Người Việt ở Pháp cần lưu ý khi xử dụng  PARACETAMOL, dược phẩm được người Pháp chuộng nhất

Người Vit Pháp cn lưu ý khi x dng

 PARACETAMOL,

dược phẩm được người Pháp chuộng nhất



Mỗi năm, các hiệu thuốc tại Pháp bán tổng cộng một tỉ hộp thuốc có chứa Paracetamol. commons.wikimedia.org

(RFI) Nhằm tránh tình trạng khan hiếm thuốc hiện đang rất cần trong mùa dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn dược phẩm (ANSM) ngày 18/03/2020 thông báo hạn định mức bán thuốc từ 1-2 hộp Paracetamol/người, tùy theo việc có dấu hiệu sốt hay không và ngưng bán thuốc trên mạng. Tại Pháp, thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol là loại dược phẩm « ngôi sao » trong các hiệu thuốc. (Tạp chí phát lần đầu ngày 21/08/2020).

Có thể nói, Paracetamol là loại thuốc được người Pháp chuộng nhất. Mỗi năm, các hiệu thuốc bán được tổng cộng một tỉ hộp thuốc có chứa Paracetamol.

Theo thống kê, có đến 200 loại thuốc chỉ chứa Paracetamol, hoặc phối hợp Paracetamol và các hoạt chất khác, phổ biến nhất là các loại thuốc Doliprane, Efferalgan, Fervex, Dafalgan. Lượng thuốc Paracetamol đã tăng 53% trong vòng 10 năm qua, và 84% lượng thuốc được bán cho những người không có đơn thuốc của bác sĩ.

Mặc dù được coi là loại thuốc giảm đau, hạ sốt hiệu quả, ít tác dụng phụ, rẻ tiền, dùng được cho cả trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, nhưng nếu vô tình dùng quá liều, Paracetamol sẽ gây những hậu quả khủng khiếp không thể khắc phục, vĩnh viễn phá hủy lá gan người dùng chỉ sau 24-48 giờ, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được ghép gan kịp thời.

Ghi nhận của Trung tâm chống độc Paris cho biết số vụ ngộ độc thuốc Paracetamol do uống quá liều nhiều đứng hàng thứ hai chỉ sau các vụ ngộ độc thuốc bromazépam, loại thuốc vốn dùng để ngăn ngừa và điều trị một số rối loạn về cảm xúc như căng thẳng, lo âu, mất ngủ, trầm cảm… Dùng Paracetamol quá liều cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ghép gan, bị tổn thương vì dùng thuốc.

Điều đáng ngại là dù dùng nhiều thuốc Paracetamol, nhưng người dân Pháp không ý thức được về mối nguy đó. Theo một khảo sát hồi năm 2017 của khoa Y, đại học Nancy, các câu trả lời của 19,1% người bệnh cho thấy họ đối mặt với nguy cơ vô tình dùng Paracetamol quá liều.

Để hạn chế rủi ro cho người dùng, đầu tháng 07/2019, Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn dược phẩm (ANSM) yêu cầu các hãng dược phẩm ghi chú trên mặt trước vỏ hộp thuốc có chứa Paracetamol : « Quá liều = Nguy hiểm. Uống thuốc quá liều có thể phá hủy gan ». Các hãng dược có 9 tháng để thực hiện quy định mới của ANSM.

Nhân dịp này, RFI Việt ngữ có cuộc trao đổi với ông Nicolas Authier, trưởng khoa Dược, bệnh viện đại học Y Clermont- Ferrand (Puy-de-Dôme), chủ tịch Đài quan sát thuốc giảm đau (OFMA) của Pháp về những nguy cơ khi dùng thuốc Paracetamol quá liều và các biện pháp phòng tránh.

RFI : Paracetamol có phải là loại thuốc được người dân Pháp tiêu thụ nhiều nhất ? Tại sao Paracetamol lại được ưa chuộng như vậy ?

