Hoàng Dược Thảo, Những điều tôi biết về “thầy” NGUYÊN SA

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo

Những điều tôi biết về “thầy” NGUYÊN SA




Những năm đầu của thập niên 80 thề kỷ trước, số nhà văn miền Nam vượt thoát đến Hoa Kỳ chưa nhiều. Vì vậy tất cả những người làm báo chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, cầm bút hay … cầm kéo đều rất thân nhau. Ngày đó, chuyện chiếu trên, chiếu dưới trong văn đàn đã được xoá bỏ. Ai viết bài, ai làm thơ cũng đều đăng lên báo. Khác hẳn thời trước 1975, những nhà văn, nhà thơ  trẻ thời đó như Ngụy Ngữ, như Trần Tường Trình, như Mường Mán, như Từ kế Tường, như Phạm đình Thống, như Nguyễn Tất Nhiên khi được đăng thơ, văn trên báo Văn, báo Bách Khoa là rủ anh em đi ăn mừng. Ngày đó được gặp ông Mai Thảo, ông Nguyên Sa là khó lắm. Nói gì đến chuyện ngồi cùng bàn hay nghe các ông này bàn chuyện thơ văn.

Những năm đầu tị nạn, tin  tức bên trong quê nhà vẫn chỉ là tin đồn. Do đó mà đầy bí ẩn và thương tâm. Lại tha hồ mà tưởng tượng. Hết tin nhà văn này bị cầm tù lại nghe tin người khác bị gục ngã trong các trại giam. Lần ông Võ Văn Hà từ Denver đến Orange County mang theo một cái băng cassette thu thanh buổi văn nghệ đầu tiên của Hội Trí Thức Yêu Nước TPHCM trong đó có ông Trương Thìn hát bài Em Ra Đi Nơi Này Vẫn Thế của Trịnh Công Sơn là toàn thể giới làm báo ở Orange County tụ họp ở “toà soạn” báo Nhân Chứng của ông Du Tử Lê để nghe và bàn tán về việc ... như thế là như thế nào, tại sao lại như thế được, như thế  thì TSC theo cộng chứ không phải bị ép buộc phải theo cộng.... Tiếng là “tòa soạn” nhưng thực ra chỉ là một garage ở vườn sau biến thành phòng, trong đó giấy báo, keo dán ngỗn ngang (báo chí thời đó rất … tiểu công nghệ, các ông nhà báo cầm kéo cắt nhiều hơn cầm bút), gạt tàn thuốc lá khắp nơi, mùi cà phê “mốc” nồng nặc trong những ngày trời nóng. Vậy mà, tôi đã thấy nhiều cuộc họp ‘quan trọng’ diễn ra nơi đó giữa những nhà văn nghệ tên tuổi như ông Mai Thảo, ông Nguyên Sa, ông Hoài Bắc, ông Đỗ Ngọc Yến bên cạnh những ông mà truóc 75 chỉ mới “dính” chút xíu vào nghề báo cùng những ông nhà báo “chợ” “đột xuất” ở hải ngoại. Những vấn đề đưa ra thì vô cùng quan trọng. Như làm sao tiếp tay với bà Minh Đức Hoài Trinh, ông Đạo Cù Trần Tam Tiệp để Văn Bút Quốc tế cho thành lập Văn Bút Việt Nam hải ngoại. Làm sao quyên tiền chuyển cho ông Đạo Cù để tiếp tế cho anh em văn nghệ khốn khổ trong nước. Nghe đâu, ông Đạo Cù “móc nối” được với một nữ nhân viên bưu diện Saigon sẵn sàng nhận tiền rồi đi phát cho anh em.

