Nhân vật Lịch sử: Tạ Thu Thâu

Hoàng Long Hải ghi 

Nhân vật Lịch sử

Các nhân vật lịch sử bị Cộng Sản Việt Nam bắt, bỏ tù, giết, thủ tiêu, truy đuổi... từ trước "Cách Mạng Tháng 8/ 1945" đến bây giờ.

Bài 3

6./ Tạ Thu Thâu

 
Ảnh Wikipedia .

Tạ Thu Thâu là một nhân vật đặc biệt.
           
            Về việc học, ông là người học giỏi xuất chúng, một trí thức kiệt xuất, có tài hùng biện và lãnh đạo, thuộc nhóm Đệ Tứ Quốc Tế ở miền Nam.
 
            Nói tới việc nầy, có lẽ nên nhắc lại một chút về "lịch sử Nam Bộ" khi Tây bắt đầu xâm lăng nước ta.
            Sau khi Rigault Genouilly đánh chiếm Saigon, Tây cần thông ngôn để tiện việc cai trị dân chúng. Ban đầu, Tây phải dùng những người biết tiếng Tây ít nhiều.
 
            Trong cuốn "Saigon Năm Xưa", ông Vương Hồng Sển thuật lại một câu nói tiếng Tây của Tổng Đốc Phương - Đỗ Hữu Phương - nói với một quan chức Tây, thống sứ hay cái chức gì đó, như thế nầy - tôi chép lại đúng "tiếng Tây bồi" như trong sách Vương Hồng Sển: "Lủy bớp, ya na bớp; lủy siêng, ya na siêng, lủy măng-giê toa, lủy măng-giê moa."  Vương Hồng Sển dịch luôn: "Nó là con bò, mà không phải bò; nó là con chó mà không phải chó, nó ăn thịt tui, nó ăn thịt ông." Vương Hồng Sển kể câu chuyện tổng đốc Phương đi săn gặp cọp, nhưng không rõ tiếng Tây tiếng gì là con cọp, nên diễn giải như thế. Hay không?
 
            Huyện Sỹ, tên là Lê Phát Đạt, ông ngoại bà Nam Phương Hoàng Hậu, - vợ Bảo Đại, - thuở nhỏ nhà nghèo, làm nghề chăn vịt, rồi làm bồi cho một ông linh mục Tây. Ông cha Tây thương tình, cho ông đi học bên Pénang, Mã Lai, một trường Dòng đạo Thiên Chúa. Tây chiếm Nam Bộ, dùng ông làm thông ngôn. Bấy giờ dân chúng bỏ chạy cả, vừa sợ Tây, vừa sợ mang tội với Triều đình. Tây muốn gọi dân hồi cư, ổn định đời sống, nhưng người dân không dám về, cứ nghĩ rằng ít lâu Tây rút đi thì trở về lại nhà cũ cũng không muộn.
 
  Vậy rồi Tây cho phát mãi ruộng bị bỏ hoang. Huyện Sỹ mua ruộng nầy, nhờ vậy mà giàu có ức triệu. Ngay tại khu vực Saigon/ Gia Định, đất của Huyện Sĩ phải kể từ Chợ Đũi/ Saigon lên tới Hạnh Thông Tây.
 
  Vì thiếu thông ngôn, Tây nhờ Nhà Dòng mở trường đào tạo giùm. Học sinh phải là người "có đạo". Về sau, Tây tự đào tạo lấy, không phân biệt ai có đạo ai không. Ai giỏi còn được Tây đi du học. Đó là trường hợp ông Diệp Văn Cương, đậu tú tài ở Algerie, làm thông ngôn cho khâm sứ Pháp ở Huế. Ông làm phò mã, chồng công chúa Thiện Niệm, em vua Dục Đức. Chính vì "duyên nợ" nầy mà Diệp Văn Cương "cố ý dịch sai", để Bửu Lân được Tây chọn cho lên làm vua. Bửu Lân tức là vua Thành Thái.
 
 Vì đất Nam Bộ là "Nam Kỳ thuộc địa", nên Tây cần đào tạo người làm việc cho Tây. Nhiều người học giỏi được Tây cho du học bên Tây là vì vậy. Số nầy khá đông, nhiều người nổi tiếng như Bùi Quang Chiêu, Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, v.v...
 
Hồi ấy ở Paris có "ba ông già", đang ở bên đó trước. Những người qua Pháp lúc ấy đều được họ giúp đỡ: Truyền bá tư tưởng cách mạng, dạy cho học tiếng Tây. Đó là Cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, kỹ sư Nguyễn Thế Truyền - (1) - Học trò các cụ là du học sinh. Những người gốc Nam Bộ thì tiếng Tây đã giỏi. Riêng Nguyễn Tất Thành thì hoàn toàn "i-tờ-rít", chỉ nói được tiếng Tây bồi mà thôi.
 
