Trung tướng PHẠM QUỐC THUẦN: vị tướng duy nhất có huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh.

Trúc Giang MN

Trung tướng PHẠM QUỐC THUẦN:
vị tướng duy nhất

được trao huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh.



1*. Câu chuyện mở đầu

Có một lần, phái đoàn Bộ Văn hóa Giáo dục do Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh hướng dẫn, tháp tùng gồm có Giáo sư Đỗ Bá Khê, Viện trưởng Viện Đại Học, và các giám đốc thuộc bộ Giáo dục, đến trường Bộ Binh nói chuyện với các sinh viên sĩ quan gốc giáo chức, đang thụ huấn trong quân trường.
Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh cho biết, Bộ Giáo dục đã can thiệp và được chấp thuận, là sau khi mãn khóa, các sinh viên sĩ quan gốc giáo chức, được trở về nhiệm sở cũ tiếp tục công tác giáo dục.
Sau cuộc nói chuyện, Trung tướng Phạm Quốc Thuần hướng dẫn phái đoàn đến thăm trường Trung, Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, trong khuôn viên trường Bộ Binh.

2*. Phần trình bày của hiệu trưởng trường Võ Khoa Thủ Đức


Trung úy Lâm Văn Khanh, hiệu trưởng, trình bày về công tác giáo dục con em quân nhân thuộc các trường Bộ Binh, Thiết Giáp, trường Thể Dục Quân Sự cùng ở chung trong khuôn viên của Trường Bộ Binh.
Trường Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức có 30 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 5, trực thuộc Cục Xã Hội của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Giáo viên tiểu học thuộc diện nhân viên dân chính Bộ Quốc Phòng. Lương bổng do ngân sách Bộ Quốc Phòng đài thọ.
Trường trung học có 14 lớp từ lớp 6 đến lớp 12. Tổng số học sinh trung, tiểu học trên 2,000.
Nhà trường và gia đình hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục con em quân nhân. Một hội Phụ Huynh Học Sinh được thành lập, do Đại tá Trần Văn Cường, Chỉ huy phó Trường Bộ Binh làm hội trưởng. Sau đó do Trung tá Đỗ Nguyên Tụ, trưởng Khối Quân Huấn thay thế Đại tá Cường, thuyên chuyển đi nơi khác.

3*. Cần phải có một trường trung học công lập trong trường Bộ Binh

Trường Bộ Binh có trường tiểu học trong doanh trại để dạy con em quân nhân trong các trường như: Trường Thiết Giáp, trường Thể Dục Quân sự, và một số thuộc gia đình dân sự bên ngoài TBB.
Mỗi năm, trường trung học công lập quận Thủ Đức có mở kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 6 (Đệ thất). Kỳ thi rất gay go vì tất cả các trường tiểu học trong quận đều dự thi, mà số học sinh được thu nhận quá ít.
Học sinh trường tiểu học Võ Khoa Thủ Đức cũng dự thi. Số thi đậu quá ít. Những học sinh thi rớt thì phải học trường tư, hoặc trường bán công. Phụ huynh phải đóng học phí từng tháng. Tiền học ngày càng cao theo tiến trình của các lớp học. Học phí tăng dần theo các lớp liên tiếp. Lớp 6, 7, 8, 9, 10,11, 12.
Một chi phí đáng kể nữa là con em quân nhân TBB phải đi và về bằng xe lam, mỗi ngày hai lần.
Mối lo ngại lớn nhất là sự an toàn trên xa lộ. Ngã tư xa lộ Biên Hòa-Thử Đức không có đèn báo hiệu giao thông, không có bản hạn chế tốc độ. Thế là mấy ông tài xế Mỹ cứ đạp thẳng ga từ kho Tân Cảng đến tổng kho Long Bình. Đi lại liên tục như thế.
Mấy ông tài xế xe lam cũng vậy, miết tay ga, hối hả chạy qua, chạy lại Chợ Nhỏ đến thị trấn Thủ Đức để chở nhiều đợt học sinh.
Nhiều tai nạn chết người đã xảy ra ở ngã tư nầy. Trong đó có một quân nhân trường Bộ Binh.
Trước tình trạng đó, không có ai nghĩ đến việc cần phải có một trường trung học công lập trong khuôn viên trường Bộ Binh.
Năm 1967, tôi là Thiếu úy Lâm Văn Khanh, thuộc khối Chiến Tranh Chính Trị TBB, được cử làm hiệu trưởng trường tiểu học thay cho một quân nhân giải ngũ.
Tôi tìm mọi cách để có một trường trung học công lập trong trường Bộ Binh.

