Phiếm dị Đào Nương: Hãy cầu nguyện cho … phụ nữ Hoa Kỳ

Phiếm Dị

 

 

Phiếm dị Đào Nương

Bình an dưới thế …

Hãy cầu nguyện cho … phụ nữ Hoa Kỳ

@ www.saigonweeklyonline.com (December 25/2021)

Hoa kỳ là một quốc gia lãnh đạo thế giới từ gần 1 thế kỷ nhưng về phương diện nữ quyền thì lại đi sau rất nhiều quốc gia, ngay cả những quốc gia chậm phát triển. Xã hội Hoa Kỳ vẫn là một xã hội bảo thủ về nữ quyền. Cứ nhìn qua các quốc gia Châu Âu thì rõ. Những nữ chính trị gia ở Pháp, ở Âu Châu đều được báo chí, công luận tôn trọng như các nam đối thủ của họ, nhiều nước đã có nữ thủ tướng từ 30 năm nay. Trong khi đó tại Hoa Kỳ thế giới chính trị Hoa Thịnh Đốn vẫn còn là môt Man’s Club - một Câu Lạc Bộ Quí Ông - mà vai trò của phụ nữ vẫn bị coi nhẹ, rất nhẹ.

Đến thế kỷ thứ 21, phụ nữ Hoa Kỳ vẫn còn phải tranh đấu về chuyện phá thai, về quyền được phá thai của họ, coi như đó là một tội phạm hơn là một vấn đề cá nhân mặc dù ai cũng hiểu là … take two to Tango, một mình đàn bà không thể làm nên … việc lớn này được. Nhiều nhà thương, nhiều cơ quan bảo hiểm y tế chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo không bán thuốc ngừa thai, không chấp nhận những phương pháp ngừa thai nhưng lại không chống đối việc thụ thai nhân tạo dù nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo đã phải cấy nhiều lần mới đậu thai. Nếu một phôi thai là một sinh linh thì khi “thủ thuật” thay Thiên Chúa để tạo ra con người như vậy phải bị lên án và buộc tội như là phá thai chứ!

Phụ nữ  Mỹ vẫn thường cao giọng rao giảng, tranh đấu cho nữ quyền và cư xử như họ đã được bình đẳng với nam giới trong khi họ phải chịu thua thiệt từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Trong mối liên hệ nam nữ, trong khi làm việc, phụ nữ Hoa Kỳ không còn “được” coi là phái yếu, cần được bảo vệ, họ phải chịu nhiều thua thiệt không thua gì phụ nữ ở các quốc gia nhược tiểu. Ví dụ họ phải chia sẽ mọi trách nhiệm trong đời sống như một người nam mặc dù lương phụ nữ Hoa Kỳ cùng một công việc chỉ được trả khoảng 80% so với nam giới. Trong mối liên hệ gia đình, liên hệ nam nữ đa số phụ nữ Hoa Kỳ phải chia sẻ ngân quỹ chi tiêu. Do đó họ rất cần công việc, cần phải làm ra tiền và phải giữ việc bằng mọi giá. Trong hoàn cảnh như thế, họ phải chịu đựng sự lạm dụng tình dục bởi những người đàn ông có quyền lực, những người ở vị thế cao có thể quyết định về công ăn việc làm của họ.

Vì được đào tạo trong một môi trường như thế nên ở Hoa Kỳ muốn diệt một chính trị gia thì thật là dễ. Bởi vì chuyện bị lạm dụng tình dục là chuyện thường tình. Hậu quả là những con dao hai lưỡi đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của nhiều chính trị gia Hoa Kỳ. Chỉ cần vài ba nữ nhân viên tố cáo bị xâm phạm từ 10, 15 về trước thì dù chưa cần trưng ra bằng chứng, công luận sẽ tin ngay vì… đó là chuyện đương nhiên ở huyện. Không có chuyện ăn nói sàm sở, sờ mó, hiếp dâm và nạn nhân thì im lặng chấp nhận để được nhận ăn huệ mới là lạ.

