Hoàng Long Hải, Về nước, thấy gì, nghĩ gì? Truyện 30/4

Hoàng Long Hải,
Bài 29

Về nước, thấy gì,nghĩ gì?

Chuyện 30/4 

Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
Phận trai già ruổi chiến trường,
Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về.
Chinh Phụ Ngâm


Trường Thiết Giáp Quân Đội VNCH ở Thủ Đức có lối phạt dã chiến khá hấp dẫn, lạ và vui mắt, người đứng xem không ai không thích thú, còn những người chịu phạt thì “mệt le lưỡi”, thọ phạt xong, không mấy ai không chưởi thề một tiếng “đ.m” cho hả cơn mệt.
          Ngay sân trước của trường, trên cái bệ xi-măng cao quá ngực là một chiếc xe tăng Mỹ M-24, thời Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai. Loại xe tăng nầy tuy nhỏ, nhưng cũng “đủ chỗ” cho 5 người: Tài xế, hiệu thính viên (truyền tin), xạ thủ, tức là người bắn cây súng đại bác Bofors 40 ly và trợ thủ, - người nạp đạn - và trưởng xa: người chỉ huy xe tăng. Người nầy cũng là người xử dụng cây súng đại liên 30 hay đại liên 50 gắn trên pháo tháp.
          Các khóa sinh thọ phạt thường là một toán 5 người, đủ cho 5 vị trí trên. Họ là thành phần tân khóa sinh - mới nhập ngũ hay còn được gọi đùa là “lính mới tò te” -, hạ sĩ quan tốt nghiệp trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế/ Nha Trang, và sĩ quan, tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức hay Võ Bị Quốc Gia… Họ phải trang bị đầy đủ: nón sắt, súng cá nhân với đủ cấp số đạn, ba-lô phải căng đầy quần áo bên trong, bình nước, giày “xô” đánh bóng, không một hạt bụi hay “ruồi đậu cũng té”. Năm người sắp hàng một, bên hông bệ xi-măng.
          Khi sĩ quan trực, người chỉ huy thi hành lệnh phạt hô to “Lên xe” thì tất cả 5 người leo lên xe cho thật mau: “Ba mươi giây”. Sau ba mươi giây, ai vào vị trí người đó trên xe. Sau đó, sĩ quan trực hô to: “Xuống xe” thì cũng chỉ “Ba mươi giây”, năm người thọ phạt lại sắp hàng một bên hông xe như cũ. Quá “Ba mươi giây”: coi như xù. Mỗi lần phạt gồm có hai chục lần “Lên xe, xuống xe”. Leo lên một cái bệ cao ngang ngực với đầy đủ “trang bị” như thế, cũng đã “thiên nan vạn nan” rồi; lại còn chui vào xe, chui ra xe…Anh nào mà còn ngồi thở được là người… tài.
          Trong khi vài chục người đang thọ phạt thì khoảng vài ba chục khóa sinh khác ngồi coi, toét miệng ra mà cười khi thấy “chúng nó” thở giốc.

 (trích “Về với mẹ”, cùng tác giả)


          Tôi mãn khóa sĩ quan 5/68 trường Bộ Binh Thủ Đức trưa ngày 25 thang 1 năm 1969, sau khi được gắn “loon” chuẩn úy  - “loon” trẻ nhứt QĐVNCH – như tôi thường nói đùa vì lúc ấy tôi đã 32 tuổi, trong khi phần đông các sĩ quan tốt nghiệp phần khoảng 20 tuổi. Tôi đi lính trễ, đi chung với học trò cũ của tôi, vì tôi không chọn binh nghiệp. Sau biến cố Mậu Thân 1968, khi trở lại lớp học, tôi bỗng “mất tinh thần”.  Học sinh trai gái, mười lăm mười bảy tuổi, hơn nửa lớp “bịt khăn tang”. Tôi không đủ can đảm để cầm cục phấn đứng trên bục giảng lớp học được nữa, tự động trình diện nhập ngũ.
          Bấy giờ, binh chủng Thiết Giáp chỉ chọn những sĩ quan trẻ, ưu tiên độc thân. Dĩ nhiên, tôi không còn độc thân, có vợ có con. Tuy nhiên, khi thiếu tá Hoàng Văn Giao, trưởng phòng nhân viên đến trường Bộ Binh chọn sĩ quan, tôi là người được gọi tên trước tiên.
Khi còn học ở trường Bộ Binh, tôi thường qua trường Thiết Giáp chơi với Lương Thúc Trình, sĩ quan chính huấn. Trình với tôi là bạn học cũ, từ lớp nhì trường Tiểu học Quảng Trị, niên khóa 1949-1950, đến niên khóa 1957- 1958, chúng tôi cùng rời trường Quốc Học. Rồi mỗi đứa “mỗi phương trời cách biệt”. Bấy giờ Trình đang phụ trách tờ Kỵ Binh của binh chủng Thiết Giáp, chương trình phát thanh trên đài Quân Đội, và thỉnh thoảng có chương trình TV, tùy vào “tài mời ca sĩ hát chùa” của nhạc sĩ Hoàng Trang, phụ tá của Trình. Đinh Cường cũng đang học khóa 5/68, thỉnh thoảng cũng đến chơi với Trình, vẽ bìa cho tờ Ky ̣ Binh. Nói chuyện với Trình, tôi thường khen những tờ Kỵ Binh có trang bìa do Đinh Cường vẽ.
Trước khi mãn khóa ít lâu, Trình nói với tôi: “Moi” sắp được biệt phái về lại Trần Cao Vân - Trình đang dạy ở đây thì bị động viên - Hải có muốn thế “moi” không? Muốn thì “moi” đề nghị với Trung Tá Sự, - Chỉ huy Phó của Trường - xin cho “toi” về thay “moi”. Đấy, cái lý do thiếu tá Giao gọi tên tôi đầu tiên là vì vậy. Đời không phải đều là hazard cả đâu, có khi do nhân quả đấy. Không có chuyện trước, sao có việc sau.
          Học lớp “Sĩ quan Căn bản Thiết giáp”, là học về cơ khí, lái xe – “tăng M-41” với “thiết quân vận M-113”, V-100, là loại xe hiện đang xử dụng trên chiến trường, học vũ khí – đại bác 76-li trên M-41, đại liên, trung liên, súng cối, 106-li không dật, truyền tin, chiến thuật - hành quân, hộ tống… Học nhiều ít tôi không nhớ, chỉ nhớ câu nằm lòng hách xì xằng “thiết giáp là nữ hoàng của chiến trường” “Nhị thức Bộ Binh/ Thiết giáp”. Nhị thức nầy rất quan trọng. Người lính Thiết giáp và “Bộ binh tùng thiết” dễ chết ngoài chiến trường là vì thiếu sự phối hợp nầy, hoặc phối hợp không nhuần nhuyễn, không đồng bộ, không hỗ trợ, không bảo vệ cho nhau được… là dễ “rửa chân lên ngồi bàn thờ” - câu chúng tôi thường nói đùa khi nói về cái chết, ngoài chiến trường.
***

