Hoàng Long Hải, Ông già Biden

Tham Luận

Ông già Biden
 

Hoàng Long Hải

Một cách nghiêm trang thì tôi viết "Ông già". Bất lịch sự thì gọi là "già Biden". Vô lễ thì gọi là "thằng già". Văn hóa người Việt Nam bây giờ hơi "lộn xộn", "hỗn tạp" và cũng không thiếu "vô giáo dục".


          Tại sao tôi nói vậy? Tại vì tôi nghe lời mẹ tôi, dù tôi bây giờ là "U-90". Mẹ tôi qua đời năm Bà 74 tuổi, năm 1977, khi tôi còn ở "Tù Cải Tạo". "Tù Cải Tạo" là nói theo thời thượng. Thực chất là "tù khổ sai", tù tự mình nuôi mình, và nuôi cán bộ. Chuyện nầy, khỏi nói nhiều, ai biết cả.


          Số là năm 1982, tôi đi tù cải tạo về, nói chuyện tù với các con - chúng tò mò muốn biết ba ở tù "cực" như thế nào, thì nhiều khi tôi lại kể chuyện vui trong tù cho các con nghe. Và rồi tôi bắt chước theo bạn tù, gọi ông Hồ Chí Minh là "Ông già rô" -, như trong bộ bài 52 lá - hay "Già rô". Rồi chê ông ta là "dâm tặc" như trong vụ Nông Thị Ngát, Nông Thị Xuân...  quan trọng nhất là xâm lăng miền Nam, không phải vì dân tộc (giải phóng dân tộc - chỉ cái áo ngụy trang) mà vì "nhiệm vụ Quốc Tế". "Nhiệm vụ Quốc Tế" thì vì dân tộc gì nữa. Đó là cái tội lớn nhất của ông Hồ: Bán nước cho Quốc Tế, cụ thể là cho Nga - Tàu.


          Việc gọi ông Hồ là Già rô để tránh, không cho cán bộ biết là bọn tù chúng tôi nói tới ông Hồ. Tôi gọi ông Hồ như vậy mà bị Mẹ tôi rầy đấy.


          Con gái đầu tôi kể:
          "Hồi đó, con tôi 15 tuổi. Mấy anh chị bà con tới chơi, nói chuyện, cũng gọi ông Hồ là "thằng già", "thằng cẩu tặc"... như thanh niên Saigon hồi đó. Bà nội rầy: "Dù gì thì ông ấy là người già, chết rồi, ăn nói nên giữ mồm, giữ miệng."


          Có hai điểm chính trong lời mẹ tôi rầy: Một là người già, tuổi già. "Kính  lão đắc thọ" là văn hóa của người Á Đông. "Nghĩa tử, nghĩa tận": Chết là hết. Tôn trọng người đã khuất là nét văn hóa thứ hai.


          Câu chuyện con gái tôi nói làm tôi nhớ tới một câu chuyện cũ, Mẹ tôi dạy thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Năm 1963, sau nhiều cuộc biểu tình, tự thiêu, đấu tranh chống Ngô Triều... thì Saigon có đảo chánh. Ngày 1/11/1963, sáu giờ chiều, "Hùng móm", đi đâu không biết, về tới nhà, đứng lên salon, gỡ tấm hình tổng thống Ngô Đình Diệm xuống, nói to: "Hễ ông Diệm mà xong rồi, tui ra sân đập bể tấm hình nầy."

          Mẹ tôi nói: "Không được làm rứa, không treo nữa thì đem cất."

