• Frank Snepp: NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

• Frank Snepp

Những giờ phút cuối cùng của
Việt Nam cộng HÒa


Frank Snepp, photo of Los Angeles Times.

Lời Giới Thiệu: Sau quyết định bỏ miền Nam Việt Nam của chánh phủ Hoa Kỳ vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Frank Snepp, một nhân viên tình báo cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã viết cuốn hồi ký với tựa đề "Decent Interval" mô tả đầy đủ các chi tiết của những giờ phút cuối cùng này. Nhờ cuốn sách của ông, chúng ta biết thêm nhiều bí mật lịch sử trong đó cho thấy quyết định bỏ miền Nam Việt Nam của chánh phủ Hoa Kỳ thật sự không phải được sự đồng thuận của mọi viên chức Hoa Kỳ từ quân sự đến dân sự, các nhân viên tình báo Hoa Kỳ đã có liên hệ với miền Nam Việt Nam. Trong 45 năm qua, những người này vẫn âm thầm giúp đỡ dân tộc Việt Nam dưới  nhiều hình thức trong phạm vi và quyền hạn của họ trong đó không thể bỏ qua việc giúp đở định cư những người Việt Nam tị nạn đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Dưới đây là phần cuối của cuốn sách trên, qua ngòi bút của một nhân viên tình báo CIA cao cấp, mô tả lại những giờ phút cuối cùng của người Mỹ trước khi rút khỏi Saigon. Diễn đàn Saigonweeklyonline.com xin đăng lại đoạn này để chúng ta có dịp suy nghĩ thêm về nguyên nhân của sự mất miền Nam Việt Nam và vì sao, Việt Nam ngày nay khi bước vào thế kỷ thứ 21 đã không còn giữ được bờ cõi cũng như con người Việt Nam hào hùng sẵn sàng hy sinh mạng sống để giữ nước dưới sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng lịch sử là chuyện của muôn đời, những thành công nhất thời của Việt cộng rồi sẽ được đánh giá để đặt chúng trở lại vào đúng vị trí của nó. Nhưng khi người dân còn trông vào ngoại bang để giữ nước và dựng nước thì ngày đó, tương lai của  đất nước Việt Nam khó thể sáng lạn được.

*



Tại Washington DC, tổng thống Gerard Ford, ngoại trường Henry Kissinger ra lệnh chấm dứt lệnh di tản dành cho người Mỹ nhưng đại sứ Graham Martin chỉ rời khỏi Việt Nam sau khi những người Việt Nam có liên hệ với Hoa Kỳ có thể di tản..  Photograph by David Hume Kennerly/White House



Đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Graham Martin trình ủy nhiệm thư lên tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 11 tháng 5, 1974 tại Dinh Độc Lập, Saigon. Đại sứ Matin thay thế cho đại sứ Ellsworth Bunker 79 tuổi về hưu  sau 6 năm ở Việt Nam.


Trích Decent Interval của Frank Snepp

Trong phòng thường trực cửa sứ quán, kim đồng hồ sắp chỉ sáu giờ. Tôi ngồi ở bàn chờ thường trực, tay cầm áo giáp. Cộng sản có nhận đúng lúc thông điệp của Tướng Timmes không? Hay chỉ mấy phút nữa, pháo binh Bắc Việt lại bắn phá? Không ai trong bốn, năm viên chức CIA ở phòng bên kia biết tin sắp có oanh tạc. Họ có vẻ dửng dưng.

 Đúng sáu giờ, tiếng nổ dữ dội làm rung chuyển cả ngôi nhà. Tự nhiên, tôi co người lại. Mấy giây trôi qua, dài và nặng nề, tiếng vang xa dần. Polgar ở trong phòng đi ra, nhìn tôi. Buổi chiều, quá bối rối, chắc ông quên tin báo sẽ có bắn phá. Tiếng nổ vừa rồi đã nhắc ông ta.

 Ken Moorefield đi qua sân cỏ sứ quán, sẵn sàng bắn bằng khẩu M-16. Anh nói: "Tôi tưởng một trái lựu đạn hay một quả bom nổ, nhưng khi ra tới cổng ra vào, tôi thấy một đoàn xe Volkswagen bốc cháy bên kia đường phố. Một tên Việt Nam vớ vẩn nào đó đã đánh rơi que diêm vào bể xăng. Tức thì "bum"! Nhiều người bị thương, nhưng tôi chẳng muốn ra xem có bao nhiêu nạn nhân. Hai ba thủy quân lục chiến ở cổng định ra cứu, tôi ngăn họ lại: "Các anh dễ làm mục tiêu cho một kẻ bắn lén nấp trong đám đông!". Trong nhà phụ phái bộ quân sự ở Tân Sơn Nhất, người ta đang đánh nhau. Don Hays, hai người dân Mỹ và mấy thủy quân lục chiến đang tập hợp một số người di tản thì lộn xộn xảy ra. Lính dù Việt Nam bất ngờ phá rào, nhảy vào, bắn lung tung. Lính Thủy quân lục chiến vội vàng đối phó, đuổi được lính dù ra. Khi tướng Smith biết tin, ông ra lệnh chuyển những người tị nạn vào ngôi nhà chính, chắc chắn hơn.

 Một Đại tá hải quân báo cho Hays: Xe buýt sắp chở mấy nghìn người tị nạn đến ngôi nhà chính. Hays và hai người dân Mỹ cố tập hợp người tị nạn lại. Họ vừa xếp được một hàng 50 người thì có tiếng gọi vô tuyến điện của phái bộ quân sự: Lính dù Việt Nam lại chặn đường từ nhà phụ sang ngôi nhà chính, xe buýt không chạy được. Chỉ còn một cách: Bảo người tị nạn chạy dọc dãy nhà ở chu vi phía Nam nhà phụ, qua sân bóng ném, đến nơi máy bay đỗ. Nửa giờ sau, nhà phụ hết người, lính thủy quân lục chiến về đóng ở gần sân bóng ném.

 Trong ngôi nhà của phái bộ quân sự, Nelson Kief, một người sống sót từ Pleiku về, lặng lẽ phá hủy những hồ sơ mật cuối cùng. Anh vừa rút ngăn kéo còn lại thì thấy trước cửa sổ, có hai sĩ quan đang đổ dầu xăng vào hai phuy bằng tôn. Anh vội đứng dậy, hai sĩ quan chuồn ngay để lại hai phuy. Kief ra mở nắp một phuy. Anh suýt ngất đi. Trong phuy có hàng triệu đồng đôla giấy buộc cẩn thận.

