Những ý kiến về việc VNCS đứng về phía Nga khi Nga xâm lăng Ukraine

Tham Luận

Những ý kiến về việc VNCS đứng về phía Nga khi Nga xâm lăng Ukraine

• Giáo sư Carlyle Thayer (Úc Châu)

Việt Nam “tự bắn vào chân mình” với lá phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc


Chuyên viên về vấn đề Việt Nam, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình.
(Reuters/RFA edited) Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7 tháng 4 thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine. 
Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn... nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó quốc gia Cộng Sản đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine.
Theo chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước Phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. 
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, cho biết quan điểm của ông về sự kiện này:
“Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.
Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga.”
Theo vị giáo sư này thì đáng nhẽ ra Việt Nam nên tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhưng ông cũng cho rằng có thể lá phiếu chống lần này nhằm thể hiện nguyên tắc của Việt Nam trong việc ủng hộ các nỗ lực đối thoại, thay vì cô lập.
Ngoài ra thì có lẽ chính quyền Việt Nam cũng sợ tạo ra tiền lệ và chính mình sẽ rơi vào hoàn cảnh của Nga sau này.
Trước cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết loại Nga, nước này đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.
Hệ luỵ của lá phiếu chống lần này vượt ra khỏi khuôn khổ của việc chạy đua vào Hội đồng Nhân quyền, theo vị giáo sư người Úc:
“Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến Châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện Châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó. Với hành động lần này Việt Nam đã khiến mình bị sơ hở rất nghiêm trọng.”
Đường lối đối ngọai của Việt Nam trước giờ được cho là duy trì mối quan hệ chiến lược với tất cả các nước lớn, để tạo ra một môi trường đa cực, nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một bên nào.
Nhưng giáo sư Carlyle Thayer cho rằng môi trường quốc tế hiện nay đang khiến Việt Nam không thể tiếp tục đường lối ngoại giao đu dây nữa, vì sự chia rẽ giữa các nước lớn đang ngày càng trở nên sâu sắc.
Và ông cũng cho rằng Việt Nam không nên trông chờ gì vào nước Nga, bởi nước này giờ đây giống như chất độc phóng xạ - thứ không nên dính vào.
“Quan điểm của tôi là trong những năm sắp tới thì nước Nga sẽ không bao giờ có thể đóng vai trò gì đáng kể đối với Việt Nam.
Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập.
Nước này giờ đây giống như như chất độc phóng xạ, nếu ta chạm vào thì sẽ bị bệnh. Và đây sẽ là vấn đề rất lớn vì Việt Nam với Nga có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.”
Tuy bỏ phiếu chống cho nghị quyết được Mỹ đề cử, nhưng trước đó ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc lên án về các báo cáo cho rằng, đã có thảm sát thường dân tại Ukraine, và yêu cầu cần có cuộc điều tra minh bạch với sự tham gia của các bên liên quan.
• Nguyễn Hoàng

Việt Nam đứng về phía Nga
là do bị ép hay tự nguyện?


Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền hôm 7/4/2022
(Reuters) Cho dù Việt Nam bị ép hay tình nguyện, hậu quả của cả ba lần bỏ phiếu của đại diện Việt Nam tại ĐHĐ/LHQ (UNGA) thật là khôn lường. Một trong những hậu quả nguy hiểm đối với Việt Nam là sự thay đổi bàn cờ chiến lược trên Biển Đông. Việt Nam sẽ hầu như một mình chống lại bành trướng Trung Quốc, có thể sẽ được hậu thuẫn của một nước Nga hậu chiến.