Trong thế giới chính trị như ở Hoa Kỳ này, tôi nghĩ bà Hillary Clinton đã có một quyết định không sáng suốt khi bà quyết định ra ứng cử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, tuy tôi vẫn phục bà Hillary về nhiều phương diện. Bởi vì tôi nghĩ: chức vụ này không thích hợp cho một người đàn bà vì tổng thống Hoa Kỳ không phải là tổng thống của bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia lãnh tụ thế giới. Một phụ nữ ngồi chủ toạ hội đồng quân lực gồm nhiều ông tướng 4, 5 sao, bàn chuyện đem bom sang đánh xứ người, đối đầu với cái Man’s Club gồm vài trăm ông thượng nghĩ sĩ, dân biểu mà mục đích tối thượng là giữ ghế chứ không phải giữ gìn đất nước hay bảo vệ dân tộc. Thử tưởng tượng, một phụ nữ làm sao lôi một ông thủ tướng nước bạn, những chính trị gia đối lập, những đại tư bản ra sân golf để bỏ nhỏ vài câu, ngoài bàn hội nghị?

Bây giờ “thành quả” tuyệt vời nhất không chối cải được của cựu tổng thống Trump là một nước Mỹ chia rẽ hơn bao hết. Nhiều bình luận gia chính trị Hoa Kỳ cho rằng sự chia rẽ này là một đe dọa lớn nhất mà Hoa Kỳ phải trực diện kể từ sau thế chiến thứ hai, hơn cả thời chiến tranh lạnh Nga hay cuộc chiến thương mại với Hoa Lục. Người bình dân Hoa Kỳ thiếu niềm tin nơi chính quyền nhưng lại thừa tin tưởng dành cho những nguồn tin không chính xác vì khả năng nhận định yếu kém. Thường thì người theo đảng Dân Chủ thì không tin bất cứ một điều gì từ các chính trị gia Cộng Hòa và ngược lại. Chưa khi nào mà tình trạng nội thù nguy hiểm như hiện nay. Anh em, cha mẹ, con cái, bạn bè không nói chuyện với nhau. Trong một cuốn sách sẽ xuất bản vào Tháng Giêng, 2022, một nhóm cố vấn của CIA nói rằng cuộc nội chiến trầm trọng tại Hoa Kỳ có nguyên do chính là sự phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 của cựu tổng thống Donald Trump. Theo sự khảo sát của Public Religion Research Institute  thì  18% dân chúng Hoa Kỳ đã đồng ý dùng bạo lực tức biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề chính trị trong đó có 30% cử tri đảng Cộng Hòa.

Ngày 19/12/2021, ba vị tướng hồi hưu Hoa Kỳ: Paul Eaton, Antonio Taguba và Steven Anderson cảnh báo về một cuộc nổi dậy hay nội chiến nếu kết quả bầu cử năm 2024 không được một số giới chức quân sự chấp nhận và nhất là khi ứng cử viên thất cử vẫn tiếp tục lãnh đạo cuộc chống đối trong bóng tối như trường hợp ông Trump hiện nay sau khi ông Biden trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Bằng chứng là 10% những người tham gia cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc Hội ngày 6 tháng 11 là quân nhân. Tướng Thomas Mancio- Tư Lệnh Lực Lượng Phòng Vệ Tiểu Bang Oklahoma đã không tuân lệnh của chính quyền Liên Bang trong việc chủng ngừa cho quân nhân thuộc cấp.  

Việc một cuộc bầu cử bị tố cáo gian lận và phe thua cuộc không chấp nhận kết quả bầu cử gây ra nội loạn không phải là một chuyện lạ trên thế giới. Nhưng đó không thể là chuyện xảy ra ở Hoa Kỳ, một  quốc gia lãnh đạo thế giới về tự do, dân chủ và nhân quyền. Vì việc xảy ra ở đất nước này có thể sẽ được các quốc gia nhược tiểu coi như là bằng chứng để tiếp tục vi phạm những nền dân chủ phôi thai của đất nước họ. Bằng chứng là sau cuộc “nổi loạn” của ông Tump tại Hoa Kỳ thì trên thế giới đã có những cuộc nội loạn vì không chấp nhận kết quả các cuộc bầu cử. Tình hình tại  Ukraine, Ivory Coast, Miến Điện và Venezuela hiện nay nát như tương. Nhất là khi ông Trump yểm trợ họ. Trong mùa đại dịch, hai quốc gia đông dân là Brazil và Mexico cũng đã theo cách phòng chống dich Covid 19 của ông Trump: không cần thử nghiệm, không cần mang khẩu trang khiến cho số tử vong tại những nơi này tăng cao hơn thập bội vì tình trạng y tế cứu dịch của họ yếu kém, không thể so sánh với Hoa Kỳ.

