CỰU TT Hoa Kỳ Richard Nixon: NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ

 

NHỮNG NGUYÊN NHÂN

KHIẾN MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ


Trích hồi ký "No More Vietnams"
của cuu TT Hoa Kỳ Richard Nixon (1994)



Lời Giới Thiệu.- 30 tháng Tư 1975, vết thương đau nhức của cả nước khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn lọt vào tay Cộng sản. Thành phố Sài-Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà, trái tim của nhân dân miền Nam tự do đã trải qua cơn bão tố, trước khi tắt lịm dưới gót quân Cỉng sản xâm lược .
Những ngày cuối cùng của Sài-Gòn là một chuỗi thời gian bao trùm lo sợ, đau buồn, hoang mang, ly tán. Cơn bão táp xoáy vào tâm hồn người Việt ở Sài-Gòn trước khi thành phố này bị đổi tên. Mãi đến nhiều thập niên sau đó, những nhân vật trực tiếp tham gia vào cuộc chiến và báo chí Hoa Kỳ mới lần lươt tiết lộ nhiều tài liệu về nguyên nhân đưa đến việc mất miền nam VN mà bài viết sau đây trích từ quyền "No More Vietnams" của cuu TT Hoa Kỳ Richard Nixon đươc chúng tôi chuyển dịch sau đây :

*


Khi tôi từ chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 9 tháng 8 năm 1974, tôi thấy thực sự lúng túng với tình hình ở Việt Nam. Để đi đến đoạn kết của Hiệp định Paris, tôi đã cứu xét đến hai điều kiện cần được thực hiện: Chúng ta phải duy trì một cuộc trả thù mạnh mẽ đối với  Bắc Việt nếu Bắc Việt xâm lược Miền Nam, và chúng ta tiếp tục viện trợ quân sự cho Miền Nam đầy đủ, để Miền Nam duy trì được sự cân bằng sức mạnh. Cả hai điều kiện này đều bị Quốc Hội tìm cách loại bỏ.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tôi đã trải qua một cơn ác mộng, vì biết rằng Cộng sản Bắc Việt sẽ lợi dụng bản hiệp định hòa bình để chuẩn bị chiến tranh. Nỗi lo sợ của chúng tôi là Cộng sản Hà Nội sẽ tăng cường trang bị vũ khí cho các lực lượng của chúng, hiện đang có mặt ở Lào, Cam Bốt, và ngay cả trong nội địa Miền Nam.

Khi từ giã Tòa Bạch Ốc, tôi biết là Quốc Hội đã có ý muốn để cho sự việc cứ xẩy ra và sẽ không cho Tổng thống Ford, người mới thay tôi, xoay chuyển lại tình hình. Tôi đã thực sự sửng sốt khi thấy đa số ở Quốc Hội đều chống đối cuộc chiến ở Việt Nam. Miền Nam Việt Nam là một xứ sở nhỏ bé, lệ thuộc vào Hoa Kỳ để nhờ giúp đỡ chống lại những cuộc tấn kích thô bạo của Bắc Việt, với sự hỗ trợ của các lực lượng cộng sản trên thế giới. Những Thượng nghị sĩ và Dân biểu đòi hỏi Miền Nam Việt Nam phải tự chiến đấu một mình, là một điều bất công phi lý. Không một ai mong ước rằng Nam Triều Tiên có đủ khả năng chiến đấu chống lại Bắc Triều Tiên, mà không cần sự hiện diện của 50 ngàn quân Mỹ đóng tại Nam Triều Tiên.

Không một ai mong ước rằng những quốc gia ở Tây Âu có đủ khả năng để ngăn chặn Liên Xô, mà không có sự hỗ trợ của 300 ngàn quân sĩ của ta đi kèm, với sự đe dọa dùng vũ khí nguyên tử nếu có một cuộc xâm chiếm. Không một ai mong ước Do Thái có đủ khả năng đẩy lui quân thù của họ, nếu không có sự yểm trợ quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Thế mà Quốc Hội đã không cho phép viện trợ quân sự trả đũa cuộc xâm chiếm của Bắc Việt, ngay cả việc cung cấp đủ số đạn dược cho quân đội Nam Việt Nam cũng không được chấp thuận.

Tôi có thể hiểu Quốc Hội muốn đẩy cuộc chiến Việt Nam vào quên lãng, nhưng tôi không thể hiểu tại sao Quốc Hội có thể nhẫn tâm nhìn Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Dù chủ định của Quốc Hội là gì đi nữa, nhưng hành động của họ đã đưa đến hậu quả là mất Miền Nam Việt Nam.
Trong khi tranh luận về viện trợ cho Miền Nam Việt Nam, một nghị sĩ đã nói: “Chúng ta giới hạn việc hỗ trợ quân sự cho Miền Nam Việt Nam, tức là chúng ta báo hiệu cho cộng sản Miền Bắc biết là đã đến thời kỳ thương thuyết”. Hà Nội đã không nghĩ như vậy, trái lại Bộ Chính Trị và Bộ Tổng Tham mưu Bắc Việt phân tích trong cuộc hội nghị tại Hà Nội tháng 10/1974, là Quốc Hội Hoa Kỳ đang bật đèn xanh cho quân đội Bắc Việt tiến xuống Miền Nam. Những người lãnh đạo Hà Nội nhận xét rằng, “quân đội Sài gòn đang yếu dần về quân sự, chính trị và kinh tế”, trong khi lực lượng Hà Nội đang mỗi ngày một mạnh hơn. Họ cho rằng những vị trí chiến lược xây dựng nối liền từ Bắc vào Nam, sẽ giúp đỡ tăng cường những lực lượng quân sự và tăng cường các kho  quân dụng, cũng như giúp hoàn thành các đoạn đường chiến thuật và chiến lược.

