Đỉnh Só​​​​​​​ng, Vượt Rừng, Tưởng Niệm Tháng Tư Đen


Tưởng Niệm Tháng Tư Đen
  
Đỉnh Sóng


"VƯỢT RỪNG" được viết sau hơn mười năm kể từ ngày trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam rút khỏi Đà lạt để về Biên Hòa và hầu như rã ngũ tại đây. Đó là tháng Tư 1975; và nội dung bài thơ khởi đi từ buổi hoàng hôn nhá nhem và hỗn loạn khi đạo quân của trường Võ Bị, trong đó có tác giả, bị chặn lại phía Bắc cầu Phan Thiết cùng với bao binh chủng khác, vì địch quân đang phong tỏa Quốc lộ 1 ở phía Nam. Cách vượt thoát duy nhất lúc bấy giờ là băng Rừng Lá để về Hàm Tân rồi dùng phi cơ hay tàu thuyền đi tiếp. Nhưng chẳng ai muốn phiêu lưu như thế, vì khu rừng nầy đã bị địch quân kiểm soát từ nhiều tháng trước. Tác giả bài thơ nầy đã đơn thân vượt cầu Phan Thiết và vượt Rừng Lá trong đêm bằng xe gắn máy. Đông Yên về đến Hàm Tân khoảng ba giờ sáng với bộ quân phục sỹ quan Miền Nam, một cây súng dài và một cây súng ngắn.
Ba hôm sau, trường Võ Bị và các binh chủng khác mở đường máu trên Quốc Lộ 1 vào Hàm Tân để lên phi cơ về Biên Hòa. - Đỉnh Sóng

________________________________________
 

Ta về đây như loài dơi gảy cánh
Với màn đêm chỉ vài đóm sao trời
Và Rừng Lá tối hơn lòng địa ngục
Trong trời đêm mùi biển mặn đã về
Mang hơi thở của thời tàn chiến trận
Tiếng reo hò của lũ quạ, kên kên
Từ phía trước, sau lưng
Là vòng quay số mệnh
Bóng thù hằn trên từng bước ta đi
Mỗi khóm lá lùm cây
Tiếng thú rừng khua động
Như thầm trao thông điệp đến từ trời
Ngươi đang bước trên biên thùy sống chết
Và thực hư đã mất hết đường ranh
Cả trái đất không thuộc về ngươi nữa
Không thuộc về ngươi
Những ánh sao trời
Không thuộc về ngươi
Đồi cao và sóng cả
Những con đường ngươi chưa bước chân qua
Những thành phố chưa có lần trở lại
Những mối tình còn trên nửa lối đi
Sao vội bước ra khỏi tầm hiện hữu
Vào đêm nay ngươi vĩnh biệt mặt trời
Mang tâm thức của đoàn quân thất trận
Giữa rừng già như một cánh thiêu thân
Để đối mặt niềm cô đơn tuyệt đối
Rồi bước vào ngưỡng cửa của chân không
Và thách thức với phạm trù sợ hãi
Để hình dung những phóng ảnh ba chiều
Như thân phận đang bên bờ hủy diệt
Quay về đây như con sóng cuối ngày
Trên dòng lũ sắp qua cơn tàn phá
Đêm sẽ dài vô tận đến ngàn thâu
Đất sẽ biến Hàm Tân thành nhãn giới
Biển sẽ lùi theo từng bước ngươi đi
Rồi tuyệt vọng sẽ dài hơn tuổi thọ
Nhưng sẽ dài hơn
Nếu ngươi muốn quay đầu
Trước bất xác, lao lung, thử thách
Cứ đi đi dù chẳng thấy mặt trời
Đi thêm nữa cho hồn thêm giá buốt
Để hình hài sẽ thành khoảng chân không
Khi tan biến những tế bào vật lý
Xác và hồn sẽ tăng tốc nhanh hơn
Nhanh hơn cả âm thanh và ánh sáng
Và quân thù sẽ không nhận ra ngươi
Rồi ngươi sẽ thoát khỏi vùng sợ hãi

