• Phiếm Dị - Đào Nương: VÌ SAO CHÚ SAM BỊ CÔ VI HẠ ĐO VÁN …

Phiếm Dị

• Phiếm Dị - Đào Nương
(www.saigonweeklyonline.com May 10/2020)
VÌ SAO CHÚ SAM BỊ CÔ VI HẠ ĐO VÁN

Sống tại Hoa Kỳ trên 40 năm, tôi vẫn nhớ lời người bảo trợ Hoa Kỳ khi thấy tôi lo âu cho tương lai của cái gia đình nhỏ bé của mình khi mới đặt chân lên đất nước này: khi nào người Mỹ có vấn đề thì người Mỹ sẽ có giải pháp để giải quyết. Và quả thật là như thế. Về mọi phương diện, mọi địa phương, dù to lớn đến đâu, người Mỹ đều có phương cách giải quyết cho mọi vấn đề. 
      Nhưng đứng trước đại dịch Corona hiện nay, lần đầu tiên  Đào Nương tôi không còn niềm tin tuyệt đối về điều “nước Mỹ có thể giải quyết mọi vấn đề” này được nữa. Hôm nay là ngày 10 tháng 5, thiếu một ngày là đủ hai tháng sau khi ông Trump thượng đài tuyên chiến với Cô-Vi. Ngày 11 tháng 3, ông Trump loan báo sẽ cấm tất cả các chuyến bay từ Âu Châu đến Hoa Kỳ trong vòng 40 ngày ngọai trừ  Anh Quốc. Ngày trước đó, Tổ Chức Y tế Quốc Tê chính thức công nhân COVID-19 là một dịch bệnh toàn cầu - a Pandemic. Do đó, ngày 11 tháng 3 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ vì đó là ngày mà nước Mỹ sẽ không bao giờ còn là nước Mỹ “của ngày xưa nữa”: cái ngày mà tổng số ca nhiễm tại Hoa Kỳ là 1,200 người. Người dân Mỹ vẫn bình chân như vại, những chuyến bay chở cả hàng triệu người về New Orleans tham dự Lễ hội Mardi Gras vẫn không có gì thay đổi. Ngày đó, vị tổng thống “đáng kính trọng” Donald Trump tuyên bố: 
      "The virus will not have a chance against us. No nation is more prepared, or more resilient. We are all in this together. We must put politics aside, stop the partisanship and unify together as one nation, and one family."
      (Tạm dịch: "Con Virus này sẽ không có cơ hội chống lại chúng ta. Không có quốc gia nào được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, hoặc kiên cường hơn. Tất cả chúng ta sẽ cùng đối diện với nó . Chúng ta phải dẹp chính trị sang một bên, chấm dứt sự chia rẽ đảng phái và phải đoàn kết như một quốc gia, và như một gia đình.")
      Trump said "the risk is very very low" for Americans and reiterated that the greatest threat is to elderly populations with underlying health conditions. "This is the most aggressive and comprehensive effort to confront a foreign virus in modern history. I am confident that by counting and continuing to take these tough measures, we will significantly reduce the threat to our citizens and we will ultimately and expeditiously defeat this virus".
       (Tạm dịch: Tổng thống Trump nói "rủi ro là rất, rất thấp" đối với người Mỹ và ông nhắc lại rằng mối đe dọa lớn nhất là đối với người cao tuổi và với người có bệnh tiềm ẩn.
      "Đây sẽ là một nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để đối phó với một virus ngoại bang trong lịch sử cận đại. Tôi tin tưởng rằng bằng cách đếm và tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn này, chúng ta sẽ làm suy giảm mối đe dọa đối với “đồng dân” của chúng ta và cuối cùng chúng ta sẽ nhanh chóng đánh bại virus này".
      9:11 PM - Mar 11, 2020

      Cùng lúc, vị tổng thống đáng kính, thiên sứ của nhà thời này (danh từ của một số blogger Việt Nam) loan tin “cứu trợ” đến toàn dân Hoa Kỳ: ai cũng sẽ được “bác” Trump cho tiền: con nít được $500, người lớn không kể già trẻ, lớn bé, giàu nghèo đều sẽ nhận được $1,200 (lúc đầu thì nghe chỉ có $1,000, không biết vì sau mà lại thành $1,200). Chưa hết, những cơ sở buôn bán nhỏ sẽ được chánh phủ cho vay để trả tiền lương nhân viên, tiền điện nước, tiền mướn nhà nhưng có nhiều triển vọng là cho luôn, cứ việc ra nhà băng điền đơn là được. Ngoài ra, những người thất nghiệp thì ngoài tiền thất nghiệp thường lệ mỗi tuần sẽ nhận được thêm $600.   
      https://www.foxnews.com/politics/trump-oval-office-address-travel-ban-europe

