Phiếm dị, Đào Nương (Feb/02/24) Giọt nước Thứ 2: Khi nhà nước “quản lý” vàng

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương
@www.saigonweeklyonline.com (Feb/02/24)
Bài số 2

Giọt nước Thứ 2: Khi nhà nước “quản lý” vàng


Chuyện nhà nước CSVN độc quyền quản lý vàng tại Việt Nam bắt đầu từ thời ông Nguyễn tấn Dũng làm thủ tướng. Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành năm 2012. Khoản 2 và 3 Điều 4 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định trong Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.
Ngân hàng Nhà nước Việt Cộng đã chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia và thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sản xuất. Tuy nghị định 24/2012/NĐ-CP của ông Nguyễn Tấn Dũng không có “qui định” là Việt Nam chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất hợp pháp là vàng miếng SJC còn tất cả vàng miếng nhản hiệu khác đều là ... hàng lậu. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được thành lập vào năm 1988, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Từ ngày 16/9/2010, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty với tên gọi Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC.
Nói tóm lại, sau Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng thì vàng “miếng” lưu hành tại Việt Nam chính thức, hợp pháp phải là vàng miếng SJC do nhà nước phát hành. Hiện nay có 8 loại vàng miếng ngoài SJC lưu hành tại Việt Nam tuy vàng miếng SJC có giá thị trường cao nhất, cao hơn cả giá vàng thế giới. Tuy vậy, tất cả đều sống chung hòa bình, ít ra cho đến ngày hôm nay.
Năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng “đau đớn” lui về làm người tử tế, người trực tiếp thi hành  “việc độc quyền quản lý vàng” cũng đã qua đời trong tù nhưng nghị định 24 về quản lý vàng vẫn được nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì cho đến ngày hôm nay, sau gần 3 nhiệm kỳ TBT của ông Nguyễn Phú Trọng. 8 năm qua, Hiệp hội kinh doanh vàng nhiều lần lên tiếng đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 24 vì có quá nhiều vấn đề bất cập về kinh doanh vàng: ví dụ như ai ấn định giá vàng SJC tại Việt Nam? Có sự thao túng giá vàng SJC từ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam hay không? Tại sao giá vàng tại Việt Nam bao giờ cũng cao hơn giá vàng ở thị trường quốc tế?
Tháng 2 năm 2020, giá vàng miếng SJC ở Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới khoảng hai triệu đồng/lượng. Một năm sau, mức chênh lệch này là tám triệu đồng và đến giữa tháng 5 năm 2022, vàng SJC đắt hơn vàng thế giới gần 19 triệu đồng/lượng. Qua 3 “triều đại” Thống Đốc NHNN, không ông bà nào trả lời được câu hỏi này.


Vàng miếng SJC. Reuters

Theo một người mua bán nhà đất ở TPHCM thì những việc giao dịch buôn bán lớn hiện nay thường dùng vàng. Trả bằng loại vàng nào là tùy hai bên thỏa thuận với nhau. Vàng SJC là vàng của nhà nước nhưng nó chênh lệch với giá vàng bốn số 9 có khi đến mấy chục triệu một lượng. Trước đây người ta hay mua bán bằng vàng SJC. Bây giờ có vàng Phú Nhuận, vàng Thăng Long nữa. Mua làm của thì người ta hay mua SJC nhưng nếu một ngày nào đó giá cả cũng được điều chỉnh với giá vàng thế giới thì mua SJC cũng không có lợi. Thật ra dù nhà nước bắt giao dịch bằng tiền nhưng nếu người ta muốn dùng vàng thì tùy…”

