Đào Nương (Sept 25, 2021), Paris có gì lạ...

Phiếm Dị


Đào Nương
www.saigonweeklyonline.com (Sept 25, 2021)
Paris có gì lạ...

Mùa hè năm nay các anh chị tôi tổ chức cho tôi một chuyến du hành đi qua nhiều vùng của nước Pháp. Mục đích của chúng tôi  ngoài việc du lịch vào mùa hè như đa số người Pháp còn là việc thăm viếng, gặp lại những anh chị em họ hàng thế hệ chúng tôi còn sót lại. Nhất là tôi, vì định cư ở Hoa Kỳ nên có nhiều người tôi đã không  được gặp từ rất lâu vì họ đã  đi 'về mẫu quốc' từ trước 1975. Cháu tôi thuê một  ngôi nhà trên đỉnh đồi của thành phố  Sanary sur Mer gần thành phố  Toulon nhìn ra 4 mặt là biển, gió thổi lồng lộng nhưng hình như  mấy ông bà già không  quan tâm gì đến cảnh vật tuyệt vời chung quanh mà chỉ nhắc về những cây ổi, về mấy con ngỗng từng làm chúng tôi khiếp sợ suốt một tuổi thơ.

Ngày đó chúng tôi chưa được biết 'đến' bằng những cái tên Tây, tên đầm hay tên Việt mỹ miều mà cả bọn còn 'được' gọi là thằng A, cu Xê,  con Bê lớn, con Bê nhỏ, con Nghé, thằng Ngọ... Tôi rất tiếc lần này tôi không  được  gặp lại cô em họ cùng tuổi, tức là con Nghé không được gặp con Bê nhỏ, vì một  lý do 'đơn giản' của  tuổi già là vợ chồng em đều bị đau tim, không còn lái xe được nữa. Ký ức của tôi sau nửa thế kỷ không được gặp em là 'con Bê nhỏ ốm yếu, không nhảy dây, không nhảy cò cò, không chơi giải gianh bằng ai’ nhưng  em không tranh đua với ai bao giờ, thường chỉ là một kẻ 'đứng bên lề' của  mọi cuộc vui. Ông trời thật công bình vì em 'Bê nhỏ' đã có một đời sống rất an bình bên một người chồng công chức cao cấp của Pháp. Chúng tôi chia tay nhau khi chưa lên mười, tôi không gặp lại em đã  gần 60 năm nhưng tôi luôn được nghe những tin tức tốt đẹp về em. Tôi hy vọng sẽ được gặp lại em ít nhất một lần trước khi quá muộn vì lần này khi tôi thu xếp được cho tôi một chuyến đi dài ngày thì hầu hết các anh chị bà con lớn tuổi hơn chúng tôi đều đã  qua đời.


Trong những chuyến đi đường dài băng qua nhiều miền của nước Pháp, chúng tôi, những anh chị em đã bảy mươi cùng nhắc cho nhau nghe nhiều kỷ niệm, nhiều chứng tật của  chúng tôi thời tuổi nhỏ mà có rất nhiều chuyện đứa này nhớ thì đứa kia đã quên hay không hề biết. Ví dụ như  tôi không hề biết rằng tôi có tật đánh răng rất lâu mỗi tối. Anh tôi cho rằng điều này có thể giải thích được là vì sao đến nay, tôi vẫn còn hai hàm răng rất tốt để gặm xương, để nhai cà rốt sống mỗi ngày. Nhưng có một ‘vấn nạn’ của  đời tôi là quyết định đi lấy chồng khi còn quá trẻ thì các anh chị tôi đều đồng ý là ... tôi quá ngu, không thể nào ngu hơn. Ngu hơn con bò ...