      Cho đến hôm nay, 2 tháng sau, từ 1,200 ca của ngày 11 tháng 3, hôm nay, ngày 9 tháng 5, Hoa Kỳ có 1,338,643 ca dương tính và 79,373 người chết.
      Quốc gia “về nhì” là Anh quốc với 31,587 người chết
      Về 3 là nước Ý với 30,395 người chết
      Về 4 là nước Tây Ban Nha với 26,478 người chết và
      Về 5 là nước Pháp với 26,310 người chết.
      Cả 3 nước này đều có ca nhiễm gần bằng nhau, trên dưới 220,000 người. 
      Riêng nước Đức có 171,324 ca nhiễm nhưng chỉ có 7,549 người chết.
      Những con số khó tin là số bên Tàu. Theo thống kê của đại học John Hopkins thì số người nhiễm bệnh ở Trung Cộng, nơi “sinh quán” của  Cô-Vi chỉ có 82,887 người nhiễm bệnh, số người chết là 4,633 người. Nhưng những hình ảnh về những lò đốt xác, về khí thải tăng cao bất thường ở Vũ hán ghi nhận được qua các vệ tinh sẽ là chuyện về sau khi nạn nhân của Cô-Vi trên toàn cầu đi kiện chú Ba đòi đền bù thiệt hại. Phải công nhận mấy ông cộng sản hay thiệt. Qua mặt được chú Cuội, truyền thuyết của An Nam ta. Từ nay đâu còn ai nói “Nói láo như Cuội” nữa. Mà là nói láo như Vẹm hay nói láo như Cộng.

      Chỉ khác một điều là các nước Âu Châu sau hai tháng “bế quan, tỏa cảng” thì số ca mới giảm rất nhiều nhưng cho đến ngày hôm nay, 9 tháng 5, tổng số người nhiễm bệnh tại Hoa Kỳ vẫn cao, 22,551 ca mới. Nhưng số ca mới và số người chết tại New York cũng đã giảm nhiều. Ngày hôm qua số tử vong tại thành phố New York là 231 người, nhưng số ca mới vẫn tràn ngập các nhà thương New York với trên 1,000. Tại một số thành phố ở tiểu bang khác, số ca dương tính cũng tăng vọt, như ở thành phố Austin, tiểu bang Texas chẳng hạn mặc dù việc “mở cửa” lại còn hạn chế và rất khó khăn để tuân thủ được những điều kiện an toàn về y tế theo CDC tức Cơ Quan Kiểm Soát Dịch Bệnh Truyền Nhiễm của Hoa Kỳ. 
      Trong tháng 4, số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp là 20.5 triệu người nâng tổng số người thất nghiệp tại Hoa Kỳ cho đến ngày hôm nay là 33.5 triệu người và theo đài CBC thì con số này có thể lên lên đến 40 triệu người trong tháng 5. Lý do là rất nhiều người vẫn chưa khai được vì Sở Thất Nghiệp chưa tiến hành thủ tục ghi danh hết cả được. 
Tại sao Hoa Kỳ chống dịch không hữu hiệu?
      Bác sĩ Trần Văn Tích, một nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tại Âu Châu, hiện cư ngụ tại thành phố Bonn, Đức Quốc đã ghi nhận 12 điểm khiến nước Đức chống Cô-Vi có hiệu quả cao so với các nước khác tại Âu Châu và nhất là tại Hoa Kỳ. 12 điểm đó như sau: 

      1) Hệ thống an sinh xã hội toàn dân, ai nghi ngờ nhiễm bệnh là được khám xét ngay, không phải tốn tiền, kể cả những người không có thu nhập (như người xin tỵ nạn chẳng hạn).

      2) Đức tiến hành test rất sớm, rất nhanh và rất rộng. Trường hợp điển hình là cas nhiễm virus của hai vợ chồng tham gia một buổi carnaval. Đức cách ly tức khắc toàn vùng Heinsberg, nơi hai vợ chồng trú ngụ, nội bất xuất ngoại bất nhập; đồng thời Đức lùng sục tìm ra cho kỳ được ba trăm người có mặt trong buổi carnaval đó để làm test; ngoài ra vì bà vợ là giáo viên tiểu học nên toàn bộ nhân viên và học sinh ngôi trường bà ta dạy đều được làm test nhằm phát hiện corona; (vào thời điểm đó mà làm test phát hiện corona cho một loạt mấy trăm người là một biện pháp y tế hãn hữu).

      3) Trang bị y tế của Đức dồi dào và hiện đại: số giường cấp cứu nhiều, máy thở có đủ, nhân viên chuyên môn tương đối ít thiếu thốn (tuy rằng Đức đang rất cần y tá nói chung).