*
Trong tháng qua, dư luận trong và ngoài nước xôn xao về việc Nguyễn Công Khế, Tổng Biên Tập của báo Thanh Niên bị bắt khi từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam. Tội danh của ông Khế là làm thất thoát tài sản của nhà nước qua việc “hóa giá” nhiều lần một lô đất đắt địa. Nguyên do bị bắt nghe có vẻ rất nhỏ: chỉ là “vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP HCM.”
Tóm lại, bề ngoài, Nguyễn Công Khế đã rớt đài vì một “cái lỗ chân trâu”: “xin” một mảnh đất kim cương giữa trung tâm Sài Gòn của nhà nước để làm trụ sở của tòa soạn Thanh Niên nhưng sau đó, lại phù phép, bán như tài sản tư nhân cho công ty địa ốc Novaland của tỷ phú Bùi Thành Nhơn biến thành cao ốc nhà ở cao cấp. Hai người yểm trợ Nguyễn Công Khế mua được khu đất này lại “lòi ra” là hai đại gia giầu nhất Việt Nam hiện nay. Chuyện xãy ra từ năm 2008 đến nay là đã 15 năm, sao nhà nước còn quay lại hỏi thăm sức khỏe của Nguyễn Công Khế? Ông Trương tấn Sang, cựu chủ tịch nước, “cái dù” của ông Khế nay cũng đã về hưu, vây cánh cũng không còn thì việc gì mà ông Tổng Trọng và Tô đại ca lại không cho Nguyễn Công Khế… hạ cánh an toàn?
Thấy vậy mà không phải vậy. Qua bao triều đại Tổng Bí Thư, Nguyễn Công Khế vẫn còn là một ông trùm về truyền thông của Việt Nam. Cở như Phạm Nhật Vượng mà còn phải bỏ ra 300 tỷ đồng Việt Nam để Nguyễn Công Khế có 1% cổ phần của Vingroups để được bảo đảm về truyền thông. Đài VietFace ở Hoa Kỳ do một cô con gái của Nguyễn Công Khế lấy chồng Việt Kiều định cư ở Hoa Kỳ làm chủ. Tuy báo chí trong nước đều phải đi theo lề phải nhưng báo Thanh Niên của Nguyễn Công Khế và báo Tuổi Trẻ là hai tờ báo bán chạy nhất nước, lâu lâu vẫn có bài “thọc gậy bánh xe”, tố cáo nhiều quan tham, nhiều cơ quan nhà nước nên dù tiền vào như nước thì kẽ thù của Nguyễn Công Khế cũng rất nhiều như lá trên rừng. Sau khi Nguyễn Công Khế bị hạ đài thì nhiều nhà báo cả trong và ngoài nước thi nhau kể chuyện buồn ít hơn vui vì bị Nguyễn Công Khế chơi đểu. Có anh vừa đánh, vừa run, vì vấn đề “chạy án” dưới thời ông Tổng Trọng. Bắt đó rồi tha đó, tha đó rồi bắt đó, tội đang nhẹ hóa nặng, tội đang nặng hóa nhẹ không biết đâu mà lường. Cũng không thiếu người gọi ông Tô Lâm tài ba là “Tô” Ngộ Không với 72 đường phép biến hóa trong đó “tuyệt kỷ” là bốn chiêu: Yểm Nhật (11) "1 tay che cả bầu trời", Hoàng Bạch (37) Hóa đá thành vàng, Di Cảnh (47) Thuật ngụy trang hỏa mù khiến không ai biết thực hư ra sao… Nhưng 95 triệu người Việt Nam thì lại sợ nhất phép thứ 72 của “Tô” Ngộ Không tức phép Yểm Đảo: Tấn công kẻ địch bằng những cơn ác mộng. Có thể nói trong chiến địch đột “lò” nhà hàng xóm của Trọng đại ca thì ngay cả Ủy Viên TƯ cũng sợ phép này.

