• MỖI NGÀY MỘT BÀI VIẾT Tưởng Niệm Tháng 4 Đen của VNCH: Lữ Giang: Sự Thất Thủ BAN MÊ THUỘT Năm 1975

• MỖI NGÀY MỘT BÀI VIẾT
Tưởng Niệm Tháng 4 Đen của VNCH

• Lữ Giang

Tổng Kết Về Những BÍ MẬT

Liên Quan Đến Sự Thất Thủ

BAN MÊ THUỘT Năm 1975



Nhà báo Lữ Giang

Lời giới thiệu: Nhà báo Lữ Giang, tên thật là Nguyễn Cần, còn có một bút hiệu khác là Tú Gàn đã qua đời vào ngày 10 Tháng Chín, 2019 tại miền Nam California.
Ông sinh ngày 13 Tháng Hai, 1935 tại Quảng Bình. Thời VNCH ông đã từng giữ chức vụ  biện lý ở tỉnh Long Xuyên và phó biện lý Sài Gòn-Gia Định cho đến năm 1975. Ông trải qua 13 năm tù cộng sản và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1990. Ông cộng tác với báo Saigon Nhỏ từ năm 1995 đến năm 2008 khi bà Hoàng Dược Thảo là chủ nhiệm kiêm Chủ Bút của tuần báo này.
Bài viết sau đây là một bài đã được phổ biến từ năm 1996 trên báo Saigon Nhỏ sau khi nhà báo Lữ Giang đến Hoa Kỳ từ những cuộc phỏng vấn của ông qua nhiều trại tù cộng sản với  những người nắm vững trận Ban Mê Thuột mà như lời tu20c khi ông ấn hành sách, ông hy vọng là chúng ta sẽ có những sử liệu chính xác để phá tan những phịa sử mà Việt Cộng sau khi cưỡng chiến miền Nam Việt Nam năm 1975.
Ngòi bút của nhà báo Lữ Giang đã gây nhiều tranh luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhưng trên tất cả, ông là một ký giả có nhiệt tình với quê hương, đất nước và dân tộc nên những ghi nhận của ông về những diễn biến lịch sử thời cận đại chắc chắn sẽ có một giá trị lịch sử cho những thế hệ tiếp nối khi muốn đi tìm sự thật về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam song hành với sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam từ 1945 đến nay.

*

Quân Đoàn 2 biết rõ Hà Nội chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ tháng 12 năm 1974. Ngày mồng 1 Tết, Tổng Thống Thiệu lên thăm Pleiku, Quân Đoàn 2 đã trình bày cho Tổng Thống Thiệu các chi tiết về kế hoạch tấn công Ban Mê Thuột của Cộng quân. Tổng Thống Thiệu ra lệnh đưa ngay Sư Đoàn 23 về phòng thủ Ban Mê Thuột. Tại sao Ban Mê Thuột đã bị thất trận một cách thê thảm như vậy?

Trong thời gian bị giam giữ trong các trại cải tạo của Cộng Sản, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với hàng trăm người có trách nhiệm hay liên quan đến những biến cố đưa đến sự sụp đổ toàn bộ miền Nam Việt Nam, trong đó trận Ban Mê Thuột là trận quan trọng nhất. Vì được gặp nhiều người cùng một lúc nên chúng tôi đã có dịp kiểm chứng những điều mà mỗi người đã kể. Đối với những người mà chúng tôi không ở cùng chung trại, sau khi về Saigon hay qua Mỹ, chúng tôi đã tìm cách để tiếp xúc và hỏi thêm, như trường hợp của Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Thiết Đoàn 2 của Quân Khu 2.  Ông chỉ huy đoàn quân tháo chạy trên liên tỉnh lộ 7 và đã bị bắt gần Củng Sơn (Phú Yên). Chúng tôi cũng đã có dịp tham khảo nhiều sách báo của các tŸc giả miền Nam Việt Nam, của người Mỹ cũng như của Quân Đội Việt Cộng viết liên quan đến biến cố 30.4.1975. So sŸnh những tài liệu thu thập được, chúng tôi đã khám phá ra nhiều sự kiện lịch sử cần được viết lại cho chính xác hơn.
Khi mới đến Hoa Kỳ vào năm 1990, chúng tôi đã viết ngay một bài nói về những bí ẩn đàng sau sự thất thủ Ban Man Mê Thuột, bài này đã gây ngạc nhiên và xúc đông cho nhiều người. Nay những người liên hệ đến trận Ban Mê Thuột đã đến Hoa Kỳ. Có những người đã đồng ý viết ra những những biến cố mà họ đã tham dự hay chứng kiến như Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2, Trung Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23..., nhưng đa số đã thú nhận rằng họ phải bỏ bớt đi vì sợ đụng chạm. Có người chỉ kể lại chứ không chịu viết và cũng có người khi kể lại đã yêu cầu đừng nêu tên họ ra khi viết, cũng vì sợ đụng chạm. Sau khi tổng kết, chúng tôi xin ghi lại những bí ẩn liên quan đến sự thất thủ Ban Mê Thuột. Sự thật có nhiều điều khác xa những gì Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn “Đại thắng mùa Xuân” hay Phạm Huấn đã viết trong cuốn “Tướng Phú và những trận đánh từ Điện Biên Phủ 1954 đến Ban Mê Thuột 1975”.
***


Biến cố 30.4.1975 đã gây ra những ấn tượng kinh hoàng và đau xót trong lòng người Việt trong cũng như ngoài nước. Biến cố đó đã đưa cả dân tộc vào những ngày bi thảm nhất và để lại một vết thương đau đớn trong lịch sử. Mặc dầu đã 21 năm qua, ấn tượng đau xót và tủi nhục đó vẫn chưa phai mờ đi được.
Mọi người đều công nhận rằng sự thất thủ Ban Mê Thuột là biến cố khởi đầu đưa đến sự sụp đổ toàn bộ miền Nam Việt Nam. Tại sao Ban Mê Thuột đã bị thất thủ một cách nhanh chóng như vậy? Phải chăng đây là một cuộc tấn công quá bất ngờ của Cộng quân khiến Quân Lực VNCH không trở tay kịp? Phải chăng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đã thua đòn cân não của Hà Nội? Phải chăng khả năng chiến đấu của Quân Lực VNCH quá yếu kém, không đương đầu nổi với lực lượng của Cộng quân? Rất nhiều câu hỏi như thế đã được nhiều người đặt ra. Chúng tôi xin tuần tự trình bày từng chi tiết về diễn biến của trận Ban Mê Thuột để trả lời những câu hỏi đó.

