Phiếm Dị - Đào Nương. Ngày 10 tháng 1, 2020: 2020 A YEAR OF TERROR?

Phiếm Dị

Phiếm Dị - Đào Nương
www.saigonweeklyonline.com
Post ngày 10 tháng 1, 2020
2020: A YEAR OF TERROR?
Năm nay, Tết ta sát cận Tết tây, cũng trong cùng tháng Giêng. Ông Tập Cận Bình chưa kịp đọc diễn văn chúc tết cho nhân dân thì một con “virus” nhỏ, rất nhỏ đang có triển vọng sẽ làm sập tiệm “đồng chí” Trung Quốc vĩ đại của các ông Việt cộng. Cho đến sáng hôm nay, ngày 10 tháng 2, đài CNN cho biết có 40,171 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới trong đó 99% là ở Đại Lục trong đó có 908 người chết nhưng cũng có trên 3,821 người được chữa khỏi bệnh, 187,518 người trong tình trạng theo dõi. Số người chết cho đến nay đã vượt qua dịch SARS năm 2003 là 778 người chết. Điều nguy hiểm là trong khi người nhiễm virus SARS thì sẽ lộ ra ngay, người bị nhiễm coronavirus không lộ ra biến chứng gì cho đến vài tuần sau, ngay cả khi đã được thử nghiệm có dương tính.

Một sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần qua là bác sĩ nhãn khoa  Li Wenliang (được phiên dich ra tiếng Việt là Lương Vũ Đông), vị bác sĩ đầu tiên báo động về “một loại virus” tương tự như virus "SARS” đang gây nhiễm tại thành phố Vũ Hán  thuộc tỉnh Hố Bắc vừa qua đời vào 2:58 phút sáng Thứ sáu 7 tháng 2 vì bị nhiễm Coronavirus theo thông cáo chính thức của bệnh viên Trung ương của thành phố này. Từ đầu tháng 12, 2019, “người thổi còi báo đông – whistleblower- đầu tiên tức bác sĩ Li Wenliang và 8 đồng nghiệp của ông đã bị công an thành phố Vũ Hán bắt vì tội loan truyền tin “thất thiệt” làm “xáo trộn trầm trọng an ninh trật tự xã hội” ("spreading rumors online" and "severely disrupting social order.") về một loại vi khuẩn mới đang có cơ nguy lan rộng giống như vi khuẩn bệnh “cúm gà” SARS năm 2003. Bác sĩ Li Wenliang đã phải ký giấy nhận tội này. Điều bất hạnh là chính ông lại bị nhiễm khuẩn này sau đó. Được đưa vào bệnh viện ngày 12 tháng 1  sau khi có những triệu chứng nhiễm bệnh và ngày 1 tháng 2 tức 3 tuần sau, bác sĩ Li Wenliang được xác định là đã có thử nghiệm dương tính. Không tới một tuần sau, ông đã qua đời.
Khi tin bác sĩ  Li Wenliang qua đời đã bùng nổ trên khắp mạng xã hội của người Hoa trên toàn thế giới thì bệnh viện Trung ương Vũ Hán vẫn ra thông báo cho biết bác sĩ  Li Wenliang vẫn còn sống mặc dù bệnh tình rất trầm trọng. Nhưng sau đó, khi biết rằng không thể che dấu được nữa, Trung cộng đã loan tin xác nhận về cái chết của bác sĩ Li Wenliang chỉ vì cố tình che đây nạn dịch coronavirua đã bùng nổ vượt qua sự kiểm soát của chính quyền. Vì thiếu trang bị y tế mà một số nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân lúc đầu đã không được áp dụng biện pháp đề phòng đúng mức nên hiện nay vẫn chưa được xác định là ngoài bác sĩ Li Wenliang vừa tử vong, số nhân viên y tế bị nhiễm tại Vũ Hán cho đến nay là bao nhiêu người.