Các ngạc nhiên từ một lá phiếu

Dư luận sẽ còn mất nhiều công sức để tìm hiểu xem tại sao chính quyền CSVN hôm 7/4 lại bỏ phiếu chống việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council/ UNHRC). Giới chuyên gia đều ngạc nhiên trước ba khía cạnh liên quan đến quyết định này. Thứ nhất, bỏ phiếu chống giống Trung Quốc và các quốc gia chuyên chế khác, nhưng chính quyền lại dấu nhẹm đi, không cho người dân trong nước biết sự thật. Thứ hai, bỏ phiếu chống song trong tuyên bố trước LHQ, đại sứ Đặng Hoàng Giang vẫn leo lẻo: “Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế”. Thứ ba, khi Nga bị loại khỏi thì báo chí trong nước lại đưa tin rằng, Nga đã “quyết định rút sớm khỏi HĐNQ”. Một quốc gia không thể quyết định rút khỏi một tổ chức quốc tế, khi trước đó đã bị đình chỉ quy chế thành viên.
Về ngạc nhiên thứ nhất, Nhà nghiên cứu Văn hoá Minh triết Nguyễn Khắc Mai đã giải thích cho truyền thông quốc tế từ Hà Nội ngay trong ngày 8/4, là vì chính quyền Việt Nam muốn giấu cái xấu xa của mình: “Đấy là một trò xảo quyệt, để che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ hàm ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn thế’… nhưng vì mối quan hệ thế này thế kia, nên buộc phải làm vậy, nhưng tôi đã không cho đưa tin trên báo chí… Đấy là cái cách của cái đám xảo quyệt, nhưng không dấu được ai. Bởi vì bàn tay không thể che đậy nổi mặt trời. Đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng đắn và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu thế giới người ta lên án, mà rõ ràng nó quá xấu rồi, nó độc ác rồi, mà cũng không dám lên tiếng” (1).
Về ngạc nhiên thứ hai, Giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam – gọi lựa chọn của chính quyền CSVN là “tự bắn vào chân mình”. Còn nhiều người Việt Nam khác lại xem hành động bỏ phiếu chống ấy là “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể”. Nhận xét, Việt Nam “tự bắn vào chân mình” là hoàn toàn chính xác, vì theo chuyên gia này, với lá phiếu chống, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước phương Tây hỗ trợ Việt Nam trên các mặt, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên UNHCR nhiệm kỳ 2023-2025. Còn ý “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể” cũng đúng nốt, vì không người dân Việt Nam nào quên thảm cảnh quân Pol Pot tàn sát làng Ba Chúc trong năm 1978, hệt như những hành động lính Nga gây ra ở thị trấn Bucha (2).
Về ngạc nhiên thứ ba, tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” tại LHQ khi đa số thành viên của cộng đồng quốc tế cùng cho rằng, cần phải bày tỏ thái độ dứt khoát đối với những hành động man rợ của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine như cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát thường dân, hủy diệt các cơ sở dân sự…? Cũng giống với hai lần trước, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng, nghĩa là dửng dưng, không bày tỏ thái độ trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Nga hãy chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraine và thế giới hãy giúp đỡ người dân Ukraine trong cơn hoạn nạn hiện nay. Nhưng lần thứ ba này, VN còn tiến xa hơn hai lần trước, không chỉ dửng dưng mà còn phản đối những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh ở Ukraine. Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng đã bày tỏ sự uất hận: Bằng lá phiếu chống nghị quyết của cộng đồng nhân loại vạch mặt cái ác, nhà nước Việt Nam đưa cánh tay ra bảo vệ cái ác Putin Nga” (3).
Các hậu quả thật khôn lường
Như vậy là đã có ba cuộc bỏ phiếu lớn về Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.
Lần thứ nhất (ngày 2/3) lên án cuộc xâm lược,
Lần thứ hai (ngày 24/3) yêu cầu bảo vệ dân thường, viện trợ nhân đạo, cả hai lần này, Việt Nam đều bỏ phiếu trắng.
Lần thứ ba (ngày 7/4) đề nghị trục xuất Nga khỏi UNHCR, Việt Nam bỏ phiếu chống. Trước cuộc bỏ phiếu, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Moscow hôm 6/4 cho biết, những nước đồng ý với nghị quyết của UNGA sẽ bị coi là “các quốc gia không thân thiện” và sẽ lãnh những hậu quả trong quan hệ song phương. Tuyên bố này nhắc nhở Việt Nam sự phụ thuộc vào Nga về vũ khí, trang bị, huấn luyện quốc phòng.
Ngoài ra, sự lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc, chịu nhiều sức ép và ảnh hưởng của Trung Quốc trong các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam cũng không phải là điều xa lạ. Quan trọng hơn tất cả, sự tồn tại mô hình độc tài – độc quyền quản lý nhà nước của CSVN chỉ có thể được bảo đảm bằng sự ràng buôc mật thiết với Trung Quốc và Nga, các cựu đồng minh, vừa yêu vừa ghét cả trước kia lẫn ngày nay. Quan hệ với Mỹ và Phương Tây, dù có cần thiết đến mấy, vẫn chứa đựng “nguy cơ” dân chủ hoá, tự do hóa xã hội Việt Nam, đe dọa sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN (4).
