Tôi không có liên quan với Virus Corona.... Phương Trần/ Phương Tôn dịch 

Phương Trần/ Phương Tôn dịch 

 
Lời người dịch: Tôi chọn dịch bài viết này vì biết tác giả là một cô gái trẻ sinh trưởng tại Đức, được giáo dục, ăn học cao và thành công trên xứ Đức. Nói như vậy không phải vì thấy “người sang bắt quàng làm họ” nhưng vì có chủ đích muốn đề cập đến. Có thể nói, có hàng nhiều triệu người Đức cũng không thể có văn hóa Đức cao so với cô tác giả này. Cô ta là một người Đức có tính chất đức hơn cả người Đức. Dù vậy, chỉ trong một thời gian thật ngắn kể từ dịch Corona bùng phát, chưa đầy hai tháng, từ một người Đức gốc Việt thành công (còn hơn Đức) tác giả lại cảm thấy “Ồ thì ra mình chỉ là một người nước ngoài, một công dân hạng hai!”
Không riêng tác giả bài viết mà hầu hết những người Việt có tự trọng, hiểu biết thời cuộc đang sống ở nước ngoài đều cùng có cảm giác như tác giả, cảm giác không thoải mái trên đất người dù không thường xuyên xảy ra.
Trong thời gian hiện nay, không riêng tại Pháp hay tại Đức mà ngay cả tại Úc, tại Mỹ tình trạng phân biệt người da màu nói chung và người châu Á nói riêng lại càng trầm trọng hơn nữa, dù không cần đến khi dịch Corona Virus bùng phát. Một điều thật khó hiểu, không lý giải được là làm sao một người da màu có tự trọng, thí dụ như những người Mỹ da vàng (gốc Việt) dù là trí thức hay không, dù có bằng cấp cao hay không, dù đã sống lâu hàng chục năm hay vừa đặt chân lên trên đất Mỹ có thể sống thoải mái, hạnh phúc, tự hào là công dân của một đất nước khi một tổng thống đương nhiệm trong cuộc vận động ứng cử cho nhiệm kỳ hai, khích động cử tri điên cuồng theo ông ta bằng cách hào hứng đọc bài thơ được phổ nhạc “The snake”.
Những người yêu nhạc Soul không lạ với chàng ca sĩ da đen Al Wilson với bản nhạc nỗi tiếng “The snake” (con rắn) vào năm 1968. Lời bài hát do Oscar Brown (qua đời vào năm 2005), một người hoạt động dân quyền, chống phân biệt chủng tộc, người luôn đoàn kết bảo vệ người da màu viết lấy cảm hứng từ truyện ngụ ngôn “The Farmer and the Viper” (Người nông dân và con rắn) của Aesop. Kể về một người phụ nữ tốt bụng vào một buổi sáng trên đường đi làm tìm thấy một con rắn bị đông lạnh trên mặt đường. Con rắn mở lời cầu xin người phụ nữ mang nó về nhà và chăm sóc cho nó. Bà ta đưa con rắn về nhà để chăm sóc nó. Vào buổi tối, khi trở lại nhà sau giờ làm việc, bà thấy rằng con rắn giờ đã hồi sinh trở lại. Cảm thấy hạnh phúc, bà liền ôm thật chặt và hôn lên đầu nó. Tuy nhiên, con rắn thực sự hung dữ và cắn người phụ nữ, tiêm chất độc vào người bà ta. Bà hỏi con rắn tại sao lại cắn mặc dù bà đã cứu và chăm sóc nó. Con rắn liền trả lời: “Im đi người phụ nữ ngốc nghếch! Bà biết rất rõ tôi là một con rắn trước khi bà đưa tôi vào nhà mà!”
Câu chuyện ngụ ngôn chỉ có như vậy. Nhưng được Trump, một người theo đuổi một chính sách về chủ nghĩa tự cô lập, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính, trái ngược hoàn toàn với những gì Oscar Brown đã từng thực hiện, diễn giải theo chủ đích của ông ta, cho rằng con rắn là những di dân da màu, không phải chỉ là một nhóm người mà tất cả người di dân, dưới mắt ông ta là những kẻ buôn ma túy, là những tên hiếp dâm, là những tên giết người, những người ăn bám xã hội được người Mỹ da trắng nhắm mắt rước vào Mỹ. Trên bục cao Trump hào hứng đọc thơ “The snake”, đám người cuồng Trump bên dưới, hào hứng reo hò và làn sóng phân biệt chủng tộc dâng cao: “Hãy đập dập đầu những con rắn đang tàn phá đất nước ta” (sic).