 Trước đó, anh được biết Tướng Smith đã ra lệnh hủy tất cả tiền mặt của phái bộ quân sự. Vào khoảng hơn ba triệu rưỡi đôla thì phải.

 Tôi ngồi trong phòng đợi của Polgar đang tự hỏi xem quân Bắc Việt có thôi không dùng pháo binh nữa không thì có tiếng chuông điện thoại. Ngoài phố ầm ầm, tôi không nhận ra được tiếng nói của người đầu dây, mãi mới biết là Út, người lái xe của Polgar.

 Tôi đưa điện thoại cho Harry Linden, nhờ anh nghe hộ vì Út nói tiếng Việt Nam, tiếng the thé. Linden lầu bầu, nghe xong, nhìn tôi: “ Ông ta nói cầu thang ngôi nhà ở đường Gia Long đầy người, ông chưa đưa được 30 người Việt Nam quen Polgar lên mái nhà để đi máy bay". Nghe thấy thế, Polgar hét lên: "Bảo nó d?n về sứ quán, trời ơi lâu quá, họ đến đây, ta sẽ kéo họ qua tường, bất chấp sự phản đối".

 Trong khi Linden truyền lại lệnh của ông, Polgar gọi Philip Custen, Bill Johnson và mấy viên chức ngồi phòng bên.
 - "Đi với tôi ra ngoài kia".
 Tôi đứng dậy định cùng đi thì ông lắc đầu: "  lại thường trực với Pittman". Mấy người đi, đều dắt súng và đeo dùi cui vào thắt lưng.

 Mỗi người buộc một băng trắng quanh đầu. Mấy phút sau, họ len vào giữa đám đông đi ra phía cổng. Harry Linden nhìn tôi như muốn hỏi ý kiến rồi anh quay lại, theo Polgar.
 Nửa giờ sau, họ bắt đầu kéo người Việt Nam qua tường. Mấy lính thủy lục chiến bất đắc dĩ đã phải giúp họ. Đứng sát vào cổng sắt, Polgar lấy tay chỉ những người quen ông đứng giữa đám đông. Bill Johnson, ngồi trên tường, kéo phụ nữ và trẻ em. May quá, không ai bắn anh. Những người Việt Nam, bên ngoài sứ quán, chỉ tranh nhau tiến đến gần anh. Thỉnh thoảng có người bám vào chân tay anh nhưng bị nhân viên CIA hoặc thủy lục chiến hất ra.

 Mặc dù đã hết sức cố gắng, Polgar chỉ đưa được mấy người Việt Nam vào sứ quán. Người lái xe can đảm của ông, Út, bị mắc kẹt ở ngoài. Trong lúc đó, ở Hoa Thịnh Đốn, Kissinger gọi điện thoại báo cáo với tổng thống Ford đang ở nhà riêng: "cuộc di tản vẫn tiến hành bình thường tuy có chậm hơn dự kiến". 18 giờ 30 phút, máy bay trực thăng của không quân Mỹ đỗ xuống lần cuối cùng. Ngày hôm ấy, riêng máy bay Huey chở được mấy nghìn người trong mỗi chuyến, một máy bay khác chỉ đem được 12 người.
  
Dinh Tổng Thống, Tướng Minh giận dữ đi lại trong phòng. Đoàn sứ giả đi Tân Sơn Nhất không biết sống chết thế nào. Nhiều người trong giới thân cận lại khuyên Tướng Minh đầu hàng "không điều kiện. Nhưng Tướng Minh không thể làm như thế.  ng ta nói: "Đồng bào tôi sẽ khinh tôi! Tôi sẽ quyết định sau".  ng ta muốn thành lập chính phủ để khỏi một mình chịu sự ô nhục này.

   Tại sứ quán, nhiều người không chờ đi nữa. Shep Lowman rời mái nhà lúc 19 giờ cùng với mấy đồng nghiệp. Joe Kingsley, bạn cũ của tôi và nhiều người khác đi cùng lúc ấy. Cả buổi chiều, anh giúp thủy quân lục chiến đưa người tỵ nạn lên máy bay: lúc đi, anh mệt lử. Một nhà báo Mỹ đi sau cùng. Mỗi máy bay trực thăng quân sự nay chở từ 60 đến 80 người, vượt quá trọng tải rất nhiều. Do đó, thủy quân lục chiến không cho đưa nhiều hành lý lên, để dành thêm chỗ cho người tỵ nạn.

 Nhiều phóng viên nhiếp ảnh không biết thể lệ ấy hoặc giả vờ không biết, đem cả máy móc lên. Chắc họ không quen Joe Kingsley. Lúc một người trong bọn họ đẩy một phụ nữ Việt Nam để lấy chỗ đặt máy. Kingsley vỗ vào vai và hoa nắm đấm trước mặt anh ta rồi quăng camera của anh ta vào bụi. Làm xong việc ấy, Joe cho là đã hoàn thành nhiệm vụ, nên trèo lên chiếc máy bay CH-53 đi sau. Trên lầu ba sứ quán, trong phòng riêng của Đại Sứ, Lacy Wrigal tiếp tục giúp Eva Kim nghe điện thoại. 19 giờ, một người Pháp, trốn ở sứ quán Nouvellezéland bỏ trống, gọi đến xin giúp một số người Việt Nam và hắn di tản. Wright trả lời: "Giữ họ ở lại đấy. Quân Bắc Việt tôn trọng qui tắc ngoại giao".
 Tướng Smith quyết định ở lại cho đến lúc Martin đi. Nhưng đô đốc Gayler đã ra lệnh cho Smith đi ngay. Mặc dù thế, ông thấy có trách nhiệm đối với đại sứ nên đã đổi kế hoạch.

 19 giờ 15 phút, bỗng nhiên, mất điện, phái bộ quân sự tối om. Sau đó tìm thấy một kẻ phá hoại Việt Nam nào đó đã mắc một sào gỗ vào dây điện d?n đến phái bộ. Chúng tôi cho chạy ngay máy nổ nhưng các kỹ thuật viên thấy thiệt hại lớn hơn nhiều: đường dây liên lạc giữa phái bộ quân sự với Hoa Thịnh Đốn và thế giới bị cắt. Phải 40 phút mới nối lại được. Thấy thế, Tướng Smith ra lệnh không chữa nữa vì chỉ còn khoảng 30 người trong ngôi nhà.