Theo báo South China Morning Post thì Ủy Ban Y tế quốc gia Trung Cộng (NHC) xác nhận Vũ Hán thiếu các cơ sở chăm sóc tích cực ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, dù đã tăng thêm số giường bệnh và nhân viên y tế và có hơn 4.500 bệnh nhân đang được điều trị trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Báo Figaro của Pháp trong bài xã luận mới nhất đã cho rằng Coronavirus lan rộng trong quần chúng tại Vũ Hán và từ đó lây lan ra toàn thế giới là do sự che dậy, dấu nhẹm của Trung cộng (?) và khi không còn dấu nhẹm được thì “cách ly” tức giam lỏng 60 triệu người, biến một thành phố với 11 triệu dân như Vũ Hán và nhiều thành phố khác thành những thành phố chết:  Giao thông công cộng bị ngưng lại, trường học đóng cửa, cửa tiệm không  mở cửa nhưng lại không có một chính sách  an cư hay an toàn y tế nào ngoài việc loan tin ồn ào về  “hai bệnh viện 1,000 và 1,500 giường đã được xây dựng chỉ trong vòng một tuần” tại Vũ Hán để trị liệu cho bệnh nhân. Nhưng với 40,000 người đã nhiễm bệnh thì liệu hai nhà thương như vậy có đủ chỗ? Ngoài ra, còn vấn đề nhân viên y tế? Ai sẽ chịu hy sinh hay dấn thân về Vũ Hán? Người dân Vũ Hán đang gửi tin ra nước ngoài báo động rằng: họ đang bị “giam lỏng” tại nhà và “liều thuốc hữu hiệu” nhất của Tập Cân Bình để trị vi khuẩn Corona là … kiểm soát thông tin báo chí, đài nhà nước Trung cộng tuyệt đối không được loan tin “khẩn trương” về nạn dịch bốc phát tại Vũ Hán. Cũng theo tin trên đài CNN sáng hôm nay thì ông Tập đã xuống nước nhờ Hoa Kỳ giúp đở để chống lại nạn dịch này thay vì những ngày đầu khi ông Trump đề nghị giúp thì ông Tập đã từ chối ngay cho rằng một “Trung Hoa Vĩ Đại” thì ăn thua gì ba cái con virus lẻ tẻ đó.
Hầu hết báo chí thế giới cũng đổ tội cho chế độ độc tài Bắc Kinh đã phản ứng chậm chạp khiến không ngăn được nạn dịch ngay từ đầu để bây giờ có cơ nguy trở thành một dịch bệnh cho toàn thế giới. Không chỉ các “quan chức” địa phương cố tình dấu nhẹm vì không muốn “hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình mất vui trong những ngày lễ cưối năm mà chính quyền trung ương Trung cộng cũng chủ trương che giấu: cách đây một tuần Bắc Kinh còn tuyên bố dịch coronavirus  «có thể kiểm soát được». Báo chí Trung cộng đã im lặng khi những trường hợp đầu tiên bộc phát cho đến khi con số người nhiễm bệnh tăng nhanh chóng khiến người dân Vũ Hán hoãng sợ, bấp chấp mọi hiểm nguy, lên tiếng báo động với cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới xin hãy loan truyền tin tức về bệnh dịch để giúp người dân tại đây vì họ không tin rằng chính quyền cộng sản Trung Hoa có thể giải quyết bệnh dịch này một cách hữu hiệu được. (https://www.youtube.com/watch?v=SqPqDYB6W0Y). Trong clip này, một thanh niên Vũ Hán tố cáo rằng chính quyền địa phương không có một biện pháp ý tế nào để bảo vệ cho dân chúng tại đây cho đến ngày 23 tháng 1 thì mới ra lệnh giới nghiêm, ra lệnh mang khẩu trang nhưng trong thời gian từ 30/12/2019 đến 22/01/2020, tức là 1 ngày trước khi Vũ Hán – ổ dịch bệnh virus corona – bị cách ly, thì gần 100 ngàn người, đa số là người Trung Hoa, đã lên máy bay từ thành phố này đi đến Hoa Kỳ, châu Âu, và đặc biệt là châu Á, trong đó Việt Nam là nhiều nhất. Một câu hỏi ám ảnh các chuyên gia y tế và giới khoa học sau khi xem clip này là: những người dân Vũ Hán này đã đi đâu trước khi thành phố bị cách ly? Liệu họ có bị nhiễm bệnh và hiện giờ họ ở đâu? Theo trang thông tin Trung Quốc Đệ Nhất Tài Kinh (Ycai) đã dùng các dữ liệu chính thức để xác định số du khách này đã mua vé và giữ chỗ trên các tuyến bay quốc tế đi từ sân bay Vũ Hán ra nước ngoài, trong giai đoạn từ 30/12/2019 đến 22/01/2019 có tất cả 101,520 người. Trong danh sách 20 sân bay nước ngoài đón họ từ Vũ Hán đến nhiều nhất, đứng đầu là Thái Lan với khoảng 26,700 du khách (Bangkok, Don Mueang và Phuket). Đứng hàng thứ hai là Nhật Bản 18,008 (Tokyo, Osaka, Nagoya). Tiếp theo là Singapore và Incheon Hàn Quốc, lần lượt là 10,680 và 6,430. Việt Nam đứng hàng thứ 10, với 4,130 du khách Vũ Hán đã đến thành phố Saigon.
