• Diễn Đàn, Huy Lâm LÁ PHIẾU PHỤ NỮ

Tham Luận


• Diễn Đàn, Huy Lâm

 

LÁ PHIẾU PHỤ NỮ


Năm nay là năm bầu cử ở Mỹ và một điều chắc chắn là từ đây cho tới ngày bầu cử 3 Tháng 11, người dân Mỹ sẽ phải nghe rất nhiều tin tức liên quan tới bầu cử và các ứng cử viên, và hơn nữa, tại các cuộc vận động tranh cử và trong các quảng cáo tranh cử, phụ nữ sẽ được nói đến rất nhiều.

Nghe nói có một truyền thống khá đặc biệt ít được nhắc tới là trong nhiều thập niên qua, cứ vào ngày bầu cử, lại có nhiều phụ nữ sau khi bỏ phiếu xong thì lại cùng nhau làm một cuộc hành hương tới ngôi mộ của bà Susan B. Anthony tại nghĩa trang Mt. Hope ở Rochester, New York để gắn lên trên tấm bia mộ một mảnh giấy ghi “Tôi đã bầu” như một hành động để tỏ lòng kính trọng và biết ơn bà.
Susan B. Anthony đã hy sinh phần lớn cuộc đời của bà để đấu tranh đòi xoá bỏ nô lệ và giành quyền đi bầu cho phụ nữ. Tuy nhiên, bà đã không có đủ thời gian để mang món quà quý giá đó đến cho một nửa dân số của nước Mỹ trước khi qua đời vào năm 1906. May mắn thay, một phụ nữ trẻ có tên Alice Paul đã xuất hiện và tiếp tục cuộc đấu tranh của bà. Paul bỏ đường lối đấu tranh ôn hoà và có phần nào quá lịch sự của Anthony. Cô lớn tiếng nhất định đòi hỏi phải cho phụ nữ được quyền bình đẳng bầu cử, mạnh mẽ thúc đẩy một cuộc tu chính hiến pháp, và cuối cùng, Tu chính án 19 đã được quốc hội thông qua vào năm 1920, sau tám năm trường kỳ tranh đấu không mệt mỏi.
Mặc dù là đã giành được quyền đi bầu, nhiều thập niên sau khi Tu chính án 19 được thông qua, con số phụ nữ đi bầu thường thua kém nam giới. Các nhà thăm dò dư luận giải thích hiện tượng này cho rằng cho đến giữa thế kỷ 20, hầu hết phụ nữ không mấy quan tâm đến chính trị và nếu như họ có đến phòng phiếu thì luôn luôn bầu theo chồng. Đến nỗi có người phải thốt lên: “Phụ nữ họ bầu thế nào ư? Họ bầu đúng như những gì họ đã được dặn dò từ tối hôm trước.”
Nhưng nay tình hình đã đổi khác. Trên thực tế, con số phụ nữ đi bầu đã vượt quá số cử tri nam trong tất cả mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1964. Trong hai cuộc tổng tuyển cử vừa qua, mỗi lần phụ nữ đi bầu nhiều hơn đàn ông tới 10 triệu phiếu. Con số này tương đương tổng số phiếu bầu của cả tiểu bang Texas năm 2016. Nhìn từ góc độ bầu cử, và nếu tách phụ nữ và đàn ông ra thành hai nhóm riêng biệt, có thể nói, nước Mỹ của phụ nữ lớn hơn, hay nói cách khác, đông dân hơn nước Mỹ của đàn ông trọn một tiểu bang Texas. Mà phụ nữ nay cũng không bắt chước bầu theo các ông chồng nữa.
Và số phụ nữ da đen đi bầu cũng rất đông: 64 phần trăm đã đi bỏ phiếu năm 2016 và 70 phần trăm – là con số cao kỷ lục – năm 2012. Phụ nữ Á châu và châu Mỹ Latinh cũng đổ đến các phòng phiếu khoảng 50 phần trăm, với phụ nữ da trắng đi bầu độ khoảng 65 phần trăm.
Đúng một thế kỷ sau khi giành được quyền đi bầu, nay phụ nữ đã bắt đầu biết sử dụng sức mạnh của họ tại các phòng phiếu, hiểu được rằng đó chính là nơi mà họ biết họ bình đẳng với nam giới.

Vậy, tại sao phụ nữ lại có thể vượt qua đàn ông Mỹ trong việc đi bầu chỉ trong ít thập niên? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một vài giả thuyết.
Lớp phụ nữ sanh vào cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20 thường ít đi tới các phòng phiếu hơn là đàn ông, có thể là vì việc đi bầu thời đó đối với họ còn chưa quen, hoặc cũng có thể là vì họ cảm thấy gia đình không khuyến khích phụ nữ tham gia vào chính trị (hoặc cả hai). Nhưng lớp phụ nữ sanh sau Thế chiến II thì không nhút nhát thụ động như vậy. Đây là lớp phụ nữ đợt sống mới lớn lên muốn đi học đại học và sau đó làm những công việc bên ngoài chứ không chỉ loanh quanh ở nhà làm bà nội trợ. Đi bầu đối với họ dường như là điều hết sức tự nhiên. Và cũng có thể họ cảm thấy phấn khởi bởi cuộc đấu tranh để đòi được quyền đi bầu mang lại, và từ đó đã đưa sinh hoạt chính trị vào trong cuộc sống của họ.
Một giả thuyết khác thì cho rằng phụ nữ phải tiếp xúc với nhiều vấn đề liên quan tới chính quyền trong cuộc sống hàng ngày của họ hơn là đàn ông. Nhiều phụ nữ sống trong cảnh thiếu thốn và họ phải phụ thuộc vào các chương trình xã hội của chính phủ như tem phiếu thực phẩm và trợ cấp chăm sóc trẻ em nhiều hơn so với nam giới. Thậm chí ngay cả trong số những người không nghèo, thì phụ nữ cũng thường là người chăm sóc chính cho gia đình, điều này có nghĩa là họ dành nhiều thời gian tiếp cận với thầy cô ở trường, nhân viên chăm sóc sức khoẻ cho người già, nhân viên y tế và các nhân viên khác làm việc cho chính phủ. Chính những tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với chính quyền như trên có thể là lý do làm cho phụ nữ chú ý nhiều hơn đến các cuộc bầu cử. Họ muốn góp tiếng nói của họ để gây ảnh hưởng lên những quyết định của chính phủ về những chương trình và chính sách xã hội kia.