Lạ lùng thay, lẫn trong đám người da trắng phân biệt chủng tộc đó lại có không thiếu hoặc có thể nói là rất nhiều những “con rắn da vàng” đầy bằng cấp, có địa vị trong xã hội đang hân hoan, hãnh diện chọn đứng về phía những tên vô lại sẵn sàng tìm cách tiêu diệt chính mình và người đồng hương của mình. Những người được gọi là trí thức da vàng đó làm như cho rằng, khi bọn da trắng phân biệt chủng tộc đi đập đầu những “con rắn” chúng sẽ phân biệt được ai là người tôn thờ Trump, ai không. Họ quên rằng, trong sinh vật học người ta có thể phân biệt được con rắn độc và con rắn hiền ở cái đầu có hình tam giác trong khi những “con rắn” có theo Trump hay không, vẫn là mũi tẹt da vàng. Bọn chúng chủ trương, nói theo kiểu trùm Cộng Sản Đặng Tiểu Bình, tên tội đồ đã từng ra lệnh giết hàng ngàn sinh viên người Tàu: “Rắn đen hay rắn vàng vẫn là rắn, miễn đánh cho dập đầu là được.”
Vậy đó, dịch Corona là một thảm họa của loài người nhưng cũng có mặt tích cực của nó, là cơ hội cảnh tỉnh để những “con rắn” đừng tự cắn vào cái đuôi của mình.
***
Đức là quê hương của tôi. Đó luôn luôn là chuyện đương nhiên.
Cha mẹ tôi đến CHDC Đức vào những năm 1980 với tư cách là người lao động hợp đồng Việt Nam. Ông bà đã sống và làm việc ở Đức trên 30 năm – hài lòng, hầu như không đòi hỏi gi hơn. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, là một lớp trưởng tại một trường trung học ở Thüringen, học đại học tại Franconia Bavaria và tìm được việc làm ở Hamburg.
Có thể nói rằng, gia đình tôi và tôi là một ví dụ điển hình của hội nhập. Là người Việt-Đức, tôi có cảm giác, trong vòng bạn bè và người quen không ai thắc mắc gì về tôi. Tôi sống theo các cấu trúc Đức, trong tôi là sự hòa hợp giữa giáo dục theo kiểu Việt Nam của cha mẹ tôi và cuộc sống của Đức. Tôi thuộc về nơi này – còn nơi nào khác hơn?
Khi nghe về sự bùng phát của virus corona, ban đầu với tôi, đó là một bản tin như đối với mọi người khác. Tôi nghĩ: “Những người khốn khổ.” Khi những trường hợp đầu tiên được biết đến ở Đức: “Được rồi, đừng hoảng sợ.” Khi WHO tuyên bố virus là một trường hợp khẩn cấp quốc tế: “Bây giờ người ta phải tìm giải pháp toàn cầu”.
Nhưng đến một lúc nào đó tôi nhận ra rằng, đó không phải là một bản tin như đối với những người khác nữa.
Bởi vì virus xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố triệu dân Vũ Hán của Trung Quốc (chứ không phải ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc hay Pháp), nên các bình luận trên Facebook và các cuộc trò chuyện trên tàu điện ngầm nhanh chóng đã trộn lẫn những lời phân biệt chủng tộc. Trên Instagram và trong Memes, tôi thấy những định kiến lỗi thời đối với người châu Á được ngụy trang như những trò đùa: “vệ sinh thì trước sau gì cũng không được đề cập ở đó”, hoặc: “Không có gì lạ, với những gì họ ăn”.
Rồi đến khi tôi cũng đã nghe về những cuộc đối đầu thực tế: những người đi đường quay quay mặt đi với những người trông giống người châu Á ở khu vực dành cho người đi bộ, kéo khăn quàng cổ hoặc cổ áo của họ che mặt để khỏi bị lây nhiễm (theo Tagesspiegel). Hoặc với những sinh viên Trung Quốc đang bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ trong bệnh viện.
Và bổng nhiên nẩy lên một cảm giác được chôn sâu trong người: sợ hãi.
Nỗi sợ, mọi người sẽ phóng chiếu rọi vào tôi. Nỗi sợ hãi được biểu hiện một cách kỳ dị.
Không riêng bản thân, mà tôi còn lo lắng cho gia đình và những người xung quanh. Bố tôi hiện có một vài cuộc hẹn trong bệnh viện. Điều gì xảy ra nếu các bác sĩ không điều trị tốt cho ông? Một người bạn là chủ một nhà hàng. Nếu không ai muốn ăn ở đó nữa thì sao? Nếu ác cảm biến thành cấu trúc phân biệt chủng tộc, sự tồn tại có thể nhanh chóng bị đe dọa.
