Hoàng Dược Thảo, Nguyễn Đình Toàn, “sống” chỉ để chờ lúc chết đi…

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo

Nguyễn Đình Toàn,

“sống” chỉ để chờ lúc chết đi…



Nhà văn Nguyễn Đình Toàn và vợ, bà Thu Hồng (Ảnh Đặng Tam Phong)

Khi tôi đang loay hoay dọn bàn thờ sửa soạn nhang đèn để cúng giỗ mẹ tôi thì nhạc sĩ Trần Duy Đức báo cho tôi biết nhà văn Nguyễn Đình Toàn vừa qua đời. Vậy là coi như anh Nguyễn Đình Toàn mất cùng một ngày với mẹ tôi. Ngày 28 tháng 11.

Mối liên hệ của tôi với gia đình nhà văn Nguyễn Đình Toàn bắt đầu từ năm 1972, khi cái Làng Báo Chí được thành lập bên Thủ Đức. Mỗi ông nhà văn, nhà báo trong Hội Ký Giả Việt Nam được mua một căn. Gọi là “nhà” nhưng thực ra chỉ mới được chia cho một phần đất, một cái nền có 4 bức tường, có mái che nhưng chưa có điện nước, chưa có hàng rào.

Lúc đó, tôi còn “bé” chưa biết nhiều về các tên tuổi của Văn Học miền Nam, trong làng tôi chỉ biết vài người: như anh Trần Cao Lĩnh, anh Đoàn kế Tường, chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và anh chị Nguyễn Đình Toàn. Nhà anh Trần Cao Lĩnh là đẹp nhất và to nhất vì anh mua 2 căn xây làm một có cả ao cá cho… nàng rửa chân. Ông DTL mua được căn nhà rồi có tiền sửa sang là nhờ “trúng” cái GTVH năm đó. Tôi không vui lắm vì ngôi nhà của chúng tôi ở gần trường tiểu học, ồn như ong vỡ tổ cả ngày dù ngày khai trường có cả ông Bộ Trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh về khánh thành. Ngôi nhà lại nằm ở ven bờ sông Rạch Kiến, nơi mà tôi đem chôn hết quần áo lính ngụy, súng ống ông chồng bỏ lại sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Nhưng cũng có những buổi chiều không bận học thi, chúng tôi đẩy con sang chơi với anh chị Nguyễn Đình Toàn hay anh Trần Cao Lĩnh. Những con đường đất gập gềnh, nhà anh Toàn phía ngoài, nhà anh Lĩnh thì ở cuối làng. Đi loanh hoanh thì thế nào cũng gặp vài ba người quen. Có lần còn gặp một nhà báo già TVH say rượu nằm lăn quay bên lề đường. Thời đó làm gì có Cell Phone, thế là một ông lại phải ba chân, bốn cẳng chạy đến nhà báo cho vợ con ông ấy hay vì cả anh Toàn lẫn anh DTL đều thuộc loại mình hạc xương mai, không cáng đáng nổi việc đưa một ông say rượu về nhà. Buổi sáng đi học, đi làm, chúng tôi thường “đụng” nhau ở đầu con đường làng trước khi vào xa lộ Thị Nghè đi về Saigon. Bà Thụy Vũ không biết lái xe Honda nên sáng nào bà cũng đi bộ ra đầu làng đón xe lam về Sàigòn giao truyện dài viết hàng ngày cho các báo.

Tôi là người rời khỏi làng Báo Chí sớm nhất trừ những người di tản theo … Mỹ những ngày cuối cùng trước khi Việt Cộng vào. Ba ngày sau khi Ủy Ban Quân Quản của Làng Báo Chí đi kiểm kê từng nhà xem ai còn, ai đã đi mất là tôi đã xin phép được rời làng. “May mắn” cho tôi là không hiểu sao lại có tin đồn khắp làng là ông bà nhà báo PKT thấy “xác” của ông DTL dưới chân cầu xa lộ. Bà này còn tả ông DTL mặc đồ lính 4 túi. Ủy Ban Quân Quản của làng là cháu của ông nhà báo NK, nhà ở ngay đầu ngõ của nhà tôi. Ông cháu này còn là chuyên viên đổ rác của làng. Khi thấy tôi “ngơ ngác” với 2 đứa con mà “chồng” thì bị chết ở đầu làng thì đồng ý cho tôi được chuyển hộ khẩu về nhà cha mẹ tôi ngay. Nên nhớ, Làng Báo Chí khi đó thuộc Thủ Đức, lệnh cấm không ai được chuyển hộ khẩu từ vùng ven đô vào thành phố vừa đổi tên HCM cả.

