Truyện ngắn Hoàng dược Thảo: MỘT BỜ BIỂN TÊN BAEZ
Bìa Báo Time Magazine, 23 November 1962
Qua khỏi Flensburg khoảng 10 cây số thì đã đến trạm biên giới giữa Cộng Hoà Liên Bang Đức và Đan Mạch. Tôi quay qua bắt tay cám ơn ông già lái xe bán trái cây và mở cửa chiếc xe vận tải nhỏ cũ kỷ của ông rồi nhảy xuống, vói ra sau thùng xe lấy cái ba lô và túi ngủ đang nằm lăn lóc giữa những thùng cà chua, chuối, táo, … Vẫy tay chào ông già, tôi xốc ba lô lên vai bước qua trạm kiểm soát sau khi trình sổ thông hành cho người sĩ quan Đan Mạch cao to nhưng hiền lành như tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở chùa Diệu Đế bên bờ sông Đông Ba của một thời thơ ấu.
Bên này biên giới phía cực Nam của Đan Mạch là những ruộng lúa mạch vàng rực rỡ, đong đưa cuồn cuộn dưới ánh mặt trời chói lọi của mùa Hạ làm nhớ bức tranh Wheatfield with Crows đến mức tôi muốn hỏi “Vincent ơi, tại sao lại phải vẽ thêm mấy con qụa đen bay chập chờn giữa bầu trời xanh làm ảm đạm cả bức tranh như vậy?” Vừa thong thả đi bộ tôi vừa ngắm nhìn không chán mắt những cô nông dân Đan Mạch tóc vàng bay phất phơ đang lái những xe cày nho nhỏ trên cánh đồng lúa chin. Họ làm việc liên tục và chăm chú nhưng không hò hát vui vẻ như những nông dân Việt Nam dù công việc đồng áng ở đây không có vẻ gì cực nhọc như ở quê hương tôi.
Đi bộ qua khỏi ngôi làng biên giới, tôi vừa giơ tay đã quá giang đón được một xe minibus Volkswagen sơn đủ màu sắc. Người lái xe là một chàng tóc dài trẻ tuổi với một bộ râu quai nón màu hung đỏ. Điều ngạc nhiên khác với thông lệ là anh ta đã không hỏi tôi đi đâu để quyết định xem có cùng về một hướng. Chỉ im lặng ngoắt tay cho tôi leo lên xe rồi phóng lên đường liên tỉnh Ẹ45 chạy khoảng nửa giờ, xe quẹo tay phải vào một đường nhỏ, lăn chầm chậm thêm khoảng năm phút thì đến một vịnh biển xanh lăn tăn sóng. Trên bãi cát trắng vàng là một dãy lều kết hợp thành hình chữ U với nhiều màu sặc sở. Thì ra đây là một trại họp bạn sinh viên Âu châu được tổ chức trùng với chuyến bay của con tàu không gian Apollo 11 để chào mừng cuộc đổ bộ đầu tiên lên mặt trăng của loài người.
Như một tình cờ dễ thương, ban tổ chức cuộc họp bạn nhận tôi vào trại như là người sinh viên Á đông duy nhất trên bờ biển này! Tối hôm đó, bên ánh lửa bập bùng của trại họp bạn, chương trình văn nghệ quốc tế đã cho tôi nghe những bài dân ca của từng quốc gia Âu châu. Vui nhất là bài đồng dao của mấy cô sinh viên người Pháp để chế nhạo ông Tổng thống đương thời của họ mà tôi vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ:
Il était un petit President
Il était un petit President
(Ông Pompidou rất lùn so với bà vợ và so với De Gaulle).
Qui n’avait jamais, jamais gouverné
Qui n’avait jamais, jamais gouverné
Oh eh! Oh eh! Oh eh!
Oh eh, Oh eh, Pompidou
Pompidou navigue sur nos sous,
Oh eh, Oh eh, Pompidou
Pompidou navigue sur nos sou … ou …ous!