      4) Bệnh nhân F1, F2 ở Đức được theo dõi rõ ràng : người làm lây lan corona đầu tiên ở Đức là một bà chuyên viên người Tàu lục địa sang họp với tập thể nhân viên hãng sản xuất phụ tùng ôtô webasto ở Bayern và lây cho một nam nhân viên người Đức (bệnh nhân F1) vào ngày 27.01.2020; hai vợ chồng tham gia carnaval tôi đề cập ở tiểu mục 2 là bệnh nhân F2, F3.

      5) Có sự phối hợp giữa trung ương và 16 tiểu bang trong chiến lược chống corona nhưng các tiểu bang cũng vẫn giữ được tính độc lập trong quyết định hành động, tuỳ theo tình hình riêng biệt của từng địa phương, thủ tướng họp với các thủ hiến tiểu bang hằng tuần mỗi thứ tư.

      6) Tinh thần kỷ luật cao của dân chúng, đại đa số chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp do nhà cầm quyền ban hành.

      7) Cung cách điều hành cuộc sống trong thời đại dịch tỏ ra khéo léo, quyền biến : hệ thống tiếp tế thực phẩm vận hành điều hoà, các cơ quan an ninh xã hội làm việc hữu hiệu; xe lửa (ở Đức, hoả xa là một đại công ty bán quốc doanh) có ít người đi thì xoay qua chở nui (nouilles), chở mặt nạ, chở giấy vệ sinh để cung ứng cho nhu cầu đại chúng.

      8) Tình liên đới giữa người dân tương đối cao: sinh viên nghĩ học thì chuyển qua giúp đỡ người già cả, những người đã về hưu trở lại làm việc khi quốc gia kêu gọi.

      9) Quân đội góp phần tích cực vào chiến dịch chống dịch: dựng bệnh viện dã chiến, tiếp tay nhận bệnh nhân cấp cứu, quân xa cộng tác vào việc di chuyển trang thiết bị y tế.

      10) Công luận được tường trình hằng ngày và chi tiết về diễn biến dịch bệnh do các nhân viên cao cấp của chính phủ và cơ quan Robert Koch, cơ quan chuyên về dịch học; cung cách thông tin khoa học khách quan, không có tính cách trình diễn; các vấn đề chuyên môn do chuyên viên y tế-khoa học phụ trách truyền đạt, các chính trị gia chỉ lên tiếng về những vấn đề xã hội-văn hoá-chính trị.

      11) Mục đích, chỉ tiêu muốn đạt được khá rõ ràng : Đức cố gắng giảm thiếu tỷ số lây lan cá nhân sang cá nhân xuống dưới 1, có nghĩa là làm sao mỗi người bị lây nhiễm chỉ truyền bệnh tối đa sang một người khác; hôm nay (06.05.2020) chỉ số đạt được do Viện Robert Koch công bố là 0,6-0,7; như vậy một người bị lây nhiễm truyền bệnh cho chưa đến một người khác. Mới đây nhất, cuộc họp hàng tuần giữa thủ tướng và các thủ hiến tiểu bang nhằm bàn về các biện pháp giảm thiểu phong toả đã đưa ra một chỉ số giới hạn cụ thể: địa phương nào có trên 50 ca lây nhiễm mới cho mỗi 100.000 dân trong vòng một tuần lễ thì phải áp dụng các biện pháp kiểm soát cách ly nghiêm khắc đã được qui định sẵn. Áp dụng nguyên tắc này, thị trấn Greiz thuộc tiểu bang Thüringen trên lãnh thổ Đông Đức cũ với tỷ lệ 85 trường hợp nhiễm bệnh mới trong vòng một tuần lễ cho 100.000 dân hiện thời là địa phương đứng đầu sổ về tính cách trầm trọng của đại dịch trên toàn Liên bang Đức. Sở dĩ xảy ra tình trạng đáng tiếc này là vì vào tháng hai tháng ba vừa qua, tại Greiz đã có hai buổi gặp mặt gia đỉnh đông đúc với trên năm trăm người tham dự mỗi buổi.
      12) Đi trước trong điều trị, đối trước những bí ẩn còn tồn tại liên quan đến sinh thái học, bệnh nguyên học của con siêu vi corona, hình như Đức sử dụng đúng thứ thuốc nên sử dụng là Remdesivir nhằm điều trị các trường hợp cần đến dược phẩm.
      (Ngưng trích) 
    
      Bác sĩ Trần Văn Tích cho biết thành phố Bonn, nơi ông cư ngụ có 327.258 cư dân. Ngày 05.05 số người bị lây nhiễm là 571, ngày 06.05, số người bị lây nhiễm là 674; số tử vong ngày 05.05 là 6 người, số tử vong ngày 06.05 cũng là 6 người.
      Nhìn lại  “Bí Quyết Thành Công” của 4 quốc gia Á Châu trong việc chống dịch là Đài Loan, Nam Hàn, Singapore và Hồng Kông thì  cũng không khác hơn 12 điều bác sĩ Trần văn Tích nhận xét về nước Đức chống dịch: test nhiều, theo dõi chặt chẽ, tuyệt đối dân chúng tôn trọng kỷ luật của chính quyền và nhất là có sự đồng nhất giữa chính quyền và những chuyên viên về dịch tể, về y tế, về hành chính của đất nước khi chống dịch.

