Hoàng Dược Thảo, Những ý nghĩ rời trong tháng 7

Phiếm Dị

Những ý nghĩ rời trong tháng 7
Hoàng Dược Thảo


Xe chở xác đậu trước khu vực trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa sáng 5-8 - Ảnh: LÊ PHAN

Tháng 7, đầu óc tôi loay hoay đủ thứ việc. Giấc ngủ ban đêm vì thế bị cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ. Tháng 7, năm nay, Houston có nhiều ngày mưa. Mưa gió, sấm chớp ào ào bất chợt dù trời vẫn nóng khiến những buổi sáng đi bộ quanh mặt hồ làm rát khô cả phổi. Thiên tai nhiều mà nhân tai cũng nhiều quá thời này. Động đất, lụt lội, lốc xoáy, cháy rừng, ma túy, tội ác, Dân Chủ, Cộng Hòa... Đại dịch Covid đã khiến tôi mất đi một số người thân, bạn bè trong năm qua. Ít khi chúng ta có được một ngày bình yên không tin dữ...

Tháng 7 năm nay, có tin dịch bệnh Covid đang lan tràn khắp Việt Nam. Con số người nhiễm bệnh có thể đã lên đến 200,000 người trong nay mai và tâm dịch là Saigon. Khi theo dõi những tin tức về dịch bệnh, những tên đường quen thuộc nghe được làm sống lại trong trí tôi những hình ảnh cũ. 45 năm đã qua, nửa đời người, tôi không bước chân về quê hương. Những người bạn gặp lại nơi xứ người, tóc ngả màu muối nhiều hơn tiêu, đã mất đi vẻ tinh anh thời tuổi trẻ, đã nhắc cho nhau nhớ đời sống cũ đã lùi, đã xa quá xa rồi. Thường tôi đi ngủ sớm và thức giấc khoảng 4, 5 giờ sáng. Đêm qua tôi thức giấc khi tiếng mưa dội vào khung cửa kính. Có viết được hay không cũng chỉ vào lúc này. Trời bên ngoài còn tối. Cái bàn viết đối diện với khung cửa kính đôi khi phản chiếu lại gương mặt tôi mệt mỏi. Cái quầng thâm vẫn cố che dấu khi trang điểm lúc ban ngày đã lộ nguyên vẻ buồn rầu quen thuộc. Khi trời sáng tỏ, tôi thường gọi điện thoại cho con gái tôi. Giọng nói lo âu của con thường làm tôi tỉnh ngủ. Tôi cứ phải cười tươi tỉnh: Con đừng lo. Mẹ bình thường. Công việc bình thường...

Thập niên đầu của lịch sử tị nạn tại Hoa Kỳ, khi các chị tôi chưa sang bên này, tôi sống với nhiều nỗi ân hận vì đã “vinh thân” nơi đây với xe hơi, nhà cửa máy lạnh, nước nóng, trong khi các chị tôi ở quê nhà đang cháy da với ruộng nương rẫy bái khi bị chế độ mới đuổi về quê. Tôi mong mưa, tôi đợi mưa để rồi sau đó ân hận khi nhớ tới thư chị tôi than mưa lũ đem lụt lội thất mùa đến cho thửa vườn nhỏ bé chị tôi đang canh tác. Nhưng trên tất cả, tôi ân hận khôn nguôi khi nhớ tới thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của mình đối với quê hương những ngày trước khi mất nước 1975. 
Đến bây giờ nhiều khi nghĩ lại, tôi không thể nào hiểu được tại sao đất nước chiến tranh dai dẳng, sầu khổ triền miên như thế lại có thể có những người dân vô tư, sống bên lề cuộc chiến như tôi. Tuổi thơ tôi cũng có dời, có đổi, khi thì ở đồng bằng, khi cao nguyên, khi thì ven biển. Tựu chung ở đâu, mùa nào, trí nhớ tôi cũng chỉ đầy ắp những ngày tháng bình an bên cha, bên mẹ, bên chị, bên anh. Sáng sáng tôi dung dăng dung dẻ đến trường. Buổi chiều, tôi ung dung đọc sách, lo ăn, lo mặc... Mùa nào, thức ấy, tôi được ăn ngon ngập răng, ngập miệng, học hành, tương lai như cầm nắm trong tay.