Tôi bán tính, bán nghi về tin chồng chết vì chính tôi chở ông ấy ra điểm hẹn với gia đình bên chồng và chờ cho tất cả vào được bên trong Hải Quân Công Xưởng rồi mới đi về. Tôi không đi vì các con còn quá nhỏ, lại có quốc tịch Pháp. Tôi đã có Hộ chiếu và vé máy bay đi về Pháp của tôi và các con nhưng chính phủ Pháp không tài trợ hay bảo lãnh cho quân nhân của VNCH theo như sự ký kết với nhà nước Cộng sản. Vả lại lúc đi, ông DTL không mặc quân phục thì làm gì có chuyện xác chết mặc quân áo nhà binh “4 túi” ở chân cầu xa lộ lại là “ba sắp nhỏ” được.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi cũng về lại nhà để thu xếp nhà cửa dù đồ đạc đã bị “hôi” ngay, chẳng còn gì. Chị Toàn luôn luôn mừng tôi may mắn vì tôi sẽ được ra khỏi nước trong thời gian ngắn thôi. Tháng 9 thì tôi được tin ông DTL bình an đến Hoa Kỳ từ chị tôi ở Pháp nhưng theo “tinh thần bảo mật để được bình an” dưới chế độ “mới” tôi không nói với bạn bè về tin này dù tôi gặp anh Mai Thảo luôn, Mấy tháng đầu “giải phóng”, anh sống trong nhà của một người cháu, đối diện với tòa đại sứ Pháp ở Saigon, nằm trên đường Hồng Thập Tự. Đến tháng 7 năm 1976 thì tôi rời Sàigòn đi Pháp.

Khi anh chị Nguyễn Đình Toàn sang được Hoa Kỳ năm 1998 thì tôi và ông DTL đã ly dị. Chị Thu Hồng, vợ anh Toàn có về làm việc với tôi một thời gian rồi thình lình chị xin nghỉ việc vì bận chuyện gia đình. Sau này, chị ca sĩ Mai Hương cho tôi biết là chị Thu Hồng bị bệnh Alzheimer, bệnh phát triển nhanh, trí nhớ chị giảm sút hẳn. Cái khổ là trước đó, chị Thu Hồng là người lái xe, lo toan mọi việc, không cần phải nói thì chúng ta cũng hiểu là đời sống của anh Toàn sau này khổ như thế nào rồi. Chúng tôi thường đùa là anh “đang trả nợ tình gần” khi anh phải săn sóc chị Hồng bị bệnh mất trí nhớ lúc tuổi già.

Có thể nói, bà Thu Hồng là bà vợ Bắc hiền lành nhất trên thế gian này. Mỗi lần có chuyện bị các bà mê văn nghệ “lấn lướt”, ăn có “tên tuổi” của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, chị than thở với tôi nhưng lại: kệ họ muốn làm gì thì làm. Vì chị lúc nào cũng lo cho sức khỏe của anh Toàn. Chị bảo: thấy ông ấy như vậy nhưng khi nào mệt quá thì lại bật ngửa ra, bất tỉnh. Như một cái máy bị turn off vậy.

Những chuyện xảy ra sau khi chị Thu Hồng bị bệnh khiến bạn bè anh em ai cũng thương xót cho anh chị. Khi chị Thu Hồng qua đời, đời sống anh Toàn còn buồn hơn. Bây giờ anh đi theo chị Thu Hồng, cá nhân tôi,  tôi chỉ thấy anh chị đã trả xong nợ đời, trả xong nợ người. Không biết có nên chúc họ sẽ gặp lại nhau ở kiếp lai sinh không? Chị Thu Hồng khi còn sinh tiền đã trả lời tôi câu hỏi này một cách đùa cợt rằng là “thôi cô ạ, một đời thôi là sợ tới già”. Nhưng anh Toàn thì không đâu? Anh vẫn bảo là dù có được tái sinh bao nhiêu kiếp anh cũng vẫn muốn có chị ấy trong đời. Vì… kiếm đâu ra một bà hiền như bà này.

Bài viết này như một nén hương tiễn anh Nguyễn Đình Toàn lên đường. Coi như là hết luôn ký ức về những con đường đất của Làng Báo Chí. Hết luôn những câu đối thoại dí dỏm của anh về thói đời. Hết luôn những cái vung tay để lại những dấu ấn không phai trong văn nghệ Việt Nam. Nếu “sống chỉ để chờ lúc chết đi” (*) thì ngày hôm nay có thể không phải là một ngày buồn trong đời của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Chúc anh lên đường bình an.
Hoàng Dược Thảo

(*) “Sống chỉ để chờ lúc chết đi” (một câu hát của NĐT trong CD Hiên Cúc Vàng)

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top