Phiếm dị, Đào Nương,Hoa Kỳ và “tình yêu” dành cho súng đạn

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương
www.saigonweeklyonline.com
 

Hoa Kỳ và “tình yêu”
dành cho súng đạn

 

Cuộc tuần hành của học sinh Hoa Kỳ Để bảo vệ quyền sống của chúng tôi -March for Our Life” theo sự ghi nhận của nhật báo USA Today (ngày 3 tháng 7, 2018)

Ngày 14 tháng 2/ 2018, khi cuộc nổ súng tại trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas ở tiểu bang Florida xảy ra giết chết 14 học sinh cùng 3 thầy, cô giáo cùng những cảnh tượng kinh hoàng bên trong khi học sinh phải chen lấn nhau để tránh đạn, thế giới bên ngoài cũng như đại đa số người Mỹ tưởng rằng đó sẽ là giọt nước tràn ra khỏi cái ly phẫn nộ và kinh hoàng về nạn giết trẻ hàng loạt trong trường học một cách vô cớ bằng súng tự động.

Đây là cuộc nổ súng thứ 10 trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ. Tất cả đều xãy ra một cách thật dễ dàng và nhanh chóng. Những tên sát nhân mang súng tự động cũng nhiều băng đạn, đi vào một trường học, một lớp học, một siêu thị, một nhà thờ rồi nổ súng máy tự động giết nhiều người trong nháy mắt. Sau đó, thân nhân kẻ sát nhân hay theo sự điều tra của FBI thì hầu hết đều là những người gặp khó khăn khi hội nhập trong xã hội, hoặc đã có triệu chứng tâm thần bất thường nhưng không ai nghĩ điều đó trầm trọng đến nổi sẽ là động lực đưa đến hành động giết người đồng loạt như vậy.

Cuộc thảm sát thứ 10 tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Florida này khiến giới trẻ, giới học sinh tại Hoa Kỳ kinh hoàng. Chúng tụ họp, bàn luận, phát động những phong trào kêu gọi chính giới Hoa Kỳ phải ra luật kiềm soát về súng đạn để tránh việc giết người ở trường học như thế. Cuộc tuần hành “để bảo vệ quyền sống của chúng tôi -March for Our Life” theo sự ghi nhận của nhật báo USA Today (ngày 3 tháng 7, 2018) thì đây là cuộc biểu tình chống đối lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Về nhì là cuộc tình hành của phụ nữ Hoa Kỳ sau khi ông Trump đắc cử tổng thống.  Có khoảng 800,000 người tham dự cuộc tuần hành  March for Our Life ngày Thứ Bảy vừa qua so với 500,000 người tham dự Women's March, theo sự ước lượng của báo Washington Post. Sang ngày Chủ Nhật, số người tham dự cuộc tuần hành chỉ còn khoảng 200,000 người.  

Trên đài CNN, có một ông diễn giả còn so sánh cuộc tuần hành “March for Our Life” của học sinh năm 2018 với những cuộc biểu tình phản chiến thời chiến tranh Việt Nam cũng đạt đến con số 600,000 người biểu tình tại Hoa Thịnh Đốn hồi 1969. Thật ra thì không thể làm một cuộc so sánh như thế được. Những cuộc biểu tình phản chiến thời chiến tranh Việt Nam là những cuộc biểu tình “giật dây” của bọn thiên tả. Sinh viên Mỹ xuống đường vì lý do ý thức hệ và chống lệnh nhập ngủ cưỡng bách của chánh phủ lúc bấy giờ cho một cuộc chiến không nằm trên lãnh thổ của Hoa Kỳ. Cuộc xuống đường đòi hỏi chánh phủ phải có luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn – March for Our Life- ngày nay do những trẻ vị thành niên, những học sinh trung học và bắt nguồn từ những vụ thảm sát trong trường học mà hầu hết những kẻ sát nhân lại là những trẻ vị thành niên có dấu hiệu tâm thần không bình thường. Chúng không tranh đấu vì ý thức hệ, không tranh đầu vì nhân quyền, dân chủ cho ai hết mà chỉ để bảo vệ sinh mạng của chính chúng nó sau khi tận mắt chứng kiến cảnh bạn học bị gục ngã hàng loạt chỉ vì hành động của một trẻ vị thành niên khác bị rối loạn tâm thần hay bực tức một điều gì đó.