1.- Phối trí của Quân Lực VNCH và Cộng quân

Ban Mê Thuột là một tỉnh nằm ở Cao Nguyên Trung Phần gồm bốn tỉnh: Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và Quảng Đức. Tướng Phú đã phối trí quân để phòng thủ Cao Nguyên như sau: 5 Liên Đoàn Biệt Động Quân của Quân Đoàn được dùng để bảo vệ Kontum vì sợ Cộng quân sẽ mở một cuộc tấn công như “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Ba tỉnh còn lại được giao cho Sư Đoàn 23 bảo vệ. Sư Đoàn này được phối trí như sau: Hai Trung Đoàn 44 và 45 được đưa về phòng thủ Pleiku. Trung Đoàn 44 đóng ở căn cứ 801 phía tây bắc Pleiku. Trung Đoàn 45 đóng ở căn cứ Gầm Ga, phía Bắc Quận Thuần Mẫn, gần đèo Tử Sĩ, dọc theo quốc lộ 14, giữa Ban Mê Thuột và Pleiku. Trung Đoàn 53 giữ Ban Mê Thuột và Quảng Đức. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột còn Bộ Tư Lệnh Hành Quân đóng tại căn cứ Hàm Rồng ở Pleiku. Về sau, Bộ Tổng Tham Mưu tăng cường cho Quân Khu 2 thêm ba Liên Đoàn 4, 6 và 7 Biệt Động Quân của trung ương nữa.
Cộng quân có Sư Đoàn 320 đóng ở Kontum, Sư Đoàn F.10 hoạt động ở Pleiku, Sư Đoàn 986 trú quân tại vùng Tam Biên Việt-Miên-Lào và Trung Đoàn biệt lập 25, một trung đoàn khá thiện chiến, luôn quấy phá ở hai tỉnh Ban Mê Thuột và Quảng Đức.
Ban Mê Thuột là nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 23. Nơi đây toàn rừng cao su, không có chướng ngại thiên nhiên để giúp phòng thủ như ở Kontum hay Pleiku nên rất dễ bị tấn công. Lực lượng phòng thủ ở đây lại rất yếu. Nghĩa Quân và Địa Phương Quân phần lớn là người Thượng, không thiện chiến, thiếu tinh thần kỷ luật và được trang bị không đầy đủ. Tất cả chỉ trông chờ vào Trung Đoàn 53, nhưng Trung Đoàn này phải bao một vùng lãnh thổ quá lớn gồm 2 tỉnh nên khó bảo vệ nổi. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy Cộng quân chọn Ban Mê Thuột để tấn công. Mặt khác, nếu chiếm được Ban Mê Thuột, Cộng quân sẽ khai thông được con đường Đông Trường Sơn từ Pleiku tới Phước Long qua Quận Đức Lập của Ban Mê Thuột.

2.- Địch điều quân

Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn 2 kể lại rằng nhờ hệ thống truyền tin điện tử, Quân Đoàn 2 VNCH đã mở được hầu hết các khóa mật mã của Cộng Quân đánh đi. Nhờ vậy, Quân Đoàn 2 đã khám phá ra Cộng quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột từ tháng 12 năm 1974.
Để đánh Ban Mê Thuột, lúc đầu Cộng quân huy động 4 Sư Đoàn: Sư Đoàn 3 Sao Vàng ở Bình Định, Sư Đoàn F.10 ở Pleiku, Sư Đoàn 320 ở Kontum, Sư Đoàn 968 đang đóng ở vùng Tam Biên. Ngoài ra, Cộng quân còn xử dụng luôn Trung Đoàn biệt lập 25.
Trước hết, Cộng quân ra lệnh cho Sư Đoàn 968 đang đóng ở vùng Tam Biên kéo về phía tây Quận Thanh An ở phía tây Pleiku để thay cho Sư Đoàn F.10 tiến về phía tây nam Ban Mê Thuột. Đại ˜y TrŸc Ngọc Anh, một sĩ quan không báo của Quân Đoàn 2, đã nói với chúng tôi rằng vào cuối tháng 1 năm 1975, khi máy bay L.19 chở anh đang bay thŸm thính trên con đường từ vùng Tam Biên về Thanh An thì bất thần anh phát hiện ra một đoàn quân xa độ một trăm chiếc đang chạy từ Tam Biên theo hướng nam về phía Pleiku. Anh thông báo về Phòng 2 của Quân Đoàn. Một lúc sau khi nghe báo cáo, cơ quan quân báo của Hoa Kỳ đã nói vào máy cho biết đích danh đó là các xe chuyển quân của Sư Đoàn 968 của Cộng quân. Quân Đoàn 2 đã xin Bộ Tổng Tham Mưu huy động các phi cơ A.37 của Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 6 Không Quân đến oanh kích. Cuộc oanh kích kéo dài từ 9 giờ sáng đến quá trưa, nhưng vẫn còn thấy một số xe đang chạy. Bộ Tổng Tham Mưu phải điều động thêm Sư Đoàn 1 Không Quân ở Đà Nẳng vào trợ chiến. Cuộc oanh kích kéo dài đến 4 giờ chiều thì chấm dứt. Một máy bay C.47 của Bộ Tổng Tham Mưu đã đến chụp hình và thấy khói bay ngụt trời, nhiều tiếng nổ từ dưới đất phát ra, vô số xe bị bắn cháy nằm rải rác trên đường. Sau chiến công này, Quân Đoàn 2 được khen thưởng. Trung Úy Trác Ngọc Anh (đang ở Hoa Kỳ) được vinh thăng Đại Úy.
Bị thiệt hại nặng trong vụ oanh kích đó, Sư Đoàn 968 không còn khả năng chiến đấu như lúc đầu nữa, Bộ Chỉ Huy Tây Nguyên của Cộng quân đã điện về Hà Nội cầu cứu. Hà Nội liền ra lệnh rút gấp Sư Đoàn 316 đang đóng ở vùng biên giới Lào-Việt ở phía tây Nghệ Tĩnh đưa vào Cao Nguyên Trung Phần thay thế cho Sư Đoàn 968. Sư Đoàn 316 là một Sư Đoàn cơ động nhẹ, chỉ có 2 Trung Đoàn, nên khi đi qua Thừa Thiên đã được tăng cường thêm một Trung Đoàn của Sư Đoàn 324 đang đóng tại đây. Sau đó, Hà Nội còn cho thêm Trung Đoàn 29-B vào tăng cường cho Sư Đoàn 316.
Có đủ quân số rồi, Cộng quân phối trí như sau: Sư Đoàn 3 Sao Vàng từ Bình Định đem hai Trung Đoàn đóng ở phía tây đèo An Khê, cắt quốc lộ 19 nối liền Bình Định và Pleiku để chận đường tiếp viện của Sư Đoàn 22 bộ binh và nghi binh.
Sư Đoàn F.10, từ Pleiku tiến về phía tây Ban Mê Thuột, vây Quận Đức Lập, cắt con đường 14 nối liền Ban Mê Thuột với Đức Lập. Sư Đoàn 320 từ Kontum di chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột, đóng cách quốc lộ 14 về phía tây 5 cây số để chận quốc lộ 14 từ Pleiku đến Ban Mê Thuộc. Một tiểu đoàn của Sư Đoàn này đã băng qua quốc lộ 14, khúc cầu 210 (còn gọi là cầu Ialeo) và tiến về phía đông, đóng chốt trên đường nối liền tỉnh Phú Bổn với Quận Thuần Mẫn ở phía đông bắc Ban Mê Thuột.
Trung Đoàn 25 tiến về phía đông Ban Mê Thuột, chận quốc lộ 21 nối liền tỉnh Khánh Hòa với Ban Mê Thuột, khúc đèo Chư Cúc, giữa Quận Khánh Dương của Khánh Hòa và Quận Phước An của Ban Mê Thuột. Tàn quân của Sư Đoàn 986 (khoảng hơn 1 Trung Đoàn) tiến về phía tây Pleiku, có nhiệm vụ gây rối để cầm chân 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 23 lại mặt trận Pleiku.
Sư Đoàn cơ động nhẹ 316 mới từ Bắc vào sẽ làm mũi nhọn đánh vào thành phố Ban Mê Thuột để thăm dò. Sợ Sư Đoàn 316 thiếu kinh nghiệm, không nắm vững địa hình địa vật, không hoàn thành nhiệm vụ, Hà Nội chỉ thị cho một tiểu đoàn của Trung Đoàn 95-B hướng dẫn Sư Đoàn này.
Riêng Sư Đoàn 2 Sao Vàng, Phòng 2 của Quân Đoàn không tìm thấy dấu vết ở đâu. Sau này, khi đọc cuốn “Sư Đoàn 3 Sao Vàng” của Việt Cộng, chúng tôi mới khám phá ra sư đoàn này đã bị tiêu diệt trong trận Kontum năm 1972, số còn lại đã tăng cường cho Sư Đoàn 3 Sao Vàng ở Bình Định.
Qua các khóa mật mã mở được, Quân Đoàn 2 cũng biết đích xác ngày giờ Tướng Việt Cộng Văn Tiến Dũng sẽ từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, xuống đường Đông Trường Sơn để vào Ban Mê Thuột. Ngày Văn Tiến Dũng đi qua phía tây Kontum, Quân Đoàn 2 đã cho thả một đại đội trinh sát xuống quãng đường này để phục kích Văn Tiến Dũng nhưng không gặp vì đường Đông Trường Sơn ở khúc đó có quá nhiều nhánh, không biết đoàn xe đi đường nào.
Tóm lại, mọi ý đồ, cách điều quân và phối trí quân của địch đều được Quân Đoàn 2 nắm khá vững. Phòng 2 Quân Đoàn 2 đã trình lên Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh của Quân Đoàn. Nhưng...

