Lữ Giang: HÀNH TUNG BÍ ẨN CỦA MỘT NHÀ SƯ

Lữ Giang

HÀNH TUNG BÍ ẨN CỦA MỘT NHÀ SƯ

 

 
Hòa Thượng Thích Minh Châu, một nhà tu có hành tung bí ẩn và
gây nhiều tranh luận, qua đời ngày 1.9.2012 tại Sài Gòn, hưởng thọ 94 tuổi.

Mặc dầu ông là người nổi tiếng, năm 1964 đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất can thiệp bằng mọi giá để buộc Tướng Nguyễn Khánh phải cho ông từ Ấn Độ về Sài Gòn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và ông đã từng giữ chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang cho đến sau năm 1975, các cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại chỉ loan tin việc ông qua đời dựa theo các bản tin của báo nhà nước ở trong nước, còn các tổ chức thuộc Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang ở hải ngoại gần như im lặng. Trong khi đó, hầu hết các cơ quan truyền thông nhà nước, kể cả TTXVN, đã loan tin rộng rãi và viết khá nhiều về ông.
Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay ở Sài Gòn đã sưu tầm và viết về tiểu sử của ông khá đầy đủ, nhưng không nói đến những bí ẩn đã gây nhiều tranh luận về chính bản thân ông cũng như những tổ chức đã xử dụng ông.
Dưạ trên tài liệu của tình báo Pháp và VNCH mà chúng tôi đã đọc được trước năm 1975, khi xuất bản cuốn “Những bí ẩn đàng sau những cuộc thánh chiến tại Việt Nam” vào năm 1994” chúng tôi đã tiết lộ nhiều chi tiết bí ẩn về cuộc đời và những hoạt động của ông khiến nhiều người ngạc nhiên.
Người ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng Thích Minh Châu vừa là một nhân vật tôn giáo vừa là một nhân vật chính trị, những gì ông đã làm hay để lại, đã và đang gây khá nhiều hậu quả tang thương cho Phật Giáo và cho đất nước, nên chúng tôi thấy cần phải đưa ra ánh sáng những sự thật lịch sử để rút kinh nghiệm và tránh đi vào vết xe cũ.
 

VÀI NÉT VỀ QUÊ QUÁN

Ở Việt Nam, ít ai biết đến hành tung của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam… vì ông giấu rất kỹ. Một người làng ông và rất thân với gia đình ông khi còn nhỏ, đã nhận ra ông khi ông về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đã tìm đến thăm ông và hỏi han về gia đình của ông ở miền Bắc, nhưng ông chối dài và nói anh ta đã nhận lầm. Đến khi anh ta nhắc tới tên đứa con trai của ông và cho biết chính anh là người đã dạy đứa con đó, ông mới chịu xuống giọng.
Hòa Thượng Thích Minh Châu có tên thật là Đinh Văn Nam, sinh ngày 20.10.1918.
Tài liệu VNCH ghi ông sinh ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhưng các cơ quan truyền thông trong nước nói ông sinh ở Quảng Nam. Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay nói rõ hơn ông sinh tại làng Kim Thành ở Quảng Nam, nguyên quán ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi biết ở Quảng Nam có làng Kim Thành thuộc huyện Điện Bàn. Như vậy có thể cụ Đinh Văn Chấp đã sinh ra Đinh Văn Nam khi đến làm quan ở Điện Bàn.
Gia đình Hòa Thượng Minh Châu thuộc dòng dõi khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Đinh Văn Chấp, Tiến sĩ Hán học của nhà Nguyễn, thân mẫu là bà Lê Thị Đạt.
Ông là con thứ 3 của gia đình có 8 con, theo thứ tự như sau: Đinh Văn Kinh là con trưởng, đến Đinh Văn Quang, Đinh Văn Nam (tức Hòa Thượng Minh Châu), Đinh Văn Linh, Đinh Văn Phong, Đinh Thị Kim Hoài, Đinh Thị Kim Thai và Đinh Thị Khang.
Báo Đạo Phật Ngày Nay cho biết gia đình ông có đến 11 anh em và ông là con thứ 4. Như chúng ta đã biết, những người giàu có thời đó thường có nhiều vợ. Cụ Đinh Văn Chấp cũng có nhiều vợ thứ. Trước khi cưới vợ chánh là bà Lê Thị Đạt (mẹ Thích Minh Châu), ông đã cưới một người vợ thứ rồi, vì thế anh chị em nhà này rất đông. Nếu tính cả con vợ thứ, con số 11 có lẽ cũng đúng.
 

