Hoàng Dược Thảo, Paris ngày trở lại

Phiếm Dị


Tôi không có kỷ niệm đẹp với mùa Đông Paris. Mùa Đông Paris với tôi đồng nghĩa với những cơn gió lốc khi đi qua những ngã tư đường, với những chuyến xe lửa từ trung tâm thành phố về những miền ngoại ô đầy nghẹt người, với những bụi cỏ khô lăn tròn trong những cánh đồng gió trống. Ôi mùa Đông 1976, cái lạnh ngoài trời và cái lạnh trong lòng khi rời xa quê hương, không biết cái nào lạnh hơn. Vì thế, bao nhiêu năm qua, tôi không bao giờ muốn trở lại Paris vào mùa Đông.

Nhưng lần này thì bất khả, bởi vì điện thoại của bà chị: “Em nên về ngay nếu có thể. Mẹ yếu quá rồi”. Tôi cũng không còn có thể nói vài câu với mẹ già qua điện thoại. Âm thanh của điện thoại không còn có thể lọt vào tai mẹ tôi nữa rồi. Nói cho mẹ hiểu được, là phải đứng trước mặt, phải để cho mẹ cầm tay để mẹ có thể nhận diện đó là con của mẹ, bởi vì cũng theo lời bà chị, mẹ tôi không còn muốn nói chuyện với ai, nếu không phải là những đứa con bà đứt ruột đẻ ra. Anh rể, các chị dâu, các cháu mẹ không còn nhận được ai nữa. Buổi chiều mồng một Tết, qua giấc ngủ trưa rất ngắn trong căn nhà quạnh quẽ, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi qua đời. Thức dậy, nước mắt tôi ràn rụa. Mẹ tôi chưa mất mà tôi tìm thấy tôi khóc nấc trong phòng tắm. Tôi thật là bất hiếu khi cuối đời, không ở được một bên để lo cho mẹ.  

Chuyến máy bay mang tôi về Paris kỳ này, vì thế, ngoài một thân thể mỏi mệt sau mấy tuần thực hiện cho xong những số báo Tết, còn mang theo không biết bao nhiêu những hoài niệm của tôi về mẹ. Bà mẹ già người Nam mộc mạc, đã giữ gìn đời sống tôi bên bờ vực của đạo nghĩa và luân lý, chỉ bằng vào những câu nói bất ngờ, mà lại đi theo tôi mãi mãi. Bà mẹ khi đứng trước sự đau đớn rất đàn bà của đời sống con, đã bảo con rằng: “Người đàn bà khi đau khổ chỉ có hai con đường: hoặc sẽ thành thiên thần, hoặc sẽ thành ác quỉ. Mẹ chỉ mong con giữ vững được tâm trí, để làm một người mẹ tốt cho các con của con. Chúng đã không có cha, đừng để cho chúng không có mẹ”. Người mẹ già mà mỗi khi tôi đi làm về trễ, tựa cửa đứng trông, ánh mắt reo vui như muốn nói: “Mẹ lo lắm. Con có bề gì, ba mẹ làm sao nuôi được các con của con!”

Tôi bây giờ không còn là một người trẻ tuổi. Mỗi lần nhìn lại tuổi xuân của mình, là một lần tôi muốn nói vạn lời tri ân cha mẹ già. Còn nhớ, những tháng ở lại Sài Gòn sau tháng 4, 1975, cha tôi và mấy đứa nhỏ khổ sở vì thiếu thịt, vì không quen mùi gạo ẩm bán theo hộ khẩu. Tôi thường phải mua thịt heo bán chợ đen về kho loãng cho mấy ông cháu. Vì thế, tôi phải khóc hết nước mắt để xin ba tôi đưa mẹ tôi về Pháp trước vì ba mẹ tôi không đành lòng bỏ tôi và hai đứa nhỏ một mình trong thành ph Saigon đã đổi tên. Tôi không có giấy xuất cảnh như cha mẹ tôi, như các anh các chị mặc dù tôi cũng có quốc tịch Pháp, vì Sở Người Nước Ngoài của người cộng sản xếp tôi vào loại “vợ ngụy” mà chồng trốn không trình diện học tập cải tạo, khi tôi không có giấy tờ chứng minh về việc này.

