Trần văn Điệu: Niềm đau loài chim sắt

Trần văn Điệu

Niềm đau loài chim sắt

Thân nhớ PĐ 231và các bạn K5/69CP.
 


Hợp đoàn bốn chiếc từ từ cất cánh từng chiếc một theo sau là hai chiếc guns. Đó là hình ảnh quen thuộc mà những năm đầu của thập niên 70 chúng ta thường thấy trên bầu trời Vùng lll chiến thuật / Sư Đoàn III KQ Biên Hòa.

Phi đoàn 231 Lôi Vân hằng ngày cất cánh bay khắp vùng Chiến thuật …

Lỡ vận thời cơ năm 1968, sang năm 1969 thì lệnh tổng động viên được ban hành và thêm vào đó bọn vô thần cộng sản đã vi phạm hiệp định ngưng bắn vào dịp tết Mậu Thân nuốt đi lời hứa và tổ chức một cuộc tổng tấn công qui mô vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam. Tổ quốc lâm nguy thất phu hữu trách, thế là tất cả thanh niên miền Nam đều phải lên đường nhập ngủ chỉ trừ những trường hợp đặc biệt thì được hoãn lại. Anh em chúng tôi 396 người có cùng một chí hướng không hẹn mà gặp tại cổng Phi Long Tân Sơn Nhất để gia nhập vào binh chủng không quân ngành cơ khí phi hành. Ngành cơ khí phi hành này thật là mới mẻ đối với chúng tôi vì đây là lần đầu tiên binh chủng không quân tuyển mộ từ dân sự, gọi tắc là Cơ Phi, một cái tên nghe vui tai và rất lạ, thật ra thì không ai giải thích cho chúng tôi biết nhưng vì 2 chữ phi hành đã khiến chúng tôi hăng hái nộp đơn và chờ đợi kết quả. 
 


Mãi về sau này trong những ngày học quân sự ở Phòng huấn luyện KQ Biên Hoà tôi có nghe được vài lời phê bình nào là: các anh điếc không sợ súng hoặc là các anh là những người “tháp tùng tử “… tôi tự nhủ thầm kệ nó lỡ leo lưng cọp rồi thì sao, xem cái chết như thế nào! Không phải ông bà ta thường nói sống chết có phần, trời kêu ai nấy dạ!

Đến Tây Ninh khoảng 09:00′ sáng hợp đoàn đáp xuống Trảng-lớn nơi đặt Bộ chỉ huy tiền phương cho cuộc hành quân vượt biên sang lãnh thổ Campuchia. Thời đó quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đang ở thế thượng phong nên thường có những cuộc hành quân tiến sát vào sào huyệt của cộng quân đang ẩn mình nơi đó. Khoảng nửa giờ sau thì Tr/u Lộc mèo briefing trở ra đưa ngón tay trỏ lên và quay vòng vòng đó là dấu hiệu cho hợp đoàn quay máy và chuẩn bị cất cánh. Ba chiếc kia thì tôi không biết bay phi vụ gì nhưng chiếc của anh em chúng tôi thì có nhiệm vụ đi chở tử thi của các chiến sĩ BĐQ biên phòng đang đóng quân ở đồn điền Krek, nghe đến đây tôi thầm nghĩ phi vụ này chắc không được thơm lắm. Trong những chuyến hành quân khác hoặc đi phi vụ liên lạc thì thơm hơn có khi được đi ăn trưa chung với các vị sĩ quan bộ binh tiểu khu, có khi thì đậu tàu ở Trảng Lớn nhờ các anh bộ binh tiểu khu chở ra Tây ninh ăn cơm trưa với món canh chua cá kho tộ thật ngon mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Hợp đoàn đã lấy được cao độ an toàn và nhắm hướng tây bắc trực chỉ, tàu tôi có thiếu úy Nguyễn Tấn Phát ngồi hoa tiêu chánh, Thiếu úy Quang hoa tiêu phó, xạ thủ Trương Anh Dũng và tôi cơ phi Điệu.
 


