Trần Đỗ Cẩm, Trận Làng VEI Kỳ 2


http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_tuade.jpg
(Tác giả giữ bản quyền. Email: doanket@yahoo.com.)

Phần 2

HÌNH ẢNH LIÊN HỆ:

Làng người Thượng Bru tại Khe Sanh (1) - Làng người Thượng Bru tại Khe Sanh (2) - Ðồn điền cà phê tại Khe Sanh - Bản đồ vùng Làng Vei - Khe Sanh (1) - Bản đồ vùng Làng Vei - Khe Sanh (2) - Bản đồ vùng Làng Vei - Khe Sanh (3) - Bản đồ vùng Phi Quân Sự - Trại Làng Vei Cũ (1967) - Trại LLÐB tại Khe Sanh (1) - Trại LLÐB tại Khe Sanh (2) - Không ảnh Trại Làng Vei - Hình vẽ Trại Làng Vei nhìn từ trên không - Xây cất hầm chỉ huy tại trại Làng Vei Mới - Căn cứ TQLC/HK tại Khe Sanh - Không ảnh Trại Làng Vei sau trận đánh 1968 - Chiến xa PT 76 của Cộng quân - Chiến xa PT 76 của Cộng quân bị bắn hạ (1) - Chiến xa PT 76 của Cộng quân bị bắn hạ (2) - Chiến xa PT 76 của Cộng quân bị bắn hạ (3)

SƠ LƯỢC VỀ BINH CHỦNG LLĐB/VNCH


Vào năm 1956, với sự trợ giúp của Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ, quân đội VNCH khai giảng một khóa học về Biệt Động cho khoảng 100 khóa sinh tại trường Biệt Động Nha Trang do người Pháp vừa chuyển giao. Tới đầu năm 1957, để đối phó với hoạt động mỗi ngày một gia tăng của CQ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập một đơn vị đặc trách những hoạt động mật ngoại biên, do đó có chừng 70 sĩ quan và hạ sĩ quan được gửi đi huấn luyện về nhảy dù và truyền tin tại Vũng Tàu. Sau đó, 58 người trong số này được tuyển đi thụ huấn khóa Biệt Động 4 tháng tại Nha Trang do toán LLĐB Lưu Động Hoa Kỳ đảm trách. Sau khi mãn hạn, các khóa sinh được tuyển vào Liên Đội Quan Sát Số 1 chính thức thành lập tại Nha Trang vào tháng 11 năm 1957. Theo hệ thống tổ chức, đơn vị tân lập này được đặt dưới quyền chỉ huy của Sở Liên Lạc chuyên trách về tình báo, trực thuộc Phủ Tổng Thống, nằm ngoài tổ chức của Quân Đội. Sở Liên Lạc do Trung Tá Lê Quang Tung chỉ huy, đa số gồm nhân viên gốc người miền Bắc.

Qua năm 1958, vì nhu cầu bành trướng, Liên Đội Quan Sát Số 1 được cải danh thành Liên Đoàn Quan Sát Số 1 (LĐQS 1) với nhân số gia tăng lên 400 người. Tuy nhiệm vụ chính của tổ chức là tiềm phục (nằm ở lại) trong trường hợp miền Nam bị Cộng Quân xâm chiếm, nhưng vì có liên hệ mật thiết với Phủ Tổng Thống nên các nhân viên ít khi thực sự hoạt động bên ngoài. Vào tháng 11 năm 1958, một toán gồm 12 sĩ quan do Đại Úy Ngô Thế Linh cầm đầu được đưa qua đảo Saipan để học lớp huấn luyện tình báo đặc biệt kéo dài hai tháng do CIA tổ chức. Khi mãn khóa trở về Sài Gòn vào cuối năm, toán này lập thành Phòng 45 đặc trách hoạt động vùng Bắc vĩ tuyến 17 cũng do Đại Úy Ngô Thế Linh, bí danh là "Bình" chỉ huy. Phòng 45, còn được gọi là Phòng E hoặc Sở Bắc trực thuộc Sở Liên Lạc.