Sự hỗ trợ tuột dốc của Hoa Kỳ khiến cho cộng sản Hà Nội nghĩ rằng chúng ta “đang gặp khó khăn từ bên trong đến bên ngoài”.
Tướng Văn Tiến Dũng nêu một câu hỏi nóng bỏng nhất là “liệu Hoa Kỳ có khả năng gửi quân trở lại Miền Nam Việt Nam hay không, khi những cuộc tấn công lớn của cộng sản đưa quân đội Sài gòn tới dần sụp đổ?”. Ông ta nhận xét rằng, “vì đã ký hiệp dịnh Paris về Việt Nam, và đã bị buộc phải rút quân ra khỏi Miền Nam, Hoa Kỳ đã trở nên bối rối và gặp nhiều khó khăn hơn trước. Nạn lạm dụng, nạn suy thoái, sự thiếu năng lực và vụ Watergate đã làm cho Hoa Kỳ trở thành tàn phế”. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bắc Việt Lê Duẩn đã đưa ra một kết luận: “Một khi đã rút ra, Hoa Kỳ khó có thể nhẩy trở vào”. Theo ông ta, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thực sự bỏ Sài Gòn và sẽ chẳng bao giờ tái can thiệp để bảo vệ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Do đó, Hội Đồng Chiến Tranh Hà Nội đã quyết định tung những cuộc tấn công chính vào Nam trong năm 1975.

Trong tháng 11 năm 1974, Hà Nội đã gửi một chỉ thị cho các cấp chỉ huy quân sự của họ trong Nam: “khả năng không quân và pháo binh của địch (Quân Lực VNCH) đã bị giới hạn do kết quả của giảm thiểu viện trợ của Hoa Kỳ. Địch đang xuống dốc về quân sự và không khôi phục được tiềm lực như thời 1973, trong khi đó thế lực của chúng ta đang được chấn chỉnh. Chúng ta bây giờ mạnh hơn thời Tổng Công kích Tổng khởi nghĩa năm 1968, và hơn giai đoạn mùa Hè năm 1972. Chúng ta đang có đủ tài chánh, vũ khí và quân cụ để khởi sự một cuộc tấn công vững chắc trên một chiến tuyến rộng.”

Quả thực Cộng sản Bắc Việt đang được Nga Xô và Trung Cộng nỗ lực tái trang bị vượt quá mức đầy đủ, và đang sẵn sàng để tấn kích. Trong năm 1973, trong khi Quốc Hội Hoa Kỳ cắt viện trợ dành cho Miền Nam Việt Nam, những nước đồng minh cộng sản đã viện trợ cho Bắc Việt 2.8 triệu tấn hàng nhập cảng, một số lượng 50% lớn hơn số lượng nhập cảng năm 1972, và 10% lớn hơn số lượng năm 1971. Và trong năm 1974, cộng sản Bắc Việt nhập cảng một số lượng hàng trên 3.5 triệu tấn. Vào tháng 11/1974, Tổng thống Ford họp với những nhà lãnh đạo Xô Viết ở Vladivostok, và với những nhà lãnh đạo Trung Cộng tại Bắc Kinh, về việc hai nước này tăng cường viện trợ không ngừng cho Bắc Việt. Lúc đầu, khi Hoa Kỳ tuyên bố rõ cho Xô Viết và Trung Cộng biết, mối giao hảo giữa Hoa Kỳ với hai nước này sẽ bị sứt mẻ nếu họ tăng cường viện trợ cho Bắc Việt. Do đó, họ đã không dám hăng hái viện trợ, mà đã ra những điều kiện bắt buộc Bắc Việt phải làm theo. Điện Cẩm Linh và Bắc Kinh cho Bắc Việt biết rằng, viện trợ sẽ trở thành vô vọng và vô ích, nếu những vũ khí đang được viện trợ, bị tàn phá do những cuộc ném bom của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định cắt ngang kế hoạch ném bom Bắc Việt vào tháng 6 năm 1973. Thế là không còn lý do gì nữa để Xô Viết và Trung Cộng ngưng tiếp tục viện trợ. Điện Cẩm Linh và Bắc Kinh muốn giúp chúng ta ngăn chặn Bắc Việt, nhưng chúng ta đã không cương quyết làm điều đó.
Năm 1974, với những tiếp liệu viện trợ, cộng sản Bắc Việt chuẩn bị mở những kế hoạch mới. Một mặt chúng phát triển lực lượng và hệ thống tiếp liệu, một mặt chúng mở những cuộc tấn kích chiến lược để củng cố những vị trí chúng đang chiếm giữ. Đến tháng chạp, cộng sản đã dàn ra một lực lượng gồm 185 ngàn quân lính để đánh vào những tuyến phòng thủ mỏng của Miền Nam.