Trước ngày 30 tháng 4, 1975, tôi tuy đã lập gia đình, nhưng ba mẹ tôi vẫn phải cưu mang tôi từng chút một. Tôi bây giờ có lo cho các con tôi bao nhiêu, tôi thấy cũng không bằng được sự lo lắng tôi đã nhận được từ cha mẹ tôi. Tôi lập gia đình rất sớm, khi tôi đã ra ở riêng, mỗi ngày, cha tôi đều ghé qua, để chắc chắn rằng các cháu không bị người làm bỏ bê. Cho em nó yên tâm học hành… Mẹ tôi lo cho tôi từng lọ muối tiêu, từng thúng khoai lang, từng rổ bắp luộc, từng bao gạo, từng lọ dầu. Mẹ chỉ giải thích với các anh chị: phải phụ với em để nó học cho xong. Thằng con lớn của tôi đeo ông ngoại đến nỗi không ai có thể nói chuyện hay đến gần ông khi có  nó bên cạnh.

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, tôi từ làng Báo Chí bên Thủ Đức về lại nhà ba mẹ tôi ở Gia Định. Con trai tôi lúc ấy mới lên ba, “công tử thành phố” lần đầu tiên thấy được những con dế, thấy được những “anh họ” lớn hơn đá dế, cũng đòi phải có vài con dế. Cái khổ là nó không chịu để những con dế giữ trong những hộp bánh LU ở ngoài vườn, nó đòi đem vào phòng ngủ để dưới giường của nó. Vậy mà ông ngoại cũng chiều. Thế là suốt cả mùa Hè, coi như ba mẹ tôi và tôi phải ngủ với tiếng dế kêu ròn rã dưới gầm giường. Sau này, khi tôi bắt đầu đời sống của một bà mẹ độc thân, ba mẹ tôi lại bỏ tất cả, từ Pháp sang Hoa Kỳ  giữ cháu cho tôi rảnh tay đi học, rồi đi làm.

Khi cha tôi qua đời, chúng tôi quyết định để mẹ tôi về Pháp vì nghĩ rằng sống trong khung cảnh quen thuộc mà không còn cha tôi ở bên cạnh, chắc mẹ tôi sẽ buồn. Mẹ tôi đang sống tại ngôi nhà của anh chị tôi ở Monthléry, cách Paris khoảng 16 cây số. Ngôi nhà trên đồi nhìn qua cái biển sương mù mùa Đông buổi sáng có thể thấy cái gác chuông của ngôi nhà thờ cổ, vẫn cho tôi cảm giác vô cùng bình yên mỗi khi trở lại. Có thể vì nó quá giống khung trời mù sương của Đà Lạt buổi sáng. Người Mỹ vẫn thường nói: Home’s where the heart is, nghĩa là trái tim chúng ta ở đâu, thì nơi đó là nhà. Với tôi thì nơi đâu có mẹ thì nơi đó là nhà. Chỉ cần được trông thấy mẹ, nắm bàn tay của mẹ, là thấy lại những ngày thơ ấu cũ, bao nhiêu năm tháng trưởng thành như không có thực… Mẹ tôi quên đi tất cả, vậy mà vừa thấy mặt tôi là lại nhớ: “Con đi thăm mẹ như thế này, thì ai làm báo cho con?”. 