Tuổi thơ qua đi, hết trung học, lên đại học thì tôi đi lấy chồng. Cái ngây ngô đuổi theo dù cho đã tay bồng, tay mang. Bạn bè tranh đấu xuống đường thì tôi vui vẻ vì được nghỉ vài buổi học, thơ thẩn trong khu vườn nhỏ đầy nhóc cây cỏ. Phật giáo miền Trung biến động, bàn thờ đầy đường phố, tôi nghe như nghe chuyện ở đâu xa, xa lắm, không liên hệ gì dến mình. Ủy ban tranh đấu của Cha Thanh ra tuyên cáo 10 điều buộc tội ông NVT tham nhũng, tôi nghe qua loa rồi quên. Đời sống tôi lúc đó chỉ vây quanh chuyện học hành, những cái áo lụa đầy màu sắc, những lo âu thi cử của một thời sinh viên... Tôi đi học mong chóng hết giờ để về nhà. Học, tôi mong chóng xong để còn ... rong chơi. Chiến tranh với tôi chỉ là ... những tiếng đại bác đêm đêm vọng vào thành phố, những ánh sáng hỏa châu ban đêm. Thế thôi, tuyệt nhiên, tôi không hề tham dự, hay ít ra, để tâm gì tới những biến động của quê nhà.

Đêm qua, trong bóng tối, khi nhìn thấy một Việt Nam bi thảm sau 45 năm đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, những người dân quay cuồng kiếm ăn, tất bật từng ngày, gương mặt âu lo đầy đường phố … không hiểu sao tôi bâng khuâng nhớ lại Việt Nam những ngày tháng cũ trước khi miền nam được… giải phóng. Trong chiến tranh, bao nhiêu người đang đổ xương máu, đang khốn khổ ngoài tiền tuyến nhưng ngoài đường phố của miền Nam Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, người dân Việt Nam không hề có một vẻ mặt tuyệt vọng đến như thế: trẻ con ngoan ngoãn đến trường học học sử Việt, học công dân giáo dục, cha mẹ đi làm để nuôi nấng các con, nhiều thanh niên chọn binh nghiệp, xem việc bảo vệ những phần lãnh thổ còn lại của Việt Nam tự do là lý tưởng của cuộc đời trong khi tôi, tôi là một con ốc miệt mài trong cái vỏ xò nhỏ nhen của riêng mình. Nghĩ lại mà coi, những sáng tinh sương, khi tôi còn cuộn mình trong chăn ấm, khi bà tôi còn khoác áo lông dày, ngậm miếng gừng cay, hớp vội ngụm trà tàu chuẩn bị cho hồi kinh sớm mai thì đã có bao người lính xuôi ngược suốt một dãi quê hương gấm vóc để bảo vệ sự bình an cho người dân phố thị. Xã hội miền Nam Việt Nam nơi tôi lớn khôn yên bình quá. Đạo đức quá. Quy cũ lắm. Ngoài đường, trong lớp học, trong gia đình, chúng tôi ít khi nghe thấy người to tiếng với người, tiếng cải vã thì hình như lại càng hiếm hơn. Tôi nhớ đêm qua tôi có rơi nước mắt. Giọt nước mắt không phải chỉ dành cho những người còn vướng vòng nghiệt ngã ở quê hương bây giờ mà còn dành cho tôi. Cho cái đời nhỏ nhoi tôi đã đi qua. Sống không cho mình mà cũng chẳng cho người.

Đất nước chiến tranh, xã hội yên bình đã dung dưỡng những phụ nữ thành phố như tôi một đời sống dễ dàng quá. Chúng tôi ngày tháng đó không biết đến bất cứ một chuyện gì của đất nước, dù là chính trị, tôn giáo, quân đội, vẫn còn hay sắp mất ... Chúng tôi vẫn tưởng rằng đời sống rồi sẽ êm ả mãi mãi trong con đường đi, về học, trong khu vườn nhỏ bé, dưới vòm cây trứng cá kia. Rồi chúng tôi sẽ lập gia đình, các con chúng tôi rồi sẽ như thế, sẽ lớn lên như thế. Cũng sẽ ngày tháng đi về qua những con đường ngợp lá me bay bay của Saigon chuyển mưa, để đến những khuôn viên đại học im lìm nhiều bóng lá. Quảng Trị mất rồi Quảng Trị lại được quân ta lấy lại. Thủy Quân Lục Chiến đã tiến đến Cổ Thành. Sau này, khi sống đời lưu vong, những câu nói đó là những âm vang lồng lộng, nhưng thời tôi thiếu nữ lại chỉ là tiếng gió thoảng qua, thổi tung tà áo lụa. Và vì thế, những nhọc nhằn của đời sống tị nạn nếu có, chỉ là những cái “quả” quá nhỏ so với cái “nhân” thờ ơ, lãnh đạm với chính quê hương mình những ngày tháng cũ.
Tôi lại được may mắn là định cư nơi xứ người sớm nhất. Thập niên 80 cuả thế kỷ trước, Người Việt tị nạn cộng sản xôn xao với cái tin “có thể” 100 ngàn tù nhân chính trị VN sẽ được CS cho về và được chính phủ Hoa Kỳ nhận định cư. Thời gian nước chảy qua cầu, từ 1990 đến nay, ba mươi năm qua, nhiều gia đình của các tù nhân chính trị đã ổn định ở quê người, nhưng những người lính bại trận đều đã bỏ mình nơi đất khách sau khi hòa bình. Nhưng, chỉ có trời mới hại được người, Con cháu của Người Việt tị nạn lưu vong hầu hết đều thành đạt, đã có cho chúng những mãnh bằng, những đời sống lương thiện vinh hiển nơi quê người. Hay nói theo giáo sư Phạm Cao Dương thì đó là một khía cạnh màu xanh của tháng 4, 1975. Trong khi đó, thế hệ thứ hai của “bên thắng cuộc” thì thảm họa hình như đang chờ đón chúng ngay trong lòng quê hương với một xã hội vô nhân, vô đạo đức và vô giáo dục. Do đó, chưa chắc là bên nào sẽ là bên thắng cuộc.