Đến phiên hai chàng sinh viên vùng Bavaria ở Nam Đức trình bày “Sag’ Mir Wo Die Blumen Sind”, (dịch từ một trong những bài hát phản chiến nổi tiếng nhất cuả Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam “Where Have All The Flowers Gone?” của nhạc sĩ dân ca lừng danh Pete Seeger). Đây là một bài hát chống chiến tranh rất thơ mông nhưng cũng đầy tính thuyết phục như một vòng luân hồi của những đóa hoa từ tay cô gái trẻ tặng chàng trai chiến sĩ rồi bó hoa tình đó trở thành vòng hoa trên mộ người chiến binh, nghe xót xa như ba câu thơ của Hữu Loan:
Tôi về không gặp nàng
Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh …
Cuối cùng của đêm văn nghệ là bài “We Shall Overcome” hát bởi một sinh viên Đan Mạch. Đây là ca khúc đấu tranh mà giọng hát của Joan Baez đã từng làm rung động cả tim lẫn óc của tôi trong không khí lửa đạn của Sài Gòn giữa thập niên sáu mươi. Trên bờ biển xanh bình an của miền Nam Đan Mạch năm đó, tôi đã bơi lội trở lại trong giọng hát của Joan Baez qua những tình ý thiết tha trong tận cùng của yêu đương:
Don't tell me of love everlasting and other sad dreams
I don't want to hear
Just tell me of passionate strangers who rescue each other
From a lifetime of cares
Sài Gòn của những năm người lính Mỹ bắt đầu xây những trạm kiểm soát trước các khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, những hàng rào kẽm gai trên đường Hàm Nghi. Sài Gòn của những đoàn xe GMC làm xao động những cành me trên đường Nguyễn Du. Sài Gòn của bóng dáng và âm vang chiến tranh vừa gần gũi như tiếng trực thăng UH-1B, vừa xa xôi như một tình khúc lính của Trần Thiện Thanh. Sài Gòn của năm soạn thi Tú Tài đã có đủ tiền mua một radio Sony bỏ túi để 11 giờ đêm nằm nghe chương trình Night Train Show trên đài phát thanh quân đội Mỹ (AFRS) khởi đầu bằng “Telstar” trong tiếng đàn guitar điện bất hủ của The Ventures và sau đó là tiếng hát của Elvis Presley, Brenda Lee, The Platters, … và thỉnh thoảng là giọng ca trong như nước mưa đổ xuống từ trời của Joan Baez. Khi tiếng hát của nàng vang lên, người nghe như được tắm trong làn nước mát của một suối nguồn thiên khải. Và tiếng đàn lục huyền cầm theo thể điệu dân ca đặc thù của miền Bắc Mỹ mà Joan Baez tự đệm theo đã là những chấm phá của một thế giới xa lạ, huyền hoặc, quyến rũ không thể dứt bỏ được trong con tim của đứa con trai mới lớn. Cho đến khi tìm ra được để đọc và hiểu lời của những bài hát của Joan Baez trong một cuốn sách mượn ở thư viện Hội Việt Mỹ thì nỗi say mê Joan Baez của tôi đã đạt đến nirvana-made-in-saigon.
Thập niên 60, phần đông chúng ta nghĩ về Joan Baez như một ca-sĩ phản chiến cùng một loại với tài tử phản chiến Jane Fonda qua những bài viết không đồng tình với chiến tranh Việt Nam của bà. Nhưng sau chiến tranh, hai người này đã bất đồng ý kiến với nhau về thảm trạng “boat people” của những năm bảy mươi, nếu chúng ta biết Joan Baez đã mua trọn trang của bốn tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ để đăng một lá thư của cô chỉ trích nhà cầm quyền Cọng sản Việt Nam về thảm trạng này, nếu chúng ta biết Joan Baez đã biểu tình với Mục sư Martin Luther King Jr. trong cuôc vận động nhân quyền cho người da màu ngay trên nước Mỹ của ông George Washington, nếu chúng ta biết Joan Baez đã biểu tình với Cesar Chavez trước dinh Thống đốc tiểu bang California để đấu tranh cho nhân quyền của người nông dân gốc Mễ, nếu chúng ta biết Joan Baez đã là thành viên của Phong trào Tự do Ngôn luận ở Berkeley, nếu chúng ta biết một người bạn thân của Joan Baez là Vaclav Havel của Tiệp khắc không Công sản sau cuộc Cách-mạng-Nhung … thì tôi nghĩ chúng ta phải có một hình ảnh khác biệt về người nữ nghệ sĩ đầy lòng nhân bản, nhân ái này…
Ngay cả chuyến viếng thăm Hà Nội trong trận mưa bom Linebacker II của mùa Giáng sinh 1972 cũng cho thấy tấm lòng đầy thiện tâm của cô qua hai hành động chính: mang quà cho các tù binh Mỹ trong nhà tù Hoả Lò và thăm bệnh viện Bạch Mai dưới trận mưa bom B-52 khủng khiếp kéo dài 11 ngày.
