Virus corona mới : Những điều biết và chưa biết

image.png

Khách đến uống cà phê tại một cửa hàng Starbucks ở Bắc Kinh phải qua kiểm tra thân nhiệt. Ảnh chụp ngày 30/01/2020. REUTERS/Carlos Garcia
Thụy My
Tỉ lệ tử vong, mức độ lây từ người sang người, thời điểm người bệnh có thể lây cho người khác, thời gian ủ bệnh : AFP ghi nhận nhiều điều còn chưa được biết rõ khiến chưa thể xác định được tác động toàn cầu của bệnh dịch do virus corona mới từ Vũ Hán, Trung Quốc.


Tỉ lệ tử vong là bao nhiêu ?

Hiện nay có 170 người đã chết trên tổng số 7.700 trường hợp nhiễm bệnh. Chưa có bệnh nhân nào tử vong bên ngoài Hoa lục, trong khi khoảng 60 người đã được xác nhận mắc bệnh tại 15 nước, từ châu Á cho đến châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông.

Ở giai đoạn này, chúng ta chưa thể biết được tỉ lệ tử vong cụ thể do virus 2019-nCoV gây ra, vì không biết được số người bị lây nhiễm thực sự.

Hôm thứ Ba 28/01/2020, bộ trưởng y tế Pháp Agnès Buzyn cho rằng tỉ lệ tử vong « dưới 5% ». Tỉ lệ này mỗi ngày lại giảm bớt vì có nhiều ca nhiễm bệnh mới hơn là ca tử vong. Trước đó, chỉ có hai nạn dịch gây chết nhiều người do virus dòng corona gây ra : dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch SARS năm 2002-2003 đã làm 774 người chết trên thế giới trong số 8.096 ca mắc bệnh (tỉ lệ tử vong 9,5%). Còn dịch MERS thì vẫn chưa kết thúc, với 858 bệnh nhân chết trên 2.494 trường hợp bị lây nhiễm (tỉ lệ tử vong 34,5%).

Cũng theo bà Buzyn, virus corona mới « làm chết người ít hơn SARS và MERS, nhưng lây nhiễm nhiều hơn ».

Mức độ lây nhiễm như thế nào ?

Nhiều chuyên gia khác nhau đã cố gắng ước lượng số người bị một bệnh nhân lây cho. Được gọi là « tỉ lệ tái sinh căn bản » (R0), thông số này rất quan trọng để ngăn chận dịch bệnh. Có nhiều tỉ lệ được đưa ra từ 1,4 đến 3,8, mà theo giải thích của giáo sư David Fisman, đại học Toronto thì như vậy khá thấp.

Tuy nhiên các nhà khoa học Trung Quốc lại ước lượng cao hơn, theo đó một người bệnh có thể lây cho hơn 5 người khác. J.Stephen Morrison, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định : « Nếu tỉ lệ này được xác định, có thể giải thích một phần vì sao số trường hợp lây nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Trung Quốc ».

Vào lúc nào một bệnh nhân có thể lây cho người khác ?

Câu hỏi quan trọng này hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Hôm Chủ nhật 26/1, chính quyền Trung Quốc nói rằng việc lây nhiễm có thể diễn ra ngay trước khi các triệu chứng xuất hiện (đây là trường hợp của dịch cúm, nhưng SARS thì không). Dù sao đi nữa, giả thiết này dựa trên việc quan sát vài trường hợp, và chưa được khẳng định.

Giáo sư Mark Woolhouse, trường đại học Edimbourg (Scotland) nhấn mạnh với AFP : « Cần khẩn cấp tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Hy vọng chính của chúng ta là kiểm soát được dịch bệnh và nhanh chóng nhận diện những người bị bệnh để cách ly, tránh lây lan. Nếu việc lây nhiễm virus diễn ra trước khi xuất hiện các triệu chứng được xác nhận rộng rãi, thì hiệu quả của biện pháp cách ly sẽ không còn bao nhiêu ».

Mức độ lây từ người sang người như thế nào ?

Hầu hết những trường hợp lây trực tiếp từ người sang người được nhận thấy ở Hoa lục. Ba trường hợp khác là ở Việt Nam, Đức, Nhật Bản.

Theo ông J.Stephen Morrison, nguy cơ lây như vậy « rất thấp tại các nước phát triển ». Tuy nhiên nếu có những trường hợp « lây sang một số nước châu Phi hay các lục địa mà phương tiện an toàn vệ sinh hạn chế, thì các ổ dịch lớn có thể bùng nổ bên ngoài Trung Quốc. Đó có thể là khúc dạo đầu cho một nạn dịch toàn cầu ». Ông cũng nói thêm, hiện thời một kịch bản như thế chỉ mới trên lý thuyết.