      Trong 12 điều trên, thử nhìn lại xem Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này có được bao nhiêu điều khi chống dịch: 

      1) Hệ thống an sinh xã hội toàn dân:
      Tuy ông Trump thất bại trong việc dẹp bỏ Obamacare, một dự luật về y tế “ép buộc” mọi công dân Hoa Kỳ phải có bảo hiểm y tế nhưng khi không bị bắt buộc thì nhiều người trẻ tuổi hay người nghèo đã không duy trì bảo hiểm y tế nữa. Thống kê cho biết chỉ trong 3 năm của  tổng thống Trump có 14 triệu người Mỹ không giữ bảo hiểm y tế. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi dịch Corona đã hoành hành trong cộng đồng người Mỹ da màu, tầng lớp lao động nhều hơn giới trung lưu hay nhà giàu. Họ không có bảo hiểm y tế lại sống chung đụng, làm những việc lao động nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Khi phải vào nhà thương thì bệnh đã nặng, đã quá muộn do không có bảo hiểm về y tế.

      2) Tiến hành test rất sớm, rất nhanh và rất rộng: 
      Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không tin việc thử nghiệm nhiều, cấp bách và càng rộng càng tốt theo lời khuyên của các chuyên viên hàng đầu của Hoa Kỳ về dịch bệnh. Cho đến nay, hàng ngày, ông Trump vẫn “tuyên chiến” không phải với Cô-Vi mà với các chuyên viên hàng đầu về dịch tể của Hoa Kỳ về chuyện “test” hay không test, test gì, test như thế nào, test càng đông dân càng tốt hay chỉ test những “nhóm tiện ích”…
       
      3) Trang bị y tế của Đức dồi dào và hiện đại: Số giường cấp cứu nhiều, máy thở có đủ, nhân viên chuyên môn tương đối ít thiếu thốn. 
      Về điều này, thì chúng ta có thể hiểu được những khó khăn của chánh phủ Hoa Kỳ vì vấn đề không phải là nhà thương Hoa Kỳ không được trang bị y tế dồi dào và hiện đại. Nhất là nhà thương ở thành phố New York. Nhưng không hệ thống y tế nào có thể đáp ứng được việc trong vòng 2 tháng phải điều trị cho trên hàng chục  ngàn bệnh nhân cần máy thở, cần y cụ và nhất là cần chuyên viên về y tế: bác sĩ, y tá…
      Về điều này thì không thể không ca ngội các “chiến binh” y tế của Hoa Kỳ. Từ khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, những vùng dịch bệnh chưa lan tới, họ đã lũ lượt đi về New York để tham gia đội ngũ y tế của thành phố New York với con số bệnh nhân lên tới hàng chục ngàn người trong một thời gian quá ngắn. Dù vậy, con số tử vong tại New York cũng khiến người Mỹ và cả thế giới kinh hoàng: hàng ngàn người mỗi ngày. Hình ảnh những chiếc xe truck đông lạnh đậu thành dãy sau các nhà thương vì nhà xác của nhà thương không còn chỗ, và kể cả hình ảnh những hố chôn người tập thể ở thành phố này chắc sẽ sống trong tâm trí của người dân rất lâu. 

      4) Bệnh nhân F1, F2 ở Đức được theo dõi rõ ràng: 
      Vấn đề này thì ở Hoa Kỳ  chưa nghe tổng thống Trump bàn tới việc thực hiện một cách rộng rãi hay qui mô trên toàn quốc.