Cho nên, không ngẫu nhiên, cả ba lần Việt Nam đều biểu quyết giống hệt như Trung Quốc. Sau ba lần bỏ phiếu như thế, nhà nước Việt Nam đã đánh mất tính chính danh trong con mắt của người dân trong và ngoài nước. Người viết có rất nhiều bạn bè, thân hữu từng học ở Liên Xô, trong đó có nước Cộng hoà Ukraine, từng giữ những kỷ niệm tốt đẹp về thời kỳ XHCN ở đó. Nay, trước cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga đối với một nước Ukraine dân chủ, tất cả những tình cảm trước đây bỗng tan thành mây khói. Họ nhận ra, nước Nga không còn gì là XHCN nữa, ngược lại đang bị lãnh đạo bởi một kẻ chống cộng gian ngoan, xảo quyệt. Nói một đằng làm một nẻo. Giống hệt Nhà nước Việt Nam. Những người bạn này gọi điện từ Ukraine bom đạn, kề cận cái chết, nhưng vẫn đủ bản lĩnh để khẳng định rằng, họ xấu hổ vì mang quốc tịch Việt Nam, đất nước đang ủng hộ một kẻ bệnh hoạn như Putin tiến hành cuộc diệt chủng trên toàn Ukraine (5).
Một doanh nhân người Việt sống ở Ukraine, không muốn nêu danh tính, nhận định, phản ứng của Việt Nam về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, thể hiện qua ba lần bỏ phiếu trước UNGA, là sự đồng loã với cái ác, là lối ứng xử đáng xấu hổ. Người này nói với phóng viên RFA: “Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Chính phủ CSVN. Đó là một chính phủ hoàn toàn suy nghĩ khác với bọn tôi là những người Việt sống ở Ukraine”. Cộng đồng cũng cho biết, dân sở tại họ cũng chẳng coi Việt Nam có một vị thế gì đáng kể trên thế giới, cũng như không có ảnh hưởng gì đến cuộc chiến của người ta. Cái người ta cần là sự ủng hộ của những nước có khả năng về kinh tế, về vũ khí… như phương Tây, EU và Mỹ… Bên này, họ phân biệt giữa nhà nước cộng sản với người dân Việt bình thường sống trong kềm kẹp.
Một trong những hệ quả nguy hiểm khác mà TS. Nguyễn Ngọc Chu đã viết trên FB của mình là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine sẽ làm thay đổi bàn cờ chiến lược trên Biển Đông. Vấn đề thiết thực, sống còn, với Việt Nam hiện nay và trong nhiều năm tới là an ninh trên Biển Đông. Phải bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Nhưng các nhân tố tham gia quyết định bàn cờ địa chính trị ở Biển Đông sẽ thay đổi vị trí. Sau chiến tranh Nga – Ukraine, tình thế và vai trò của Nga ở Biển Đông không còn như trước. Chỉ còn ba lực lượng trực tiếp quyết định bàn cờ địa-chính trị ở Biển Đông: ASEAN, Trung Quốc, Mỹ và đồng minh. Sẽ là bất lợi lớn, nếu sau chiến tranh, do sự giảm sút vị thế, Nga rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nga sẽ bán cho Trung Quốc các hợp đồng khai thác dầu khí trên Biển Đông đã ký với Việt Nam (6).
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đặt thế giới trước một cục diện mới. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân bỗng trở nên hiện thực, dù người ta chỉ nói đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những gì Nga đã và đang làm tại Ukraine là hết mức vô trách nhiệm. Putin không chỉ vô trách nhiệm với nhân loại khi cho quân đánh vào Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, mà còn coi sinh mạng binh sỹ Nga như rác. Sau khi quân Nga rút khỏi Chernobyl cùng các con tin Ukraine, người ta tìm thấy các công sự của lính Nga đào trong cát trắng đầy chất phóng xạ. Trong các thức ăn và đồ vật lính Nga để lại, người ta kinh ngạc vì lượng phóng xạ đo được. Không phải Putin không biết gì về phóng xạ, mà tính mạng của những người lính Nga không quan trọng bằng lời đe dọa hạt nhân ông ta muốn gửi đi từ đó. Ngoài ra là các thảm họa: phá hủy sinh thái, nạn diệt chủng, nạn đói do thiếu lúa mì, khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cuộc chiến này đã thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới (7).
Tham khảo:
1. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opinions-about-state-newspapers-not-reporting-that-vietnam-opposes-the-removal-of-russia-from-the-human-rights-council-04082022131338.html
2. https://www.voatiengviet.com/a/vladimir-putin-c%C3%B9ng-m%E1%BB%99t-giu%E1%BB%99c-v%E1%BB%9Bi-polpot-/6521989.html
3. https://baotiengdan.com/2022/04/11/ngoai-giao-phan-dan-lam-nhuc-ca-dan-toc-lan-quoc-the/
4. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61078895
5. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-in-ukraine-disappointed-after-votes-of-vietnam-on-un-council-04112022145125.html
6. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid02rFeDUQPh4YAjcwRX1ocLasbcH4VM3HVb565kvWk5uFeU9dNZ3nk4BAm3Hbb4skY2l
7. https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid02WsysY6UxRmfCouTxaX1YMJr5Y6rq74uq9f6KCA6XgJFUbmAKc5PkkPm8iwHdpTxcl
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
• Nguyễn Hải Bình