 20 giờ, giờ Sàigòn, Tướng Smith d?n đầu đoàn người Mỹ đi ra sân quần vợt, nói có máy bay đổ sẳn, chờ họ. Lúc họ sắp lên máy bay thì một xe buýt chở người Việt nam đến, họ đành phải nhường. 20 giờ 15 phút họ mới đi được. Trong bọn họ có Hays mệt lã người. Khi chiếc CH-53 bay lên, anh nhìn lại lần cuối cùng sân bay Tân Sơn Nhất rồi thiếp đi vì đã bốn ngày liền anh không hề chợp mắt.

 Nay đến lượt Tướng Carey, lực lượng an ninh và lính thủy quân lục chiến trông nom phái bộ quân sự. Họ lần lượt cho những người Việt Nam lên máy bay mỗi lúc một ít đi.

 Lúc chiều, khi chiếc máy bay trực thăng đầu tiên đổ xuống sân sứ quán thì Martin ra lệnh: Việc di tản phải được tuần tự tiến hành theo phương châm ai đến trước, đi trước; người Mỹ không được hưởng quyền ưu tiên. Nhưng tình hình đã làm đảo lộn lệnh của ông. Ai cũng muốn người thân quen của mình đi trước. Người ta cho bạn bè thân thiết lên hàng đầu. Mỗi khi có người thân đến, Polgar lại mở rộng sứ quán cho vào. Martin không hề biết những hiện tượng ấy. Một viên chức sứ quán phải thốt lên: Ch?ng còn kỷ luật gì nữa, mạnh ai người ấy cho đi!

 Quá 21 giờ, Jim Devine đột nhập vào phòng Đại Sứ. Anh vừa nửa đùa, vừa ra hiệu cho đồng nghiệp ngồi trong phòng: "Đến lúc đi rồi, những anh bạn không cần thiết ạ! Sứ quán đã khóa cửa, tàu, sà lan, đã chạy, Tướng Smith đã đi, các anh còn làm gì ở đấy nữa?"

 Lacy Wright và Dan Ellerman, cố vấn kinh tế, cầm lấy cặp, tiến tới cầu thang. Theo sau họ là Alan Carter, mệt lả người mà vẫn phải bỏ lại các nhân viên của cơ quan thông tin, rồi Eva Kim, nữ thư ký riêng của Martin. Họ lên mái nhà. Lần đầu tiên trong đời, Eva mất vẻ bình tĩnh, tóc cô rối tung. Mười một năm phục vụ người Mỹ, làm thư ký riêng cho ba Đại Sứ trước Martin, cô biết mọi bí mật của sứ quán. Nhưng cô không phải là một phụ nữ ba hoa. Từ đầu đến cuối, cô là một cộng tác viên hoàn toàn trung thành, kín đáo, và giữ kỷ luật. Eva Kim đang tiến tới máy bay thì George Arthur, phóng viên báo Los Angeles Times, đã đi theo kịp cô. Anh chàng này có con gì đang động đậy trong tay, nó sủa lên. Anh chàng dỗ dành con chó đen nhỏ và giấu duới áo: "Bình tĩnh, bình tĩnh, chỉ mấy phút thôi." Mc Arthur đưa con Nit Noy, con chó của Đại Sứ, cho Eva; giúp cô trèo lên cabin. Nhà báo đã nhận che chở cho con chó của Đại Sứ trong chuyến đi cuối cùng này!

 Máy bay CH-47 bay lên cao, lượn một vòng, lên cao nữa. Qua cửa sổ, nhìn thành phố anh hằng quen biết, Lacy Wright không hề luyến tiếc. Anh đã làm hết sức mình trong những tuần qua, đã cố gắng giúp đỡ người Việt Nam và thực hiện chính sách của Hoa Kỳ.

 Lúc 9 giờ 30 phút, giờ Hoa Thịnh Đốn, viên chức bộ ngoại giao, cơ quan CIA, bộ quốc phòng uống tách cà phê đầu tiên buổi sáng trước khi làm việc.   Tòa Bạch ốc, Kissinger báo cáo với Tổng Thống Ford: phái bộ quân sự đã hoàn thành việc di tản. Hơn 4.500 người đã đi bằng máy bay trực thăng trong đó có 450 người Mỹ. Đó là một thành công rực rỡ mặc dù có mất mát. Theo một báo cáo của hải quân vừa gửi về, một máy bay CH-53 rơi xuống biển, bên cạnh đằng lái một con tàu. Không có người tị nạn trên đó nhưng phi công và người phụ lái đều mất tích. Có thể họ đã chết. Họ mệt quá nên để xảy ra tai nạn. Cầu hàng không hoạt động gần sáu giờ rồi, thời tiết quá xấu; chẳng thấy rõ mấy, lại thấm mệt nên viên phi công đã tính sai khoảng cách từ máy bay đến chỗ đổ!
 
 Ford hỏi Kissinger xem có nên tạm ngừng cầu hàng không cho đến sáng không. Phái bộ quân sự cũng muốn thế thì phải? Kissinger trả lời: Nên, nhưng cũng cần xem lại một số điều. Bắc Việt bảo đảm cho máy bay trực thăng qua lại nhưng không có gì chắc chắn. Nếu tạm ngừng rồi sáng mai lại bay, họ có hiểu trệch đi không?

 Kissinger gọi điện thoại cho Martin hỏi ý kiến, nhưng đại sứ không có trong phòng làm việc.  Ông ở ngoài sân đếm xem còn bao nhiêu người cần di tản. Đi qua phòng Polgar, tôi thấy Polgar đang quỳ trên một vali để cố đóng nắp.  Ông nhẹ nhàng nói với tôi: "Thế là hết!" và tiếp tục khóa vali. Tôi định giúp ông thì ông ngăn lại:  Ông đã chuẩn bị xong để rời nước này! Tôi quay về phòng, thu gọn những bức điện mật đã bị xé thành một đống, chuẩn bị đốt thì một người quen cũ đến gặp. Đó là Moorefield mà mấy ngày nay không có mặt ở đây. Anh vừa thoát khỏi đám đông ở ngoài cổng, trông anh giống như bức tượng một chiến binh nhỏ, tóc và mặt đầy thuốc súng, khẩu M-16 trong tay. Tôi bắt tay anh: "Mình tưởng cậu đi Tân Sơn Nhất rồi?".