          Báo Diều Hâu, thuật lại trận Dambe, phe ta có Đại Đội 112 Dù của Đại Úy “Hùng móm” (1) - Tiểu Đoàn 11 Dù - và Chi Đoàn 3/18 của Trung úy Nguyễn Ngọc Bích - Thiết Đoàn 18, “đụng” với Sư Đoàn 710 Cộng Sản Bắc Việt Xâm Lược như thế nầy: Dù với Thiết Giáp tấn công vào mục tiêu. Thiết giáp tiến trước, Dù núp sau xe, cùng vào. Cộng Sản bắn rát quá. B-40, B-41 bay ra ào ào. Thiết giáp ngại hai thứ nầy nhứt, bèn “de” lui. “Hùng móm” cự nự Bích: “Thiết giáp mà còn lui, bộ lính của tui là “xương đồng, da sắt” sao!?” Bích hứa: “Để tui lo. Lần nầy, trước khi lính ông xung phong, tui ra lệnh lính tui tắt máy xe, tụi nó hết lùi.” Đánh giặc kiểu đó thì dù cấp chỉ huy có ra lệnh tử thủ, “mấy thằng cùi” cũng bỏ phòng tuyến mà chạy dài.

          Hai “anh” liều nầy, sau khi rời chiến trường Kampuchia, lại gặp nhau ở chiến trường Quảng Trị. Bích “bị” trước. Anh bị thương nặng, xe cứu thương đưa vô Huế, tới “Đại Lộ Kinh Hoàng” thì xe cứu thương bị pháo, tài xế mất tích đâu không biết, nhưng đến khi quân ta giải tỏa “Đại Lộ Kinh Hoàng” thì Bích còn nằm trên xe, nhưng xương thịt đã rã cả rồi. “Hùng móm” thì bị pháo Việt Cộng, chết ở Cầu Lòn, - đường lên nhà thờ La-Vang, cách Ga Xe Lửa Quảng Trị chưa đầy hai trăm mét.

          “Nhị thức Bộ binh/ Thiết giáp” nầy, tổng thống Thiệu cũng khá kinh nghiệp trên “mặt trận chính trị”. Trần Phú Trắc, cháu gọi tổng thống Thiệu bằng cậu, trong trại tù, có lần kể cho bạn tù nghe: “Ông Thiệu nói “Đi với Mỹ cũng giống như “Bộ binh tùng Thiết”. Khéo thì nó che cho mình, không khéo thì nó cán mình, chết dễ như không.”

          Ngày 14 tháng 7 năm 1972, “Hùng móm” tử trận, gia đình làm đám ở An Cựu/ Huế. Một trung sĩ Dù theo quan tài “Hùng móm” về nhà tôi, kể: “Trước khi “ông thầy” chết, cả đại đội đuổi theo Việt Cộng bắn xe tăng, vui muốn chết”.
          Mẹ tôi nói: “Đánh giặc mà vui cái chi!”
          Anh trung sĩ giải thích: “Vui lắm “mệ” –“mệ” là tiếng Huế thường dùng để gọi bà nội hay bà ngoại, hoặc người già, đáng tuổi ông bà một cách thân mật. - Tụi Việt Cộng nó không biết đánh xe tăng, chạy ngờ ngờ trên đường, không có lính theo bảo vệ. Thấy xe đồng bọn bị cháy, tụi nó cũng chạy luôn. “Ông thầy” với bọn con quăng M-16 cho khỏi vướng, cầm M-72 chạy theo, núp bắn. Bắn ngay vào máy hay bình xăng, chắc ăn mười chiếc như một. Trúng đạn, xe tăng tụi nó cháy bùng lên, coi đã mắt.”
          Tôi hỏi:
          -“Không có “bộ binh tùng thiết”?
          -“Không. Chỉ có T-54 chạy khơi khơi với nhau.”

          Tôi nghĩ chắc tụi nó chưa quen chiến trường. Chưa có kinh nghiệm áp dụng binh thư, tò mò hỏi:
          -“Dù đánh như thế nào?
          Anh trung sĩ kể: “Sau khi bị rạc gáo ở “Xạc-li”, (Charlie) tiểu đoàn bổ sung, tái huấn luyện, chưa xong thì được tin Quảng Trị mất ngày 1 tháng 5, tiểu đoàn lại lên đường ra miền Trung ngay, cũng đầu tháng 5. Vừa ra tới nơi thì có lệnh đánh Quảng Trị của Tổng Thống. Vùng hoạt động của 11 Dù là phía núi Trường Sơn, phía Tây đường xe lửa, dài từ Mỹ Chánh ra nhà thờ La-Vang. Ban đầu tiến quân dễ dàng. Tại ga Diên Trường, đụng máy thằng du kích, rượt tụi nó chạy trối chết. Lại đụng một đơn vị tụi nó ở “Đồi Đức Mẹ”, thắng dễ dàng, diệt thêm một “trận địa pháo” của tụi nó ở đám ruộng trước nhà thờ, cũng không khó khăn gì. Từ La Vang, 11 Dù tiến về phía Đông, dọc theo con đường La-Vang thì gặp khó khăn.
          Tui cướp lời, hỏi:
  • “Những công trình mới xây, có bị hư hại gì không?