3.- Các tin tức tình báo dồn dập

Đại Tá Phùng Văn Quang, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 cho biết rằng một tiểu đoàn của Trung Đoàn 45 đang hành quân trên quốc lộ 14 gần Quận Thuần Mẫn thì một cán binh Việt Cộng ra xin đầu thú. Anh ta khai tên là Sinh (có người nói là Sính), một sĩ quan truyền tin, có nhiệm vụ bắt đường dây điện thoại ngang qua quốc lộ 14 nối liền Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 32 ở phía tây quốc lộ này với một đơn vị đang đóng ở Quận Thuần Mẫn. Khi điều tra thì khám phá ra anh ta chỉ là một Thượng Sĩ chớ không phải sĩ quan. Vì giữ nhiệm vụ truyền tin, anh ta biết khá nhiều về kế hoạch hành quân của Sư Đoàn 320 và các đơn vị phối hợp. Anh cho biết Sư Đoàn 320 đang đóng phía bắc Quận Buôn Hô, cách quốc lộ 14 về phía tây và đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Khi tin này được báo về Quân Đoàn 2, Tướng Phú ra lệnh cho Trung Đoàn 45 cho một tiểu đoàn hành quân lục soát  hai bên quốc lộ 14, từ Ban Mê Thuột đến Pleiku để phát hiện địch. Trung Tá Quang nói ông đã cho lục soát  nhưng không thấy gì. Sau này ông tiết lộ rằng tiểu đoàn đó chỉ lục soát  mỗi bên quốc lộ 14 khoảng 1 cây số, trong khi Sư Đoàn 320 đóng xa quốc lộ đến 5 cây số nên không thể phát hiện được. Khi không khám phá ra địch, tên Sinh đồng ý hướng dẫn trực thăng đến trên vùng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 đang đóng. Đại Tá Quang nói rằng theo sự chỉ dẫn của tên Sinh, ông đã nhìn thấy phía dưới các cơ sở chứng minh có địch đang đóng quân tại đó và đã báo cáo cho Tướng Phú biết.
Mặc dầu có tin Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 đã chuyển từ Kontum về phía bắc Ban Mê Thuột, nhưng cơ quan truyền tin của Quân Đoàn 2 cho biết vẫn nhận được các tín hiệu truyền tin của Sư Đoàn này phát đi từ một căn cứ ở Kontum. Căn cứ vào báo cáo này, Tướng Phú cho rằng Sư Đoàn 320 vẫn còn tại Kontum và những lời khai của tên Sinh chỉ là một kế nghi binh của địch để đánh Pleiku. Về sau mới biết rằng Sư Đoàn 320 cho tiếp tục phát các tín hiệu truyền tin ở Kontum là để đánh lạc hướng. Trong thực tế, Sư Đoàn này đã chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột.
Đầu tháng 2/1975, Phòng 2 Quân Đoàn khám phá ra một thông báo của Cộng quân về cuộc họp vào ngày 1.2.1975 của Tư Lệnh các Sư Đoàn 320, F.10 và 986 tại vùng phía tây Đức Cơ để khai triển chiến dịch 275. Thông báo này do một người ký tên là Tuấn. Đây là một trong những bí danh của Văn Tiến Dũng. Một nữ du kích hồi chŸnh ở Ban Mê Thuột cho biết Trung Đoàn 25 đã được lệnh ăn Tết trước để chuyển quân về vùng Khánh Dương ở phía đông Ban Mê Thuột và một số đơn vị thuộc Sư Đoàn F.10 đã có mặt xung quanh Quận Đức Lập, phía tây nam Ban Mê Thuột. Các thợ rừng báo cáo họ thấy nhiều đơn vị Cộng quân lẩn quẩn trong vùng phía bắc và phía tây Ban Mê Thuột. Biệt kích khám phá ra một ống dẫn dầu của Cộng quân ở phía tây Pleiku chuyển xuống Ban Mê Thuột, v.v. Những tin tức này cho thấy Cộng quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.