Điều đáng lo ngại là nếu như cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh của từng nước biết được du khách từ đâu đến (máy bay xuất phát từ đâu hoặc quá cảnh tại những nơi nào…) nhưng khó có thể biết được là những người này đã rời khỏi nơi này chưa? Hiện nay, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Incheon Hàn Quốc đều lập ra một ủy ban y tế để truy lùng những du khách rời khỏi Vũ Hán trong thời gian này. Riêng chính quyền Việt Nam thì không thấy nói gì về chuyện này: hiện 4,130 du khách Vũ Hán đã đến thành phố Saigon hiện giờ đang lẩn quất nơi nào và họ có được kiểm chứng dịch bệnh trước khi vào Việt Nam?
  • NGƯỜI TÍNH KHÔNG BẰNG TRỜI TÍNH.
Niên hiệu thứ tư của “Hoàng Đế Đỏ” Tập Cận Bình tức năm Canh Tý, dân Tầu đón Tết không tiếng pháo cũng như múa lân, múa rồng, sòng bạc Macau đóng cửa vì Vũ Hán và nhiều vùng lân cận không chỉ bị cách ly với thế giới mà còn bị cách ly bởi … chính người Tàu. Ở phía nam, Hồng Kông phải đóng cửa biên giới với Hoa Lục, đóng cửa trường học đến giữa tháng Hai vì các nhân viên y tế xuống đường rầm rộ sợ bị nhiễm bệnh, ở phía bắc, Thiên Tân, Tây An không cho xe công công qua lại với Hồ Bắc. Thủ đô Bắc Kinh, đường phố hoang vắng, các lễ hội đầu năm đều bị hủy bỏ, rạp xi-nê, công viên giải trí, các địa điểm du lịch như Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành đóng cửa. Từ ngày 5 tháng 2, cư dân Bắc Kinh nhận được lệnh yêu cầu không … được bắt tay nhau. Trên mạng xã hội lan truyền các video cho thấy dân làng các nơi dựng rào cản để chận người từ Vũ Hán chạy sang, những người bệnh nằm bất tỉnh trên đường phố, đội ngũ y tế quá tải, không đủ thiết bị…làm hàng triệu người khiếp vía. Cái chết của bác sĩ Lương Vũ Đông (Li Wenliang), người đầu tiên chữa trị các bệnh nhân bị coronavirus lại càng khiến thế giới kinh hoàng. Những chứng nhân từ các bệnh viện mô tả khung cảnh hỗn loạn, nhân viên y tế thiếu thốn mọi thứ, kể cả khẩu trang và găng tay. Một nhà báo trên Twitter cho biết bác sĩ Hu Yi, trưởng khoa Hô hấp của bệnh viện trung tâm Vũ Hán «phải dùng túi nhựa màu vàng bao giày lại, còn bác sĩ đứng cạnh ông thậm chí không có cả kính bảo vệ lẫn khẩu trang N95».
Tại các thành phố lớn của Hoa Lục mọi người ra đường đều tự động mang khẩu trang. Riêng đối với 110 triệu dân tỉnh Quảng Đông thì đây là điều bắt buộc. Hãng Reuters cho biết người từ Vũ Hán bị các khách sạn và nhà hàng khắp Hoa Lục từ chối đón tiếp.