          Hỏi như vậy là vì “nhà thờ La Vang” là khu vực bọn học trò chúng tôi thường “đi chơi”, khi còn đi học. Nhà thờ La Vang hồi đó là một nhà thờ nhỏ, cổ kính, chung quanh toàn “… rừng xanh, rừng xanh, Bụi đùn quanh ngỏ vắng.…” tưởng như “… Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh vậy. Phía sau nhà thờ La Vang, gần chân núi Trường Sơn, là nhà thờ Phước Môn, ở giữa núi, lại có “Đồi thông hai mộ” của ông bà quận công Nguyễn Hữu Bài, đẹp như trong truyền thuyết. Mấy năm “chống giặc Tây”, Việt Minh để yên mấy nhà thờ nầy, không phá tán chi, nên mấy năm Hòa bình lập lại, chúng tôi có chỗ để “đi chơi”. Khi ông Ngô Đình Thục về làm Tổng Giám Mục địa phận Huế, ông nâng nhà thờ nầy lên hàng Vương Cung Thánh Đường - đã “cung” mà còn “đường” - xây lại “Đồi Đức Mẹ”, mở rộng sân nhà thờ, dựng “tượng thánh hai bên”. Đẹp thì có đẹp, nhưng với bọn tôi, cái cũ không quên, cái cũ bao giờ vẫn hơn, nhưng ai biết cho lòng mình thế nào? Ai thèm để ý tới tâm tình “mấy đứa học trò nhỏ”.
          Anh trung sĩ kể tiếp:
          -“Ông Thầy” nói với tiểu đoàn, “ông” là dân Quảng Trị, tình nguyện đi đầu. Trong “ba-lô” ông, sau khi “ổng”chết, còn một lá cờ, một chai “xâm-banh”. Hễ chiếm xong thị xã, ông về tới nhà, “treo cờ trên nhà mình, mở “xâm-banh” uống chơi”.

Trên đường La Vang, hai bên là doanh trại cũ của mình. Hồi trước, mình ở trong đồn, tụi nó muốn đánh phải chờ đêm tối mới dám vô. Bây giờ ngược lại, tụi nó ở trong đồn, mình ở ngoài đánh vô. “Ông Thầy” xin với tiểu đoàn cho đánh đêm. Ngày nghỉ, chờ trời tối, mình tấn công. Tụi nó có cái dở là xe tăng tụi nó ở ngoài đồn, lính tụi nó ở trong đồn. Chờ tối, tụi tui ôm M-72, bò tới gần, bắn cháy, mười chiếc như một. Xe tăng cháy, tụi nó trong đồn sợ hãi bỏ chạy luôn, nên từ Nhà Thờ đánh tới Quốc Lộ 1 cũng dễ. Tới Ga xe lửa thì tụi tui khựng lại.

          -“Tụi nó tử thủ?” Tôi hỏi.
          -“Chỗ nhà Ga xe lửa là tiền đồn của Cổ Thành mà anh. Đánh hai ngày không thủng. Ngày 14, “Ông Thầy” ngồi nghỉ trong một cái quán “bi-da” bên cạnh Cầu Lòn. Tụi nó pháo quấy rối thôi mà mảnh đạn trúng ổng. Ổng chết ngay tại chỗ. Có một ông mới đậu luật sư, bên Pháp về, xin đi theo đơn vị tiền phương. Ông nầy bị mảnh đạn vào mắt. Khi tụi em khiêng “Ông Thầy” ra trực thăng, tay “Ông Thầy” còn giựt giựt, tóc quăn ông bay bay theo gió. Ổng chết rồi. Tụi em khóc dữ. Em xin tiểu đoàn cho em đi theo ông thầy về bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
oOo

          Mùa nắng năm 1977, tôi bị chuyển trại từ Long Giao về trại Suối Máu/ Biên Hòa. Trại nầy có 5-T. – Tôi ở T-5. Về đây gặp một số bạn bè và học trò cũ, mấy “đứa” hàng xóm, hồi còn đi học, tôi thường “dạy hè” cho tụi nó. Đó là Nguyễn Ngọc Túc, đại úy, hiện ở Úc, trước làm ở Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên, “đệ ruột” của Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp, rể của “Mệ Tương” (2), Võ Bang, hiện ở West Virginia, đại úy pháo binh, người bỏ 3 cây đại bác 105-li ở Ngã Ba Dầu Dây mà chạy, thay vì chờ Việt Cộng từ hướng Đà Lạt tiến xuống, vì Sư Đoàn 18 đã rút khỏi Long Khánh, và Trần Hữu Xiêm. Anh này là học trò Đệ Tam của tôi, thi băng Tú Tài 1. Đậu rồi, anh tình nguyện đi không quân, làm “giặc lái”.
Ra trường, anh về phục vụ ở vùng I. Một lần lái L.19 hộ tống cho đoàn xe của một người bạn trên quốc lộ 1, anh suýt chết khi qua đèo Hải Vân. Máy bay bị gió thổi sà ngang đầu mấy chiếc xe đang đậu trên đỉnh chờ đổi giờ đèo, ai cũng khiếp đảm. Anh cũng hú hồn thoát chết.
Được nửa năm, An Ninh Quân Đội “điều chuẩn an ninh”, phát hiện bố anh là “Ủy viên trung ương đảng” ở ngoài Bắc nên anh bị “cấm bay”, được giao công tác trên mặt đất.
Anh của Xiêm là Trần Hữu Tín cũng bị “vạ lây”. Tín đang làm ở phòng 2 bộ Tổng Tham Mưu, bị thuyên chuyển về Khối Chiến tranh Chính trị Tiểu khu Gia Định.
Bây giờ cả hai anh em cùng đi “tù cải tạo” với nhau.
Sau vụ “cấm bay” được nửa năm, cấp chỉ huy xét lại nên Xiêm được bay như cũ.
     Xiêm kể:
- “Ngày 20 tháng Tư (1972), em bay quan sát từ Đà Nẵng ra Bến Hải. Ngang cầu Đông Hà em thấy 7 chiếc xe tăng đang từ hướng Bắc chạy vào, hai chiếc đầu gần tới cầu Đông Hà rồi.
Em rà thấp xuống coi thử xe tăng ai mà hơi lạ lạ. Nhìn kỹ, té ra tăng T-54 của  Việt Cộng, chúng từ ngoài kia, theo Quốc Lộ 1 mà vào. Em gọi về “Trung tâm Hành quân” ở Đà Nẵng, xin máy bay oanh tạc.
Đà Nẵng biểu chờ, phải trình Trung Tướng đã. “Mẹ nó lên” em chưởi đổng. Xe tăng Việt Cộng sắp tới cầu Đông Hà rồi mà còn biểu chờ. Xe tăng nó qua cầu được là coi như xong.
Nghe em chưởi thề trong máy, một anh chàng A-37, chẳng biết tên họ là chi, cùng tần số, bảo em:
- “Đ. mẹ, đếch chờ. Ông chỉ điểm đi, tôi “chơi” liền”.
“Thế là em rà xuống thấp, bắn trái khói. Anh chàng kia cùng người bạn, hai chiếc A-37 nhào xuống chơi trò “cua rang muối”.
Năm chiếc cháy ngay trên đường, hai chiếc hoảng hồn lao xuống ruộng, em chỉ điểm tiếp cho hai anh chàng kia rang cháy luôn. Còn thêm khoảng cỡ mười chiếc ngoài kia đâm đầu chạy vào, như tụi liều mạng vậy. Bọn em cũng hết bom, nhưng dưới đất thì kêu réo om sòm vì xe tăng Việt Cộng tới.
May khi đó, Thiết Đoàn 21 Chiến Xa của Trung tá Nguyễn Hữu Lý kịp phá sập cầu Đông Hà.”
Tôi hỏi:
- “Trong bản tự khai, ông có khai vụ nầy ra không?”
- “Có chớ, sao không?” Xiêm trả lời tự nhiên. “Biểu thành thật khai báo là em khai hết. Sợ chi? Mà hình như ba em ông “đấu tranh” dữ lắm. Em gái em ở Huế gởi thư cho biết nhiều lần ba em ngồi uống trà suốt đêm không ngủ. Bảo lãnh cho một thằng con rang hết cả chục con cua của “cách mạng”, chắc khó lòng cho ông dữ!” Nói xong, Xiêm cười hề hề!
Sau đó ít lâu, có đợt đày tù cải tạo ra Bắc. Cả hai anh em của Xiêm đều có mặt trong đợt nầy.