Việt Nam đã chọn phe?


Người dân đọc báo có bài viết về cuộc chiến Nga - Ukraine tại một sạp báo ở Hà Nội hôm 25/2/2022 - Ảnh AFP
Nga bị loại khỏi Hội đồng nhân quyền
Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 7/4 đã đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về "những hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền trắng trợn và có hệ thống" ở Ukraine. Động thái này đã thúc đẩy Moscow tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền. Nghị quyết kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ do Mỹ thúc đẩy nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Cần có đa số 2/3 thành viên bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên ở New York - không tính phiếu trắng - để đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền (cơ quan này gồm 47 thành viên và có trụ sở tại Geneva). Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin gọi động thái này là một "bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị", sau đó tuyên bố rằng Nga đã quyết định rút hoàn toàn khỏi Hội đồng Nhân quyền. Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya nói với các phóng viên: "Bạn không thể nộp đơn từ chức sau khi bị sa thải". Nga hiện đang ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ ba năm tại Hội đồng Nhân quyền. Theo nghị quyết được đưa ra hôm 7/4, Đại hội đồng LHQ sau đó có thể đồng ý chấm dứt việc đình chỉ. Tuy nhiên, hiện nay điều đó đã không thể xảy ra vì Nga đã rút khỏi hội đồng này, cũng như Mỹ đã từng làm hồi năm 2018 vì nước này cho rằng Hội đồng Nhân quyền có thành kiến "ăn sâu bám rễ" chống lại Israel và thiếu cải cách. Năm 2021, Mỹ đã được bầu lại vào Hội đồng Nhân quyền.
Các trường hợp bị đình chỉ tư cách thành viên tại Hội đồng Nhân quyền là rất hiếm. Libya đã bị đình chỉ vào năm 2011 vì các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya khi đó là Muammar Gaddafi đã sử dụng bạo lực để chống lại những người biểu tình. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói rằng LHQ "đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sự đau khổ của các nạn nhân và những người sống sót sẽ không bị làm ngơ". Trong một phát biểu được gửi tới Đại hội đồng, bà nói: "Chúng tôi đảm bảo rằng một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và liên tục sẽ không được phép đảm nhiệm vị trí lãnh đạo về nhân quyền tại LHQ".
Hội đồng Nhân quyền không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của hội đồng này gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng và nó có thể dẫn tới các cuộc điều tra. Tháng trước, hội đồng này đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền - bao gồm cả tội ác chiến tranh - ở Ukraine.


