Hoàng Dược Thảo: Tại sao tôi quyết định không về thăm Việt Nam

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo

Tại sao tôi quyết định

không về thăm Việt Nam


Tôi không biết từ khi nào trong tuổi thơ tôi, mỗi cuối tuần là chúng tôi phải về ngôi nhà từ đường của giòng họ ngoại trên Gò Vấp. Có thể là từ khi bà ngoại tôi già, mang bệnh ung thư phổi sắp đến giai đoạn cuối nên cần sự săn sóc của mẹ tôi. Tôi cũng không hiểu được tại sao vùng đó có khi gọi là Thông Tây Hội, có khi lại gọi là Hạnh Thông Tây. Chỉ nghe cha mẹ tôi kể rằng ông cố tôi, ông Diệp Văn Cương, thân phụ cuả ông Diệp Văn Kỳ, người được danh là giúp ông Tản Đà vào Nam làm báo thì khắp cả vùng Gò Vấp lên đến Bến Cát, Đồng Nai, Biên Hoà, Long Thành nhiều nơi là lãnh điạ của ông. Ông là người đã đặt tên cho các điạ danh Hạnh Thông Tây, Hạnh Thông Đông, An Phú Đông, An Phú Tây... Sau 1954, khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh truất hữu ruộng đất thì các vùng đất chung quanh ngôi nhà từ đường cuả giòng họ ngoại ở Gò Vấp đã bị chính quyền trưng thu và sau đó biến thành Nha Quân Khuyển, Nha Quân Cụ, khu Quân Lao, trại Pháo Binh ở An Nhơn, bệnh viện Cộng Hoà... Trong khu Quân lao còn cái tháp cao bằng sắt mà cha tôi cho biết đó là nơi trước đây là tư dinh của ông Diệp Văn Cương. Riêng khu nghĩa trang gia đình trong đó có ngôi mộ rất lớn của ông Diệp văn Cương vẫn còn nằm sát thành Pháo binh trên An Nhơn cho đến sau năm 1975 mới bị cải táng theo lệnh của nhà cầm quyền mới.
Sau khi ông cố tôi mất, bà ngoại tôi tức bà Diệp Nhược Lan, người đàn bà viết sách dạy nấu ăn đầu tiên ở Nam Kỳ, chị của ông Diệp Văn Kỳ, dời ngôi nhà lớn của ông cố Diệp Văn Cương về xây lại một ngôi nhà nhỏ hơn sát cạnh đường quốc lộ đi lên Quang Trung, Hốc Môn, ở ngay chợ Thông Tây. Ai ở vùng này chắc đều nhớ ngôi nhà cỗ có ngọn chuối quạt khổng lồ che phiá trước. Ngôi nhà với chín tầng bậc đá xanh, bề ngang 50 mét, dài cả 100 mét, trong đó có vài chục buồng ngủ và vài chục cái bàn thờ với những ngọn nến quanh năm leo lét là một bí mật ghê gớm với bọn trẻ chúng tôi mỗi khi theo mẹ về thăm bà ngoại.




Cũng tại ngôi nhà này, tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu là khuôn mặt chính trị của miền Nam mỗi khi cậu tôi, ông Lương Trọng Tường, Hội trưởng của Phật giáo Hoà Hảo từ Long Xuyên về đây cúng giỗ bà ngoại (tôi gọi ông là cậu Ba Tường vì ông thứ ba, mẹ tôi, bà Lương Ngọc Trâm, thứ mười). Ở nơi đó, một ông sĩ quan hầu cận ông, một sớm một chiều trở thành công cán ủy viên cho ông Nguyễn Cao Kỳ rồi một bước lên thành thượng nghị sĩ, thành chính khách. Sau này ở hải ngoại, khi nghe tin ông này trở thành lãnh tụ cho nhiều tổ chức thì trong trí tôi lại hiện ra hình cảnh ông nằm võng treo tòng teng ở nhà ngang, ngay trước cửa bếp của ngôi nhà từ đường giong họ ngoại. …  và có thể hiểu được tại sao công cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt quốc gia ở hải ngoại không hiệu quả với những “lãnh tụ” như ông này hay ông Nguyễn Cao Kỳ.  
 