Sau ba trăm năm lập quốc, vận mệnh đất nước Hoa Kỳ vẫn đang nằm trong tay đa số người Da Trắng. Hiến pháp Hoa Kỳ vẫn là hiến pháp của các “chủ nhân ông” da trắng thời lập quốc. Chỉ đơn cử một thí dụ là vấn đề kiểm soát súng ống. Điều 2 trong Hiếp Pháp Hoa Kỳ cho phép người dân được có súng để đề phòng bọn “phản động-Militia” ban hành từ 17 tháng 12 năm 1791 vẫn … không thể thay đổi được sau bao nhiêu vụ thảm sát hàng loạt bằng súng. Thời đó những chủ nhân ông da trắng lo sợ “bọn” nô lệ da đen nổi loạn nên đã cho ban hành một hiến pháp như thế. Ngày nay, ai là phản động, du kích- militia” ở Hoa Kỳ này?  Hay  “đa số” người da trắng phải trực diện hàng ngày với 35 triệu người Mỹ da đen, “hậu duệ” của vài trăm ngàn người da đen đã “được” bắt cóc từ Phi Châu về làm nô lệ phục vụ cho việc khai thác đất đai của bọn địa chủ  da trắng nơi vùng đất mới này.  Tinh thần “sùng bái lãnh tụ” trước thời ông Trump chỉ có ở các nước kém mở mang, dân trí thấp: hy sinh tất cả để bảo vệ hay làm theo lời kêu gọi lãnh tụ mà không cần bất cứ một phán đoán cần thiết nào. Hiện nay, sự “cuồng Trump” ở Hoa Kỳ cũng có khuynh hướng tương tự. Hàng ngày, các tòa án Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ tiếp tục đưa những vụ kiện cá nhân ông Trump ra tòa bên cạnh những vụ ông Trump và gia đình bị điều tra về gian lận thuế, về đầu tư địa ốc… Nhưng tất cả hầu như không khiến cho những người thuộc đảng Cộng Hòa hay những người ái mộ của ông quan tâm.


Nếu quyết định về dự luật Obamacare là hoàn toàn do đảng Dân Chủ trong hai năm đầu của nhiệm kỳ của tổng thống Obama thì dự luật về thuế mà tổng thống Trump ban hành là hoàn toàn của đảng Cộng Hòa. Đã nhiều lần Đào Nương tôi nghĩ nếu người lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ năm 2016 là bà Hillary Clinton, tình hình Hoa Kỳ và thế giới sẽ ra sao? Việc xóa bỏ tất cả những thành quả trong 2 nhiệm kỳ của tổng thống Obama có thực sự cần thiết? Điều trước mắt là Trung cộng đang từ thế thủ đã chuyển sang thế công trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Ngay cả trước đại dịch Covid 19.

Khi còn là ngoại trưởng dưới trào Obama, bà Hillary đã công khai chống Tàu cộng về nhân quyền, về dân chủ và nhất là bà đã công khai kêu gọi chính quyền các quốc gia nhược tiểu đừng vì tham nhũng, vì ham cái lợi trước mắt mà cộng tác với “đế quốc” Tàu cộng trong những điều kiện có thể gây nguy hại cho quốc gia họ lâu dài. Và nhiều nước đã lắng nghe trong đó có Việt Nam.  Từ tình trạng chịu khuất phục Tàu cộng như chó theo chủ, chính phủ CSVN dưới “triều đại” Obama và Hillary Clinton đã ra mặt chống Tàu và tham gia Hội Nghị Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Sau đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đã “vinh danh” VNCH trong việc bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đặt chân lên thủ đô của Miến Điện, đã khuyến cáo chính quyền quân sự tại đây nên tham gia vào cộng đồng quốc tế thay vì tự cô lập trong quỹ đạo cuả Tàu cộng. Tại Âu châu, ngoại trưởng Hillary Clinton đã tố cáo cuộc bầu cử quốc hội tại Nga là gian lận khi đảng cầm quyền của ông Putin chiếm đa số và kêu gọi thế giới khởi động cuộc điều tra về kết quả này. Do đó, có gì là lạ khi ông Putin “tiếp tay” bằng “fake news” để giúp ứng cử viên Donald Trump? Hiện nay, cái “motivation” của Putin đã không còn là bí mật. Nếu ông Trump không nhận sự giúp đỡ này của ông Putin thì chắc ông Trump không phải vận động cái quốc hôi đa số Cộng Hòa  nhận chìm cuộc điều tra của ông Bob Muller.