Trở lại cuộc đời của anh Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Công Khế. Anh lên hương ở đất Sài Gòn  nhờ đi theo ông đồng hương Hoạ sĩ Ớt  (Huỳnh Bá Thành) mà được tiếp cận với những cán bộ cục R, sếp của ông Ớt  thời còn chiến tranh như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng… Đi theo nhưng Nguyễn Công Khế mánh mung hơn ông Ớt rất nhiều vì khi ông Ớt đột tử năm 1993, Nguyễn Công Khế đã thành Tổng biên tập báo Thanh Niên. Anh Việt Cộng Nguyễn Công Khế đã dĩ độc trị độc, tung cái “đạo đức cách mạng” của ông Hồ trên mặt báo và đã cho một loạt cán bộ nặng ký vào tù. Từ Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy, tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh, Thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Công an Hoàng Ngọc Nhất (Thủ tướng Phạm Minh Chính từng là “đàn em” của tướng Nhất), Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Phạm Sỹ Chiến cùng một số quan chức khác.
Nhưng nổi tiếng nhất phải là khám phá đường dây đánh bạc, cá độ rất lớn PMU 18 khiến Đào Đình Bình, Uỷ viên Trung ương khoá 9, bộ trưởng Giao thông Vận tải, mất chức, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam, Tướng Cao Ngọc Oánh, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng mất cơ hội lên thứ trưởng Bộ Công an, con rể đương kim Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thời đó cũng bị liên can. Do đó, các quan chức Cộng sản từ trung ương đến địa phương, đều “ớn” Nguyễn Công Khế. Tóm lại, trong làng báo “quốc doanh”, không ai quyền lực như Nguyễn Công Khế.
Nhưng khắc tinh của Nguyễn Công Khế là đồng chí X. Năm 2006, sau đại hội đảng cộng sản Việt Nam khoá 10,  ông Nguyễn Tấn Dũng nắm chức thủ tướng. Trùm công an thời đó là Nguyễn Văn Hưởng khui lại vụ PMU18 mục đích chính là ‘tóm’ Nguyễn Công Khế để ngăn chận quyền lực về truyền thông của Nguyễn Công Khế. Nhờ chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và một số cựu Uỷ viên Bộ Chính trị che chở nên Nguyễn Công Khế được tha mạng. Nhưng ngày 31-12-2008, tại trụ sở báo Thanh Niên, ông Võ Văn Thưởng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nay là Chủ Tịch Nước đã chấm dứt chức Tổng Biên tập báo Thanh Niên từ ngày 1-1-2009. Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không dẹp Nguyễn Công Khế. Nguyễn Công Khế đã không còn làm Tổng Biên tập nhưng vẫn chủ tịch Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Truyền Thông Báo Thanh Niên. Năm 2013, chính báo Thanh Niên của Nguyễn Công Khế lại “đụng” nghị định 24 về quản lý vàng của ông Dũng là để “ai đó”… rửa vàng.



Theo bài báo đăng ngày 24 tháng Tư 2013 có tựa: “Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế?” báo Thành Niên “tố cáo” Ngân hàng Nhà nước (NHNH) NHNN nhập vàng tấn vào trong nước rồi ép ra thành vàng miếng SJC độc quyền!   Bài báo không nêu tên người “rửa vàng” nhưng ai cũng hiểu là Nguyễn Công Khế muốn tấn công ai rồi.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 13 tháng 11 năm 2012 đã “biện luận” cho Nghị định 24 khi chứng minh rằng lượng vàng buôn lậu mỗi năm lên tới từ 10 tấn tới 30 tấn nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 30 tấn vàng do nhà nước nhập chính thức, lợi nhuận từ vàng lên cả trăm triệu USD mỗi năm sau nghị định.
Ngay sau khi bài báo này lưu hành, Ngân hàng Nhà nước ra công văn gửi Tổng cục An ninh II để than phiền nhưng báo Thanh Niên vẫn không bị đóng cửa hay thay đổi Tổng Biên Tập ngay khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tác giả của nghị định 24 còn tại chức chứng tỏ quyền lực truyền thông của Nguyễn công Khế là như thế nào rồi? Ai “che dù” cho Nguyễn Công Khế từ ngày đó đến nay? Hỏi tức là trả lời.   
*
Nhưng tại sao đã có vấn đề “vàng miếng SJC” chính thức trong khi Việt Cộng vẫn im lặng để 8 loại vàng miếng mang hiệu khác nhập lậu vào Việt Nam. Nếu mang vàng lậu vào Việt Nam là phạm pháp tại sao nhà nước lại vẫn để bán buôn, trao đổi công khai? Người Việt Nam có thói quen trử vàng để hộ thân. Nhà nước Việt Cộng ước đoán có khỏang 400-500 tấn vàng đang được dân Việt Nam tàng trử trong nhà trong đó vàng lậu không phải là SJC không ít.

Trong mấy tuần qua, Ngân Hàng Nhà Nước kêu goi dân chúng thay vì giữ vàng trong nhà hãy đem ra đổi thành Chứng chỉ vàng do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Thay vì giữ vàng miếng thì chứng chỉ vàng này sẽ giúp người dân chỉ giữ “vàng giấy” cho gọn, khỏi sợ bị cướp, được hưởng tiền lãi, cũng như một loại tiết kiệm và có thể dùng nó để trao đổi trên sàn giao dịch.
 Ai chứ người dân Việt Nam thì đã nằm lòng câu “đừng nghe những gì Việt Cộng nói mà hãy nhìn những gì Việt Cộng làm.” Có vàng mà giao cho Việt Cộng giữ thì đi Las Vegas kéo máy còn sướng hơn. Từ năm 2011-2012 ông Nguyễn Tấn Dũng là người có chủ trương thu hút 400-500 tấn vàng trong dân để làm kinh tế mà không thể thực hiện được? Vì sao?

