Hoàng Dược Thảo, Nhật ký tháng 10-2009

Phiếm Dị

Nhật ký tháng 10-2009
Hoàng Dược Thảo



Từ trên cao ốc nhìn xuống, thành phố Manhattan như chìm giữa lá vàng vào muà thu. Ngoài khu trung tâm thương mại vây quanh bởi những con đường Fifth Avenue, Park Avenue, Lexington, Madison, thành phố được coi là thủ phủ tài chánh của thế giới lại có rất nhiều những con đường nhỏ quanh quẩn kiểu nhà phố của Việt Nam, buôn bán ở tầng dưới và sinh sống ở những tầng trên. Những lúc con cháu đi vắng, tôi thường ngồi bên cửa phòng khách nhìn những ngọn cây bắt đầu chuyển màu với người bạn “đồng hành” quen thuộc là hai cái que đan.

Khi con gái tôi chọn ở lại nơi đây để sinh sống, thời gian đầu, mỗi lần lên thăm con là một lần tôi khổ sở vì tiếng động ngày đêm không dứt của thành phố này. 4 giờ sáng vẫn thấy xe taxi nối đuôi nhau dưới đường, bấm còi như giữa ban ngày. Mọi người như đã quen, không ai còn thấy đó là điều “bất thường” như “người” du khách bất dắc dĩ này. Ngược lại, con gái tôi mỗi lần về thăm mẹ lại than là không ngủ được vì “nhà mẹ yên lặng quá”, một sự yên lặng mà nó cho là “bất thường”. Dạo chưa lập gia đình, apartment của cháu ở tầng thứ 19 của một building dọc bờ sông Hudson, tứ thời gió thổi rầm rập, những khung cửa kính chạm vào nhau kêu leng keng cả đêm, tôi không tài nào ngủ được. Vậy mà bây giờ sau 20 năm lui tới thăm con, New York lại trở thành một phần của đời sống tôi bây giờ. Những con đường nhỏ, những cửa hàng nho nhỏ quen thuộc kiểu gia đình cha truyền con nối thường chào “bà già Á Đông” mỗi khi gặp lại: bà đi thăm con, bây giờ thì: Bà đi thăm cháu, con bé dễ thương quá... mỗi khi hai bà cháu… xuống đường.


Khi đi qua những con đường ồn ào đầy người của thành phố Manhattan, tôi có một vạn điều suy nghĩ cho riêng tôi, cho những người bạn, những người thân vừa bỏ tôi mà đi. Cũng không phải là tôi không nghĩ đến những người còn ở lại nhưng vì đến một tuổi nảo đó, những “vấn nạn” của chúng tôi hình như lại rất giống nhau, không có  gì  “mới lạ”.  Những người dân của thành phố này chắc cũng như tôi với vạn điều ngổn ngang trong đầu, ai cũng hối hả trong thế giới của mình, một thế giới à tôi biết khác biệt hoàn toàn với thế giới của tôi. Thế giới của họ không có một miền  Trung mỗi năm, mỗi lụt vào tháng 10, một con sông Gianh hai thế kỷ truớc chia hai họ Trịnh Nguyễn, bây giờ là mồ chôn nhiều ngôi nhà sau những  cơn lụt lội. Thế giới của họ sẽ  không có những người làm ra luật, thi hành luật nhưng lại sống không theo một luật lệ nào của con người vào thế kỷ 21.

Khi đi lang thang trên những con đường rất đẹp, rất ngăn nấp của thành phố Manhattan, tôi nhớ về những con hẻm chằng chịt của thành phố Saigon, về cái thế giới của bạo hành, của bất công, của đêm đen và nước mắt của những người lao động nói cùng một ngôn ngữ với tôi đang gánh chịu một cách cam phận ở quê nhà. Ở nơi đây là một thế giới mà đời sống được tổ chức “từng centimét”, người người tôn trọng lẫn nhau, họ tránh nhau rất cẩn thận và lễ phép trên đường. Cái thế giới mà dắt chó đi chơi là một nghề toàn thời gian cho một số người. Bên kia là cái thế giới mà chó đóng vai trò “chứng nhân” cho giai cấp trong xã hội, chó “cán bộ” nuôi bằng thịt bò, ra công viên dạo chơi và chó “dân nghèo” bị nhận chết dưới sông nhân danh phòng chống bệnh. Tôi đi giữa những người khác màu da, khác chủng tộc, tai một nơi mà tôi đã sống suốt thời kỳ trưởng thành, đã thành nhân, đã lập thân nhưng điều gì đã khiến tôi khác họ? Hay đó chỉ là vì cái ký ức về phần đất quê hương vô cùng xa lạ mà cũng vô cùng gần gủi đã mang theo khi xa lìa quê hương?