Dĩ nhiên là Sài Gòn không có đủ những đơn vị chính quy. Ngoài ra, khác với tình hình năm 1972, là lúc này quân đội Miền Nam đã mất khả năng lưu động, để tái phối trí các lực lượng một cách nhanh chóng, và thiếu sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ thả bom yểm trợ. Tất cả đều do sự cắt giảm ngân sách của Quốc Hội gây ra.
Ngày 13/12/1974, sau những cuộc tấn kích nghi binh mở đầu, cộng sản Bắc Việt khởi sự tấn công tràn ngập tỉnh Phước Long, khoảng 50 dặm Bắc Sài Gòn. Chúng tung ra 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh và phòng không và nhiều đơn vị đặc công địa phương. Lực lượng Miền Nam bảo vệ tỉnh gồm 2 tiểu đoàn địa phương quân, và 2 trung đội nghĩa quân, mặc dù những đơn vị này đã kháng cự một cách anh hùng, nhưng vẫn bị quân cộng sản đông gấp bội phần áp đảo. Sài Gòn chuyển một lực lượng đến tiếp viện, nhưng các tiền đồn lần lượt phải rút lui vì pháo binh địch quá nặng, mỗi ngày khoảng 3,000 quả trút xuống những vị trí phòng thủ , đến nỗi quân trú phòng không thể bắn trả. Ngày 6/1/1975, tỉnh Phước Long thất thủ. Đây là tỉnh lỵ đầu tiên bị cộng sản đánh chiếm kể từ sau 1972.

Khi tin tức đến Hà Nội, những người lãnh đạo Bắc Việt mở những cuộc họp liên tiếp về kế hoạch chiến lược. Lê Duẩn chủ trương một cuộc tấn công quân sự mạnh trong vòng hai năm để đạt toàn thắng...Ông ta quả quyết là Hoa Kỳ đã không tiếp ứng nổi trong những trận đánh vừa qua, chứng tỏ là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, ngay cả bằng không lực để Sài Gòn khỏi bị đánh bại. Ông ta kêu gọi “mở một cuộc tấn công rộng lớn trong năm 1975, để tạo điều kiện cho một cuộc Tổng Khởi nghĩa giải phóng Miền Nam trong năm 1976”. Đây chỉ là một lựa chọn tối thiểu mà ông ta đưa ra, nhưng nếu ông ta có thêm “cơ hội thuận tiện đến với chúng ta vào đầu hoặc cuối năm 1975, chúng ta sẽ giải phóng Miền Nam trong năm 1975”. Vào thời kỳ gần áp trận đánh sinh tử, lực lượng Miền Nam đã lâm vào tình trạng yếu kém nhất trong vòng 5 năm qua. Ngân khoản viện trợ quân sự thuộc tài khóa 1975 bị Quốc Hội cắt giảm, đã gây nên hậu quả bất lợi ngay trong Quân Lực VNCH. Ở miền Nam, khẩu phần tiếp tế năm 1974 phải rút xuống để hy vọng có thể sống còn trong năm tới.
Số tiền viện trợ 700 triệu trước đây, thực sự đã giảm xuống còn 500 triệu, bởi vì Quốc Hội buộc miền Nam phải trả tiền chuyên chở và nhiều phí tổn khác. Chỉ nguyên nhu cầu đạn dược mà thôi, miền Nam đã phải cần đến 500 triệu đô theo thời giá năm 1974. Lục quân chỉ nhận được 50% số ngân khoản yêu cầu, không quân chừng 30%, nhiên liệu bị rút xuống chỉ còn khả năng vận hành 49% xe cộ. Trên 200 máy bay  đủ loại phải để yên nằm trong nhà chứa. Bất cứ một cuộc di chuyển nhỏ nào của bộ binh đều phải có phép của Tư Lệnh Quân Đoàn.

Lời cam kết của Hoa Kỳ về việc thay thế “một đổi một”, tất cả những quân dụng bị hư hỏng, hoặc hủy hoại trong thời gian ngưng bắn, đã trở thành mây khói.

Vào tháng 6 năm 1974, Miền Nam mất 58 tàu hải quân đã không nhận lại được chiếc nào; mất 282 phi cơ đủ loại, chỉ nhận lại được 8 chiếc Cessna 0-1 loại quan sát! Ngoài ra, Miền Nam chỉ nhận được 33% các cơ phận thay thế. Trên 4,000 xe hơi và máy bay nằm ụ chờ sửa chữa. Tình trạng này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho việc không yểm của không lực Miền Nam. Không quân không dám liều lĩnh tấn công các vị trí địch, khi biết máy bay có thể hư hỏng và không có cơ phận để thay thế. Khả năng ném bom và xạ kích trở thành kém hữu hiệu, súng bộ binh bị hạn chế sử dụng vì thiếu đạn. Những vị Tư lệnh ngoài mặt trận đã lạy lục xin tiếp tế thêm đạn dược.

Nếu so sánh với số tiếp liệu hiện có từ tháng 7 năm 1974, đến tháng 2 năm 1975, với số tiếp liệu thực sự được sử dụng trong thời kỳ đánh cộng sản năm 1972, ta thấy sự chênh lệch thật là nghiêm trọng. Trong năm 1972, bộ binh  Miền Nam đã bắn trung bình 2.8 viên đạn súng cối 81 ly, 25.0 viên đạn pháo binh 105 ly, và 16.2 viên đạn pháo binh 155 ly. Cuối năm 1974 đấu 1975, mỗi ngày chỉ bắn 1.1 viên đạn súng cối, 6.2 viên 105 ly, và 4.9 viên ly. Như vậy là chỉ còn 1/3 hỏa lực được sử dụng trong quân lực Miền Nam. Trong tháng 2 năm 1975, số đạn tồn kho đã tụt xa xuống dưới mức- an- toàn- 60 ngày, dưới mức an toàn 31 ngày cho đạn dược tiếp tế súng trường 5.56 ly, 25 ngày cho lựu đạn, 29 ngày cho đạn phóng 40 ly, 27 ngày cho đạn súng cối 60 ly, 30 ngày cho súng cối 81 ly, 34 ngày cho trọng pháo 105 ly và 31 ngày cho trọng pháo 155 ly.