3.1. Một sự tình cờ
Một người bạn cho biết, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, hiệu trưởng trung học Pétrus Ký, đang thụ huấn trong TBB, và xem có thể giúp ông ta được việc gì hay không.
Tôi làm phiếu trình lên Trung tá Đào Duy Ân, Tham mưu trưởng trường BB, xin cấp sự vụ lịnh công tác 3 ngày, từ thứ hai đến thứ tư, với lý do là đến bộ Giáo dục xin sách giáo khoa cho trường học.
Đồng thời xin Liên đoàn SV/SQ cấp phép đặc biệt, thứ bảy và chủ nhật. Tôi chở ông Liêm bằng xe honda về tận nhà trong khuôn viên trường Pétrus Ký. Thế là ông Nguyễn Thanh Liêm được nghỉ ở nhà 5 ngày. Không có việc xin sách vở gì cả.
Sau đó hai bên không còn liên lạc với nhau.

3.2. Thứ trưởng bộ Văn hóa Giáo dục giúp mở trung học công lập ở trường Bộ Binh.
Khi biết ông Nguyễn Thanh Liêm được cử làm Thứ trưởng bộ Văn hóa Giáo dục, tôi đến xin ông giúp đỡ để mở một trường trung học công lập trong trường Bộ Binh.
Thật là may mắn. Bộ Giáo dục vừa mới ban hành việc thành lập một loại trường mới gọi là “Trung Học Tỉnh Hạt”.
Theo đó, địa phương phải xây dựng phòng học, trang bị bàn ghế và phải có đủ dụng cụ phục vụ cho việc dạy học.
Bộ Giáo dục chỉ cử giáo chức đến dạy mà thôi.
Ông Nguyễn Thanh Liêm hướng dẫn thực hiện hồ sơ cần thiết. Chính quyền địa phương, cấp tỉnh, phải cam kết thực hiện cơ sở hạ tầng ở cấp một (Đệ nhất cấp) theo đà phát triển của chương trình học. (Lớp 6, 7, 8, 9).
Riêng trường Bộ Binh, thì chỉ cần chỉ huy trưởng cam kết là đủ.
Thế là trường trung học Võ Khoa Thủ Đức là trường đầu tiên của loại trường kiểu mới nầy.
Phụ huynh học sinh trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức rất tán thành và hoan nghênh thành tích của Trung úy Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh.
Năm 1970, Trung úy Khanh được biệt phái về Bộ Giáo dục, đến trình diện trường cũ là Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Mấy ngày sau, được công điện của Bộ Giáo dục, chỉ thị trở về trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, làm nhiệm vụ cũ.
Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, tay đã dợt ternnis cho Trung tướng Thuần, cho biết, Trung tướng đã cử một trung tá đến Bộ Giáo Dục xin cho Trung úy Khanh trở về trường Võ Khoa Thủ Đức.
Vì trường Bộ Binh đã được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị chọn làm thí điểm, để thực hiện chương trình thành lập Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Chủ yếu là trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.
   

Tổng thống Thiệu trao cờ Hướng Đạo Quân đội Trường Bộ Binh cho Trung úy Lâm Văn Khanh

Trường Trung học Võ Khoa Thủ Đức là trường công lập, trực thuộc Nha Trung học, Bộ Giáo dục, nên không có dính líu gì tới Hướng Đạo Quân Đội cả. Nếu Bộ Giáo dục cử một giáo chức dân sự làm hiệu trưởng thì rất trở ngại cho việc thành lập hướng đạo quân đội.
Theo đà phát triển của quy chế tỉnh hạt, mỗi năm phải xây thêm hai phòng học. Ngân sách điều hành của trường Bộ Binh không có điều khoản nào để xây dựng trường học cả. Mọi việc đều phải “du di” và tự túc.

Liên đoàn SVSQ cử kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế bản vẽ và số lượng vật liệu xây dựng.
Ban Công binh và Liên đoàn Yểm trợ Công vụ, cử quân nhân cơ hữu tham gia công tác xây dựng. Ban Công binh hàn những vỏ của đạn pháo binh 105 mm làm cột nhà. Rất vững chắc.

Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng thuê hai thợ hồ dân sự, và trực tiếp tham gia việc lợp hai mái nhà bằng fibro xi măng.
Hiệu trưởng viết thơ đến các nơi nhận xin mua vật liệu xây dựng. Thơ được duyệt khán của Tham Mưu Trưởng TBB để xác nhận tặng phẩm thuộc về công vụ.