Tới năm 1960, khi những hoạt động của CQ gia tăng, LĐQS 1 bắt đầu thực sự hoạt động tại các tỉnh sôi đậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và dọc theo biên giới Lào - Việt. Khoảng giữa năm 1961, LĐQS 1 được tổ chức thành 15 toán, mỗi toán 15 người, với chương trình dự trù gia tăng gấp đôi. Lúc này, quân Bắc Việt đã thành lập Đoàn 559 từ tháng 5 năm 1959 để gia tăng sự xâm nhập qua ngả Lào, nên trọng tâm hoạt động của LĐQS 1 là hoạt động ngoại biên để thám sát những di chuyển của địch. Tới tháng 11 năm 1961, tổ chức được cải danh thành Liên Đoàn 77 cho tương đương với hệ thống LLĐB Hoa Kỳ lúc đó đang hoạt động song song rất mật thiết. Tưởng cũng nên nói bí danh 77 hay “Song Thất” là ngày kỷ niệm Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cầm quyền vào 7 tháng 7 năm 1954. Liên tiếp 2 năm sau đó, các toán thuộc Liên Đoàn 77 liên tiếp xâm nhập Lào để thám sát, khuấy rối cũng như tuyên truyền. Ngoài ra, Đoàn 77 cũng thả nhân viên xâm nhập miền Bắc.

Tới tháng 2 năm 1963, vì nhu cầu công tác gia tăng, một đơn vị tương tự được thành lập, mang tên Đoàn 31. Vì Đoàn 77 thường bị dư luận coi như một đơn vị riêng, chuyên dùng để bảo vệ Phủ Tổng Thống chống những cuộc đảo chánh, nên vào ngày 15 tháng 3 năm 1963, hai Đoàn 77 và 31 được sát nhập trở thành Lực Lượng Đặc Biệt, vẫn đặt dưới sự điều động của Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy.

Sau cuộc đảo chánh vào ngày 11 tháng 11 năm 1963, Đại Tá Lê Quang Tung và em là Đại Úy Lê Quang Triệu thuộc toán Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống bị giết chết tại Bộ Tổng Tham Mưu, Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống bị giải tán. LLĐB được đặt dưới quyền điều động của Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) như những Quân, Binh Chủng khác, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng biên giới với sự hỗ trợ của LLĐB Hoa Kỳ. Các hoạt động ngoại biên được trao phó cho Sở Liên Lạc mới được thành lập, trực thuộc BTTM do Đại Tá Trần Văn Hổ chỉ huy. Sở Liên Lạc đươc chia thành các Toán Đặc Nhiệm 1, 2 và 3.

Đến năm 1964, BTTM thành lập Sở Kỹ Thuật (SKT) đặc trách những hoạt động tại miền Bắc do một Trung Tá chỉ huy. SKT gồm có Đoàn 11 hoạt động tại Lào và biên giới phía Tây Bắc Việt, Đoàn 68 cũng chuyên trách về xâm nhập và Sở Phòng Vệ Duyên Hải đặt tại Đà Nẵng phụ trách các hoạt động bằng đường biển.

Vào tháng 2 năm 1964, Đoàn 31 đã được huấn luyện xong và đồn trú tại trại Lam Sơn, Nha Trang. Bắt đầu từ tháng 5, Đoàn 31 chịu trách nhiệm về các hoạt động mật tại Vùng I và II. Đến tháng 11, Đoàn 31 được cải danh thành Đoàn III, phụ trách việc huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn. Riêng Đoàn 77 lúc đó đang đóng tại trại Hùng Vương, Sài Gòn cũng được cải danh thành Đoàn 301. Thêm vào đó, Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù gồm 3 Đại Đội xung kích cũng được thành lập vào tháng 11 năm 1965. Tổng cộng, quân số LLĐB lúc đó có khoảng gầm 3,000 người, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng từ tháng 8 năm 1965.