Tội cho mẹ tôi quá! Cái cảnh đời khốn khổ, không vui của con sao mà ở mãi trong tâm trí mẹ. Từ cái thưở làm báo bằng máy typesetting to bằng nửa cái phòng, nhìn lên màn ảnh toàn thấy những dấu hiệu mà không thấy chữ, mỗi lần đánh máy xong, cô thư ký của tôi lúc đó là cô Nhung thường đùa: phải thắp nhang để mong chữ hiện ra trên giấy phim. Qua đến giai đoạn làm báo bằng computer, khi bắt đầu có software tiếng Việt, cái máy XT chạy chậm còn hơn rùa, nên mặc dù mới chỉ có một ấn bản ở Orange County, mà tôi thường đừa ra đi khi trời còn tối và khi về thì trời vừa sáng, để nói về những đêm thức trắng để làm báo của chúng tôi. Thường là khi về đến nhà, tôi chỉ kịp rửa mặt cho tỉnh ngủ để đưa các con đến trường, rồi sau đó mới về nhà đi ngủ. Khoảng 1 giờ 30 trưa, mẹ tôi đánh thức tôi dậy ăn trưa, để kịp 2 giờ đi đón các con.

Cha tôi thương tôi lắm, nên khi tôi có ý định phát triển báo trên miền Bắc California, ba tôi không bằng lòng. Sự đi lại mà cha tôi theo quan điểm của đàn ông Việt Nam -thân gái dặm trường- không phải là điều mà ông dễ dàng chấp nhận. Bốn tháng đầu tiên của SGN San Jose, tôi là người chở báo lên đó hàng tuần, để chỉ cho người mới cộng tác cách thức đi lấy quảng cáo, cách phát báo. Những chuyến đi Nam-Bắc California này, thường thì mẹ tôi đi cùng, vì cha tôi khi đó đã bị liệt hai chân, chỉ nằm một chỗ. Mẹ tôi đi theo để: đưa cho con cái khăn lau mặt cho con khỏi buồn ngủ. Lâu lâu mẹ lại đưa cho tôi một quả xí muội, một miếng khô bò. Những câu chuyện mẹ kể quẩn quanh về cái dòng họ lớn của miền Nam, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, những cái hầm rượu Tây, những chén vàng, chén ngọc, những cái ngông của cha tôi đã làm mẹ tôi khổ sở ra sao? Gần đây, khi đọc lại những bài viết của Tập Tùy Bút định ấn hành, tôi mới nhận thấy là những chuyến đi xuôi ngược Nam-Bắc Cali  như thế, đã giúp ý tưởng cho những bài viết của tôi rất nhiều.

Tôi ở Paris ngày thứ hai thì mẹ tôi đã bắt đầu nhớ nhiều về thời gian ở Mỹ bên tôi. Mẹ tôi nhắc đến chị Phước, người vẫn giúp tôi lo cho ba mẹ tôi khi tôi vắng nhà. Mẹ nhắc về những hoạt động trong tòa báo. Chị Phước bỏ hóa đơn vào phong bì để đòi tiền quảng cáo. Anh Năm đi phát báo. Cô Nga làm quảng cáo, phải làm đúng, không đúng thì người ta không trả tiền. Già hóa trẻ. Tôi ngồi bên cạnh nghe mẹ nhớ về chuyện này, chuyện kia mà vui vì: Mẹ tôi vẫn còn đó, bên tôi.

Tôi cũng không biết từ lúc nào, tôi không còn ý thích đi xem lăng tẩm, đền đài, khi tôi đến những thành phố lạ. Khung cảnh tráng lệ đến đâu, cũng không làm tôi có thể quên được lý do vì sao tôi phải đến đây, phải đi xa khu vườn lan, xa ngôi nhà tôi đang ở. Nếu đi thăm bạn, tôi chỉ muốn gặp bạn. Nếu đến vì công việc, tôi chỉ muốn lo cho xong việc. Tôi trở lại Paris lần này để thăm mẹ, thì chỉ muốn ở cạnh mẹ. Bởi tôi biết, những giây phút này, chúng tôi không còn nhiều. Mẹ già nằm xuống có khác nào như một phần của quê hương ta mang theo cũng đã nằm xuống luôn với mẹ. Vắng mẹ là vắng mùi cháo đậu xanh buổi sáng, vắng mẹ là vắng những cái bánh đậu xanh, bánh quế, bánh ít của những ngày giỗ ông bà. Vắng mẹ là vắng luôn cái mối dây thân thiết nối liền tình anh em, họ hàng. Những bất đồng, những khó khăn giữa anh em dù lớn đến đâu, nhưng khi nhắc đến mẹ là phải thôi, phải dứt. Các con tôi làm sao hiểu được điều đó. Chúng nó thường nghĩ rằng tôi lo lắng cho mẹ tôi quá độ. Tôi thường so sánh lúc tôi 93 tuổi với tuổi mẹ tôi bây giờ: “Khi mẹ 93 tuổi, lúc ấy, có thể mẹ còn lẩm cẩm hơn bà ngoại nữa. Các con của con không sống với mẹ, không yêu mẹ nhiều như các con yêu mẹ, chúng nó cũng sẽ không thể hiểu vì sao các con có thể yêu mẹ, một bà già lẩm cẩm”.

