Cựu thượng nghị sĩ Jeff Flake: Tôi không thể đồng lõa!

Tham Luận

Cựu thượng nghị sĩ Jeff Flake

Tôi không thể đồng lõa!

Nhân sự kiện tiểu bang Arizona có thể trở thành yếu tố quyết định cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc năm nay, mời quí độc giả đọc lại nhận định của cựu thượng nghị sĩ Jeff Flake về đảng Cộng Hòa thời đại Donald Trump  và lý do ông không tái tranh cử vào Thượng Viện năm 2018




Diễn văn của ông Jeff Flake, thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa thuộc tiểu bang Arizona, vào ngày 24-10-2017 trước diễn đàn Thượng Viện, vẫn được coi như một “manifesto” – tuyên ngôn của những người Cộng Hòa lên án sự hư hỏng của đảng của mình hiện nay. Sự kiện trong mùa bầu cử năm nay, tiểu bang Arizona lần đầu tiên nghiêng về một ứng cử viên tổng thống Dân Chủ cho thấy những nhận định của ông Flake vô cùng chính xác.
Giới quan sát chính trị vẫn xem bài diễn văn này là một cáo trạng không chỉ nhằm vào vị tổng thống cùng chiếu nhưng không cùng chăn với mình, mà thượng nghị sĩ Jeff Flake, cho là thiếu tư cách, không trưởng thành, mà chính yếu nhằm vào đảng Cổ Đại (GOP) mà theo nhận định của thượng nghị sĩ Jeff Flake hiện nay không quan tâm gì đến sự vĩ đại và cổ kính của mình mà chủ yếu là giữ im lặng, thỏa hiệp, a tòng, đồng lõa, làm suy bại đảng, suy bại chính trị. Ông Flake tuyên bố sẽ không ra tranh cử nữa khi hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2019, vừa vì thấy không thể làm việc được trong khung cảnh đó, mà còn hiểu rằng ông “chơi không lại’ khi người ta đã cố tình “đầy ông ra ngoài”.

Theo những nhà phân tích, Thượng nghị sĩ Flake chẳng chống lại Tổng thống Donald Trump trên những chính sách chủ yếu. Ví dụ như ông vẫn “một lòng với đảng”, ủng hộ luật ngân sách vừa qua, mở đường cho sự thảo luận kế hoạch cắt thuế của Donald Trump hiện nay, mà nhiều người đã phân tích rằng trút gánh nặng ngân sách từ thiểu số người giàu lên vai lên cổ đại đa số người nghèo. Ngay cả trong bảo hiểm y tế, ông cũng sẵn sàng “tất cả vì repeal”, cho dù những thống kê chính thức đều kết luận chính sách phá hoại Obamacare của Trump đã có hiệu quả hơn người ta tưởng: ACA (luât bảo hiểm y tế cho người không có bảo hiểm) vẫn còn đó, nhưng số người được bảo hiểm theo luật này đã giảm mạnh vì bất an, lo sợ và thị trường hầu như bị thu nhỏ lại. Ông Flake còn ủng hộ ông Trump về mặt nhân sự, theo kiểu lý luận của nhiều người: nó lú nhưng chú nó khôn, ông này ba láp, nhưng người của ông “xịn”.

Cho nên trường hợp “treo ấn từ quan” của ông Flake có thể xem như chuyện thời xưa khi nhiều ông quan không còn muốn khom mình trước hôn quân bạo chúa chỉ giỏi làm khổ dân, và ngao ngán trước sự bất lực và nhắm mắt của bạn đồng triều. Đến mức ông nay phải xem ông Trump như bạo chúa Nero (con cháu Cesar) và bài diễn văn của ông có thể là câu hỏi “Quo Vadis” (Mày đi đâu) – mượn tên của một phim thời xửa thời xưa với các tài tử nổi tiếng (Robert Taylor, Deborah Kerr) với thế hệ baby boomers và những người cha anh “thầm lặng” trước đó. 

