Trần Thị Nguyệt Mai, Đọc “Tháng Ngày Qua” Hồi ức của Bà NGUYỄN TƯỜNG NHUNG, phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng,

Trần Thị Nguyệt Mai

Đọc sách “Tháng Ngày Qua”

Hồi ức của Bà NGUYỄN TƯỜNG NHUNG, trưởng nữ của nhà văn Thạch Lam và là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng,


Nguyễn Tường Nhung, phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (áo xanh) tại Đà Nẵng năm 1972

Tôi rất hân hạnh được là một trong những độc giả đầu tiên khi cuốn sách “Tháng Ngày Qua” – Hồi ức của bà Nguyễn Tường Nhung, chỉ mới là những trang bản thảo rời. Tác giả là trưởng nữ của Nhà văn Thạch Lam và cũng là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh xuất sắc và trong sạch của Quân Lực VNCH. Cuốn sách hé mở cho chúng ta rõ hơn không chỉ về thân thế của hai gia đình rất nổi tiếng - Thạch Lam và Ngô Quang Trưởng - mà còn như một cuốn phim quay lại hình ảnh xã hội thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam cận đại, hiển hiện nỗi khổ đau tận cùng khi mất mát cả tài sản lẫn những người thân yêu nhất trong đời, nỗi lo âu của người vợ lính khi chồng ra chiến trận và phút giây lãng mạn hạnh phúc khi chinh nhân trở về... Những ngày Tết Mậu Thân 1968 kinh hoàng thảm thương ở Huế cũng được ghi lại một cách sống động.
Khi viết về văn chương Thạch Lam, nhà văn Mai Thảo đã dùng những lời ngợi khen đẹp nhất: “bút pháp chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến” (1) . “Bút pháp chính xác ông mãi mãi là một vinh dự cho tiếng Việt, theo ý tôi” (2) . “Những trang tiểu thuyết đôn hậu và chứa chan tình cảm của Thạch Lam” (3) đã đi vào và ở mãi trong tâm hồn người đọc với Gió Lạnh Đầu Mùa, Nhà Mẹ Lê, Hai đứa trẻ, v.v... Đọc “Tháng Ngày Qua” càng thấy rõ hơn “văn chính là người”, để càng yêu mến Ông hơn.
Trong đậm sâu trí nhớ của tác giả ngày ấy, khi còn là một cô bé 6 tuổi, vẫn còn hiện rõ hình ảnh Bố Thạch Lam:
Bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Ông hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giày tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp. Bố tôi rất ngăn nắp, thứ tự và rất quý sách. Ông có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. (sđd, tr. 20)
Và Mẹ, bà Thạch Lam, người vợ mà Ông rất yêu thương:
Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi. Bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trọng tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha. (sđd, tr. 22)
Cô vẫn nhớ như in sở thích ăn uống rất giản dị của Bố:
Thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, bày cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước. (sđd, tr. 23)
Cộng thêm thói quen đơn sơ nhưng rất hạnh phúc của Ông sau bữa cơm chiều:
Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh. Tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân. Họ chèo thật chậm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âu yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình. (sđd, tr. 22)
Đặc biệt là tính thương người vô cùng tận của Ông, để thấy tại sao văn chương Thạch Lam cũng giống như người:
Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày. Nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm. (sđd, tr. 23)
Nhà văn Thạch Lam mất rất sớm lúc mới ngoài 30 tuổi, khi văn tài đang vào độ sung mãn. Ngày ấy tác giả chỉ mới 6 tuổi, có hai em trai, một lên 3 và một mới sinh được 3 ngày. Đang từ một cô bé được bố rất yêu chiều:
Tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái... (sđd, tr. 23 & 24)