http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_lldbsodo.jpg













Tới năm 1965, để việc hoạt động song song được hữu hiệu, LLĐB Việt Nam được tổ chức tương tự như hệ thống LLĐB Hoa Kỳ đối nhiệm. Bộ Tư Lệnh LLĐB cũng đóng tại Nha Trang và đảm trách việc huấn luyện tại trung tâm Đồng Ba Thìn. Mỗi Phân Toán "C" (Detachment C) được đặt tại mỗi vùng Chiến Thuật chỉ huy 3 Phân Toán "B" chịu trách nhiệm những Khu Chiến Thuật. Dưới quyền điều động của mỗi Phân Toán "B" có khoảng 10 Phân Toán "A" đóng chung với các Phân Toán "A" của LLĐB Hoa Kỳ tại các trại vùng biên giới để phụ trách việc huấn luyện và duy trì các toán Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ hay CIDG – Civil Irregular Defense Group). Chúng ta có thể coi mỗi Phân Toán C như một Đại Đội, B như một Trung Đội là A là một Tiểu Đội. Như vậy, mỗi trại LLĐB gồm một Phân Toán A có 1 tiểu đội quân nhân LLĐB/VN trong Bộ Chỉ Huy với một sĩ quan cấp Trung Úy hay Đại Úy làm trưởng trại, 1 tiểu đội LLĐB/HK làm cố vấn và nhiều toán DSCĐ do HK trả lương và huấn luyện, không thuộc tổ chức QLVNCH. Thêm vào đó, LLĐB cũng kiểm soát hoạt động của các Toán Delta và 4 Đại Đội thuộc Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Dù thuộc MACV/SOG chuyên hoạt động tại hậu cứ địch. Theo qui ước, tên của các trại LLĐB gồm tên của Phân Toán và một con số chỉ Vùng Chiến Thuật và số thứ tự của trại trong vùng. Thí dụ như trại Khe Sanh được gọi là A-101, có nghĩa là do Phân Toán A đồn trú, tại Vùng 1, trại số 01.
 

TRẠI LLĐB LÀNG VEI

Khi mới thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 1962, trại LLĐB Làng Vei do Phân Toán A-131 đảm trách theo hệ thống LLĐB/HK, đặt gần làng Khe Sanh (tọa độ XD 852-418), sát Quốc Lộ (QL) 9, tại một căn cứ bỏ hoang được gọi là "Đồn Tây" (French Fort) do người Pháp để lại. Về phía Hoa Kỳ Đại Úy Chuck Korcheck làm trưởng toán. Lúc đó một nhóm Công Binh Việt Nam đang tân trang phi trường Khe Sanh. Nhiệm vụ của nhóm LLĐB thuộc Toán 7 căn cứ tại Fort Bragg này, rất giới hạn, chỉ trợ giúp các hoạt động thám sát biên giới do các toán người Nùng và LLĐB Việt Nam thuộc CIA đảm trách. Lúc đó tại Khe Sanh còn có Phi Đoàn trực thăng HMM-163 cùng một số binh sĩ TQLC/HK yểm trợ các hoạt động của QLVNCH dọc theo biên giới. Tới tháng 4 năm 1964, để theo dõi các hoạt động truyền tin của địch, TQLC/HK điều động một toán kiểm thính gồm 3 sĩ quan và 27 binh sĩ cùng chừng một Đại Đội bảo vệ tới Khe Sanh. Lúc này, ngoài Phân Toán A của Hoa Kỳ do Đại Úy Allan B. Imes chỉ huy, còn có 3 quân nhân người Úc chuyên về du kích chiến là Đại Úy Reginald Pollard và các Trung Sĩ George Chinn và .... phụ giúp. Mỗi cuộc tuần tiễu biên giới thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày, gồm 2 hoặc 3 sĩ quan LLĐB Hoa Kỳ hay Úc một số sĩ quan LLĐB Việt Nam tương đương, khoảng một tiểu đội lính Nùng và chừng một Trung Đội hoặc Đại Đội DSCĐ Xung Kích (Mobile Strike Force hay Mike Force) người Bru. Vùng hoạt động dọc theo biên giới Lào - Việt vùng đường số 9, đôi khi tới Ban Houei Sane trong nội địa Lào nằm về phía Nam đường số 9, cách biên giới chừng 10 cây số do Tiểu Đoàn 33 (Bataillion Volontaire - BV 33) Lào trấn đóng. Nhiệm vụ của các toán tuần tiễu là theo dõi và báo động sự xâm nhập của địch quân.