Tiếng cánh quạt vỗ nghe phành phạch từng cơn gió đập vào làm phi cơ hơi rung nhẹ. Thấp thoáng trước mặt phi trường Thiện Ngôn đã hiện ra qua làm mây mỏng, nói là phi trường nhưng thật ra là một trạm xăng dã chiến để các trực thăng hành quân refuel, qua khỏi Thiện Ngôn được 10 phút thì trời đang trong sáng bỗng có những đám mây đen từ từ bao phủ khắp vùng làm tôi hơi chột dạ vì nếu mưa to kéo đến lúc nầy thì công việc tải thương đã khó khăn sẽ trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Sau khi liên lạc được với đơn vị bạn ở dưới, trực thăng chúng tôi vội vàng đáp xuống bên ngoài hàng rào của đồn nơi các lính đã chờ sẵn vội vàng ném lên năm cái Poncho ướt đẫm nước mưa rồi họ phóng nhanh xuống lại các giao thông hào đã được đào sẵn, nhìn dáng điệu của anh em binh sĩ như vậy tôi đoán là căn cứ đang bị pháo kích hay tấn công gì đó?

Phi cơ chúng tôi liền cất cánh, mấy xác anh em được gói trọn trong Poncho và cột chặt hai đầu nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc chắc chết đã lâu. Mưa vẫn còn nặng hạt và chiếc trực thăng cất cánh không được bao lâu thì tôi nghe có nhiều loạt súng bắn lên từ bên dưới các lùm cây, anh Phát vội vàng nghiêng tàu về phía bên Dũng để Dũng trả lời với quân địch bằng M-60, đạn nổ cốc cốc cốc….tạch tạch tạch ….tiếng súng AK xen lẫn họng đại liên của Dũng vang lên ầm ī như pháo Tết, con tàu nghiêng qua phải rồi nghiêng qua trái có lẽ anh Phát đang cố gắng bay như thế để tránh đạn nhưng có lẽ địch quân quá đông nên con tàu nhỏ bé không thể nào vượt thoát khỏi lằn đạn của địch quân, mảnh hổ nan địch quần hồ, nước gáo không dập được lửa muôn phương.

Nhiều tiếng bụp bụp vang lên trên thân tàu có lẽ tàu đã bị trúng đạn, nhìn lên bảng phi cụ tôi thấy đèn đỏ nổi lên rất nhiều, thôi thật rồi tàu trúng đạn quá nặng. Một cảm giác sợ hãi chợt đến với tôi không biết liệu tàu có bay được ra khỏi vùng kiểm soát của địch hay không, và thì chuyện gì đến sẽ đến. Giờ thì tôi đã thấy một khoảng trống trước mặt, với tài khéo léo và kinh nghiệm sẵn có khi anh còn bay ở Phi đoàn 213 Đà Nẵng và những cuộc hành quân Hạ lào mà anh từng tham dự qua, anh Phát đã đem con tàu xuống khoảng đất trống một cách an toàn sau khi cày một khoảng khá dài trên mảnh đất ruộng đầy nước! Hú hồn! Thoát chết! Cám ơn Trời, tạ ơn Chúa! Cám ơn anh Phát đã cứu mạng tụi tôi! Khi con tàu đã nằm yên trên mặt đất thì động cơ bắt đầu phát hỏa, anh Phát, anh Quang và Dũng đã chạy ra khỏi tàu, riêng tôi vì cú đáp quá mạnh nên tôi lăn đùng lên trên những Poncho bao lấy thân xác anh em, loay hoay mãi một lúc tôi mới thoát ra được khỏi tàu thì thấy các anh đang chạy đàng trước, tôi cố gắng chạy theo thì bất chợt một tiếng nổ bùng vang lên, nhìn lại thì con tàu đang cháy dữ dội! Tội nghiệp cho năm thân xác anh em trên tàu lại bị chết thêm một lần nữa, thật đúng với những dòng nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết người chết hai lần thịt xương nát tan!