Một điều buồn cười là mấy ông học giỏi ở Nam Bộ nầy, Tây cho qua Tây "du học". Qua bên đó, mấy ông làm mấy việc như vầy:
 
Một là "biểu tình chống Tây", khiến Tây phải "đuổi về nước", như Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường và hàng chục người khác, có dịp, xin kể sau.
 
            Phần đông họ theo Cộng Sản, nhưng lại là "Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế", thường nói gọn là "phần tử Trotsky".  Thứ nầy thì Stalin ghét lắm. Trotsky đã chạy trốn sang Nam Mỹ, nhưng Stalin cho người theo giết cho được.
 
            Năm tôi học lớp Đệ Nhứt, bây giờ là lớp 12, thầy dạy môn Sử Địa của tôi là giáo sư Lê Hữu Mục. Khi nói về "Cách Mạng Tháng Mười Nga" ông có bảo rằng "Stalin rất thù Trotsky, cố tâm giết cho được." Sau đó, ở tòa soạn báo Rạng Đông, hỏi giáo sư về chuyện nầy, giữa Stalin và Trotsky có mâu thuẫn nhau về "tư tưởng cách mạng" gì không, ông Lê Hữu Mục bảo: "Tư tưởng gì? Một rừng không có hai con cọp; cũng giống như Phidel với Ché Guévara vậy thôi. Khi gian khổ là "đồng chí", thắng lợi rồi, tranh nhau cái ghế, trở thành kẻ thù. Trotsky phải trốn chạy; Ché phải bỏ đi Nam Mỹ, cũng chưa yên thân."
 
            Tôi hỏi: "Đệ Tam và Đệ Tứ ở Việt Nam" khác nhau cái gì?
            Giáo sư Lê Hữu Mục trả lời: "Khác cái gì đâu! Những người Miền Nam du học bên Tây phần nhiều theo Đệ Tứ là vì ở Pháp hồi đó, phong trào Đệ Tứ mạnh hơn Đệ Tam. Còn ở nước ta, Đệ Tam cố diệt cho hết Đệ Tứ là vì theo lệnh Stalin. Vì thù ghét Trotsky, Stalin ra lệnh "triệt tiêu" hết Đệ Tứ. Hồ Chí Minh chỉ biết tuân lệnh."
 
            Tôi nói: "Nếu tranh luận về tư tưởng, chủ nghĩa... thì Stalin làm sao thắng Trotsky. Ở nước ta, Hồ Chí Minh, và cả Trường Chinh, Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai không ai đủ sức "đấu" với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường. Giết đi là "thượng sách". Vì người ngoài mà người Việt Nam trong nước giết nhau. Thật là bất nhân."
 
            Tạ Thu Thâu quê ở quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, gia đình đông anh em và nghèo. Thân phụ ông làm nghề mộc nhưng lại giỏi chữ nho nên kiêm thêm nghề bốc thuốc Bắc cho dân chúng quanh vùng. Tạ Thu Thâu mồ côi mẹ năm 11 tuổi. Vậy mà ông vẫn được cha cho đi học. Ông đậu bằng Primaire, lại đậu vô trường Chasseloup Laubat. Sau khi đậu tú tài, ông dạy học, lại tham gia "đảng" An-nam trẻ - Jeune Annam - Năm 1926, sau phong trào "tám tang cụ Phan", ông tham gia nhiều cuộc biểu tình ở Saigon, đòi dân chủ, tự do cho Annam.
 
            Năm 1927, mới 21 tuổi, ông vào học Đại Học Paris, đồng thời ông tham gia Annam Độc Lập ₫ảng của Nguyễn Thế Truyền. Khi ông Nguyễn Thế Truyền về nước, Tạ Thu Thâu trở thành lãnh tụ của đảng nầy. Huỳnh Văn Phương cùng với ông chủ trương tờ báo tiếng Pháp La
Résurrection - Phục Hưng - chống thực dân Pháp. Được ít lâu, báo bị đình bản.
 
            Ha sau, ông tham gia "Hội Nghị Phản Đế" ở Đức, tiếp xúc với những người thuộc "Tả phái", chống Thực Dân cũng các nhà văn, sử gia. Alfred Rosmer, đồng chí của Trotsyky, đưa Tạ Thu Thâu đến với nhóm Trotskyism Pháp. Ông trở thành lãnh tụ Việt Nam đầu tiên của những người theo Đệ Tứ.
 