oOo

Cuối tháng 2/ 1971, tôi được lệnh đi Khe Sanh, không qua Lào. Bấy giờ trận Hạ Lào - Lam Sơn 719 - đang hồi kết thúc. Ở lại Khe Sanh một đêm, hôm sau tôi về Đông Hà, cố tìm và phỏng vấn một vài chiến sĩ Thiết Giáp chiến đấu xuất sắc, làm tài liệu cho chương trình phát thanh và truyền hình. Tới Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 11/Kỵ Binh, tôi không gặp ai, kể cả hai ông Thiết Đoàn Trưởng, Thiết Đoàn Phó. Thiết Đoàn nầy coi như bị thiệt hại nặng nề nhứt, nhứt là Chi Đoàn 3/11 của Đại Úy Hải. Hầu hết xe của Chi Đoàn kẹt ở “cua Tử Thần”, gần Lao Bảo. May mắn, tôi gặp Trung Tá Nguyễn Xuân Dung, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 17. Ông bảo: “Thiết Đoàn tôi không về theo đường số 9. Biết kẹt ở “cua Tử Thần”, tôi xin Bộ Tư Lệnh Chiến Trường cho Công Binh mở một con đường mới, băng rừng về. Tất cả đều an toàn. Hỏi về việc đánh nhau với xe tăng địch, Trung Tá Dung giải thích:
-“Cộng Sản có T-54, không lội nước, thành ra chúng ta phải canh bắn vào xích, hay vào máy, hoặc bình xăng. Bắn vào mặt trước, hay pháo tháp đạn dễ bị trượt. Họ có hai loại xe tăng lội nước được. Đó là BTR-85 hay PT -76. Lọại thứ hai, nhỏ hơn, nhưng trên chiến trường loại PT-76 nhiều hơn. Xe tăng lội nước, thành hông thẳng đứng, dễ trúng đạn. Khi leo lên đồi, xe họ phải di chuyển ngang, bày hông ra phía chúng ta. Chờ lúc đó, chúng ta nổ súng, đạn không trượt, xe họ bị ngay. Kinh nghiệm đó giúp chúng ta phá nhiều xe tăng địch.
Hỏi về chiến công, ai bắn được nhiều xe tăng địch ̣ nhứt, Đại úy Bổn của Thiết Đoàn 17, biểu tôi gặp hạ sĩ Tứ, Thiết Đoàn 14 đang đóng ở phi trường Đông Hà. Tới phi trường nầy, tôi bỗng nhớ một bản tin của đài BBC phát cách nay hơn một tháng.  Hôm đó, ở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, có tin vui nói rằng xe tăng của Thiếu Tá Nô, Thiết Đoàn 11, lần đầu tiên bắn cháy xe tăng Việt Cộng. Đó cũng là lần đầu tiên xe tăng địch xuất hiện trên chiến trường Miền Nam VN. Bản tin của Đài BBC hôm đó có ý mai mỉa: “Trong khi xe tăng Mỹ và xe tăng Liên Xô lần đầu tiên bắn nhau ở phía Tây phi trường Đông Hà thì Kissinger với ngoại trưởng Kosygin của Liên Xô nâng rượu Volka chúc mừng nhau.” Bọn chúng đểu thật!
Gặp hạ sĩ Tứ đang ngồi chới với mấy người bạn dưới một cái quán che bằng bạt dù, tôi ghé vào ngồi ở một cái ghế trống, hỏi ngay Tứ - nhờ nhìn vào bảng tên, tôi biết ngay anh ta:
- “Tui đi tìm anh?”
-“Dạ. Em biết.”
-“Có người báo cho Tứ?”
-“Có người báo em, bảo em cắt tóc vì có sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị từ Bộ Chỉ Huy binh chủng ra.”
Tôi nói:
-“Thôi, khỏi cắt. Đi cả tháng trong rừng, tóc tai hơi dài một chút mới đúng bài bản. Thiết Đoàn ra tăng cường ngoài này?”
-“Chi đoàn em đang hành quân ỏ Kontum thì có lệnh đi gấp. Biết ra Trung nhưng không biết qua tận bên Lào.
-“Con gái Lào đẹp lắm, phải không?” Tôi đùa.
-“Chỉ thấy súng đạn. Việt Nam hay Lào, chỉ có hố bom là nhiều.” Tứ cười, giọng buồn.
-“Nghe nói anh em được đi thăm Huế?
-“Đang dưỡng quân, Đại Úy Chi Đoàn Trưởng cho anh em chia nhau đi thăm Huế cho biết. Có xe Chi Đoàn đưa đi/ về.”
-“May cho tui, có thể hôm nay, em đi Huế chơi rồi.”
-“Đúng ra hôm ni em đi với bọn nó. Không hiểu sao, tự nhiên em ở lại, hẹn mai đi.”
-“Chắc là Trời xui em ở lại kể chuyện bắn xe tăng nghe chơi. Em hạ bao nhiêu chiếc?
-“Bốn.”
-“Nhiều vậy. May mắn hay kinh nghiệm.” Tôi hỏi.
-“Cả hai. Trước nhứt là bình tĩnh. Em bình tĩnh lắm, giống như hồi học trò cầm giàn thun đi bắn chim. Nhờ đó, em phản ứng nhanh. Đó là một điều kiện, thứ hai là nhờ xe.”
-“Em nó rõ đi.” Tôi đề nghị.
-“Tăng M-41 quay pháo tháp bằng điện, nhanh lắm. T-54 quay bằng tay, chậm hơn xe mình nhiều?”
-“Bắn chậm thì chết?” Tôi lại hỏi.
-“Giống trong phim “cao-bồi Tếc-Xa” vậy. Rút súng chậm thì chết.
-“John Wayne. Em biết ông nầy?”
-“Thần tượng bắn xe tăng của em đó. Quay súng thật nhanh, như ông ta rút súng vậy. Vừa quay pháo tháp vừa hạ nòng súng, nhắm ngay mục tiêu. Bao giờ em cũng bắn trước tụi nó. Chậm là không còn cơ hội cho mình.
-“Tăng M-41 đại bác chỉ có 76-li, còn T-54 đại bác của nó bao nhiêu li.
-“90-li. Vấn đề không phải ở đó.
-“Sức công phá cũng giống nhau.” Tôi hỏi.
-“Kinh nghiệm của em là nhanh và bình tĩnh.
oOo

