Phiếm dị, Đào Nương, Nhật Ký Tháng 10, 2023

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương
@www.saigonweeklyonline.com.saigonweeklyonline.com
Nhật Ký Tháng 10, 2023

Giải Thưởng Nobel về Văn Chương năm nay 2023 được trao cho nhà văn Na Uy,  Jon Fosse, 64 tuổi. Trong thông báo của Hàn Lâm Viện Thụy Điển thì  “những vở kịch và  tác phẩm văn xuôi của ông đã lên tiếng cho những điều không thể nói được của dân tộc Na Uy”. 



Anders Olsson, chủ tịch ủy ban Giải Nobel về Văn Chương, cho biết: “Số lượng tác phẩm khổng lồ của ông, trải dài trên nhiều thể loại, bao gồm khoảng 40 vở kịch và vô số tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và các bản dịch. Fosse đã kết hợp ngôn ngữ và bản chất của dân tộc Na Uy của ông một cách tuyệt vời với các kỹ thuật hiện đại.”

Chính ông Fosse cũng không hề nghĩ rằng sẽ có một ngày như thế trong đời cầm bút của mình, ngày ông nhận được điện thoại báo tin ông đoạt giải thưởng Nobel về văn chương cho năm 2023. “Tôi choáng ngợp và có phần sợ hãi. Tôi coi đây là một giải thưởng dành cho văn học mà mục tiêu trước hết chỉ thuần túy là văn chương mà không có sự trộn lẫn nào khác,” 

Nhưng Jacques Testard, người xuất bản những cuốn tiểu thuyết của Fosse khi biết tin đã không có một chút ngạc nhiên nào: “Ông ấy là một nhà văn xuất sắc, người đã tìm ra một cách viết tiểu thuyết độc đáo. Như một biên tập viên người Na Uy Cecilie Seiness đã nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây: Chỉ cần bạn mở bất kỳ cuốn sách nào của Jon và đọc một vài dòng, thì bạn biết ngay là nó không thể được viết bởi bất kỳ ai khác.
 “Tiểu thuyết của ông mang tính thần kỳ, huyền bí dù bắt đầu từ khung cảnh của các vịnh eo hẹp phía tây nơi ông ấy lớn lên. Điều rất quan trọng cần nhớ là ông ấy viết bằng tiếng Nynorsk hoặc tiếng Na Uy mới, một ngôn ngữ thiểu số ở Na Uy, như là một hành động chính trị. Ông cũng là một nhà viết kịch và nhà thơ xuất sắc. Ông ấy là một người có trí tuệ đáng kinh ngạc và điều đó như không thể xảy ra với bất cứ một ai khác hơn”.(*)

Dịch giả tiếng Anh của những tác phẩm của Jon Fosse là một nhà văn Na Uy khác, ông Damion Searls  cho báo Guardian biết là ông rất vui mừng khi tác phẩm của Jon Fosse nhờ giải thưởng này mà sẽ tìm được một lượng độc giả rộng rãi hơn trên thế giới. “Lần đầu tiên tôi chuyển tiểu thuyết của Fosse sang tiếng Anh là gần 20 năm trước. Tôi đọc Melancholy bằng tiếng Đức và ngay lập tức nhận thấy tác phẩm này thật xuất sắc. Nó cần được dịch sang tiếng Anh để được nhiều người biết đến hơn. Tôi đã tìm được một nhà xuất bản người Mỹ và may mắn thay đó lại là một người đồng quan điểm với tôi về Jon Fosse. Chúng tôi bắt đầu học tiếng Na Uy để có thể dịch từ nguyên bản. Kể từ đó, tôi đã dịch khoảng 10 cuốn sách của ông ấy, tùy thuộc vào cách bạn đếm chúng, bao gồm một thi phẩm, nhiều sáng tác văn xuôi, một vở kịch và một cuốn sách dành cho trẻ em sắp xuất bản.”