Từ trái qua phải: NT Madeleine Albright, NT Condoleezza Rice, NT Hillary Clinton, NT John Kerry trong cuộc hội thảo về tình hình dân chủ tại Hoa Kỳ và quốc ngoại giảng đường Woolsey Hall ở  đại học Yale ngày 18 tháng 4 năm 2019 (Photo credit: Tony Fiorini)

Có ba đời ngoại trưởng liên tiếp của Hoa Kỳ đều là đàn bà nối tiếp nhau trong gần 2 thập niên qua: Madeleine Albright, Condi Rice và Hillary Clinton. Xen vào giữa, trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Bush con là cố ngoại trưởng Colin Powell, người bị tiêu tan sự nghiệp sau khi chính quyền Bush con vin vào lý do Iraq có vũ khí tiêu diệt hàng loạt WDM để khởi động chiến tranh Iraq. Cả hai bà ngoại dù  là  “Dân Chủ” Madeleine Albright hay bà  ngoại “Cộng Hoà” Condi Rice cũng hết lời ca tụng bà Hillary Clinton trong chức vụ ngoại trưởng, một điều mà chúng ta ít khi nhìn thấy trong chính trường Hoa Kỳ ngày nay giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Do đó dù hai cô ca sĩ ít khen nhau bao giờ thì các bà ngoại trưởng Hoa Kỳ đều đã trân trọng chức vụ được giao phó và trân trọng đồng nghiệp của mình một cách trí thức, lịch sự như những “gentleman”, những “stateman”, những điều chúng ta không còn nhìn thấy trong chính trường Hoa Kỳ hiện nay, giữa những thành viên của cái Man’s Club của Hoa Thịnh Đốn.

Sự thành công cuả bà Hillary Clinton khi là ngoại trưởng, một phần là do bản lãnh chính trị của bà, một phần là vì sự đồng thuận và tín nhiệm tuyệt đối của tổng thống Obama, của đảng Dân Chủ dành cho bà về vấn đề đối ngoại. Ngay cả, cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, một người Cộng Hòa cũng hết lòng yểm trợ những nổ lực ngoại giao của bà Hillary trong suốt nhiệm kỳ ngoại trưởng của bà.  Có thể nói, trong hai năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama có hai “đại thần” tuyệt diệu trong vấn đề đối ngoại: đó là ngoại trưởng Hillary Clinton và BT QP Robert Gates. Không phải là nói quá khi nghĩ rằng đây là những kẻ sĩ cuối cùng của chính trường Hoa Kỳ, những trí thức không ngại dấn thân nhận trách nhiệm khi đất nước cần, có đủ uy tín và bản lãnh để đối đầu với bọn chính trị hoạt đầu ở Hoa Thịnh Đốn và nhất là có tinh thần nhân bản khi ứng xử với nhân loại.

Là một phụ nữ làm báo trong cộng đồng người Việt Hoa Kỳ, theo dõi những bước đi của bà Hillary Clinton trong nhiều năm qua, Đào Nương tôi có lúc thật thương bà và có lúc lại thật là ghét bà. Phụ nữ mà, yêu thương hờn giận là bệnh cuả trời trừ khi bạn là bà Hillary Clinton. Chiến dịch vận động và thay đổi bảo hiểm y tế của xứ này mà bà Hillary được chồng là tổng thống Bill Clinton giao phó đã bị giết chết bởi Hạ Viện Cộng Hòa ngay trước khi thành hình. Hình như trước tổng thống Clinton, 1992, nuớc Mỹ chưa có một Đệ Nhất Phu Nhân tài giỏi như bà Hillary và 25 năm sau, 2017, nước Mỹ vẫn chưa có một người có bản lãnh chính trị như bà Hillary Clinton. Đài CNN so sánh bản lãnh chính trị của bà ngoại Hillary Clinton với hai em Dân Biểu Cộng Hòa Sarah Palin vá Michelle Beckman là cây sồi và loài rong biển (In fact, comparing Clinton's pedigree to Palin's or GOP presidential candidate Michele Bachmann's is like comparing an oak tree to a handful of seaweed).