Nhớ lại, cái đời nữ sinh viên Saigon của những ngày trước 1975, chúng tôi hầu như không biết gì về tình hình đất nước, không biết một con đường nào của quê hương khác hơn con đường đi và đến trường. Cái chạm tay đầu tiên với một người khác phái trở thành định mệnh của suốt một đời. Tưởng tượng hoài mà không thể hình dung nổi. Imagine that! Tên một bản nhạc của Peggy Lee. Bước chân ra khỏi quê hương mở ra cho đời người phụ nữ Việt Nam muôn ngàn cánh cửa của nghề nghiệp, của xã hội bên ngoài nhưng phần đời sống tuổi nhỏ cách gì xoá được. Nhìn thấy, nghe được ngôn ngữ của thanh thiếu niên Việt Nam bây giờ, nghe ngôn từ của những bản nhạc, những đối thoại trong các vở kịch trong và cả ngoài nước, trên mạng xã hội, tôi kinh hoàng trước sự thay đổi cuồng bạo của đất nước và con người Việt Nam. Tôi tự hỏi bao giờ thì văn hoá, truyền thống đạo đức của Việt Nam sẽ được phục hồi trở lại?

Ngày thứ sáu cuối tháng 10 khi tôi có mặt ở New York trời mưa và nổi gió. Ông thông gia của tôi, một giáo sư của trường đại học Y khoa New York mất đã ba tháng nay nhưng đến hôm nay tôi mới gặp lại bà thông gia để chia buồn. Tang lễ của ông thật giản dị theo di chúc của ông nên bà đã gọi điện thoại bảo tôi không cần sang vì thủ tục thiêu xác đã được cử hành ngay ngày hôm sau.

Mỗi lần gặp nhau, bà Kathryn và tôi thường rủ nhau đi lang thang tìm nơi ăn trưa và nói chuyện. Lần này cũng vậy. Chỗ mà tôi và bà thích nhất là tiệm cà phê bên ngoài thư viện của thành phố New York. Không khí ấm cúng và hơi tối.  Buồn cười là chúng tôi rất hợp nhau về quan điểm chính trị dù là chính trị của nước Mỹ hay chính trị toàn cầu. Hôm đó chúng tôi đang bàn về mộng bá quyền của đảng cộng sản Trung Hoa. Khi bước chân vào tiệm cà phê quen thuộc, chưa kịp xếp lại cây dù đầy nước mưa thì bà ngó tôi và chúng tôi cùng phì cười. Tiệm cà phê đó đã đổi chủ. Một người đàn bà Trung Hoa phát âm tiếng Anh nặng nề và khó nghe đang đứng thu tiền trong khi những người giúp việc hầu hết đều là người Hoa hay người Mễ.  Ở Pháp cũng vậy: nhiều hãng rượu, nhiều cơ sở tiểu công nghệ truyền thống của người Pháp đã rơi vào tay ngươi Trung Hoa. Ngay cả một hệ thống bán lẽ mỹ phẩm của Pháp hiện nay cũng đã bán cho người Hoa. Tất cả những cửa hàng hiệu danh tiếng như Chanel, Louis Vutton, Christian Dior đầy nhân viên bán hàng người Hoa vì du khách người Hoa đông hơn những sắc dân khác. Thế giới muốn tránh hiểm họa Trung Hoa coi chừng đã muộn.