Ngôi nhà từ đường này hiện nay vẫn còn đó nhưng sau 1975 đã bị chiếm hữu. Ngôi nhà với kèo cột chạm trổ, khảm xa cừ từ duới đất lên tận mái nhà, nơi mà mỗi chân cột là nơi tôi vẫn dấu những hòn sỏi chơi trò giải gianh của trẻ con. Muốn đi vào nghĩa trang Bắc Việt, nơi chôn nhà văn Nhất Linh, vào nhà thờ hương hỏa của nhà văn Hồ Biểu Chánh thì phải đi ngang qua ngôi nhà từ đường này. Ngày tang lễ của ông Nhất Linh tôi, một đứa bé con về đó nghỉ hè đã kinh hoàng đứng nhìn giòng người như thác chảy đi đưa đám ông Nhất Linh. Không khí xôn xao, phẫn nộ, phần đông người đưa đám là sinh viên, học sinh nhiều hơn người lớn tuổi, hai bên đường đầy cảnh sát và quân đội. Cha mẹ tôi cho người đóng cổng ngoài nhưng đám đông vẫn mở tung ra để vào xin nước uống. Thời đó chưa có những chai nước uống bằng nhựa thực tiễn như bây giờ. Cha tôi cho người nhà mang ra ngoài cổng mấy cái thùng thiếc đựng dầu hôi vuông vẫn dùng để làm thùng gánh nước và những cái gáo dừa để ai muốn uống thì uống thay vì phải đi qua cổng, vào nhà.

Tôi đứng trong hàng hiên, cách khá xa cổng ra vào và nhìn đoàn người nhễ nhại mồ hôi dưới nắng trưa. Họ đã đi bộ từ Saigòn vào đến tận nơi đây. Thật ra khoảng cách từ Saigòn đến đó chừng 10 cây số thôi, nghĩa là khoảng 6 dặm nhưng ngày đó, không hiểu sao tôi vẫn nghĩ  đó là một con đường... rất dài, rất xa. Trí óc của đứa trẻ 11 tuổi buâng khuâng vì không biết tại sao người ta lại có thể đi bộ khoảng đường dài như thế để đưa đám ông. Mãi đến chiều khoảng 3, 4 giờ gì đó, mọi sự mới yên ắng lại. Suốt cả buổi sáng cha mẹ tôi không cho chúng tôi ra đường. Buổi chiều khi khí trời đã dịu mát, tôi đạp xe đạp, cái xe đạp trẻ con màu hồng mà sau bao nhiêu tháng van xin, nài nỉ ba mẹ tôi mới chịu mua cho với lý do thật chính đáng: tôi buồn vì bà tôi vừa mất (bà tôi mất tháng 2, tháng 7 cùng năm 1963 thì là cái chết của nhà văn Nhất Linh). Thứ hai, vườn nơi đây rất rộng, tôi có thể đạp xe từ đầu vườn đến cuối vườn là đủ, không phải đi ra ngoài sợ bị “mẹ mìn” bắt đi. Tôi đã lén cha mẹ tôi, đạp xe ra khỏi nhà, đi quá xa khỏi khu phố chợ, đi vào con đường rợp bóng tre xanh. Tôi tò mò muốn biết người ta chôn “ông già” đó ở đâu.

Trái với sự cuồng nhiệt của đám đông buổi sáng, khi chiều về, nấm mộ đắp vội vã trước khi đám đông giải tán là một nấm đất đắp không đều. Đầu ngôi mộ có bát hương, còn nguyên vài thứ cúng thường có trong ngày tang lễ. Tôi chẳng biết làm gì, chỉ dựng xe đạp ngó quanh. Rồi tôi thấy một người đàn ông, không biết là người trông coi nghĩa trang hay cảnh sát canh chừng ngôi mộ để phòng ngừa sự bất trắc, xuất hiện. Ông ta hỏi giọng Nam Kỳ gay gắt: mày đến đây làm gì. Tôi hết hồn đạp xe như ma đuổi ra khỏi con đường đầy lá tre và gió xào xạc khiến ngày hè cũng mát lạnh như ngày đông.

Nhưng sau đó, tôi trở lại nơi đây rất thường. Sau khi tiếng Việt tôi học đã khá hơn, đã đọc được truyện của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi muốn vào thăm ngôi mộ để hình dung ra cái bàn tay, cái khối óc đã viết Xóm Cầu Mới, đã cho chúng ta một cô Mùi dễ thương, đảm đang nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Một nghĩa trang nhỏ ở ngoại ô như thế thường thì vắng vẻ, có ngôi mộ có bia, có ngôi không. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ rõ ngôi mộ của ông Nhất Linh có xây chung quanh không nhưng bia mộ thì có. Tôi nhớ có nấm đất ở trên vì có lần tôi nhìn thấy bà Nguyễn Thị Vinh viếng mộ ông Nhất Linh cùng với vài người bạn. Tôi thấy bà mở gói thuốc Bastos xanh đốt 4 điếu cắm bốn góc mộ, bà mở bia 33 rưới trên nấm mộ. Tôi trở lại nhiều lần để thắp hương vì sau bao nhiêu thăng trầm, sau bao nhiêu khanh tướng, người nằm dưới mộ cũng chỉ có một mình với tiếng gió thổi rì rào qua những hàng tre bao quanh khu nghĩa địa.