Tình trạng này đã tạo nên một khủng hoảng lớn. Ngay cả nếu nhịp độ chiến đấu ở vào mức như cuối năm 1974, miền Nam Việt Nam cũng cạn hết đạn dược vào tháng 5/1975, không còn gì để tiếp tục chiến đấu. Phẩm chất và khả năng chữa trị cho binh sĩ bị thương đã xuống mức tồi tệ. Binh sĩ bị thương không còn hy vọng được trực thăng bốc về hậu cứ. Y cụ tồn kho đã khô cạn đến mức phải hạn chế chặt chẽ việc sử dụng, đến nỗi phải giặt những vải băng bó, những găng tay cao su, luộc lại ống chích để sử dụng lại.

Những sự thiếu hụt đau xót này đã chứng tỏ rõ ràng rằng Sài Gòn đang cần viện trợ quân sự. Tổng thống Ford, người kế vị tôi, đã khẩn thiết xin Quốc Hội một ngân khoản tăng viện 300 triệu đô la cho Miền Nam, và 222 triệu đô la cho Cam Bốt, để hai quốc gia này có thể tồn tại. Quốc Hội chưa có quyết định. Những người lãnh đạo Hà Nội đã không bỏ qua những sự việc đang xảy ra ở Miền Nam, và họ không ngờ là Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ giúp họ thắng lợi, bằng cách không chấp nhận lời khẩn cầu của Tổng thống Ford.

Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn hồi ký của ông: “Nguyễn Văn Thiệu đang kêu gọi binh sĩ của Miền Nam hãy chiến đấu một cuộc chiến của nhà nghèo. Mỹ đã cắt giảm viện trợ cho Sài Gòn, do đó quân lính Miền Nam không thể nào tiếp tục chiến đấu và phát triển kế hoạch quân sự. Hỏa lực Miền Nam tụt xuống còn 60% và khả năng di động của binh sĩ chỉ còn 50%. Tình hình này buộc Miền Nam phải thay đổi chiến thuật, từ những cuộc hành quân tỷ lệ cao, với trực thăng xâm nhập sâu, với thiết giáp phòng vệ các tiền đồn, sẽ trở thành những cuộc hành quân truy lùng nhỏ mà thôi.”
Dũng tiếp tục nhận xét: “Trong khi quân sĩ miền Bắc khởi sự mở cuộc tấn công, quân ta ngày càng lớn mạnh, địch quân (Miền Nam) ngày càng suy yếu và trở nên thụ động.”

Sau trận thắng ở Phước Long, Hà Nội ra lệnh mở cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột, thị xã tỉnh Darlac trên cao nguyên Trung phần. Ngày 10 tháng 3, 3 sư đoàn cộng sản Bắc Việt tiến chiếm thị xã. Quân phòng thủ Miền Nam chỉ có một trung đoàn lính chính quy và 3 tiểu đoàn địa phương quân. Như tướng cộng sản Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn hồi ký của ông ta, lực lượng bộ binh miền Bắc trội hơn bộ binh miền Nam 5.5/1, pháo binh 2.1/1, thiết giáp 1.2/1. Mặc dù vậy, binh sĩ miền Nam đã không bỏ chạy mà vẫn ở tại chỗ chiến đấu đến cùng... Thật là một cuộc chiến đấu tuyệt vọng. Tại khu vực sân bay, phòng không của cộng sản mạnh, nên quân tiếp viện của miền Nam không thể đưa tới được. Thêm vào đó, pháo binh của cộng sản trút xuống tàn bạo, khiến quân trú phòng phải rút lui, và tiểu khu Darlac đã rơi vào tay cộng sản trong 24 giờ đồng hồ. Quân miền Nam thua vì thiếu quân số chứ không phải vì thiếu tinh thần. Khi quân cộng sản vào chiếm các vị trí phòng thủ, xác của chiến binh miền Nam tử trận nằm la liệt.

Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, quân cộng sản tiến xuống Sài Gòn theo lộ trình phía Tây. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đích thân đến Cam-ranh để mở một cuộc họp với các chiến lược gia vào ngày 14 tháng 3. Ông đã thấy tình thế bi quan, vì ông được biết ngày 12 tháng 3, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ 18 phiếu trên 49 phiếu, chống viện trợ 300 triệu cho Việt Nam. Và ngày hôm sau, Thượng viện đã xác định phán quyết này với số phiếu 38 trên 5. Cũng như ông Thiệu, Hà Nội biết trước quyết định này của Hoa Kỳ, vì không có cách nào Quốc Hội có thể thắng nhóm đa số chống chiến tranh. Tổng thống Thiệu bây giờ nhận ra một sự thật đau đớn là Quân Lực VNCH không thể nào đủ sức để phòng thủ toàn cõi Miền Nam. Ông chỉ thị cho các Tư lệnh thi hành chiến lược “nhẹ trên đỉnh, nặng dưới đáy”. Ông ta cắt nghĩa rằng chính phủ sẽ rút các lực lượng từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Bắc về phòng thủ khu vực Sài Gòn và vùng châu thổ Mêkông, nơi có nhiều dân chúng sinh sống. Đây là một lá bài tuyệt vọng, vì khi cuộc tấn công của cộng sản đang bành trướng, thì miền Nam đang ở trong tình trạng suy sụp. Tại cuộc họp ở Cam-ranh, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho thi hành giai đoạn đầu của chiến lược: bỏ cao nguyên Trung phần. Ông ta thừa biết rằng bỏ cao nguyên Trung phần là cơ hội cho quân cộng sản tràn xuống miền duyên hải và chia đôi miền Nam. Nhưng ông ta không thể làm gì hơn được, khi ông chỉ có hai sư đoàn để đánh lại với bốn sư đoàn cộng sản, trừ phi ông có được những đơn vị trừ bị tăng cường. Ngân khoản viện trợ bị cắt, Miền Nam không thể nào phát triển thêm các đơn vị trừ bị. Do đó, ông không thể nào chấp thuận đề nghị của các tướng lãnh muốn tái lập lực lượng để tái chiếm Ban Mê Thuột.

Chiến lược rút lui của ông Thiệu dễ ban hành, nhưng không dễ thực hiện. Lực lượng cộng sản đã tiến chiếm các trục lộ  chính từ Pleiku và Kontum về miền duyên hải. Quân Miền Nam sẽ bị lọt vào những tuyến phục kích trên các con lộ 19 hoặc 14. Do đó, ông Thiệu đã cho lệnh rút lui theo con lộ 7B, một con lộ đã bỏ hoang từ nhiều năm. Đây là một sự lựa chọn sai lầm đưa đến tai họa. Không ai có thì giờ để biết rằng con lộ này đã trở thành bất khả dụng vì cây cối đã mọc lên cản trở sự lưu thông và một cây cầu quan trọng đã bị hư hỏng.

Ngày 15 tháng 3, khi quân đội chuẩn bị rút lui, thị xã Pleiku và Kontum đã trở thành rối loạn. Không một ai muốn bị bỏ lại đằng sau (nhất là gia đình, bà con binh sĩ). Một đám đông dân chúng trên 200 ngàn người đã chạy theo quân đội, khiến cho cuộc rút quân trở thành hỗn loạn. Dân chúng chen lấn vào hàng ngũ quân đội, tình trạng đường xá xấu hư làm cho cuộc chuyển quân trở thành chậm chạp.
Mặc dù cuộc rút lui đột ngột của quân Miền Nam đã làm cho tướng cộng sản Văn Tiến Dũng lúc đầu rất lúng túng. Nhưng chẳng mấy chốc, ông ta đã lập lại được kế hoạch. Ngày 18 tháng 3, ông ta đã điều quân đến tấn công vào đoàn xe của quân Miền Nam tại thị xã Cheo Reo. Nơi đây, cây cầu chính đã bị hư từ lâu, nên đoàn xe và người của quân Miền Nam phải chậm lại. Lực lượng rút lui đã bị cắt ra làm đôi và quân đã chết như rạ, xác chết nằm ngổn ngang trên khắp thị xã. Số binh sĩ còn sống sót tiếp tục tiến xuống miền duyên hải. Trong số 18 tiểu đoàn khi xuất phát, bây giờ chỉ còn lại 3.

Sau thảm họa này, Tổng thống Thiệu không còn gì để lưỡng lự nữa. Ông ra lệnh đưa những đơn vị thiện chiến nhất của QLVNCH (Nhảy dù và Thủy quân lục chiến, hiện đang tăng cường cho Vùng I) về phòng thủ Sài Gòn. Ông cũng ra lệnh điều động các đơn vị cơ hữu của Vùng I thu hẹp lại, để phòng thủ Huế và Đà Nẵng. Những cánh quân cộng sản ở vùng này chỉ mới mở những cuộc tấn kích nhỏ, song song với cuộc tấn kích ở Ban Mê Thuột. Khi những đơn vị thiện chiến phải rút về Sài Gòn ngày 18 tháng 3, Tư lệnh các đơn vị cơ hữu Vùng I cố gắng điều quân bố trí vào các tuyến phòng thủ hẹp hơn. Bất cứ ai cũng có thể hình dung được sự khó khăn của một cuộc rút quân chiến lược, dù trong hoàn cảnh thuận lợi nào, cũng đều gặp phải nhiều nguy hiểm. Các Tư lệnh phải điều binh trong tình trạng xấu nhất, dưới áp lực tấn kích của địch, nên các tuyến phòng thủ không thể nào thiết lập được. Ngày 11 tháng 3, thiết giáp xa cộng sản vượt qua vĩ tuyến 17 mà tỉnh Quảng Trị đã bỏ ngỏ. Hằng ngàn dân tỵ nạn bỏ chạy vào Huế, rồi tiếp tục di tản vào Đà Nẵng.