*

Thời tiết khắp nơi cho thấy đất trời như đang nổi cơn thịnh nộ với con người. Giữa tháng 7, trời ở miền tây nước Mỹ còn lạnh như giữa mùa Đông. Tin tức hiếm khi có ngày không có thiên tai như lũ lụt, động đất, quá lạnh, quá nóng, xoáy lốc, đất chuồi, nhà sập xen lẫn với tin “nhân tai’ người hãm hại người. Vừa bước qua tháng 8 thì thần hỏa đang thiêu rụi nhiều thành phố ở California trong phút chốc.

Tôi thường dùng những giờ rảnh rỗi, quên đi những loại tin không vui này vào việc dọn dẹp nhà cửa. Nhà văn Mai Thảo đã có lần phê bình là Tòa Soạn của tôi  không giống những nơi làm báo mà ông đã biết vì nó giống như một văn phòng bảo hiểm. Ngoài việc... thiếu gạt tàn thuốc lá và cà phê, trà còn là sự gọn gàng và ngăn nắp “quá đáng”. “Một nơi như thế này thì nhà văn chúng tôi không sáng tác được” ông thường đùa như thế. Sáng nay, tôi cũng nhớ đến lời phê bình của cha tôi về những truyện ngắn của tôi khi ông còn sống. Cha tôi bảo: Tôi sống quá nghiêm túc và bình thường nên truyện của tôi bình bình, êm êm, thiếu... “lửa”. Chị cả tôi khi mới sang Hoa Kỳ thì nhận xét, Tòa Soạn của em giống cái bếp của em, sạch boong. Còn nhớ, tôi đã đùa với chị tôi rằng có lẽ tại định mệnh của tôi đưa đẩy tôi vào những việc làm, những “tai họa” không bình thường, ngoài tầm kiểm soát của mình, đôi khi lung tung quá nên cái gì đã nằm trong tầm tay, tôi đều cố gắng giữ cho ngay ngắn, đàng hoàng để bù trừ.

 Đêm qua, không hiểu sao qua tiếng mưa đập vào khung cửa kính, tôi nhớ một vài người bạn đã lâu không được gặp lại. Tôi nhớ một người bạn rất thân từ những ngày ở đại học Dược Khoa Saigon, một anh chàng cao lêu khêu như một cây sậy di động, học trên tôi một năm. Đó là một người mà chúng tôi cho là có số "đẻ bọc điều" vì … đương sự thuộc loại đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Vì là con nhà gia thế, sau khi tốt nghiệp đại học trong nước anh chàng đi du học ở Pháp, ở Mỹ, đoạt nhiều bằng cấp, sống và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới. Một lần, bạn tôi dùng những ngày nghĩ phép trong năm về Cali thăm tôi vào dịp Tết để thỏa chí tò mò muốn gặp lại “cô bé nhút nhát” ngày xưa bây giờ lại là người viết báo “trêu” thiên hạ.  Sau khi giúp tôi làm cho xong 7 tờ báo Tết, chúng tôi trở lại toà soạn vào ngày mùng Một để xông đất đồng thời cũng để dọn dẹp bớt giấy vụn cắt bỏ khắp nơi (ngày đó làm báo còn cực lắm, phải dùng kéo chứ không được dùng ‘đao” (tức download) như bây giờ vì nhân viên tòa soạn nghĩ Tết, không trở lại. Bạn tôi giúp tôi hốt từng chồng báo cũ nhân viên soạn ra để cắt quảng cáo, vứt bữa bãi khắp nơi. Vì vô tình, bạn tôi tống luôn những ấn bản Saigon Nhỏ đầu tiên vào trong thùng rác. Báo hại, ngày mùng Một năm đó, hai đứa phải vào thùng rác công cộng để tìm lại những số báo này vì … không thể để mất nó được. Tôi bảo bạn tôi là: “Trước đây, khi gặp lại, thấy bạn thọc tay túi quần, đi lên, đi xuống tà tà ở Paris, ở Toronto, ở Madrid, ở Hồng Kông, tôi đã mừng vì số bạn nhàn chứ không cực như tôi.”. Bạn tôi khuyên tôi: “Số bạn cực, lấy tôi đi, biết đâu chừng bạn được “ăn theo’ số nhàn của tôi thì đỡ cực.” Nhưng tôi lý luận rằng: “Biết ai “ăn theo” ai, sợ bạn “ăn theo’ tôi, hai đứa cùng cực thì tiêu. Mồng Một Tết đã chui đầu vào thùng rác...” 