Nhật báo Arizona Republic, vốn là một cơ quan ngôn luận hàng đầu của tiểu bang Arizona, nơi di dân lậu vẫn sống chung hòa bình với người da trắng chăng ưa gì di dân, tờ báo luôn luôn ủng hộ các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa cho đến năm 2016 mới bỏ Cộng Hòa (Trump) mà theo Dân Chủ (bà Clinton), đã có một bài xã luận dài phân tích tường tận sự kiện này. Bài xã luận viết “thông điệp ngày thứ ba (24-10) của ông chẳng có gì phấn khởi”, nhưng :”vào một thời đen tối của chính trị nước Mỹ, Jeff Flake đã thắp một ánh sáng nhỏ cho ta thấy đường”. Bài xã luận viết tiếp: “Thực ra, đó là một khoảnh khắc buồn khi thượng nghị sĩ mới một nhiệm kỳ giải thích như thế nào chính trị của thời chúng ta đã đẩy ra ngoài một người có nguyên tắc như ông. Ông thượng nghị sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ nghiêm trọng giải thích ông sẽ không ra tranh cử nữa trong một thời đại mà “những tính toán chính trị… sẽ làm cho ông phải thỏa hiệp trên quá nhiều nguyên tắc”. Trong bầu không khí chính trị nhiễm độc của đảng Cộng Hòa của ông Trump, Flake nói ông không thể tiếp tục “đồng lõa” trong hiện trạng chính phủ nguy hiểm và đáng báo động” nơi chinh trị Mỹ. Kết luận của bài xã luận: “Nước Mỹ vào sáng sớm? Chưa hẳn. Nhưng bài diển văn của ông Jeff Flake cho ta sự lac quan lớn về đất nưóc – và một thách đố còn lớn hơn cho tất cả chúng ta để thể hiện sự lạc quan đó”.

Trước nhu cầu “cần đọc và suy nghĩ để hiện hữu” của độc giả, Saigon Weekly thấy ít nhất mình phải làm một công việc tối thiểu để độc giả có thể hiểu được vì sao một tiểu bang (nồng cốt) của đảng Cộng Hòa nay có thể sẽ đổi sang Dân Chủ và có thể sẽ mang lại số phiếu cử tri đoàn thắng lợi lại cho liên danh Dân Chủ Biden-Harris.


Sâu đây là nguyên văn bài nói chuyện này của Thượng nghị sĩ Jeff Flake khi tuyên bố rời bỏ Thượng Viện Hoa Kỳ năm 2017 và những nhận xét về ông Donald Trump.

Diễn đàn saigonweeklyonline.com.

 
Diễn Văn của Thượng nghị sĩ Jeff Flake

vào ngày 24-10-2017 trước diễn đàn Thượng Viện Hoa Kỳ


Thưa Chủ tịch (Thượng Viện),

Hôm nay tôi lên diễn đàn này để chia sẻ với quí vị một nỗi bận tâm của tôi, vào một thời điểm mà nền dân chủ của chúng ta chỉ nổi lên sự bất hòa và vô hiệu hơn là những giá trị và nguyên tắc chính thống. Để bắt đầu, cho phép tôi lưu ý quí vị một điểm khá rõ ràng là các định chế chúng ta đang nắm giữ không phải là của chúng ta vô thời hạn. Chúng ta không có mặt ở đây đơn giản chỉ để dẫm chân tại chỗ. Có chỗ ngồi lâu dài chắc chắn không phải là mục đích chúng ta đến với định chế này. Và có những lúc chúng ta phải chấp nhận những thách đố cho sự nghiệp để bảo vệ nguyên tắc của mình.
Bây giờ chính là thời điểm đó.

Cũng phải nói tôi hôm nay lên đây với nhiều niềm ân hận không nhỏ. Ân hận vì tình trạng phân hóa của chúng ta; ân hận vì sự hư hỏng và tàn phá của chính trị; ân hận vì sự thiếu lành mạnh trong tranh cãi của chúng ta; ân hận vì sự thô thiển của lãnh đạo; ân hận vì sự thỏa hiệp trong đạo đức chính trị, và sự đồng lõa của chúng ta - tất cả chúng ta – gây ra thảm trạng nguy hiểm, đáng báo động này. Nay chính là thời điểm chúng ta phải chấm dứt sự đồng lõa, thích nghi với những gì không thể chấp nhận được.

Trong thế kỷ này, một nhóm chữ mới đã nhập vào ngôn ngữ để mô tả sự thỏa hiệp với một trật tự mới bất hảo - cụm từ đó là “bình thường mới”. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ nên thỏa hiệp với sự thô lỗ hiện nay trong cuộc đối thoại của đất nước – bắt giọng từ trên cao.