Binh sĩ miền Nam phải thi hành quân dịch nhiều năm liên tiếp, nên họ phải đưa gia đình đến sống trong các trại gia binh cạnh đồn trại. Khi rút lui, họ phải mang gia đình theo, hoặc bỏ đơn vị để theo gia đình trốn thoát đến nơi an toàn. Thế là tình trạng náo loạn xảy ra. Ba sư đoàn cơ hữu của Vùng I bỗng chốc tan thành như mây khói. Ngày 25 tháng 3, Huế rơi vào tay cộng sản, 35 ngàn quân cộng sản tiến về Nam bao vây Đà Nẵng. Quân Đoàn I cố gắng tổ chức các đơn vị còn lại, nhưng không khí hoảng hốt đã bao trùm thành phố Đà Nẵng.
Trên 2 triệu người tràn ngập trên các đường phố, tìm kiếm bà con gia đình, và tìm cách chạy thoát vào Nam. Hàng ngàn người đã chạy về phía bờ biển để tìm tàu bè ra khơi, trong đó có vị Tư lệnh Quân đoàn đã can đảm ở lại đến phút chót mới ra đi.

Ngày 30 tháng 3, Đà Nẵng, nơi quân đội Hoa Kỳ đã đổ bộ lên đúng 10 năm, đã hoàn toàn rơi vào tay quân Bắc Việt.
Trong vòng chưa đầy một tháng, quân lực miền Nam đã để mất một nửa lãnh thổ, nhưng đó không phải là hoàn toàn do họ. Chiến lược rút quân phía Bắc để đưa quân phòng thủ phía Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Cuộc rút quân của quân lực Miền Nam chỉ có thể thành công, nếu tất cả những cánh quân rút lui không bị sứt mẻ và hao hụt. Kế hoạch rút lui của ông Thiệu đã đem lại kết quả là ông chỉ còn một ít đơn vị về tới được Sài Gòn.

Tình hình miền Nam đã vậy mà tình hình của nước bạn láng giềng Cam Bốt cũng đang ở vào những giờ phút hấp hối. Ngày 16 tháng 3, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Cam Bốt bắt đầu triệt thoái nhân viên. Ngay sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ cấm thả bom xuống Bắc Việt, cộng sản Khờ-me-Đỏ đã tràn vào khắp nơi trên đất Cam Bốt.
Chúng bao vây thủ đô Nam Vang và đang cố xiết chặt gọng kềm. Pháo binh cộng sản bắn xuống những khu trại trú ẩn của những người lánh nạn. Tin tức loan truyền về những vụ giết người tàn bạo tại những nơi cộng sản chiếm cứ, nhưng Hoa Kỳ đã không có hành động nào để cứu vãn tình hình. Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho Cam Bốt, cũng nghiêm khắc như đối với miền Nam Việt Nam. Ngày 16 tháng 4, sau khi cạn hết đạn dược và tiếp liệu, Nam Vang rơi vào tay Khờ Me Đỏ.
Mãi đến ngày 4 tháng 4, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn mới bắt đầu triệt thoái, vì muốn nán lại để nuôi dưỡng tinh thần kháng cự của quân miền Nam. Việc trì hoãn đã phí rất nhiều thì giờ quý báu để dùng vào việc đưa các nhân viên thuộc quyền ra khỏi nước. Những nhân viên và gia quyến của họ đã cộng tác với Tòa Đại sứ trong bao nhiêu năm, nên mạng sống của họ có thể bị cộng sản tiêu diệt, ngay khi chúng chiếm được Sài Gòn. Trong những ngày cuối cùng, trực thăng liên tiếp đưa hàng ngàn người từ sân thượng các cao ốc, tàu cứu cấp đậu ở ngoài khơi, nhưng vẫn còn hàng ngàn người bị bỏ rơi lại.

Hà Nội bấy giờ đã cho tập trung tất cả những gì họ có vào cuộc tấn công. Từ tháng 9 năm 1974, đến tháng 3 năm 1975, Bắc Việt đã đưa hơn 120 ngàn quân vào Nam. Sài Gòn như đang bị dồn vào dây cản trên võ đài quyền Anh. Hà Nội nhất quyết cho một cú “nốc ao”. Qua tháng 4, Hà Nội đưa vào thêm 58 ngàn tân binh nữa. Sài Gòn loạng choạng, không một ai có thể ngờ Miền Nam bị đánh bại nhanh đến như thế. Tổng thống Thiệu đã từng xem việc chiếm lại Ban Mê Thuột là chuyện không tưởng, nay lại tìm cách tập họp các lực lượng còn lại để phòng thủ Miền Nam đang bị tan rã. Các đơn vị tăng cường của Bắc Việt, mỗi lúc mỗi đông, không còn cho phép Tổng thống Thiệu có thể hành động gì được nữa. Một tuyến phòng thủ được dự trù thiết lập, thì những đợt tấn công của cộng sản đã tràn tới, không thể nào thực hiện được.

Ngày 9 tháng 4, trận đánh quyết định cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam đã khởi sự tại Xuân Lộc. Đây là một trận đánh mà lực lượng hai bên hoàn toàn không tương xứng. Tuy vậy, quân phòng thủ Miền Nam đã kháng cự mãnh liệt, bất chấp quân số của địch đông gấp bội phần. Quân Bắc Việt đã pháo kích với một cường độ nặng chưa từng xảy ra trong suốt cuộc chiến, đã làm tê liệt hàng ngũ quân phòng thủ.