Chúng tôi đều là những người độc thân khi tuổi già sồng sộc đến. Nhưng cái quyết định sống cùng, sống gần để lo cho nhau, nghe thì dễ mà làm thì không dễ chút nào. Đầu năm nay, chúng tôi thình lình đã mất đi một lúc hai 'thành viên', một vì Covid, một vì ... không trèo cao mà cũng té nặng, chỉ đau mà cũng không chịu nổi rồi đi, quên luôn 'lời thề' trả tiền cơm tháng cho chị tôi cho tới chết. Khi dọn chỗ ... trên bàn thờ ông bà cho 'thành viên' 'không giữ được lời thề' này mà thấm thía về câu hát của  họ Trịnh: từ lúc đưa anh về là biết xa nghìn trùng... Riêng 'thành viên' chết vì Covid thì để lại trần gian không phải một ngôi nhà mà là một  ... ngôi đền. 'Người ở lại' không biết làm gì cho quên nỗi sầu bèn treo hình 'người đi không một lời từ giã' đủ size, đủ kiểu, chỗ nào cũng nến, cũng hương, cũng hoa. Nhưng bày ra thì nhiều mà ... dọn chẳng bao nhiêu, vì dọn dẹp không phải là nghề của  chàng nên chỉ sau vài ba tháng, 'kỷ niệm' nhiều quá không biết nên dẹp cái nào khi tất cả đều là ... thiêng liêng. Từ những kinh nghiệm 'sống' này tôi lại rút ra được một bài học 'để đời' : là người độc thân thì bạn sẽ không phải trở thành một người 'không giữ được lời thề', hay sẽ để lại ‘một ngôi đền’ trong đó 'ông, bà từ' vì cô đơn sẽ sẵn sàng bỏ nơi đó mà đi với một chính nghĩa ngời sáng, anh phải sống.

Do đó, khi một người bạn biết tôi đang ở Paris ông viết thăm hỏi rất ngắn: Paris có gì lạ... không có hai chữ sau cùng, tôi đã  định viết thư cám ơn ông ấy. Vì nếu theo cách xưng hô giữa chúng tôi bây giờ, ông ấy sẽ phải viết: Paris có gì lạ ... không bà, thì coi như chúng tôi sẽ phá tan những ẩn tình mơ mộng của  thi sĩ Nguyên Sa khi viết câu thơ này. Từ Paris có gì lạ không em sang Paris có gì lạ… không bà thì 'tình cảnh' có thể so sánh như  cái Khải Hoàn Môn lịch sử tiêu biểu của  thành phố  Paris đang bị ... trùm mền. Theo tin của báo Le Figaro thì  'dự án' nghệ thuật của  ông hoạ sĩ Hoa Kỳ Christo muốn  dùng 25.000 mét vải polypropylene màu xanh bạc và 3.000 mét dây thừng màu đỏ bọc cái Khải Hoàn Môn của Paris lại trong 16 ngày từ Thứ Bảy ngày 18 tháng 9 đến Chủ Nhật, ngày 3 tháng 10 năm 2021. Ông Christo đã  qua đời năm 2019 nhưng việc trùm mền L'Arc de Triomphe, Wrapped ở Place de l'Étoile - Charles de Gaulle đã ... coi như xong.

Trung tâm bảo tồn di tích của  chính phủ Pháp tức cơ quan quản lý Khải Hoàn Môn - L'Arc de Triomphe cho rằng dự án này thể hiện tinh thần của những nhà sáng tạo đương đại nhằm tôn vinh một trong những di tích lịch sử tiêu biểu nhất của  thành phố  Paris nói riêng và nước Pháp nói chung. Đặc biệt mặc dù chính phủ Pháp có bán vé để dân chúng có thể xem tân mắt, sờ tận tay công trình này nhưng chi phí thực hiện dự án 'trùm mền' Khải Hoàn Môn hoàn toàn do cố họa sĩ Christo tự tài trợ bằng cách bán các nghiên cứu khi chuẩn bị, các bản vẽ, các ảnh ghép của dự án, ông sẽ không được hưởng lợi từ bất kỳ nguồn tài trợ công hoặc tư nhân nào.  

https://medias.monuments-nationaux.fr/var/cmn_inter/storage/images/mediatheque/mediatheque-arc-de-triomphe/christo-l-arc-de-triomphe-empaquete/75858568-1-fre-FR/Christo-L-Arc-de-Triomphe-empaquete.jpg
 L'Arc de Triomphe, Wrapped (Dự Án cho Paris) Place de l'Etoile - Charles de Gaulle. 

Bản vẽ bằng tay thực hiện năm 2019 gồm hai size: 15 x 96' and 42 x 96' (38 x 244 cm and 106.6 x 244 cm) bằng chì, sơn đen, bút sáp, sơn dầu, nghiên cứu về kiến trúc và nhìn từ trên không. Photo: André Grossmann - 2019 Christo. 