          Tôi hỏi, mẹ tôi nói: "Dù gì thì người ta cũng là người "coi" một nước. Có người ghét, cũng có người thương." "Coi" là cách nói thông thường hồi đó. Coi là trông coi, là cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Ông anh tôi làm công chức tại tòa tỉnh, thường đi chùa, không vô đảng Cần Lao. Có lần gia đình tôi bị một anh "tân tòng", - tức là mới theo đạo Thiên Chúa -, thuộc "Tập Đoàn Công Dân" của phường tôi, báo cáo với ty Công An rằng nhà tôi thường tụ tập thanh niên bàn chuyện chống Ngô Tổng Thống. Tôi có bạn học đông, thường bọn nó đến chơi với chúng tôi. Vậy thôi. May tôi có ông chú, anh em cậu cô với ba chúng tôi, từng theo "Cụ" từ khi "Cụ" còn là "chí sĩ", lãnh tụ "Phong trào Cường Để" thời Pháp thuộc, bạn "đồng chí" với ông Trưởng ty Công An xứ tôi, nên việc báo cáo của anh  "tân tòng" không đi tới đâu, chứ không thì anh tôi cũng dễ bị "đổi đi Cao Nguyên" như nhiều người cùng trường hợp. Thành ra, không muốn nhưng cũng phải làm, treo một bức hình "Ngô Tổng Thống Anh Minh" trên vách nhà cho được yên thân, như một cái "bùa hộ mệnh".


          Còn một chuyện nữa. Năm 1949, ông anh cả của tôi, tên Hoàng Thế Thạnh, là nhà báo Hồng Quang, chủ báo "Ý Dân" ở Huế -, ông tham gia một cuộc thi thơ ở tỉnh, được giải nhất, trong phần thưởng có hai bức hình lớn, một là hình Đức Quốc Trưởng, tức hình ông Bảo Đại, mới "hồi loan". Bức hình nầy ông anh tôi cuốn tròn đem bỏ vào hộc tủ. Bức hình thứ hai là hình ông dược sĩ Phan Văn Giáo, Thủ Hiến Trung Việt. Ông anh tôi đem đốt bỏ. Bấy giờ, nhiều người gọi ông Giáo là "Việt gian".


          Mẹ tôi và anh cả tôi thuộc lớp "người xưa" nên văn hóa có khác "chúng ta".  "Văn hóa xưa" nầy Việt Cộng gọi là "phong kiến phản động", đánh phá dữ dội. Mấy chục năm nay, Việt Cộng tuyên truyền, vận động một thứ "văn hóa mới": Văn hóa Vô sản Xã Hội Chủ Nghĩa Mác-Lênin, - nói cho đầy đủ là như vậy -, lấy hận thù làm mục đích, đánh phá là chủ trương, đàn áp bằng bạo lực - Bạo lực Cách Mạng là phương tiện... Văn Hóa Vô Sản tràn lan khắp nước, người theo Cộng, người chống Cộng đều bị ảnh hưởng như nhau. Lãnh tụ một nước nhỏ, dù già, dù trẻ, cũng bị gọi là "Thằng Diệm", "Thằng Thiệu"; lãnh tụ một nước lớn, cũng bị gọi là "Thằng Níc-Xơn", "Thằng Lê-Gân", v.v... và v.v... Quí Ông Bà nào, không đồng ý, không muốn thừa nhận "cái văn hóa Cổ Lỗ Sĩ" như Mẹ tôi, xin vui lòng thông cảm, cho qua... bởi vì văn hóa của dân tộc là như vậy.


          Thành ra, bây giờ ông Trump, ông Biden... đều được người Việt Nam Hải Ngoại, gọi bằng "thằng", nếu không thuộc phe của họ. Không chỉ là "Thằng Biden" mà còn là "Thằng Bảy Đần". Một "đần" đã là ngu (đần), huống chi "Thằng" nầy ngu hơn người ta tới bảy lần. Thật là xấu hổ cho tôi! Tôi là công dân Mỹ, tôi có một ông tổng thống ngu đã là xấu hổ, huống chi "ông tông thống nước tôi" ngu hơn người tới bảy lần mà không xu hổ sao được...


               Không thể nói ai già thì ngu đần.


               Một nhà văn Mỹ, Samuel Ullman viết như vầy:

          "Tuổi trẻ không phải là một quãng đời mà là một tình trạng của trí óc. Tuổi trẻ không ở đôi môi đỏ, đôi má hồng, tứ chi linh hoạt mà do nơi ý chí, tính chất tưởng tượng, năng lực của cảm xúc. Nó chính là sự tươi mát của năng lực mãnh liệt với cuộc sống.