Chưa hết cơn bàng hoàng thì từ trong bìa rừng nhiều loạt súng AK nổ vang rền và theo đó là nhiều tiếng hò hét vang lên ”bắt nó, bắt nó “ của bọn cộng phỉ vừa chạy vừa bắn khi thấy máy bay đã bị cháy, không ai bảo ai mọi người đều nằm xuống để tránh đạn theo phản ứng tự nhiên và bò đi trong đám cỏ tranh cao khỏi đầu người, trong cơn hốt hoảng và mất bình tĩnh tôi đã bò đi lạc các anh một khoảng khá xa, lúc đó thì bọn lính Bắc Việt đã đuổi theo kịp và bắn nhiều phát súng để hăm dọa tinh thần, biết không thể nào tiếp tục bò thêm được nữa tôi liền chui đại vào một bụi cây rậm rạp trước mặt để ẩn trốn, khi đó tôi nghe chúng hét to “đứng dậy, đứng dậy … dơ tay lên, dơ tay lên”, và một tên chửi địt mẹ ba thằng Mỹ còn một thằng nữa đâu rồi… có lẽ chúng tưởng tất cả chúng tôi đều là người Mỹ. Lúc đó tôi cảm thấy rụng rời vì biết rằng ba anh đã bị bắt, bất chợt một tên tay ghì chặc khẩu AK ở tư thế chiến đấu, hắn vừa đi vừa bắn vào các lùm cây để tìm tôi nhưng may mắn thay lùm cây tôi đang trốn không bị hắn bắn vào nếu không thì tôi đâu còn có giây phút này ngồi đây để viết lại những dòng chữ này. Âu cũng là số mạng hay nói đúng hơn là được Trời Phật che chở hay Chúa Mẹ phò hộ. Lúc đó có hai phi tuần khu trục đang lượn vòng trên trời làm cho hắn chùn bước không đi tìm nữa và chạy theo đồng bọn biến mất vào rừng sâu mang theo ba anh em phi hành đoàn bỏ lại đây một tên dở khóc dở cười không biết phải làm gì trong lúc nầy? Sau này các anh đã được trao trả tù binh vào năm 1973 anh Phát thì hiện đang định cư tại Mỹ, còn anh Quang và Dũng thì tôi không biết tin tức, cầu mong cho các anh được bình an và khỏe mạnh! Ôi Không quân giờ đây ta mới biết, mộng mây trời đã giết chết cuộc đời ta!

Ngồi yên trong lùm cây một lúc khá lâu tất cả đã trở về trong yên lặng cái yên lặng nguyên thủy của rừng già và giờ đây lại thêm một sự yên lặng của chết chóc và cô đơn, trời đã dứt hẳn cơn mưa mặt trời đã loé lên những ánh nắng chói chang gay gắt vào một vùng không gian vừa xảy ra một chấn động trong tôi không một ai biết chỉ riêng mình tôi. Cái nắng hăng hắc pha lẫn với mùi hơi nước ẩm ướt của cơn mưa vừa qua đi tạo ra một cảm giác khó chịu và ngộp thở. Đợi một lúc lâu tôi từ từ chui ra khỏi bụi rậm một cách khó khăn mà không hiểu sao lúc chui vào thì lại quá dễ dàng, nhìn xung quanh một lần nữa cho chắc ăn tôi chầm chậm bước đi giữa tiếng rì rào của cây rừng, cởi vội bộ đồ bay đã ướt vì trận mưa to và lúc bò trên ruộng nước tôi cuộn chung với đôi giày sô, lúc đó bỗng nhiên tôi nghe ngưa ngứa dưới chân nhìn lại thì hỡi ôi một con đỉa to gần gang tay đang treo lủng lẳng nơi ống chân phải, tôi vội túm lấy nó và ném đi thật xa, ghê thật, đó là loại đỉa mà dân mình gọi là đỉa trâu vì cái miệng của nó rất to. Bây giờ tiếp theo là tôi phải làm gì đây, không có bản đồ, không có địa bàn, không có vũ khí trong tay phòng thân, chung quanh chỉ toàn rừng là rừng. Ký ức tôi lại hiện về những buổi chiều sau khi đi bay về tắm rửa sạch sẽ cơm nước xong xuôi thì anh em cơ phi tụ tập nhau lại nơi đầu barrack để kể cho nhau nghe những vui buồn ngày hôm đó, thôi thì đủ mọi chuyện có gì kể nấy và làm cho buổi họp mặt thêm phần hào hứng và vui vẻ, tuy nhiên cũng có khi barrack vắng tanh vì các tay chơi thứ thiệt như Tài sòi, Đăng cò, Ngọc mad, Lộc râu, Tống… đã vọt về Sàigòn, không biết là các bác về nhà làm gì để rồi sáng mai lại trở lên đi bay tiếp? Có lẽ tôi nghĩ là các bác về để tránh bị pháo kích trong đêm hay là ghé quán sinh tố ở ngã ba Dĩ An nghe đồn có cô Điệp bán sinh tố đẹp và dễ thương lắm!

