruột, tinh trùng và hạch bạch huyết cầu. Anh Castillejo đã công khai danh tánh trong cuộc phỏng vấn của tờ New York Times. Anh cho biết, anh sống với HIV từ năm 2003. Đến năm 2012, anh bị ung thư máu và được ghép tủy.
TS Jennifer Zerbato và GS Sharon Lewin, thuộc Đại học Melbourne và bịnh viện Hoàng gia Melbourne nhấn mạnh: “Rất khó xác định phương pháp chữa trị HIV. Việc không tìm thấy HIV là một hy vọng, nhưng liệu anh Castillejo có hoàn toàn bình phục hay không, bởi vì virus HIV có thể xuất hiện trở lại theo thời gian”.
Hiện tại, có 33 triệu người sống với HIV trên thế giới.
Trường hợp một người nổi tiếng bị nhiễm virus HIV vẫn sống khỏe, là huấn luyện viên bóng rổ (Basketball) Earvin “Magic” Johnson Jr., (14-8-1959) người thường xuyên xuất hiện trên truyền hình thể thao, mặc dù ông mang trong mình HIV từ năm 1991.
                
Earvin “Magic” Johnson Jr.
7*. Có thứ thuốc nào chữa trị bịnh HIV/AIDS không?
Hiện nay, chưa có thứ thuốc nào trị dứt điểm HIV/AIDS cả. Tuy nhiên ngành y tế dùng thuốc kháng mọi vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn HIV, đó là thuốc ARV, viết tắt từ chữ Antiretrovaral. ARV ngăn chặn và chận đứng sự phát triển của HIV. Đồng thời làm giảm sự lây nhiễm.
Tuy nhiên, không phải người bịnh nào xử dụng loại thuốc nầy cũng có hiệu quả cả.             
8*. Cơ hội mới cho người nhiễm HIV/AIDS
             
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuốc Cabenuvia và Vocabria điều trị nhiễm HIV-1 ở người lớn, với liệu trình 1 lần mỗi tháng.
Ngày 21/1/2021, FDA đã chấp thuận Cabenuva (gồm Cabotegravir và Rilpivirine), hoạt chất được tiêm bắp thịt 1 lần/tháng, như là một phương pháp điều trị hoàn chỉnh ở người lớn nhiễm HIV/AIDS do HIV-1. Loại thuốc chích hàng tháng nầy nhằm thay thế thuốc uống ARV mỗi ngày.
9*. Phương pháp mới để phát hiện sớm nhất HIV
9.1. Sản phẩm OraQuick
Mặc dù chưa có một phương pháp hữu hiệu nào để điều trị bịnh AIDS, nhưng sự phát hiện sớm nhất rất quan trọng vì nó ngăn chận được sự lây lan.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA=Food and Drug Administration) đã chấp thuận cho thi hành việc xét nghiệm Virus HIV tiên tiến nhất để kìm hãm sự lây lan của loại siêu vi khuẩn nầy.
Đó là xét nghiệm do công ty Abbott phát triển để tìm HIV sớm nhất, và chính xác nhất chỉ trong vài tuần lễ sau khi bị nhiễm bịnh. Xét nghiệm có tên là ARCHITECT HIV Ag/Ab Combo.
Ông Gerald Schochetman, Giám đốc Nghiên Cứu của Abbott cho biết, các bịnh nhân được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn chận sự lây lan của loại vi khuẩn nầy có hiệu quả hơn.
Phương pháp cũ là tìm HIV thông qua xét nghiệm máu dựa trên cơ sở kháng thể bạch huyết cầu, mà HIV chưa xuất hiện trong máu ở mấy tuần lễ đầu.
Phương pháp mới xác định trực tiếp trên HIV. Đó là phương pháp đầu tiên được chấp thuận áp dụng cho phụ nữ mang thai để bắt đầu ngăn chận tối đa cho bào thai không bị nhiễm loại vi khuẩn nầy .
9.2. Cho bán tự do dụng cụ thử HIV tại nhà
Ngày 10-12-2012, Cơ quan kiểm soát thực phẩm và thuốc FDA, lần đầu tiên đã chấp thuận cho bán tự do sản phẩm OraQuick, cho phép người tiêu thụ có thể thử tại nhà để kiểm tra virus từ nước bọt.
Kết quả thử nghiệm chỉ tốn từ 20 đến 40 phút.
                                                          