          "Tuổi trẻ có nghĩa là sự chế ngự tự nhiên của lòng can đảm đối với sự e dè của dục vọng, sự mạo hiểm, lòng ưa thích vượt qua những cái gì được cho là dễ dàng. Tuổi trẻ tồn tại ở một người 60 tuổi hơn là một thanh niên mới tuổi 20. Không ai già đi vì năm tháng, mà chúng ta già đi vì thiếu tư duy.

          "Thời gian làm cho da ta nhăn nhúm lại, nhưng thời gian cũng đánh mất những nếp nhăn nhiệt tình của tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin sẽ làm uốn cong trái tim của chúng ta và làm cho tinh thần chúng ta bốc thành sương khói.

          "Dù 60 hay 16 tuổi, mỗi trái tim chúng ta vẫn có những sự lôi cuốn kỳ lạ. Lòng ham muốn trẻ trung không bao giờ làm chúng ta đánh mất cơ hội sắp đến hoặc làm mất niềm vui của trò chơi cuộc sống. Trong tâm hồn mỗi chúng ta đều có một “Đài Vô Tuyến”. Bao lâu Đài Vô Tuyến đó còn nhận được những Thông điệp Thiện Mỹ, Hy Vọng, Lời Chào Đón, Sự Can Đảm và Năng Lực Sống từ những điều vô tận thì chúng ta vẫn còn là những người trẻ trung.

          "Khi hệ thống nhận tín hiệu của Đài Vô Tuyến mất năng lực, tuyết giá của Chủ nghĩa Khoái lạc và Chủ nghĩa Bi quan bao phủ tinh thần, thì chúng ta đã già ngay ở tuổi 20. Nhưng bao lâu hệ thống nhận tín hiệu đó còn hoạt động, bất chấp những làn sóng của Chủ nghĩa Lạc quan thì chúng ta vẫn còn hy vọng là chúng ta chết trẻ ở tuổi 80./


***

          Ullman sinh năm 1840 ở Đức, qua Mỹ hồi còn bé. Ông có tham gia cuộc nội chiến Hoa Kỳ (nửa đầu thập niên l860), định cư ở Birmingham, Alabama. Ông làm nghề buôn bán nhà cửa, vườn tược với khuynh hướng làm việc công ích xã hội. Công việc ấy kéo dài 67 năm, cho tới khi ông qua đời. Trong vài năm qua, từ phái Bảo Hoàng của Nhật, do việc bán sách và băng cassette của ông, hơn 36 ngàn đôla đã được gởi tới cho Quỹ Học Bỗng trường Đại học Alabama.

          Ông bắt đầu viết những tác phẩm của ông khi ông ở tuổi 70.

          Nhiều người thường nhắc lại tư tưởng của Ông một cách gọn gàng như sau: "Người ta chết già ở tuổi hai mươi, và chết trẻ ở tuổi tám mươi."

          Theo ý đó thì tuổi "tám mươi" vẫn còn trẻ chán.

          Còn như ông già Adenauer thì sao?

          Konrad Adenauer là thủ tướng đầu tiên của Tây Đức sau khi thế giới Chiến tranh Thứ Hai chấm dứt, vực nước Đức từ bại trận thành một cường quốc kinh tế ở châu Âu. Vì vậy, báo chí thế giới gọi ông là "Chiếc đũa Thần Kinh tế". Ông ta sinh năm 1876, làm thủ tướng Đức từ 1949 tới năm 1963, tính ra là lúc ông làm thủ tướng lúc hơn tám chục tuổi. Lúc bắt đầu nhậm chức là năm 1949, trừ cho năm sinh 1876 là bao nhiêu:  73 tuổi. Thôi chức là năm 1963, trừ cho năm sinh 1876 = 87 tuổi. Tới năm nầy ông mới thôi chức thủ tướng (Chancellor).