Chiều thứ ba ở Paris, tôi lang thang trong khu Saint Germain des Prés. Những hàng cây cao, trơ cành khẳng khiu, buồn rầu. Đang có cuộc công du của một vị tổng thống vào đó, nên cảnh sát bao vây mọi ngã đường. Những đốm đỏ trên những lá cờ tam tài là những điểm màu sáng duy nhất của trời mùa Đông Paris. Hình như, khi vượt qua cái ngã tư thứ hai trên con đường đi từ Saint Germain des Prés đến đại lộ Champs Elysées, mưa bay nặng hạt, khiến tôi chợt nhớ trời Saigon và những cơn mưa “lá me” của đường Gia Long, nơi có Thư Viện Quốc Gia:

Lời ru nào níu được
Lúc những lá me xanh
Bay mềm con lộ nhớ

Đời sống chúng ta ai chẳng phải đi qua những  con đường.... gợi nhớ. Chỉ biết chiều hôm đó, tôi thật nhớ. Nhớ giấc mộng tình yêu đã vỡ tan, không thành.

*
Tôi nói với bạn tôi qua điện thoại về những việc tôi làm trong mười ngày ở Paris thăm mẹ. Bên ngoài, trời Paris mùa Đông năm ấy trở lạnh như chưa từng thấy. Trên máy bay tôi bắt đầu đan cho mẹ tôi cái mũ. Đến nơi thì xong được cái , tôi bắt đầu đan cái khăn quàng cổ. Sáng hôm nay, tôi đội mũ cho mẹ, quàng khăn cho mẹ. Chị tôi bảo: đồ đan tay trông vẫn khác, mũ và khăn em đan cho mẹ đẹp lắm. Nét mặt hạnh phúc của mẹ làm tôi hãnh diện hơn bất cứ một lời khen nào. Tôi biết mẹ tôi đang hạnh phúc vì được các con săn sóc, kề cận.

Mẹ tôi nằm trên cái ghế dài trong phòng khách. Trời lạnh đến nổi, củi trong lò sưởi như không cháy nổi. Mẹ tôi co ro, dù bên cạnh bà có thêm một lò sưởi điện cá nhân. Tôi loay hoay không biết làm gì, nói gì cho mẹ vui. Trong tủ nhạc nhà chị tôi có nhiều dĩa DVD Karaoké. Tôi kể cho bạn tôi nghe là sau đó tôi hát Karaoké cho mẹ tôi nghe. Tiếng hát tôi sau ba mươi lăm năm, từ những ngày học Dược, khi nghe lại, vẫn còn là một tiếng hát ....hiếm quí. Tôi bảo bạn tôi như thế. Chúng tôi cười hả hê khi tôi kể thêm là mẹ tôi nằm bên cạnh, nghe tôi hát với vẻ mặt thật nghiêm trang, không hề … có vẻ... khinh thường chút nào như bạn tôi cả. Đến độ buổi tối, sau khi ăn cơm tối xong, đến 10 giờ mẹ vẫn không chịu đi ngủ vì ...vui quá sao bắt mẹ đi ngủ. Tôi phải...điều đình: con hát một bài nữa thôi nghe. Nhà tôi không có “chơi” Karaoké. Do đó, không có chuyến đi mùa Đông về Paris thăm mẹ, làm sao tôi phát giác ra giọng hát “hiếm quí” “của mình. Bạn tôi đề nghị sẽ làm bầu cho tôi ra băng CD. Nghe cũng được, mặc dù chủ đề bạn tôi đưa ra nghe thảm quá: Tình cho đi nhất định không đòi lại.  

