Hoàng Dược Thảo, Người ở lại có bao giờ vui…

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo
www.saigonweeklyonline.com

Người ở lại có bao giờ vui…

Tôi là con gái út trong gia đình không … đông con cho lắm bởi vì vào thế hệ của tôi, gia đình nào cũng có hàng chục người con trở lên. Một trong những cái bất lợi của « thân phận » con út  là khi đến tuổi già thường phải làm … người ở lại có bao giờ vui. Năm ngoái tôi mất một người chị dâu, năm nay lại mất một người anh rễ. Các anh chị tôi đều ở Pháp nên những chuyến về Pháp của tôi trong hai năm qua tuy cũng là “Nghìn Trùng Xa Cách” nhưng khác với lời nhạc của ông Phạm Duy vì chuyện của chúng tôi thì “buồn nhiều hơn vui”

Thật ra, tang lễ nào cũng vậy, ồn ào, con cháu, bạn bè đầy nhà, ăn uống, tiếng cười nhiều hơn tiếng khóc dù ở hải ngoại, gặp nhau bây giờ thì thường là tang ma nhiều hơn là hiếu hỉ. “Nhân vật chính” thường thì mất hết hồn vía chứ không phải chỉ “người đi một nửa hồn tôi chết, một nửa hồn kia bổng dại khờ. Chưa kể đến cái lẩm cẩm của tuổi già. Rốt cuộc « con em út » lảnh đủ. Cái gì cũng … anh (chị) đâu có biết làm sao? Có làm bao giờ đâu mà biết? Em làm gì thì làm. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, tang thương « lớn nhất » của đời “người ta” này, hỏi nhiều thêm tội ? Tôi gọi vấn kế những người bạn mà tôi nghĩ « có thẩm quyền » để giúp tôi ý kiến tổ chức tang lễ trong tình hình và “thời thế” hiện nay. Chị dâu tôi là người đạo Thiên Chúa, anh rễ tôi lại là đạo Phật hay nói đúng hơn là đạo ông bà.

Ở Hoa Kỳ, đất rộng, người đông nhưng làm gì cũng có những người biết chuyện giúp đỡ. Khi nhà có tang chỉ cần đến nhà quàn là mọi chuyện coi như xong. Nhà quàn nào cũng có những chuyên viên « mai táng » giúp đỡ, chỉ dẫn, cũng có « connection » với nhà thờ, chùa, với ban tụng niệm, với nơi bán hoa, với nhà báo đăng cáo phó, phân ưu… Nhà chủ chỉ việc lo tiền. Ở Pháp không như thế. Năm ngoái chị dâu tôi qua đời giữa mùa dịch Covid, thuốc chũng chưa ra đời, không ai được dự đám tang được cả. Thánh lễ ở nhà thờ phải quen biết lắm mới mời được một linh mục chủ trì, vì lệnh của chính phủ Pháp không cho tụ họp trên 10 người. Cũng may là tụi nhỏ có kinh nghiệm về quay phim, thu hình nên đã thu trọn buổi thánh lễ cầu hồn cho chị dâu tôi và phát trên Facebook. Tang lễ không có nhạc Thánh Ca, không có sự hiện diện của bằng hữu hay gia đình vì thế chỉ nghe ầm ĩ tiếng khóc của bầy cháu nội ngoại bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng không còn đứa nào khóc bằng tiếng Việt.

Nhưng dù sao tổ chức đám ma đàng đạo còn dễ dàng hơn là tổ chức đám ma cho những người theo đạo « ông bà » như anh rễ tôi. Cách đây 9 năm, anh chị tôi đau đớn biết bao khi mất đi đứa con trai duy nhất mới 36 tuổi vì ung thư não. Trong lúc tang gia bối rối, một người bạn của anh  tôi đi « thỉnh » một nhà sư về tụng niệm cho tang lễ của cháu từ một ngôi chùa cách đó hàng 300 cây số. Ông sư nhỏ tuổi khi đứng bên mộ trước giờ hạ huyệt, không biết đến tình trạng gia chủ có con chết trẻ, trong bải giảng của thầy đột nhiên có câu: những người chết trẻ là vì kiếp trước họ đã phạm nhiều tội lỗi. Khỏi nói là thầy đã khiến cho “gia chủ”  « shock » như thế nào! Đến những đứa trẻ còn hiểu được tiếng Việt như con gái tôi đã « giận » ông thầy không biết là bao nhiêu. Đó cũng là tình trạng chung của các chùa ở hải ngoại, tăng ni nhiều khi không được tu tập tử tế, khi tiếp xúc với Phật tử mới lộ ra.