Trích “Nhật Ký An Lộc” – Bác sĩ Nguyễn Văn Quý

“…Tôi và một tốp lính đang say sưa theo dõi mấy chiếc phản lực thì có tiếng một người la lên:
- Xe tăng, xe tăng kìa. Mọi người nhao nhao lên hỏi: - Đâu, xe tăng đâu? Người vừa nói giọng gắt gỏng: - Kia kìa, trên đường đi lên Lộc Ninh đó. Mọi người nhìn theo tay anh ta chỉ. Vài người kêu lên: - Đúng rồi, xe tăng đó, không biết của mình hay là của tụi nó. Một người gắt lên; - Của tụi nó chứ còn của ai nữa. Mình làm gì có xe tăng ở đây.
Tôi lấy tay che bớt ánh sáng mặt trời cố sức nhìn về hướng Lộc Ninh. Tôi thấy một điểm đen đang di động, càng ngày càng lớn dần. Một người nói:
- Hình như nó treo cả cờ nữa. Đánh trận mà làm như diễn binh.
Câu pha trò của anh ta không làm cho ai cười. Mọi người đang hồi hộp theo dõi chiến trận ở phía dưới. Một người lính đưa tay lên khum khum như cái ống nhòm nhìn không chớp mắt về phía xe tăng, anh ta nói:
- Thêm hai chiếc nữa, tất cả có ba chiếc.
Một người cãi:
- Có hai chiếc thôi.
- Anh nhìn lại xem, ba chiếc tất cả.
- Ừ nhỉ, chết cha, ba chiếc, rồi mình làm sao?

Một người bạn anh ta đứng bên cạnh xen vô:
- Mày quên là mình có M-72 à. Thụt cho nó vài phát là đi tiêu chứ còn gì. Anh kia tức giận quay lại, nhưng cuộc cãi vã chấm dứt ngay.
Dưới kia trận chiến đang xảy ra dữ dội. Mọi người đều im lặng hồi hộp theo dõi. Mấy khẩu pháo 105 ly đặt ở công viên Tao Phùng, ngay dưới chân đồi bệnh viện đang hạ nòng để sửa soạn bắn trực xạ. Hồi trước tôi chỉ được nghe nói hoặc đọc báo khi quân ta bị Việt Cộng tấn công biển người, pháo binh phải bắn trực xạ, nay tôi mới thấy tận mắt. Cảnh này kích thích tôi ghê gớm, khiến tôi và mấy người lính đứng bên, dường như quên cả nguy hiểm. Có người leo lên bàn, lên ghế của nhà Bảo Sanh để coi cho rõ. Chỗ đánh nhau chỉ cách chúng tôi chừng năm, sáu trăm thước là cùng.
 
 
Chiến xa T54 của cộng sản Bắc Việt trên đường vào cửa ngõ thị trấn
An Lộc bị các chiến sĩ của liên đoàn 81 biệt kích dù bắn hạ như những con cua luộc.

