Tùy Bút Hoàng Dược Thảo, MƠ MỘNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ HOA THỊNH ĐỐN

Phiếm Dị

MƠ MỘNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ HOA THỊNH ĐỐN

Tùy Bút Hoàng Dược Thảo


Gửi Liên – Chicago, Thúy Diệm, Chị Đạm Ngọc, chị Hồng Thủy ….
Lúc nào cũng quan tâm, cũng thương yêu HDT trong suốt cuộc đời này…

 


Trở lại Hoa Thịnh Đốn lần này, màu nắng, màu lá của thành phố này hình như có điều thay đổi. Vì...  bây giờ là tháng Tám, cái nóng đang qua, cái lạnh chưa kịp tới, hay tại vì... tôi trở lại nơi đây một mình. Tôi có quá nhiều điều muốn quên...
Tôi về đây để ăn cưới cháu Hoài Việt, con gái của anh chị Ngô Phi Đạm, “xếp sòng” SGN ở Hoa Thịnh Đốn.. Những “bà già” đến từ nhiều thành phố, nhưng tiếng Việt, tập tục Việt hay ngôn ngữ Việt, thơ văn Việt, khiến chúng tôi hàn huyên thâu đêm như những cô bé học trò thời trẻ dại. Tôi đến từ Cali, chị Liên đến từ Chicago, chị Kim Anh đến từ Dallas, Nhi đến từ  South Carolina... Trong cái vui rộn ràng của hội ngộ, chúng tôi đùa bảo những đứa con, đứa cháu chưa lập gia đình là: chúng mày kiếm ai thì kiếm nhanh lên, cho các mẹ còn có dịp đi ăn cưới. Câu trả lời của các “ông” con, “ba” con là: “Không có cái gì cho tụi con lựa cả”, nôm na là... chưa có ai cho tụi con lựa cả. Chừng bị mẹ hay các bác sửa cho ngôn từ tiếng Việt, lại còn trêu: tụi con nói ngọng như vậy, hình như mấy “mẹ” vui hơn thì phải.

Những bà mẹ đứng đầu ngọn sóng nuôi con nơi xứ người, gặp lại nhau, tha hồ mà trao đổi kinh nghiệm. Tôi tuy không lớn tuổi bằng các chị, nhưng các con tôi đã trưởng thành, lớn hơn con các chị. Tôi bị trêu là thuộc loại “làm sớm nhưng không chịu nghỉ sớm” nên làm phiền người khác hơi nhiều. Buổi tối, tụi nhỏ rút lui để nhà lại cho các bà mẹ, vừa trang hoàng nhà cửa, vừa có thêm tí.... nhạc. Chương trình nhạc “không” yêu cầu này không ai chê ai, vì ai hát cũng “hay” như nhau. Từ nhạc tiền chiến, qua nhạc ‘sến”, ai ca cũng “được” mới thật là tài. Hoa thì đụng đâu, cắm đó, chứ không cần phải nghĩ cách design cho chồng con sợ. Thiếu lá đệm ư? Dễ ợt, tôi và chị Liên đi ra vườn sau, vườn trước nhà anh chị Đạm Ngọc, tìm lá. Nhìn quanh quẩn, ban đêm, hai đứa sợ ma, lại thấy toàn là nụ cho mùa Thu sắp đến, cắt bừa đi lại sợ bác Thu, mẹ chị Ngọc mắng cho. Thế là hai đứa nhắm ngay cây thông trước nhà, cắt những chùm lá lòe xòe bên dưới. Nhất cử lưỡng tiện, vì cây thông nằm ngay cửa chính, cả hai khỏi phải đi xa, vừa... thơ mộng. Thế là xong cái vụ hoa. Qua phần “thiết kế nội thất” thì tôi và chị Liên gặp ngay sự phản đối của “thầy” Ngô Phi Đạm. Số khổ thì đi đâu cũng khổ. Ở Cali thì đụng nhân viên công quyền không cho “khủng bố”, đi ăn cưới tận Hoa Thịnh Đốn thì đụng “Thiếu tá Cảnh sát” không cho di chuyển bàn ghế, vì “chàng” ngại cái quả “aftermath”: “Ai bê lại cho tui hai bà ơi! Hai bà ở xa về phá nhà, phá cửa”. Mặc  kệ, tôi và chị Liên “thiết kế” tùm lum bất kỳ chỗ nào, “chúng ta” tự nghĩ là ... coi không được. Tuy vậy, khi lên máy bay chờ trở lại California, tôi mới thấy tội cho “chàng”. May mà “xếp repair everything Quỳnh” vẫn còn ở lại nơi đó thêm một ngày, sau khi mọi người đã đi, mới yên chí dùm cho cái thân già của “thầy” Ngô Phi Đạm.