Hai mươi năm qua, bạn tôi bỏ cuộc đời an nhàn để dấn thân vào những việc mà tôi biết, bạn tôi đã biết sẽ không có một ánh lửa cuối đường hầm nào dành cho chúng tôi cả. Ba mươi năm qua, nhìn lại làng báo Việt Ngữ hải ngoại “những người muôn năm cũ” đã lên đường gần hết. Những cộng tác viên lúc đầu của tôi không còn lại mấy người. Biến cố 30 tháng 4, 1975 đã biến một người ngu ngơ như tôi thành... chủ nhiệm báo ở hải ngoại, một nghề mà ông anh lớn của tôi đã miệt thị là “sao không tìm cách đi học lại nghề Dược của mình, làm chi cái nghề này.” Tôi thì luôn luôn có cảm giác đã đi qua suốt cuộc đời này mà cũng chưa kịp... trưởng thành. Vì thế mà mọi cố gắng vẫn như chưa đầy, chưa đủ.

Đêm qua, tôi cũng chợt nhớ một người bạn khác còn sống ở Việt Nam. Khi liên lạc qua điện thoại anh còn đùa: “Giọng nói cô bây giờ so với bốn mươi mấy năm trước ở góc đường Phạm Ngũ Lão trước khi cô đi Pháp không có gì là khác, có khi còn trong trẻo hơn vì hôm nay cô không khóc như "hôm đó”. Tôi nhớ lại, “hôm đó” tôi vừa ra khỏi cái “Sở Người Nước Ngoài” thì gặp anh khi loay hoay tìm nơi làm photocopy những giấy tờ mà công an Việt cộng cần. Anh đưa tay chận cái xe Honda Dame của tôi lại khi tôi đang sụt sùi tủi thân vì những lời nhục mạ “vợ ngụy” vừa nghe được. Còn nhớ “hôm đó” trời Saigon mưa rơi nặng hạt. Ngón tay trỏ của anh trên má tôi không biết để ngăn nước mưa hay là nước mắt nhưng cũng đủ khiến cho tôi mỗi khi trời mưa nơi xứ người trong những năm đầu, lại nhớ một ngón tay chận nước trên má mình. Không biết có nên nói với anh là điều đã khác bây giờ không còn nằm ở một giọng nói, ở một nụ cười. Điều khác ở đây là lòng đã đổi, trí đã thay, vì áo lụa năm xưa đâu còn, ngày xưa đã khuất, hai đứa đều … đã già như nhau (nhạc Phạm Duy)

Tôi thường được người đời khen là can đảm. Nhưng cá nhân mình, tôi sẽ không dám, dù chỉ một lần, nhận mình là một người can đãm. Khi mà tin tức mỗi ngày ở quê hương còn có hàng triệu triệu phụ nữ phấn đấu hàng ngày trong bất công, sống đời nô lệ để có miếng cơm cho con vì mọi điều đều không trong tầm tay với giữa một xã hội nhiểu nhương, suy đồi về mọi mặt. Chỉ nghĩ tới cái ngục tù mà họ đã và đang trải qua, tôi biết những gì tôi phải chịu đựng trong đời sống mình ở nơi đây quả thật không có gì đáng nói.

Nhất là bây giờ, khi nhìn thấy một Việt Nam bi thảm sau 45 năm đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, những người dân quay cuồng kiếm ăn, tất bật từng ngày, những gương mặt âu lo đầy đường phố khi đối diện với dịch bệnh Covid và sự lãnh đạo biết chết liền của người cộng sản mà đau lòng. Trong tôi là những cảm nghĩ xốn xang, khó tả. Ngày trước 1975, chúng ta thờ ơ với những biến động của quê hương vì chúng ta chưa biết nhiều về người cộng sản. Bây giờ, biết nhiều, hiểu nhiều cũng chẳng làm gì được cho ai hết, Cái tội ngày trước và cái tội bây giờ, cái nào nặng hơn? Câu trả lời không lẽ lại chỉ gom vào hai chữ “tại, bị” giáng hết lên đầu cái đảng cộng sản Việt Nam?
 Tôi vẫn tin tưởng một cách lạc quan rằng tương lai Việt Nam sẽ khác. Dù sao thì ... có một điều gì đó để hy vọng vẫn là hơn không...
 
Hoàng Dược Thảo


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top