Phiếm dị, Đào Nương, KHI NHỮNG BỨC THƯ TÌNH BIẾN MẤT...

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương

@www.saigonweeklyonline.com (Nov 3/2023)

KHI NHỮNG BỨC THƯ TÌNH
BIẾN MẤT ...


Mới đây tôi đọc được một bài viết của nhà văn NTV viết về một nhà thơ nữ. Trong bài có đoạn nói về việc bà nghĩ rằng đã đến lúc nên cho đoạn đời đau đớn của bà yên nghĩ. Hình ảnh hai người đàn bà ngồi bên ánh lửa, đốt đi quá khứ của mình vừa bi thảm vừa dễ thương nhưng lại rất là đàn bà.

Nhưng từ hôm đó, tôi hay nghĩ quẩn quanh đến những thùng thư trong nhà tôi bây giờ. Rồi lại nghiệm ra cái tính hay lưu giữ kỷ niệm của mình. Nhà thơ nữ trên thật là may mắn vì bà biết rõ ràng và dứt khoát những điều bà phải đốt. Rồi tôi lại tự cười khi nghĩ lại đời sống của tôi. Tôi có những điều có thể đốt ngay lúc nào cũng được, không cần chờ đến tuổi già nhưng tôi lại cũng có những điều không thể đốt cho đến khi tôi biết tôi… gần chết. Ví dụ như cái postcard vàng xưa rất cũ nhưng mỗi lần thoáng thấy là lại bồi hồi. Anh đang đi qua phà, gió rất mạnh tạt những hạt mưa vào mặt khiến anh nhớ vô vàn… Somehow, Somewhere, Sometime… Bé có lòng tin vào cuộc tình mình như anh không … Một cánh cỏ dại ép giữa tờ giấy trắng. Một cụm tóc con thơ. Toa thuốc cuối cùng của mẹ. Những cái note nhỏ kèm theo bó hoa mỗi đầu tháng. Không biết đến bao giờ tôi mới có thể có một bức ảnh ngồi bên lửa hồng đốt đi quá khứ của đời mình.  Để gửi cho ông NTV với lời chú thích: một bức ảnh có được khởi đi từ một bài viết của ông ấy.

Theo  “lịch trình” của một đời người, tôi biết rằng tôi đã đến cái tuổi phải « buông »... Nhưng,  làm sao mà buông? Đầu tiên là cái bếp. Tôi là một người thích nấu ăn, thích trưng bày nhà cửa, chén bát, vì vậy cái gì cũng mua. Vật dụng nhà bếp cho đi từ mấy năm nay rồi mà nhìn lại, vẫn còn quá nhiều thứ dù không còn dùng tới nữa. Có bao nhiêu loại máy xay. Bao nhiêu cái khuôn làm bánh. Bao nhiêu bộ bát đĩa. Rồi đến CD  nhạc, DVD phim… Ngày nay không ai còn dùng những loại này. Những bộ collection CD  nhạc đầy chữ ký tặng của  bạn bè. Buông không đành. Đụng đến những cái kệ sách còn khổ hơn. Có cuốn nhận được chỉ hai tuần là nghe tin bạn qua đời. Tặng HDT, giấc mộng 20 năm Văn Học đã hoàn thành. Có lời đề tặng khiến “bà già” nhớ quá cái thời tuổi trẻ : tặng HDT, vô cùng dễ thương, vô cùng khó thương, vô cùng đàn bà… Có người khi thì  tặng bà HDT khi thì chị HDT quí mến, khi thì HDT, người bạn chân cứng đá mền, khi thì tặng cô HDT để nhớ một ngày rất vui ở Cali. Buồn cười nhất là chỉ khám phá ra những điều này khi soạn sách để viết “điếu văn” cho bạn. Vì thế, tuy đã nghe nhiều về “kinh nghiệm” của “người ở lại” không biết làm gì với tủ sách của “người đã ra đi”, tôi vẫn chưa có được câu trả lời cho trường hợp của mình.

