• LSNNV, Vũ Đông Hà: 30 tháng 4: Ngày khốn nạn cả nước


Lịch Sử Ngàn Người Viết, Vũ Đông Hà
30 tháng 4:
Ngày khốn nạn cả nước


 

 Ba mươi tháng tư. Một buổi tối năm nào ngồi nhậu trước chung cư, lũ chúng tôi cùng nhau say với quá khứ. Tính sổ ra mới biết cuộc đời của mỗi thằng chẳng có gì đáng kể từ cái ngày năm ấy. Bạn tôi say mèm nốc gọn chai bia và đọc hai câu của một nhà thơ nào đó: Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, đ. mẹ đời đ. má tương lai. Mấy mươi năm sau, túm gọn cuộc đời của nhau bằng 2 câu thơ bạn tôi đọc, nhìn thực tại trần ai của đất nước để đo lường giá trị của mốc điểm lịch sử, tôi thấy cái tên gọi mà ôn tôi, một cu li không biết đọc không biết viết, đặt cho nó vào đêm cuối cùng tôi ngồi bên ôn là chính xác: 30 tháng 4 - Ngày Khốn Nạn...

*
Cuộc đời có nhiều khúc chia ly. Thâm Tâm "đưa người ta không đưa sang sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng". Thanh Tâm Tuyền là "thằng điên khùng, ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới". Trịnh Công Sơn có "những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây, chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui"

Lãng mạn hay ngậm ngùi, giây phút giả từ vẫn là điều biết trước. Phần tôi, đã không có một phút chia tay, không một lời đưa tiễn, không một vòng tay. Trưa 2 giờ, "hẹn gặp nhau ngày mai ở lớp học" - cô bạn học trò có đôi mắt người Sơn Tây cười quay đi. Đó là lần cuối tôi nhìn thấy lưng bạn tôi. Đó là buổi sau cùng tôi có các bạn tôi. Đó là ngày chấm dứt thời thơ ấu. Trong một ngày, tôi mất vĩnh viễn một quãng đời đẹp nhất. Không biết trước. Không một lời chia tay. Không bao giờ gặp lại. Trong tôi, hình ảnh những đứa bạn đã dừng lại vĩnh viễn, sống và chết ở ngày ấy. Cho đến bây giờ. 

Mười ba bạn vẫn mười ba
Dù đời nghiệt ngã dù ta đã già
Khói sương nhân ảnh có mờ
Bạn ta, ta giữ một ngày mười ba 

Ngày đó là ngày 9 tháng 3 năm 1975. Hôm sau, Ban Mê Thuột thất thủ. 

*

Buổi sáng, ôn nội, má tôi cùng đàn con 7 đứa di tản qua nhà chú Kim Liên. Nhà chị mái tôn vách gỗ, ở đây nguy hiểm; anh Hai lại không có nhà - Chú Kim Liên ân cần bảo. Tiếng đại pháo vẫn liên tục ầm ì vọng về từ chiều hôm qua trên thành phố hoang mang. Ba tôi không thấy về từ tiểu khu Mai Hắc Đế. Má tôi âu lo không biết nên đem theo những gì. Ôn tôi làu bàu nhà mình không ở, lại đi đâu. Tôi và lũ em vui mừng vì tự nhiên có một ngày nghỉ học. 1 giờ trưa, mọi toan tính, làu bàu, vui mừng đã chấm dứt khi những viên đạn AK xé nát khung cửa sắt phía trước và bên kia của con đường A Ma Trang Long ngập lửa. Chiến tranh thật sự gõ cửa vào nhà. Chú Kim Liên ngồi co rút dưới chân cầu thang, mặt không còn chút máu, mếu máo khóc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy người lớn sợ hãi hơn tôi. 

Chiều. Im lặng. Dãy nhà bên kia đường đã cháy rụi. Mọi người quyết định kéo nhau về chùa Khải Đoan. Ở chùa vẫn tốt hơn, ôn nói. Đi ngang đường Quang Trung, tôi nhìn thấy chiếc xe tăng áng trước chợ Đê. Hai người lính bộ đội mệt mỏi yên lặng đứng nhìn chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy những người phía bên kia. Họ bình thường không hung tợn như hình ảnh tôi có trong đầu qua những sách hình đã xem, những truyện đã đọc. Chú Kim Liên mặt mày lại tái mét, chân đi muốn khụy. 