Vì thế, trước khi qua đời, anh tôi đã để lại di chúc là tổ chức tang lễ của anh thật giản đi, không cần đi 300 cây số rước thầy mà chỉ gia đình tụng kinh cho anh là đủ. Sắp đến ngày tang lễ, có người nhắc phải mua vải trắng để xé làm khăn tang. Cả thành phố Versailles không còn một tiệm vải nào sau đại dịch Covid. Tôi đưa ý kiến khi nhớ lại một đám tang ở Hoa Kỳ, ai cũng đều mặc đồ đen nhưng chỉ thân nhân thì được gia chủ cài một cánh hoa màu trắng trên ve áo. Không cần phải là bông hồng mà là một loại hoa mà người chết khi sinh thời ưa thích. Và chúng tôi đã làm như thế nên đám ma của anh tôi … lên hình trông rất đẹp.

Ngày chôn cất, chúng tôi tập họp trong phòng quanh linh cửu của anh tôi. Tất cả cùng tụng theo « youtube » của thầy Thích Trí Thoát, một bài tụng chỉ có câu Nam Mô A Di Đà Phật lập đi, lập lại nên ai cũng có thể tụng theo. Sau đó, bạn bè thăm anh lần cuối trước khi đóng nấp ao quan đưa ra nghĩa trang trong cùng một nơi với nhà quàn. Ở đó, chúng tôi mang theo máy phát âm để bạn bè, thân hửu, con cháu có thể phát biểu và giã biệt anh tôi. Sau khi mọi người thả những cành hoa trắng vào huyệt mô, khi nhân viên nhà quàn đậy nấp mộ (ở Pháp mộ không có lấp đất) thì chúng tôi giã biệt nhau trong tiếng nhạc của những bài hát mà anh tôi thích lúc còn sinh thời. Sau này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời khen về tang lễ ấm cúng nhưng không kém phần trang trọng của anh tôi bên cạnh người thân và bằng hữu.

*
Nhưng với một cô em út như tôi thì hậu tang lễ mới là …đáng sợ. Với những ông bà già ở bên nhau cả đời thì việc thu xếp « tàn y » của người đã ra đi là việc mà “người ở lại” ngại nhất. Người già ở Pháp khi ra đi ít người để lại gia tài cho con cháu nhưng ai cũng để lại sau lưng một cái … pharmacy đủ thứ thuốc. Tôi nghĩ người Pháp có lẽ hoang phí nhất là khoảng này. Vùa ra một loạt thuốc sau khi được định bệnh tuần này, tuần sau một định bệnh khác là bỏ đi tất cả, bắt đầu một lọat thuốc mới nên có rất nhiều hộp thuốc chưa kịp mở mà là những loại thuốc rất đắc tiền mà ở Hoa Kỳ là chúng tôi đừng hòng được miễn phí. Còn thuốc định kỳ như thuốc sổ mũi, nhức đầu, dị ứng, thuốc bơm cổ, thuốc tiêu chảy, thuốc trụ sinh, thuốc bổ, máy đo tiểu đường, đo áp huyết, đo nhiệt độ, máy thở oxygen, thuốc trị đau nhức từ nặng tới nhẹ, thuốc loãng máu… thì không biết là bao nhiêu.  mà kể. Đó là một ưu điểm hay nhược điểm của tình trạng bảo hiểm y tế theo kiểu đại đồng của nước Pháp khi mà họ xử dụng thuốc men một cách hoang phí đến thế. Tôi cũng có một chút kiến thức về thuốc men mà nhìn qua cái đống thuốc của anh tôi để lại mà phát ớn. Luật của Pháp không cho phép bỏ thuốc vào thùng rác mà phải giao lại cho các pharmacy, kể cả thuốc đã mở ra chưa dùng hết. Nhưng những thuốc đã dùng thì trước khi giao phải mở hết ra, bỏ hộp đi rồi mới được giao cho pharmacy để chắc là số thuốc này phải được thiêu hủy. Khi soạn những đống thuốc này, tôi nghĩ tới một chị bạn ở Cali thường đi mua những lọ thuốc Tylenol gửi về cho những trại mồ côi ở miền núi Việt Nam mà theo lời chị thì thuốc cảm, cúm của Tây như Tynenol hay Ducoplex của Tây rất được giá. Nhiều khi các sơ có thể đổi 10 viên Tylenol để lấy một bao gạo cho các em. Do đó chúng tôi thường gửi thuốc về cho các sơ thay vì những quà cáp khác vừa tốn tiền cước phí vừa không tiện dụng. Mấy tháng trước đây, một người bạn ở Houston tìm « xin » Metformin trị tiểu đường cho một người anh ở Quảng Trị nhưng không ai có dư để cho. Thuốc này không đắt tiền nhưng phải có toa bác sĩ mới mua được. Tôi cầm 3 hộp Metformin của anh tôi, mỗi hộp 100 viên 1000g sắp bị vứt vào bao rác mà nhớ đến bạn tôi. Luật của Tây không cho gửi thuốc qua đường bưu điện, mình cứ khai gian, gửi đại thì cũng được nhưng bắt được thì họ vứt ngay.