Vào tháng 11 năm 1964, LLĐB quyết định dời trại từ "French Fort" tới phi trường Khe Sanh để có thể bảo vệ sân bay hữu hiệu hơn. Một toán LLĐB Hoa Kỳ mới thuộc Toán 1 căn cứ tại Okinawa do Đại Úy Charles A. Allen chỉ huy đảm trách việc dời trại này. Lúc đó, Khe Sanh là địa bàn hoạt động về tình báo của nhiều nhóm khác nhau như: chính quyền địa phương (Chi Khu Hướng Hóa), LLĐB, kế hoạch Delta của MACV/SOG và TQLC/HK. Các toán này tuy hoạt động cùng trong địa bàn và cùng mục tiêu phát hiện sự xâm nhập của địch quân, nhưng lại hành quân riêng rẽ vì thuộc hệ thống chỉ huy khác nhau.

http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_kssf1.jpg













Trại LLĐB mới gần phi trường Khe Sanh được xây cất bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố, gồm các công sự phòng thủ bốn góc cũng như chu vi và nhiều doanh trại cho toán DSCĐ, phải mất 6 tháng mới hoàn tất. Chính trại này trở thành xương sống của Căn Cứ TQLC/HK tại Khe Sanh vài năm sau đó. Nhiệm vụ của toán LLĐB và DSCĐ là phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập và tiếp vận của địch quân từ Bắc vào Nam Việt Nam qua ngả Lào. Vùng hoạt động dài khoảng 40 cây số theo hướng Bắc - Nam và rộng chừng 12 cây số về hướng Tây. Mỗi cuộc tuần tiễu lâu chừng 3 tới 15 ngày; mỗi tháng tiếp xúc với Tiểu Đoàn 33 BV Lào tại Ban Huoei Sane một vài lần để thu thập tin tức cũng như phối hợp hoạt động. Các nguồn tiếp liệu cho Tiểu Đoàn 33 BV này đều do phi cơ C-47 chuyên chở tới Khe Sanh rồi đưa qua biên giới. Lực lượng bạn trong vùng còn có Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Chi Khu Hướng Hóa và một Pháo Đội 105 ly (-) VNCH đặt tại Làng Vei.

Qua năm 1965, Đại Úy Bostick thay thế Đại Úy Allen hoàn tất việc xây cất trại. Tới tháng 10/1965, Đại Úy John D. Waghelstein thay thế Đại Úy Bostick làm trưởng toán cố vấn. Lực lượng trong trại, ngoài các sĩ quan LLĐB Việt Nam và nhóm cố vấn Hoa Kỳ còn có một Trung Đội Nùng, 2 Đại Đội DSCĐ Bru. Khe Sanh là trại duy nhất tại Vùng I có Trung Đội Nùng. Tình hình biên giới lúc bấy giờ đã khá sôi động. Các toán tuần tiễu bắt đầu phát hiện nhiều dấu hiệu xâm nhập của địch quân. LLĐB khi đó duy trì 5 mạng lưới tình báo. Thứ nhất là mạng lưới người Bru chuyên thu thập tin tức vùng Phi Quân Sự và ngoại biên Lào. Thứ hai là mạng nội bộ theo dõi toán DSCĐ trong trại. Thứ ba là mạng lưới trong phạm vi Chi Khu. Mạng thứ tư hoạt động tại vùng làng Khe Sanh và cuối cùng là mạng lưới phối hợp với Tiểu Đoàn 33 BV Lào. Vào ngày 23 tháng 12, nhận được tin một toán Việt Cộng xâm nhập vùng đồn điền cà phê để tuyên truyền, LLĐB liền phái toán xung kích chận đánh. Trận chiến kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ, có phi cơ và pháo binh yểm trợ. Kết quả có 32 địch quân bỏ xác tại chỗ, trong số này có thể có một cố vấn Trung Cộng. Các binh sĩ Việt Công đều được trang bị vũ khí mới tinh thuộc khối Cộng. Sau đó, TQLC Hoa Kỳ gửi tới một Trung Đội Công Binh để giúp LLĐB tăng cường hệ thống bố phòng. Các hoạt động của LLĐB như những mũi gai nhọn cạnh sườn Cộng Quân nên đương nhiên chúng phải tìm cách nhổ.