Ngày nay người Mỹ không thể nói rằng nước Mỹ là bất khả xâm phạm, nhất là từ sau vụ khủng bố 911. Đó là lần đầu tiên một cuộc tấn công khủng bố diễn ra  ngay trên lãnh địa Hoa Kỳ. Đó cũng là lần đầu tiên, người Mỹ biết về hai chữ “chiến tranh” khi chính họ chạm mặt với những hình ảnh kinh hoàng khi hai tòa nhà Twin Towers sụp đổ trước mắt của họ. Riêng hai cuộc biểu tình liên quan đến người Mỹ gốc Phi đòi bình đẳng về chủng tộc thì con số người tham dự vẫn còn là một điều để bàn cãi.  The March on Washington for Jobs and Freedom vào ngày 28 tháng 8 1963, nơi mà Mục Sư Martin Luther King Jr. đọc bài diễn văn "I have a dream" có 250,000 người tham dự. Riêng cuộc tuần hành Million Man March năm 1995 được người tổ chức ước lượng có  450,000 đến 1.1 triệu người tham dự nhưng theo FBI thì con số thật sự ít hơn nhiều. Nhưng dù ít hay nhiều thì đó cũng là những cuộc tuần hành đánh dấu những khúc quanh quan trọng trong lịch sử của đất nước này.

Nhưng rồi cuộc tuần hành “Để bảo vệ quyền sống của chúng tôi -March for Our Life” của 600,000 học sinh tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 3 tháng 7, 2018 sau một vài tháng ồn ào cũng đã không thay đổi được cục diện nước này về vấn đề vũ khí? Theo một số bình luận gia chính trị của Hoa Kỳ thì không ai có thể giải quyết được vấn nạn này. Bởi vì từ ngày đó đến nay những vụ nổ súng giết người hàng loạt càng ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ:

Năm 2018  có 18 vụ
Năm 2019 có 18 vụ
Năm 2020 có 8 vụ (vì đại dịch Covid khiến nước Mỹ bị tê liệt)
Năm 2021 có 13 vụ

Riêng năm nay 2022, mới đến tháng 6, trong vòng nửa năm đã có 12 vụ giết người như thế. Trong đó vụ nổ súng tại trường tiểu học Robb  ở thành phố Uvalde, tiểu bang Texas khiến 19 trẻ lớp 4 và 3 cô giáo bị thiệt mạng cùng nhiều người bị thương vào ngày 24 tháng 5, 2022  hầu hết đều là người gốc Mễ nên có thể vì thế không có ai quan tâm đến để biểu tình phản đối hay có thể vì người Mỹ đã xem chuyện thảm sát giết người hàng loạt bằng súng này là… chuyện thường ở huyện, không đáng để quan tâm hay làm ồn ào.

Theo ký giả Christopher Ingraham trong một bài viết trên báo Washington Post vào năm 2005 thì số vũ khí lưu hành  trong nước Mỹ là 357 triệu cây súng. (https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2015/10/05/guns-in-the-united-states-one-for-every-man-woman-and-child-and-then-some)



Tóm lại nếu dân số nước Mỹ là 330 triệu người thì số vũ khí nhiều hơn dân số  Hoa Kỳ là 20 triệu cây súng kể cả người già, đàn bà và con trẻ. Theo ông Ingraham thì thực ra rất khó xác định số lượng vũ khí đang lưu hành trên đất nước này. Con số 357 triệu cây súng chỉ là thống kê dựa trên con số của các công ty sản xuất và nhập cảng vũ khí. Theo một tài liệu của Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2012, trước vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook ở tiểu bang Connecticut thì số vũ khí lưu hành tại Hoa Kỳ là 242 triệu năm 1996, 259 triệu năm 2000, và 310 triệu năm 2009. Theo cơ quan Kiểm Soát Rượu, Thuốc Lá, Vũ khí và chất nổ (Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives) thì một “dấu ấn” của cựu tổng thống Obama là dưới “triều đại” Obama, số lượng vũ khí lưu hành trong nội địa Hoa Kỳ vượt qua số lượng “thần dân” của ông.

 
Top of Form
Bottom of Form

Dĩ nhiên đây chỉ là những con số phỏng chừng bởi vì có trời mới biết được có bao nhiêu khầu súng của Hoa Kỳ đã được bán cho … đồng minh hay cho kẻ thù và bao nhiêu khẩu súng “ngoại” được nhập khẩu lậu vào Hoa Kỳ hay đã bị hủy, bỏ đi vì hư hỏng. Nhưng theo giáo sư Gary Kleck, một chuyên viên về hình sự tại đại học Florida thì “vũ khí là một thứ máy móc đơn giản được chế tạo bằng những vật liệu bền bỉ. Đó lại là những đồ chơi vô cùng nguy hiểm và vô cùng “quí báu” vì chúng có thể giúp họ tự vệ nên hầu hết những người có súng đều giữ gìn chúng thật cẩn thận và không muốn bị mất. Nhưng sau khi theo dõi những con số vũ khí sản xuất trong nhiều năm, con số vũ khí lưu hành tại Hoa Kỳ theo giáo sư Gary Kleck không khác con số 357 triệu khẩu là bao nhiêu.