Because if love means forever, expecting nothing returned
Then I hope I'll be given another whole lifetime to learn
Để phải gật đầu chấp nhận là người đàn bà bao giờ cũng có cái tinh tế, cái giác quan thứ sáu để nhận ra được ngay cả chân lý cũng là tương đối. Như Joan Baez, người đàn bà của muôn ngàn thương yêu, đã trả lời một câu phỏng vấn sau khi ly dị người chồng của 6 năm đầu gối tay ấp: “I am made to live alone”. Tôi không biết và cũng không muốn biết lý do kinh khủng nào đã đưa đến cho Joan Baez những đổ vỡ sau một đời sống vợ chồng có 3 đứa con kháu khỉnh, hoặc một đổ vỡ sau cuộc tình tuyệt vời với Bob Dylan.
Chỉ dựa trên câu trả lời này, tôi mang một ám ảnh và từ đó một say mê hình ảnh một người đàn bà tràn đầy danh vọng, phú qúy, tài năng mà chỉ có thể sống một mình tuy không thiếu tình yêu thương nhân loại. Có phải vì vậy mà một người theo đạo của ông Cồ Đàm đã nói: “Mối liên hệ dễ dàng là yêu thương một triệu người, mối liên hệ khó khăn là yêu chỉ một người”?
Kể ra như vậy để nhận diện được tối đa nhân cách của một nghệ sĩ đầy tràn nhân bản tính trong lời nói cũng như việc làm. Có phải vì cơ duyên không mà Phạm Duy hay ngay cả Trịnh Công Sơn chỉ có ba loại nhạc: Tình yêu, chiến tranh và thân phận con người. Trong khi Joan Baez thì ở đầu sóng ngọn gió của hầu như tất cả mọi khổ nạn trong cõi ta bà này: Chiến tranh (Blowin’ In The Wind), tình yêu (One Too Many Mornings), kỳ thị (We Shall Overcome), áp bức (China Shall Be Free), đói khát (Song For Bangladesh), thiên nhiên (The Water Is Wide). Gói trọn tất cả những thao thức, thương yêu, phẩn nộ, đằm thắm, thiết tha đó là tấm lòng của người đối với người mà giọng hát suối nguồn tinh khôi của Joan Baez đã thể hiện một cách trong sáng như trận mưa mùa xuân trên đĩnh ngọn Trúc Lâm Yên Tử mà tôi đã được nhìn thấy một lần khi lang thang trên khắp nẽo đường quê hương hy vọng sẽ tìm lại được chính mình của những ngày tuổi trẻ nghe nhạc Joan Baez giữa tiếng đại bác đêm đêm dội vào thành phố của bên kia…
Tôi cũng không muốn nàng đi vào con đường diệu vợi của Joan Baez vì với tôi, nàng đã hiện đến như một cơn sóng diễm lệ đầy nhiệt tình thắm mát. Và cơn sóng nào mà không cần một bãi cát để an nghỉ, Tí ơi!
*
Khi yêu quá, chàng thường gọi Tí ơi. Khi xa nhau, nàng thường nghe hai chữ Tí ơi vang vang đâu đó, trong không gian im lặng của mình mà như tiếng vọng của thinh không trong rặng núi Canyon chạy dài, không dứt. Từ khi hai người quyết định xa nhau cho đến khi nào... Tí chỉ là Tí và anh chỉ là anh, chàng hay gửi cho nàng những đoạn văn như vậy. Chàng bảo đó là ... literary intimating hay L.I. trong ngôn ngữ bí mật của hai người. Những đoản văn như những vết chân lạc bước tình cờ đến cái sandbox mà hai người đã bước vào rồi trở ra và cố tình xóa bỏ để không có lý do hay cơ hội để trở lại. Rồi chính cả hai lại cùng vội vã đi tìm những dấu vết còn lại trên mặt cát trước khi gió và sóng biển sẽ xỏa lấp chúng cùng với hư vô.