 Anh trả lời không chút pha trò: "Mình thử lại sứ quán xem ở đây xoay xở ra sao?" Anh nhìn mỉa mai mấy đồng nghiệp đang ngồi uống rượu trên ghế tựa ngoài phòng đợi. "Họ làm gì thế, đang dự tiệc à?". Tôi kéo anh ra cửa và nói: "Đó là một cách tỏ ra mình làm việc! Tôi rất xấu hổ trước cảnh này. Ra ngoài kia, sẽ nói chuyện thêm. Tôi đang bận". Anh mỉm cười, tỏ ý hiểu, quay gót ra, khẩu súng vẫn cầm trong tay. Nhìn anh đi, tôi thấy vui vui. Moorefield vẫn là một binh sĩ Mỹ chuyên nghiệp, lúc nào cũng sẳn sàng chiến đấu.

 Mấy phút sau, Polgar ngồi vào bàn máy chữ, đánh một điện cho Hoa Thịnh Đốn.  ng báo tin sắp đóng cửa cơ quan vì chi nhánh tình báo ở đây đã hết việc!  Ông đưa điện xuống lầu ba để Đại Sứ duyệt. Khi trở lại, ông xách luôn vali, không nói một lời. Đó là dấu hiệu báo giờ khởi hành đã tới. Tôi cúi xuống gầm bàn, lấy hai chiếc cặp cất ở dưới đó. T.D.Latz bước vào, hai tay ôm hai máy vô tuyến điện vượt đại dương. Anh bảo tôi: "Mang hộ mình một cái. Bọn chúng bắt được thì uổng". Polgar đá vào một máy thu phát General Electric giá bảy trăm đôla, nói: "Đem được cái gì thì đem. Chi nhánh mất năm triệu đôla thiết bị trong mấy tháng qua rồi đấy!". Người mắc bệnh tâm thần cũng phải sửng sốt. Chúng tôi chỉ còn 12 người trong tổng số ba trăm nhân viên tình báo CIA ở Việt Nam.

 Tôi nhìn lại lần cuối cùng bàn làm việc của tôi. Một cuốn sách của Don Oberdorfer: "Tết", còn nằm trên đó. Tôi định cầm lấy thì chợt nghĩ: Người đến đây ở sau cùng chắc sẽ thú vị được biết tư tưởng người Mỹ sau cuộc tổng tiến công năm 1968!

 Tất cả 12 người chúng tôi xếp hàng, dọc cầu thang lên mái nhà, chung quanh xúm xít người Việt Nam. Tôi không có can đảm nhìn họ. Một thủy quân lục chiến hỏi chúng tôi có vũ khí không. Nếu có thì phải để lại. Có nhiều tiếng phản đối khi nghe lệnh ấy, nhưng không ai giữ lại súng nữa. Polgar rút khẩu súng Browning ra, ngắm nghía một lát, rồi thở dài, thất vọng: "Tôi phải ở lại, Đại Sứ cũng muốn ở lại một lúc nữa, chờ cho người di tản Việt Nam ở trong ngôi nhà này đi hết mới lên đường. Tôi ở lại và cùng đi với Đại Sứ". Quay lại, ông nói với Pittman, người phó của ông: "Anh cũng nên ở lại". Pittman gật đầu, đặt vali xuống. Polgar quay ra phía tôi: "Anh giúp bạn Việt Nam tôi lên máy bay". Tôi hỏi lại:
 -  Ông có cần tôi ở lại không?
 - Không. Sở chỉ huy đã ra lệnh, mọi người đi cả. Tôi chỉ giữ Pittman và một nhân viên thông tin ở lại để liên lạc với Hoa Thịnh Đốn.
 Lần cuối cùng tôi trông thấy Polgar lúc ông đi về phòng cùng với một lính thủy quân lục chiến, lấy một két bia Heineken.

 Trên mái nhà, đó là một giấc mộng. Nơi máy bay đổ, ánh đèn yếu ớt, một máy bay CH-47 nổ động cơ om sòm. Đoàn phi hành đều đội một loại mũ lớn, qua ánh nhấp nháy của đèn hiệu máy bay, họ giống những con sâu bọ khổng lồ đứng trên chân sau.

 Tôi trèo lên thang, kéo mấy bạn Việt Nam của Polgar lên theo. Tướng Timmes ngồi cạnh tôi và Bob Kantor, Bill Johnson ngồi trước chúng tôi, đầu vẫn đội mũ đi câu.

 Máy bay bắt đầu bay. Qua cửa hậu còn mở có một người lính ngồi cạnh khẩu liên thanh, tôi thấy rõ sân bay xa dần. Đèn ca bin tắt. Máy bay vượt qua trung tâm thành phố, theo đường Vũng Tàu, con đường quen thuộc ngày chủ nhật tôi thường đi. Máy bay vừa qua Biên Hòa, rẽ về hướng Đông, thì tôi thấy kho Long Bình nổ, một loạt nấm nhỏ nguyên tử bốc lên. Trên hệ thống đường từ Sàigòn đi Xuân Lộc, hàng nghìn xe vận tải, xe tăng chắc là của Bắc Việt Nam, đang chạy từ từ về Biên Hòa, xe nào cũng sáng đèn.

 Họ bắn lên bầu trời Bà Rịa, gần Vũng Tàu. Ánh sáng vàng và đỏ chạy dài như trên một màn ra đa. Tôi thúc khủy tay vào Timmes và nói vào tai ông: "Họ bắn chúng mình!"  Ông chồm dậy, mắt sáng lên: "Tôi lại nhớ trận Normandie năm 1944 ông có nhiều chiến công ở mặt trận này. Chỉ huy một đơn vị lính dù, ông đã cùng đơn vị nhảy đầu tiên vào vùng sau lưng địch. Người lính già, qua cửa sổ máy bay, nay nhớ lại cảnh oanh liệt thời xa xưa của mình!" Làn đạn bắn lên kéo dài khoảng ba, bốn phút. Rồi một tiếng nổ lớn ở bên phải máy bay. Tôi nghĩ thật là ngớ ngẩn nếu đúng lúc rời khỏi nước này lại bị giết hại!

 Lúc 22 giờ, máy bay bắt đầu xuống. Trong ca bin, nhiều người nhấp nhỏm. Họ muốn nhìn tàu chiến. Một tàu bỗng hiện ra trước cửa hậu máy báy vẫn mở. Đèn tàu sáng trưng. Nhiều máy bay trực thăng bay chung quanh tàu. Chúng tôi tuần tự xuống, dưới ánh đèn rực rỡ. Tàu Denver đón chúng tôi như cái kén bằng kim loại bọc con tằm. Máy bay đỗ hầu như chúng tôi không thấy gì.