ĐẠI ĐĂNG KHOA VÀ TIỂU ĐĂNG KHOA

Anh chị em gia đình Thích Minh Châu rất thông minh, được học cả Hán học lẫn Tây học. Năm 1940, khi 22 tuổi, Đinh Văn Nam đậu bằng Tú tài Toàn phần tại trường Khải Định, Huế (nay là trường Quốc Học).
Người Việt ngày xưa theo tục lệ của Tàu, Đại đăng khoa rồi Tiểu đăng khoa. Đại đăng khoa là tiệc mừng tân khoa thi đỗ về làng, còn Tiểu đăng khoa là tiệc cưới mừng tân khoa thành lập gia thất. Cũng trong năm 1940, Đinh Văm Nam đã lập gia đình với cô Lê Thị Bé, con một gia đình khoa bảng khác ở cùng làng là cụ Lê Văn Miến. Cụ Miến là một người vừa đậu Tây học vừa thông Hán học nên làm giáo sư Hán văn và Pháp văn, sau vào dạy Quốc Tử Giám (đại học của triều đình) ở Huế.
Đinh Văn Nam ở với vợ là Lê Thị Bé được 3 năm, sinh được hai người con, một trai và một gái. Người con trai đầu lòng tên là Đinh Văn Sương. Người con gái tên là Đinh thị Phương (chúng tôi không nhớ tên lót chính xác).
Năm 1943, Đinh Văn Nam trở lại Huế và xin làm thừa phái (thư ký) cho tòa Khâm Sứ của Pháp ở Huế. Từ đó ông rất ít khi về Nghệ An thăm vợ con. Vợ ông phải làm việc rất vất vả để nuôi con.
 

KHI THỜI THẾ ĐỔI THAY

Theo hồ sơ của mật thám Pháp để lại, Hoà Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc Trường An Nam Phật Học ở Huế gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1941, còn Đinh Văn Nam và Võ Đình Cường năm 1943. Như vậy Đinh Văn Nam đã vào Đảng Cộng Sản sau khi bỏ Nghệ An trở lại Huế.
Sau khi Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945, cụ Đinh Văn Chấp, thân phụ của Đinh Văn Nam, đã tản cư từ Huế về Nghệ An và được Việt Minh mời làm Chủ Tịch Ban Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác-Lê. Sau khi cụ Đặng Hướng, Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt tỉnh Nghệ An lên làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Liên Khu IV, cụ Đinh Văn Chấp thay cụ Đặng Hướng làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Nghệ An. Còn cụ Lê Văn Miến, nhạc phụ của Đinh Văn Nam là người liêm khiết nên rất nghèo. Khi cụ trở về quê ở Kim Khê thì không có nơi cư ngụ. Các học trò của cụ phải góp mỗi người 5 đồng làm cho cụ một căn nhà lá nhỏ ở tạm. Vốn là thầy giáo, không quen các nghề bằng tay chân và nhất là với sĩ diện của một nhà Nho, cụ không có kế gì để sinh nhai. Nghe nói về sau cụ bị chết đói.
[…]

Trần Điền, người cùng làng với Thích Minh Châu, một cán bộ cao cấp của Việt Cộng, đã xin cuới cô Đinh Thị Kim Hoài, em của Thích Minh Châu, nhưng bị từ chối. Tuy không được làm rể nhà họ Đinh, Trần Điền vẫn giữ liên lạc tốt đẹp với gia đình Thích Minh Châu. Trần Điền đã làm Đại Sứ của Hà Nội tại Nam Vang trong thời kỳ Sihanouk chấp chánh. Đây là một đường dây liên lạc tốt của Thích Minh Châu.
Sau này cô Đinh Thị Kim Hoài làm vợ bé của Thiếu Tướng Nguyễn Sơn khi tướng này về làm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Liên Khu IV, một Liên Khu vững vàng nhất của Việt Cộng thời đó.
Nguyễn Sơn là một tướng tài, đẹp trai và lịch thiệp, nên đi đến đâu đều được các cô các bà bám chặt. Ông ở nơi nào ít lâu là có vợ ở nơi đó. Cuộc đời của ông có khoảng 15 bà vợ. Khi ông vào Nghệ An, cô Đinh Thị Kim Hoài rất thích ông. Ít lâu sau, hai người lấy nhau, mặc dầu lúc đó ông đã có khoảng 13 hay 14 bà vợ rồi.
Đinh Văn Linh, em của Thích Minh Châu, là Đại Tá, từng làm Đại Sứ của Hà Nội ở Bắc Kinh và sau về làm Chủ nhiệm nhật báo Quân Đội Nhân Dân. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Đinh Văn Linh là người đầu tiên được đưa vào Saigon để tiếp thu.
Một người ở làng Kim Khê cho biết Thích Minh Châu đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh vào đầu thập niên 40, khi Mặt Trận này mới thành lập. Nhóm của ông thường họp tại chùa Cẩm Linh, Diệc Cổ Tự hay trụ sở của Hội Nghiên Cứu Phật Học Trung Kỳ ở trong nội thành của thành phố Vinh.
[…]

…………………………..
Trong số tới, chúng tôi sẽ nói về những gay cấn trong việc đưa Thượng Tọa Thích Minh Châu về làm Viện Trưởng Viện Đại Học và chuyện gặp gỡ vợ con của ông sau 30.4.1975.


Ngày 6.9.2012
Lữ Giang

Trích báo Saigon Nhỏ do bà Hoàng dược Thảo chủ trương ngày 8/9/2012





 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top