Năm nay soạn cái « pharmacy » của anh rễ khiến tôi lại nhớ năm trước đây, tôi đã khổ sở hơn khi thanh toán «tàn y » của chị dâu tôi để lại. Chị chết vì Covid, cái chết chóng vách nên cái « pharmacy » của chị không đồ sộ như ông anh rễ năm nay nhưng cái « kho » mỹ phẩm, kem dưỡng da, kem bôi người, kem chống nắng, dầu gội đầu, thuốc sơn móng tay vv…vv của chị tôi thì hết biết vì trước khi về hưu, chị trông coi một cửa hàng mỹ phẫm của gia đình.  Trong cái phòng ngủ rộng lớn của chị tôi, không có chỗ dành cho … con người trừ cái giường. Tôi phải yêu cầu « người ở lại » ra khỏi hiện trường và cho tôi toàn quyền thanh toán chiến trường. Sau đó, thứ gì đã mở ra, xài rồi thì tôi vứt đi, chỉ giữ lại những thứ còn nguyên vẹn để có cho ai thì cho. Khi « người ở lại » vào lại căn phòng trống trơn, những cái kệ, những tủ trong nhà tắm lần đầu tiên hiện nguyên hình, không còn hộp, không còn những chai kem lủ khủ thì “chàng” xúc động thấy rõ khiến tôi phải ngưng việc « kiểm kê » chiến lợi phẩm tại đấy. Theo lời chị gái tôi kể lại thì sau khi tôi về lại Mỹ, phải cả năm sau, « người ở lại » mới vào lại hiện trường để thu xếp nốt những đồ còn lại.

 Là em út như vậy cũng mệt lắm chớ. Vì thế, tôi vừa « ra lệnh » cho những ông anh, bà chị còn lại là « đi » từ từ thôi để tôi còn có thời gian để thở và hoàn hồn. Chứ mỗi năm một người như hai năm qua thì chắc là tôi trốn luôn. Chị Nhung hỏi lại là tôi đã lo cho thân tôi chưa.Mới dọn có hai cái « pharmacy », một cái « kho » mỹ phẩm là la om sòm như vậy thì liệu mà thanh toán trước đi chứ chị ấy thấy « gia tài của tôi » mà thương cho hai đứa con tôi. Tranh, sách, ấm trà, cây cối bên cạnh cái « pharmacy » của người già và cái kho mỹ phẩm… Tôi mới thật là tai ương cho hai đứa nhỏ. Tôi đã nghe nhiều về những « tủ sách … tai họa» của bạn bè « đi trước » để lại cho con cái khi họ ra đi. Vậy mà mỗi lần đi qua những cái kệ sách lại cứ như thấy lại bạn bè, như nghe được tiếng cười của họ trong những ngày vui đã qua mau. Hôm nào rảnh rỗi muốn đọc lại một quyền sách cũ, thấy lại dòng chữ đề tặng hay chữ ký của người đã khuất thì lại buâng khuâng, không biết làm sao mà « bỏ » sách của họ được đây. Một người rất « thương » tôi đã cho tôi biết về cách anh giải quyết cái tủ sách của anh: nói chuyện với một thư viện trong nước, gửi về cho họ danh sách sách mình muốn gửi tặng để họ chọn trước khi đóng thùng gửi cho họ.

Nghe không thôi đã đủ nãn. Nhất là sách vở ở hải ngoại hầu hết đều không có cùng chính kiến với « nhà nước ta ».  Ngày ông Võ Thắng Tiết dẹp nhà XB Văn Nghệ, ông đã phải chở hàng chục xe sách đến bán giấy vụn cho công ty phế thải đối diện với nhà in của tôi ở Garden Grove. Nói tóm lại, tôi vẫn chưa dứt khoát được với chính mình làm thế nào để không để « nợ tàn y» lại cho con.