Lúc đó, tôi chỉ là một người đi bên lề. Sau này, có ông nhà văn đã đuà rằng: HDT phải  đỗ bao nhiêu là cái gạt tàn thuốc lá mới lên được lên chức chủ nhiệm báo Saigon Nhỏ. Điều này tôi nghĩ có khi còn phải thêm vào một “thưc tế” khác là HDT đã từng phải nấu bao nhiêu bình trà, bao nhiêu bửa cơm dã chiến có gì ăn nấy. Cơm nấu ngon hay dỡ thì không biết nhưng thời đó, sau khi ăn thường thì các nhà văn nghệ đã cãi nhau hăng say vô cùng đến nổi có một lần hàng xóm Mỹ không hiểu tiếng Việt nên không biết gì về những cuộc bàn luận văn chương đang diễn ra đã gọi cho cảnh sát vì quá ồn ào.

Thường thì sau những buổi họp này, thầy Nguyên Sa là người về sau cùng. Bao giờ ông cũng ở lại nói chuyện với tôi một chút. Danh từ “hội đồng chuột” là do ông nói với tôi sau mỗi buổi họp. “Hội đồng chuột” họp xong rồi, cô có gì cho chúng tôi ăn không? “Hội đồng chuột” hôm nay cãi nhau hăng quá, Việt cộng sắp thua đến nơi rồi? Có khi ông hỏi tôi về một bản nhạc “sến” trước 1975 và hỏi tôi có thuộc lời hay theo tôi ai hát bài hát này hay nhất. Chả là vì giữa tôi và ông còn có thêm cái tình “thầy trò” vì tôi có học Đệ Nhất ở trường Văn Học, Saigon.

Năm 1963, tôi vừa xong tiểu học thì bà tôi mất. Tôi về lại Saigon thì đã qua kỳ thi vào trường. Khi đó các anh, các chị đều đã lớn hơn nhiều nên không cha mẹ tôi  bổng “quên’ đi rằng còn có một con nhỏ phải lo. Tôi ở nhà chơi khơi khơi hai năm liền. Mỗi buổi tối cha tôi về dạy tôi một bài luận Pháp văn hay một bài toán còn thì tôi được tự do cả ngày, không phải đến trường. Sống ở giữa một trang trại chăn nuôi, theo người làm chăn bò, nuôi heo hoài cũng chán nên tôi tò mò đến cái tủ sách gia đình. Rồi từ đó tôi mê đọc. Tôi đi từ chuyện cổ như Anh Hùng Náo Tam Môn Giai sang Ngủ Hỗ Bình Đông, Ngủ Hỗ Bình Tây, Thủy Hử, Tam Quốc Chí sang truyện chưỡng Kim Dung. Từ Alphonse Daudet qua Tự Lực Văn Đoàn… Chỗ tôi thích nhất khi đọc sách không bị ai làm phiền là bóng mát dưới chân cây rơm to tướng sát hàng rào tre mạnh tông bao bọc quanh nhà. Tôi có một bà vú nuôi lại là một người cô họ. Thường thì đến bữa cơm, cô ba Ngọc Anh đi tìm tôi về ăn cơm. Khi đọc sách chán, tôi đi tìm những sách toán của các anh chị tôi để lại ...làm chơi cho vui. Có điều gì không hiểu, tôi hỏi cha tôi. Toán học trở thành một trò vui, đố chơi  rồi học lúc nào không hay.

Năm 1966, ông Lương Trọng Tường, Hội Trưởng Phật giáo Hoà hảo từ Long Xuyên ghé qua nhà thăm ba mẹ tôi, Cậu Tường thứ ba. mẹ tôi thứ mười, em gái út. Tôi vẫn gọi ông là cậu ba. Ông ghé qua nhà, thấy tôi chơi ở nhà tự nhiên như ... chuyện thường ở huyện thì thắc mắc rằng sao ngày thường mà tôi không đi học. Cha tôi ... hình như mới chợt  nhớ ra điều này. Cha tôi bảo cậu ba tôi rằng tôi rất thông minh, có trí nhớ “phi thường” cái gì đọc qua là tôi nhớ liền, vì thế tuy chỉ học lai rai ba sợi với cha tôi ờ nhà vài  đêm một tuần nhưng tôi rất giỏi toán và Pháp Văn, hơn hẳn các anh chị lớn hơn tôi năm, ba tuổi. Trình độ ngang với Tú Tài. Trừ Việt Văn.