Phía trước công viên Tao Phùng nơi đặt mấy khẩu pháo là một dãy nhà mới cất thuộc khu chợ mới. Trong đó có nhà của bác sĩ Chí. Trên sân thượng của những nhà này tôi đã thấy có lính bố trí sẵn sàng. Ở một căn nhà bìa dọc theo con đường Bình Long - Lộc Ninh, sân thượng nhà này cao trội hơn những nhà khác, có một tiểu đội lính trấn thủ. Tiểu đội đó hoạt động linh lợi vô cùng. Từ xa tôi thấy người này, người nọ lăng xăng lấy M-72 ra tiếp tế cho nhau, sửa soạn để bắn chiến xa. Bóng họ in sẫm trên nền trời xanh nhạt.
Tôi thấy một người lính đưa một khẩu M-72 cho một người bạn. Người này quỳ xuống nhắm vào một chiếc xe tăng đang chạy ở dưới đường. Mấy người khác nằm rạt ra hai bên. Một cột lửa phụt dài M-72 tiếp theo một tiếng nổ dữ dội vang lên. Mấy người lính đứng bật dậy, ùa ra lan can xong rồi reo hò lên. Từ xa tôi cũng nghe được tiếng họ la hét. Họ tung cả mũ sắt lên trời, ôm nhau nhảy vòng tròn vui vẻ lắm. Tôi đoán họ vừa hạ được một xe tăng của Việt Cộng. Họ coi Việt Cộng như không. Đánh giặc như trò đùa. Họ thật bình tĩnh và can đảm. Họ bắn liên tiếp ba, bốn trái nữa.
Tôi xem hoạt cảnh đó một cách say mê. Đến bây giờ tôi vẫn lấy làm lạ tại sao thấy xe tăng địch tràn vào thành phố mà tôi và mấy người lính hôm đó không có một cảm giác sợ hãi nào. Có thể là xe tăng địch chỉ tiến vào mà không bắn. Địch quân không nhiều, những cái chết chóc thảm khốc chưa diễn ra và nhất là địch vẫn còn xa chỗ vị trí của mình.
Bỗng một chiếc xe tăng xuất hiện ngay đầu đường quẹo vô đại lộ Hoàng Hôn. Khẩu pháo 105 ly đã hạ nòng nằm chờ đợi từ lâu gầm lên, đồng thời nơi dẫy nhà trước mặt năm, sáu khẩu M-72 phóng vụt ra. Chiếc xe tăng nghiêng đi, bốc cháy, bay luôn cả pháo tháp.
Một anh lính đứng gần tôi chợt la lên:
- Kìa, còn một chiếc nữa kìa.
Theo tay chỉ của anh ta, qua những khoảng trống của những căn nhà đang xây dở dang, tôi thấy một chiếc xe đang len lỏi qua ngõ ngách để tránh đạn. Xe tăng trốn chui trốn nhủi như chuột gặp phải mèo. Sau cùng tôi thấy nó xuất hiện ngay đại lộ Hoàng Hôn, định chạy lên phía dốc chợ cũ. Đằng sau có chừng hai ba chục lính Sư Đoàn 5 đuổi theo bám sát. Người cầm lựu đạn, người cầm M72 có người còn tính nhảy lên xe tăng nữa. Mỗi lần chiếc xe dừng lại tính quay lui, lính lại dạt ra để rồi đuổi tiếp. Khẩu pháo phía tay phải tôi đã hạ nòng, chỉ lăm le nhả đạn. Tôi than thầm trong bụng, mấy anh lính hăng quá, đuổi theo nó thì ăn cái giải gì, chỉ làm cản đường bắn của quân bạn. Tôi sợ lạc đạn bắn lầm lẫn nhau. Chết do đạn của phe mình mới đau chứ.
Thỉnh thoảng một người lại liệng lựu đạn khói màu để cho phi cơ biết quân bạn có ở đó, nếu không máy bay thấy xe tăng sà xuống oanh tạc. Khói màu là bạn, khói trắng là địch.
Hồi lâu chiếc xe tăng bị đuổi dữ quá, lính quýnh đâm sầm vào một căn nhà nằm gọn lỏn bên trong đó và bị bắn cháy tại đây.
Trên trời hai chiếc phản lực vẫn sục sạo tìm kiếm xe tăng. Chỗ nào có khói trắng là phi cơ lao xuống can thiệp liền. Chúng tôi đứng ở xa như vậy mà cũng thấy tức ngực. Một mảnh bom văng ra rơi trước mặt chúng tôi hai thước. Tôi tiến tới nhặt lên phải vội buông xuống vì mảnh bom vẫn còn nóng bỏng. Nó dài chừng gang tay hình chữ S, sắc cạnh vô cùng, chỉ cần nó rơi trúng người là có đổ máu rồi. May phước thay, nó văng tới trước mặt chúng tôi là hết đà.
Tôi thấy máy bay nhào xuống chỗ bến xe đò của tỉnh. Hai trái bom phăng phăng rơi xuống, rồi lửa đỏ và khói đen đùn lên. Nhà cửa mái tôn, cột kèo, vách tường bị hất tung lên trời, cảnh tượng thật khủng khiếp, làm tôi nhớ lại cuốn phim “Le dernier grenade” chiếu ở Sài Gòn, cũng có những cảnh tương tự.
Bỏ bom trong thành phố thật tai hại. Tôi đoán có nhiều người dân tản cư không kịp, núp trong hầm ở nhà, có thể sẽ bị chết, không vì trúng bom cũng vì sức ép hay nhà sập đè mà không ai biết. Hầm trú ẩn của họ bỗng nhiên biến thành mồ chôn của cả gia đình. Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu làm tôi mất hứng thú theo dõi trận đánh. Tôi đi trở về phòng.
Tôi thấy mệt mỏi lạ. Có thể vì tôi đã trải qua mấy tiếng đồng hồ căng thẳng vừa qua chăng?
 
 