Khi anh rễ tôi nằm xuống tôi mới nhận ra rằng tụi con cháu ở Mỹ, ở Pháp không biết gì về đời sống của người vừa ra đi ngoài việc ông là một người rất hiền lành, hay lo cho mọi người. Những người bạn thân của anh đều ở xa, lại có vấn đề về sức khỏe không đi dự đám tang được. Tôi nói với chị tôi là tôi muốn nói về đời sống, con người của anh rễ tôi cho bầy con cháu biết. Khi muốn làm việc này tôi phải gọi vài người bạn đi du học cùng thời với anh, đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 để hỏi và chính tôi cũng kinh ngạc về những điều thu thập được.

Chị tôi đã chọn được phần mộ cho hai ông bà ở nghĩa trang thành phố Versailles rất đẹp và yên tỉnh. Thành phố cổ thiết kế nghĩa trang theo phong cách hoàng gia Tây, những con đường nhỏ rợp bóng cây đi giữa những hàng mộ, tươm tất. Mộ anh tôi nằm sát khu rừng hạt dẽ mà mùa này những chùm trái đong đưa trông thật là dễ thương. Năm ngoái tháng 10, anh tôi còn sống, chúng tôi đã đi vào rừng lượm hạt dẽ về luột ăn. Năm nay, chắc chị tôi phải đi nhặt một mình vì tháng 10 năm nay tôi không còn có mặt tại Paris.

Một tuần sau tang lễ, khi nhân viên dọn dẹp thu dọn hết hoa tang trên phần mộ, tôi và chị tôi đi chợ trời mua hoa để trên mộ cho anh tôi. Gần lâu đài Versailles, có một chợ trời bán hoa quanh năm, đủ loại hoa cắt, hoa cây mà giá lại rẽ so với ở Hoa Kỳ. Khi đi dạo trong rừng cây sau khu nhà, tôi tìm thấy không biết bao nhiêu là những cành cây khô phụ trợ cho một lọ hoa cắm kiểu Ikebana của Nhật. Năm ngoái, sau khi tôi đi về Mỹ, anh rễ tôi rất thích khi dùng những cành cây khô này để chống cho những chậu rau anh trồng. Buổi chiều, chúng tôi ra mộ, ngồi dưới bóng mát, nghe thông reo rất bình yên chung quanh. Phật giáo nguyên thủy cho rằng ngay khi hồn lìa khỏi xác là coi như … người đã đi rồi, không có chuyện 49 ngày, 100 ngày. Tôi và chị tôi cũng cảm thấy như anh tôi đã đi xa, không còn ở cõi đời này. Nơi đó chắc chắn không có những mũi kim tiêm, không có máu, không có nước biển, không có những cơn đau xé người. Tôi bảo chị tôi là đời người cái gì cũng tùy số mạng. Anh chị tôi ở thành phố Versailles, nơi có một nghĩa trang vô cùng đẹp đẽ và yên tỉnh, xe có thể chạy thẳng vào phần mộ qua những con đường cây giao nhau thành vòm. Thành phố này nhà cửa rất đắt nhưng lại có một nghĩa trang rất to rộng, rất đẹp. Năm ngoái khi chị dâu tôi qua đời, nghĩa trang khu nhà chị không được yên tịnh, dù thành phố rất thị tứ. Khi đi viếng mộ, anh tôi phải tìm ra chỗ đậu xe rồi mang hoa vào được đến nơi cũng đủ khổ. Vậy mà anh ruột tôi thương vợ, mộ của chị dâu tôi đầy hoa. Đó là tình nghĩa hay đó là duyên nợ? Nghĩa trang ở Pháp đều là của chính phủ nên ai ở đâu thì chôn ở đó, ai chết cũng có chỗ chôn mà tiền đất lại rẽ hơn ở Mỹ. Lại còn tục chôn chồng lên nhau, có thể chôn chồng lên đến 4 tầng: một gia đinh mua một huyệt mộ, chôn chồng lên nhau đến 4 người để tiết kiệm. Còn muốn bỏ vào đó bao nhiêu hủ tro cốt cũng được. Có thể mua 10, 15, hay 20, 25 năm tùy theo ngân sách của gia đình, chính phủ sẽ báo cho biết ngày hết hạn để hốt cốt. Chỉ khi nào thân nhân không lo được thì chính phủ sẽ lo. Vì vậy mà nghĩa trang thành phố ở Pháp không bao giờ thiếu chỗ nếu muốn chọn giải pháp chôn cất. Khác với ở Hoa Kỳ, chôn cất là cả một vấn đề cho người nghèo vì đất nghĩa trang rất đắt mà thủ tục tang ma cũng rất đắt.
Năm nay, để tránh cho chị tôi những khoảng thời gian trống vắng vì thiếu anh tôi, chị tôi sẽ theo tôi về Mỹ một thời gian vì tháng 7, tháng 8 là hai tháng Tây cũng đi nghĩ hè mà. Ở đâu quen đó thật. Tôi cũng thích Paris nhưng đi xa vài tháng thì lai nhớ cái tiện nghi của đời sống ở Mỹ. Quí bạn đọc nào có ý kiến giải quyết hộ cái tủ sách của tôi thì cho tôi biết với? Chứ « gia tài của mẹ » để lại con là vài ngàn quyển sách tiếng Việt dù là sách hiếm quí, sách biên khảo, sách của tác giả ký tặng chắc cũng không phải là một điều… « vui mừng vui quá vui » cho lũ nhỏ?