Một trong những điều tình cờ chúng tôi phát hiện trong tủ áo của cha tôi sau khi ông qua đời: đó là việc ông lưu giữ lại những lá thư, hình ảnh của gia đình trong nhiều thập niên. Ông sắp xếp thật cẩn thận từng người, từng việc trong từng phong bì lớn. Chúng tôi tìm thấy những lá thư trao đổi giữa ông và chú tôi trong những ngày đầu sau 30 tháng 4 (chú tôi tập kết ra Bắc) khi cha tôi còn ở Saigon thì đã đành nhưng ông còn giữ cả những lá thư sau cùng các chú tôi viết cho ba tôi và bà nội từ miền Bắc trước 1954, cho biết ước nguyện muốn được vào Nam đoàn tụ với anh, với mẹ đã không thành. Có cả lá thư mẹ tôi trách móc ba tôi lo cho gia đình hơn là lo cho vợ con. Chúng tôi chưa bao giờ biết rằng mẹ tôi có viết thư. Cha tôi là con trai trưởng, khi lấy vợ, ông chia lương của ông ra làm 3 phần: một phần cho mẹ ở Huế, một phần cho vợ, một phần gửi ra Hà Nội nuôi 2 chú của tôi. Trong phong bì đựng những lá thư các chị tôi “than” khi ở lại Saigon sau 1975 thì lại có cả những lá thư “không gửi” của chính ông. Có lẽ vì cha tôi nghĩ rằng sống trong chế độ Cộng sản ai mà không than nhưng các chị tôi quên rằng nơi xứ người, cha mẹ chỉ có tiền già, các em thì đứa nào cũng đang bương chải với đời sống mới, … than cho nhiều thì cha mẹ cũng chỉ có bấy nhiêu thôi nên ông không gửi vì không nở làm các chị tôi buồn. Nhưng nhiều nhất là những lá thư trao đổi giữa tôi với ‘ba sắp nhỏ’ khi hai người còn ở “hai đầu nỗi nhớ’ giữa Pháp và ở Hoa Kỳ, chưa tan hoang. Tất cả những ‘tài liệu’ quí hiếm này của “dzăng học sử” chiếm hẳn hai thùng lớn trong phòng của ba tôi.

“Nhờ” lo tang ma cho cha, mấy anh chị em tôi mới có dịp sum họp một nhà. Những “kỷ vật” này khiến chúng tôi đi hết ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác và hiểu vì sao cha tôi không cho chúng tôi biết gì về chúng. Nhìn lại những chuyến đi không có ngày trở lại của Pháp kiều hồi hương những ngày tiếp theo 30 tháng 4, 1975, trong khi ai cũng nghĩ đến việc mang tiền bạc, cổ vật thì cha tôi mang những “kỷ vật” này với ông khi ra khỏi nước. Từ Pháp, ba tôi “ôm” mang sang Mỹ, rồi trong bao nhiêu năm sống với tôi, tôi dọn nhà vài ba lần, ai cũng nghĩ đó là sách vở hoặc tài liệu gì đó của cha tôi. Cha tôi không bao giờ đề cập tới những điều này. Bởi vì những lá thư, những tấm hình cũ kỷ chứa đựng bao nhiêu điều không tiện nói. Còn nhớ, buổi chiều khi mở đến cái thùng giấy với hàng trăm lá thư của “người đã đi qua đời tôi” mà ba tôi còn cất giữ, nhìn những cái phong bì cũ ký, dòng chữ viết tay còng kềnh không hàng lối, tôi như nhìn thấy lại “đoạn trường tân thanh” của đời mình. Điều tôi ngạc nhiên là những lá thư này rất dầy, cái nào cũng ít nhất là 10 trang giấy viết tay, kín đầy cả hai mặt, không hiểu “thằng cha” viết gì mà lắm thế. Chị tôi tò mò mở ra một lá, đọc to lên vài giòng là  … ngừng ngay chương trình Tùng Lâm: thằng này xạo rồi đóng ngay lại không để cho tôi có dịp… đấp mộ cuộc tình. Từ đó mỗi lần nhắc đến chuyện này, bà ấy lại lầu bầu : trời đất, xạo vậy mà cũng viết ra giấy rồi gửi … liên lục địa cả thùng. Từ ngày đó đến nay, cha tôi mất đã 25 năm, tôi dọn nhà thêm vài ba lần nữa, khi gần, khi xa, những thùng “kỷ vật” đó của cha tôi đã đi theo tôi như một thứ “gia bảo” không tên mà không ai thắc mắc hay nhắc đến nữa.
 
Nhưng hai năm gần đây, mỗi năm tôi mất một người thân. Sau tang lễ, những “ người ở lại”  giao cho tôi việc “thanh toán gia tài” của người ra đi với lý do chính đáng là … tôi “kém” đau buồn hơn, các ông anh, bà chị đau buồn quá không làm được với lời dặn dò: cái gì không quan trọng thì vứt đi. Nhưng sau khi tôi mất cả tuần thu xếp và chia thứ hạng: phần quan trọng và phần không quan trọng giao trở lại cho khổ chủ thì cũng không ai muốn … buông bất cứ cái gì cả trừ những đống thuốc của người bệnh sẽ được mang ra cho lại nhà thuốc tây. Năm sau tôi trở lại, mọi “án tích” vẫn còn đầy hiện trường. Thắc mắc thì không được trả lời. Tôi cũng hiểu khi nhìn lại ngôi nhà “bề bộn” của mình. Biết là phải … buông. Nhưng khi nào thì … buông. Hay là sau cùng lại làm khổ các con thôi.