Tôi cởi áo giáp, bỏ nón sắt, nằm ngả lưng xuống giường. Lòng phân vân tự hỏi, không hiểu trận chiến còn kéo dài bao lâu và liệu quân mình có chống nổi những cuộc tấn công sau này của địch không? Tôi chắc chắn sẽ còn những cuộc tấn công kế tiếp nữa. Tôi nghĩ cũng không lâu đâu. Hiện giờ mới là màn mở đầu. Có thể mấy đợt B-52 trải thảm bom đã làm tan rã một phần không nhỏ lực lượng của địch. Nhưng sau thời gian hỗn loạn lúc đầu, địch sẽ chỉnh đốn lại hàng ngũ, tăng viện thêm và khi họ đã tạo được đầy đủ lực lượng rồi cuộc tấn công thứ nhì sẽ mạnh hơn, gay cấn hơn. Không hiểu bên mình khi đó sẽ ra sao?
Bệnh viện bị đứt liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nên tôi không thể tiếp xúc với Thiếu tá Diệm để hỏi thăm tin tức được.
Xét về phía địch quân, tôi cũng lấy làm lạ sao Việt Cộng đánh đấm gì dở quá vậy. Mang mấy xe tăng đơn độc xông đại vào phòng tuyến của đối phương, không có Bộ Binh đi theo yểm trợ. Súng đại bác của xe tăng cũng không bắn một một phát nào. Thật là kỳ cục khó hiểu.
Tôi đang nằm suy nghĩ miên man, bỗng nghe thấy tiếng xô đẩy nhau, tiếng ồn ào ngoài hành lang. Trong cái âm thanh hỗn độn ấy, tôi nghe có người kêu:
- Xe tăng lên, xe tăng sắp lên tới bệnh viện rồi! Tôi ngồi bật dậy, khoác vội áo giáp, đội nón sắt mở cửa bước ra ngoài. Hành lang giữa trại Ngoại Khoa giờ đây chật ních người. Họ xô nhau chạy lui trở vào. Người nào người nấy mặt mày thất sắc, hốt hoảng. Tôi thấy đứng dồn cục trong hành lang rất nguy hiểm. Địch thấy lố nhố người, bắn một trái vào là chết cả đám. Tôi vội lách ra phía đầu trại Ngoại Khoa, đi về phía trại Nội Khoa an toàn hơn.
Hai bên đường dẫn tới bệnh viện, những khẩu M-72 chĩa ra tua tủa. Những người lính phục sát xuống mặt đất đợi chờ. Tôi không nghe thấy tiếng xích sắt nghiến trên đường nhựa. Nếu là chiến xa của mình chắc tôi đã nghe thấy rồi.
Chợt một người la lên:
  • Nó đã tới ngã tư rồi.
Ngã tư này ở cuối dốc lên bệnh viện, cách bệnh viện chừng gần 200 thước. Tôi không sợ xe tăng địch. Vì mình đã có vũ khí trừ nó. Tôi chỉ coi nó như một quan tài di động mà thôi vì trước sau gì nó cũng bị ta bắn hạ. Xe tăng không có bộ binh đi kèm chẳng khác gì cua không càng. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa thấy bộ binh địch xuất hiện. Việc này có vẻ hơi bất thường. Tôi nghĩ rằng, có thể bộ binh đã bị B-52 tiêu diệt khá nặng chưa gom quân kịp. Do đó phối hợp tấn công bị xáo trộn nên Bộ Binh và Chiến Xa không bắt tay được với nhau như đã dự trù.
Dù gì đi chăng nữa mối lo về phía địch, tôi thấy trong lúc này thực sự không đáng ngại. Điều đáng sợ nhất đối với tôi lại là quân của phía mình. Mới nghe qua thấy thật nghịch lý, nhưng quả thực là như vậy. Một người lính Sư Đoàn 5 bị bắn chết ngay trước cửa bệnh viện trong khi anh ta đang bố trí trong hố cá nhân vì đạn trong Bộ Tư Lệnh bắn ra. Bắn một cách vô ý thức và ngu xuẩn vì quanh Bộ Tư Lệnh đều là quân bạn còn địch vẫn còn ở xa, có trông thấy đâu.
Binh Nhất Mệnh có đưa cho tôi xem cái mũ sắt của người lính bất hạnh đó. Vết đạn xuyên qua hai lần mũ sắt, bên trong còn dính bầy nhầy chất óc người. Điều đáng sợ hơn nữa là phi cơ của phe mình. Nếu xe tăng lên tới bệnh viện, máy bay trông thấy xà xuống bỏ bom là bệnh viện tan tành. Cho dù phi công có bỏ bom chính xác cách mấy, nhưng vì gần quá, mạng sống của mọi người trong bệnh viện sẽ khó an toàn vì sức ép khủng khiếp của bom nổ.
Tôi đang tính chạy vào trú trong hầm của Bác sĩ Phúc, chợt nhiều tiếng nổ của M-72 nổi lên. Có tiếng la:
  • Nó ngán rồi, nó quay trở lui.
Lại sau có tiếng reo lên: - Hạ được rồi, cháy rồi!

Tôi vội chạy ra phía sau nhà Bảo Sanh nhìn xuống con đường dốc lên bệnh viện. Tôi thấy một vật đang cháy. Gần ngay vòng rào thép gai của trại cố vấn Mỹ. Tôi nhìn kỹ:
- Ủa, đâu phải xe tăng, xe bồn nước mà!
Trung sĩ Tuấn nói:
  • Đó là bồn dầu của Pháo Binh bị M-72 bắn lầm. Còn xe tăng bị bắn cháy là kia kìa bác sĩ.’
Theo ngón tay của Tuấn chỉ, tôi thấy một chiếc xe tăng nằm chình ình giữa đại lộ Hoàng Hôn, đối diện phòng mạch bác sĩ Phúc, bị bắn cháy còn bốc khói. Mọi người lại túa ra xem, mỗi người bàn một câu:
- Xe nó lớn quá, nòng súng dài thấy mà ghê.
Tôi thấy cả phía Bắc thành phố đều có khói, dường như mỗi nhà bắt đầu âm ỉ cháy. Một cột khói đen bốc thẳng lên gần một tàn cây lớn nhất trong đám, dưới chỗ đó là phòng mạch của tôi. Giờ này chắc cũng ra tro rồi.
Tiếng súng dưới chợ bây giờ đã lắng dịu. Thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng M-72, M-79 hoặc B-40 thôi. Trận chiến dường như ngừng hẳn lại, không còn gay cấn hấp dẫn như lúc đầu. Bao nhiêu xe tăng địch tràn vô đều bị hạ hết.
Ngưng trích “Nhật Ký An Lộc” – Bác sĩ Nguyễn Văn Quý -

Trong chiến tranh chống Cộng, có hai chiến trường xe tăng đánh nhau. Chiến trường Quảng Trị và “Bình Long Anh Dũng”. Đoạn trên là hồi ký của Bác sĩ Quí. Cựu Đại Úy Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực, tác giả “Tàn Cơn Binh Lửa” kể cho tôi nghe một cách đánh tăng “rất sáng tạo”:
M-72 khi bắn nhiều khi đạn trượt, trúng đích mà không nổ. Trung tá – cấp bậc lúc ấy – Phan Văn Huấn Chỉ Huy Trưởng Biệt Cách Dù có sáng kiến, dùng mìn M-18 Claymore, cột vào đạn đại bác không nổ, để bên đường hay chôn giữa đường, thủ “con cóc mìn”, núp ở xa. Chờ khi xe tăng địch tới, bấm cò. Mìn Claymore nổ. Đạn đại bác nổ theo. Xe tăng cũng cháy theo luôn.”