      5) Có sự phối hợp giữa trung ương và 16 tiểu bang (của nước Đức) trong chiến lược chống Corona:
      Đây là một sự thất bại lớn nhất và là một sự tủi hổ cho những công dân Hoa Kỳ khi phải nghe ông tổng thống Hoa Kỳ Trump đề cập tới trong những cuộc họp báo là những ông thống đốc Cộng Hòa chống dịch hữu hiệu hơn những ông thống đốc Dân Chủ. Cái khổ là những tiểu bang lớn của nước Mỹ hiện nay như tiểu bang Washington, California, New York, Michigan, Chicago đều có thống đốc Dân Chủ. Giữa cơn đại dịch tàn phá đất nước, chuyện phân phối thuốc thử nghiệm cho tiểu bang này nhưng không cho tiểu bang kia, nhưng rất ‘tình cờ” là những nơi không nhận được lại hầu hết là những tiểu bang có thống đốc Dân Chủ thì cũng thật khó hiểu. Người dân Hoa Kỳ thất nghiệp ở nhà nghe chuyện liên bang đổ thừa cho tiểu bang rồi chính quyền tiểu bang than là không được trợ giúp hữu hiệu của liên bang, không có ngân quỷ để “mua” test kit thử nghiệm, không có đủ máy thở, y trang, y cụ, rồi đọc những càng số người nhiễm bệnh, người chết càng ngày càng lớn dần thì không bi quan thì cũng lạ.
      Định mệnh “bi thảm” thiệt! Đối diện với “kẻ thù” ngoại bang vô hình lại là một cuộc bầu cử nội địa “rất hữu hình” thì nếu Hoa Kỳ có thua Cô Vi thì cũng đâu phải là chuyện lạ?

      6) Tinh thần kỷ luật cao của dân chúng (Đức), đại đa số chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp do nhà cầm quyền ban hành:


Hình ảnh một cuộc họp báo của Thủ tướng Đức Angela Markel


Hình ảnh họp báo của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump: không phải đứng xa nhau,
không ai phải đeo khẩu trang, ngay cả ký giả tham dự (Ảnh chup trên màn hình)

      Đại đa số dân chúng Hoa Kỳ cũng chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp do nhà cầm quyền ban hành chứ. Nhưng điều khác biệt trong mùa đại dịch này là ở nước Đức, không có một ông tổng thống không tuân thủ luật lệ do nhà cầm quyền của chính ông ban hành.
      Không những không làm gương cho những luật lệ để phòng, chống dịch như  mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, không tụ họp đông người, ông Trump đã khuyến khích những người Hoa Kỳ biểu tình khắp nơi đòi “mở cửa” để… cứu vãn kinh tế vì đó là quyền tự do của họ. Những người biểu tình này đã đứng gần nhau, đã không mang khẩu trang trong khi nước Mỹ chưa làm được bất kỳ điều gì để ngăn dịch bệnh lan tràn. Câu trả lời nhanh nhất cho tình trạng này là hiện nay tất cả tiểu bang của Hoa Kỳ đều có người  nhiễm dịch, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của Hoa Kỳ, điều mà tổng thống Trump lo sợ nhất.

      Sáng ngày 8 tháng 5, Tổng thống Trump và vợ đã tụ tập một số cựu chiến binh thế chiến thứ II để đặt vòng hoa tưởng niệm cho ngày V-Day. Khi tiếp xúc cận mặt với các bô lão cựu chiến binh, ông bà tổng thống Trump đều không mang khẩu trang. Phó tổng thống Mike Pence cũng vậy. Khi viếng thăm nhà thương, ông Pence cũng không mang khẩu trang. Tuần qua, ba phụ tá của ông Trump, ông Pence và cả của cô đệ nhất “ái nữ” Ivanka Trump đều có kết quả dương tính với Cô-Vi, nghĩa là The West Wing, nơi quyền lực bậc nhất của Hoa Kỳ đã bị Cô-Vi xâm nhập. Chỉ tội nghiệp cho ông già Giám Đốc Cơ Quan Bài Trừ và Phóng chống Dịch Bệnh CDC, bác sĩ Anthony Fauci, phải làm việc chung với ông Trump tại tòa Bạch ốc trong 2 tháng qua, vừa loan tin ông phải cách ly 14 ngày sắp tới để thử nghiệm và phòng bệnh. Tất cả nhân viên Tòa Bạch ốc phục vụ cho vị tổng thống vĩ đại Donald Trump đều không mang khẩu trang theo gương của chủ nhân.

      Lệnh là toàn dân phải mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, khi tiếp xúc với người ngoài để bảo vệ mình, bảo vệ người, dân chúng không được di chuyển xuyên bang để tránh dịch bệnh lây lan thì chính ông Trump không bao giờ mang khẩu trang, ngày Lễ Phục Sinh, gia đình của cô Ivanka Trump đi từ New York sang New Jersy tham dự họp mặt gia đình. Hậu quả là nhân viên của tổng thống, phó tổng thống, “cố vấn” Tòa Bạch ốc Ivanka đều nhiễm bệnh. TGĐ cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, bác sĩ Athony Fauci,  cũng đang phải cách ly vì làm việc chung với họ. Sáng hôm nay, đã có những cuộc biểu tình ở tiểu bang California để phản đối thống đốc Cali không cho mở cửa các tiệm nail và tiệm uốn tóc. Một bà Việt Nam biểu tình không mang khẩu trang và cam kết bà sẽ không nhiễm bệnh, đó là quyền tự do của bà. Tốt thôi. Vì you’re not alone. Bên cạnh bà đã có tổng thống Donald Trump đó thôi. Chỉ hy vọng là bà không gây bệnh cho cha mẹ già ở nhà hay cho trẻ con. Vì đã có những trường hợp trẻ em bị nhiễm Covid-14 và tử vong.
      Thượng bất chính thì hạ tất loạn. Nổi khổ  của công dân Hoa Kỳ thời đại ông Trump quả thật là… khói trời mênh mông? (*)