                        Sản phẩm thử HIV OraQuick
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO=World Health Organization) ước tính, từ năm 1981 đến 2007 (26 năm), bịnh AIDS đã giết chết 25 triệu người trên thế giới. Tới năm 2007 ước tính có 33.2 triệu người trên thế giới bị nhiễm vi khuẩn HIV.
10*. Ngày Thế Giới Phòng Chống bịnh AIDS
Bịnh AIDS là một thảm hoạ của nhân loại. Ngày 27-10-1988, trong cuộc họp thứ 38 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã tuyên bố ngày 1-12-1988 như là ”Ngày Thế Giới AIDS”.
10.1. Nội dung ngày Thế Giới Phòng Chống bịnh AIDS
Ngày Thế Giới Phòng Chống bịnh AIDS được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về tác hại kinh hoàng của bịnh HIV/AIDS do việc lây nhiễm vi khuẩn HIV. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mọi người có ý thức đề phòng, và ngăn ngừa lây nhiễm, đồng thời đoàn kết và  tưởng nhớ đến những nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.
Từ năm 1981 đến 2007 (26 năm), bịnh AIDS đã giết chết 25 triệu người trên thế giới. Tới năm 2007 ước tính có 33.2 triệu người trên thế giới bị nhiễm vi khuẩn HIV.
Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS.
          
Băng đỏ treo giữa các cột của Nhà Trắng nhân Ngày Thế giới Phòng chống bệnh AIDS, năm 2007 * Hình bao cao su cao 67m.
Một bao cao su màu đỏ cao 67 m trên Obelisk of Buenos Aires (Cột hình tháp của thành phố Buenos Aires), Argentina, là một phần chiến dịch nhận thức cho Ngày Thế giới Phòng chống bệnh AIDS năm 2005
10.2. Những biện pháp phòng ngừa
Bịnh thế kỷ AIDS là bịnh rất lây nhiễm, biện pháp đề phòng tốt nhất là căn cứ vào những con đường lây nhiễm mà phòng tránh.
1). Lây nhiễm qua quan hệ tình dục
- Thủy chung một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục bừa bãi với bạn tình mà không biết rõ tình trạng sức khoẻ của họ.
- Luôn luôn xử dụng bao cao su qua đường âm đạo, ngay cả với đường hậu môn và đường miệng. Vi khuẩn HIV có trong nước bọt của người bịnh.
- Khi bị nhiễm HIV thì báo cáo cho bạn tình biết để cùng đi khám xét và chữa trị, tránh lây lan sang người khác.
2). Lây nhiễm qua đường máu
- Không dùng chung kim tiêm và dụng cụ tiêm chích.
- Phải được xét nghiệm, kiểm tra kỹ về máu trước khi truyền cho người bịnh.
- Nhân viên y tế phải tuân theo đúng kỹ thuật trong khi thực hiện những thủ thuật tiêm, truyền trên người bịnh. Đeo găng tay, mang khẩu trang để bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với bịnh nhân. Bác sĩ, nha sĩ, y tá có thể trở thành phương tiện gây lây lan cho nhiều người khác.
- Không xâm mình ở những nơi hành nghề không có uy tín và phẩm chất tốt.
- Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu với người bịnh.
3). Lây nhiễm từ mẹ sang con
Nếu người mẹ bị nhiễm HIV thì thông báo ngay cho cơ sở y tế để có biện pháp chăm sóc tốt cho đứa con. Không nên cho con bú sữa mẹ.
11*. Kết luận
HIV/AIDS là căn bịnh của thế kỷ mà chưa có thuốc chữa trị. Bộ Y Tế Hoa Kỳ đã đưa ra một hướng dẫn về phương pháp điều trị bằng thuốc chống virus. Phương thức có tên là ART (Anti-Retroviral Therapy), nó bao gồm sự kết hợp của ít nhất là ba loại thuốc chống vi khuẩn để ngăn chặn tối đa sự phát triển của vi khuẩn HIV và bịnh AIDS, mục đích kéo dài sự sống của người bịnh.
Có câu ngừa bịnh hơn chữa bịnh, vậy việc phòng chống phải được phổ biến sâu rộng đến mọi dân tộc ở mọi nơi, mọi chốn.
           
Trúc Giang
Minnesota ngày 6-8-2021








 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top