 Mười giờ, giờ Hoa Thịnh Đốn, James Schlesinger nổi giận đùng đùng, hơn lúc nào hết. Việc di tản sứ quán Sàigòn suýt nữa thất bại! Thời tiết trở nên rất xấu ở Vũng Tàu. Gần một nửa máy bay trực thăng đang phải sửa chữa. Phi công mệt lử. Một giờ trước, một máy bay CH-63 rơi, chứng tỏ việc chuyên chở ban đêm rất nguy hiểm. Điều khốn khổ là Martin không biết cần dành ưu tiên cho những người nào. Mấy giờ gần đây, chỉ thấy người Việt Nam được di tản, còn lại quá nhiều người Mỹ, một máy bay không thể chở hết!

 Schlesinger mới đầu gọi điện thoại cho Martin để tỏ sự bất bình của mình. Sau đó ông gửi điện nhờ Ngũ Giác Đài và vô tuyến điện của đô đốc Whitmire chuyển. Shlesinger định rõ thời hạn: Giữa ban đêm phải ngừng cuộc di tản. Nghĩa là chỉ còn hai giờ nữa. Sáng hôm sau, sẽ tiếp tục bay. Bây giờ, 19 máy bay trực thăng sẽ đến sứ quán để đón tất cả người Mỹ ở đó, kể cả bản thân Đại Sứ.

 Martin trả lời một cách tiêu cực.
 Sau này, Đại Sứ trình bày trước một ủy ban của quốc hội: "Sứ quán đầy người Việt Nam, ai cũng biết chúng tôi ra đi. Chúng tôi sợ hoảng loạn sẽ nổ ra bất cứ lúc nào. Bên ngoài hàng trăm người Việt Nam muốn xông vào sứ quán. Rất khó và rất nguy hiểm ngừng cuộc di tản đúng nửa đêm, rồi lại tiếp tục ngày hôm sau". Đại sứ cũng giải thích với Kissinger như trên trong cuộc nói chuyện bằng điện thoại với Tòa Bạch ốc. Sau này, ông nói rõ trước quốc hội: "Tôi được Hoa Thịnh Đốn chấp nhận điểm này: Tiếp tục di tản cho đến khi không còn người Mỹ nào nữa". Thực tế lời đề nghị của ông rất cụ thể.  ông xin thêm 30 máy bay trực thăng để có thể chở hết mọi người. Đề nghị ấy được Hoa Thịnh Đốn chuẩn y.
 

Lúc 23 giờ 30 phút, đại tá Gray và một nhóm thủy quân lục chiến phá hủy sở chỉ huy phái bộ quân sự. Xe tăng Bắc Việt đang đến gần. Không một thiết bị quân sự nào được để rơi vào tay cộng sản. Đầu tiên là hệ thống liên lạc tối mật giữa Tướng Smith và Hoa Thịnh Đốn. Nhóm phá hoại đặt nhiều mìn mạnh chung quanh hệ thống. Một thủy quân lục chiến kể lại: Vừa có lệnh, một tiếng nổ rung trời, ánh sáng bùng lên, không khí nóng ra, mọi cái tan tành!

 Mấy phút sau, đại tá Gray và thủy quân lục chiến đặt bom nổ chậm và bom cháy vào các hầm nhà rồi chạy lên máy bay. Máy bay vừa cất cánh thì lửa đã bao phủ các ngôi nhà. Sức nóng rất cao đến nổi mái nhà vững như thép của đồn lũy chỉ huy Hoa Kỳ ở Việt Nam sụp đổ như tấm sắt tây.

 Trước 12 giờ đêm, Martin mặt trắng bệch, ra sân sứ quán. Cùng với mấy cộng tác viên, ông cho gọi người Mỹ vào trong nhà. Chú thủy quân lục chiến vừa được tin của đài cộng sản loan báo cuộc tiến công vào Sàigòn bắt đầu.

 Đúng như thế. Cách đó 48 kilômét về phía Nam, Tướng Văn Tiến Dũng đã chuẩn bị xong.
 Trong lúc đó, Kissinger gặp các nhà báo ở bộ ngoại giao: "Cuộc di tản tiến hành tốt. Nếu họ muốn, ông sẽ gặp họ vào hồi 14 giờ.  Ông sẽ báo tin tất cả người Mỹ đều đã rời Sàigòn".
 Kissinger trở lại phòng tác chiến ở Tòa Bạch ốc thì đã 0,45 giờ, giờ ở Sàigòn. Người Mỹ trú trong hầm sứ quán bắt đầu nghĩ lại. Sau này, Moorefield kể: "Không ai bảo chúng tôi làm việc nhưng chỉ mấy phút, chúng tôi thấy cộng sản chưa tiến công, thì tốt hơn hết, lợi dụng lúc này, tiếp tục cho di tản: Còn bao nhiêu người tị nạn ở sứ quán?".

 Martin cũng không biết. Để làm yên lòng hai đô đốc, ông bịa ra con số! Còn 500 người Việt nam, 75 người Mỹ. Dựa vào hai con số đó, lực lượng can thiệp ở Thái Lan nhanh chóng cho máy bay sang. Họ tính thêm 9 máy bay CH-53 nữa thì chở hết dân thường ở sứ quán. Nghe thấy thế, Martin sợ phiền, lại vội vàng điện về Tòa Bạch ốc, báo cáo: sứ quán còn một nghìn người Việt Nam nữa, gấp đôi số nguời mà ông dự đoán trước đó.

 Ngoài sân, đại tá Madison và bốn sĩ quan nữa thuộc ban quân sự hỗn hợp, đi qua đám đông. Đại tá Sumniers, người phó của ông, với lấy máy phát thanh: "Bình tĩnh, bình tĩnh. Chúng tôi ở lại đây, và sẽ đi sau bà con". Một giờ sáng, viên chức cao cấp của sứ quán ở lại để cùng đi với Martin, không còn biết làm việc gì nữa. Sàigòn đang hấp hối. Pittman đi tìm một thùng lạc rang bơ, mong giữ vững tinh thần mọi người. Polgar đi từ phòng này sang phòng khác. Lebmann và mấy người nữa thay nhau nghe điện thoại. Lehmann chợt nghe tiếng cầu cứu của nhóm 60 nhân viên của cơ quan thông tin Mỹ do Carter bỏ lại. Cùng lúc ấy, giám đốc IBM (cơ quan máy tính) ở Bangkok cũng điện về đề nghị cho nhân viên của họ di tản. Nhưng không còn có thể làm gì được nữa cho nhân viên thông tin cũng như cho người giúp việc của IBM!