Mặc dù tác giả và dịch giả liên lạc phần lớn qua email và chưa gặp mặt trực tiếp cho đến khi lễ trao giải Sách Quốc Tế năm 2022 ở London, dịch giả Searls đã coi tác giả Fosse như là một người bạn. “Anh ấy là một người tốt bụng, khôn ngoan, khiêm tốn, thân thiện, luôn đóng góp ý kiến qua email về những điều người đọc mong đợi từ tiểu thuyết của anh ấy. Việc trao đổi thư từ với anh ấy luôn mang lại cho tôi sự bình yên và thanh thản như những cuốn tiểu thuyết của anh ấy truyền tải những thông điệp một cách kỳ diệu đến người đọc.”

Sinh năm 1959 tại Haugesund, một thành phố ở bờ biển phía tây Na Uy nhưng ông Fosse lớn lên ở Strataderm. Lên bảy tuổi, ông suýt chết trong một vụ tai nạn, điều mà sau này ông cho là “trải nghiệm quan trọng nhất” trong thời thơ ấu của mình và là trải nghiệm đã tạo ông thành một nghệ sĩ ngay từ tuổi thiếu niên: ông khao khát trở thành một nhạc sĩ guitar nhạc rock, trước khi chuyển hướng sang viết văn.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Raudt, Svart (Đỏ, Đen), được xuất bản năm 1983. Vở kịch đầu tiên của ông, Og aldri skal vi skiljas (And Never Shall We Part) được dàn dựng tại Nhà hát Quốc gia ở Bergen vào năm 1994 nhưng phải đợi đến vở kịch Nikon kjem til å komme (Ai đó sẽ đến), mới là bước đột phá của ông vào năm 1999 khi đạo diễn người Pháp Claude Régy dàn dựng nó ở Nanterre.
Jon Fosse trở thành nhà viết kịch Na Uy được trình diễn nhiều nhất trên các sân khấu ở Âu Châu sau Henrik Ibsen. Ông đã viết hơn 30 vở kịch, trong đó có Namnet (The Name), Vinter (Winter) và Ein sommars dag (A Summer's Day). Các tác phẩm dài hơn của ông bao gồm bộ ba quyển Septology mà tập thứ ba đã lọt vào danh sách truyện rút gọn (condensed book) cho giải Booker quốc tế năm 2022 tại Anh.

Fosse bắt đầu viết Septology trong thời gian tạm dừng viết kịch và sau khi chuyển sang đạo Công giáo vào năm 2013. Chuyện kể về một họa sĩ già, Asle, sống một mình trên bờ biển phía tây nam Na Uy và suy ngẫm về cuộc đời của mình. Ở một nơi khác, vùng Bjørgvin, cũng có một Asle khác, cũng là một họa sĩ nhưng phải vật lộn với những cơn say rượu. Nhưng cả hai đều bị “chao đảo” bởi những câu hỏi giống nhau về cái chết, đức tin và tình yêu.

Một sự trùng hợp là nhà xuất bản Anh, nơi xuất bản các ấn bản Anh Ngữ của nhà văn Jon Fosse là  nhà Fitzcarraldo Editions, cũng lại là nhà xuất bản những quyển sách của nhà văn nữ của Pháp Annie Ernaux, người đoạt giải Nobel Văn chương cho năm 2022.

Giải Nobel Văn chương năm 2007 được trao cho một nhà văn nữ của Anh Quốc, bà Doris Lessing.  Khi nhận được tin, bà Doris Lessing đã cười, một nụ cười rạng rỡ “có thể có được” của một phụ nữ 88 tuổi khi cho rằng: người ta không thể trao giải Nobel cho một người đã chết nên có lẽ vì thế năm nay, họ đã chọn tôi. Cuốn tiểu thuyết “Golden Notebook” của bà Lessing xuất bản năm 1962 được coi như là một sự đột phá cho Phong trào phụ nữ, một tác phẩm tiên phong trình bày về “cái nhìn của thế kỷ thứ 20 về quan hệ giữa nam và nữ”. 