Chúng tôi là những “bà già” mà mỗi lần đụng vào phấn son là bầy con lắc đầu cười nụ, lẩn đi chỗ khác bây giờ gặp đám cưới nên tha hồ thoa, quẹt cho nhau. Tôi xong sớm vì bản tính vẫn là người nhanh nhẹn, nên tình nguyện kiêm luôn chức vụ... chuyên viên trang điểm cho ai cần đến. Chị Liên khen trước, sau đó là chị Ngọc. Có ba phiếu nên coi như tôi toàn thắng. Buổi tối đám cưới, chúng tôi vui quá, thấy trẻ con lấy nhau mới thấy mình già. Nhưng có sao đâu, không khí hạnh phúc của một đại gia đình đoàn tụ, xum vầy của những người Việt Nam, dù không cùng máu mủ, thật là dễ thương. Như cái thân tình của những người bạn gái – hay nói đúng hơn – của những người chị gái, như chị Hồng Thủy, như Thúy Diệm khi xót xa cho đời sống tôi đã cho tôi cảm giác tôi được thương yêu, đùm bọc, ấm cúng không biết là bao nhiêu!
*
Từ mấy năm nay, Hoa Thịnh Đốn với tôi như một nếp nhà thứ hai sau Orange County. Mỗi khi có thể, tôi thường về trên đó chơi với anh chị Đạm Ngọc. Ngôi nhà giữa rừng cây Anh Đào tứ thời xanh lá, rạo rạt nắng gió, luôn cho tôi những giấc ngủ thật đầy, không mộng mị, điều mà tôi ít khi có được tại ngôi nhà của mình. Tôi thường thức giấc khi nắng đã lên, lọt qua cửa sổ rọi vào phòng. Chị Ngọc thương tôi nên thường bào chữa hộ tôi rằng: tại giờ giấc thay đổi đó thôi. Tôi thì tôi biết tại sao rồi. Tiếng lá, tiếng gió thì thầm bốn bên. Tôi thường nằm im, lắng nghe, trí óc trôi bồng bềnh. Đêm đầu tiên ngủ tại nhà anh chị Đạm Ngọc, bàn chân trần trên sàn gỗ nâu, không hiểu sao lại làm tôi nhớ đến ngôi nhà gỗ nâu của bà nội tôi trên Đà Lạt, đường Thi Sách. Ngôi nhà mùa Đông lạnh ngắt bên ngoài, nhưng thật ấm áp bên trong. Ánh lửa hồng đó khiến tôi luôn nhớ về Đà Lạt, như một phần tốt đẹp nhất của quê hương tôi mang theo ngoài Việt Nam. Con đường dốc nhỏ và những cây hoa mimosa vàng. Bà nội tôi đã dạy tôi những bài học đầu tiên về thực vật, về cách sống giữa cỏ cây, hoa lá. Tại sao, cau trồng trước cửa, mà chuối thì phải trồng sau hè. Tại sao trúc phải tỉa đi mới đẹp, mới là khóm trúc đầu nhà, mọc um tùm, chỉ là trúc bụi, như bụi chuối, bụi tre. Từ những ngày thơ ấu đó, tôi đã qua nhiều ngày mưa nơi xứ người, mà không bao giờ có lại tiếng mưa của ngày tháng cũ. Hay tại mưa phải rơi trên tàu lá chuối mới là tiếng mưa quê nhà. Hay cái thay đổi  là  lòng đã khác, trí đã thay, ta đâu còn là ta của ngày tháng cũ, thì tiếng mưa hay tiếng gió cũng chỉ là những nhớ nhung không tên gọi...