Cuộc thăm dò của đài TV Bloomberg mới đây cho thấy 34% người Mỹ tin rằng nước Mỹ đã khá hơn nếu bà Hillary là người lãnh đạo chính phủ thay vì ông Obama năm 2012. Hình ảnh nổi bật nhất của cựu ngoại trưởng Hillary theo Đào Nương tôi là hình bà Hillary Clinton chân đất đi vào một ngôi chùa ở Miến Điện và cuộc gặp gỡ giữa bà và  bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập nước này vào thời điển 2011 khi bà Aung San Suu Kyi chưa cầm quyền. Khi ngọai trưởng Clinton ca tụng bà Aung San Suu Kyi là một anh hùng dân chủ không chỉ cho đất nước cuả bà mà còn cho cả thế giới thì đó là ngôn ngữ của ngoại giao. Nhưng khi bà Hillary ôm lấy đôi vai nhỏ bé của bà Aung San Suu Kyi và nói có cảm tưởng như gặp lại một người bạn cũ, Đào Nương tôi nghĩ bà đã nói thật. Trên một phương diện nào đó, khi muốn là một phụ nữ đầu tiên trở thành tổng thống Hoa Ky, lãnh đạo thế giới tự do, những điều bà Hillary Clinton đã phải chịu đựng trong đời, chắc cũng không thua gì người phụ nữ Miến Điện đã bị giam lỏng từ 20 năm khi tranh đấu cho dân chủ và tự do cho quốc gia nhược tiểu của mình. Vật đổi sao dời thật. Từ 2011 đến 2021, hiện nay bà Hillary đã rút lui khỏi chính trường trong khi bà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi lại mang tiếng là một lãnh tụ… đàn áp nhân quyền. Đã có nhiều câu hỏi về cái giải Nobel hòa bình của bà Aung San Suu Kyi khi bà tiếp tục im lặng để mặc cho chánh phủ quân phiệt tàn ác với chủng tộc Hồi Giáo Rohingya khiến hàng trăm ngàn người Rohingyas phải rời khỏi Myanmar sống đời tị nạn.


Cựu Ngọai trưởng Clinton và  bà Aung San Suu Kyi năm 2011

Từ sau 1975, không có một gia đình nào sinh sống ở miền Nam không bị tan nát vì cải tạo, vì vượt biên nhưng  thế giới hiện nay hầu như đã lãng quên. Ngày nay, sau 46 năm dưới ách cai trị của cộng sản, đất nước Việt Nam mất dần đi lãnh thổ, lãnh hải và nhất là con người. Đàn bà, con gái các xứ nhược tiểu khác đâu có bị chính phủ độc tài bán ra xứ người làm gái mãi dâm? Khi Xã hội Miến Điện bị suy đồi, các nhà sư áo đỏ Miến Điện đã xuống đường giữa con mưa, chân trần đối diện với bạo lực để tranh đấu cho sự sống còn của người dân Miến Điện. Trong khi đó, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hình như chỉ im lặng “xin cho” được … tự do thi hành tôn giáo. Và những phái đoàn tôn giáo đi ra nước ngoài để quyên tiền tại hải ngoại thì càng lúc càng nhiều. Khi được hỏi, câu trả lời của các vị thừa sai tôn giáo lúc nào cũng giống nhau: Chúng tôi chỉ lo về đạo, không làm chính trị.