Nhưng bà Lessing không phải là nhà văn Anh “hiếm hoi” đoạt giải Nobel Văn Chương trong vòng một thế kỷ qua kể từ khi thành lập năm 1901. Nói cho cùng thì có thể coi như đây là một giải thưởng văn chương của thế giới Tây Phương vì hầu hết được trao cho các nhà văn Âu Châu và … Hoa Kỳ (được 7 lần). Trong suốt 123 năm thì Ấn Độ được 1 lần (Tagore, 1913), Guatemala (Miguel Ángel Asturias, 1967), , Nhật (Yasunari Kawabata, 1968/ Kenzaburō Ōe, 1994), Columbia (Gabriel García Márquez,1982), Nigeria (Wole Soyinka, 1986), Ai Cập (Naguib Mahfouz, 1988), Mexico (Octavio Paz, 1990), Nam Mỹ (Nadine Gordimer, 1991/ John Maxwell Coetzee, 2003), Saint Lucia (Sir Derek Alton Walcott, 1992), Turkey (Ferit Orhan Pamuk, 2006), China (Mạc Ngôn, 2012)…

Nghĩa là trong 123 năm chỉ có 11 quốc gia không phải là những nhà văn da trắng ở Âu Châu và Hoa Kỳ đọat được giải thưởng Nobel về văn chương. Trong số 11 người này lại có những người viết tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ như 2 nhà văn Nam Mỹ Nadine Gordimer, John Maxwell Coetzee, nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro (2017), nhà văn Anh gốc Tanzenia, Abdulrazak Gurnah (2021). Vào những năm cuối của thế kỷ 20, chúng ta mới thấy giải thưởng này “ghé mắt” đến các quốc gia bên ngoài Âu Châu. Đừng nghĩ rằng Hàn Lâm Viện Thụy điển kỳ thị mà chỉ có thể nghĩ rằng về văn chương, những sắc tộc khác không có một nền văn chương khởi sắc và độc đáo viết về dân tộc của họ như những nhà văn Âu Châu theo nhận định của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. 

Chính trị và văn hoá thật là không thể tách rời. Ở Á Châu thì Nhật đã 2 lần được giải Nobel về văn chương. Chưa kể 1 nhà văn Anh gốc Nhật là Kazuo Ishiguro viết văn bằng Anh ngữ. Trung Hoa thì chỉ có nhà văn Mạc Ngôn. Bao giờ thì Việt Nam sẽ có được một nhà văn đoạt được giải Nobel về văn chương vì đã lên tiếng cho những điều không thể nói được của dân tộc Việt Nam! 

Nhưng ‘cái đinh’ của các giải thưởng Nobel không còn nằm ở  văn chương mà từ lâu nó đã chuyển qua … giải Nobel về hòa bình trừ những giải thưởng về khoa học. Kể từ khi hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải này vào năm 1973 thì đây là một giải thưởng gây nhiều tranh luận nhất. Từ năm 1973 cho đến nay, Việt Nam chưa hề có hoà bình, người dân Việt Nam vẫn chưa hề có tự do và bình đẳng dù Việt Cộng vẫn rêu rao là Việt Nam đã thống nhất và độc lập.

Năm 2007, khi Giải Thưởng Nobel về Hoà Bình được trao cho cựu phó tổng thống Hoa Kỳ Al Gore thì thế giới nhìn quyết định này như một cái tát mà Hàn Lâm Viện Thụy Điển muốn nhắn gửi cho chính quyền hiện hữu tại Hoa Kỳ  vì việc làm đầu tiên của ông Bush khi nhậm chức vào năm 2002 là chối bỏ Hiệp ước về Môi Sinh mà Hoa Kỳ và nhiều cường quốc đã ký tại Kyoto trước đây hơn là công trạng thực sự của ông Al Gore về vấn đề môi sinh. Rồi thình lình, vừa lên… ngôi tổng thống, ông Obama lại được trao giải thưởng Nobel về hòa bình khiến ai cũng không hiểu vì … đâu nên nổi. Không phải là vô cớ mà những giải thưởng Nobel về nhân văn không còn gây nhiều chú ý như những  giải thưởng về khoa học. Sách vở ích gì cho buổi ấy… điều này đâu phải chỉ đúng vào cái thời của ông nghè Nguyễn Khuyến! 