      7) Cung cách điều hành cuộc sống trong thời đại dịch tỏ ra khéo léo, quyền biến:
      Hệ thống tiếp tế thực phẩm vận hành điều hoà, các cơ quan an ninh xã hội làm việc hữu hiệu; xe lửa (ở Đức, hoả xa là một đại công ty bán quốc doanh) có ít người đi thì xoay qua chở nui (nouilles), chở khẩu trang, chở giấy vệ sinh để cung ứng cho nhu cầu đại chúng.

      Mặc dù một số ông Mít cho rằng Hoa Kỳ đang có một vị tổng thống vĩ đại, một thiên sứ nhà trời xuống thế để cứu nhân loại và ông Trump cũng đã tự xác nhận chỉ có ông mới làm được điều này thì thực tế chứng minh  nước Mỹ đang trong giai đoạn “tê liệt” về lãnh đạo. Tổng thống Trump đã ra lệnh cho công nhân các hãng thịt đi làm trở lại mặc dù Coronavirus đã tấn công những nơi này trầm trọng. Hãng Tyson có trên 1000 công nhân bị nhiễm. Chưa nghe CDC nói gì về viêc, nếu người có dương tính xẻ thịt, đóng gói thịt thì virus có theo những “cục thịt” này về nhà dân không? “Cô Vi” có sinh sôi, nảy nở trong những “cục thịt” nếu cô được những công nhân nhiễm bệnh sờ mó tới? Thử tưởng tượng không thôi cũng thấy ơn ớn...
      Chánh phủ ông Trump ra lệnh “đóng cửa” vào 2 tháng trước đây. Trong 60 ngày qua, thì nhà nông Hoa Kỳ đã đổ nông phẩm thành núi ra đất để làm phân bón, sửa tươi đổ hàng bồn xuống cống… trong khi đó dân chúng Mỹ khắp nước xếp hàng cả dậm để nhận thực phẩm cứu tế. Tất cả các cơ quan hành chánh, cơ quan xã hội đều đóng cửa, cả nước Mỹ tê liệt. Việc làm chính trong 60 ngày qua của dân Mỹ là ngồi canh tComputer để ghi danh xin trợ cấp thất nghiệp. “Ngài” tổng thống vĩ đại đang “vận hành điều hoà, hữu hiệu” chánh phủ của ông trong việc phòng dịch và cứu dịch bằng cách chống Tàu, chống đảng Dân Chủ, chống ông Obama “dở ẹt” nhưng lại không cần thử nghiệm, không có một ông, bà nào nghĩ ra được một điều tầm thường như ở Đức: điều động công nhân,  điều động hệ thống chuyên chở  để bây giờ người dân lại lo ngay ngáy vì hệ thống cung cấp thực phẩm của Hoa Kỳ đã bị “gẫy-broken”, trong thời gian tới, quốc gia đứng đầu về nông phẩm thế giới này có viển ảnh không còn thực phẩm để ăn? Có thể nào tin được điều này sẽ xảy ra cho nước Mỹ ở thế kỷ 21 không? Chỉ có ông thiên sứ nhà trời mới trả lời được câu hỏi này.

      8) Tình liên đới giữa người dân tương đối cao:
      Sinh viên nghỉ học thì chuyển qua giúp đỡ người già cả, những người đã về hưu trở lại làm việc khi quốc gia kêu gọi.
      9) Quân đội góp phần tích cực vào chiến dịch chống dịch:
      Dựng bệnh viện dã chiến, tiếp tay nhận bệnh nhân cấp cứu, quân xa cộng tác vào việc di chuyển trang thiết bị y tế.
     
      Về hai điều trên thì Hoa Kỳ đứng đầu thế giới. Tinh thần nhân bản của người Hoa Kỳ và tinh thần trách nhiệm, kỷ luật của quân đội Hoa Kỳ là những yếu tố khiến cho đất nước này trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới và đem niềm hy vọng đến cho nhân loại, tiêu biểu cho lương tâm của  nhân loại. Không có một quốc gia nào có nhiều tỷ phú đem gia sản của mình cống hiến cho nhân loại như ở Hoa Kỳ. Trong đời sống hàng ngày cũng vậy, người dân Hoa Kỳ rất nhân ái, tử tế, trách nhiệm khi ứng xử. Những ồn ào về chính trị chỉ do những “nhóm tiện ích” tạo ra để gây ưu thế về chính trị, không ảnh hưởng gì đến đời sống tinh thần của đại đa số dân chúng.  Đó cũng là lý do mà  chúng tôi rất hãnh diện khi được là công dân của đất nước vĩ đại này. 