Cả hai ông bà thông gia của tôi đều là y sĩ, sau khi về hưu, họ đã đi khắp nơi, khắp thế giới để truyền bá kinh nghiệm và sở học của họ. Khi ông mất tôi mới biết rõ về sự nghiệp của ông khi đọc bản tin trên tờ New York Times về việc ông qua đời và trướng đại học Y Khoa ở New York thành lập một quỹ học bổng cho sinh viên y khoa ưu tú mang tên ông. Ông là một chuyên viên về bệnh truyền nhiễm, là người đã khám phá ra sự xâm nhập của loài muỗi West Nile tại lục điạ Mỹ Châu, cũng là người đã phát động chiến dịch chũng ngừa cúm heo HN1 gây ồn ào tại các nước Á Châu trước đây.

Bà Kathryn lại có thêm bằng tiến sĩ về ngành quản trị nhà thương. Từ khi về hưu hai ông bà đi khắp nơi, trong khi ông giảng dạy về cách ngừa bệnh truyền nhiễm tại các trường y khoa thì bà cố vấn cho các nhà thương kiện toàn cách quản trị, bảo quản hồ sơ bệnh nhân. Ở tiệm cà phê ra, trời mưa nặng hạt. Chúng tôi đi bộ trong mưa như hai đứa trẻ. Tôi bảo bà Kathryn là ông bà có một đời thật đáng sống và tôi hứa với bà là sẽ thu xếp công việc để đi theo bà vài chuyến học hỏi về đời sống của một người làm việc thiện nguyện nơi xứ người. Ước gì tôi có được kinh nghiệm cuả bà để sau này biết đâu chừng tôi có thể giúp ích được cho người nghèo ở quê tôi...

Ngày hôm sau, thứ bảy, trời mưa và gió còn hơn ngày thứ sáu. Bà Kathryn gọi tôi từ sớm để khuyên tôi ở nhà vì bà biết tôi vẫn thích những ngày mưa, trời mưa vì bà không muốn tôi bị cúm vì dịch cúm đang lan tràn trong thành phố New York chứ không phải chỉ có Covid. Tôi có hứa vậy mà không giữ được lời hứa bởi vì thành phố New York  dưới mưa quả thật có cái quyến rũ riêng của nó. Tôi đi vào những cửa tiệm bán quần áo trẻ con lựa vài món quà Giáng Sinh cho các cháu, nhìn những người mẹ trẻ đang bình an lựa quần áo cho con và nghĩ đến những phần đất khác trên quả điạ cầu này, bao nhiêu bà mẹ trẻ đang vắt khô dòng sửa để cho con bú, những giọt sửa sau cùng trong thân thể đã khánh kiệt của mình. Nhiều cửa hàng bán đồ trang hoàng nội thất của Pháp treo bảng dẹp tiệm trong đó có một cửa hàng bán dentelle và những cái tassels rất đẹp. Tôi không biết dịch chữ này ra tiếng Việt ra sao trong trường hợp này nhưng đại loại đó là những “quả cầu đủ kiểu” được dùng ở hai đầu những dây lụa cột màn cửa. Lại nhớ đến lời khuyên của một nhà trang trí nội thất. Các bà thường quên là phòng ngủ chung là nơi “một người đàn ông” “phải” sống cùng với các bà ở trong đó. Phụ nữ khi trang trí phòng ngủ thường “quên” mất điều này. Thử tưởng tượng ra ‘nỗi khổ” của đàn ông khi phải sống giữa dentelle, giữa lụa là, giữa những màu hồng, màu đỏ, giữa nước hoa và son phấn trong đời sống chung. Có cần phải ban cho các ông thêm một bằng ban khen khi đã phải sống cùng với những cái “ấm ớ” của đàn bà hạnh phúc trong an phận?

Nhiều năm trước đây, có một lần tôi đi vào thư viện New York khi đang yêu tha thiết một người. Đó là “bối cảnh” cho vài câu thơ đã làm:
Nỗi nhớ cùng em vào thư viện
Con đường lót chữ ngợp mùa trăng
Nghìn năm một bóng soi dòng nước
Như rất tình cờ, ai nhớ ai? (Thơ Thụy Châu)

Buổi chiều khi gặp lại, con gái tôi rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy tôi sũng nước. Nó vẫn thường mau nuớc mắt như vậy. Cháu là một phụ nữ độc lập, tự tin, thành công ở thành phố New York này. Người phụ nữ tôi luyện trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt này thường chỉ có 2 đường: hoặc sẽ thành “ác quỹ” với một tâm hồn chai sạn, chai đá hoặc sẽ thành một “thiên thần” với lòng vị tha và một đức tính chịu đựng vô bờ. Con gái tôi ở vào trường hợp thứ hai. Phải “giỏi”  như thế nào để có thể giữ được một tâm hồn êm ả và bình lặng như thế. Vì thế mà tôi thương con tôi không biết là bao nhiêu khi nghĩ đến những điều “bất khả” mà nó phải nuốt trong lòng khi sống trong cuộc đời này như là một thiên thần. Hy sinh, chịu đựng. Tội cho con!