Nhắc lại Arc de Triomphe - Khải Hoàn Môn tại quảng trường Place de l'Etoile trước thế chiến thứ nhất chỉ là một 'bùng binh' có tên là quảng trường Ngôi Sao - Place de l'Etoile, nơi nhiều ngõ đường gặp nhau theo cách kiến tạo đường phố của nước Pháp. Mãi đến sau thế chiến thứ nhất nơi này mới biến thành một Khải Hoàn Môn - Arc de Triomphe, một nấm mồ tưởng niệm các chiến sĩ vô danh đã bỏ mình trong trận thế chiến này. Tương truyền nơi đó là mồ của 6 chiến sĩ vô danh từ những mặt trận khác nhau trên đất Pháp trong đó có cả một người Tây da đen. Sau khi tướng De Gaulle qua đời, nhiều người đề nghị đổi tên nơi này thay vì là quảng trường Ngôi Sao - Place de l'Etoile thành quảng trường Charles De Gaulle - Place de Charles De Gaulle mà không được vì đây là mồ tưởng niệm các chiến sĩ vô danh chứ không phải chỉ dành cho một người dù  tướng De Gaulle là anh hùng giải phóng nước Pháp. Sau đó, một giải pháp dung hoà được đưa ra là sau danh xưng Place de l'Etoile có thêm tên của tướng De Gaulle thành L'Arc de Triomphe, Place de l'Etoile, Charles De Gaulle.

Từ đầu hè năm nay, dân Tây đã  chích ngừa nhiều hơn nên được đi lại thoải mái ngoài trời nhưng các bãi biển vẫn còn thưa thớt khách du lịch. Dù hàng quán được mở cửa lại nhưng phải có giấy chích ngừa hai mũi mới được vào. Đặc biệt dân Tây tuy vẫn có những cuộc biểu tình phản đối vụ cưỡng bách tiêm Vaccin hàng tuần nhưng đa số đều tuân thủ những luật lệ phòng chống bệnh rất nghiêm túc. Người Tây phản đối chủng ngừa vaccin nêu lý do tôn giáo, bệnh lý nhiều hơn là vì chính trị như ở Hoa Kỳ. Nếu bạn đã từng sinh sống tại một trong những tiểu bang miền Nam của Hoa Kỳ thì điều này ở Tây có thể coi là... lạ. Nhất là tin tức cho biết ờ thành phố Houston, nơi tôi định cư, một chủ nhà hàng từ chối một cặp vợ chồng mang khẩu trang vì sợ lây bệnh cho cậu con trai 6 tuổi với lý do ... nhà hàng của ông ấy không phục vụ người mang khẩu trang.

Sau cùng, Paris có gì lạ ... ngoài một nền kinh tế tang thương chung cho toàn cầu. Quận 13 của Paris vắng hoe vào những ngày cuối tuần. Tuần trước tôi tình cờ bắt gặp bà chủ một trung tâm băng nhạc kéo lê từng bước mệt nhọc trên vỉa hè của quận 13. Sự đỏm dáng, diêm dúa của nửa thân trên không phù hợp chút nào với đôi chân khập khiễng trên đường. Tôi cố tình quay mặt đi để không phải chứng kiến sự tàn phai của thời gian trên một đời người. Có điều gì có thể cho chúng ta nghĩ thêm về Paris  những ngày tháng đại dịch này bằng hình ảnh đó không? Điều tương phản này cũng thấy lại khi xem cái ‘Gala” quyên tiền cứu trợ người nghèo vì dịch bệnh bên nhà trong đó tất cả ca sĩ hải ngoại  khoác lên người những bộ cánh sang trọng, đàn ông cũng Chanel, Hermes, đàn bà cũng không thua kém, có bao nhiêu hột là mang hết lên người, rên rĩ những bài ca vô nghĩa… Thử tưỏng tượng, những người dân nghèo đói vì dịch bệnh ở Saigon nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh … xa vời đó? Đó là thứ ‘văn hoá’ ứng xử mà báo đài Việt Cộng kết tội những nghệ sĩ trong nuớc qua vụ bà 'lò vôi' tấn công họ. Nhưng ca sĩ hải ngoại thì sao?
Đào Nương.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top