4.- Tổng Thống Thiệu ăn Tết Pleiku

Khi ở trại Lam Sơn, Thanh Hóa, Đại Tá Trịnh Tiếu có cho chúng tôi biết vào ngày mồng 2 Tết, Tổng Thống Thiệu đến Pleiku. Tại Phòng Hành Quân của Không Quân ở phi trường Cù Hanh, ông đã trình bày cho Tổng Thống Thiệu kế hoạch đánh Ban Mê Thuột của Cộng quân. Tổng Thống chỉ thị Tướng Phú đưa 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 23 về lại Ban Mê Thuột, nhưng sau đó Tướng Phú không thi hành vì cho rằng địch sẽ đánh Pleiku. Khi ông đến Mỹ, chúng tôi yêu cầu ông viết lại câu chuyện này thì trong bài “Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và Quân Đoàn 2” đăng trên báo Saigon Nhỏ, ông viết rằng trước Tết 5 ngày, khi Tổng Thống Thiệu lên Quân Đoàn 2 ủy lạo binh sĩ, chính ông đã đích thân trình bày cho Tổng Thống kế hoạch nói trên của Cộng quân.
Sau khi thăm hỏi nhiều người liên hệ khác, chúng tôi thấy lời tường thuật của Trung Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44 là đúng hơn cả. Trung Tá Xuân cho biết vào Tết …t Mão (1975), Trung Đoàn 44 đang đóng ở căn cứ 801, cách tỉnh lỵ Pleiku khoảng 20 cây số về hướn g tây bắc, đã được Quân Đoàn 2 chỉ định tiếp đón Tổng Thống đến ăn Tết. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng một Tết (11.2.1975), Tổng Thống từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đến Trung Tâm Hành Quân của Trung Đoàn 44 bằng trực thăng cùng với các Tướng Trần Văn Trung, Lê Nguyên Khang và Phạm Văn Phú. Tại đây, Trung Tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 23 đã trình bày về tình hình chung của các khu vực trách nhiệm đang do Sư Đoàn 23 trấn giữ, đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết về cung từ của một cán binh cộng sản thuộc Sư Đoàn 320 ra đầu thú cho biết rõ các chi tiết địch đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Tổng Thống có vẽ đăm chiêu rồi quay lại hỏi Tướng Phú thì Tướng Phú nhận định rằng có thể Việt Cộng đưa ra một kế trŸ hàng nhằm đánh lạc hướng chú ý của ta. Theo ông, Pleiku là điểm, Ban Mê Thuột chỉ là diện, bởi vì Pleiku có cơ sở đầu não là BTL Quân Đoàn 2. Nếu địch tiêu diệt được cứ điểm này, chúng sẽ dễ dàng làm chủ được toàn bộ khu vực Cao Nguyên và tỏa xuống khu vực duyên hải. Tổng Thống Thiệu suy nghĩ trong giây lŸt, rồi ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư Đoàn 23 về Ban Mê Thuột. Tổng Thống nói địa thế Pleiku là khu vực trống trải, bao gồm nhiều đồi thấp và trọc, có tầm quan sát rộng, địch không bao giờ dŸm đương đầu trên khoảng trống như vậy. Tổng Thống hứa sẽ cho thêm một Liên Đoàn Biệt Động Quân để làm lực lượng trừ bị. Tướng Phú đáp xin tuân lệnh.
Sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu không đi Kontum như đã dự định mà đến Ban Mê Thuột và Quảng Đức để thăm và ủy lạo các binh sĩ.

5.- Bất tuân thượng lệnh

Đại Tá Trịnh Tiếu cho biết ngày 15.2.1975, Tướng Phú đã mở một cuộc họp tại Quân Đoàn 2 để kiểm điểm tình hình trong Quân Khu 2, có Lãnh Sự Mỹ ở Nha Trang lên tham dự. Đại Tá Tiếu đã trình bày thêm các tài liệu cho biết địch sẽ đánh Ban Mê Thuột, nhưng Tướng Phú cứ chần chờ, không chịu ra lệnh chuyển quân.
Trung Tá Ngô Văn Xuân cho biết ngày 17.2.1975 Tướng Phú mới triệu tập phiên họp để đặt kế hoạch chuyển quân về Ban Mê Thuột. Theo kế hoạch này, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 sẽ di chuyển bằng đường bộ, khi qua khu đèo Tử Sĩ, Trung Đoàn 45 sẽ đi theo thŸp tùng. Trung Đoàn 44 đợi một Liên Đoàn Biệt Động Quân đến thay thế trong vòng 3 ngày và sẽ đi sau.
Trong bài “Tướng Phạm Văn Phú và Quân Đoàn 2”, Đại Tá Trịnh Tiếu ghi rằng ngày 1.3.1975 Tướng Phú mới ra lệnh chuyển quân, sau khi hỏi lại nhiều người, chúng tôi được biết ngày ra lệnh chuyển quân là ngày 17.2.1975 như Trung Tá Ngô Văn Xuân đã ghi là đúng. Tám giờ sáng ngày 18.2.1975, đoàn quân tập trung tại căn cứ Hàm Rồng để khởi hành, nhưng đến 11 giờ Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân.  ng nói địch sẽ đánh Pleiku và việc địch chuyển quân quanh Ban Mê Thuột là để nghi binh mà thôi. Lệnh của Tướng Phú đã làm cả Quân Đoàn 2 ngạc nhiên.