Tới ngã tư Nguyễn Tri Phương và Phan Bội Châu, má tôi thì thầm vào tai bảo tôi chạy về nhà lấy cái túi má dấu dưới bệ thờ. Không sao đâu ôn… xong con chạy liền tới chùa nghe con. Má tôi nói với ôn và dặn dò tôi. Trên đường về nhà tôi gặp anh Vi trốn lính hàng xóm. Anh đã gần 25, 26 mà khai sinh lúc nào cũng 16. Gần tới nhà thì anh bị chận lại. Mấy năm trốn cảnh sát Cộng hòa, hôm nay anh bị bộ đội cụ Hồ bắt. Anh Vi gỡ gạc chỉ vào tôi nói xạo – chỉ có hai anh em, bắt tui rồi nó sống với ai? Bắt luôn! Trên đường cùng đoàn người bị bắt đi về ngã cầu số 14, anh Vi thì thầm chết cha rồi Cu Em, điệu này giống Phước Long, anh em mình sẽ bị bắt đi lao công chiến trường. Cám ơn anh Vi. Mười ba tuổi, thằng Cu Em trở thành tù binh chiến tranh. Chẳng có dịp nào để trách anh vì 3 năm sau nghe tin anh Vi chết ở Buôn Hô vì bệnh lao. 



Tháng ba, tôi đi qua những hàng cà phê đứng gió. Đôi chân với gai mắc cỡ đâm sâu từ đêm qua vẫn còn râm râm nhức. Tôi đi qua vùng kỷ niệm của những buổi trưa trốn học tiết đầu, rủ nhau đạp xe đạp vào những đồn điền cà phê bắt ve sầu, nằm ngửa mặt đón những tia nước đái giống như mưa phùn của hàng nghìn con ve mà chắc chỉ ở nơi này mới có. 

Buổi chiều cả đoàn được dừng lại nghỉ qua đêm. Bác chủ đồn điền tốt bụng đem gạo và nồi nấu ra cho. Người con gái khoảng cùng tuổi cho tôi một cái mền xanh của quân đội Mỹ. Tôi ôm nồi xuống suối tắm và lấy nước nấu cơm. Vừa kịp vắt xong cái áo thì ầm ầm, tiếng bom như xé nát bên tai. F5 của không quân!. Tiếng người la ơi ới. Chiếc phản lực bay với tốc độ vượt âm thanh nên tiếng bom đến trước tiếng động theo sau. Tôi ôm nồi nước chạy vắt giò lên cổ. Bụi đỏ ngập bầu trời. Không kịp thở tôi về đến chỗ tập trung, nhìn lại nồi nước hình như không đổ một giọt. Sợ đến nỗi chạy trối sống trối chết mà vẫn vô thức giữ cho nồi nước còn nguyên. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là sợ đến té đái trước biên giới tử sinh. Tôi mất cái áo ở bờ suối. Tối hôm đó, nhớ má quá tôi quyết định trốn về. 



Đi ngang qua nhà số 94 đường Lê Văn Duyệt nhìn vào tôi biết ôn, má và các em tôi không ở đó. Dì Vinh bán bánh căn đầu đường, má thằng Cứt bạn tôi, nói má con lúc ở chùa bả khóc quá chừng khi con bị mất tích. Cả nhà con bây giờ đang ở bên cậu Tương. Dì Vinh lấy một cái áo của thằng Cứt cho tôi mặc. Con ở trần về má con thấy bả còn khóc dữ. Về nhà cậu, má tôi ôm tôi bù lu bù loa. Ôm má, tôi nhìn ôn quẹt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn được giọt nước mắt của ôn. Còn tôi không hiểu sao tôi không có được một giọt nước mắt. Và ba tôi vẫn biệt tăm. 

Ngày hôm sau tôi theo má và ôn đi tìm ba. Con đường dẫn đến trường Trung học Tổng hợp nồng mùi xác chết. Trời Ban Mê giữa trưa tháng ba đã hầm hập gió mùa. Ôn, má và tôi đi suốt từ suối Đốc Học, đến tiểu khu Mai Hắc Đế, về phi trường L19 và dọc theo đường Hùng Vương. Những xác người sình căng giữa ngọ. Những con đường chết với đàn ruồi vo vo bay lên đáp xuống. Mỗi xác chết là mỗi bước phân vân, lưỡng lự. Mỗi xác chết ôn tôi rón rén đến gần nhìn. Mỗi xác chết nằm sấp ôn tôi lật ngữa. Mỗi xác chết ôn tôi cười mếu máo - không phải thằng Hai!. Mỗi xác chết má tôi cười theo sau làn nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tôi cười trên những xác người. 