Không ai có thể nghĩ là do lỗi của chính quyền “khuyến khích” sản xuất vũ khí nhưng theo ký giả Insgraham thì con số vũ khí sản xuất tại Hoa Kỳ tăng gấp đôi từ năm 2009. Từ 5.9 triệu khẩu súng đã gia tăng thành 10.9 triệu khẩu súng. Thử tưởng tượng chỉ cần,1 hay 2 khẩu súng lọt vào tay một đứa trẻ hay một người mắc bệnh tâm thân thì đã có thể gây ra một vụ thảm sát ghê gớm giống như tại Sandy Hook (2009), tại Florida (2018) hay tại Udalve (2022) . Với 10 triệu khẩu súng sản xuất mỗi năm tại Hoa Kỳ, trên 18 tuổi là được quyền mua súng tụ động dễ dàng như đi mua bánh mì ở siêu thị thì làm sao người Mỹ có thể kiểm soát việc những kẻ bị trầm cảm, chán đời, điên loạn hoặc vì những lý do bực tức một điều gì đó có hành động cuồng sát khi đang có súng trong tay !


Những vụ thảm sát tại các trường học và nhất là vụ Sandy Hook khiến cả nước nháo nhào lên đòi thay đổi luật kiểm soát về vũ khí khiến cho Hiệp Hội Súng tại Hoa Kỳ có cơ hội bán súng gia tăng do những người thích súng, những nhà sưu tập mua nhiều hơn trước  vì họ sợ luật mua bán hoặc lưu hành súng tại Hoa Kỳ thay đổi, sau này mua sẽ khó khăn hơn. Số Hội viên của NRA - Hiệp Hội Súng tại Hoa Kỳ đã gia tăng từ 5 đến 10 triệu hội viên dựa trên giấy tờ khai thuế. Sự gia tăng sản xuất vũ khí này thời ông Obama còn được đài Fox gọi là "Obama effect." - Hay hội chứng Obama dù không phải do ông Obama gây ra. Mà thực tế là từ năm 2008 đến nay, Hạ Viện Hoa Kỳ nằm trong tay đa số nghị sĩ của đảng Cộng Hòa đã không có một dự luật thay đổi nào về việc kiểm soát vũ khí mặc dù đã xảy ra thêm nhiều vụ thảm sát ghê gớm. Cũng như theo sự thống kê của đại học đường Harvard, những vụ giết người bằng súng cũng gia tăng gấp đôi và khi trường này làm một bảng so sánh những tiểu bang, những thành phố có nhiều vũ khí lưu hành thì con số những vụ nổ súng đều gia tăng theo tỷ lệ thuận.

Hiện nay sau vụ 19 học sinh tiểu học ở Udalve bị bắn chết đã có một dự luật tăng số tuổi được mua súng lên 21 thay vì chỉ 18 đệ lên Thượng Viện chờ biểu quyết nhưng vấn đề súng tự động vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự của chính trị Hoa Kỳ. Vì theo lý luận của Hiệp Hội Súng Ống Hoa Kỳ - National Rifle Association (NRA) thì khi kẻ xấu có súng thì chúng ta nên cung cấp súng cho người tốt để họ có thể chống lại kẻ xấu. Điều này lại được cựu tổng thống Trump và ông thống đốc Tewas nhiệt liệt tán đồng. Ông Trump cho rằng thầy giáo, cô giáo nên có súng để tự bảo vệ cho học trò của mình. Điều này được NRA đề nghị từ sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook năm 2009 nay được ông Trump lập lại. Ông Trump cho rằng thầy, cô giáo yêu học trò hơn là nhân viên an ninh, nếu có “chạm súng” họ sẽ hăng hái và dũng cảm hơn để bảo vệ cho học trò của mình. Chỉ biết là ý kiến này của NRA và của ông Trump không được thầy cô giáo hưởng ứng nên sau đó lại được xếp vào loại “những tuyên bố nghe qua rồi bỏ” của ông Trump.