Một điểm quan trọng mà nhiều người nhận thấy là càng ngày phụ nữ càng có khuynh hướng bầu cho những ứng cử viên có quan điểm cấp tiến, hay nói cách khác, họ thường bầu cho Đảng Dân chủ.
Vì sao có khuynh hướng này?

Theo Elizabeth U. Cascio, giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth, câu trả lời ngắn gọn là: Quan điểm chính trị của phụ nữ thay đổi rất ít, và quan điểm chính trị của chính đảng thì thay đổi rất nhiều. Nhưng để trả lời cho đầy đủ thì phải bắt đầu với Ronald Reagan.
Sau khi Reagan đắc cử tổng thống năm 1980, chính sách của Đảng Cộng hoà nghiêng hẳn về cánh hữu trên một số vấn đề liên quan đến phụ nữ. Đảng Cộng hoà không còn ủng hộ mạnh Tu chính án về Quyền bình đẳng, nhưng ủng hộ chính sách chống phá thai, và tìm cách thu hút cử tri thuộc nhóm Ki tô giáo bảo thủ, là những người thường lên tiếng chê trách việc phụ nữ đi làm bên ngoài làm ảnh hưởng xấu tới cơ cấu của một gia đình truyền thống. Mặc dù Reagan thắng lớn trong cuộc bầu cử năm đó, ông lại thua phiếu của phụ nữ tới 8 điểm.

Trong một vài thập niên sau đó, các chính đảng ở Mỹ ngày càng thêm phân cực. Giới chính trị gia thượng tầng có tư tưởng bảo thủ thì gia nhập vào Đảng Cộng hòa, trong khi giới chính trị gia có tư tưởng cấp tiến thì gia nhập Đảng Dân chủ; và cử tri đi theo họ. Sự sắp xếp này vô hình trung đã tạo ra lằn ranh phân chia cử tri theo giới tính. Kể từ khi người ta bắt đầu tổ chức những cuộc thăm dò dư luận có hệ thống hoá hơn ở Mỹ, cánh đàn ông thường có khuynh hướng bảo thủ hơn phụ nữ trên một loạt những vấn đề, trong đó có ngân sách chi tiêu cho chương trình phúc lợi xã hội, quan điểm về giới đồng tính, và việc sử dụng quân sự trong chính sách đối ngoại. Trong khi các chính đảng ngày càng nặng về ý thức hệ thì khoảng cách khác biệt giới tính trong việc bỏ phiếu cũng ngày càng tăng – từ 8 phần trăm điểm năm 1980, lên 12 điểm năm 2000, lên 13 điểm năm 2016. Một điều cần nhắc tới ở đây là ứng cử viên Dân chủ thua trong tất cả các cuộc bầu cử trên, trong khi cử tri đàn ông ngày càng nghiêng nhiều hơn về Đảng Cộng hoà. Kể từ năm 1980, đa số cử tri đàn ông chưa một lần nào ủng hộ cho ứng cử viên Dân chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống. Năm 2016, một con số khá thấp là 41 phần trăm cử tri đàn ông (trong số đó chỉ có 32 phần trăm đàn ông da trắng) là bầu cho bà Hilary Clinton.
Có lẽ bởi vì Đảng Dân chủ muốn giành được lá phiếu của phụ nữ, các chính sách của họ thường nhắm đến các ưu tiên mà phụ nữ cho là quan trọng với họ. Như trên đã nói, số đông phụ nữ sống dưới mức nghèo và họ rất cần đến các chương trình vể trợ cấp xã hội – và điều này có thể đã khiến họ dễ chấp nhận hơn với những lời hứa hẹn từ phía các ứng cử viên Dân chủ là sẽ mở rộng thêm các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ, và vi vậy phụ nữ đã dồn phiếu cho họ.

Trong 40 năm, khoảng cách biệt giới tính trong các lá phiếu của cử tri đã đi từ chỗ không ai để ý tới và nay biến thành một trong những thành tố quan trọng nhất trong sinh hoạt chính trị ở Mỹ, đặc biệt là trong những năm bầu cử, phụ nữ lại càng được các ứng cử viên tổng thống o bế kỹ hơn. Mà quả thật, với 10 triệu phiếu bầu nhiều hơn, phụ nữ nay đã là lực lượng cử tri quan trọng nhất, và ứng cử viên nào dành được sự ủng hộ của phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.
Chúng ta từng nghe câu: “Không có phụ nữ thì làm gì có đàn ông.” Nay câu này cũng có thể đổi thành: “Không có phụ nữ thì làm gì có tổng thống” – với nhiều hàm ý trong đó.
Huy Lâm

--
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top