6.- Những ngày địch chuẩn bị tấn công

Ngày 1.3.1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng chốt đèo Mang Yang trên quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Quy Nhơn và gây Ÿp lực mạnh ở phía đông Pleiku. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin hơn nữa rằng địch sẽ đánh Pleiku. Tướng Phú xin thêm viện binh để giữ mặt này. Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân được gởi đến tăng viện cho Pleiku. Tướng Phú liền ra lệnh Thiết Đoàn 2 Thiết Giáp do Đại Tá Nguyễn Văn Đồng chỉ huy phối hợp với Liên Đoàn này trấn giữ phía đông Pleiku. Năm 1989, khi gặp Đại Tá Đồng ở Saigon, ông cho chúng tôi biết mặt trận này khá nặng, vì địch rất đông, ẩn nấp trong trong các hóc núi pháo kích ra dữ dôi, nên mặc dầu có lệnh phá chốt, Thiết Đoàn 2 cũng không thể yểm trợ cho Liên Đoàn 4 thực hiện được. Đại Tá Nguyễn Văn Đồng cũng kể lại từng chi tiết việc ông chỉ huy đoàn quân thŸo chạy trên liên tỉnh lộ 7 và sau đó ông đã bị bắt gần Củng Sơn (chúng tôi sẽ tường thuật vào một dịp khác). Cũng trong ngày 1.3.1975, Sư Đoàn 968 tấn công chiếm hai đồn ở phía tây Thanh An và Ÿp sát vào Quận Thanh An. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin địch sẽ đánh Pleiku.
Ngày 2.3.1975, Chi Trưởng CIA ở Quân Khu 2 tại Nha Trang đã lên Ban Mê Thuột báo cho Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, biết Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột và yêu cầu Đại Tá Luật phải đề phòng. Đại Tá Luật thông báo cho Quân Đoàn thì ở đây cho biết đã nhận được công điện của CIA vào buổi sáng. Tướng Phú liền ra lệnh cho Trung Đoàn 53 rút một tiểu đoàn đang hành quân tại Quảng Đức về phòng thủ Ban Mê Thuột và đưa một Liên Đoàn Biệt Động Quân từ Kontum đến thay. Cũng trong ngày này, tình báo của Cảnh Sát báo cáo phát hiện một đơn vị Cộng quân lảng vảng ở rừng cao su phía đông Ban Mê Thuột, gần quốc lộ 21.
Ngày 4.3.1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng cắt đứt quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đến Pleiku, ở khúc Bình Khê và Suối Đôi. Hai Trung Đoàn 41 và 42 của Sư Đoàn 22 được lệnh khai thông nhưng không tiến lên nổi. Ngày 5.3.1975, Trung Đoàn 25 của Cộng quân chốt quốc lộ 21 ở đèo Chu Cúc ở giữa Khánh Dương và Quận Phước An, phía đông Ban Mê Thuột. Một đoàn xe quân sự của Quân Lực VNCH di chuyển qua đèo Chu Cúc đã bị Cộng quân phục kích và bắn cháy, các binh sĩ bị bắt.
Trưa 5.3.1975, Sư Đoàn 320 cho một tiểu đoàn chận đánh một đoàn quân xa của Trung Đoàn 45 gồm 14 chiếc đi chuyển trên quốc lộ 14, khúc phía bắc Quận Thuần Mẫn. Đoàn xe này có kéo theo một khẩu đại bŸc 105 ly. Từ Tết đến hôm đó, việc di chuyển trên quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đến Pleiku vẫn an toàn và hàng ngày có từ 60 đến 80 xe quân sự lưu thông trên khoảng đường này. Được tin này, Tướng Phú ra lệnh cho Trung Đoàn 53 đưa một tiểu đoàn hành quân lục lọi hai bên quốc lộ 14 để tìm các dấu vết của Sư Đoàn 320, nhưng không phát hiện được gì.
Ngày 7.3.1974, Cộng quân chiếm cứ điểm Chư Xê phía bắc Buôn Hô và cắt đứt quốc lộ 14.
Sau đó, Cộng quân cho pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 tại Phi Trường Cù Hanh ở Pleiku và mở những trận đánh lớn ở Bình Định để cầm chân Sư Đoàn 22 và đánh lạc hướng. Tướng Phú đã lấy máy bay đi quan sát mặt trận Bình Định. Đại Tá Trịnh Tiếu kể rằng sau khi thị sát các mặt trận Tam Quan, Bồng Sơn và đèo Mang Yang, Tướng Phú đã đưa ông và và một sĩ quan khác về Nha Trang ăn cơm tối ở nhà ông. Tại đây, bà Phú đã lên tiến khiển trách các sĩ quan Quân Đoàn 2 trong việc cho oanh tạc cơ phá hủy đoàn xe của Sư Đoàn 968. Theo bà, Việt Cộng chỉ muợn đường của Quân Đoàn 2 để đi vô Nam, nhưng vì Quân Đoàn 2 đánh họ nên bây giờ họ đánh trả lại khắp nơi. Tướng Phú ngồi im lặng và tỏ ra chán nản.
Đại Tá Phùng Văn Quang có kể lại khi tin tình báo về việc địch tập trung xung quanh Ban Mê Thuột ngày càng đồn dập, Tướng Phú đã gọi ông và nói: “Anh quen thuộc địa hình Ban Mê Thuột, anh bay về đó xem tình hình ra sao”. Đại Tá Phùng Văn Quang đã bay một vòng và phát hiện rất nhiều dấu vết xe tăng của địch đã chạy qua khu vực Buôn Hô, cách Ban Mê Thuột khoảng 30 cây số.  ng cho trực thăng đáp xuống thì quân báo của địa phương báo cáo cho ông biết các thợ rừng và dân chúng địa phương nói họ thấy rất nhiều bộ đội Việt Cộng đi qua vùng này.
• Ngày 8.3.1975, Sư Đoàn 320 đánh chiếm Quận Thuần Mẳn. Tại đây chỉ có một tiểu đoàn địa phương quân trấn giữ nên không cầm cự được lâu và đã bị thất thủ. Đường 14 bị cắt thêm ở khúc Quận Thuần Mẳn. Đêm 8.3.1975, Sư Đoàn F.10 bắt đầu tấn công Quận Đức Lập. Các căn cứ Núi Lửa và 23 bảo vệ Đức Lập bị tràn ngập.
Ngày 9.3.1975, khoảng 8 giờ sáng, Tướng Phú và Bộ Tham Mưu Quân Đoàn 2 đã bay về Ban Mê Thuột họp với Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23, Đại Tá Võ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, Đại Tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh Trưởng Quảng Đức và Trung Tá Võ „n, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53. Theo dõi một tiểu đoàn của Trung Đoàn 45 đang chiến đấu với Sư Đoàn F.10 ở Quận Đức Lập, Tướng Phú cho rằng tình hình Đức Lập không thể cứu vãn được nên không tăng viện thêm.
Điều đánh ngạc nhiên là cho đến giờ phút đó, khi mọi tin tức quân báo và tình hình thực tế xác định địch chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột, Tướng Phú vẫn cho rằng địch sẽ đánh Pleiku.  ng lặp lại nhận định của ông là Cộng quân chỉ bao vây Ban Mê Thuột để làm kế nghi binh rồi bất thần tấn công vào Pleiku. Nhưng do sự thúc đẩy của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, Tướng Phú chỉ thị cho Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng của Quân Đoàn xin Bộ Tổng Tham Mưu cho trực thăng chuyển Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang đóng tại Kontum, thả xuống Quận Buôn Hô, cách thành phố Ban Mê Thuột 30 cây số về phía bắc, để phòng khi địch tấn công vào Ban Mê Thuột, có thể tiến về cứu viện. Cuộc chuyển vận quân khởi sự từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều thì chấm dứt.
Thấy tình thế nguy ngập, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, đã lấy một chiếc máy bay cho vợ con ông và vợ con một vài viên chức cao cấp trong tỉnh di tản về Sài Gòn. Các giới chức trách nhiệm phòng thủ Ban Mê Thuột đều biết trong vòng một hai ngày tới địch sẽ tấn công Ban Mê Thuột, nhưng họ không làm gì được, vì Tướng Phú không chịu thay đổi ý kiến.
Lúc 11 giờ trưa, Tướng Phú đến thăm Tiểu Khu Ban Mê Thuột và chỉ thị cho Đại Tá Vũ Thế Quang và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật phối trí quân phòng thủ các vị trí quan trọng và các kho tiếp liệu. 5 giờ chiều ông bay trở về lại Pleiku.
Mặc dầu đã có chỉ thị của Tướng Phú, Đại Tá Vũ Thế Quang không biết lấy đâu ra quân để phòng thủ. Trong thị xã và vòng đai thành phố lúc đó chỉ còn 2 tiểu đoàn của Trung Đoàn 45, một giữ ở ngã ba Dak Sak và một đóng ở căn cứ B.50 ở gần phi trường Phùng Dực, cùng với 2 chi đội Thiết Giáp và một đại đội pháo binh. Số còn lại là 2 tiểu đoàn Địa Phương Quân và Nghĩa được phân tán mỏng để bảo vệ các kho trong thành phố. Cảnh Sát Dã Chiến được phân chia bố trí ở các cao ốc. Tướng Phú hứa sẽ cho thêm một chi đoàn Thiết Giáp và cho phép rút 2 tiểu đoàn Địa Phương Quân ở Bản Đôn về bảo vệ thị xã.
• Tối 9.3.1975, Quận Đức Lập bị thất thủ. Sư Đoàn F.10 của địch đã làm chủ tình hình về phía tây nam Ban Mê Thuột và đang tiến về thành phố. Vòng vây Ban Mê Thuột bắt đầu bị xiết chặt.