Thời đại điện toán và Internet ít ra cũng giải quyết được vấn đề này của thế hệ … Babyboomers. Sẽ không còn hình ảnh, không còn những lá thư trao đổi giữa người và ... người, không còn sách vở, không còn đĩa nhạc, không còn  kỷ vật… Nhìn lại văn học thế giới, văn học Việt Nam, nhiều áng thơ hay, nhiều cuốn tiểu thuyết diễm tình, nhiều tình bạn tri âm tri kỷ để lại cho hậu thế bắt đầu là những lá thư trao đổi giữa hai người: thư tình, thư tri âm, tri kỷ, thư giữa hai bạn văn, giữa hai nhạc sĩ , ngay cả thư của .. hai kẻ thù. Ngày nay, tất cả thu gọn lại trong những cái email. Một người qua đời, đóng lại một địa chỉ email là coi như xong. Mà email thì thường là ngắn gọn, không diễn tả được nhiều về tình cảm của người trong cuộc. Nói vẫn dễ và nhanh hơn viết. Dù là giữa hai người thân, hai người tình. Một lá thư tình tự nó nói lên nhiều thứ với người nhận. Giòng chữ nghiêng, hơi rối loạn khiến ta  hình dung được tâm trạng rối bời của người viết thư. Đưa thư lên miệng nghe thoang thoảng mùi nước hoa quen thuộc. Dấu gấp vội vàng, không ngay chính giữa khiến khi đưa lên miệng hôn, lại nhớ quá mấy ngón tay thon của người viết đã lướt qua chỗ này. Những chữ g, q không khép kín một vòng tròn là nét đặc thù của người yêu khi viết vội, viết nhanh, khi em hoang man về một điều không rõ. Như giòng chữ vội vàng khi nhận được lá thư tỏ tình bất ngờ. Tí ơi, sáng nay, khi máy bay bay vào mây trắng, anh chợt nhớ ra từ hôm nay, anh không còn được thở cùng một bầu không khí trong thành phố đó cùng với Tí. Cảm giác mất mát, hụt hẩng đó làm tim anh nhói đau. Khiến anh nghe anh lẩm bẩm: Tí ơi, anh yêu Tí một ngàn lần hơn Tí yêu anh… Anh ạ, Tí chỉ trồng một cây si là đủ hết một đời. Nhưng anh, hôm nay, anh trồng một ngàn cây “xạo” mà chỉ tốn có 3 phút đồng hồ. .. Nhưng những hàng chữ viết đều, không nghiêng ngã, trăm dòng như một, trăm trang như in chỉ có thể là nét chữ cuả cha già. Nét chữ nhìn thấy ghi ngày tháng trên những quyển sách cũ của gia đình mà mỗi lần nhìn thấy đều làm ta bâng khuâng nhớ thương cha già đã khuất và cảm nhận thêm sự cô đơn khi sống ở đời mà thiếu cha, vắng mẹ dù mình đã bạc đầu.

*

Do đó, thử tưởng tưởng một nhân loại gồm 8 tỷ người trên thế gian này không còn có những lá thư viết tay. Đời sống bây giờ thật là tội nghiệp. Tóm lại, một lá thư sẽ cho người ta nhiều thứ lắm mà một cái email không thể nào làm được. Kỷ nghệ điện toán phát triển ở Hoa Kỳ trước hơn nhiều nước khác trên thế giới nên “đại nạn” này cũng xảy ra sớm hơn. Tháng trước đây, báo NewsWeek có đăng một bài viết cuả một cụ ông về việc này. Cụ ông 92 tuổi này vừa mất vợ sau 66 năm chung sống. Cụ cho biết sau khi cụ bà mất đi, khi dọn dẹp nhà cửa, ông mới nhận ra điều này, ông không có được một lá thư nào của vợ để được nhìn lại tâm tình của người đàn bà tuyệt vời đã chia xẻ với ông 66 năm trong đời. Ông ước ao, phải chi ông có vài lá thư viết tay cuả cụ bà. Dù chỉ viết về những điều vớ vẩn. Chỉ tiếc là 50 năm qua, nền điện toán đã giãn dị hoá mọi việc nên bây giờ, ông không có một lá thư nào của vợ... để hình dung, để nhớ về. Ông lục tung cả ngôi nhà ông đã ở cũng không tìm thấy một lá thư, một bút tích nào của vợ trừ một mảnh giấy dán trên cửa tủ lạnh: Dr. Bruce Miller, 11AM Nov 6th. Trước khi đi vào nhà thương và không trở lại, bà vẫn lo sợ ông quên ngày hẹn tái khám cái đầu gối “nhiều chuyện” của ông. 