Kể xong, ông Lực cười hề hề.
oOo

Khoảng cuối năm 1969, Trung sĩ Thiều lái xe đưa tôi đi công tác, từ Gò Vấp xuống Bình Chánh, theo đường Võ Tánh. Thiều nói với tôi: “Trời còn sớm, vô phi trường Mỹ uống cà-phê ăn “hót-đót” cho ấm bụng rồi đi chuẩn úy. Loon chuẩn úy, tôi mới ra trường.
Hồi nầy lính Mỹ ở Việt Nam còn đông. Phi trường Quân Sự Mỹ còn nhộn nhịp lắm. Phần đông là lính Mỹ. Ở đây có một cái quầy “ăn-uống free”. Vào tới nơi. Mỹ cũng như Việt, uống gì cứ tự tiện, ăn gì cũng tự tiện. Tôi mới vô đây lần đầu. Trung sĩ Thiều đi trước. Dĩ nhiên, ông Thiều là “khách quen” ở đây. Có lẽ người ta – dĩ nhiên là binh lính phe ta – vô đây “ăn chùa” cũng nhiều, nên về sau có anh Mỹ đen, ngồi tại quầy, hỏi “Boarding pass” – y không cần nhìn tên họ người trong giấy - mới cho lấy thức ăn. “Boarding Pass” thì khó gì, mượn mấy lính Mỹ đang ngồi chờ lên máy bay quanh đó.
Ăn quen bén màu. Về sau, khi nào đi công tác sớm, tôi với Trung sĩ Thiều “vô ăn tiệm Mỹ” – cách chúng tôi thường gọi đùa.
Một hôm đang ngồi trong “quán”. Trung sĩ Thiều nói nhỏ với tôi, tay chỉ một người đang ngồi ăn, lưng quay về phía tôi: “Đường Sơn Đại Huynh”. Vài phút sau, khi “ông ngồi quay lưng” đi rồi, Trung sĩ Thiều giải thích: “Thiết giáp vùng 4, gọi Trung tá Lý Tòng Bá là “Đường Sơn Đại Huynh” – hồi ấy ông còn mang loon trung tá.
-“Sao gọi “Đường Sơn Đại Huynh”? Tôi hỏi.
-“Ông không coi phim Tàu à?” Trung sĩ Thiều hỏi lại tôi. “Phim nầy do Lý Tiểu Long đóng đó.”
Một lúc, Thiều nói tiếp: “Trung Tá Lý Tòng Bá rất chịu chơi. “hòa đồng với binh sĩ. Thương lính lắm.”
-“Tui có nghe nói ông đánh giặc chì lắm. Ổng là sư phụ của thiếu Tá Mậu đó. Hồi ổng làm tỉnh trưởng Bình Dương, kéo ông Mậu theo, vậy mà ông Mậu chẳng lợi dụng cái lợi thế đó mà kiếm chác gì hết.”
-“Tui cũng có nghe nói. Thiếu tá Mậu vừa hiền vừa ngay thẳng, không tham. Không tham thì kiếm chác gì?”
-“Ông” biết không. Sĩ quan trong Thiết Đoàn ngán “Đường Sơn Đại Huynh” lắm.
-“Tui chỉ nghe nói, không rõ gì.”
-“M-113 bị lầy. Lính lác hì hục trục xe lên. Sĩ quan không phụ với lính, chấp tay sau đít, đứng ngó. Thế là chết với ông.”
-“Chết gì?”
-“Đường Sơn Đại Huynh xông vào làm với lính, đứt xích, thay xích, cũng vậy, cùng với lính, ông làm tuốt. “Mấy thầy” đứng ngó được không? Khác với ông Thận.”
-“Khác sao?” Tôi hỏi. “Ông Thận cũng từng làm Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp.”
-“Một lần tui tới nhà ông Thận. Ông đang sửa cái ống nước ngoài sân, bà Thận cự nự: “Việc của lính tráng. Anh không nên làm”
Một lúc, Trung sĩ Thiều nói tiếp: “Xe tăng, M-113 phải chạy trên đất cứng. Gặp vùng sình là chết ngắt.”
-“Tui chưa có kinh nghiệm việc nầy.” Tôi nói.
-“M-113 chạy xích. Gặp nước, nó lội. Găp đất, bươn tới mà đi. Gặp sình, xích không bám vào đâu được, đành nằm một chỗ.”
-“Chịu chết?” Tôi hỏi.
-“Phải tìm một cái gì đó, gốc cây. Cột “cáp” vào đó mà kéo lên.”
-“Gặp sình thì chết. Nhỉ.”
-“Đó là yếu điểm của xe chạy xích, bất cứ xe gì.”

oOo

Hôm về Saigon, đi Hóc Môn với người bạn, ngang cổng “Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung” cũ, nơi từng học “Giai Đoạn 1”, danh xưng là “khóa sinh dự bị sĩ quan”, tôi đọc câu thơ “Dấu binh lửa nước non như cũ”, vừa để nhớ thời lính mới tò te, vừa để nhớ thời cầm cục phấn đứng trên bục giảng, giảng “Chinh Phụ Ngâm” cho học trò, người bạn cầm “ghi-đông” ngồi phía trước nói, giọng không vui: “Còn gì đâu bạn, nghĩa trang Biên Hòa, Việt Cộng còn muốn phá cho hết dấu tích nữa mà.”
Tới ngã tư An Sương, tôi nói với bạn: “Chỗ nầy hồi ba mươi tháng Tư, mình nướng hai chiếc T-54.”
-“Cầu Saigon cũng nướng hai chiếc, chợ Thị Nghè cũng một chiếc. Lính tráng gan thiệt, bắn xe tăng mà chẳng sợ một chút nào cả.”
-“Tinh thần “ông” à. Có tinh thần thì mọi việc chẳng có gì khó khăn cả.” Rồi bạn tôi nhại câu văn hồi học tiểu học. “Bắn xe tăng khó, không khó vì xe tăng nó lớn, mà khó vì mình thấy sợ xe tăng.”
Cả hai chúng tôi đều cười…

hoànglonghải
1.“Hùng móm” là em út của tôi, khóa 22 Võ Bị, Đại Đội Trưởng 112 – Tiểu Đoàn 11 Dù
2. 
Bửu Tương, cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Huế trước 1945.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top