Ông Dick Morris, một cố vấn cho cựu tổng thống Bill Clinton cho rằng bà Hillary đã thất bại khi ra tranh cử tổng thống năm 2016 vì hai lý do:
• Bà quá tin tưởng vào “clan” của chồng. Bà dùng lại những cố vấn cuả chồng như James Carville, Paul Begala làm cố vấn. Nghĩa là chính phủ Hillary nếu có chỉ là chính phủ Bill Clinton kéo dài, người Mỹ muốn ra khỏi quỹ đạo của Bush, của Clinton. Khẩu hiệu “Change” của Obama “ăn khách” là vì thế.

• Bà Hillary dùng chiến dịch tranh cử của thời đại cũ: gửi thư bưu điện, gặp mặt, mà không dùng phương diện Internet để tranh cử. Gần phân nửa quỹ tranh cử cuả bà đã được xử dụng theo đường lối tranh cử cũ nên không hiệu quả vì quá lâu, quá chậm trong thời đại Internet ngày nay.

Những nhận xét này hoàn toàn sai lạc vì từ khi nhậm chức ngoại trưởng Hoa Kỳ năm 2008, bà Hillary đã xử dụng những bộ óc trẻ của Hoa Kỳ vào bộ phận đầu não của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Và nhất là, bà Hillary Clinton đã hết sức phát triển việc truyền bá thông tin bằng Internet. Trong số báo Time ra ngày 7 tháng 11, trong cuộc phỏng vấn với ký giả Rick Stengel bà cho biết từ tháng 2 năm 2009, khi vừa nhậm chức ngoại trưởng, bà đã đặt vấn đề truyền thông lên hàng đầu. Bà đã mang sứ mạng ngoại giao cuả bà ra khỏi những thủ đô, ra khỏi những văn phòng các chính phủ vào lãnh vực truyền thông, tràn vào các đường phố trên toàn thế giới. Bà tin rằng khi người dân được thông tin đầy đủ, không một chính phủ nào có thể “làm ngơ”, không coi trọng nguyện vọng và yêu cầu của người dân được nữa.

Sau cùng không thể phủ nhận bà Hillary Clinton đã thất bại vì cái tinh thần “misogynism – xem thường đàn bà” của người Hoa Kỳ. Cái tinh thần này mạnh đến nổi ngay cả đàn bà cũng xem thường, chấp nhận việc đàn bà không thể ngang bằng đàn ông khiến người đàn bà Hoa Kỳ phải chịu nhiều thiệt thòi trong gia đình và xã hội.

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cho biết khi ông Trump làm tổng thống Hoa Kỳ đã có vài trăm viên chức ngoại giao kỳ cựu xin về hưu non vì không thể hoàn tất vai trò đại diện cho Hoa Kỳ để trực diện với thế giới bên ngoài. Đảng Cộng Hòa không muốn nhớ vai trò của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc cách mạng Hoa Lài đã thổi qua Trung Đông mà chỉ muốn cáo buộc cho bà cái trách nhiệm đã gây ra cái chết của đại sứ Hoa Kỳ tại Lybia. Ngày nay bà Hillary đã rời khỏi chính trường, không có bà, bãi rác chính trị Hoa Kỳ đã bốc mùi đến độ nhiều người Mỹ đã cho rằng họ không còn nhận ra “quê hương” của họ qua những gì xảy ra hiện này tại Hoa Thịnh Đốn sau triều đại Donald Trump. Và đất nước này, còn rất lâu để có một lãnh tụ chính trị tài giỏi như bà Hillary Clinton xuất hiện. Nhưng đó là một điều may cho người phụ nữ Hillary Clinton. Khi bà  đã “buông” được cái nghiệp chính trị ra khỏi cuộc đời mình.  Và Hoa Kỳ sau Hillary Clinton đã trở thành một quốc gia lạc hậu nhất trên thế giới về nữ quyền: sau Hillary Clinton chắc chắc đất nước này khó có thể có một tổng thống là đàn bà. Khó có thể đó là Kamala Harris. Sự hiện diện của bà Kamala Harris trong chánh phủ Biden chỉ khiến cho người ta tiếc nuối khi nhìn lại Hillary Clinton.

Thay mặt cho toàn ban biên tập của Saigon Weekly, tôi xin gửi đến toàn thể các văn hữu, độc giã Saigon Weekly khắp nơi một mùa Giáng Sinh an bình và một năm mới thịnh vượng.
Đào Nương
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top