Buổi tối thứ hai ở đây khi đi ăn về, thành phố Silver Springs như chìm trong sương mù.
Sương chiều bao phủ một màn thơ...
Câu thơ đó tôi không còn nhớ được của ai. Chỉ biết trên đường về, một đợt sương là đà chăng ngang lối đi, câu thơ này chợt bật ra: Sương chiều bao phủ một màn thơ...
Ừ, thì dạo này tôi ít viết những bài tùy bút như thế này, chỉ vì những điều có thể viết, lại muốn giữ lấy cho riêng mình. Thời không còn hợp, thế đã đổi thay. Những sáng dậy sớm đã thưa dần với những đêm làm việc muộn. Những ưu tư đến cùng với bóng đêm, thường kéo theo những giờ dài mất ngủ. Những truyện ngắn thành hình cũng như những ý tưởng tan đi, khi nắng mai lên, ngày lại đến...
Những người bạn thân lâu lâu mới gặp lại, thường có những cái nhìn diễu cợt, dò hỏi: còn nhớ hay quên, còn thương hay đã hết. Câu hỏi nghe hoài lại thấy vui vui, cứ y như một câu hỏi xã giao không thể thiếu, khi tôi tham dự một cuộc họp vui. Đã trả lời bạn rất nhiều lần: Những phần đời đó là mạch nước đau thương của đời sống tôi, nay đã trôi xuôi, yên nghỉ nơi vùng đất trũng của tâm linh tôi, đời đời. Nhớ hay quên, còn thương hay đã hết, cũng chẳng có gì khác biệt, như con nước nhỏ đã xuôi dòng biển lớn, biện bạch làm gì nước còn nguyên hay đã mặn...
Anh chị Đạm cố tránh, không nhắc gì về đời sống riêng của tôi trong những ngày tháng qua. Những cái tên thoáng qua, nhắc lại được anh chị lái qua chuyện khác. Chị Ngọc bảo: chỉ muốn Thảo có những ngày vui khi ở đây. Như thế này thì là vui rồi, chị ơi! Khi hạnh phúc của cuộc đời, nhiều khi không còn là phải thế này hay thế kia, mà chỉ còn là một chiếc bóng trong nhà cho đỡ cô quạnh, thì một tiếng động đã là một nguồn vui.
Vào đúng lúc, tôi tưởng như cầm nắm tuổi xế chiều trong cô quạnh, buồn tênh, thì tôi lại khám phá trong tôi một điều khác lạ. Cái phần đời phụ nữ chưa trưởng thành, cái trái chín dú non dật dừ theo biến động 1975, bỗng lại có một đời sống khác. Cái tuổi già sắp đến, tâm thức tưởng chừng như không còn có thể lay động với bất cứ một dữ kiện nào, lại có cho nó một hình thái sinh động mới. Mỗi sáng, tôi thức dậy, thấy mình làm được một số điều phải làm, nên làm. Những nụ cười vui của bằng hữu, của đứa cháu nhỏ côi cút, của những đứa con mới lớn, đôi mắt ngây ngô khi nhìn vào những việc làm bất ngờ của mẹ... Nhất là ...vô duyên không thể tưởng, khi thấy mình có vẻ thông minh... và đảm đang khi được bạn bè khen. Cái chạm mặt đầu tiên với tuổi già, tuổi 70 của một người đàn bà, cái chạm mặt đầu tiên với tóc bạc, với nếp nhăn quanh mắt, nhờ thế hình như cũng giảm mất sự nặng nề.
*
Nhưng cái màn sương mù bất chợt của đêm Silver Springs hình như không khác gì cái màn sương mù nơi tôi ở. Đường về nhà tôi từ tòa báo phải đi vòng một eo biển nhỏ. Trời vừa tối, hơi lạnh là bắt đầu có sương mù. Nhiều tai nạn đã xảy ra, mặc dù hai bên hốc đá đều có đèn rọi sáng. Tôi vẫn nghĩ tai nạn xảy ra nơi đó không phải vì sương mù, mà vì cảnh trí nằm phía xa, bên tay phải, sát mặt biển xanh. Những đợt mây trắng, mây xanh, che khuất những cao ốc nằm xa trong đất liền, ẩn ẩn hiện hiện, như những lâu đài trong phim vẽ. Bãi cát trắng im lặng bên hàng cây xanh. Đã nhiều lần, tôi nghĩ, sẽ giới thiệu với các vị làm băng video địa điểm này. Sau cùng, tôi lại thôi. Cái ích kỷ vô chừng nào đó, tôi muốn giữ cho riêng tôi, cho những chiều trở lại nơi đây với... sương chiều bao phủ một màn thơ...
Có lần trên đường về, trời đổ mưa, những vạt nước tạt nghiêng trông như những tảng lụa trắng, mà gió từng cơn như đẩy đưa dạt lên trời. Cái hình ảnh trong bài thơ của Hàn Mạc Tử:
Lụa trời ai dệt với ai giăng
Ai thả chim bay đến Quảng Hằng
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Nửa mảnh da cừu lộ nở nang...