 Bảng kết quả bỏ phiếu đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Đại hội đồng LHQ hôm 7/4/2022. Reuters
Quyết định của Việt Nam
Việt Nam là một trong số 24 quốc gia bỏ phiếu chống lại Nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền (1). Đây là quyết định khá lạ lùng, bởi vì trong hai lần trước, khi Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết lên án Nga, Việt Nam đã luôn bỏ phiếu trắng.
Nhận xét về quyết định này của Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang - một chuyên gia về luật quốc tế, hiện đang làm việc tại Viện Max Planck (Đức) nhận xét:
“ Đọc phát biểu của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc hôm qua, mình có một vài ý kiến như sau.
Thứ nhất, theo mình được biết trigger cho cuộc họp đặc biệt về vấn đề loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền là các cáo buộc về thảm sát ở Bucha. Theo phát biểu của Việt Nam, có thể ngầm hiểu hiện giờ chưa có các bằng chứng cụ thể, và cần các điều tra khách quan mới có thể quyết định được. Như vậy, ở đây giống với tình huống “the cat of Schrödinger”, tức là có thể có thảm sát hoặc có thể không. Một phiếu trắng sẽ thể hiện được quan điểm này, hiện giờ chưa có điều tra độc lập, chưa có bằng chứng thuyết phục được tôi, nên tôi chọn không đánh giá chủ quan hay dựa trên cảm xúc. Lý lẽ cho phiếu chống là gì? Là chọn không có thảm sát luôn ư? Sau này lỡ có điều tra độc lập kết luận có thảm sát thì thế nào? Tại sao lại dồn mình vào tình thế bấp bênh này? Cây tre trồng ở đâu để có thể dẫn đến có khả năng bị bung gốc thế này?
Thứ 2, hai lần trước bỏ phiếu trắng, mình đọc thấy có đại sứ cho rằng cần phải đọc nội dung của Nghị quyết rồi hãy nhận xét về lá phiếu của Việt Nam. Mình hoàn toàn đồng ý. Mình đọc nghị quyết lần này, không một chữ nhắc đến thảm sát Bucha, nghị quyết lên án các hành vi vị phạm nhân quyền một cách liên tục của Nga ở Ukraine. Trong phát biểu của Việt Nam, Việt Nam có đề cập:
“Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine gây ảnh hưởng nặng nề đối với người dân. Chúng tôi hết sức quan ngại trước thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua.
Việt Nam phản đối và lên án mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.”
Vậy tại sao bỏ phiếu chống một nghị quyết lên án hành vi vi phạm nhân quyền của Nga ở Ukraine?
Thứ 3, ở trên bài phát biểu Việt Nam có nói về việc tuân thủ luật quốc tế để giải quyết tranh chấp, ở dưới bảo “Đàm phán và đối thoại là cách khả thi nhất để tìm ra giải pháp hòa bình, toàn diện”.
Giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế không chỉ có đàm phán và đối thoại. Các quốc gia còn có các biện pháp khác như toà án quốc tế, các tổ chức quốc tế, hay các trung gian hoà giải, điều tra độc lập. Ukraine đang thực hiện các hành vi này. Vừa tự vệ, vừa kiện Nga ra Toà án quốc tế, vừa mang vấn đề ra các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. “Vừa đánh vừa đàm, vừa tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế”, những cụm từ này không phải quá quen thuộc với Việt Nam sao?
Cuối cùng, câu hỏi này mình luôn thắc mắc: Việt Nam đối thoại với Trung Quốc như thế nào mà Trung Quốc vẫn nhiều lần tập trận ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Nếu đàm phán và đối thoại, không có cách nào khác, để giải quyết tranh chấp hiệu quả, Việt Nam hãy chứng minh đi, chứng minh rằng bằng đối thoại đàm phán, Trung Quốc sẽ không ngăn cản tàu cá Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc sẽ không tập trận trên vùng biển của Việt Nam, và Trung Quốc sẽ không quân sự hoá các “đảo” mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hãy chứng minh bằng thực tế, vì nói thì ai cũng nói được.” (2)