Hoàng Dược Thảo
 

Bài nói chuyện trong tang lễ của
Ông Mã Hoài Châu,
một trí thức miền Nam yêu nước

Tôi xin tự giới thiệu tôi là em của bà Mã Hoài Châu, vợ của người quá cố. Tôi rất hân hạnh được gia đình chị tôi cho phép tôi được đại diện để nói về người quá cố, ông Mã Hoài Châu.
Tháng 7 năm 1976, 15 tháng sau khi chiến tranh chấm dứt, tôi và hai đứa con tôi, một đứa lên 4, một đứa  lên 2 được bảo trợ về Pháp theo chương trình hồi cư của chính phủ Pháp dành cho những người có Quốc tịch Pháp. Thời đó, chưa có Cell phone, chưa có Internet, nên mãi đến khi đến được trại tiếp cư ở Sarcelles tôi mới liên lạc được với gia đình. Con trai tôi, sinh thiếu tháng nên không được khỏe mạnh, 15 tháng ở Saigon sau chiến tranh, lại càng ốm yếu hơn. Đêm thứ hai trên đất Pháp cũng là đêm cháu Thụy Du bị suyển năng sau một chuyến đi kéo dài nhiều ngày. Cũng may là đêm đó tôi và hai đứa nhỏ đã được chuyển về Villiers Sur Mars, phía Nam Paris. Khi gặp được gia đình thì cũng vừa kịp bế cháu Thụy Du đi thẳng vào nhà thương cấp cứu. Người bế nó vừa đi vừa chạy  đến nhà thương là ông Mã Hoài Châu. Và đó cũng là lần đầu tôi gặp anh Châu. Từ đó đến nay, đối với các con tôi, anh Châu là hình ảnh người cha hiền từ, tận tụy mà chúng nó không có.
Đứa nhỏ ốm yếu, xanh như tàu lá chuối mà anh Châu tôi đưa đi cấp cứu một đêm  của năm 1976 hiện nay đã 50 tuổi. Hai đứa con tôi không có mặt ở đây hôm nay vì chúng đang ở Hawaii mừng sinh nhật 50 tuổi của con trai tôi nhưng khi nghe tôi báo tin Bác Châu đã ra đi, chúng nó đã bùi ngùi nhắc lại chuyện Bác là người đã cho chúng con đi nghỉ hè khắp nơi ở Âu Châu khi chúng con còn nhỏ. « BÁC ĐÃ CHO CHÚNG CON NHỮNG MÙA HÈ ĐẸP NHẤT CỦA TUỔI THƠ”

Tôi là con gái út trong gia đình có 3 bà dâu, 3 ông rễ nhưng chỉ có anh Châu là người duy nhất không cho chúng tôi cái ấn tượng “dâu, rễ” khi chúng tôi nghĩ đến anh. Ngay cả cha mẹ tôi khi còn sinh thời cũng thế, anh Châu như một người con trai của ông bà. Phần nói chuyện ngày hôm nay, không phải chỉ dành riêng cho khách mà còn dành riêng cho những người thân trong gia đình, những đứa con, những đứa cháu, chỉ biết Papa, Papi, bác Châu, ông Châu nhưng không ai biết gì về đời sống, về cá tính đặc biệt của anh tôi, ông Mã Hoài Châu.