Một tuần sau ba tôi trở về với chiếc quần xà lỏn và cái áo may ô đen đủi. Đó là hình ảnh cuối cùng của người lính VNCH trong tôi. Ba tôi ôm ôn tôi khóc trước khi ôm má tôi. 



Tháng Tư trở về ngôi nhà hương hỏa
con chó già nằm ngủ thiên thu
Minô, Minô gốc ổi vàng yên giấc
chiếc võng buồn tênh
không người đưa… 

Tôi trở về nhà. Bàn yên, ghế lặng, sách vở nằm im. Mười ba tuổi tôi đã cảm nhận được cuộc bể dâu. Hai anh em sinh đôi thằng Sinh thằng Sáng lớn hơn tôi 3 tuổi đi sùng sục khắp xóm với băng đỏ trên tay. Bác Khuê tài xế sát nhà làm tiệc mời hàng xóm tới nhậu oang oang để mọi người biết bác đang ăn mừng cách mạng về. Nhà thằng Khánh có ba nó làm lớn trong tòa tỉnh trưởng đóng cửa kín bưng. Ba tôi lính quèn nhưng nhờ nhậu giỏi nên quen biết lớn, sau một ngày đi mất tiêu, trở về nhà nói với má tôi chắc cả nhà ông tướng Cảnh, đại tá Quang đã đi rồi. Mình cũng phải đi thôi. Má tôi khóc lóc không biết nên đi hay ở, để lại mệ ngoại cho cậu Tương má không đành. Ngày hôm sau, tin đồn người di tản chết như rươi trên quốc lộ số 1 giải quyết mọi đắn đo của má. Còn tôi, tôi ra sau nhà, đào đất chôn Minô dưới gốc ổi. 



Mỗi tối ngồi nghe đài ôn tôi lại mừng rỡ nói với cả nhà: Nha Trang mất. Pleiku mất. Đà Lạt mất… Mỗi địa danh thất thủ là mỗi gánh nhẹ được gỡ bỏ khỏi nỗi lo âu nặng nề của ôn. Ôn nói với má là ôn sợ nếu chỉ có Ban Mê Thuột bị mất giống như Phước Long mấy tháng trước đó thì đời thằng Hai sẽ tàn. Thôi thì mất hết là hết chiến tranh, thằng Hai, thằng Cu Em không phải bị bắt đi lao công chiến trường. Ôn tôi, một người làm cu li cho Tây, không biết đọc, biết viết chỉ nghĩ đơn giản như thế cho kết cục của một cuộc chiến 21 năm. Ngày 30 tháng 4 Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ôn thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó tôi đang ngồi viết lại những tờ khai lý lịch của ôn, ba và má. Mỗi lý lịch khoảng 10 trang. Mỗi người phải có ba bản sao. Tờ nào có một chữ sai phải viết lại cả trang. 

Ngày 30 tháng 4, cả nước lo âu hay cả nước mừng rỡ tôi không biết. Tôi ngồi chửi thề vì phải viết tay gần 100 trang bản khai lý lịch gia đình. 



Sau ngày "giải phóng", má tôi đóng cửa tiệm buôn bán, chia tay đời sống tiểu tư sản và mua lại từ người bạn một đồn điền cà phê nhỏ để góp phần xây dựng đất nước. Má tôi dặn các em tôi ai hỏi phải nói như vậy. Được một năm má gần hết vốn. Cà phê thu hoạch được phải bán cho nhà nước với giá bèo nhưng phân bón phải mua giá chợ đen. Má tôi biểu chặt bớt cà phê để trồng khoai lang và khoai mì. Hì hục chặt được đâu mấy trăm cây thì cán bộ gọi lên phường bắt đóng tiền phạt. Cà phê là tài sản của nhân dân không được phá hoại. Không đủ tiền chăm sóc thì cà phê chết và lại bị phạt, má làm đơn xin dâng đồn điền cho nhà nước. Nhà nước không nhận vì đó là tài sản của nhân dân. 