Tiến sĩ kinh tế kiêm nhà báo kiêm tù nhân Phạm Chí Dũng cho RFA biết:
Câu trả lời đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng. Mất niềm tin tiền gửi hay chính xác là mất niềm tin và gửi. Tại vì từ năm 2011 cho tới nay, NHNN và chính phủ hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi của dân và các chuyên gia phản biện là làm thế nào để NHNN và chính phủ bảo đảm vàng của dân gửi vào NHNN hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ trở lại với dân.
Vả lại đây không phải là lần đầu tiên mà nhà nước Việt Cộng đánh mất niềm tin với nhân dân.
Ông Bàng, một cư dân Sài Gòn, chủ tấm phiếu công trái trị giá bốn lượng vàng lúc mua, nói với RFA: Công trái hồi đó nó bán giờ sau này mất hết, tại vì nó bán thời đó cả chỉ vàng mà sau này mua không được tô phở. Giá nó lên vùn vụt chứ không như bây giờ. Tiền in ra chừng vài năm sau như giấy lộn à. Sau 1975 thì nó đổi tiền thành 'tiền giải phóng'. Một đồng 'tiền giải phóng' ăn tới 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa lận. Trong khi đó đồng tiền của Bắc Việt chỉ là một tấm tín phiếu, không có giá trị tiền tệ thế giới. Sau đó thêm mấy lần đổi tiền nữa, năm 1985... Giai đoạn sau này đồng tiền in ra chừng một năm đến hai năm đã hoàn toàn mất giá trị.

Có một bản tin rất nhỏ nhưng lại gây được nhiều chú ý trong và ngoài nước: Chính quyền Cần thơ ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng và tịch thu tiệm vàng đổi tiền 14,000 USD, niêm phong tài sản cá nhân của bà chủ tiệm vàng là 559 lượng vàng vì tội đổi tiền Mỹ của ông Rê ra tiền Việt Nam. Trong khi thị trường mua bán ngoại tệ tự do vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn nhộn nhịp hẳn lên thì tại Cần Thơ, chuyện đã xảy ra như thế. Có thể không một ngày “đẹp giời” nào đó, nhà nước sẽ tịch thu tất cả vàng miếng nhập lậu, trừ vàng SJC?

Do đó, vấn đề huy động “vàng” trong dân thì ông Dũng đã không làm được thì ông Tổng Trọng cũng sẽ không làm được vì dân ta thừa đạo đức cách mạng nhưng thiếu niềm tin vào nhà nước. Do đó có tin đồn ông Tổng Trọng trước khi rời ghế TBT sẽ áp dụng triệt để “nghị định 24” củangười tiền nhiệm. Một mủi tên bắn hai con chim. “Đứa” nào giữ vàng lậu, không đem ra nộp đổi lấy chứng chỉ vàng thì sẽ bị bắt vì tội … phá hoại nền kinh tế đất nước. Chuyện trả lại vàng cho dân là chuyện của “người đến sau”. Nếu lịch sử có kết tội thì đó lại là “tư tưởng vàng” của ông Dũng, chứ không phải của ông Tổng Trọng. Nói cách khác, Tổng Trọng chỉ có tội thu vàng của dân nhưng tội chủ mưu lại là “người tử tế” đồng chí X.

Việc “thu hoạch” này xem ra còn hơn dễ làm và khá hơn việc đánh mại bản, tư sản ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975 vì số vàng lên đến hàng ngàn tấn chứ không phải chỉ có 16 tấn vàng của VNCH mà nhà nước ta mang sang trả nợ cho Liên Sô. “Ai đó” có chôn thì chôn cho khéo để con cháu còn biết đường mà đào, vì ‘ai đó” nghe nói tình trạng sức khỏe cũng đã bấp bênh, khi phải … đi xa có mà mang theo được đâu …

Một đảng chính trị mà tập trung được những con người siêu việt như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, “Tô” Ngộ Không thì Tập Cận Bình, Biden phải chào thua là cái chắc? Để xem trong những ngày tới, “Tô” Ngộ Không sẽ bắt thêm ai đây? Con dao bén thì không bao giờ chém vào cái cán của mình. Làm giàu đã khó nhưng giữ được của thì còn phải do phúc đức. Có khi nào trong lịch sử “loài người” mai sau lại có thêm chuyện đi tìm kho vàng mất tích của những TBTVN?
Đào Nương

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top