Bà Kathryn cho tôi biết tổ chức thiện nguyện của bà đã ngưng chuyến đi dự dịnh vào Việt Nam vào đầu năm tới vì tình hình “xáo trộn” của Việt Nam trong cơn đại dịch Covid khiến cho những mục đích từ thiện của họ khó thực hiện được. Tuy là người ngoại quốc nhưng bà tiên đoán là Việt Nam sẽ phải trải qua một thời gian xáo trộïn “mãnh liệt” trước khi bình định vì chính phủ Việt Nam chống dịch và phòng dịch không theo những điều căn bản về phòng chống dịch bệnh. Chống Covid là phải chống khắp nơi chứ không phải chỉ chống tại địa phương đang bùng phát, chích vaccin là phải chính cho mọi người dân chứ không phải chích tùy trường hợp, tùy vùng. Hiện nay, những “ổ dịch” đã di chuyễn về các tỉnh phía Nam như Bạc Liêu, như Kiên Giang… Nghe nói chính phủ Việt Cộng sẽ mở cửa lại cho du khách vào Nha Trang, Đà Nẳng, Saigon, Quảng Ninh mà rùng mình…

Bà thông gia Kathryn biết tôi làm nghề viết báo nên thường gọi đùa tôi là “ma petite Che Guevara” mặc dù tôi đã bảo với bà nhiều lần là tôi không bao giờ có được sự quyết tâm của một người làm cách mạng. Nhưng suy nghĩ và quan tâm thì có. Trong đó có luôn cái cảm nhận may mắn khi được cầm bút ở xứ sở tự do này, một điều mà chắc chắn là tôi không thể có được nếu còn sống trong nước, ngày này.

Mùa đông năm nay hứa hẹn sẽ là một muà đông không … bình thường như mọi năm mà sẽ lạnh khốc liệt hơn nhiều. Chính phủ Trung cộng đã khuyến cáo dân Tàu nên tích trử thức ăn và nhu yếu phẩm cho muà đông. Thành phố Paris đã có dấu hiệu khan hiếm thực phẩm Á Đông nhất là thực phẩm khô của Việt Nam như bánh tráng, bún nhất là các loại mắm của Việt Nam thì biến mất tại các siêu thị. Từ một năm nay, các ngành sản xuất của Việt Nam đều bị ngưng vì Covid, hệ thống chuyển vận cũng đình trệ nên giá cả tăng vọt.

Khi tôi rời Paris thì khu rừng hạt dẽ phía sau nhà chị tôi cũng đã rơi hết quả. Muà mưa ẩm ướt khiến hai chị em tôi mất đi cái thú vào rừng nhặt hạt. Không biết chúng tôi còn làm công việc này thêm được bao năm nữa vì chị tôi cho biết đã cảm thấy đau lưng khi cúi xuống nhặt hạt dẽ năm nay. Khi tôi nắm tay chị tôi từ giã, chị tôi nhắc tôi về ngày giỗ của cha mẹ tôi sắp tới, về tình trạng anh em phân tán khó lòng sum họp. Tôi an ủi chị tôi là còn sức khỏe thì còn gặp nhau, lo gì… Là một đứa em gái út, tôi luôn luôn có cảm giác được anh chị yêu thương và cái cảm giác này luôn luôn giúp cho tôi thấy như mình còn trẻ dại, chưa … già.

Tôi chợt có ý nghĩ sẽ đổ bánh xèo cho con gái tôi ăn vào chủ nhật tới.  Mời thêm bà Katheryn. Thế thì phải ngừng viết để mà đi chợ thôi…

Hoàng Dược Thảo
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top