Ta về đây như loài dơi gảy cánh
Rẽ màn đêm để đối mặt quân thù
Lũ nô lệ ngoi lên từ uất hận
Theo hồi chuông báo tử của loài người
Và về đây khu rừng đầy bóng tối
Như vùi chôn lịch sử của đời mình
Và vĩnh biệt thuở trời xanh mây trắng
Thời Cao Nguyên thần thoại của con người
Nay đã chết dưới chân loài dã thú
Ta băng rừng như kẻ mất quê hương
Nên sống chết không còn phân biệt nữa
Đi trong đêm như đi giữa ban ngày
Tìm sự sống ngay trong lòng cõi chết
Gởi tương lai cho lá rụng ven đường
Ném mơ ước như xe lao xả khói   

Về phía sau dọc theo lối đường mòn

Cho giun dế, côn trùng, rắn rít
Ta về đây như người điên phạch ngực
Thách quân thù xả súng bắn vào tim
Cho dòng máu tung lên cùng với gió
Để hồn ta chắp cánh trở về trời
Để được chết như một người cầm súng
Không quan tài và không nấm mộ bia
Như viên pháo bước vào giờ xuất trận
Dửng dưng nhìn hiện hữu nổ tan thây
Hồn và xác giao thoa thành ánh sáng
Để về sau mãi mãi sẽ không nhìn
Nỗi trăn trở của một thân chiến bại
Trong bàn tay của những đám tội đồ

Ta bỏ lại Tây Nguyên đầy máu lửa
Quên niềm đau của Đại Lộ Kinh Hoàng
Bỏ "Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả"
Quên Mậu Thân
Hố tập thể chôn người
Thời oanh liệt Lam Sơn 719
Quên anh hùng "Người ở lại Charlie"
Nguyễn Đình Bão
Những thiên thần mủ đỏ
Đã tô hồng lịch sử của Miền Nam
Loài di sản đã đi vào tâm thức
Như Sông Hồng và như Cửu Long Giang
Quên An Lộc từng kiêu hùng tử thủ
Công dã tràng xe cát biển đông
Trời đã phụ những con người bất tử
Thương Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà
Buông Mê Thuộc, Dak Tô, Daklak
Tiếc Bình Long, An Lão, An Khê
Nhớ Khe Sanh và Cỗ Thành Quảng Trị
Thương vong hồn những chiến sỹ Hoàng Sa
Những góa phụ khăn tang ngồi bên mộ
Những con tàu hoạn nạn lúc về Nam
Một trang sử bây giờ đang khép lại
Thuở Hoàng Kim đang trong bóng đêm chìm
Ta đã bước trong đoàn quân thất trận
Nỗi đau nầy chẳng phải của riêng ai
Cả trời đất đang vào cơn thác loạn
Lửa đầy trời Bến Hải đến Cà Mau
Lưng tổ quốc tên nào đang chém dọc
Lũ tội đồ đã bán đứng Miền Nam
Xem xương máu loài người như chất đạm
Để nuôi thân lũ thú béo phì
Đám tài phiệt đê hèn hơn dã thú
Vì đồng tiền mà bán rẻ lương tri
Đưa ác quỹ giày lên mình tổ quốc

Ta về đây như loài dơi gảy cánh
Xóa hình hài xóa cả vết tiền thân
Nhìn Rừng Lá
Nhìn đường xuôi về biển
Những bóng đen xuất hiện trước ánh đèn
Nanh trắng bệch mắt đỏ lòe như lửa
Nét thù hằn như đốt cháy màn đêm
Ta cứ phóng như lao vào thân phận
Như sao băng cho lóa mắt quân thù
Khi thực thể đã hóa thành ánh sáng
Tầm đạn nào cũng chẳng giết được ta
Khi tâm tưởng đã không còn nỗi sợ
Không thù nào ngăn được bước chân ta
Hỡi rừng xanh
Hỡi đường mòn về biển
Cám ơn người đã "hóa kiếp thân ta"
Loài nhạn trắng đã thành rồng trong gió
Bay trong đêm để về với mặt trời
Mặt trời đó là đèn đường phía trước
Của Hàm Tân leo lắt sáng trong trời
Thị trấn nhỏ nhưng vòng tay rất lớn
Đón ta từ cõi chết của rừng xanh

Nhưng không biết...
Ta còn hay đã chết
Hay lạc vào một vũ trụ song song
Và ta đã đầu thai làm kiếp khác?
(Loài Chim Du Mục)


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top