Chúng ta không bao giờ được coi là chuyện “bình thường” sự phá hoại thường xuyên và tùy tiện các chuẩn mực và lý tưởng dân chủ của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được chấp nhận một cách yên phận sự chà đạp hàng ngày lên đất nước - chuyện miệt thị cá nhân, những đe dọa đối với các nguyên tắc, tự do và các thể chế, trắng trợn coi thường sự thật hay phẩm cách, những khiêu khích bất kể, thường xuyên vì những lý do cá nhân và nhỏ mọn nhất, những lý do không liên quan đến hạnh phúc người dân - hạnh phúc mà chúng ta được bầu để phục vụ.

Không có nét đặc trưng kinh khủng nào của nền chính trị hiện tại của chúng ta có thể được coi là bình thường. Chúng ta không bao giờ nên cho phép mình suy nghĩ rằng chính trị bây giờ là như thế.  Nếu chúng ta đơn giản trở nên quen thuộc với hiện trạng này, cứ cho rằng đây chỉ là chính trị như thường, thì chỉ có trời mới cứu được chúng ta. Không sợ những hậu quả, và không xem xét các quy tắc về an toàn chính trị hay đạo lý, chúng ta phải chấm dứt giả vờ rằng sự xuống cấp của chính trị và tư cách xử thế của một số người trong hành pháp của chúng ta là bình thường. Những người này không bình thường.
Hành vi bất kể, vô tư cách và miệt thị đã được bỏ qua và được xem là “nói thằng sự thực”, trong khi đó thực sự là bất kể, vô tư cách, và miệt thi.

Và khi hành vi đó xuất phát từ tận đỉnh của chính phủ, nó còn có ý nghĩa khác: Nó nguy hiểm cho nền dân chủ. Hành vi như vậy không thể hiện sức mạnh - bởi vì sức mạnh của chúng ta xuất phát từ những  giá trị của chúng ta. Nó chỉ nói lên tinh thần bệnh hoạn và suy yếu.

Người ta thường nói trẻ em đang nhìn chúng ta. Đúng thế. Và chúng ta sẽ làm gì đây. Khi thế hệ tiếp nối hỏi: “Tại sao quí vị đã không làm gì cả? Tại sao quí vị không lên tiếng? “. Chúng ta sẽ nói gì đây?

Thưa ông chủ tịch, tôi hôm nay đứng dậy để nói: Đủ rồi. Chúng ta phải hết lòng đảm bảo sự bất thường sẽ không bao giờ trở thành bình thường. Với sự tôn trọng quí vị và hỗ thẹn với lương tâm, tôi phải nói rằng chúng ta đã tự lừa dối mình đã lâu rồi trong ý nghĩ sẽ có một sự chỉnh đốn trong chính phủ ngay trước mắt, tái lập văn minh chính trị và ổn định ngay sau đó. Chúng ta biết rõ hơn điều đó. Bây giờ, chúng ta đều biết rõ hơn điều đó.

Tại diễn đàn này, ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ phục vụ tốt hơn đất nước và thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của chúng ta theo hiến pháp nếu tuân thủ Điều 1 của chúng ta về “sự bình thường trước đây” - học thuyết của Madison về phân quyền. Sự đổi mới có tính cách thiên tài này khẳng định vị thế của Madison là người có tầm nhìn đích thực mà Madison đã tranh cãi trong Hồ sơ liên bang 51 - cho rằng các quyền phân lập của chính phủ sẽ cân bằng và tương tác khi cần thiết. “Tham vọng tương tác tham vọng,” ông viết.

Nhưng nếu tham vọng không tương tác với tham vọng thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu sự ổn định không vượt thắng được khi đối mặt với hỗn loạn và bất ổn? Nếu sự lành mạnh không lấn át được sự bệnh hoạn? Nếu chiếc giày (quyển lực) ở chân kia (thuộc đảng khác), liệu người Cộng Hòa chúng ta có thể chấp nhận những hành vi như vậy từ những người Dân Chủ thống trị? Tất nhiên là không, và chúng ta hẳn là  sai nếu như vậy.
Khi chúng ta giữ im lặng và không hành động cho dù biết im lặng và khoanh tay là điều sai lầm - vì chúng ta tính toán lợi hại chính trị, vì chúng ta sợ có thể tạo kẻ thù, vì chúng ta có thể làm suy yếu  cơ sở, vì chúng ta có thể gây ra một thách đố chính, bởi vì nói mãi lợm giọng – khi chúng ta phải chịu núng thế trước những điều đó, mặc dù chúng ta cần tính toán những chuyện lớn hơn và những điều phải làm để bảo vệ các thể chế tự do của chúng ta, nếu chúng ta suy tính mãi như thế, chúng ta đã xem nhẹ các nguyên tắc và từ bỏ nghĩa vụ của chúng ta. Những điều đó còn quan trọng hơn cả chính trị.