Nicolas Authier : « Vâng, đúng là Paracetamol là loại dược phẩm được người Pháp tiêu thụ nhiều nhất, kể cả do bác sĩ kê toa hay do người dân tự ý mua thuốc về uống. Số lượng Paracetamol bán ra trên thị trường đã tăng từ nhiều năm nay, nhất là từ năm 2011 sau khi một loại thuốc giảm đau khác là dextropropxyphène không còn được lưu thông trên thị trường. Paracetamol là thuốc giảm đau không chỉ được nhiều người Pháp lựa chọn nhất, mà còn được nhiều bác sĩ kê toa nhất khi người bệnh có cơn đau nhẹ hay đau ở mức độ vừa.

Vào năm 2018, theo kết quả một nghiên cứu của Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn dược phẩm (ANSM), lượng thuốc chỉ chứa hoạt chất Paracetamol và dành cho người lớn bán được đã tăng 140% từ năm 2004 đến năm 2015. Các loại thuốc giảm đau kết hợp Paracetamol với hoạt chất tramadol hoặc codéine cũng tăng lần lượt 62% và 42% trong giai đoạn này.

Theo Đài quan sát của Pháp về các loại thuốc giảm đau (OFMA), trong năm 2018, trên 50% người Pháp đã ít nhất một lần được bác sĩ kê thuốc chỉ chứa hoạt chất Paracetamol và được bảo hiểm y tế hoàn tiền.

Điều có thể giải thích phần nào việc tại sao bác sĩ lại hay kê thuốc Paracetamol cho người bệnh và tại sao nhiều người tự ý mua Paracetamol về dùng, là tính an toàn của thuốc, vì rất ít người được ghi nhận là có phản ứng phụ khi dùng Paracetamol, đương nhiên là khi họ không dùng thuốc quá liều ».

RFI : Thuốc Paracetamol có tác dụng phụ hay gây biến chứng gì không ? Nếu dùng thuốc quá liều thì hậu quả sẽ ra sao ? Có nguy hiểm lắm hay không ?

Nicolas Authier : « Vâng, cũng giống như mọi loại thuốc, Paracetamol có thể có tác dụng phụ nhưng rất ít và hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Tất nhiên là trừ trường hợp dị ứng thuốc (nếu bị dị ứng thuốc Paracetamol thì không nên dùng tiếp) và trường hợp uống thuốc quá liều.

Biến chứng nguy hiểm nhất khi dùng Paracetamol xuất hiện trong trường hợp uống thuốc quá liều, tức là khi vượt quá liều tối đa 3-4g/ngày theo khuyến cáo. Paracetamol thường chuyển hóa một phần thành một chất mới độc hại cho tế bào gan. Nếu dùng theo đúng liều khuyến cáo, chất độc này sẽ được đào thải ra khỏi gan một cách tự nhiên nhờ một chất khác có trong cơ thể chúng ta, đó là chất glutathione.

Nhưng nếu dùng thuốc quá liều, lượng chất độc được chuyển hóa từ thuốc Paracetamol quá lớn, cơ thể sẽ không thể vô hiệu hóa và đào thải chúng. Các chất độc đó sẽ gây hại cho các tế bào gan. Các tế bào gan bị phá hủy nhanh chóng, có thể dẫn đến suy gan cấp.

Nếu không được chữa trị nhanh chóng bằng thuốc, nhất là trong vòng 8 giờ sau khi dùng Paracetamol quá liều, gan có thể bị tổn thương vĩnh viễn và bệnh nhân chỉ có thể sống sót nếu được ghép gan. Có một phương thuốc giải độc khi dùng Paracetamol quá liều, đó là dùng thuốc N Acétyl cystéine. Thuốc này có tác dụng ngưng việc gan bị phá hủy và hỗ trợ việc đào thải chất độc sinh ra từ Paracetamol ».

RFI : Người dân Pháp dùng nhiều thuốc Paracetamol nhưng họ có am hiểu về loại thuốc giảm đau, hạ sốt này không ? Nguy cơ dùng thuốc quá liều hay bị xem thường ?