*
Tháng 10 năm 1987, danh từ “cởi trói cho văn hóa – Glasnost” lần đầu tiên được tổng thống Liên Bang Sô Viết Gorbachev cho ra đời. Như ngày nay, Trung Cộng làm gì thì Việt Cộng sẽ làm theo thì ngày ấy, Nga Sô làm gì thì Việt Cộng cũng sẽ làm theo cho đúng tác phong và truyền thống của chư hầu. Nhà nước Việt Cộng  đã cho những người như Văn Cao, Hoàng Cầm được hoạt động trở lại sau hơn 30 năm bị trù dập sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm sau khi chính phủ Nga ra lệnh ân xá cho những nhà văn chống đối đang sống lưu vong ở nước ngoài. Nhưng nhà văn Nga, người đoạt giải Nobel về văn chương năm 1970, Alexandre Solzhenitsyn đang sống tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn lúc bấy giờ không tin tưởng vào hai chữ cộng sản. Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm. Thế là ngay khi danh từ Glasnost ra đời, ông Solzhenitsyn lại dẫn vợ và hai con xin gia nhập quốc tịch Hoa Kỳ dù khi ấy ông đã 70 tuổi. Rồi cũng như ông Phạm Duy, sau khi ông Gorbachev khai tử đảng Cộng sản, Liên bang Xô Viết tan rã, ông Solzhenitsyn trở về Nga năm 1990 vì ông muốn tiếng nói « dân chủ, tự do » của ông đến với nhiều người Nga hơn. Lúc đầu, ông Solzhenitsyn được Putin đãi ngộ, cấp nhà sang, cho chủ trì một làn sóng Radio phát thanh mỗi tháng 2 lần, mỗi lần 15 phút vì Putin đồng quan điểm với ông về cuộc cách mạng Nga. Nhưng “tuần trăng mật” này chỉ kéo dài cho đến năm 1995 thì chấm dứt khi ông Solzhenitsyn bất mãn về sự cầm quyền xiết chặt tự do, dân chủ của Putin. Năm 2008, ông Solzhenitsyn qua đời. Tang lễ của ông được báo chí thế giới nhắc đến nhiều hơn là báo chí Nga trong nước.

Nhìn lại Việt Nam. Năm 2007, sau 20 năm theo Nga “cởi trói văn hóa”, đảng CSVN ban 10 chữ vàng cho ngành thông tin và truyền thông trong nước: “Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, hội nhập, phát triển”. Chỉ thiếu có hai chữ TRUNG THỰC. Do đó mà 10 chữ vàng biến thành 10 chữ đen. Rồi như vẫn lo sợ là điều này vẫn không đủ để biểu dương quyền lực của nhà nước đối với ngành truyền thông, ông bộ trưởng ngành thông tin và truyền thông Việt Cộng thời đó tuyên bố tiếp: “Tổng biên tập các báo trong cả nước là người của Bộ Thông Tin và Truyền Thông phái xuống. Nghĩa là, mỗi tờ báo sẽ có tổng biên tập của nhà nước để « 700 tờ báo trong nước sẽ có chung một tiếng nói, giữ lề đường bên phải... 

Nhưng như thế thì tại sao Việt Cộng phải cần đến 700 tờ báo như hiện nay, chỉ cần ra một tờ là đủ. Một Tổng biên tập duy nhất cho một tờ báo duy nhất. Vừa bảo đảm an ninh cho đảng, vừa đỡ tốn kém khi đất nước chúng ta đang cần nhiều ngân quỹ dành cho Bộ Công An. Dưới chế độ Cộng sản, người dân không cần cơm ăn và áo mặc, y tế, giáo dục mà chỉ cần … đặt trái tim và lòng tin tuyệt đối vào đảng. Dù sao hàng ngày, họ cũng đã có tự do để chọn … một củ khoai và hát nhạc TCS:

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim!

(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, nhạc TCS) 

Dân ta đã sửa lời ca thành… mỗi ngày tôi chọn một củ khoai rồi. Cũng không làm gì còn chuyện “tấn thối lưỡng nan” vì 
ngày xưa lận đận
không biết về đâu
ngày nay lận đận
là… giọt hư không 
(Tấn thối lưỡng nan, nhạc TCS)
 