 Moorefield kể lại: "Có lúc không hiểu vì sao tôi lại vào phòng Đại Sứ. Vì tò mò chăng? Một lần tôi thấy Boudreau nói chuyện bằng điện thoại với một phụ nữ Việt Nam, người này cho biết chị có hộ chiếu Mỹ và ba đứa con lai Mỹ, chị hỏi khi nào chị đến được sứ quán để di tản. Boudreau tuy biết rằng hết hy vọng rồi nhưng vẫn trả lời: Sớm mai đến! Tôi trông theo Đại Sứ một lúc . Tiếng khàn, ông không nói được rõ. Có vẻ rất mệt. Tôi muốn giúp ông nhưng lại thôi. Tôi đi vòng quanh sứ quán lần cuối cùng.

 Trong khi đó, Martin mặc dù đau yếu, vẫn cố tranh thủ thì giờ.
   Hoa Thịnh Đốn, Kissinger nổi giận và sốt ruột, cứ nửa giờ, lại hỏi tin tức: "Có gì mới không? Tình hình bây giờ như thế nào?" Mấy viên chức trẻ đứng chung quanh bắt đầu chế giễu: “ Ông già Martin vừa cho di tản sáu trăm người cuối cùng của bốn trăm người di tản!"

 Nhưng Martin lại xin thêm được một thời hạn: 3 giờ 45 phút, giờ Sàigòn, chấm dứt. Không thêm một phút. Kissinger hoãn cuộc họp báo đến 17 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn).  Ông nói với Martin qua điện thoại: "Tôi muốn trông thấy ông trên chuyến bay tới là chuyến bay cuối cùng. Các vị anh hùng phải trở về!"

Trên lầu sáu, đứng dưới nơi đỗ của máy bay trực thăng, Tom Polgar ngồi trong phòng làm việc trống trơn, trước chiến máy chữ cũ kỹ.  Ông vừa đánh xong một bức điện gửi Hoa Thịnh Đốn, bức điện lịch sử như ông đã nhấn mạnh trong những câu đầu: "Đã nhận được lệnh tổng Thống chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 45 phút, giờ địa phương, ngày 30.4. Muốn hỏi xem đó có phải là thông điệp cuối cùng gủi chi nhánh Sàigòn không? Phải mất 20 phút mới phá hủy được máy móc ở đây. Đến 3 giờ 20 phút, giờ địa phương, chúng tôi sẽ chấm dứt việc liên lạc".

Đoạn sau có một nội dung rất triết lý.  Ông biết rằng ông viết đây là cho thế hệ mai sau. Nhưng cũng như nhiều bức điện trước ông gửi về Hoa Thịnh Đốn trong mấy tuần qua, những điều ông viết chỉ phản ảnh ảo tưởng của ông, chứ không nói về hoàn cảnh, về thực tế lúc bấy giờ. Nay cũng vậy, Polgar cho rằng sự bủn xỉn của quốc hội, những biện pháp nhỏ nhen, nửa vời (danh từ, tính từ ông thích dùng), đã gây nên sự đổ vỡ của chế độ Saigòn.  Ông viết: "Đó là một cuộc chiến đấu lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng sự nghiêm trọng của thất bại và hoàn cảnh đưa đến thất bại, buộc chúng ta phải nghiên cứu sâu sắc chính sách, biện pháp nhỏ nhen, nửa vời chúng ta thường áp dụng trong sự can thiệp của chúng ta vào nước này mặc dù chúng ta đã ném vào đây bao nhiêu người và tiền của. Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải nhắc lại lịch sử. Mong rằng chúng ta không phải học thêm kinh nghiệm của một Việt Nam khác mà nhớ đời bài học này! Chấm dứt liên lạc của Sàigòn".

   Hoa Thịnh Đốn, gần lúc ấy, Colby, giám đốc cục tình báo trung ương CIA, cũng gửi điện cuối cùng cho Polgar. Bức điện ấy cũng đáng ghi nhớ vì nội dung của nó. Colby viết: "Chúng ta sắp kết thúc việc thông tin với Sàigòn. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ niềm tự hào và sự bằng lòng của mình đối với chi nhánh về công việc mà các đại diện nó đã làm. Trong hai mươi năm tồn tại, chưa bao giờ sự thật nổi bật như trong mấy tuần gần đây. Dũng cảm, liêm khiết, hy sinh và năng lực cao, những đức tính mà các nhân viên chi nhánh có trong những năm qua, giờ đây đã vượt mức, nhất là trong giai đoạn cuối cùng này. Hàng nghìn người Việt nam được cứu sống và có tương lai nhờ sự nỗ lực của các ông. Chính phủ ta, từ những bản báo cáo rõ rệt gởi về, đã rút ra điều bổ ích lớn. Một ngày kia, sẽ học tập một cách kính nể, thái độ của các ông trong việc bảo vệ những mục tiêu và lý tưởng của đất nước. May mắn và rất cảm ơn".

 Trước ba giờ sáng, cầu hàng không ở sứ quán lại chặn lại. Sợ lính Mỹ quá mệt, Martin xin thêm sáu máy bay trực thăng lớn CH-53. Whitmire bất đắc dĩ phải đồng ý. Sáu chiếc mau chóng lần lượt bay đi trong 40 phút. Nhân viên thông tin liên lạc còn ở lại sứ quán, phá hủy những máy móc cuối cùng và lên lầu sáu, xếp hàng cùng với những người đang đứng đợi.

 Lúc 3 giờ 45 phút, giờ kết thúc cuộc di tản, Martin đi ra sân sứ quán, nhìn nhanh đám đông, ra hiệu cho đại tá Madison: "Những người Việt Nam còn lại sẽ đi bằng máy bay CH-53. Ai còn chờ trong sứ quán thì ra sân đợi. Cầu hàng không trên mái nhà dành riêng cho người Mỹ."

 Thông tin liên lạc từ sứ quán với thế giới đã bị cắt. Giao thiệp với bên ngoài chỉ còn có máy vô tuyến điện của thủy quân lục chiến nhưng phải nhờ phi công máy bay trực thăng chuyển. Nói chuyện với hạm đội, nhu vậy khá chậm và phức tạp nhưng cũng thu xếp được. Do đó, những lời khiển trách của Kissinger hay Whitmire sẽ còn lâu mới đến!