Tôi vốn không thích những bài thơ có máu da, xương thịt, thế mà không hiểu sao, mấy câu thơ này của Hàn thi sĩ lại ghi vào trong trí. Bộ mặt đờ đẫn của tôi với mưa, sương mù và eo biển nhỏ, không thể thoát khỏi đôi mắt của các con tôi. Chúng hay chế riễu: Ráng đi mẹ, cho chúng con thêm vài năm, sẽ cất cho mẹ một “thiên đường” trên hòn đá cao nhất. Trong khi chờ đợi, mẹ hãy lái xe cẩn thận, vì có chuyện gì thì chắc chắn...sương mù không chỉ... che phủ một màn thơ đâu...
Khi lái xe qua lại cái màn sương mù này mỗi ngày, một truyện ngắn được nhiều người ưa thích của tôi thành hình. Đôi khi, tôi bắt gặp tôi cười với chính mình trong gương chiếu hậu đầy sương mù lãng đãng phía sau. Tôi, kẻ đứng bên lề, hòn đá cuội trơ vơ. Cũng bình an lắm chứ. Vậy dính dáng làm gì đến báo chí, văn chương. Nhớ hoài nét mặt vui vui, trầm tĩnh, cái nét mặt rất có “matière” của một nhà văn lớn tuổi, giữa khói thuốc dầy của La Pagode một chiều trước 30 tháng 4, 1975: phụ nữ không nên dính tới văn chương gì tất. Đi về nhà nấu bếp cho yên chuyện.  Đối diện với anh chiều hôm ấy là một nhà văn nữ thuộc loại cấp tiến, chị ngồi gác chân lên bàn, một tay cầm điếu thuốc, một tay cầm chai bia.
Cái chạm mặt đầu tiên của tôi với nhà văn “nữ” làm tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Người phụ nữ nên để cái tôi nằm yên nghỉ. Ghi lại những ý nghĩ của mình lại để làm gì. Không cần phải... tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ (Thơ Thanh Tâm Tuyền). Vì thế, những truyện ngắn, những bài tùy bút của tôi, sẽ nằm yên hoài ở cái vùng sương mù xứ này, mặc dù từ bốn mươi năm qua, tôi sinh sống bằng nghề cầm bút. Sẽ không bao giờ có một nhà văn Hoàng Dược Thảo, xin các bạn yên chí.
*

Buổi sáng cuối cùng, trước khi chia tay ai trở về “nhiệm sở đời” của người đó, tự dưng tôi thấy bùi ngùi. Chị Ngọc bảo tôi: tháng tới trở lại Hoa Thịnh Đốn nhìn lá vàng nhé. Chị Liên, anh chị Trần Vũ Bản hẹn tôi mùa Xuân ở Chicago. Con gái tôi dặn tháng 11 lên thăm con ở New York. Nhiều địa danh lập đi, lập lại chỉ để nhắc tôi một điều: tôi thật hạnh phúc trong cuộc đời này. Khi mà đi đâu, ở khắp nơi, tôi đều có những tình cảm ruột thịt, chúng tôi như một đất nước Việt Nam ngoài quê hương. Nhận thức ra điều đó, sáu giờ đồng hồ bay trên đường về Cali hình như ngắn hơn, tôi nghe bước chân cô lẻ của mình trên thềm nhà như những tiếng reo vui mừng tôi trở về. Tôi thấy tôi thật bình yên, thật dửng dưng với mọi tranh đua, mọi mánh khóe của người đời. Bởi bên cạnh, tôi đã có cho tôi, những người bạn chân tình thật quê nhà, thật Việt Nam. 
Hoàng Dược Thảo

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top