Tóm lại, phải trải qua thêm hàng trăm vụ thảm sát từ sau vụ Sandy Hook 2009 đến  vụ Udalve 2022, phải mất 13 năm thì quốc hội Hoa Kỳ cũng chỉ đề nghị được việc nâng tuổi “được” mua súng từ 18 lên 21 nhưng việc rà soát thành tích bất hảo hay tình trạng tâm thần trước khi bán súng, cấm những loại súng tự động có thể bắn người hàng loại lưu hành thì vẫn chưa rục rịch gì.  Có ông bình luận gia thuộc loại … lãng mạn nên đôi khi hóa thành lãng xẹc đã ví von vấn nạn vũ khí tại Hoa Kỳ với tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hoa Lục. Với 1.3 tỷ người Tàu phải sống, ăn nằm, hít thở khói độc, ăn thức ăn ô nhiễm nhưng tuyệt nhiên không nghe ai đề cập hay nói đến... Vì dân Tàu biết rằng có than thì cũng sẽ không đi đến đâu vì ở Hoa lục mà muốn được ăn sạch, uống nước sạch, ở sạch thì  họa may phải là… ông Xi.  Ít ra thì trong vấn nạn súng đạn ở Hoa Kỳ, những công dân Hoa Kỳ còn có thể an ủi lẫn nhau: đạn tránh người chứ người không thể tránh đạn. Trời kêu ai nấy dạ… Lo làm gì chuyện bò trắng răng.



Tại Washington: Các đôi giày nằm la liệt trên thảm cỏ phía Đông Nam của trụ sở Quốc hội, tượng trưng cho trẻ em thiệt mạng vì súng ống tại Mỹ kể từ vụ xả súng Sandy Hook s năm 2012.

Những đứa trẻ vị thành niên hùng dũng, hăng hái nằm biểu tình ở Washington DC, ở New York, ở Los Angeles và 800 thành phố khác ngày Thứ Bảy 18 tháng 2 năm 2018 không hề biết những điều trên đây. Những cô cậu thành niên này đã ngây thơ tin rằng khi không ai bảo vệ chúng trước những họng súng vô tình thì chúng phải đứng lên phải bảo vệ chính chúng bằng cách đòi hỏi chính quyền của đất nước dân chủ này phải thay đổi luật về súng đạn. Những đứa trẻ đã phải bò tìm chỗ ẩn trú khi tiếng đạn bay trên đầu, khi bạn bè bị bắn gục trước mắt mình đã nắm tay thề nguyền: Đủ Rồi. That’s Enough. No More. Những người cha mất con. Những người bà mất cháu. Họ tham dự tuần hành với những biểu ngữ tự chế: làm sao gọi chúng tôi là tương lai của đất nước khi chúng tôi không được bảo vệ để sống?  Hãy bảo vệ mạng sống không bảo vệ súng đạn. Chúng tôi dến trường để học không phải để bị bắn gục. Sợ hãi không thể có chỗ đứng trong học đường.

Người Mỹ hay dùng cụm từ  không đúng lúc, không đúng nơi để biện hộ cho một cuộc tranh đấu thất bại, không đi đến đâu. Nhưng với nạn súng đạn giết người hàng loạt không vì thù oán, không vì lợi lộc, không vì bất cứ một lý do nào như những vụ thảm sát hàng loạt tại nước Mỹ ngày nay thì chờ đến khi nào đấu tranh mới… đúng lúc, đúng nơi.

Có thể là ông cựu Thượng Nghị Sĩ Santonium đã nhìn thấy vấn đề nan giải này nên ông khuyên những đứa trẻ đang đi biểu tình một câu nói… bằng cả tương lai sự nghiệp chính trị của ông khi ông khuyên những thanh thiếu niên này nên đi học cứu cấp CPR còn đỡ phí năng lực và thì giờ hơn là cao giọng dạy dỗ những nhà dân cử phải làm gì? Tội nghiệp và thương cho tuổi trẻ Hoa Kỳ. Chúng còn mất niềm tin, còn phải bãi khóa, bỏ học dài dài và hy vọng chúng sẽ không phải chứng kiến hay biến thành nạn nhân cho một cuộc nổ súng khác trong tương lai.

Theo cuộc thăm dò mới nhất do AP và Trung tâm Nghiên cứu Ý Kiến tại đại học đường Chicago (NORC-National Opinion Research Center) thì 69% người Mỹ ủng hộ siết chặt luật súng ống, 90% và 54% những người sở hữu súng muốn luật súng của Mỹ được tăng cường chặt chẽ hơn. Để xem rồi 400 triệu cây súng đang có mặt trên đất nước này sẽ đi về đâu. Có một bài xã luận trên báo WP về người Mỹ và tình yêu của họ dành cho súng đạn. Why Americans Love Guns So Much? Khi trái tim (anh) được dành cho súng đạn thì còn chỗ nào anh để dành để yêu em? Wait and see!

Đào Nương
 
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top