7.- Cuộc tấn công mở màn

Ngày 10.3.1975, khoảng 2 giờ sáng, Cộng quân bắt đầu tấn công vào thành phố. Chúng mở đường bằng xe tăng và trọng pháo đủ loại. Mọi phía đều có địch. Trung Đoàn 174 theo quốc lộ 14 từ hướng Đức Lập tiến vào trước tiên, sau đó Trung đoàn 149 đánh từ phía nam lên, Trung Đoàn 95-B từ ngả Buôn Hô xuống, còn Trung Đoàn 148 tử ngả Bản Đôn vào.
Đại Tá Phùng Văn Quang kể lại rằng khi nghe tin địch tấn công vào Ban Mê Thuột, ông đã điện đàm với Tướng Phú để xin chỉ thị.  ng cho biết các binh sĩ của ông rất nóng lòng, muốn được đi giải cứu Ban Mê Thuột, vì vợ con họ đang ở tại đó. Nhưng Tướng Phú đã trả lời với ông rằng nếu đem quân đi cứu Ban Mê Thuột, Cộng quân sẽ tấn công Pleiku.
Khi tiến công vào thành phố, địch nhắm vào hậu cứ Sư Đoàn 23, Tiểu Khu, kho Mai Hắc Đề và căn cứ B.50. Đến 8 giờ sáng, địch dùng chiến xa T.54 đánh chiếm kho Mai Hắc Đế của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Đại Tá Quang chỉ thị Đại Tá Luật điều động một đại đội và 4 xe M.113 ra chốt ở Ngã SŸu để chận địch. Các oanh tạc cơ được phái đến yểm trợ. 11 giờ địch tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Đại Tá Luật trao quyền chỉ huy Tiểu Khu lại cho Tiểu Khu Phó và chạy qua Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. 3 giờ chiều, Đại Tá Quang không còn bắt liên lạc được với Tiểu Khu. Khoảng 5 giờ, Đại Tá Quang bắt liên lạc được với Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang ở phía Buôn Hô tiến vào thành phố.  ng liền ra lệnh cho Trung Tá Lê Quý Dậu cho Tiểu Đoàn 72 chiếm lại Tiểu Khu và Tiểu Đoàn 96 yểm trợ lấy lại kho Mai Hắc Đế. Suốt đêm mồng 10, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Cảnh Sát Dã Chiến quần thảo với địch trong thành phố để tranh từng tấc đất. Địch không nắm vững địa hình nên không tiến nhanh được. 7 giờ sáng ngày 11.3.1975, Cộng q uân tấn công vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, nhưng lực lượng phòng thủ vẫn còn cầm cự được. Đến 10 giờ, một phi đội A.37 trợ chiến đã thả bom lạc, trúng một gốc hầm Bộ Tư Lệnh, hệ thống truyền tin bị hỏng, không còn liên lạc được với các đơn vị chung quanh nữa, cả Đại Tá Quang lẫn Đại Tá Luật bỏ Bộ Tư Lệnh, luồn qua lưng chùa Khải Hoàn để chạy qua căn cứ B.50, nhưng bị bắn dữ quá, phải tạt vào rừng cao su và vị bắt sau đó.
Chỉ có căn cứ B.50 ở gần phi trường Phùng Dực là cầm cự được lâu dài. Đây là một căn cứ có chu vi trên một cây số, trước đây là một trại lực lượng đặc biệt của Mỹ nên công sự được xây cất rất kiên cố, có tất cả 11 hầm đủ sức chịu đựng được đạn 130 ly, xung quanh có xếp bao cŸt cao làm thành những ụ chiến đấu cŸ nhân.   xa xa là một vòng đai hàng rào kẻm gai nhiều lớp bao bọc. Căn cứ này được dùng làm hậu cứ của Trung Đoàn 53. Nhờ các công sự vững chắc, Trung Tá Võ „n đã chỉ huy một tiểu đoàn chống lại rất anh dũng các đợt tấn công bằng xe tăng và đại pháo của địch. Cuộc cầm cự kéo dài đến ngày 18.3.1975 thì phải mở đường mŸu chạy thoŸt về hướng Lạc Thiện, sau khi có lệnh rút khỏi Cao Nguyên. Tướng Phú và Bộ Tham Mưu đã lên máy bay đi tìm và bắt được liên lạc, nhưng số tàn quân ở cạnh Trung Tá „n lúc đó chỉ còn khoảng 20 người. Đây là một đơn vị chiến đấu anh dũng nhất trong trận Ban Mê Thuột làm Cộng quân phải điên đầu.
Mãi đến sáng 12.3.1975, khi Tổng Thống Thiệu trực tiếp ra lệnh cho Tướng Phú phải đem hai Trung Đoàn của Sư Đoàn 23 về giải phóng Ban Mê Thuột, Tướng Phú mới chịu ra lệnh hành quân.