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã sử dụng công cụ thống kê để đánh giá lại các quyết định của Việt Nam trước LHQ và đã rút ra kết luận:
“Hôm qua, Việt Nam và Tàu đã bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại bỏ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng Nga vẫn bị loại khỏi Hội đồng vì đa số các nước thành viên ok với Nghị quyết. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đã bao nhiêu lần bỏ phiếu theo hay trùng hợp với Tàu? Trả lời: ~90%!
Theo một phân tích dữ liệu Liên Hiệp Quốc (LHQ), tính từ 1971 đến 2017, tỉ lệ mà Việt Nam bỏ phiếu 'trùng' với Tàu cộng là 89.2%. Tuy nhiên, khi phân tích theo những nghị quyết quan trọng, thì tỉ lệ phiếu VN 'theo Tàu' lên đến 91.6% (xem bảng số liệu), chỉ sau Bắc Hàn (92.6%) và Cuba (91.8%).
Nếu tính từ lúc Việt Nam 'mở cửa' (1986) đến 2019 và chỉ tính các lần bỏ phiếu cho các nghị quyết quan trọng thì Việt Nam bỏ phiếu trùng hợp với Cuba là nhiều nhứt (88.7%), theo sau là Lào (87.5%), Miến Điện (86.3%), Turkmenistan (86.2%) và Tàu cộng (85.6%). Nói chung, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam trùng hợp với các nước 'bất hảo' như Bắc Hàn (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%).
Tóm lại, đối với các nghị quyết quan trọng (như ngày hôm qua - 7/4/2022), thì Việt Nam, Lào, Cuba và Tàu thường bỏ phiếu giống nhau. Dĩ nhiên, về mặt khoa học, ở đây chúng ta chỉ có thể nói mối tương quan về xu hướng bỏ phiếu giữa mấy nước này thôi, chứ không chứng minh ai bỏ phiếu theo ai. Nhưng về mặt chánh trị thì quá dễ hiểu ai lệ thuộc ai.
Những số liệu này có khơi dậy ý tưởng 'Thoát Trung' hay không thì còn tuỳ thuộc vào những người đang 'đại diện' Việt Nam ở LHQ.” (3)
Việt Nam chọn phe nào?
Câu chuyện chọn phe nào đang là vấn đề tranh luận sôi nổi ở Việt Nam hiện nay. Các quan chức và các nhà nghiên cứu “thân Chính phủ” thì luôn khẳng định Việt Nam không chọn phe, dù trong bất cứ trường hợp nào. Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định: “Tinh thần là chúng ta không 'chọn bên' mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.” (4)
Phân tích quyết sách này của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, một vị Tiến sĩ còn quả quyết: “Chúng ta luôn khẳng định lập trường không thay đổi đó là Việt Nam không đứng về bên này để chống bên kia mà luôn đứng về lẽ phải, về công lý. Việt Nam lựa chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa.” (5)
Thế nhưng nếu việc Việt Nam bỏ phiếu trắng trong hai lần Đại hội đồng LHQ ra Nghị quyết lên án Nga thì còn hiểu được là do Việt Nam có nhiều lợi ích với Nga. Thế nhưng, với việc bỏ phiếu chống lại Nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền lần này của Việt Nam đã cho thấy hành động của quốc gia này không giống với những gì họ nói.
Có lẽ, với hành động này, Việt Nam đã chính thức chọn phe, nhưng là phe của những kẻ tội đồ mà đang bị cả thế giới lên án và xa lánh, vì đã vi phạm Hiến chương LHQ khi đã mang chiến tranh để xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền và đang là thành viên của LHQ.
_____________
Tham khảo:
1. https://news.un.org/en/story/2022/04/1115782
2. https://www.facebook.com/minhtrang.pn
3. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016
4. https://vneconomy.vn/thu-tuong-trong-ngoai-giao-viet-nam-khong-chon-ben-ma-chon-le-phai-lon-cua-thoi-dai.htm
5. https://canhco.net/viet-nam-lua-chon-le-phai-va-dung-ve-chinh-nghia-p597357.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Patrick J. McDonnell