 Một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhân lọai về tình yêu là cuốn Thư gửi người đàn ông không quen biết mà toàn bộ tác phẩm chỉ là những lá thư cuả một người đàn bà, một độc giả ái mộ thì đúng hơn, gửi cho một nhà văn danh tiếng. Cô bé tình cờ được trông thấy ông nhà văn khi cô mới 13 tuổi. Tình cảm mơ mộng cuả cô bé không hề suy giảm khi cô trưởng thành hay khi chứng kiến tận mắt đời sống trụy lạc của người đàn ông trưởng thành này. Cô theo đuổi, tìm mọi cách đến gần dù trong vai trò cuả một cô hầu gái hay nhân tình. Sau cùng, trên giừờng bệnh, khi hấp hối cô viết lại mối tình câm lặng của mình thành những lá thư gửi đến cho người đàn ông-nghiệp-chướng của đời mình. Truyện chấm dứt khi ông nhà văn nhận được những lá thư, đọc xong cũng chỉ nhớ lờ mờ về hình ảnh mờ nhạt của một trong những tình nhân đã đi qua đời mình mà không biết rõ là ai. Một quyển tiểu thuyết như vậy chắc chắn sẽ không có chỗ đứng hay không bao giờ có thể thành hình ở thời đại này. Bởi, thay vì là những bức thư tình diễm lệ  là những cái email “ấm ớ” mà ông nhà văn danh tiếng sẽ bỏ vào junk mail và delete tức xóa bỏ đi ngay khi nhận được.


Cựu tổng thống Iran MAHMOUD AHMADINEJAD

Nhưng ít ra thời đại này cũng còn một ngoại lệ. Còn có một ông nguyên thủ quốc gia thích viết thư. Đó là trường hợp của cựu tổng thống Iran MAHMOUD AHMADINEJAD. Sau 27 năm không bang giao với Hoa Kỳ, ngày 8 tháng 5, 2006 cựu tổng thống Iran  2006, tổng thống  Iran Mahmoud Ahmadinejad gửi một lá thư thẳng cho tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đề nghị một “phương hướng mới – a new way" để giải quyết vấn đề quốc gia Hồi giáo này và việc khai thác nguyên tử. Lá thư ngỏ này dài 18 trang “thắc mắc” về nhiều chuyện, về đường lối của ông Bush dành cho các quốc gia Hồi giáo qua việc ông khởi động cuộc chiến tranh Iraq, về việc Hoa Kỳ luôn luôn đứng về phía của Israel. Thời điểm này thủ tướng Anh Tony Blair đang hội kiến với tổng thống Bush tại tòa Bạch ốc. Khi được hỏi về cảm tưởng đầu tiên của ông Bush khi ông nhận lá thư tình “đưa tay”, ông Bush đã trả lời: Tôi đã đọc lá thư của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad rồi và tôi nghĩ đó là một lá thư đầy thú vị. Thử tưởng tượng một lá thư dài 18 trang đầy chữ  rất đều hàng… Nhưng tổng thống Ahmadinejad lại không viết một chữ nào về vấn đề nguyên tử mà chúng ta đang quan tâm đến. Thật là khổ!”

Lúc đó, từ vị thế “gung ho” hết cở của những ngày đầu cuả cuộc chiến, tổng thống Bush đã hoà mình, “văn minh” hết sức khi vận động thế giới cùng ngồi xuống giúp ông giải quyết chuyện Iran. Vì Iran-Iraq  thay vì đánh nhau như trước đây thì nay Iran lại có ảnh hưởng lớn với đa số Hồi giáo Shiia tại Iraq. 

Các ông tổng thống Cộng Hòa của Hoa Kỳ từ ông Bush con đến ông Trump đều nổi tiếng là người không thích “đọc” dù là đọc sách hay đọc báo. Do đó, lá thư tình dài 18 trang của cựu tổng thống Iran AHMADINEJAD đã trở thành một lá thư tình không đoạn kết. Những ngày sau đó, không thấy phía Hoa Kỳ trả lời thư ông Ahmadinejad. Nhưng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ về Trung Đông không có gì thay đổi suốt 70 năm qua. 

Thời đại của Internet đã làm mất đi sự tưởng tượng và mơ mộng của con người với những lá thư viết tay. Lịch sử thế giới thường hay nhắc đến những lá thư mà thủ tướng Anh Winston Churchill gửi cho tổng thống Hoa Kỳ Roosavelt trong thời thế chiến thứ 2: lời lẽ, ngôn ngữ lễ độ xứng đáng là những trao đổi giữa những vị nguyên thủ quốc gia. Ông Hố Chí Minh cũng có những lá thư rất "lễ độ" gửi cho các tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1945 đến 1955. Trong đó ông Hồ ca tụng nước Mỹ tự do, dân chủ rất xứng đáng để lãnh đạo thế giới khác hẳn luận điệu "đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào" của đám hậu duệ của ông. Mồm loa mép dãi đến đâu thì Việt Cộng cũng không thể chối được chuyện này. Bút sa, gà chết là vì vậy.
 
Đào Nương

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top