Hoàng Long Hải, Làng cũ

Hoàng Long Hải

Làng cũ

(Trích trong “Tiếng chuông Linh Mụ” cùng tác giả)
 
“Tổ Quốc ta, ta phải nghe trong Tiếng Chuông Linh Mụ”
Linh Mục Sảng Đình Nguyễn VănThích

Thế rồi Hữu bị “cải tạo” hơn mười năm, đi xa lắm, ra tận núi rừng Việt Bắc rồi về miền xuôi. Năm 1981, ngồi “tàu Thống Nhứt” mà về Nam, cứ “hai cải tạo viên thì mang chung một cái đồng hồ i-nốc” như anh em cải tạo hay nói đùa. Được tha, Hữu về nhà ở Saigon, chưng hững và đau lòng, bật khóc hu hu khi thấy hình mẹ chưng trên bàn thờ.
 
Hữu hỏi vợ:
- “Răng mạ chết mà em không cho tui biết?”
 
Vợ Hữu trả lời, giọng đầy nước mắt vì vợ Hữu cũng khóc khi thấy chàng khóc:
- “Em sợ anh nghe tin mạ chết rồi sinh ra buồn phiền mà sinh bịnh. Ở trong tù, anh biết ra thì chỉ thêm buồn, làm chi được. Đời nào họ cho anh về đám ma!”
 
Hữu cầm miếng vỏ cây khô cuộn tròn để trên bàn thờ, hỏi vợ:
- “Cái chi ri?”
 
Rồi Hữu sực nhớ ra là mấy miếng vỏ cây ăn trầu khi Hữu đi phá rừng đem về, chờ vợ lên thăm nuôi gửi về cho mẹ ăn trầu. Chuyện cũng lâu lắm rồi, dễ chừng cách đây đã mười năm. Hữu nói:
 
- “Chà, em còn giữ ri! Mạ chết rồi, ai ăn mà giữ làm chi?”
 
Vợ Hữu nói:
- “Lần đi thăm anh biểu em cầm về cho mạ ăn trầu là mạ mới qua đời. Em muốn khóc mà cố nín vì lỡ dấu anh tin mạ chết rồi. Suốt đường về, em ngồi trong xe đò, cầm miếng vỏ anh gởi về cho mạ mà nước mắt em chảy ròng ròng. Em vừa thương mạ mà vừa thương anh”.
 
Một lúc sau, qua cơn xúc động, Hữu nói với vợ:
- “Thôi để mai mốt đây, kiếm được ít tiền, anh về thăm Huế, thăm mộ mạ, anh đốt miếng vỏ ni ngoài mộ”.
 
         Khi Hữu về tới làng thì mặt trời mới nghiêng bóng. Nhà trống không, cửa chỉ khép, không khóa. Hữu mở cửa vào nhà, lên tiếng, chẳng ai trả lời. Hữu biết kể từ khi mẹ chàng qua đời, nhà chỉ còn con Mạch, đứa con gái Hữu đem về cho mẹ nuôi. Hữu đến bàn thờ thắp hương rồi ra ngồi ngoài hiên nhà. Cảnh trí không có gì thay đổi nhiều. Cây măng cụt vẫn còn đầu ngõ, tuy có cao lớn hơn, nhưng hình như nó vẫn còn đứng đó, trầm ngâm trong ánh nắng chiều buồn bã hay trong những ngày đông lạnh giá để chờ chàng về, chờ cho chàng những trái ngon ngọt như khi Hữu còn niên thiếu.
 
         Con đường xóm lặng lẽ bò ra phía con đường cái chạy sát bờ sông, trải mình ra dưới ánh nắng vàng của một buổi chiều cuối thu, đã vướng vất chút hơi lạnh từ mặt sông Hương dâng lên hay từ Trường Sơn bay về. Mặc dù Hữu đã có kinh nghiệm về những chút hơi lạnh đó mỗi khi trời sang thu, từ khi chàng còn niên thiếu, nhưng Hữu không biết chắc cái lạnh đó từ đâu tới. Bóng vài bụi tre đổ xuống những đám đen trên mặt con đường xóm nhuộm nắng chiều khiến Hữu có cảm tưởng như mình một con trăn khoang đang nằm im bất động. Những cảm tưởng đó, không phải bây giờ chàng mới có. Chúng đã hiện ra trong trí chàng từ ba hơn ba mươi năm trước, khi Hữu còn học Trung Học.
 
Có lẽ tính chất lãng mạn trong thi văn tiền chiến mà Hữu đã học ở nhà trường, cùng với cảnh sắc êm đềm và thơ mộng của sông Hương, núi Ngự, cùng với cá tính đa cảm của người Huế đã khơi dậy trong tâm tư chàng những nhận xét và những ý tưởng lãng mạn về những buổi chiều, về những ánh nắng vàng, về những hơi lạnh thường thấy trong “Nhà Mẹ Lê”, “Hai Buổi Chiều Vàng” hoặc trong “Đôi Bạn” mà chàng không hay.
 
Trong hơn mười năm cải tạo, Hữu “khôn” ra với những “đấu tranh giai cấp”, “đấu tranh cách mạng” trong tư duy của chàng, khiến chàng có những nhận định khắc khoải về giai cấp chàng sinh trưởng, thấy rõ tương lai mù mịt của đất nước qua nhiều cái gọi là “cách mạng”. Đối với những gì đã học, đôi khi Hữu cho là vô bổ trong thời đại vô sản cai trị hôm nay. Câu thơ ám ảnh Hữu thường xuyên nhứt là “Sách vở ích gì cho buổi ấy”. Trong chế độ nầy, trí thức quả là thứ không cần thiết, quả là “vô bổ” vậy.
 