Đoản văn trên của chàng khiến nàng nhớ lại đời sống mình trong khoảng thời gian của phản chiến ở quê người, chiến tranh ở quê nhà, của nhạc Joan Baez… Sự sôi động đó tương phản hoàn toàn với đời sống quá sức im lặng của nàng trong ngôi nhà từ đường rộng lớn của dòng họ ngoại. Sự im lặng đó đi sâu vào trong từng tế bào của thân thể nàng, đến nổi, bây giờ sau bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, sau bao nhiêu vật đổi, sao dời, những cái sân cát sạch không vết chân người của thời tuổi trẻ đã không còn, nàng vẫn chỉ quen thuộc với sự im lặng. Ngày xưa nàng im lặng để ghi nhớ những bài học cần thuộc. Bây giờ nàng im lặng để suy nghĩ về tình yêu của mình.
Nàng không có nhiều kỷ niệm về Việt Nam, về Saigon, về Huế, về bờ cát Đại Lãnh như chàng bởi khi rời khỏi Việt Nam, đứa con gái nhỏ tuy đã phải ứa nước mắt thương thân mình bất hạnh nhưng chưa từng bước chân xuống đời. Điều nàng ghi nhớ nhất ngày tháng ở quê hương là những cái sân gạch cát phẳng lì sau một trận mưa lớn. Dù là ở ngôi nhà từ đường dòng họ ngoại ở Gia Định hay của ngôi biệt thự gia đình ở vùng Nước Ngọt, gần Long Hải. Sau một trận mưa, mặt cát phẳng lì không vết chân người, rải rác vài ba chiếc lá nửa lồi lên trên, nửa vùi dưới cát. Chiến tranh chỉ hiện diện qua những lần đi, về học phải nép vào lề đường để tránh cho đoàn xe nhà binh di chuyển. Chàng ở đâu trong những ngày tháng ấy? Những ngày tháng mà ở Saigon, những đứa con gái nhút nhát mới lớn trong những gia đình khá giả không được bước chân ra đường một mình, không được mặt áo ngắn tay, không được ăn quà vặt ngoài đường.
Thường thì ngày đầu tiên sau một kỳ thi, nàng dậy rất sớm. Gánh nặng học hành vất sang một bên thì không biết làm gì khác hơn là dậy rất sớm và xuống khu nhà ngang (*), ngồi bên bếp lửa, nghe bà nội kể chuyện đời xưa ở Huế và xem cô Ba, người vú nuôi nấu xôi đậu xanh hay cháo đậu đen cho cả nhà ăn điểm tâm trước khi đi làm, đi học. Nhớ lại, ngay cả khi đã vào Đại Học, hình như cả nhà không ai đối xử với nàng, đứa con gái út như một thiếu nữ trưởng thành. Việc nàng nằm võng, thẩn thơ đọc sách suốt một muà hè hay mỗi buổi sáng dậy sớm ngồi nơi hiên trước, nhìn những cái sân cát không vết chân người trong lặng lẽ chỉ là một việc rất bình thường.
Nàng cũng chỉ biết đến nhạc Joan Baez rất chậm. Khi gần đến cái tuổi mà Baez biết rằng định mệnh của bà là sống một mình. Người đàn bà Tây Phương chọn lựa đời muốn sống và làm chủ được quyết định về đời mình. Người đàn bà Việt Nam dù lưu vong, dù không còn trẻ nữa, dù có trí tuệ cũng không dễ dàng để quyết định đời mình, cho mình. Dù khi đối diện với sự cô độc thì ai cũng giống nhau. Nàng nhủ mình: hãy tập sống với điều bất hạnh. Bởi vì mình là đàn bà. Bởi vì mình là người Việt Nam. Bởi bờ cát Đại Lãnh hay ngọn đèo Cả mà chàng đã suôi ngược những ngày hè thời thơ ấu:
Một nửa thân em là vách núi
Một nửa đời em là biển khơi
Anh lơ lững gió như Đèo Cả
Làm khổ nhau chi suốt một đời
(Thơ Thụy Châu)
hay bờ biển ở miền Nam Đan Mạch và tiếng hát Joan Baez trong đọan văn ở trên đã xa, đã khác như đời sống giữa hai người, bây giờ, khi người này không còn có thể hình dung về cảnh đời của người kia.