Cô trở thành đứa trẻ mồ côi cha. Sau đám tang vài tháng, “bà nội tôi cho người lên Hà Nội đón mẹ và ba chị em chúng tôi về trại Cẩm Giàng. Trại rộng hai mẫu tây, khang trang, nằm cách ga tàu hỏa khoảng hơn cây số. Hai cánh cổng chính của trại khá to, sơn màu xanh, giàn hoa tỉ muội màu hồng nhạt leo chung quanh” (sđd, tr. 27). Từ đây, gia đình cô rời bỏ “căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng ở tại đầu làng Yên Phụ, ngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu sà xuống gần mặt nước hồ... Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ. Trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ... Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng. Khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh... Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa” (sđd, tr. 25)
Hình ảnh Bà Nội, người Mẹ hiền sinh ra những người con thuộc nhóm khai sáng Tự Lực Văn Đoàn đã góp công rất lớn trong việc hiện đại hóa xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX qua báo chí và tiểu thuyết, với “tôn chỉ” được công bố trên báo Phong Hóa số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm, đúc kết lại trong nội dung: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam” (4) :
Bà Nội dáng người cao to, nước da trắng hồng, gò má hơi cao, đôi mắt sáng, sâu, trông như lai, toát ra một vẻ oai nghiêm cương nghị. Bà rất nghiêm khắc và ít khi cười. Nhưng khi bà cười thì nụ cười thật tươi, lộ hàm răng đen. Bà nói giọng Huế nghe hay hay và lạ. … Bà ăn uống cầu kỳ, kiểu cách. Bát ăn bằng men xanh trắng viền chỉ vàng, đũa ngà, mâm bằng đồng thau sáng loáng. Khi ăn phải từ tốn, thức ăn cũng phải sắp thứ tự, rau muống luộc để ra đĩa, cọng và lá không lẫn lộn, cắt ra làm hai, khi chấm chỉ vừa đụng vào nước chấm, cơm chỉ được xới một nửa bát... (sđd, tr. 30 & 31)
Bà rất kiên cường, thật giỏi, can đảm. Khi ông mất bà còn rất trẻ, chưa tới 40. Một tay bà phải chăm sóc mẹ chồng và bảy người con còn niên thiếu mà vốn liếng chỉ là một tiệm tạp hóa nhỏ, bán những thứ lặt vặt như kim chỉ, muối, đường, diêm, nến, vài lọ kẹo bột, kẹo gừng, v.v... lời lỗ chẳng được bao nhiêu. Nhưng nhờ vào việc cân gạo, cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, những dân ở các làng lân cận đem gạo lên bán, từng gánh hoặc thúng có khi chỉ mươi đấu đựng trong cái bị đan bằng cói. Bà gom mua lại để bán lẻ, khách hàng là những gia đình nghèo sống rải rác quanh phố chợ. Nhờ tài quán xuyến bà đã cho các con ăn học... (sđd, tr. 32 & 33) Một tay bà đã gây dựng được một gia đình làm rạng danh cho dòng họ, những văn tài đã để lại cho những thế hệ nối tiếp (sđd, tr. 46). Sau này, khi các con trai đã thành danh, bà xuống tóc xuất gia cửa Phật và ít khi về lại trại. (sđd, tr. 33)
Cuộc sống êm đềm yên ả chẳng bao lâu thì loạn lạc xảy ra, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Năm 1946, một đêm phố chợ Cẩm Giàng bùng lên bốc cháy, khói bay mù mịt cả một góc trời (sđd, tr. 82). Giữa đêm đang ngủ, U (là vú em, người nuôi cậu em kế) lay cô dậy để cùng Mẹ, hai em và U gánh gồng đi lánh nạn, đến tạm cư ở Xóm Đìa, cách Nhã Nam khoảng 5, 7 cây số, “một xóm rất nghèo, chỉ có khoảng mươi căn, phần đông đều lợp bằng lá, và sống bằng ruộng nương nhưng là ruộng thuê lại gọi là cấy rẽ” (sđd, tr. 35). Đến đây, U từ biệt về quê. Và cuộc đời của cô bắt đầu lật sang một trang mới với rất nhiều vất vả, khó khăn.