Một đêm tối, má lặng lẽ dắt các em tôi trốn về Sài Gòn. Ôn về Đà Lạt ở với cô tôi. Ba tôi đi cải tạo vẫn mù tăm. Còn tôi ở lại, lang thang bụi đời và đi buôn lậu cà phê tuyến đường Sài Gòn – Ban Mê Thuột. 

Lần ghé Ấp Ánh Sáng ở Đà Lạt thăm ôn, ôn hỏi bây giờ con làm gì? Dạ con đi buôn cà phê. Ôn nhìn tôi buồn rầu không nói. Đêm tôi chào ôn trước khi về lại Ban Mê, ôn ngồi hút thuốc cẩm lệ và kể cho tôi nghe cuộc đời làm đầy tớ, cu li, thất học của ôn. Kể chuyện đời ôn, nhìn đứa cháu đích tôn buôn lậu bụi đời, ôn nói ngày 30 tháng 4 ôn vui mừng vì chỉ biết lo cho ba con và con, bây giờ ôn mới thấy đó là một ngày khốn nạn. Trước khi tôi đi ôn giúi vào tay tôi chiếc nhẫn vàng hai chỉ và ôn khóc. 

Đó là lần cuối tôi gặp ôn. Hai năm sau, ôn mất. Tôi không về nhìn ôn lần cuối và thắp được nén nhang trước mộ của ôn. Lúc đó, tôi đang bắt chước anh Vi chui nhủi ở Gò Công để trốn nghĩa vụ quân sự. Ngày ôn chết tôi không hay. 



Năm tháng trôi. Người lính VNCH quần xà lỏn áo may ô lần cuối tôi nhìn bây giờ lụ khụ ở nhà giữ cháu cho con. Anh bộ đội cụ Hồ ở chợ Đê ngày ấy bây giờ còn hay mất? Cũng đang lủi thủi giữ cháu như tên lính ngụy cùng thời? Đã qua rồi những nòng súng chĩa vào nhau. Đã mất hút theo thời gian những ngày khói lửa Trường Sơn, Đại lộ Kinh hoàng và Mùa hè Đỏ lửa. Nhưng vẫn còn đó một cuộc chiến tàn khốc giữa độc tài và những kẻ bị trị. Tử vong, tự hủy hoại và mất mát của 37 năm thời bình đã vượt xa nhiều lần so với 21 năm chinh chiến. Đất nước này vẫn triền miên trong một cuộc chiến không bom đạn. 

Gần nửa thế kỷ trôi qua. Những đứa bé ngày xưa bây giờ đã gần nửa đời người. Con đường gian nan tưởng đã chấm dứt từ mù sương năm trước, từ thời đại của thế hệ đàn anh, nay vẫn còn tiếp diễn và kéo dài qua thế hệ đàn em. 

Ba mươi tháng tư. Một buổi tối năm nào ngồi nhậu trước chung cư, lũ chúng tôi cùng nhau say với quá khứ. Tính sổ ra mới biết cuộc đời của mỗi thằng chẳng có gì đáng kể từ cái ngày năm ấy. Bạn tôi say mèm nốc gọn chai bia và đọc hai câu của một nhà thơ nào đó: 

Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng
đ. mẹ đời đ. má tương lai. 

Ba mươi tháng tư. Một ngày với nhiều tên gọi. Đại thắng mùa xuân, ngày giải phóng, ngày thống nhất, ngày quốc hận, tháng tư đen... Cuộc chiến không bom đạn lại được thêm giáo thêm gươm bởi những danh xưng định vị tư tưởng và lằn ranh ta-địch. Có nghĩa lý gì về tên gọi cho một ngày của quá khứ trần ai. Tên của nó chỉ chính xác bằng bóng hình qua tấm gương soi của thực tế hiện tại. 

Năm tháng trôi qua dưới lá cờ máu và chân dung lãnh tụ đểu cáng, túm gọn cuộc đời của nhau bằng 2 câu thơ bạn tôi đọc, nhìn thực tại trần ai của đất nước để đo lường giá trị của mốc điểm lịch sử, tôi thấy cái tên gọi mà ôn tôi, một cu li không biết đọc không biết viết, đặt cho nó vào đêm cuối cùng tôi ngồi bên ôn là chính xác: 30 tháng 4 - ngày khốn nạn.

 Vũ Đông Hà

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top