Nàng biết mình không còn cơ hội để giải thích nhiều điều với chàng. Người đàn ông với trí tưởng tự do như mây ngàn làm sao hiểu được những ràng buộc không giải thích được. Với nàng, là sự im lặng vây quanh. Là cuộc đời mà trách nhiệm như những lớp áo quần phải khoác lên người khi đi ra ngoài.
Nói như thế, không có nghĩa là nàng không có những lúc muốn bước ra khỏi cái pháo đài kiên cố tự dựng lên chung quanh mình. Như cái buổi chiều chạng vạng dưới một gốc cây gỗ dầu của con đường Trần Cao Vân ở Saigon. Những giọt nước mắt khóc vì thương mình hay vì cuộc từ ly với người đàn ông lãng mạn... Những hạt nước mưa hay nước mắt giữa thành phố Saigon đổi tên đang mưa nặng hạt và sự chạm tay lần đầu của người đàn ông trên gò má trái của nàng để chận những hạt lệ. Hành động của người đàn ông khi đưa những ngón tay đẫm nước mắt đó lên môi đã ám ảnh nàng một thời gian dài khiến nàng không còn cảm xúc khi nghĩ đến ai, ngay cả Đức Phật chí tôn ở trên các bực cao của điện thờ từ khi nàng đọc được những lời giảng về kinh Phật của người đàn ông đã không còn có dịp gặp lại. Nàng không tin rằng người ta có thể dùng tôn giáo để lãng quên một niềm đau như người đàn ông đã làm. Niềm tin là một nơi để đi đến chứ không phải là một chỗ dừng chân và lãng quên. Tuy rằng nàng đã có nhiều lần tự hỏi về cái quyết định lìa quê hương lúc đó, lúc thành phố Saigon vừa đổi tên lả đúng hay sai cho đời mình?
Như “thông lệ”, chàng gửi đoạn văn ngắn ở trên và cho rằng đây nên là lần cuối chàng gửi cho nàng một cái L.I. như thế này. “Trong thời gian xa Tí, anh nghiệm ra Tí đã trở thành hơi thở, không khí của anh nên khi không có Tí bên cạnh, anh bị ngạt thở và trở thành một zombie, một người hình nộm đã cạn oxygen. Do đó, anh cần phải ngưng liên lạc vơí Tí cho đến ngày nào anh có thể cầm lấy tay Tí, ngồi xem Tí đan bên cạnh anh, ăn canh rau Tí nấu và uống cà phê Tí pha... Anh yêu Tí hoài, Tí ơi.”
Chiều nay, tự nhiên, nàng muốn một lần thấy chàng hiện ra trong ngôi nhà nàng đang ở. Chỉ để … khi nghĩ đến nhau, chàng có thể hình dung ra nàng bây giờ, ngồi trên chiếc ghế sofa, cành hoa tím muà Xuân đang đong đưa ngoài khung cửa sổ, bụi tre vàng ngoài cổng, cuộn len màu xám trong tay... Nàng chỉ muốn nói với chàng một điều sau cùng: nàng không giống Joan Baez chút nào vì lúc nào nàng cũng muốn chàng trông thấy mình, dù là trong giấc mơ...
Hoàng Dược Thảo
(*) Một ngôi nhà từ đường tức nhà thờ họ ở miền Nam thường có một khu rất lớn ở phía trước, có bậc tam cấp rất cao để đi lên gồm điện thờ, phòng khách, phòng ngủ của đại gia đình. Tiếp theo là một khu “nhà ngang” chỉ có mái nhưng không có vách bao bọc nhưng lót gạch rất tử tế để đàn bà, trẻ con tụ họp trong ngày giỗ Tết để làm bánh mức, trò chuyện, ngày thường thì là nơi tụ họp với người làng, họ hàng thân thuộc. Sau đó mới đến khu nhà bếp. Ngày mưa, từ nhà bếp mang thức ăn lên khu nhà lớn phía trước, không phải tránh mưa, trừ những ngày mưa bão lớn.
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404