            Tháng năm năm 1930, trước khi Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng lên "đoạn đầuđài" ở Yên Bái, Tạ Thu Thâu cùng Việt kiều ở Pháp biểu tình phản đối trước điện Elysée. Vì vậy, ông bị bắt cùng 18 thành viên thuộc "Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương" - Association Générale des Etidiants Indochinois - trong đó có Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo. Tất cả bị Tây trục xuất về nước.
 
            Về nước, ông nổi lên thành một lãnh tụ tài giỏi, tổ chức và lãnh đạo Phong Trào Trotskít Miền Nam, hoạt động chống Pháp bằng báo chí, - Báo "Vô Sản", báo "La Lutte" - Tranh Đấu, bằng tiếng Pháp -  cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch, Dương Bạch Mai. Ông bị hai năm tù treo vì những hoạt động nầy.
 
            Để thuận lợi trong công việc đấu tranh, ông cùng các đồng chí ứng cử vào Hội Đồng Thành Phố, và đắc cử. Do đó, để dằn mặt nhóm chống Pháp, ông bị chúng bỏ tù hai năm.
 
            Cuối năm 1944, ông được ra khỏi "tù Côn Đảo". Ông liên lạc với các đồng chí làm tờ báo "Chiến Đấu" của đảng Xã Hội Thợ Thuyền do ông thành lập, dự trù phát triển đảng ra phía Bắc. Ông cũng ra Bắc tham gia các cuộc biểu tình cùng các thợ thuyền, thợ mỏ ở Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương.
 
            Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông trở về Nam, bị Việt Minh bắt ở Quảng Ngãi.
 
            Cộng Sản rất sợ ông vì ông rất tài giỏi, lại là lãnh tụ nhóm Trotsky, nên Trần Văn Giàu ra lệnh cho Việt Minh ở Quảng Ngãi giết ông.
 
            Trần Văn Giàu cùng hoạt động với Tạ Thu Thâu ở Pháp, biết rõ khả năng, tài ba của Tạ Thu Thâu nên rất sợ ông. Ông sẽ là người chống Cộng rất hữu hiệu nên vì "lý tưởng đảng" phải giết cho được, ngoài Tạ Thu Thâu còn thêm nhiều phần tử Trotsky khác nữa, không cần một chút lương tâm nào cả.
 
            Cuối cùng, Cộng Sản "xử" Trần Văn Giàu như thế nào, quý bạn có biết không?
 
 
(1)./ Nguyễn Thế Truyền đã từng phê phán Tổng đốc Vi Văn Định ở báo Việt Nam Hồn. Một hôm, tổng đốc đi xe hơi riêng về Thái Bình. Đến bến đò Tân Đệ ở đất Nam Định (bên kia là Thái Bình) thì phà đã chèo ra quá nửa sông rồi, hồi ấy phu phà chèo tay, chưa có máy, Định bảo tài xế hô phà quay lại cho xe quan sang. Nguyễn Thế Truyền đang ngồi trên phà bảo phu phà cứ việc chèo tiếp vì đã quá nửa sông rồi, sang sông ông sẽ chịu trách nhiệm. Phu phà nghe có lý ngần ngừ chưa dám nghe thì tài xế lại quát to. Phu phà sợ quá, đành chèo lại phía Nam Định. Đò tới Tân Đệ, tổng đốc quát mắng phu phà sao không chèo ngay phà quay lại, phu phà chỉ ông Truyền bảo do ông ấy. Quan Định mắng ông dám cưỡng lệnh trên, dọa bỏ tù. Nguyễn Thế Truyền im nghe rồi trả lời: Tổng đốc có đi công vụ cũng không có quyền gọi phà quay lại trong trường hợp này. Theo Luật Gia Long, phà chỉ quay lại đón lính trạm chạy công văn hỏa tốc khi phà chưa ra đến giữa sông. Tổng đốc cũng không được vượt luật ấy. Định sừng sộ hỏi Truyền là tên nào mà dám cãi lý với quan, nắm tay định đánh ông. Ông Truyền xưng tên, họ, cho địa chỉ, rồi tát Định hai cái thật mạnh. Ông còn dọa sẽ báo cáo cho Thống sứ Bắc Kỳ Tholance về việc Định lạm dụng chức vụ. Thấy vậy, Định nhảy vào xe, giục tài xế lái xuống phà, không dám cho người trói ông Truyền như đã định... Về sau con trai Định ở Pháp về đã cho bố biết uy tín chính trị của ông Truyền, người đã khiến Toàn quyền Albert Saraut, thống đốc Nam Kỳ Cognacq còn phải nể mặt...

hoànglonghải

 (kỳ tới:  Hồ Văn Ngà)










 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top