Khoảng gần chạng vạng, trong khi Hữu đang ngồi trầm ngâm với những suy nghĩ buồn bã về cuộc đời chàng, về làng An Ninh Thượng của chàng xa cách thấm thoắt thế đó mà đã hơn một phần tư thế kỷ, bỗng Hữu nghe một tiếng chuông chùa Linh Mụ từ trên đồi Hà Khê vọng lại, bắt đầu “công phu” buổi chiều của những người tu hành.
 
Hữu cố lắng tai nghe, cố tìm một chút gì khác trong tiếng chuông chùa mà Hữu đã từng nghe từ khi còn thơ ấu. Không có gì khác trong âm thanh của cái chuông nặng hơn ba ngàn ký lô đúc từ đầu Thế kỷ 18 ấy. Nhưng trong cảnh trầm lắng của một buổi chiều hôm lặng lẽ, cùng với nỗi trầm tư hiu hắt trong tâm hồn chàng sau nhiều cuộc biển dâu và tù tội, tiếng âm ư ngân dài sau mỗi tiếng chuông, khiến Hữu có cảm tưởng như làn sóng âm vang đó là cánh tay dài vươn sâu vào quá khứ, khuấy động tiềm thức của mỗi người, đánh thức những hồn ma cũ từ quá khứ thức dậy để quay về với hiện tại.
 
Tiếng ngân âm ư như cánh tay dài ấy, quả thật ngày xưa, khi Hữu còn trẻ, ít khi chàng nhận biết hết, nhưng giờ đây, sau bao nhiêu năm lăn lóc trong chốn bụi trần, trong cảnh đời ô trọc, trong những “bể khổ”, “bến mê” mà Hữu từng biết chút ít khi chàng còn niên thiếu, trong cảnh chiều buồn hiu hắt như chiều hôm nay khi chàng trở lại cố hương, tiếng âm ư ấy khuấy động tiềm thức sâu thẳm của chàng.
 
Như trong một cơn mê, hình ảnh những người xưa bỗng hiện về, những đứa bạn thời thơ ấu, có kẻ xa lánh cuộc đời ô trọc, mượn chiếc áo nâu sồng trốn vào một nơi nào đó, trong chốn cùng cốc, thâm sơn của những ngôi chùa xa tít trong dãy Trường Sơn; trong khi những đứa bạn khác thì xông vào vòng lửa đạn cho trọn một kiếp trai, thậm chí có kẻ vượt qua “lằn ranh bên này bên kia” để đi sâu vào vùng núi non thăm thẳm.
 
Nghĩ tới mình và bạn bè một thời cắp sách, tới những lời giáo huấn của thầy cô, tới cha mẹ và bà con xóm làng, Hữu cho rằng họ là những người có ý chí, có lý tưởng cả đấy. Họ tưởng sự hy sinh của họ có một sự ích lợi gì đó, dù nhỏ, dù lớn cho những người chung quanh, cho những người còn sống, hay cho những đứa em nhỏ đang lớn lên ở phía sau. Họ đâu biết khi họ đã nằm xuống rồi, dù ở bên nầy hay bên kia ranh giới, tất cả đều vô ích, thậm vô ích bởi thân phận một dân tộc nhược tiểu như dân tộc Việt Nam.
 
Hữu thầm hỏi chàng và các bạn đã nghe được tiếng gọi gì của hồn Tổ Quốc ở đằng sau tiếng chuông Linh Mụ âm vang sâu lắng ấy như trong câu ca dao chàng đã thuộc làu khi còn ấu thơ. Vì tiếng chuông chùa ấy là tiếng gọi của Hồn Tổ Quốc nên biết bao đời nay, bao nhiêu thế hệ đã từng nghe tiếng chuông Linh Mụ mà từ bỏ gia đình, từ bỏ cuộc sống êm đềm như dòng nước sông Hương để bước chân vào vòng lao lý, từ hàng vua quan trong nệm ấm chăn êm, cung vàng điện ngọc, ra đi để chịu cảnh chết chóc lưu đầy, lưu lạc nơi quê người xa thẳm; hoặc những người thuộc thế hệ bậc thầy, thế hệ đàn anh của Hữu từng “xếp bút nghiên” thời “Nam Bộ Kháng Chiến” để rồi người đi thì đông mà người về thì ít. Cho tới hôm nay, tới thế hệ của Hữu, thì những người trong thế hê ấy như đàn chim tan tác trong cảnh mưa gió bão bùng.
 
         Dù muốn dù không, tất cả ai ai rồi cũng vậy, kẻ có học hay người thất phu, người theo đạo nầy hay tôn giáo kia, khi đã nghe tiếng chuông chùa ấy, tiếng gọi của hồn Tổ Quốc ấy, thì người ta chẳng thể đành lòng làm ngơ trước vận nước đổi thay.
 
         Nhìn chung, tất cả những thế hệ từng nghe tiếng chuông chùa ấy, họ cũng làm được một chút gì cho Tổ Quốc, để như chiều hôm nay, khi chàng ngồi trầm ngâm trước hiên căn nhà cũ, nghe tiếng chuông chùa xưa, nhớ lại hình ảnh những người thân đã lùi vào dĩ vãng, nhớ tới mẹ chàng hiền hòa phúc hậu, Hữu thấy tâm hồn chàng như đôi cánh vươn dài theo tiếng chuông chiều bay vào một cõi xa xăm, thoát ra khỏi những ưu tư phiền muộn của cuộc đời chàng lắm cảnh đoạn trường.

 hoànglonghải



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top