Nicolas Authier : « Tất nhiên là cần phải tăng cường thông tin cho người Pháp, nhất là để giúp họ thay đổi thói quen tự ý mua thuốc về uống và có nguy cơ uống Paracetamol quá liều. Cần thông tin cho bệnh nhân là họ nên nhanh chóng ngưng dùng thuốc nếu liều 3-4g/ngày không làm giảm cơn đau và cần đi khám bệnh để đổi thuốc.

Đa số người Pháp đều dự trữ thuốc Paracetamol trong tủ thuốc khiến việc đánh giá và phòng ngừa nguy cơ dùng thuốc quá liều trở nên khó khăn hơn. Điều này cho thấy cần tăng cường thông tin trực tiếp tới người sử dụng thuốc ».

RFI : Ai dễ có nguy cơ dùng Paracetamol quá liều, bị ngộ độc thuốc ?

Nicolas Authier : « Đúng là có một số người dễ gặp nguy cơ bị tác dụng phụ ngoài mong muốn hoặc vô ý dùng thuốc quá liều. Chẳng hạn với người cao tuổi, những người suy dinh dưỡng hoặc cơ thể mất nước, những người mắc bệnh gan hoặc thường xuyên uống rượu, cũng như những người suy thận nặng. Đối với những bệnh nhân này, khoảng cách giữa hai lần uống thuốc cần được kéo dài hơn và liều uống một ngày cũng phải giảm đi.

Thông tin cảnh báo về nguy cơ uống thuốc quá liều được ghi trên vỏ hộp thuốc chứa hoạt chất Paracetamol hoặc có chứa Paracetamol kết hợp với hoạt chất khác, nên khi bán thuốc cho người bệnh thì nhà thuốc cần lưu ý họ là không vứt bỏ vỏ hộp thuốc để lúc nào uống thuốc người bệnh cũng nhìn thấy thông điệp cảnh báo phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ.

Các bậc phụ huynh khi cho con uống thuốc thì cũng không nên để lẫn ống đo liều lượng thuốc Paracetamol ở dạng lỏng với ống đo liều lượng thuốc của các loại thuốc nước, chẳng hạn thuốc ibuprofène hoặc một số loại thuốc kháng sinh, để tránh mọi nguy cơ cho trẻ uống thuốc nhầm liều lượng.

RFI : Đâu là những quy tắc khi dùng Paracetamol để tránh uống thuốc quá liều ?

Nicolas Authier : « Các quy tắc để dùng thuốc Paracetamol đúng liều thì khá đơn giản. Trước tiên, và nhất là đối với trường hợp người dân tự mua thuốc về uống, đây là những trường hợp phổ biến nhất, cần bắt đầu dùng thuốc với liều khởi đầu thấp nhất, tức là 500 mg, và không bao giờ vượt quá liều 1g, tức là 1.000mg cho mỗi lần uống thuốc. Chúng ta cũng không được vượt quá liều 3g/ngày khi tự mua thuốc về uống mà không có đơn của bác sĩ.

Khi uống thuốc mà cơn đau không thuyên giảm thì phải đi khám bác sĩ. Nên đợi 4-6 tiếng rồi mới uống thuốc tiếp. Chúng ta cũng phải kiểm tra để biết chắc chắn là không dùng đồng thời nhiều loại thuốc có chứa Paracetamol, để đảm bảo không uống quá 3g/ngày. Và tất nhiên là cần tránh uống rượu khi đang điều trị bằng thuốc Paracetamol và không bao giờ uống thuốc quá 5 ngày nếu đó là tự ý mua thuốc mà không có đơn của bác sĩ.

Cũng không thể vì thấy cơn đau và sốt không thuyên giảm, vì Paracetamol cũng dùng để hạ sốt, mà chúng ta dùng thuốc với liều mạnh hơn hoặc tăng lượng thuốc lên thành quá 4g/ngày. Nếu thấy thuốc không hiệu quả ngay từ ngày đầu tiên dùng thuốc, thì nên đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa, tùy trường hợp cụ thể ».

Theo TẠP CHÍ XÃ HỘI 
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top