Bây giờ, tôi biết có nhiều người có hiểu biết chính trị hơn tôi đã đề phòng khi có người  nói chuyện này. Tôi biết có những người trong đảng cho rằng ai mà để lộ sự thiếu trung thành và tin tưởng hoàn toàn, tuyệt đối với một tổng thống thuộc đảng của mình, người đó không thể chấp nhận được, là người đáng ngờ.


Nếu tôi phê phán, đó không phải vì tôi thích phê bình hành vi của Tổng thống Mỹ. Nếu tôi phê phán, đó là vì tôi tin rằng đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là lương tâm. Quan niệm cho rằng nên giữ im lặng vì các tiêu chuẩn và giá trị giữ cho nước Mỹ mạnh mẽ đã bị hủy hoại và vì các liên minh và hiệp định đảm bảo sự ổn định của toàn thế giới đang bị đe dọa thường xuyên bởi mức độ suy nghĩ được diễn đạt trong 140 chữ (số chữ giới hạn ở mỗi lần ông Trump twitter) - ý niệm rằng người ta không nên nói và không nên làm gì khi đối mặt với một động thái thể hiện tính khí bất thường như vậy là một ý niệm không căn cứ, và tôi tin rằng, sai lầm sâu sắc. .

Một tổng thống đảng Cộng Hòa có tên là Roosevelt đã nói thế này về tổng thống và mối quan hệ của công dân với ông:  “Tổng thống chỉ là người quan trọng nhất trong số rất nhiều công chức. Ông phải  được ủng hộ hoặc phản đối đúng ở mức độ ông hành xử tốt hay xấu, hiệu quả hoặc không hiệu quả trong sự phục vụ trung thành, có năng lực và không vụ lợi cho đất nước nói chung. Do đó, đúng là điều hoàn toàn thiết yếu người dân phải có tự do nói lên sự thật về hành vi của ông, và điều này có nghĩa là cần phài qui trách khi ông làm sai và khen ngợi khi ông làm đúng. Bất kỳ thái độ nào khác nơi một công dân Hoa Kỳ đều có nghĩa nô lệ và phục tùng”.

Tổng thống Roosevelt còn nói: “Nói rằng chúng ta không được chỉ trích Tổng thống, hay chúng ta phải đứng bên Tổng thống, dù ông đúng hay sai, không chỉ là người không yêu nước và phục tùng, mà còn có tính chất phản bội về mặt đạo đức đối với công chúng”.

Hành động theo lương tâm và nguyên tắc là cách chúng ta thể hiện bản chất đạo đức của mình, và như vậy, trung thành với lương tâm và nguyên tắc phài vượt trên sự trung thành với bất kỳ ai hay đảng nào. Tất cả chúng ta đều có thể được tha thứ vì có những khi thất bại theo thước đo đó. Tôi chắc chắn đặt mình vào đầu danh sách những người khiếm khuyết về mặt này. Tôi chẳng hơn ai cả. Nhưng thường xuyên, chúng ta vội vàng không phải để bảo vệ các nguyên tắc mà là để tha thứ và biện minh cho những thất bại và rồi làm quen với chúng và cứ biện minh cho thất bại - cho đến khi sự thỏa hiệp trở thành nguyên tắc của chúng ta.

Theo cách đó và theo thời gian, chúng ta có thể biện minh cho hầu hết các hành vi và hy sinh hầu hết các nguyên tắc. Tôi e rằng hiện nay chúng ta đang như thế đó.

Khi một lãnh đạo xác quyết sự tổn thương thực sự và bất ổn của đất nước và thay vì tìm cách giải quyết lại đi tìm người để đổ lỗi, có lẽ không có gì tàn phá hơn đối với một xã hội đa nguyên. Lãnh đạo biết rằng thông thường nhất, một nơi để bắt đầu trong qui trách là nhìn gần mình. Lãnh đạo biết trách nhiệm dừng ở đâu. Khiêm cung là điều cần. Tư cách là quan trọng. Lãnh đạo không chủ tâm khuyến khích hoặc nuôi dưỡng tâm lý xấu xí và chán nản nơi chúng ta.