Ngày 10 tháng 4, trong khi quân Bắc Việt tấn công khắp nơi trên toàn cõi Miền Nam, tại Mỹ, Tổng thống Ford đã đến thuyết trình trước Quốc Hội Lưỡng Viện để yêu cầu viện trợ khẩn cấp cho các nước bạn đồng minh Việt Nam, Cam Bốt và Ai Lao. Ông chỉ xin Quốc Hội 722 triệu viện trợ quân sự và 250 triệu viện trợ kinh tế và nhân đạo. Trước tình thế khẩn trương, Tổng thống Ford đã xin Quốc Hội đáp ứng lời yêu cầu của ông trước ngày 19 tháng 4. Đây là một việc làm đầy can đảm của Tổng thống Ford trên phương diện chính trị, vì ông biết rõ rằng ông sẽ mất hết mọi sự ủng hộ của các nghị viên bạn, khi ông ngỏ lời xin viện trợ cho chính phủ Sài Gòn. Những nhà lãnh đạo Quốc Hội đã chống lại Tổng thống Ford và một nghị sĩ tuyên bố: “Tôi chấp thuận cho những món tiền lớn để triệt thoái người Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng tôi sẽ không cho một đồng kền năm xu (a nickel) để viện trợ quân sự cho Việt Nam. Tôi không muốn ai lẫn lộn việc triệt thoái người Mỹ ra khỏi Việt Nam, với việc triệt thoái người Việt ra khỏi Việt Nam”. Những người lãnh đạo Quốc Hội có ý muốn cho tiền để rút lui, nhưng không muốn cho tiền để tránh thất trận. Kể từ sau những cuộc bầu cử năm 1974, đa số nghị sĩ và dân biểu chống chiến tranh kiểm soát Hạ Viện và Thượng Viện chặt chẽ hơn bao giờ hết. Một vài cuộc nghị sự được mở ra, nhưng lời yêu cầu của Tổng thống Ford không có được một phiếu biểu quyết, nó đã chết ngay khi còn ở cấp tiểu ban. Trong khi đó, quân sĩ Miền Nam tại Xuân Lộc đang đánh xáp lá cà và giết hơn 1,200 địch, xác chết ngổn ngang trên chiến trường! Quân cộng sản pháo hàng ngàn viên đạn xuống vị trí phòng thủ của quân Miền Nam. Nhưng các tuyến quân Miền Nam đã can đảm cầm cự cho đến ngày 15 tháng 4, khi các toán quân tổn thất quá nhiều, không còn chiến đấu được nữa và phải rút lui. Sau khi Xuân Lộc thất thủ, quân Miền Nam không còn bao nhiêu người để ngăn chặn cộng sản tiến về Sài Gòn. Những trận đánh khác đang xảy ra nhiều nơi trên lãnh thổ Miền Nam. Nhưng đến ngày 20 tháng 4, một sự yên lặng đáng sợ kéo dài gần một tuần lễ, trong khi mọi con mắt đều hướng về Sài Gòn, để xem điều gì sắp xảy ra.
Trên 120 ngàn quân lính Bắc Việt thuộc 16 sư đoàn đang bao vây Sài Gòn và chuẩn bị tấn công toàn khối vào 30 ngàn quân phòng thủ Miền Nam. Rõ ràng là cuộc chiến Đông Dương đang đến giờ phút cuối.
Ngày 21 tháng 4, Tổng thống Thiệu từ chức với hy vọng người kế vị có thể cứu Sài Gòn khỏi bị tàn phá trong trận đánh cuối cùng. Người kế vị ông ta là Dương Văn Minh, chủ trương mở những cuộc điều đình với quân địch. Đó là một giải pháp vô vọng. Sài Gòn không còn gì để đem ra mặc cả với địch. Hà Nội nhìn thấy sự chiến thắng trước mắt, không thèm quan tâm đến đàm phán, chỉ muốn chinh phục.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lực lượng quân đội Miền Nam hoàn toàn suy sụp tinh thần. Thiết giáp Bắc Việt lăn bánh vào các đường phố Sài Gòn. Vào thời điểm này, kháng cự lại quân đội Hà Nội là việc làm vô ích. Sau khi chiếc thiết giáp địch ủi sập cánh cửa Dinh Độc Lập, tướng Minh và những người trong chính phủ của ông ta bị bắt làm tù nhân. Một binh sĩ Bắc Việt trèo lên bao lơn vẫy lá cờ của những người chiến thắng. Chẳng mấy chốc sau, Sài Gòn tràn ngập cờ giải phóng.

Trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống năm 1972, Thượng nghị sĩ George McGovern cam đoan rằng, nếu quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam, trong vòng 72 giờ, Miền Nam Việt Nam sẽ sụp đổ. Thực tế không xảy ra như thế. Miền Nam Việt Nam đã không sụp đổ khi Quốc Hội Hoa Kỳ thẳng tay cắt bỏ viện trợ quân sự và kinh tế vào năm 1974. Miền Nam Việt Nam đã không sụp đổ cho đến cuối tháng 4/1975, khi tất cả những yêu cầu viện trợ đều bị từ chối một cách tàn nhẫn... Trong hơn hai năm cuối của cuộc chiến, quân sĩ Miền Nam đã kiên trì chống trả những đoàn quân xâm lăng của Miền Bắc. Giới truyền thông nước Mỹ mô tả những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa như những kẻ hèn nhát. Người Mỹ chỉ nhìn thấy trên truyền hình, hình ảnh những người lính Miền Nam tuyệt vọng cố bám lấy chân trực thăng, hoặc chạy đua với những người dân tỵ nạn để tìm đường trốn thoát. Người Mỹ không thể hiểu được rằng, dưới mãnh lực đạn pháo kích dồi dào của cộng sản (Nga và Tàu), các đơn vị quân lực Miền Nam Việt Nam bắt buộc phải tan rã.-
Điều này đã từng xảy ra với mọi quân đội, kể cả với quân đội Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều, đối với một binh sĩ đã chiến đấu can trường với một số đạn dược hạn chế, trong khi địch quân được tiếp liệu vô giới hạn. Nếu giới truyền thông trình bày cuộc chiến một cách đầy đủ về mọi phương diện, mọi người sẽ thấy Miền Nam khó có thể tồn tại lâu dài như đã xảy ra. Hồ sơ quân sự ghi nhận Quân lực VNCH Miền Nam đã chiến đấu dũng cảm trong rất nhiều trận đánh cho đến ngày cuối cùng. Trong năm 1974, họ đã đánh thắng địch tại Châu Đốc, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Định Tường và Hậu Nghĩa. Trong năm 1974, họ đã thắng địch tại Kiến Tường, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Quảng Tín, Kontum, Darlac, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Long, Phước Long, Chương Thiện, Ba Xuyên và Svay-Riêng ở Cam Bốt. Trong năm 1975, mặc dù có nhiều xáo trộn, tai biến, và mặc dù Hoa Kỳ đã ngưng viện trợ về nhiều mặt, quân đội Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu anh hùng tại các mặt trận Quảng Nam, Bình Định, Pleiku, Kontum, Bình Tuy, Tây Ninh, Kiến Tường, Chương Thiện, Định Tường, Phú Bổn, Quảng Đức, Khánh Hòa, Long An, Bình Long, Bình Dương, Long Khánh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phước Tuy và Hậu Nghĩa. Trong hai năm, không một tỉnh nào lọt vào tay cộng sản.
Các nhà phân tích quân sự  khách quan đã công nhận rằng binh sĩ Quân Lực VNCH Miền Nam là những chiến binh tác chiến giỏi, so sánh từng người một với binh sĩ cộng sản Miền Bắc. Tinh thần binh sĩ Miền Nam rất cao. Kể từ sau khi quân đội Hoa kỳ rút lui khỏi các vùng hành quân; quân đội VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu, dù phải hy sinh nhiều tính mạng. Số tổn thất trong giai đoạn này lớn hơn số binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong suốt cuộc chiến. Quân đội VNCH có đủ tinh thần và năng lực để đánh địch; nhưng chúng ta không thể đòi hỏi họ tiếp tục chiến đấu trong tình trạng chênh lệch vô lý mãi được.
Quốc Hội đã quay lưng bỏ lại một dân tộc chiến đấu vì chính nghĩa- Miền Nam Việt Nam chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là muốn tồn tại như một quốc gia độc lập. Những gì mà Hoa Kỳ chỉ cần đem đến cho họ là những phương tiện để họ tiếp tục chiến đấu, Quốc Hội đã từ chối, họ lấy gì để hành động?
Khi chúng ta bỏ Miền Nam Việt Nam, toàn cõi Đông Dương cũng bị bỏ. Số phận của các dân tộc này đã rơi vào tình trạng khắc nghiệt.
Trước khi Đại sứ Hoa Kỳ ở Cam Bốt John Gunther Dean sắp sửa ra đi, ông đã viết một bức thư cho ông Sirik Matak cựu Thủ tướng Cam Bốt, bày tỏ ý muốn đưa ông Thủ tướng đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Vị cựu Thủ tướng đã phúc đáp:

Kính thưa Ngài Đại Sứ và cũng là người bạn,
Tôi xin chân thành cám ơn Ngài về lá thư và lòng tốt của Ngài, muốn dành cho tôi phương tiện để đến xứ sở tự do. Nhưng than ôi, tôi không thể ra đi một cách hèn nhát như vậy. Đối với Ngài và nhất là đối với xứ sở vĩ đại của Ngài, tôi đã chẳng bao giờ tin rằng quý Ngài có thể nhẫn tâm bỏ dân tộc của chúng tôi, một dân tộc chỉ muốn tự do. Quý Ngài đã từ chối không bảo vệ dân tộc chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì khác được.
Trước khi Ngài ra đi, tôi xin cầu chúc Ngài và dân tộc Ngài được luôn luôn hạnh phúc dưới bầu trời. Nhưng xin Ngài nhớ cho rằng nếu tôi phải chết ngay trên mảnh đất mà tôi hằng yêu quý này, thì đó quả thật quá tồi tệ, dù rằng ai được sinh ra  rồi cũng có ngày chết. Chúng tôi đã làm một lỗi lầm lớn là đã quá tin tưởng ở quý Ngài.
Kính
Sisowath Sirik Matak
Đây là một quyết định cao thượng và thích hợp, nếu không muốn nói là bi thảm cho dân tộc, xứ sở của ông và cho chính ông. Ông là nguời đầu tiên bị quân Khmer Đỏ đem ra pháp trường xử tử một cách dã man.
Cộng sản đã dem lại sự yên tĩnh tại Miền Nam Việt Nam và các nước láng giềng, nhưng đó là một sự yên tĩnh của nghĩa trang.



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top