8.- Việc nhà trước, việc nước sau

Khi Cộng quân khởi đầu tấn công Ban Mê Thuột, Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 liền điện đàm ngay với Chuẩn Tướng Lê Trung Tường để xin viện binh. Tướng Tường trả lời rằng không thể có viện binh vì Tướng Phú còn tập trung quân để đối phó tại Pleiku. Tướng Phú chỉ ra lệnh cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân do Trung Tá Lê Quý Dậu chỉ huy, từ Buôn Hô tiến vào thành phố mà thôi. Liên Đoàn 21 đã vào được thành phố và lập được một số chiến công, nhưng khi cuộc giao chiến đang tiếp tục thì đùng một cŸi, Chuẩn Tướng Lê Trung Tường ra lệnh cho cho Trung Tá Dậu điều động Liên Đoàn 21 phối hợp với Địa Phương Quân còn lại rút về vây quanh sân bay L.19 trong thành phố để ông phái trực thăng đến đón 21 người trong gia đình của ông đang kẹt tại sân bay này. Mặc dầu có sự yểm trợ của cả Địa Phương Quân lẫn Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân, trực thăng của Tướng Tường phái đến cũng không đáp xuống được vì địch pháo kích dữ quá. Cuối cùng Chuẩn Tướng Tường đã ra lệnh lấy một thiết vận xa M.113 chở t oàn bộ gia đình của ông tới Trung Tâm Huấn Luyện cách thị xã khoảng 3 cây số để trực thăng đến đón. Liên Đoàn 21 và Địa Phương Quân phải rất vất vả mới đưa được gia đình Tướng Tường ra khỏi vùng giao tranh và yểm trợ cho trực thăng tới đón. Khi trực thăng bốc được gia đình Chuẩn Tướng Tường đi rồi thì địch đã chiếm gần như toàn bộ thành phố Ban Mê Thuột. Sư Đoàn 21 tiến về sân bay Phùng Dực để phối hợp tŸc chiến với một tiểu đoàn của Trung Đoàn 45 ở căn cứ B.50 thì bị chận đánh phải lui ra khỏi vòng đai thành phố và bị vây ở Đạt Lý. Đại Tá Trịnh Tiếu nói rằng Tướng Phú biết những chuyện Tướng Tường đã làm nói trên, nhưng ông nói ông thông cảm với Tướng Tường, gióng như trường hợp của ông tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân.

9.- Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột

Ngày 12.3.1975, sau khi có lệnh trực tiếp của Tổng Thống Thiệu phải tŸi chiếm lại Ban Mê Thuột, một cuộc họp đã được tổ chức tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn để để hoạch định kế hoạch tŸi chiếm. Theo kế hoạch này, Trung Đoàn 45 được bốc ngay trong ngày 12.3.1975 từ đèo Tử Sĩ đổ xuống Phước An, phía đông Ban Mê Thuột. Trung Đoàn này sẽ lần theo quốc lộ 21 tiến về Ban Mê Thuột cho đến khi chạm địch thì ngưng lại và chờ lệnh. Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân sẽ được chuyển từ Saigon ra thay Trung Đoàn 44 ở căn cứ 801. Sau khi bàn giao, Trung Đoàn 44 di chuyển đến căn cứ Hàm Rồng đợi máy bay đến bốc thả xuống Phước An tiếp theo.
Việc chuyển quân của Trung Đoàn 45 không có gì trở ngại, nhưng Đại Tá Phùng Văn Quang nói với chúng tôi rằng khi từ Phước An tiến về Ban Mê Thuột thì một số binh sĩ của ông đã bỏ ngũ đi tìm gia đình của họ đang ở Ban Mê Thuột.
Ngày 13.3.1975, 50 chiếc trực thăng đủ loại đã đến đưa Trung đoàn 44 tới Phước An, nhưng chỉ mới di chuyển được Tiểu Đoàn 3, Đại Đội Trinh Sát và Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn thì có lệnh ngưng lại. Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2 bị bỏ lại Hàm Rồng.
Lực lượng của 2 Trung Đoàn 44 và 45 khi tiến về thành phố thì bị chận lại ở vòng đai thành phố.   phía sau, Trung Đoàn 25 của Cộng quân từ Chư Cúc đánh lên chi khu Phước An, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Sư Đoàn 23.
Ngày 14.3.1975, trong chuyến bay từ Khánh Dương đến Phước An, máy bay của Tướng Lê Trung Tường bị bắn, ông chỉ bị xây xŸt đôi chút, nhưng ông lấy cớ này xin từ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Ngày 15.3.175, Tướng Phú cử Đại Tá Lê Hữu Đức đến thay thế.
Ngày 16.3.1975, lực lượng còn lại của Sư Đoàn 23 được lệnh tập trung về Phước An và được trực thăng bốc về Nha Trang vì đã có lệnh của Tổng Thống Thiệu rút khỏi Cao Nguyên.
Một số sĩ quan cao cấp trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 kể lại rằng trong suốt thời gian chưa bốc được gia đình ra khỏi Ban Mê Thuột, Chuẩn Tướng Lê Trung Tường không màng gì tới các đơn vị thuộc quyền cũng như tình hình mặt trận. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 23 giống như rắn không đầu, không biết phải làm gì. Mãi cho đến khi mang được gia đình tới nơi bình yên, Chuẩn Tướng Tường mới lo việc hành quân.