      10) Công luận tại Đức được tường trình hằng ngày:
       Các chi tiết về diễn biến dịch bệnh do các nhân viên cao cấp của chính phủ Đức và cơ quan Robert Koch, cơ quan chuyên về dịch học đều cung cấp thông tin một cách khách quan, không có tính cách trình diễn; các vấn đề chuyên môn do chuyên viên y tế - khoa học phụ trách truyền đạt, các chính trị gia chỉ lên tiếng về những vấn đề xã hội -văn hoá-chính trị. Riêng Điều thứ 10 này thì đất nước Hoa Kỳ thời đại Cô Vi chúng tôi không có được.

     Vì tổng thống của chúng tôi, ông Donald Trump chống dịch theo cảm quan của ông, ông cho rằng ông biết nhiều, biết cả những điều mà kể cả các chuyên viên về dịch bệnh, các khoa học gia cũng chưa biết. Theo dõi những cuộc họp báo hàng ngày của tổng thống Trump thì hiểu. Nhất là cái buổi chiều ông khuyên rằng dân Mỹ có thể ngừa dịch bằng cách tiêm thuốc tẩy trùng vào người cho “nó” mau chết thì người dân Hoa Kỳ vừa cảm thấy thương ông và nhất là… thương chính mình. Cũng không ai có thể hiểu được vì sao, đã có những chuyên viên ngừa dịch, đã có các thống đốc tiểu bang tường trình về dịch bệnh của từng địa phương mà tổng thống Trump đáng kính cứ phải họp báo hàng ngày để nói về những điều ông không biết, không chuyên môn để làm cho trò cười cho thiên hạ. Khi nào ông “bí” thì ông quay ra “chửi” cái thằng nhà báo “dám” đặt câu hỏi khó cho ông. Có thực là ông Trump đang chống Tàu vì Tàu để Cô-Vi chu du trong thiên hạ nhưng không được ra khỏi thành phố Vũ Hán và nếu cần, ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận đã ký với Trung Cộng  vì cho đến nay, lấy lý do đại dịch, Trung Cộng đã không tôn trong thỏa thuận phải cam kết nhập thêm 200 tỷ đô la hàng Mỹ.


Nhưng Thứ Sáu vừa qua, ngày 08/05/2020, hãng tin chính thức Trung Cộng , Tân Hoa Xã, cho biết phó thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cùng bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã nhất trí là Trung Cộng  và Hoa Kỳ sẽ hợp tác tạo môi trường thuận lợi để triển khai thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 » ký hồi tháng Giêng. Trong một thông cáo riêng, văn phòng của đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho biết Washington và Bắc Kinh hy vọng đáp ứng được các cam kết bất chấp khủng hoảng dịch và hai bên sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết của thỏa thuận.
Do đó, đừng nghe những gì ông Trump nói mà hãy nhìn những gì ông Trump làm!