Đó là đời sống và cách sinh hoạt của anh em chúng tôi đó, vừa từ giả bút nghiên để bước chân vào đời lính anh em chúng tôi vẫn còn giữ được những nét ngây thơ hiền hòa của đời học sinh. Giờ đây chỉ biết vâng lời thi hành mệnh lệnh không so đo không tính toán không đòi hỏi không màng cấp bậc chỉ mong sao sáng ra đi, chiều bình an trở về. Thế nhưng trời cao dường như không chiều lòng người như thế, cuộc đời không chỉ bình an, bình an, và bình an như dòng nước êm đềm đôi lúc cũng có những thử thách những hiểm nguy, những đợt sóng dù nhỏ hay lớn đủ làm khuấy động một vùng nước đang yên tĩnh.

Điển hình có phi hành đoàn rớt đầu tiên ở Bầu bàng do Th/u Quá, Th/u Khoái, cơ phi Quan, xạ thủ Viên nhưng tất cả được rescue về bình an.

Kế đó không bao lâu thì một phi hành đoàn khác do Tr/u Hùng, Th/u Khoái cơ phi Lập, xạ thủ Hoàng cũng bị bắn rớt ở Trại bí và cũng được rescue về bình an, rồi cũng có những người bạn kém may mắn hơn và ra đi không bao giờ trở lại như Lộc râu, Ngọc mad, Sum, Hải phở, Năm hair, Tửng… nhưng dù sao thì những sự hy sinh đó cũng không làm chúng tôi nao núng chiến tranh mà… nó đâu chừa một ai… buồn…!

Đang miên man suy nghĩ thì tiếng động cơ của chiếc L-19 từ xa vọng lại đã đánh thức tôi về với thực tại, một tia hy vọng lóe lên trong đầu, tôi vội móc túi lấy ra một cái bóp trong đó đựng giấy tờ tùy thân và một cái kiếng nhỏ để soi mặt, lúc này khoảng trưa trời đã quang đảng, ánh sáng mặt trời tỏa khắp mọi nơi, cơ hội ngàn vàng đã đến tôi vội chiếu chiếc gương về hướng chiếc L19 qua trái, qua phải, lên xuống, khoảng vài phút sau có lẽ pilot đã thấy được ánh sáng từ chiếc gương nên đã đâm đầu xuống hướng tôi, vô cùng mừng rỡ vì biết rằng họ đã thấy tôi nên tôi vội vàng đứng dậy và chạy về hướng chiếc L19, vừa chạy tôi vừa vẫy bộ đồ bay, ngay sau đó một trái khói màu được ném ra từ chiếc L19, khoảng chừng 5 phút sau một chiếc trực thăng lù lù xuất hiện như một thiên thần, như một vị cứu tinh đã làm thay đổi cuộc đời tôi, chiếc trực thăng đáp xuống ngay chỗ trái khói màu và nơi đó tôi đang chờ sẵn không đợi cho phi cơ chạm đất tôi đã lẹ làng phóng lên sàn tàu nhanh nhẹn như một chàng biệt kích nhảy toán, tôi ra hiệu cho phi cơ bốc lên và thông báo cho các anh biết là ba người kia đã bị bắt. Sau khi phi cơ đã lấy được cao độ và ra khỏi vùng nguy hiểm tôi liền nhận ra là anh Quá và anh Tôm là hai phi công lì lợm và gan dạ của phi đoàn mình, Phi Đoàn 231, một phi đoàn mới thành lập nhưng cũng rất hãnh diện được sánh vai cùng với các phi đoàn bạn và qui tụ rất nhiều nhân tài lỗi lạc gan dạ đầy kinh nghiệm không kém gì anh Quá và anh Tôm. Tôi cũng vô cùng khâm phục và mang ơn người anh hùng không quân lái chiếc L19 đã không sợ nguy hiểm cố gắng tìm ra và đánh điểm cho trực thăng đến cứu tôi. Anh đã làm đúng với châm ngôn của binh chủng không quân chúng ta: “Không bỏ anh em không bỏ bạn bè”, và tôi cũng không quên thành thật xin tạ lỗi cùng năm anh em đã nằm lại với con tàu, chúng tôi đã bất tài không làm tròn nhiệm vụ mà các anh và thân nhân đã mong chờ vào chúng tôi đem các anh về với gia đình để đoàn tụ và được mồ yên mả đẹp, cầu chúc linh hồn các anh sớm được siêu thoát!
 

Trần văn Điệu
New Orleans 2020

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top