Hành lý của tôi khi trở lại Hoa Kỳ, sau khi lấy ra những tờ Giai Phẩm Xuân  nhẹ nhất trong những chuyến trở về của tôi từ trước đến nay. Bởi tôi đã dặn lòng sẽ không bê nồi niêu soong chảo khi trở về. Tôi vẫn thích vật dụng nhà bếp, nên chuyến đi Paris nào tôi cũng bê về một bộ nồi đủ cỡ, thay vì là nước hoa hay quần áo. Buổi sáng, khi hôn mẹ từ giã, tôi thấy tôi già hẳn đi. Nhất là khi mẹ nắm tay tôi và bảo:
-“Sao không đem mẹ đi về bên đó với con?”. Mẹ nói thật mạch lạc: “Mẹ muốn về Mỹ ở với con”.
Các anh tôi phải giải thích: “Mẹ ở bên này tụi con đông hơn. Em nó bận lắm, làm sao ở nhà trông mẹ được”. Mẹ tôi trả lời quả quyết:
“Nó lo cho mẹ được”.
Tôi biết khi nói ra điều này, mẹ tôi đâu còn tỉnh táo như mấy năm trước đây, khi mẹ đồng ý theo quyết định của các con về Pháp. Tôi không biết nói sao ngoài việc hứa hẹn sẽ thu xếp để về thăm mẹ tôi thường hơn.

*
Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, thì tôi đã xa mẹ tôi đúng mười bốn năm.  Người bạn thân tôi nhắc đến ở trên cũng đã không còn. Mối tình mà tôi nhận được vì thế cũng không có dịp mà trả lại. Tuần sau là ngày giỗ của mẹ tôi. Thần trí tôi hoang mang quá. Hình như trong tuần này, tôi nhắc về những điều mẹ tôi dạy tôi đến hai lần trong những cuộc họp bạn. Tôi muốn nói với mẹ tôi nhiều điều. Như mẹ phải phù hộ cho vợ chồng anh Mười vượt qua nạn Covid kỳ này vì cả hai anh chị tôi đều đã nhập viện vì bị nhiễm bệnh ở Paris. Thế giới mà mẹ bỏ lại sau lưng không còn là một thế giới an bình dù tiếng súng, tiếng đạn bom không còn như những ngày mẹ còn sống ở quê hương. Con cám ơn mẹ đã nuôi dạy con thành một người đàn bà Việt Nam biết trọng đạo nghĩa. Con sẽ cố gắng để không bao giờ hổ thẹn khi nghĩ đến mẹ.

Hoàng Dược Thảo

 

Thơ thụy châu

Buổi Chiều ở Saint Germain des Prés
 
Em để lại nơi đây  một chuyện tình buồn
Tháng 11 trời Paris không có nắng
Ngỗn ngang trong lòng những cánh thơ bay
Thời con gái đã qua, tuổi thanh xuân cũng mất.

Chẳng bao giờ em còn trở lại
Nhìn nắng, gió, nhìn Luxembourg và...hát
Những lời ca về một cuộc tình mong đợi
Dù muà thu buồn bã kéo mây qua

Nếu mai này anh trở lại nơi đây
Tìm giữa gió, giữa mưa, tình yêu em gửi lại
Tìm giữa Louvres giọt lệ buồn đêm cũ
Giữa đôi tay đời trống vắng không ngờ

Cuộc tình đâu cần bắt đầu ở tuổi đôi mươi
Dù tất cả đã kết thúc khi em rời nơi ấy
Anh có nghe buồn vọng lại -
Adieu


(1993)


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top