 Madison chia những người Việt Nam ở ngoài sân ra thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm ngồi chờ một máy bay CH-53. Mấy phút sau, anh báo cho Lehmann ở trong phòng Đại Sứ biết: thêm sáu máy bay CH-53 là vừa đủ. Hai mươi phút nữa là công việc hoàn thành.

 Lúc 4 giờ 20 phút, một máy bay CH-53 tới. Madison cho người Việt Nam lên, máy bay bay đi, và kíp của anh đợi chiếc máy bay sau.

 Nhưng, ở đầu đằng kia cầu hàng không, Gayler và Whitmire đã quyết định chấm dứt trò chơi của Martin. Các ông hiểu rằng Đại Sứ cứ muốn lùi dần giờ kết thúc, mỗi lần Martin đều viện cớ còn quá nhiều người Việt Nam v.v... Mà lệnh của Tòa Bạch ốc rất rõ ràng: Cầu hàng không ngừng lúc bản thân Martin được di tản!

 Moorefield kể lại: Lúc đó không có máy bay nào cả ngoài sân cũng như trên mái nhà. Tôi đếm người ngoài sân: còn hơn bốn trăm. Phải xin thêm mấy máy bay nữa mới chở hết. Lại còn mấy người Đại Hàn, người Phillipines nữa. Lợi dụng lúc đáng buồn ấy, tôi xuống lầu sáu. Trung tá Kean vừa nhận được của hạm đội. Nghiêm chỉnh, ông dỏng dạc tuyên bố với những người chung quanh: "Tôi vừa nhận được điện của Tòa Bạch ốc. Tổng thống ra lệnh: Từ lúc này, nhân viên sứ quán phải di tản!... Không được ồn".  Ông nhắc thêm làm như chúng tôi còn sức để quấy phá. Tôi nhớ lúc ấy, tôi quay lại bảo Jay Blowers, giọng châm biếm: "Không được ồn! Chỉ những người Mỹ được di tản từ giờ này. Chúng ta không di tản ai hết!" Tôi lại lên mái nhà, đếm người dưới sân: Hơn bốn trăm người. Tôi biết rằng không ai được đi nữa.

 Lúc ấy, Brunson Mc Kingsley, cánh tay phải của Đại Sứ chưa biết quyết định của Whitmire. Anh ở ngoài sân và hứa với Madison và Summers sẽ xin thêm máy bay. Hai sĩ quan ra nói lại với đám đông.

 John Pittman đang ngồi ngủ trong phòng làm việc của đại sứ. Trung tá Kean vào đánh thức anh dậy, anh chìa bức điện của Tòa Bạch ốc ra: Tổng thống ra lệnh Đại Sứ phải đi chuyến này!

 Martin nhún vai, cầm vali, nói với mọi người: "Xong ta đi" rồi tiến đến cầu thang máy. Nhiều cộng tác viên đi theo: Polgar, Pittman, Jacobson, John Bennett thuộc cơ quan AID, Joe Bennett, cố vấn chính trị và Bruson Mc Kingsley, Lehmann, Boudreau và Jim Devine chờ chuyến sau.

 Moorefield kể lại: "Tôi nằm dài trên mái nhà, gần cầu tháng phụ, đợi chuyến máy bay sau. Tôi thấy ồn ào trong cầu thang chính. Mặc dù đêm tối, tôi trông rõ Polgar, Mc Kingsley và Đại Sứ".
 
 Tôi ngồi xổm dậy và cho 28 người lên nhưng khốn khổ lại chưa có Đại Sứ. Mấy phút sau, máy bay đỗ xuống. Tôi bảo nhóm người đi qua mái nhà để lên máy bay. Nhưng thủy quân lục chiến quân lục chiến và phi công cãi nhau bên tiếng rú của cánh quạt: Tòa Bạch ốc ra lệnh Đại Sứ đi chiếc máy bay này, thế mà tôi lại không mời ông lên trước, tôi dám coi thường..." Tôi liền quay lại cầu thang tìm Martin. Tôi có cảm giác ông không hiểu tôi nói gì.  Ông nhìn tôi vẻ chế giễu. Cách nhìn của ông, anh biết rồi đấy. Rồi ông lắc đầu.  Ông không hiểu.  Ông có vẻ bực mình với tôi.

 Máy bay đậu tại chỗ, không chuyển động mấy phút, phi công nói chuyện với hạm đội. Sau cùng, ai đó kêu lên: "Lệnh là lệnh. Đại sứ phải lên. Mà lên ngay vì có thể quân đội Bắc Việt Nam đã ở dưới đường. Họ sẽ nổi giận và bắn chúng ta nếu họ thấy chiếc máy bay này đỗ ở đây quá lâu." Tôi lại quay lại cầu thang và đưa Đại Sứ đến cửa máy bay. Khi tôi đỡ ông bước qua cửa, ông xanh xao, vàng vọt, yếu ớt kinh khủng.

 Máy bay bay lên, tôi quay lại cầu thang, nói với Polgar và mọi người: Sắp đến lượt các ông. Một máy bay khác tới, họ lên máy bay. Tôi ra mép mái nhà nhìn xuống sân. Đại tá Summers và Madison vẫn ở dưới đấy với những người tị nạn còn lại. Tôi nghĩ không thể nào giúp họ được nữa. Mọi việc đã xong..." Trên sân, Summers tụ hỏi: Những chiếc máy bay hứa hẹn đâu? Trung tá Kean sau cùng mới cho ông biết chỉ còn máy bay chở thủy quân lục chiến và nhân viên sứ quán, sĩ quan quân đội còn lại thôi. Nghe thấy thế, Madison rất bực mình. Nghiến răng, ông nói: "Chỉ cần sáu máy bay là có thể chở hết, tôi chưa đi nếu còn người ở lại. Đại sứ đâu? Phải đến nói với ông ta!"

 Kean lắc đầu, thở dài: "Đại sứ vừa đi rồi. Tất cả người Mỹ đều đi!" Madison không tin vào tai mình nữa. Không đầy nửa giờ trước, Lehmann và Mc Kingsley nói với ông có đủ máy bay cho người di tản Việt Nam. Thế mà bây giờ?