  • TAI HẠI VỀ NGOẠI GIAO:
Các gia đình ngoại kiều có con nhỏ yêu cầu chính phủ của họ giúp đưa về nước càng sớm càng tốt. Chính phủ Pháp trước đây loan báo sẽ đưa xe buýt chở công dân Pháp đến Trường Sa cách Vũ Hán 300 km, tuy nhiên ý kiến này bị chống đối. Một giám đốc người Pháp của hãng xe Renault nói: «Người Vũ Hán bị coi như dịch hạch, sẽ không khách sạn nào chịu chứa chúng tôi. Đến đó để rồi bị cách ly ở Trường Sa chăng? Do đó, ngày 6 tháng 2, kiều bào Pháp tại Vũ Hán sẽ được di tản về Paris, chịu cách ly 14 ngày để kiểm bệnh trước khi được về với gia đình.  Chính phủ  Hoa Kỳ cũng đã đưa hai chiếc Boeing 767 với các bác sĩ đi kèm chỡ 500 công dân Mỹ kẹt tại Vũ Hán về nước. Các chính phủ Canada, New Zealand, Úc cũng đã hành động tương tự. Tổng cộng tại châu Âu đã có 28 người bị nhiễm virus corona. Cũng trong hôm nay, Nga cũng hồi hương nhóm đầu tiên 78 người trong số 144 công dân Nga từ Hồ Bắc. Chính phủ Brazil hôm nay gởi hai máy bay đến Vũ Hán để di tản công dân. Nhưng chính phủ nhiều nước đã khuyến cáo kiều bào của họ không chỉ rời khỏi Vũ Hán mà còn nên rời khỏi cả Hoa Lục.
Sau khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khuyến cáo dân chúng Hoa Kỳ không nên du lịch Hoa Lục thì  các hãng hàng không Hoa Kỳ như Delta Airlines, American  Airlines, United Airlines, Air Canada , British Airways, KLM Airlines, Cathay Pacific, Finnair, Turkish Airlines, Air France, Air Seoul, EgyptAir, Lion Air, Austrian Airlines, Kenya Airways, Lufthansa và ngay cả Vietjet của Việt Nam ra thông cáo cho biết sẽ ngưng mọi chuyến bay đến mọi thành phố của Hoa Lục cho đến tháng 4, 2020. Một nguồn tin chưa được xác nhận cho biết tại Las Vegas có một văn phòng du lịch bán vé máy bay về Việt Nam khứ hồi chỉ có $300.
  • TAI HẠI VỀ KINH TẾ
Theo Le Monde, tuy hãy còn quá sớm để ước lượng hậu quả. Tuy nhiên dịch SARS năm 2002-2003 đã làm Trung cộng thiệt hại 40 tỉ đô la, mất đi 2 điểm tăng trưởng thì dịch Coronavirus hứa hẹn cũng sẽ gây khốn đốn cho Trung cộng không kém. Việc cô lập Vũ Hán (11 triệu dân), Hoàng Cương (7,5 triệu dân) và nhiều thành phố xung quanh sẽ tác động trực tiếp đến nền công nghệ. Vũ Hán vốn là trung tâm sản xuất xe hơi với các hãng Đông Phong, PSA, Renault, Nissan; và có nhiều trường đại học danh tiếng với 1 triệu sinh viên. Shaun Roache, nhà phân tích của Standard & Poor’s nhấn mạnh: «Nạn dịch diễn ra đúng vào Tết âm lịch tại Trung Quốc, thời kỳ mà các gia đình mạnh tay chi cho du lịch, giải trí và quà cáp». Chỉ riêng phim ảnh, số thu đến hôm thứ Bảy 25/1 chưa đến 1,8 triệu nhân dân tệ (260.000 đô la) trong khi năm 2019 là 1,5 tỉ nhân dân tệ (216 triệu đô la), có nghĩa là doanh thu sụt giảm đến 84 lần! Theo nhật báo Barrons thì virus corona làm kỹ nghệ điện ảnh thiệt mất 10 tỉ đô la, kỷ nghệ khách sạn xuống chỉ còn 20%. Bộ Thương Mại Trung cộng loan báo ngành hàng không giảm 41,1%, đường sắt giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty giải trí như Disney (đóng cửa cả hai trung tâm ở Thượng Hải và Hồng Kông) cho dến tháng 4. Sòng bạc MGM tại Macao đóng cửa cuối tuần qua lần đầu tiên từ khi khai trương. Các du thuyền du lịch đều ngưng hoạt động sau khi có ba du thuyền du lịch đang bị phong tỏa do coronavirus: khoảng 3.700 hành khách mang 56 quốc tịch khác nhau trên chiếc Diamond Princess đang ở gần cảng Yokohama (Nhật) bị buộc phải cách ly trong ca-bin tàu 14 ngày, do phát hiện ít nhất 10 trường hợp dương tính với virus, sau khi quá cảnh Hồng Kông. Trong khi đó tại Hồng Kông, 1.800 hành khách của tàu World Dream hôm nay 05/2 cũng bị buộc ở lại trên tàu, sau khi 3 hành khách vừa đi trên chiếc tàu này bị phát hiện nhiễm virus. Chính quyền Hồng Kong hôm 05/2 cho biết tất cả khách từ Hoa lục đến Hồng Kông kể từ thứ Bảy 08/2 sẽ bị cách ly hai tuần.