10.- Chuyện đàn bà

Tôi gặp Đại Tá Trịnh Tiếu đầu tiên ở trại Thanh Cẩm.  Ông cho biết khi được báo cáo Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Ban Mê Thuột đã bị bắt, Tướng Phú liền chỉ định ông làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột thay thế Đại Tá Luật. Trong bài “Tướng Phạm Văn Phú và Quân Đoàn 2”, ông cũng viết tương tự: “Ngày hôm sau, 12.3.1975, Tướng Phú gọi tôi và nói: “Tôi đã trình với Tổng Thống bổ nhiệm anh làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột. Ngày mai, 13.2.1975, anh xuống Phước An cùng đoàn quân của Sư Đoàn 23 và phối trí tại đó, hai ngày sau sẽ có Sư Đoàn Dù tăng cường tŸi chiếm Ban Mê Thuột.” Tôi đứng nghiêm nhận lệnh và thi hành.”
Năm 1983, khi được chuyển vào trại Xuân Lộc, chúng tôi được gặp Đại Tá Phạm Duy Khang, Trưởng Phòng 3 của Quân Khu 2 nên biết thêm một chi tiết khác khá quan trọng trong việc chỉ định chức vụ Tỉnh Trưởng này. Đại Tá Khang là một người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, cương trực và và có những nhận thức về tình hình rất sâu sắc, sắc nên chúng tôi thường hỏi han và bàn luận với ông. Sau nhiều lần nói chuyện về việc Ban Mê Thuột bị thất thủ, ông tiết lộ với chúng tôi rằng chính rằng ông mới là người đầu tiên được Tướng Phú cử làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột thay thế Đại Tá Luật bị bắt. Sau khi ông được thả xuống Phước An để cùng chỉ huy đoàn quân tiến về tái chiếm Ban Mê Thuột thì Thiếu Tá Phạm Huấn, một “sứ giả” của bà Tướng Phú được trực thăng chở đến gặp ông với một mệnh lệnh của Bà Phú  nếu muốn được làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột. Đại Tá Khang nói ông đã trả lời Phạm Huấn rằng hiện mặt trận đang dầu sôi lửa bỏng, ngay mạng sống của ông cũng không biết ra sao, trách nhiệm của ông bây giờ là phải giải tỏa Ban Mê Thuột, ông không muốn bàn tới chuyện đàn bà đó.
Đại Tá Khang cho biết tiếp, sau khi Phạm Huấn lên trực thăng bay về Nha Trang vài tiếng đồng hồ thì Chuẩn Tướng Lê Trung Tường nhận được công điện khẩn của Tướng Phú cử Đại Tá Trịnh Tiếu làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột thay thế Đại Tá Khang. Tướng Tường đã hỏi Đại Tá Khang: “Có đến hai công điện cử hai người khác nhau làm Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, tôi biết theo công điện nào?”. Đại Tá Khang liền trả lời: “Công điện sau có hiệu lực hủy công điện trước. Tôi sẽ bàn giao ngay cho Đại Tá Trịnh Tiếu.”
Vì lúc đó Đại Tá Trịnh Tiếu đang ở cùng chung một trại nên tôi đi gặp Đại Tá Trịnh Tiếu ngay và nói với ông về những việc Đại Tá Khang đã kể. Đại Tá Tiếu xác nhận với tôi: “Câu chuyện thay ngựa giữa đường do Đại Tá Khang kể là hoàn toàn có thật.”
Đại Tá Khang đã đến định cư tại Hoa Kỳ và hiện đang ở bắc Cali.
Trong bài “Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và Quân Đoàn 2”, sau khi kể lại chuyện bà Tướng Phú khiển trách việc Quân Đoàn đánh cháy đoàn xe của Sư Đoàn 968 như chúng tôi đã tường thuật trên, Đại Tá Tiếu đã viết: “Tướng Phú làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 chỉ mới bốn tháng, nhiều sĩ quan tình báo trước đây có khả năng nên được Tướng Toàn tin tưởng bổ nhiệm làm Quận Trưởng các quận có nhiều Việt Cộng, đều bảo với tôi rằng bà Phú thường cho người đến “thu hụi”, số tiền nhiều ít tùy theo quận giàu hay nghèo.”
Những sự kiện trên giải thích những chuyện Tướng Phú đã làm ở Cao Nguyên.

11.- Chọn con đường chết

Địch đã chiếm được Ban Mê Thuột vì sự nhận định sai lầm và thái độ cố chấp của Tướng Phạm Văn Phú. Theo ý kiến của đa số các Đại Tá ở Quân Đoàn 2, Tướng Phú chỉ có khả năng làm tới Tư Lệnh Sư Đoàn, còn Tướng Tường chỉ có thể làm Trung Đoàn Trưởng mà thôi. Đưa các ông ấy lên chức vụ cao quá đã gây tai họa. Nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không thất trận vào 30.4.1975, cả hai tướng này đã bị đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận.
Trước khi kết thúc bài “Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và Quân Đoàn 2”, Đại Tá Trịnh Tiếu có nhận xét về Tướng Phú như sau:
“Tướng Nguyễn Văn Toàn đã thành công tại Quân Đoàn 2 vì biết nghe lời khuyên của Đại Tướng Cao Văn Viên, khôn khéo hợp Tác chặt chẻ với John Paul Vann trong kế hoạch bảo vệ Kontum. Tướng Phạm Văn Phú làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 không có cố vấn Hoa Kỳ nữa.  ng chỉ làm việc với vài người thân tín của ông.  ng không tin tưởng vào Bộ Tham Mưu Quân Đoàn.  Ông không thi hành lệnh Tổng Thống Thiệu đưa Sư Đoàn 23 về giữ Ban Mê Thuột. Đến khi Ban Mê Thuột bị mất, ông rơi vào “mê hồn trận”. Sau đó, ông lại thi hành một cách mù quáng lệnh bỏ Komtum Pleiku và đưa đoàn quân vào tử lộ một cách đau thương. Hàng chục ngàn quân nhân đã bỏ xác một cách an uổng trên liên tỉnh lộ 7.”

Lữ Giang









 

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top