Vì tình hình mỗi ngày môt sôi động, ngày 3 tháng giêng năm 1966, thêm một Đại Đội Nùng đến tăng cường trại Làng Vei. Sau đó ít lâu, còn có 2 phi cơ trinh sát O-1 Bird Dog thuộc Không Quân Hoa Kỳ tới đồn trú trong kế hoạch Tiger Hound chuyên quan sát và theo dõi các hoạt động của Cộng Quân sâu tới 12 cây số bên Lào. Khi phát hiện địch quân, phi cơ quan sát sẽ gọi pháo binh và phi cơ oanh tạc. Cũng trong ngày 3 tháng giêng, vào lúc sẩm tối, Cộng Quân dùng súng cối 120 ly pháo kích vào trại, gây nhiều đám cháy, khiến 13 chết và 60 bị thương. Sáng hôm sau, một Đại Đội Nùng khác tới tăng cường nâng tổng số quân phòng thủ lên tới 2 Đại Đội Nùng cùng với 2 Đại Đội DSCĐ Bru và một Trung Đội Nùng có sẵn tại Khe Sanh. Về phía Cộng Quân cũng bị thiệt hại nặng sau các cuộc đụng độ. Ngoài một số chết tại chỗ, tin tình báo còn cho biết vào ngày 17 tháng giêng, một đơn vị Cộng Quân phải di tản chừng 200 thương binh về bệnh xá nằm sát phía Nam vùng Phi Quân Sự. Trong số những người Pháp tại Khe Sanh, Llinarès bị tinh nghi hoạt động cho địch vì có người thấy anh ta lang thang ban đêm trong lúc có Việt Cộng xuất hiện.

Qua năm 1966, vào tháng 3, trại LLĐB Ashau phía Tây Nam Huế bị địch quân tràn ngập. Vì vậy, TQLC Hoa Kỳ được lệnh đưa Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 1, SĐ 3 TQLC do Trung Tá Van D. Bell chỉ huy cùng một pháo đội 105 ly đến tăng cường Khe Sanh. Tới tháng 9, một đơn vị Công Binh Hải Quân thuộc Tiểu Đoàn 10 Seabee Lưu Động được đưa tới Khe Sanh để tân trang phi trường. Công tác hoàn tất vào khoảng đầu tháng 10. Một toán khác khác thuộc Tiểu Đoàn 7 Seabee Lưu Động cũng tới để xây cất 6 công sự bê tông tại trại Lang Vei. Tiểu Đoàn TQLC bắt đầu tuần tiễu trong bán kính 10 cây số quanh trại LLĐB, trong tầm yểm trợ của đại bác 105 ly. Tới tháng 11, một phân đội pháo binh 155 ly được đưa tới tăng cường, vòng đai tuần tiễu gia tăng lên 15 cây số.

http://doanket.orgfree.com/dkpict/lv_1967.jpg









Như vậy, trong thời gian này tại phi trường Khe Sanh có 2 đơn vị khác hệ thống chỉ huy là LLĐB va TQLC cùng đồn trú trong một căn cứ nên việc phối hợp không được chặt chẽ. Ngoài những khó khăn về mặt chỉ huy, còn có một số hiềm khích vì khác binh chủng. Phía TQLC coi LLĐB như những quân nhân vô kỷ luật, làm việc tùy hứng không đúng chiến lược chiến thuật trong sách vở, trong khi LLĐB coi TQLC như một đơn vị "nặng phần trình diễn", không biết gì về chiến tranh "ngoại lệ". Điển hình, đã có trường hợp TQLC bắn vào toán tuần tiễu LLĐB đang bí mật theo dõi địch; lần khác TQLC lại không bắn vào toán địch quân vì tưởng lầm là DSCĐ của LLĐB. Ngoài ra, đã có TQLC bảo vệ an ninh tại phi trường nên LLĐB muốn di chuyển ra gần biên giới cho dễ theo dõi các hoạt động của địch quân bên Lào. Vì vậy, đôi bên thỏa thuận LLĐB sẽ di chuyển về Lang Vei trước cuối năm 1966. Lúc đó, Tiểu Đoàn 3, TrungĐoàn 2, SĐ 1 Bộ BinhViệt Nam đang đóng tại French Ford để yểm trợ Chi Khu Hướng Hóa. Khi trại LLĐB đã được cải tên thành trại A-101 dời từ Khe Sanh tới Làng Vei, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I rút Tiểu Đoàn này về vùng đồng bằng duyên hải Miền Trung. Như vậy, coi như TĐ TQLC/HK đến Khe Sanh để thay thế TĐ Việt Nam. Sau khi LLĐB dời trại đến Làng Vei, căn cứ Khe Sanh gần phi trường trở thành căn cứ riêng của TQLC/HK. Sau này, vào năm 1968, Hoa Kỳ gia tăng quân số tại căn cứ này lên đến một Trung Đoàn TQLC trong các trận đánh nổi tiếng tại Khe Sanh.