Các đại công ty của Hoa Kỳ như Tesla, Microsoft, Amazon (Beijing, Shenzen, Shanghai, Guangzhou), Google (Hong Kong, Taiwan và toàn Hoa Lục), Apple, Facebook, Fiat Chrysler, GM, Ford Motor cũng như hãng Toyota của Nhật sẽ tạm thời đóng cửa các cơ sở ở Hoa Lục và nhân viên của họ sẽ không du hành qua lại cho đến khi có lệnh mới. Công ty McDonald’s đã đóng cửa hàng trăm tiệm trong khu vực Hồ Bắc. Starbucks đóng cửa phân nửa cửa tiệm ở Hoa Lục. Riêng những cửa tiệm còn mở cũng rất ế ẩm. “Đại công ty” Wal-Mart với hơn 400 cửa hàng tại Hoa Lục cho biết họ chưa đóng cửa một nơi nào vì như cầu của khách hàng nhưng luôn tuân thủ rất chặt chẽ những biện pháp phòng chống cần thiết. Công ty Coca-Cola đã đóng cửa nhiều nơi tại Hoa Lục.
Đến nay, thì “Hoàng Đế Đỏ” Tập Cận Bình đã phải xuất hiện để trấn an 1,4 tỉ thần dân của ông: “tình hình là trầm trọng”nhưng  Trung Quốc phải «chiến thắng” nạn dịch. Coi bộ cuộc “vạn lý … chinh phục Coronavirus” của ông Tập coi bộ còn gian nan, chưa thấy ngày chấm dứt.
  • TAI HẠI VỀ CHÍNH TRỊ: NGƯỜI VUI, NGƯỜI BUỒN
Ông Việt cộng Võ Văn Kiệt cũng có được một câu nói để đời:  ngày 30 tháng 4 có hàng một triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn. Bây giờ cũng vậy. Sự xuất hiện của Coronavirus là một thảm họa cho người Hoa, cho Trung cộng, cho nhân loại nhưng lại mang đến cho nhiều người trên thế giới một sự thoải mái khi cho rằng… đáng đời “thằng Tàu Cộng” tham lam. Sự phát triển vượt bực và vô cùng nhanh chóng một cách rất bá đạo của Trung cộng đã biến Hoa Lục thành kẻ thù của nhiều dân tộc trên thế giới. Nhưng, nếu chúng ta ở vào vị thế của Trung cộng chúng ta có thể làm khác hơn không? Để nuôi sống và vận hành cái khối người khổng lồ 1.4 tỷ, gần ¼ dân số thế giới này qua khỏi nhiều thế kỷ chậm tiến? Hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, theo chân của “coronavirus” sự bài Hoa đã lan rộng nhiều nơi trên thế giới vượt quá lằn ranh của quốc gia “Trung cộng” về cái họa “da vàng” của thế kỷ thứ 21. Nhiều khu China Town trên thế giới vắng hoe vì coronavirus. Một giáo sư đại học Pháp gốc Hoa đã thành lập một webside mang tên “Chúng tôi không phải là virus” để phản bác lại những bài viết mạ lỵ người Pháp gốc Hoa trên vài mặt báo xuất bản tại Paris.  