Người lãnh đạo sống theo phương châm của đất nước Hoa Kỳ: E Pluribus Unum (Out of many, one, có nghĩa là từ nhiều nơi họp lai để thành một thực thể duy nhất}. Từ nhiều, một. Lãnh đạo Hoa Kỳ nhìn thế giới, và cũng như Lincoln, nhìn thấy một gia đình của con người. Nhân loại không phải là một trò chơi tổng bằng không (zero-sum game: có người được thì phài có người thua). Khi chúng ta được thịnh vượng nhất, chúng ta cũng tôn trọng nguyên tắc cao nhất. Và khi chúng ta làm việc tốt, phần còn lại của thế giới cũng sẽ làm tốt.

Những điều khoản về đức tin công dân này là trọng điểm bản sắc của nước Mỹ chừng nào chúng ta còn sống. Đó là quyền thừa kế của chúng ta và nghĩa vụ của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ chúng một vật tư hữu và truyền kế lại chừng nào lịch thời gian còn diễn tiến. Phản bội những tín điều này, hoặc không nghiêm chỉnh trong bảo vệ chúng là một sự phản bội các nghĩa vụ cơ bản của lãnh đạo đất nước Mỹ. Và có thái độ như thể đó không phài điều quan trọng thì đúng là chúng ta không còn là mình nữa.

Bây giờ, hiệu quả của sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu đã được đặt thành câu hỏi. Khi Hoa Kỳ nổi lên từ Thế chiến II chúng ta đã góp phần khoảng một nửa hoạt động kinh tế của thế giới. Thật dễ dàng để bảo vệ sự thống trị của chúng ta, giữ cho các quốc gia đã bị đánh bại hoặc yếu đi rất nhiều trong chiến tranh lệ thuộc như thế. Chúng ta đã không làm như thế. Thật dễ dàng nếu chúng ta tập trung vào hướng nội. Nhưng chúng ta cũng chống lại khảo hướng ích kỷ đó. Ngược lại,  chúng ta tài trợ tái thiết các quốc gia bị tàn phá và tạo ra các tổ chức quốc tế và các định chế đã góp phần bảo đảm an ninh và thúc đẩy sự thịnh vượng trên khắp thế giới trong hơn 70 năm.

Bây giờ, xem chừng chúng ta, những kiến trúc sư có viễn kiến xây dựng trật tự thế giới pháp trị đã mang lại tự do và thịnh vượng, lại là những người háo hức nhất từ bỏ trật tự đó.

Những hàm ý của sự bỏ rơi này là sâu sắc. Và những người hưởng lợi từ sự từ bỏ  mạnh dạn này trong cách tiếp cận của Mỹ với thế giới là những kẻ thù ý thức hệ về các giá trị của chúng ta. Chủ nghĩa độc tài cần một khoảng trống. Và các đồng minh của chúng ta nay phải  quay tìm lãnh đạo ở nơi khác. Tại sao như thế họ làm điều này? Không có chuyện gì bình thường cả. Và chúng ta những Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ phải nói gì về điều này?

Các nguyên tắc nền tảng cho chính trị, giá trị của việc sáng lập của chúng ta là quá quan trọng đối với bản sắc và sự sống còn của chúng ta, không thể để cho bị thỏa hiệp bởi các yêu cầu của chính trị. Bởi vì chính trị có thể làm cho chúng ta im lặng khi chúng ta nên nói chuyện, và sự im lặng có thể là sự đồng lõa.

Tôi có con và cháu mà tôi phải trả lời, bởi vậy, thưa Chủ tịch, tôi không được đồng lõa.

Tôi đã quyết định tôi sẽ có thể đại diện cho người dân Arizona tốt hơn và phục vụ tốt hơn đất nước và lương tâm của tôi bằng cách thoát ra khỏi những tính toán chính trị đã làm cho tôi mệt mỏi và khiến tôi phải thỏa hiệp quá nhiều nguyên tắc.

Nhằm mục tiêu đó, tôi tuyên bố ngày hôm nay.

Jeff Flake

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top