Nghe những bình luận xúc phạm và đọc những lời phân biệt đối xử không che đậy mở ra những vết thương cũ. Nhiều người có lẽ không thể tưởng tượng được cảm giác khi lớn lên trong một xã hội mà người ta liên tục bị nhắc nhở về việc được cho là khác biệt với những người khác.
Luôn luôn xảy ra lại việc một người không quen, họ không nói với tôi, mà với bạn bè: “Cô ấy thực sự đến từ đâu? Cô ấy có thể nói tiếng Đức không?” – mặc dù khi đó tôi ở ngay bên cạnh. Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc nhục nhã khi một người bạn được hỏi liệu tôi có phải là vợ anh ta không. Người đàn ông Đức và vợ người Thái, một định kiến kinh tởm.
Trong cuộc sống hàng ngày may mắn thay, tôi hiếm khi gặp phải những định kiến như vậy. Nhưng kể từ khi xảy ra Corona tôi lại nhận ra: Chúng vẫn ở đó – và đôi khi còn thù địch hơn, như tôi nghĩ.
Không phải mọi người châu Á là người Tàu, không phải mỗi một phụ nữ người Tàu trong thời gian vừa qua đều ở Trung quốc. Không phải người Tàu nào ở đó cũng bị lây nhiễm bệnh.
Ở Đức tin cập nhật, có 16 trường hợp được khai báo, trong đó 14 người thuộc nhóm làm việc của công ty Webasto và 2 người được máy bay đưa về từ Wuhan. Tất cả là người Đức. (theo Süddeutsche.de)
Truyền thông đưa tin về virus corona đóng góp một phần để khuấy động nỗi sợ hãi và phân biệt chủng tộc.
Tờ báo “Bild” đưa tin với tiêu đề “Tôi vẫn có thể ăn ‘bánh quy may mắn’?”. Tờ “Frankfurter Rundschau” đã nói về “virus tử thần đến từ vùng đất của những người ăn dơi”, ám chỉ hành vi ăn uống được cho là kỳ lạ của người Tàu. Tờ bìa tạp chí “SPIEGEL” cho thấy hình ảnh một người châu Á trong bộ đồ bảo hộ màu đỏ tươi cộng thêm mặt nạ phòng độc, iPhone và bộ nghe với tiêu đề, “Made in China”, dấy lên ấn tượng rằng người Trung Quốc cố tình gửi virus ra toàn thế giới. (ngay chính người Việt cũng không thiếu những lối nói đùa mang tính kỳ thị chủng tộc như vậy – ghi thêm của người dịch)
Người châu Á hiếm khi được nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông Đức. Nếu xuất hiện, thì lại liên quan đến “bệnh tật”, “dịch bệnh” và “nguy hiểm chết người”, không có gì lạ khi người ta có phản ứng nghi ngại.
Tại sao tôi phải cảm thấy bị nói đến khi virus bùng phát ở một địa điểm cách xa 8000 km?
Điều đó có liên quan gì đến tôi? Và tại sao tôi lại thấy mình trong một cuộc tranh luận trong đó tôi phải chọn đứng về một phía – mặc dù không có phía nào cho tôi cả?
Có lẽ ngây thơ – nhưng tôi thực sự nghĩ rằng có thể chúng ta đã quá trớn. Thay vì thể hiện lòng trắc ẩn, đoàn kết và giữ bình tĩnh trong tình trạng khủng hoảng, mọi người bị hướng dẫn bởi những nỗi sợ hãi phi lý và bị chia rẻ cách biệt vì màu da và quốc tịch của họ.
Đức là quê hương của tôi và sẽ mãi như vậy. Nhưng trong những lúc như thế này, tôi nhận ra rằng quê hương này có thể chống lại tôi bất cứ lúc nào.
Đó là sự gục ngã mà tôi gặp phải nhiều nhất. Tôi không biết làm thế nào để có hành động và phản ứng tương xứng. Làm thế nào để sống với những cảm giác mơ hồ. Tôi có thể cảm thấy thoải mái ở đất nước này, có hay không? Tôi có thể hạnh phúc ở đây không?
Nhưng một lần nữa: tôi thuộc về nơi này – còn nơi nào khác?
Phương Tôn dịch
Tháng 2. 2010
 
Nguồn:
https://www.bento.de/gefuehle/corona-virus-wie-es-rassismus-offenbart-a-8a8f30bd-9126-461d-877a-6ff7da4b3be7#refsponi
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top