Năm 1976 khi tôi gặp anh, anh nói tiếng  Việt theo cách phát âm của người miền Nam, ngôn ngữ anh xử dụng là “ngôn ngữ” miền Nam của thời Việt Nam còn là thuộc địa của Tây vì anh Châu ra khỏi Việt Nam từ năm 1951 trước khi Việt Nam được trả độc lập.  Ví dụ như “Anh đi nhà giây phép mua mấy con cò” thay vì “Anh đi ra bưu điện mua mấy con tem” vì những người “trẻ” như chúng tôi đã nói một thứ « ngôn ngữ » mới, trộn lẫn với 2 triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam từ 1954, sau khi Hiệp Định Geneve chia Việt Nam ra làm hai vùng Nam Bắc. Những sinh viên Việt Nam được đi du học ở Pháp thời của anh thường là con nhà giàu, rất giầu hoặc phải là người học giỏi, rất giỏi để được học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. Anh Châu thuộc thành phần thứ hai và ly kỳ hơn là anh được học bổng đi du học ở Pháp khi chưa học xong trường Sư Phạm. Sau khi đậu bằng Trung học (Brevet lúc đó chưa  phải Tú Tài), vì nhà nghèo nên anh thi vào trường Sư Phạm 4 năm để theo nghề giáo dạy cấp tiểu học của cha mẹ. Vào năm thứ tư, anh là một trong hai học sinh được chọn sau một kỳ thi tuyển gắt gao trên toàn cõi Đông dương để được học bổng đi Pháp nhờ anh giỏi toán vô cùng. Câu nhỏ của tỉnh Bạc Liêu khi ra khỏi nước, theo lời anh kể lại, nhà nghèo không có áo quần, giầy để “đi Tây” nên anh mặc đồ bà ba, mang dép đi Tây.
Tôi kể lại chuyện này để bầy con cháu khi nhìn thấy ông, bác, cha của chúng hiền từ, chậm chạp của tuổi già nên biết rằng bác, ông, cha của chúng là một học sinh xuất sắc, phấn đấu để tự lập thân.  Anh học về điện tử, về điện toán và phục vụ trong ngành hàng không của Pháp và tinh thần hiếu học của anh kéo dài ngay cả sau khi anh đã lập gia đình.
Những năm gần đây, khi tuổi đã già, về hưu, anh Châu tìm về với âm nhạc ngôn ngữ, văn chương Việt Nam. Anh tụ học mà đàn được cả đàn guitar lẫn đàn organ của hầu hết những bản nhạc Việt Nam nối tiếng. Anh theo dõi từng biến động chính trị, xuất xứ của từng trào lưu, biến cố văn học, xã hội của Việt Nam khiến cho một người sống cả đời về báo chí như tôi cũng phải ngạc nhiên.

Cha mẹ anh đều là nhà giáo. Trong cuộc chiến chống Pháp dành độc lập cho Việt Nam, cha anh qua đời khi anh mới lên ba. Mẹ anh làm cô giáo một mình nuôi 6 người con mà anh là người con trai thứ hai. Chỉ tiếc là anh không có cơ hội được gặp lại mẹ trước khi bà qua đời. Vì ảnh hưởng của cha là một người tham gia kháng chiến chống Tây nên thời còn trẻ, anh Châu tham gia vào nhiều tổ chức chính trị ở Pháp. Có thể đó là lý do anh không trở lại Việt Nam thăm mẹ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Ngày hôm qua tôi có nhận được một cái text message của một người Việt Nam ở Mỹ nhận được sự giúp đỡ của anh Châu khi còn là sinh viên ở Paris tỏ  lòng biết ơn và đau buồn trước sự ra đi của anh.
Do đó hôm nay, chúng ta không chỉ gặp nhau để tiếc thương một người quá cố mà còn để vinh danh một đời sống tốt đẹp, đời của một người con có hiếu, một người chồng tốt, một người cha tận tụy, một người anh tốt bụng, một người ông hiền từ và trên tất cả, đó là cuộc đời của một người quân tử, sống không bao giờ nghĩ cho mình mà chỉ biết hy sinh cho gia đình, cho tha nhân.
Anh Châu,
Gia đình họ Huỳnh chúng em và các con, các cháu chúc anh lên đường bình an. Nếu thiên đường có thật thì chúng em tin rằng cửa thiên đường đang rộng mở để chào đón một người xứng đáng bước vào đó là anh Mã Hoài Châu của chúng em. Anh yên nghĩ nhé, anh Châu.
Hoàng Dược Thảo


  



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top