Hiện nay, cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ do tổng thống  Donald Trump khởi động đã khiến thặng dư thương mại của Trung cộng bị ngưng. Cuộc đàm phán vừa ký chưa thỏa đáng được yêu cầu của Hoa Kỳ về nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và trợ giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến cho việc Mỹ-Trung cùng song hành để xây dựng một thế giới đại đồng chỉ còn là một ảo tưởng. Nguồn vốn không ngừng chảy khỏi Hoa lục từ bọn tư bản đỏ. Nhưng tai hại nhất của “Giấc mộng Trung Hoa” là số sinh giảm mạnh nhất kể từ nạn đói khủng khiếp năm 1961. Số người lao động giảm dẫn đến thị trường lao động thiếu người, tiền lương tăng. Trung Hoa Lục Địa sẽ già đi trước khi thực sự giàu. Nạn dịch coronavirus hiện nay đã đưa ra ánh sáng tình hình y tế tồi tệ và ô nhiễm môi sinh  trầm trọng của đất nước khổng lồ này. Bên cạnh đó, còn là những bùng nổ về chính trị: liệu Bắc Kinh tiếp tục giam hãm hàng triệu người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ thêm được bao lâu sau khi đã bó tay đầu hàng sự vùng dậy của dân chúng tại Hồng Kông? Cũng như đã bó tay trước sự tái khẳng định chủ quyền của chính phủ Đài Loan? Liệu việc giám sát dân chúng bằng công nghệ nhận diện ở thế kỷ 21 có thể thay thế cho hệ thống công an sắt máu từ khi Trung cộng cai trị đất nước này? Có quá không khi nhận định rằng nếu Đặng Tiểu Bình năm 1978 phát triển Hoa Lục bằng mở cửa, mềm dẻo về ý thức hệ và chấm dứt nạn lãnh tụ với quyền lực tuyệt đối thì Tập Cận Bình đang đi trên con đường ngược với Đặng Tiểu Bình dưới chiêu bài “Giấc Mộng Trung Hoa”. Câu hỏi đặt ra là Trung Hoa của ông Tập Cận Bình sẽ làm bá chủ thế giới, hay, khi chủ trương cắt đứt Hoa lục khỏi thời đương đại, ông Tập sẽ đưa nước Trung Hoa vào tình trạng tụt hậu trong vài thập niên sắp tới?
  • AI ĐẶT TÊN CHO VIRUS?
Thật ra cho đến khi, “tân” virus khiến cho 9,800 nhiễm bệnh, 213 người tử vong, 60 triệu người phải mang mặt nạ, “nó” vẫn chưa có tên. “Tên hiệu” tạm thời—2019-nCoV— thì nghe không “kêu”, khó nhớ lại không có vẻ gì là bi thảm như tai họa “nó” đang gậy ra. Lúc đầu truyền thông Hoa Lục gọi “nó” là “Wuhan coronavirus” – virus Vũ Hán hay giản đơn hơn là “Chinese virus - Virus Trung Quốc”. Thế kỷ 20, những khoa học gia tìm ra “virus” ở đâu đầu tiên thì đặt tên địa danh đó cho “nó”.  Do đó, chúng ta đã có Spanish flu (Sốt Tây Ban Nha); Crimean-Congo hemorrhagic fever (sốt xuất huyết Crimean-Congo), Lyme (tên một thành phố ở Connecticut, Virus Ebola (tên một dòng sông ở Phi Châu). Cách đặt tên này đã gặp nhiều chống đối vì không ai muốn đất nước hay quê hương mình lại gắn liền với một dịch bệnh. Nhất là có khi “nó” không thực sự nảy sinh từ những nơi này. Ví dụ như năm 2009, dịch cúm lợn “Egypt swine flu” khiến Ai Cập phải giết hết cả lợn trong xứ  thật ra không có liên quan gì đến cái cột sống cả. Vì thế “bắt quàng” một địa danh vào một “dịch virus” thì thật là tội nghiệp cho địa danh và nhất là cho người dân ở đó.
Tổ chức Y tế Thế Giới WHO đã chọn một phương cách khác. Đó là cách “nhìn mặt, đặt tên”. Danh xưng “coronavirus” là một danh xưng tổng quát trong y khoa để gọi chung cho các loại virus có hình dạnh cong cong như một chiếc vương miện  trong đó có cả vi khuẩn MERS (Middle East respiratory syndrome) và SARS (severe acute respiratory syndrome). Corona bắt nguồn từ chữ Latin có nghĩa là vương miện. Nhìn mặt, đặt tên giữa tâm điểm của một tại họa thì chắc chắn không phải là một vấn đề quan trọng, nhưng tên là tên, có đó như là một định mệnh. Không ai hiểu được vì sao một con virus có thể làm sập một “Trung Hoa Vĩ Đại” lại mang tên là Corona? Theo giải thích của WHO thì 2019- nCoV thì “nCoV” là chữ viết tắt của “novel coronavirus.” Tiếng Latin của New Coronavirus. Do đó,   2019- nCoV là con virus mới hình cong vương miện của năm 2019.