Thế rồi không hiểu sao, nghe xong điều này, câu ba Tường lại có ý nghĩ là xin cho tôi thi thử bằng Tú tài I. “Mình xin thi chứ đâu có xin bằng cấp”. Rồi ông đích thân đi gặp bác sĩ Nguyễn Tiến Hỹ, Ủy Viên Giáo Dục của UB Hành Pháp của ông Nguyễn cao Kỳ xin được đặc cách cho tôi được dự thi Tú tài I “thí sanh” tự do mà không cần học bạ. Cha tôi cầm giấy cho phép tôi được dự thi đến trường Chu Văn An nộp đơn xin cho tôi dự thi thí sinh tự do. Khi đọc cái giấy viết tay có đóng triện của ông Nguyễn Tiến Hỷ, rồi nhìn lại con bé con là tôi, ít ai tin nổi là tôi xin thi Tú tài I. Khi nào có dịp tôi sẽ xin kể lại về ‘công trình’ dạy Việt văn cấp tốc cuả cha tôi dành cho tôi.

Thế mà tôi đổ tú tài I khi mới 15 tuổi. Lại đổ cao, hạng Bình mới kỳ. Một người quen với một ông cậu của tôi  là cô giáo Ngọc Sương trường Gia Long thấy vậy xin cho tôi được vào trường Gia Long học Đệ Nhất. Tôi đi từ một con bé học tiểu học trường Tây qua cái không khí “điệu ơi là điệu” của trường nữ trung học này được vài tuần thì “vấn nạn” lớn xãy ra là trong nhà không ai đưa đón tôi đi học cả. Trong khi đó, tôi có một ông anh đang theo lớp Đệ Nhất tại trường Văn Học của thầy Nguyên Sa Trần Bích Lan. Gia đình tôi có quốc tịch Pháp nên ông anh này của tôi nạy cớ sức khỏe kém, đâu có sợ phải đi lính, cứ tà tà  vừa học, vừa chơi và phá phách. Anh ấy bị thầy Trần Bích Lan đuổi một lần vì vẻ lên lưng áo dài của nữ sinh ngồi trước mặt. Đó là một  cô gái to lớn kềnh kàng, anh tôi vẻ một cái máy bay B-52 lên lưng áo của cô ta vì “nít-nêm” của cô này là B-52 di động.

Thế là cha mẹ tôi giải quyết vấn đề là tôi sẽ bỏ trường công Gia Long để sang học trường tư Văn Học. Tôi có người đưa đón, đồng thời anh tôi bị tôi “cột chân” sẽ không thể bỏ học đi chơi nữa. Trường Văn Học có thông lệ là học sinh giỏi nhất lớp không phải đóng học phí, hạng nhì đóng ½ tiền, hạng ba đóng 1/3. Hình như cha mẹ tôi không phải đóng học phí cho tôi bao giờ. Năm đó hai anh em cùng đậu Tú tài và hay nhất là hai anh em cùng đậu vào trường Dược. Lúc đó tôi mới 16 tuổi. Vì chúng tôi có quốc tịch Pháp nên khi xếp số báo danh, người ta xếp theo họ mà bỏ qua cái tên Tây nên chúng tôi được ngồi gần nhau. Khi trông thấy kết quả kỳ thi tuyển, thầy Nguyên Sa phán liền là: tôi không tin là em thi đổ. Chắc “nó” làm bài cho “mầy” chứ gì. Vậy mà sau này, ông anh đó của tôi lại là một người chồng, một người cha vô cùng đạo đức nhất trong số ba ông anh của tôi. Anh ấy đọc nhiều sách thiền, sách Phật, tâm tư hiền hoà, lo cho mọi người và là người gần tôi nhất.

Khi  còn  rất trẻ tôi quyết định lập gia đình với một thi sĩ. Đôi khi tôi gặp thầy Nguyên Sa khi theo người này đến nhà in do em gái của thầy làm chủ,  Thầy thường lo ngại cho việc học của tôi dù vẫn khen là tôi thông minh. Sau này khi  gặp lại nhau ở Orange County, đời sống tôi đã khác. Nhưng vì thế mà thầy thường điện thoại nói chuyện với tôi luôn. Nhất là thời gian thầy làm băng nhạc. Thầy thường hỏi tôi về những bản nhạc trước 1975. Tính tôi thích nghêu ngao nên thuộc nhiều nhạc. Những phải đến khi tôi thực sự bước chân vào nghề làm báo biết thì  tôi mới “biết’ thầy Nguyên Sa hơn một chút.