“Khi đến Xóm Đìa, vài nhà quanh xóm cũng đã có mấy người tản cư tá túc. Chúng tôi được chủ nhà tên Nhâm cho ở nhờ. Ông cho dọn dẹp cho chúng tôi ở nhờ trong cái kho nhỏ, thường để chứa những dụng cụ nhà nông như cuốc, xẻng, cày, bừa, dao liềm, v.v... và chỗ nằm của con vện đen. Cái kho lợp bằng rạ, vách trát bùn trộn rơm đã cũ, vách có nhiều lỗ thủng, cửa là cái phên đan bằng nứa có gắn một thanh tre để chống lên chống xuống. Bên trong, vẻn vẹn chỉ có một cái giường bằng gỗ vừa đủ cho bốn mẹ con nằm, bên cạnh giường kê ba hòn gạch chụm lại gọi là ông đồ bếp (theo ngôn ngữ lúc đó) để thổi nấu. Tắm rửa hàng ngày thì ra ngoài ao. Nước uống và nước thổi cơm thì phải vào tận cuối xóm gánh về; cả xóm đều dùng nước giếng ấy (sđd, tr. 35). Những ngày đầu thật bỡ ngỡ. Một khung cảnh quá cách biệt. Chúng tôi như rơi vào một cơn ác mộng. Căn nhà kho chứa đồ vật dụng bẩn thỉu, chật hẹp, một chỗ thua cả chuồng chó ở trại Cẩm Giàng của gia đình chúng tôi (sđd, tr. 64). Mùa đông đến đem theo hơi lạnh, gió rét của miền rừng núi. Bốn mẹ con co ro trên một cái phản gỗ, đắp một cái chiếu cũng đã cũ. Mẹ đầu bên này, tôi đầu bên kia, kéo qua kéo lại. Con ấm thì mẹ lạnh và ngược lại. Hai cậu em thì còn nhỏ ngủ vô tư. (sđd, tr. 69).
“Những năm đầu Mẹ còn có chút tiền đem theo, chúng tôi có cơm gạo trắng, có chút ít thịt, cá” (sđd, tr. 64). Đến khi hết tiền và bán đi tất cả những thứ đã mang theo, thì “Mẹ sắp xếp cho tôi theo mấy cô trong xóm đi buôn cà chua và su hào, mỗi tuần hai phiên chợ ngoài thị trấn Nhã Nam. Phải dậy từ sáng tinh mơ vào vườn cà chua hoặc su hào họ đã hái sẵn rồi tùy sức của mỗi người gánh được nhiều hay ít... tiền lãi cũng tạm để mua gạo có cơm trộn khoai hay sắn. Các em thì vào rừng nhặt củi khô và nấm hạt dẻ (sđd, tr. 36). Thấy con quá vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu, nên khi được chủ nhà cho mượn toàn bộ đồ nghề và có người cho mua thóc chịu, hai mẹ con chuyển qua nghề làm hàng xáo, tức là “xay thóc, sàng bỏ trấu đi. Sau đó bỏ vào cối giã rồi vần, sảy cho cám và tấm rớt ra” (sđd, tr. 67) cũng cực nhọc nhưng “lãi được tấm để ăn, cám bán lấy tiền mua rau, muối, tương, cà. Nếu được thóc tốt thì thừa ra một ít gạo. Những lần như vậy mấy mẹ con mừng lắm, nhưng cũng phải độn thêm khoai hoặc sắn. Khi mùa gặt đến chúng tôi đi mót lúa... Thỉnh thoảng tôi đi theo mấy đứa bạn đi hôi cá... Từ khi mẹ hết tiền chưa hôm nào được ăn no và được ăn không độn. Thịt lợn, thịt bò thì xa lánh hẳn, gặp mùa gà bị toi là lúc mới thấy mùi gà.
...
Ngày tháng vẫn trôi qua. Mẹ tôi không dám tự mình hồi cư vì mịt mù tin tức, sợ bị Tây bắt. Thấm thoắt đã gần ba năm, chị em chúng tôi mỗi người chỉ có hai bộ áo quần đã rách tả tơi” (sđd, tr. 37).
Trong lúc ấy, Bà Nội “rất lo lắng vì từ khi chạy tản cư đã gần ba năm mấy mẹ con chúng tôi biệt vô âm tín”, nên “thuê người đi tìm mẹ con chúng tôi” (sđd, tr. 38). Bà Nội đã giữ gìn cho các cháu: “Nếu không có Bà Nội có thể tôi đã là một nữ cán bộ và các em có thể là bộ đội hay bệnh hoạn vùi thây nơi rừng thiêng nước độc này!” (sđd, tr. 39).
Về lại Phố Chợ Cẩm Giàng, gặp lại bạn cũ, cũng là lúc cô “thật ngỡ ngàng không thể tin được. Một trang trại rộng lớn đẹp như thế ... bây giờ chỉ là bãi đất hoang.” Bạn cô cho biết, “Khi Việt Minh rút đi họ đã đốt, đập phá hủy tất cả những dinh thự họ gọi là tiêu thổ kháng chiến. Nghe nói vậy tôi ngẩn ngơ vì không hiểu tại sao Việt Minh lại làm như vậy. Phá mất đi một trang trại nổi tiếng là đẹp, nên khi những chuyến tàu chạy ngang đây có nhiều người giơ máy chụp ảnh, và tôi không còn được ở đây nữa.” (sđd, tr. 41).
“Bắt đầu từ khi rời khỏi trại Cẩm Giàng, líu ríu dắt ba đứa con chạy tản cư, hồi cư về thành, cơ nghiệp không còn gì. Mẹ rất nghèo, nhờ Bà Nội giúp một phần, mẹ tần tảo, bươn chải nuôi con ăn học” (sđd, tr. 92). Và năm 1953 Bà Nội đã “đích thân đến nhà ông Thám (Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam) để xin cho mẹ tôi một việc làm... Lương tuy thấp nhưng cũng đủ sống cả mấy mẹ con và lại có nhà ở hai buồng nhỏ, có bếp, bể chứa nước, trong cư xá Bưu điện đằng sau Nhà Hát Lớn, trước cửa Nhà Bác Cổ Hà Nội.” (sđd, tr. 46 & 47)