Thời gian ủ bệnh là bao lâu ?

Những yếu tố mới nhất cho thấy thời gian từ lúc bị nhiễm virus cho đến lúc xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, gọi là thời kỳ ủ bệnh, chừng như ngắn hơn người ta tưởng.

WHO hôm thứ Hai 27/1 cho rằng thời kỳ ủ bệnh là từ 2 đến 10 ngày. Nhưng đối với một số trường hợp thì nhanh hơn : trong số 34 bệnh nhân Trung Quốc được các chuyên gia Hà Lan nghiên cứu, thì thời gian ủ bệnh trung bình là 5,8 ngày.

Khi một thanh niên 27 tuổi bị lây nhiễm từ người cha từ Vũ Hán đến Việt Nam, các triệu chứng chỉ ba ngày sau đã xuất hiện, theo một lá thư đăng trên tạp chí y học Mỹ NEJM hôm thứ Ba 28/1. Pháp chọn mức cao nhất là 14 ngày để ấn định thời gian cách ly đối với các công dân hồi hương từ Vũ Hán.

Những triệu chứng như thế nào ?

Căn bệnh về đường hô hấp do virus corona mới gây ra có một số triệu chứng giống như SARS, theo như 41 trường hợp đầu tiên được theo dõi tại Trung Quốc. Tất cả các bệnh nhân này đều bị viêm phổi, hầu như đều bị sốt, ba phần tư bị ho, và hơn phân nửa bị khó thở.

Tuy nhiên theo phân tích của giáo sư Bin Cao, tác giả chính của các nghiên cứu đăng trên The Lancet, thì « có những khác biệt quan trọng so với SARS. Chẳng hạn không có các triệu chứng như sổ mũi, đau họng, hắt hơi ».

Tuổi trung bình của số 41 bệnh nhân trên là 49, và gần một phần ba đã bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim…Một phần ba trong số những người này cảm thấy rất khó thở, và sáu người đã chết.

Hiện nay chưa có vaccin cũng như thuốc chữa đối với virus corona, các bác sĩ chỉ khắc phục những triệu chứng, trong đó có việc làm hạ sốt.
Virus corona : Có nên tin Trung Quốc minh bạch xử lý khủng hoảng ?
image.png
People wear face masks as they cross an empty main street in Changsha, Hunan province, China, as the country is hit by an outbreak of a new coronavirus, January 29, 2020 REUTERS/Thomas Peter
Thu Hằng
Trung Quốc liên tục công bố những biện pháp mạnh để « thắng cuộc chiến » chống virus corona mới (2019-nCoV). Cùng lúc, chính quyền Bắc Kinh cố tỏ ra minh bạch trong việc xử lý khủng hoảng dịch tễ khi liên tục cập nhật số người chết, số ca mới bị nhiễm virus và những biện pháp được triển khai. Dù vậy, lời khẳng định « minh bạch » của Bắc Kinh không thuyết phục được cộng đồng quốc tế, cũng như người dân Trung Quốc.



Bắc Kinh dường như đã gây sức ép để Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) không ban bố cảnh báo nguy hiểm toàn cầu, không khuyến cáo các nước hồi hương công dân. Đối với Trung Quốc, phát biểu trên của giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus sau chuyến làm việc tại Trung quốc ngày 28/01/2020, là cái cớ để chỉ trích các nước phương Tây (Mỹ, Pháp, Đức) và Nhật Bản « thổi phồng vấn đề » khi tìm cách hồi hương (tự nguyện) kiều dân sống ở Vũ Hán.

Đối với các nước liên quan, đây là một biện pháp bảo vệ công dân, nhưng Bắc Kinh coi đây là một hành động « thiếu tin tưởng » vào cách quản lý khủng hoảng của Trung Quốc và như vậy, cô lập nước này. Công luận Trung Quốc sẽ đánh giá như thế nào nếu người nước ngoài ở Vũ Hán về nước ?

Ngoài ra, khi gây sức ép để Tổ Chức Y Tế Thế Giới không nâng mức nguy hiểm trên quy mô thế giới, Bắc Kinh muốn dịch bệnh chỉ nằm trong giới hạn quốc gia và như vậy, do Trung Quốc tự xử lý. Đây là cách đảng Cộng Sản khẳng định « khả năng chiến thắng cuộc chiến chống virus », theo phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng liệu người dân Trung Quốc có tin vào vai trò đầu tầu của đảng hay không ?