 
 Bực mình, Madison nhìn thẳng vào mặt Kean.  Ông nói dằn từng tiếng một: Anh và nhóm của anh không ai đi cả nếu những người Việt Nam ở đây không được di tản. Kean và kíp của anh phải bảo vệ những người này cho đến khi họ được đi.

 Kean lắc đầu một lần nữa: Tổng thống đã ra lệnh cho Đại Sứ đi ngay và chấm dứt cuộc di tản. Anh không muốn làm trái lệnh Tổng thống. Cũng không muốn người của anh bị nguy hiểm thêm. Nói xong, anh quay gót, ra lệnh cho thủy quân lục chiến tập họp trong sứ quán. Madison chỉ còn bốn sĩ quan bộ binh. ít quá để có thể bảo vệ được tất cả người trong sứ quán. Không có sự giúp đỡ của Kean, ông chẳng còn làm gì được. Chỉ còn một cách là rút lui.  ng ra hiệu cho mấy sĩ quan, lẳng lặng đi vào sứ quán. Trong bản báo cáo cuối cùng về việc di tản, Madison viết: "Còn 420 người nữa, chỉ cần sáu máy bay là đủ để di tản họ. Trong số này có nhân viên sứ quán Nam Triều Tiên, đứng đầu là thiếu tướng Rhee Dai Yong; nhân viên sứ quán Mỹ chủ yếu là những người chữa cháy xung quanh ở lại cho đến chiếc máy bay cuối cùng, đề phòng hỏa hoạn xảy ra: Một linh mục Đức đang trông nom một số người tị nạn và nhiều người giúp việc sứ quán và gia đình họ. Ngoài ra còn có nhiều nhân vật chính trị quan trọng của Nam Việt Nam như cựu bộ trưởng tài chánh chính phủ Thiệu. Tất cả những người trên, theo lệnh của chúng ta, đã bỏ tất cả hành lý ở lại để được di tản dễ dàng".

 Moorefield là người cuối cùng rời trụ sở sứ quán. Lúc chiếc máy bay chở anh đi bay lên, anh nhìn đồng hồ: 5,24 giờ ngày 30.4.1975.
 Moorefield kể lại: "Lúc máy bay bay trên bầu trời Sàigòn, tôi cố ghi trong đầu cảnh thành phố lúc bấy giờ. Một vùng ngoại ô Mỹ đâu đó. Bình yên, ph?ng lặng. Trừ một vài đám cháy ở đằng xa.

 45 phút sau, chúng tôi đã ở trên tàu. Mặt trời ló sáng. Một đoàn tàu đánh cá chở đầy người tị nạn đậu dài bên bờ biển. Chúng tôi vừa đặt chân xuống boong tàu thì sĩ quan an ninh hải quân đã tước súng chúng tôi. Tôi không có thẻ căn cước trong người. Họ hỏi tôi là ai. Có người nào bảo lãnh cho tôi không. Lính thủy quân lục chiến đi ra be tàu, vứt vũ khí của chúng tôi xuống biển".

 Lên tàu USS Okinawa, đại tá Madison còn cố thuyết phục viên tư lệnh một phi đội máy bay trực thăng cho sáu chiếc đi cứu người tị nạn ở sứ quán Mỹ tại Sàigòn. Không ăn thua gì 5:30 giờ, giờ địa phương, tiểu đoàn xe tăng 205 của Bắc Việt Nam vượt cầu Tân Cảng, tiến vào Sàigòn. Người chỉ huy nghiên cứu cẩn thận bản đồ để nhằm mục tiêu chính, dinh Tổng Thống. Một lúc sau, Đô đốc Gayler, theo dõi ở Honolulu cuộc tiến công của quân cộng sản đã ra lệnh cho một máy bay lên th?ng vũ trang đến Sàgòn để bảo vệ thủy quân lục chiến đang phá hủy nốt số vũ khí ở đấy!

   Hoa Thịnh Đốn, Henry Kissinger vừa bắt đầu cuộc họp báo mà ông đã hoãn mấy lần.  Ông báo tin cuộc di tản tất cả những người Mỹ ở Sàigòn đã hoàn thành tốt đẹp. Thực tế hãy còn lính thủy quân lục chiến trong sứ quán. Kissinger quyết định không nêu chi tiết ấy. Cuộc họp báo vừa kết thúc, ông vội vàng nhảy bổ vào phòng làm việc, nổi cơn điên lên.  ng thét lớn: "Đưa ngay thủy quân lục chiến ở Sàigòn ra!  ng vừa tuyên bố cuộc di tản thành công rực rỡ, nếu để chết một người, ông sẽ giết...!"

 Lúc 7,30 giờ, giờ Sàigòn, nhóm của Kean đóng chặt cửa đồ sộ bằng gỗ sến của sứ quán, hạ màn sắt xuống và vội vàng chạy đến cầu thang phụ:   lầu một và lầu bốn, họ ném lựu đạn cay vào cầu thang máy và kéo hàng rào thép ra ngăn cầu thang. Nhưng đúng lúc họ bước trên những bậc cuối cùng để lên mái nhà thì những người Việt Nam nổi giận ở ngoài sân đã phá được cửa tầng dưới và chạy lên đuổi họ.

 Thủy quân lục chiến khóa được cửa lên mái nhà và ra chỗ máy bay đậu. Nhưng lúc người lính cuối cùng vào được ca bin máy bay thì cũng là lúc người Việt Nam leo tới mái nhà. Và khi họ nhảy bổ vào gầm bánh thì máy bay lên cao. Lúc bấy giờ là 7,53 giờ giờ Sàigòn.

 Trên tàu USS Denver, tôi vừa nằm xuống cu-sét, đêm qua tôi chuyên uống cà phê và ngắm nhìn đoàn phi hành gia mệt lử. Có quán hiều người tị nạn trên tàu nên không còn chỗ ngả lưng. Phải đổi nhau ngủ, hai người một cu-sét, bốn giờ một lượt. Lượt tôi vào lúc sáng đã lâu rồi. Tôi nằm duỗi chân và thiếp đi ngay. Một hay hai giờ sau, một đồng nghiệp đánh thức tôi dậy. Anh nói: "Vừa được nghe đài BBC, quân đội Bắc Việt Nam đã vào Sàigòn. Họ gọi đó là thành phố Hồ Chí Minh".

 Đó là trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trên tàu USS Denver lênh đênh ngoài biển khơi, Polgar cùng nghe tin với tôi, giật mình, tiếc giấc ngủ, ông làu bàu: "Để mặc cho lịch sử sang trang".

Frank Snepp

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top