Sau này, người thiếu nữ ấy gặp Trung úy Ngô Quang Trưởng và khi kết hôn với nhau thì ông đã lên chức Đại úy, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Cuốn sách đã chia sẻ cuộc đời binh nghiệp của ông Ngô Quang Trưởng bắt đầu từ lúc này.
“Anh tham gia trận chiến nhiều hơn làm việc ở văn phòng. Mỗi lần đi hai tới ba tuần mới trở lại đơn vị. Khi trở về anh đã gầy lại gầy hơn, mặt sạm đen, đôi khi bị nổi ngứa khắp cả người. (sđd, tr. 130). Sau đó, được “đổi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Sài Gòn (sđd, tr. 139). “Khoảng thời gian này anh không phải ra trận liên miên như khi còn ở Tiểu Đoàn. Chỉ đi thị sát, và đôi lần anh phải bay ra miền Trung để cùng chỉ huy tham dự những trận đánh do quân Bắc Việt tấn công.” (sđd, tr. 140)
Hơn một năm sau, “khoảng đầu năm 1966, ngay tại thành phố Huế, tình hình khá gay cấn. Dân chúng biểu tình chống đối chính quyền bằng cách đem bàn thờ Phật để ngoài đường phố... Anh được Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTU) bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/BB, Bộ Tư Lệnh đóng tại Thành Nội Huế. (sđd, tr. 150)
Ở Huế 5 năm, Ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ và “rất bận rộn, thời gian ở trên trực thăng nhiều hơn dưới đất. Chỉnh đốn lại Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, thăm các tỉnh, các quận, đồn bót, v.v...” (sđd, tr. 196)
Sau hơn hai năm trấn nhậm ở miền Nam hiền hòa, “Anh nhận được lệnh thuyên chuyển không dự tính, không báo trước Tổng Thống bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 1 đóng ở Đà Nẵng... Đây là lần thứ tư đổi chỗ ở trong khoảng năm năm.” (sđd, tr. 201 & 202)
Tác giả đã ghi lại những diễn biến trong hai tháng cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa mà bà là một chứng nhân. Qua người tùy viên, chúng ta thấy được hình ảnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trong ngày cuối trước khi mất Đà Nẵng:
Giờ phút cuối ở Đà Nẵng, chỉ có anh và chú đi bộ ra bên bờ biển Sơn Trà lặng vắng, mỗi người trên mình độc nhất chỉ một khẩu súng (sđd, tr. 263). Theo lời người tùy viên kể lại ngày cuối tại Đà Nẵng, anh và chú đã đứng tại chỗ này định kết thúc bằng viên đạn.” (sđd, 252)
Đọc những trang sách nói về cuộc đời binh nghiệp của Tướng Ngô Quang Trưởng, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy tuy là tướng lãnh của một vùng, nhưng Ông thể hiện tác phong quân kỷ rất nghiêm chỉnh:
“Anh thức dậy sớm rất đúng giờ. Những cư dân trên con đường anh đến Bộ Tư Lệnh mỗi ngày có tiếng đồn không cần xem đồng hồ, mỗi lần thấy xe Tư Lệnh chạy ngang là biết đúng giờ đó anh di chuyển, không bao giờ có xe còi hụ, không người hộ vệ, chỉ có một tùy viên. (sđd, tr. 263)
“Thời gian ở Huế và Đà Nẵng, những ngày cuối tuần hay ngày lễ anh không bao giờ nghỉ. Tôi và các con không có bữa ăn trưa cùng anh. Những bữa cơm tối anh thường về muộn, các con ăn trước, ôn bài vở để đi ngủ sớm. Tuy sống cùng một nhà nhưng chúng chỉ gặp chào anh trước khi đi ngủ.” (sđd, tr. 264)
Những hành xử của Ông trong việc thi hành lệnh quân đội không vị tình riêng, không kết bè, vây cánh để tạo ảnh hưởng riêng:
“... Từ Sài Gòn đổi ra Huế đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh chỉ có một người tùy viên đi theo, ngoài ra không một người thân, ... Chuyện chỗ ở, phương tiện, người giúp việc cho gia đình anh cũng để tùy văn phòng họ sắp xếp, tôi cũng không đòi hỏi, không lựa chọn.” (sđd, tr. 266)