      11) Mục đích, chỉ tiêu muốn đạt được khá rõ ràng:
      Đức cố gắng giảm thiếu tỷ số lây lan cá nhân sang cá nhân xuống dưới 1, có nghĩa là làm sao mỗi người bị lây nhiễm chỉ truyền bệnh tối đa sang một người khác; hôm nay (06.05.2020) chỉ số đạt được do Viện Robert Koch công bố là 0,6-0,7; như vậy một người bị lây nhiễm truyền bệnh cho chưa đến một người khác. (ngưng trích)
      Như đã nói ở trên, Tổng thống Trump của chúng tôi không tin vào chỉ số, vào khoa học, ông chỉ tin ông nên mọi thông tin, mọi kinh nghiệm, mọi kiến thức của các chuyên viên hàng đầu về dịch bệnh của Hoa Kỳ đều không có chỗ đứng khi ông Trump chống dịch. Ông Trump cũng không tin ngay cả vợ nhà. Vì nếu ông Trump có nói chuyện với bà Trump thì chắc ông sẽ biết lý do vì sao mà quốc gia  Slovakia, quê hương của bà Trump là quốc gia ít bị nhiễm dịch bệnh nhất ở Âu Châu. Theo báo Wall Street Journal, tất cả là nhờ có 2 chữ: Testing, Tracking. Ngay khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, chánh phủ nước này “đóng cửa” dạy dân phòng dịch ngay tức khắc. Ngày 13 tháng 3, tức là nước này khai chiến với Cô-Vi sau ông Trump 2 ngày, trong chương trình hội thoại “ăn khách” nhất của Slovakia với khách mời hôm đó là thủ tướng Igor Matovic và Bộ trưởng Y tế, người chủ trì Zlatica Puskarova đã bắt đầu bằng câu hỏi: tại sao quí “ngài” không làm gương cho dân” và đưa cho hai vị khách này hai cái khẩu trang. Thủ tướng Matovic và ông BT Y tế mang vào lập tức trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Ngay ngày hôm sau, toàn thể dân chúng Slovakia làm khẩu trang và mang khẩu trang. Từ ngày đó không một viên chức nào của chánh phủ Slovakia xuất hiện trước quần chúng mà không mang khẩu trang ngay cả trong ngày tuyên thệ nhậm chức của chánh phủ.  Không biết có phải vì họ không biết tôn trọng tư do nên số tử vong của Slovakia chỉ bằng 1/8 các quốc gia Âu Châu lân cận. Sau hai tuần lễ đầu tháng 4, chỉ số người nhiễm bệnh của Slovakia chỉ còn hàng đơn vị và ngày 22 tháng 4, quê hương của Đệ Nhất Phu Nhân Melinia Trump đã mở cửa lại trong an toàn.  Người dân của quê hương bà Melania không phải đứng trước lựa chọn như người dân ở quê hương của ông chồng “vĩ đại”: đi làm kiếm tiền nuôi gia đình trong phập phồng lo sợ vì nhiễm bệnh hay ở nhà thì an toàn nhưng mất việc, mất nhà, không tiền lo cho gia đình.


Nội các của Slovakia trong ngày tuyên thệ nhậm chức của chánh phủ


      12) Trong điều trị:
      Trước những bí ẩn còn tồn tại liên quan đến sinh thái học, bệnh nguyên học của con siêu vi corona, hình như Đức sử dụng đúng thứ thuốc nên sử dụng là Remdesivir nhằm điều trị các trường hợp cần đến dược phẩm. (Ngưng trích) 
      Nước Đức bây giờ mới chỉ mon men dùng Remdesivir để trị Cô-Vi. Trong hai tháng qua, tổng thống Trump đáng kính của chúng tôi đã trị Cô-Vi bằng nhiều loại thuốc “fantastic” khác nhau rồi:
  • Tháng 3, tổng thống Trump họp báo, viết twist cho rằng hydroxychloroquine, thuốc trị sốt rét là thần dược trị được Virus Corona mặc dù bác sĩ Anthony Fauci báo động rằng thuốc này chỉ có hại không có lợi. Những thuốc hạ nhiệt thông thường không gây những phản ứng phụ như thuốc này cho những bệnh nhân cần thuốc để hạ nhiệt.
 
  • Ngày 21 tháng 3 ông Trump trị dịch Coronavirus bằng hổn hợp HYDROXYCHLOROQUINE  & AZITHROMYCIN và ra lệnh cho FDA, cho CDC, cho DHS nên dùng ngay lập tức để cứu dân…


 
  • Ngày 23 tháng 4, tổng thống Donald Trump khuyên dân Mỹ nên chích thuốc tầy vào người để trị COVID-19 trong khi họp báo. 

      Hiện nay, tổng thống Trump đã cho toàn bộ Ủy ban chống dịch của Tòa Bạch ốc về vườn rồi vì như ông đã xác nhận nhiều lần chỉ có ông mới cứu được nhân loại.

      Hy vọng bài viết này sẽ giải thích được cho “nhân loại” hiểu vì sao Cô-Vi lại có thể dung dăng, dung dẻ suốt 50 tiểu bang của “quốc gia hùng mạnh lãnh đạo thế giới” này, xâm nhập cả cái West Wing của Tòa Bạch ốc như chỗ không người. Con số tử vong hàng ngày của Hoa Kỳ hiện nay trung bình là 2,000 người và theo các chuyên viên về đại dịch như bác sĩ Fauci tiên đoán thì sau khi Hoa Kỳ mở cửa kinh tế một cách vội vàng như hiện nay, mấy ông cận vệ của Cô-Vi sẽ trà trộn vào đất nước này bất kể lệnh cấm di dân của ông Trump nên bắt đầu tháng 6, số người tử vong tại Hoa Kỳ sẽ lên đến khoảng 3,000 người mỗi ngày. Số người Mỹ chết vì Cô Vi hiên nay đã trên 80,000 người. 

      God Bless America!
     
      Đào Nương

      Đón đọc kỳ tới:
      Tại sao mùa dịch, toàn thế giới không có người thất nghiệp mà Hoa Kỳ lại có đến 40 triệu người thất nghiệp?



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top