Ở khu Bolsa bây giờ cũng có một khu nghĩa trang cho người Việt Nam. Mỗi cuối tuần tôi đi thắp hương trên mộ cha tôi và thường đi một vòng viếng mộ và thắp hương luôn cho những người quen biết. Gần suối nước kia là mộ của nhà văn Mai Thảo. Xa xa bên trong là mộ của nhà thơ Nguyên Sa. Rải rác đó đây bia mộ của những người thân, người quen. Nghĩa trang ở Hoa Kỳ thường thì rất sạch và đẹp. Tôi thích những cây muồng vàng, cành rất đen, lá xanh mong manh và hoa vàng rực từ cuối xuân sang thu dưới nắng trưa. Nhưng những nghĩa trang xứ người  rực rỡ quá, ngay ngắn quá, thiếu cái đìu hiu buồn rầu tiếc thương người nằm xuống của ngọn gió thổi qua những rặng tre dày ở nghĩa trang làng Thông Tây Hội, nơi có ngôi mộ của nhà văn Nhất Linh, cái đìu hiu buồn rầu vẫn theo tôi mỗi lần tôi đọc thấy hai chữ Nhất Linh.

Từ tháng 7, 1963 cho đến tháng 7, 2023, khi tôi ngồi viết những giòng chữ này, 60 năm nước chảy qua cầu, bao nhiêu tang thương đã đổ lên đầu người dân Việt. Ngôi mộ của ông Nhất Linh ở làng Thông Tây Hội cũng đã bị cải táng lâu rồi. Mộ ông bà cố Diệp Văn Cương, bà ngoại, bà nội tôi cũng không còn chỗ cũ. Cái cảnh người sống đuổi người chết đã không còn là chuyện lạ ở quê hương bây giờ. Nơi suối vàng chắc người chết cũng buồn bã lắm và thương dân mình không biết là bao nhiêu.

Bây giờ là cuối tháng 6 năm 2023, có lẽ tôi là một trong những người Việt Nam không trở lại Việt Nam từ khi lìa quê hương. Ngôi nhà từ đường của họ ngoại, ngôi nhà cha mẹ tôi cũng đã thuộc về tay người khác. Trên bàn thờ ở xứ người, ngoài ba mẹ tôi còn thêm 4 người thân nữa đã qua đời. Qua những cái clip trên youtube, tôi cũng không nhận ra những nơi chốn tôi đã đi qua trong thành phố Saigon trừ những tên đường, những con đường thân quen của một thời thiếu nữ. Thành phố xa lạ, người đối xử với người cũng xa lạ, ngôn ngữ cũng không còn như xưa … Tôi cũng có nhiều người bạn, tuổi già buồn bã nơi xứ người, đã quyết định bỏ qua quan điểm về chính trị  để về Việt Nam sinh sống. Họ cũng chán ngán về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội bất công và rối như tơ vò của đất nước dưới sự cai trị toàn phần của đảng CSVN nhưng đó không phải là điều mà khi là Việt Kiều khá giả về nước sinh sống, xã hội thực tiển của Việt Nam như không liên hệ gì đến họ. Buổi sáng thức dậy cùng tiếng sóng biển, đi ăn rồi về tụ họp một nhóm bạn để ngồi tán gẩu, những điều khó thể có khi ở xứ người.  
Nhưng đó lại là những lý do mà tôi đã quyết định sẽ không trở về thăm Việt Nam. Về để đổi lấy một chút tò mò, một chút vui của tuổi già mà để mất đi những ký ức êm đềm của tuổi thơ, những lý tưởng của một thời tuổi trẻ, những hoài bão xây dựng đất nước và nhất là phải quay lưng với đa số đồng bào kém may mắn… đồng hóa mình với “giai cấp” Cộng sản thống trị và họ là những người đang bị trị thì thật là không đáng chút nào.

Hoàng Dược Thảo
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top