Hiệu trưởng và Tổng giám thị xin xe của ban Quân xa đi mua gạch. Lò gạch nằm trong khu vực bảo vệ an ninh cho các bãi tập của sinh viên sĩ quan (SVSQ). Bảo vệ lò gạch chống lại Việt Cộng đến đòi tiền thuế. Vì thế, lò gạch bán với giá rẻ.
Giám đốc công ty Xi Măng Hà Tiên tặng 50 bao xi măng. Hãng dệt Vimytex tặng 200 m vải kaki. Hãng dệt Sicovina cũng có quà tặng.

Nhà sách Khai Trí và Sống Mới cũng có phần tặng gồm có tự điển và các loại sách giáo khoa.
Sau khi nhận được quà tặng, Tham mưu trưởng TBB có thơ cám ơn, giữ mối liên lạc, hy vọng những năm sau sẽ được hỗ trợ nữa. 4*. Hiệu trưởng và Tổng giám thị được nhận huy chương Văn hóa Giáo dục Bội Tinh Đệ nhị hạng

Trong khi hiệu trưởng Khanh trình bày về việc tham gia trực tiếp vào việc xây dựng trường sở, ông Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh quay lại phía sau, nói gì gì đó với tùy viên tên Trừ. Sau đó mới biết hiệu trưởng Khanh và tổng giám thị Đặng được trao tặng huy chương Văn hóa Giáo dục Bội Tinh Đệ Nhị Hạng.

5*. Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh đến bộ Giáo dục  đề nghị trao huy chương cho Trung tướng Phạm Quốc Thuần


Giám đốc nha Nhân Viên bộ Giáo dục cho biết, theo thủ tục thì phải có bảng đề nghị nêu rõ thành tích cụ thể.
Thế là hiệu trưởng Lâm Văn Khanh lập tờ trình về thành tích của Trung tướng.
Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh đồng ý, chuyển hồ sơ sang Phủ Thủ tướng và Đại tướng Trần Thiện Khiêm ký quyết định trao huy chương Văn hoá Giáo dục Đệ Nhị Hạng cho Trung Tướng Phạm Quốc Thuần.
Tổng giám thị Đặng trao quyết định cho Trung tướng Thuần ở sân tennis, và Trung tướng Thuần rất ngạc nhiên.
Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, một tay quần vợt (Tennis) chuyên dợt banh cho các chỉ huy trưởng Lâm Quang Thơ và Phạm Quốc Thuần, cho nên hai vị chỉ huy trưởng nầy hiểu rõ về những sinh hoạt của trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.
 

6*. Nói thêm về trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.


Trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức được tổ chức và điều hành rất chu đáo. Học sinh rất nề nếp, kỹ luật, phụ huynh rất tin cậy. Bộ chỉ huy trường Bộ Binh thường hướng dẫn những phái đoàn đến thăm TBB, rồi sau đó, đến thăm trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.
Những phái đoàn như: phái đoàn Trung tướng Thái Lan, phái đoàn cố vấn Mỹ, các nhóm Việt Cộng hồi chánh, tù binh Việt Cộng. Và sau cùng là phái đoàn của Tổng trưởng Văn hóa Giáo Dục.
Về phụ huynh học sinh thì bao gồm tất cả quân nhân trong khu vực TBB. Phụ huynh cấp đại tá gồm có: Đại tá Trần Văn Cường, chỉ huy phó TBB, Đại tá  Đào Đức Chinh, Trần Bá Thành, Trần Kim Đại, Đỗ Trọng Thuần, Bùi Quang Nhơn (Phủ Đặc ủy Trung ương Tình Báo). Lều Thọ Cường (Trung đoàn trưởng một trung đoàn của SĐ 25 BB.
Trung tá Mạch Văn Trường (Sau lên chuẩn tướng) quận trưởng quận Thủ Đức, cũng cho 2 con vào học tiểu học. Có xe đưa đón mỗi ngày.
 

Kết luận


Trường Trung, Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức là một trường rất xuất sắc về mọi mặt, nhờ kết hợp học đường với sinh hoạt hướng đạo. Thông qua Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, chuyên dợt banh cho Trung tướng Thuần, nên Trung tướng rất quan tâm đến trường học.
Có lẻ Trung tướng Phạm Ngọc Thuần là vị tướng duy nhất được trao huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội tinh.
Trúc Giang MN
Minnesota ngày 29-8-2023

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top