Ông luôn luôn sát cánh, chia sẻ với thuộc cấp trong từng nhiệm vụ:
Mỗi khi ra lệnh cấm trại anh luôn luôn cùng ở trong trại với các anh em. (sđd, tr. 151)
Ông cũng không bao giờ lạm dụng chức vụ hay quyền thế để làm ảnh hưởng đến công quỹ nhà nước:
Mùa hạ khi ở Huế, tôi hay đưa các con ra bãi biển Thuận An. Trên đường xe chạy ngang những khu vườn xanh tươi cây trái hoa quả ẩn hiện thấp thoáng những căn nhà lợp ngói đỏ đã phai màu, không gian có vẻ thanh bình, các con thường mong anh đi cùng. Chúng hay hỏi sao Ba không đi, anh chỉ trả lời một câu, “Ba bận làm việc”. Tuổi thơ vô tư chúng không thắc mắc. Tôi biết nếu anh đi, phải có hộ tống, phải lo sắp đặt an ninh. Chỉ một lần vui chốc lát mà bao người phải lo như vậy, lạm dụng công sức của quân đội, một chuyện không thể có ở anh. (sđd, tr. 268)
Và sống rất khiêm nhường, giản dị:
Anh với chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 ở Huế, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 ở Đà Nẵng, phương tiện di chuyển của tôi cũng chỉ là chiếc xe Jeep cũ mang bảng số dân sự. Thời gian làm Tư Lệnh vùng Một ở Đà Nẵng, người Mỹ có cho một xe du lịch Huê Kỳ màu đen khá rộng để gia đình sử dụng nhưng anh bảo tôi nhường xe ấy cho gia đình Tư Lệnh phó... (sđd, tr. 267 & 268)
Điều quan trọng nhất là Ông giữ gìn rất nghiêm mật đức tính thanh liêm, trong sạch của mình.
Còn nhớ “trong thập niên 1960 tại Miền Nam, trong dân gian đã truyền tụng câu: ‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng’ nói lên lòng ngưỡng mộ của người dân đối với bốn vị tướng lãnh này của QLVNCH” (5) .
“... một điều quan trọng là không nhận quà biếu của bất cứ ai.” (sđd, tr. 157)
“... quan niệm sống của anh, anh dứt khoát không giúp một ai dù là người thân thích. Anh nói người nào cũng có gia đình, cũng có bố mẹ, cũng có con cái, trong thời chiến trận mình lo cho người thân về chỗ yên lành như vậy còn gì là kỷ luật và còn ai bảo vệ quê hương. Anh đã bị họ hàng thân thích trách hờn.” (sđd, tr. 297)
“Khi còn ở VN, sau bữa cơm tối ra ngồi ngoài sân, anh phân tách những sự việc, những thâm hiểm, những đòn phép của con người khó thể biết được mà vì vô tình hay vì sự tham lam, mình sẽ bị cạm bẫy. Nếu mình phạm vào một lần sẽ có cớ để họ gây khó dễ, họ ăn mười mình ăn một nhưng tiếng tăm mình lãnh hết và gây khó dễ cho công việc anh làm.” (sđd, tr. 271)
Sau đây là một ví dụ:
“Anh ăn giản dị không đòi hỏi nhưng tôi biết ý anh thích những món mặn theo cách chế biến của miền Nam. Hai đứa nhỏ nhất thì thích nấu theo kiểu Huế, còn tôi vẫn thích những món thanh nhẹ của miền Bắc... Tôi thường phụ với chú đầu bếp luôn tiện dạy cho chú cách nấu những món của miền Nam và miền Bắc. Món thịt gà là món mọi người ưa thích nhất, nhưng giá một con gà khoảng hơn một nghìn cho cả nhà không đủ, mà mua hai con thì nhiều tiền quá. Tiền chợ mỗi ngày đã chỉ định chỉ có một ngàn, vì vậy món thịt gà thường vắng bóng trong những bữa ăn.
Tướng Tư Lệnh một vùng mà thức ăn hàng ngày cũng phải tính toán vì còn phải để dành một ít.
Thời gian ở miền Tây thực phẩm rẻ và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là hải sản và rau củ trái cây, nhờ vậy thức ăn đầy đủ hơn. Tuy vậy, chú bếp cũng không vui, than phiền. Chú nói người tư lệnh trước đưa tiền chợ nhiều gấp hai mà lại ít người hơn, gạo ngon có người cung cấp, nước tương nước mắm họ biếu cả thùng, v.v... và v.v... Với tiền chợ tôi đưa gồm cả gạo mắm muối, chú phải tính mua những món ít tiền mới đủ mặc dù tôi nói chúng tôi không cần những thức ăn cầu kỳ đắt tiền.” (sđd, tr. 265, 266)