Bucha không chỉ là nghĩa địa của thường dân Ukraine, mà còn là nghĩa địa của vũ khí Nga 

Tue, April 5, 2022

Sáu thi thể cháy đen được tìm thấy tại một khu dân cư ở Bucha, ngoại ô Kyiv, thủ đô của Ukraine, vào ngày 5 tháng 4 năm 2022. (Felipe Dana / Associated Press)
Những cái xác, cháy đen và một phần rời rạc, nằm giữa đống rác rất nhiều dọc theo bìa rừng. Những mảnh quần áo rách nát còn sót lại bám vào da thịt. Ai là đàn ông, ai là phụ nữ, ai là người lớn, ai là một đứa trẻ? Điều này không thể xác định trong nháy mắt. Một người bị cụt chân, được tìm thấy ở gần đó.
Hoạt cảnh này cách một sân chơi có xích đu và cầu tuột khoảng 100 thước, dưới bóng cây.
Một đội pháp y Ukraine, mỗi thành viên đeo găng tay nhựa màu xanh, đã làm việc với tốc độ nhanh chóng. 
Họ vượt qua hàng loạt nhà báo, chui xuống dưới băng ghi hình hiện trường vụ án và vội vã thu thập các mảnh vụn và đặt chúng vào những chiếc túi đen. Một số bộ phận lẫn lộn dường như không thể tránh khỏi, xen kẽ là các xác chết. Các công nhân buộc chặt các túi và đưa đến nhà xác.

 
Hàng chục thi thể đang chờ chôn cất tạimột nghĩa trang ở Bucha. (Felipe Dana / Associated Press)
 
Người dân cho biết, thành phố phía tây bắc thủ đô Kyiv này là một nơi tuyệt vời để sống. Một khu rừng yên bình, ao và công viên. Bucha vẫn giữ được sự rung cảm của vùng bán nông thôn bất chấp sự phát triển vượt bậc của thành thị: trung tâm mua sắm, chung cư cao ốc, câu lạc bộ sức khỏe.
 
Giờ đây, Bucha đã trở nên khét tiếng là điểm không có cơ sở mà chính quyền Ukraine gọi là tội ác chiến tranh của Nga, một cuộc tàn sát giết người nhắm vào dân thường, một số bị trói tay sau lưng, rõ ràng là nạn nhân của các vụ hành quyết nhanh gọn. Hình ảnh video về các nạn nhân nằm dọc một con phố đã gây sửng sốt trên toàn thế giới - và tạo động lực mới cho người Ukraine yêu cầu viện trợ quân sự bổ sung để chống lại cuộc tấn công dữ dội và các biện pháp trừng phạt hơn đối với Moscow.
 Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba rằng một số người "đã thiệt mạng trong các căn nhà ở, bị nổ tung bằng lựu đạn", đồng thời cho biết thêm rằng một số xe dân sự "đã bị xe tăng ... đè bẹp giữa đường. Cho vui."
 Các quan chức Ukraine cho biết, ít nhất 417 thi thể dân thường đã được phát hiện tại các thị trấn thuộc khu vực Kyiv gần đây khi lực lượng Nga rút lui. Tất cả họ là ai, họ đã chết chính xác như thế nào, là những câu hỏi vẫn đang được điều tra khi các nhà chức trách nỗ lực xác định danh tính những người thiệt mạng trong cuộc chiến đã kéo dài sang tháng thứ hai.
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top