Tại Khe Sanh lúc bấy giờ còn có các toán Delta và "Roadrunners", có nhiệm vụ thám sát, phát hiện và theo dõi địch quân cho tới khi lực lượng xung kích lớn hơn được gọi đến để tiêu diệt. Các toán Delta có lực lượng xung kích riêng, gồm 6 đại đội thuộc TĐ 91 Biệt Cách Dù trong đó 4 đại đội được dành riêng để xử dụng trong các cuộc hành quan Delta. Theo kế hoạch, kế hoạch Delta phát hiện địch quân bằng các tung nhiều toán thám sát tập trung hoạt động trong vùng nghi ngờ. Có khoảng 12 toán thám sát Delta, mỗi toán thường gồm 4 quân nhân LLĐB Hoa Kỳ và 6 quân nhân LLĐB Việt Nam. Ngoài ra, còn có chừng 12 toán "Roadrunner", mỗi toán có chừng 5 DSCĐ ăn mặc và trang bị giống Việt Cộng. Các toán Delta đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Charlie Beckwith tới Khe Sanh vào ngày 15 tháng 10 năm 1966. Địa bàn hoạt đông là vùng Tây Bắc Nam Việt Nam giáp giới khu Phi Quân Sự và biên giới Lào. Các toán Delta bắt đầu hoạt động từ ngày 27 tháng 10.

Đầu năm 1967, TQLC Hoa Kỳ đưa Đại Đội Hỗn Hợp (Combined Action Company – CAC) tới Khe Sanh để hoạt động tại Chi Khu Hướng Hóa. Nhiệm vụ chính của toán CAC nặng về dân sự vụ, bình định hơn là tác chiến. Mỗi toán gồm một số TQLC Hoa Kỳ hoạt động chung với người bản xứ. Tại các vùng đồng bằng Miền Trung, các toán CAC có ĐPQ & Nghĩa Quân hỗ trợ. Riêng toán CAC Oscar (O) hoạt động tại Khe Sanh là toán duy nhất dùng người thiểu số Bru là dân trong vùng. Hai Trung Đội CAP O-1 và O-2 (Combined Action Platoon Oscar 1 & 2)) hoạt động tại vùng Đông và Tây làng Khe Sanh, trong khi CAP O-3 hoạt động tại làng Tà Cớn ngay bên ngoài cổng chính căn cứ TQLC Khe Sanh.

Vào ngày 2 tháng 3 năm 1967, Làng Vei là nạn nhân của một vụ dội bom lầm. Hai phi cơ thay vì thả bom vào nơi tập trung địch quân gần Lao Bảo lại đánh trúng Làng Vei khiến trong số khoảng 2,000 dân, chừng 100 người bị chết và trên 200 bị thương vì bom chùm. Đa số nhà cửa trong làng đều bị tiêu hủy hoặc hư hại nặng. Có dư luận cho rằng phi cơ MIG của Cộng quân đã thả bom, nhưng toán LLĐB tại Làng Vei thấy rõ đó là các phi cơ KQHK. Họ cố gắng liên lạc nhưng không tìm được tần số. Ngày 8 tháng 3, một phi cơ võ trang C-123 lại bắn lầm vào một làng gần vị trí đóng quân của TĐ 33 BV bên Lào, nhưng không gây thiệt hại nhân mạng.
Tính tới tháng 5 năm 1967, lực lượng địch quân trong vùng Khe Sanh được ghi nhận gồm các Trung Đoàn 18 và Trung Đoàn 95-C thuộc Sư Đoàn 325-C. Trung Đoàn 18 bị thiệt hại khá nặng trong những cuộc đụng độ với TQLC tại các ngọn đồi quanh Khe Sanh nên được rút về Lào bổ xung quân số. Trung Đoàn 95-C còn lại lãnh nhiệm vụ khuấy rối và chọc thủng phòng tuyến Khe Sanh bằng cách nhổ bứt trại LLĐB Làng Vei trước.

Xem Tiếp Phần 3
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top