Thêm một ví dụ khác:
“Qua nhiều lần nói chuyện với Hòa, có những việc rất nhỏ làm tôi áy náy tự cảm thấy như thiếu bổn phận làm vợ. Chú nói hai thầy trò thường nhịn đói không có bữa ăn trưa. Bữa ăn sáng của anh là một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm. Tôi có nói để mua một tô bún bò hay phở mì, anh hỏi giá bao nhiêu rồi nói mắc quá và mất công đi mua...

Hàng ngày anh đến văn phòng rồi lên trực thăng thăm các tiền đồn, chỗ đóng quân, có khi đáp xuống một vài nơi đúng giờ ăn trưa họ mời nhưng không bao giờ anh ở lại ăn. Chú cho biết hôm nào Trung Tướng ăn một hộp trái cây thì Hòa ăn một hộp thịt. Những món đồ hộp thường có để một ít trên máy bay nhưng ít khi ăn vì vậy tùy viên cũng nhịn theo.” (sđd, tr. 264)

Tướng lãnh của một vùng mà bữa điểm tâm chỉ là “một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm” thì đủ hiểu được con người chân chính, thanh liêm của Ông đến bậc nào.

Bằng một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và chân thật thừa hưởng từ Bố Thạch Lam, tác giả Nguyễn Tường Nhung đã chia sẻ về gia đình mình sau khi Nhà văn Thạch Lam mất cũng như về Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, “một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc khi trở thành một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ...” như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thạch Ngữ ở bìa sau sách. Hy vọng Tháng Ngày Qua sẽ góp thêm tài liệu cho những bạn trẻ hoặc những nhà viết sử tương lai khi muốn tìm hiểu về hai gia đình này hay thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách cũng có thể dựng thành phim ảnh vì nói đến xã hội và con người Việt Nam ở một thời kỳ vô cùng nhiễu nhương. Có đầy đủ tình tiết của chết chóc, đau khổ lẫn vui tươi, sum họp... Có những phân đoạn thương cảm khiến lệ tràn mi mà cũng có những phân đoạn vui tươi với nụ cười hạnh phúc.

Trần Thị Nguyệt Mai
Tháng 1-2022

(*) Tháng Ngày Qua – Hồi ức của Nguyễn Tường Nhung được phát hành qua Nhà xuất bản Barnes and Noble:
https://www.barnesandnoble.com/w/thang-ngay-qua-nhung-nguyen- tuong/1140528038?ean=9798765508541

Tham khảo:
(1) Mai Thảo – Phượng Hoàng Gẫy Cánh - Khởi Hành số 60 ngày 2-7-1970 – Trần Hoài Thư
sưu tập.
(2) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 35 – ngày 9-6-1966 – Trần Hoài Thư sưu tập.
(3) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 3 ngày 16-10-1965 – Trần Hoài Thư sưu tập.
(4) Mặc Lâm – Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/AcknowledgeOfTuLucVanDoan_MLam-20070826.html
(5) Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng
https://books9046.rssing.com/chan-61128279/all_p18.html





 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top