Thông tin bị khống chế

Trước tiên, phải nhắc lại là Bắc Kinh đã chờ đến hơn 6 tuần, kể từ khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm virus lạ (ngày 08/12/2019), để ban hành các biện pháp cần thiết, lý do là chính quyền địa phương che giấu thông tin và định để dịch tự suy yếu. Thậm chí, một ngày trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thừa nhận tình hình « nghiêm trọng » và virus corona « lan nhanh » (25/01/2020), thành phố Vũ Hán vẫn tổ chức một sự kiện lớn nhân dịp Tết nguyên đán với với khoảng 40.000 người tham dự.

Nhà báo Dorian Malovic, chuyên về khu vực Đông Bắc Á của nhật báo La Croix, nhận định với đài France 3 (28/01) : « Các bác sĩ và các nhà khoa học đã tìm cách báo động, nhưng tất cả mọi người trong chuỗi thông tin và lãnh đạo đều sợ thông báo tin xấu đến cấp cao nhất và trong thời gian chờ tin lên được trung ương thì dịch đã lan truyền ».

Tiếp theo, chính quyền trung ương kiểm soát mọi công tác truyền thông về dịch bệnh. Trang France Info (28/01) đăng lại lời cảnh báo của Zhangyi (tên đã được thay đổi), một người dân ở Vũ Hán, « Ngay từ đầu, chính phủ che giấu sự thật. Số người bị nhiễm virus và số người chết hoàn toàn sai ». Một đoạn video của một người được cho là bác sĩ ở Vũ Hán, đánh động cộng đồng quốc tế về mức độ nghiêm trọng ở Vũ Hán, « đã bị chính phủ xóa ».

Thêm vào đó, tâm lý sợ hãi ngự trị thành phố có đến 11 triệu dân. Vũ Hán trở thành thành phố ma. Bệnh viện « bị quá tải. Họ thiếu đủ thứ, từ giường bệnh đến trang phục bảo hộ, thậm chí cả xe cứu thương », theo tường thuật với nhật báo Libération của một nhân chứng khác, làm việc ở Thượng Hải, nhưng bị kẹt ở Vũ Hán theo lệnh cách ly đến ngày 02/02. Nhờ tiền quyên góp, người này mua dụng cụ y tế cho các bệnh viện xung quanh, trong đó có 500 bộ trang phục bảo hộ, « nhưng kiện hàng đã bị Nhà nước tịch thu ngay khi đến tỉnh. Vì đối với chính quyền, ưu tiên của hàng đầu là bảo vệ hình ảnh của những bệnh viện lớn ở Vũ Hán, theo kiểu : "Chúng tôi xử lý được, mọi chuyện đều ổn" ».

Ngoài ra, tình hình dịch virus corona chỉ được đưa tin một chiều. Truyền hình trung ương chỉ đưa những thông tin mang tính tuyên truyền như một bệnh nhân được điều trị khỏi virus corona mới, tặng hoa cảm ơn các bác sĩ, hoặc những phóng sự xúc động về đội ngũ bác sĩ quân y được điều đến vùng dịch. Còn để hiểu được cuộc sống hàng ngày của người dân Vũ Hán, thì phải thông qua các mạng xã hội. Một đoạn video, trong đó người dân mở cửa sổ hô và hát khích lệ nhau, cũng bị xóa. Chính quyền khuyến cáo không nên mở cửa sổ vì có nguy cơ nhiễm virus.

Theo thông tín viên Arnauld Miguet của đài France 2 tại Bắc Kinh, nhà báo nước ngoài thường trú ở Bắc Kinh « không được phép tiếp xúc với các nhà khoa học (Trung Quốc) để phỏng vấn về mức độ trung thực của các số liệu » do chính phủ công bố hàng ngày.

Hơn 50 triệu người dân Trung Quốc đang chịu cách ly, ít nhất cho đến ngày 02/02. Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, chính quyền che giấu thông tin trong suốt ba tháng, rồi đột ngột cách ly các vùng Nam Kinh và Thượng Hải, dẫn đến nhiều cuộc bạo động của người dân do cảm thấy bị bỏ rơi. Đối với dịch virus corona mới lần này, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, phân tích thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, nhận định : « nếu không được xử lý tốt, thì đảng sẽ mất tính chính đáng, và không chỉ Tập Cận Bình, mà toàn bộ đảng Cộng Sản có thể bị mất uy tín vì không có khả năng bảo vệ người dân Trung Quốc ».
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top