          Còn như tổng thống Franklin Roosevelt, nhậm chức năm 1933, chết vì bệnh trong khi đang làm tổng thống hồi tháng 5 năm 1945. Trước đó 3 tháng, tháng 2/ 1945, ông còn họp Hội nghị Yalta ở Hắc Hải / Nga để bàn chuyện phân chia thế giới sau khi Thế Chiến 2 chấm dứt. Ông cố giành cho được Châu Á, giao Đông Âu cho Cộng Sản. Ông ngồi xe lăn suốt trong 3 nhiệm kỳ làm tổng thống (1933-1945), vẫn là một nhân vật phi thường, cứu nước Mỹ qua cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930 và đưa phe Đồng Minh đến chiến thắng, đánh bại phe Trục/ Đức Ý Nhật.

          Nửa thế kỷ trước, tổng thống nhậm chức trẻ nhất nước Mỹ là Kennedy - 43 tuổi - Già nhất nước Mỹ là Ronald Reagan: 69 tuổi.

          Còn Á Châu, ai già mà còn vang danh?


               Tôi trích bài sau đây trong "Cổ Học Tinh Hoa" để độc giả "đọc chơi":

          "Mã Viện
          Mã Viện mồ côi từ thuở nhỏ, tình cảnh rất nghèo khổ mà thật là người có chí lớn. Thường khi nói chuyện, Mã Viện cho rằng: Làm trai lúc cùng khổ, chí càng phải bền khi tuổi tác khí càng phải hăng.

          Mã Viện ra công, ra sức cày cấy, chăn nuôi, không bao lâu giàu có hàng ức triệu. Mà hình như chưa được phỉ chí, thường nói với người ta rằng: “Phàm làm nên giàu, mà có biết đem của thí chẩn cho người khốn cùng, thì mới là quí. Bằng không, thì chỉ làm tôi tớ đồng tiền, suốt đời canh giữ đồng tiền, chớ có ích gì.”

          Sau Mã Viện đem hết tiền của chẩn cấp cho người nghèo, rồi ra làm quan giúp vua Quang Vũ nhà Hán. Tuổi bấy giờ đã già, mà cứ hay xin đi đánh Nam, dẹp Bắc. Mỗi khi thắng trận trở về, họ hàng bà con ra chào mừng đón rước thì Mã Viện nói rằng:

          - Làm tài trai nên chết ở chốn biên thuỳ, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng; chớ ốm nằm xó giường, chết ở trong tay lũ trẻ nâng đỡ, thì có hay gì."
(Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân)

          Tôi là người "nửa nạc, nửa mỡ", cũ không ra cũ, mới không ra mới. Khi tôi biết khôn, là thời kỳ trước 1945. Có lẽ xã hội nước ta, hồi đó, về mặt lễ giáo, tôn trọng người già, theo ý của Đỗ Phủ qua câu thơ "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" và chịu ảnh hưởng Khổng Tử: "Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ." Đến 70 tuổi thì đã đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử thế ở đời, nói hay làm điều gì cũng thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ (bất du củ = không vượt ra ngoài quy tắc).


               Bởi vì "Ngũ thập tri thiên mệnh" nên những ai trên dưới 50 tuổi đã được gọi bằng "Cụ", làm quan thì gọi là "quan". Người xưa cũng có khi gọi bằng "Cụ" như Cụ Ngô (Ngô Đức Kế, Ngô Đình Diệm) Cụ Phan (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh), Cụ Hồ (Hồ Học Lãm, Hồ Chí Minh - không gọi bằng "bác" theo cách tuyên truyền của Việt Cộng -), Cụ Tuần, Quan Án (tuần vũ, án sát), Cụ Đốc (Đốc Học, "Đốc tờ" - Bác sĩ -). Trước năm 1955, người Huế có khi gọi ông Ngô Đình Diệm là "Chí sĩ": Chí sĩ Ngô Đình Diệm. chí sĩ là người trí thức thường là nhà nho,  chí khí, quyết tâm làm những việc vì chính nghĩa, vì dân vì nước. Chí sĩ là tiếng Cụ Phan Bội Châu gọi ông Ngô Đình Diệm. Người Huế gọi theo. Ngoài Bắc thì gọi "Thằng Diệm". Văn hóa Vô sản mà!


 Độc giả nghĩ sao về "Ông già Biden"?

hoànglonghải


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top