*
Tháng 10 năm nay tiểu bang California có những ngày thời tiết bất thường như nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi vẫn thích những ngày mưa, đêm mưa. Những hạt mưa như đưa ta vào một thế giới riêng tư, chỉ còn ta với ta. Gặp lại trời mưa bản xứ như gặp lại người bạn cũ đã thay đổi hình dạng. Giọt nước mắt tương phùng chưa kịp rơi chợt nghẹn lại mà muốn cầm giữ cũng không kịp nữa. Trời tối âm u mà mưa thì khi to khi nhỏ, thiếu hẳn cái ầm ỉ sấm chớp bất chợt của trời miền Nam, cũng không như trời mưa phùn Đà Lạt nơi tôi trải qua những chuỗi ngày thơ ấu. Ta ngóng mưa, đợi một tiếng sét nổ tan trời. Ta mong mưa, chờ tiếng đồm độp trên mái ngói. Ta nhớ mưa, nhớ những chiều ngửa mặt đón nước mưa rơi từ những tàng lá me phố cũ. Trời mưa xứ người thiếu cái buồn thiu, nước mưa rơi như có tính có toán, nên mưa xứ người chỉ làm mòn đi chút tình cảm mơ mộng còn sót lại trong ta.  

Tháng 10 là tháng của những cơn mưa lũ cuối mùa tối tăm trời đất ở quê nhà. Tháng của bắp, của khoai mì. Sau năm 1975, khoai mì là một ám ảnh của người dân đói ăn ở quê nhà, đến nổi sau nhiều năm, bạn bè tôi dù đã di tản sang đây vẫn không muốn nghe hai chữ “khoai mì” dù họ đã không còn là những người tù trong những trại học tập cải tạo. Với tôi,  mùa mưa quê nhà và những cây khoai mì lả ngọn, lá xanh như ngọc là tuổi trẻ thần tiên khó quên. Mẹ tôi cứ chờ sau khi mưa tầm tã vài ba đám, đất bắt đầu mềm là cho người đắp luống trồng khoai mì và đậu phọng. Bà tôi không cho chúng tôi ăn quá nhiều khoai mì vì theo lời bà tôi, «mủ nó độc». Nhưng trong ký ức tôi, cây khoai mì vẫn là một cái gì tuyệt vời. Từ màu xanh của lá, đến cái thân mảnh dẻ quá cho một chùm củ nặng dưới mặt đất không cân xứng, đến tiếng gọi của mẹ những trưa hè, miếng dừa trong, mùi hành cháy của khoai mì chà bông, làm sao quên được... Thứ sáu tuần trước, nơi tôi ở, trời vần vũ cả ngày nhưng mưa rơi được chừng ba phút thì hết. Hạt mưa vô duyên chỉ làm tôi nhớ thêm cái làng quê nhỏ xíu của tuổi thơ. Những người dân quê với bao nhiêu kinh nghiệm truyền đời, đã biến những kinh nghiệm đó thành những câu tục ngữ ca dao bóng bẩy hay đôi khi chỉ là những câu nói ngây ngô. Ví dụ như: mít ăn đầu, bầu ăn đuôi. Nước chảy bèo trôi, cây đa lá rụng, bậu ngồi chờ ai, Bậu ngồi chờ củ, chờ khoai, Chờ “dái mít” chín, chờ xoài cà lăm… : «Dái» mít (**) thì làm sao mà chín, xoài làm sao biết nói mà cà lăm? Như mình bây giờ nhạt miệng, miếng ngon miếng dở hết còn phân biệt nổi... 

Do đó cơn mưa xứ người không chỉ làm mòn tâm trí mà qua tiếng mưa, đời sống con người Việt Nam đổi thay dưới chế độ cộng sản cũng không khác gì những cây khoai mì mong manh lả ngọn đang tả tơi dưới cơn mưa lũ ở quê hương bây giờ... 

Đào Nương

Chú thích của người viết:
(*) Thế hệ trẻ ở Âu Châu bây giờ có khuynh hướng dùng Anh Ngữ mà bỏ qua tiếng mẹ đẻ nên ông Jon Fosse chủ trương viết văn bằng tiếng Na Uy như một thái độ chính trị kêu gọi người dân Na uy phải bảo vệ và xử dụng ngôn ngữ tiếng Na Uy dù nó ít được phổ biến như  Anh ngữ.
(**) Dái mít là danh từ của người miền Nam gọi những trái mít bị chai khi mới tượng hình rồi rụng, không phát triển thành trái được.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top