Tôi thấy mọi điều thầy Nguyên Sa Trần Bính Lan làm đều như chơi mà thành thật. Bây giờ nhìn lại cái đời làm báo của mình ở hải ngoại , tôi thấy ông thật thông minh và dứt khoát. Ông xông xáo, thẳng thắn, bút chiến hung hăng... Lúc nào cũng hăng say dù là làm thơ, bút chiến, viết hồi ký hay làm tin cho báo chợ. Báo Dân Chúng. Báo Đời. Ông luôn có một thái độ hăng say, hào hứng. Cái hăng say, hào hứng mà người được tiếp xúc với ông có thể cảm nghiệm được dù là một đứa học trò nhỏ trưóc 1975, khi ông cầm cục phấn trắng bước vào lớp học. Có thể đó là lý do ông đã thành công hơn rất nhiều người trên mọi phương diện: dạy học, viết sách, viết truyện, làm thơ, làm báo, làm chính trị… Ông làm báo kiểu một mình, một ngựa, viết bài, đi xin quảng cáo, đi gặp thân chủ quảng cáo để thu tiền bằng một thái độ an vi tự tại mà tôi ít thấy một nhà văn nổi danh nào làm được.

Nhưng đến khi  ông xông vào lãnh vực băng nhạc thì tôi mới thấy thật buồn cười. Ông nói về phòng thu băng, về ca sĩ, về những cô ca sĩ nói ngọng tiếng Việt hơn tiếng Anh, nhạc sến (tức nhạc Boléro thời nay) bán chạy hơn nhạc cao, Tuấn Vũ, Linda Trang Đài ăn khách hơn Vũ Khanh, Lệ Thu, Tuấn Ngọc... Trung Tâm Băng Nhạc Đời của ông ra đến hàng trăm cuộn băng cassette. Báo của ông giản dị, vài ba bài hầu hết do ông viết dưới dạng Tạp Ghi .Văn xuôi của ông như người ông. Giản dị mà không giãn dị chút nào. Thấy dễ mà không dễ. Chiêu thức ra như chơi mà vững như bàn thạch. Có lần, thiên hạ phê bình: Sao báo ông chỉ toàn quảng cáo. Ông trả lời: Báo quảng cáo, không đọc quảng cáo thì đọc cái gì. Lại có người chê: dạo này báo ông  ... xuống quá. Ông cười cười: tôi đi xuống hoài mà cũng chưa gặp được “thằng” nào đi lên. Ông lạc quan và đầy năng lực sáng tạo. Với cái mũ béret che đầu, cái quần jean xập xệ, một trong những thi nhân lớn nhất của Việt Nam thời cận đại đã đi vào chợ báo Bolsa như con kình ngư lạc vào dòng sông nhỏ nên vừa đi vừa cả cất tiếng cười. Ông qua đời năm 1998 vì bệnh ung thư. Làng báo hải ngoại  từ đó mất đi một tiếng cười vững vàng, đầy tự tin, sôi động nhất.

Sau 47 năm mất nước,  đa số những người có tên tuổi, đa số những tài năng của văn hoá Việt Nam đã ra người thiên cổ, không chỉ làng báo ở hải ngoại bị vướng vào tình trạng hụt hẩng vì không có một thế hệ chuyển tiếp mà ngay cả trong nước, với hơn 90 triệu người đang sống, ăn, ngủ trong cơn ác mộng tạo ra bởi đảng Cộng sản Việt Nam, không biết bao giờ đất nước Việt Nam mới có lại một nền văn học và một bầu không khí văn nghệ như xưa. Thương cho những thế hệ đi sau mà cũng như thương cả cho mình....

Hoàng Dược Thảo



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top