Dĩ nhiên là không dân tộc nào thích tên của quốc gia hay tỉnh thành của quê hương mình “dính” vào một tại họa. Chính quyền Ả Rập Seoudite đã chống đối WHO khi gọi virus gây khó thở được định bệnh đầu tiên năm 2012 tại quốc gia này MERS (Middle East respiratory syndrome). Chính quyền Hồng Kông cũng phản đối tên virus SARS (severe acute respiratory syndrome) vì SARS là thủ phủ hành chính của Hồng Kong và không có liên can gì đến virus này. Mặc dù sau đó, WHO đã ra khuyến cáo báo chí không nên dùng những danh xưng này sau khi nhận được những than phiền này nhưng tên đã thành.. tên, khó đổi.
Giáo sư sinh học Raoul de Groot, người bị chỉ trích khi đặt tên cho Virus MERS đã lên tiếng yêu cấu tổ chức WHO nên mau chóng đặt tên cho virus “Vũ hán” 2019-nCoV- trước hiểm họa lan rộng rất nhanh và sự phổ biến quá mạnh của các mạng điện tử.  Giáo sư Groot là một chuyên viên về virus tại đại học đường  Utrecht University, ông đã nghiên cứu về  coronaviruses trong 40 năm, thảm họa “Virus Vũ hán” hiện nay khó tin là có thể xãy ra. Vì “coronaviruses” chỉ là  a backwater – một virus ngầm vô hại đối với con người và chỉ truyền nhiễm trong giới động vật. Nhưng ngày nay, những “coronaviruses” vô hại này lại trở thành SARS, MERS, bây giờ là  2019-nCoV truyền nhiễm và gây thành dịch bệnh giết người nhanh chóng cho nhân loại là một điều khó hiểu. Cũng có nhiều tin tức loan truyền là những virus này chính là những vũ khí sinh học do con người tạo ra để giết con người. Còn quá sớm để chúng ta có thể tin vào những lập luận này.
Do đó, cho đến nay, virus _2019-nCoV_vẫn chưa có tên chính thức từ Tổ Chức Y tế Thế Giới WHO. Mặc dù truyền thông thế giới đã gọi là “nó” Coronavirus, người Việt gọi là Virus Corona hay virus Vũ Hán, dù “nó” đang làm cả nước Tàu khốn khổ, kinh tế cả thế giới bị rung động. Dù sao thì thảm họa của Hoa Lục trong những ngày đầu năm 2020 cũng đã làm nhẹ bớt sức nóng của chính trường Trung Đông. Hoa Lục ngày nay của 2020 khác hơn Hoa Lục của 2003 thời dịch cúm gà. Thời đó, Hoa Lục chưa là thị trường tiêu thụ chính của Hermes, Chanel, Louis Vutton, Armani, Gucci… Chúng ta không nên lo chuyện bò trắng rang vội. Một cái ví da Hermes da cá sấu trắng thì không biết sẽ mua được bao nhiêu là cái khẩu trang nhỉ?
Tin giờ chót cho thấy số những thiệt mạng tại Vũ hán chắc là phải lớn hơn con số 908 người do Trung cộng đưa ra vào sáng Thứ Hai 10 tháng 2 vì theo một diễn đàn có tên là INTELWAVE thì vào ngày 06/02, một đoạn video về một “đám cháy lớn” ở Vũ Hán đã được lan truyền trên mạng xã hội Twitter. Đoạn video cho thấy đường Dương La gần sông Dương Tử đột nhiên bốc cháy dữ dội, hai tòa nhà cao tầng phía sau chỗ có biển hiệu “Vũ Hán cố lên” thậm chí còn được nhìn thấy rất rõ”. Trong video được quay có thể nghe thấy ai đó thốt lên rằng:
Tại sao cháy vậy mà không có xe cứu hỏa tới?”
Tài khoản INTELWAVE
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top