ĐIỂM TIN THẾ GIỚI SÁNG 3/2

 
Luận tội không làm thay đổi thái độ của người Mỹ với ông Trump

Một cuộc thăm dò của NBC News / Wall Street Journal cho thấy người dân Mỹ phản đối việc loại ông Trump khỏi Nhà Trắng, theo USA Today.
USA Today nhận định, quá trình luận tội dường như không ảnh hưởng gì tới quan điểm của người dân Mỹ đối với Tổng thống Trump, bằng chứng là con số thăm dò giữ ở mức gần như không thay đổi so với các cuộc khảo sát trước đây của NBC News / Wall Street Journal. Cụ thể, 46% người Mỹ được hỏi cho biết họ tán thành những việc làm của ông Trump và 51% có ý kiến ngược lại.
“Chúng ta đã trải qua một cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện, một phiên tòa tại Thượng viện và thái độ của người Mỹ về Donald Trump hầu như không thay đổi”, người tổ chức cuộc thăm dò, ông Jeff Horwitt, người ủng hộ đảng Dân chủ, cho biết.
Điều “trớ trêu” với những người ủng hộ đảng Dân chủ là quá trình luận tội lại đang khiến những người ủng hộ Tổng thống Trump càng thêm yêu mến ông hơn. 36% người được hỏi cho biết họ “mạnh mẽ” tán thành thành tích của ông Trump, con số cao nhất trong các cuộc thăm dò kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ. Trong khi đó, 33% người Mỹ cho biết họ có cảm xúc “rất tích cực” đối với ông Trump, đây cũng là một mức cao mới dành cho vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp Trung Quốc khốn đốn vì virus Vũ Hán
Các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về tác động của sự bùng phát dịch virus Vũ Hán, sợ rằng doanh nghiệp của họ sẽ phải phá sản nếu như đại dịch đang diễn ra không được kiểm soát sớm, theo bản tin hôm thứ Hai (3/2) của SCMP.
Các doanh nghiệp cần nhiều lao động đang lo lắng nhất vì chính quyền địa phương đã ra yêu cầu hạn chế tập trung đông người để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán, điều này ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất của họ. Các cửa hàng nhỏ, nhà hàng và các công ty hậu cần địa phương cũng đang chịu sức ép lớn từ sự kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, nhiều cơ sở kinh doanh thuộc nhóm này nói rằng họ chỉ có thể cầm cự trong hai hoặc ba tháng trước khi buộc phải đóng cửa mãi mãi.
Theo cập nhật mới nhất của SCMP, tính tới hết ngày Chủ nhật, có thêm 55 người thiệt mạng vì virus Vũ Hán, đưa số người chết vì loại virus nguy hiểm này lên 361 người (360 người ở Trung Quốc), và 16,762 ca nhiễm bệnh (16,582 ca ở Trung Quốc), tăng hơn 2000 ca so với một ngày trước. Số người chết và số ca nhiễm bệnh mới đã tăng mạnh so với con số thống kê được báo cáo hôm Chủ nhật.

Ngoại trưởng Mỹ thúc giục Kazakhstan gây sức ép với Trung Quốc

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, hôm Chủ nhật (2/2), đã kêu gọi Kazakhstan hãy cùng với Washington gây sức ép để buộc Bắc Kinh phải thay đổi cách đối xử với người Hồi giáo ở Trung Quốc, theo Reuters.
Phát biểu trong chuyến thăm quốc gia từng là thành viên của Liên Xô, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã nêu ra vấn đề này trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Kazakhstan, Mukhtar Tleuberdi.
“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề buôn bán người và tình cảnh của hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ ở Tân Cương, ngay bên kia biên giới với Kazakhstan”, ông Pompeo nói. “Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các nước tham gia với chúng tôi trong việc gây sức ép để chấm dứt ngay lập tức đối với sự đàn áp này. Chúng tôi đề nghị đơn giản là họ [Kazakhstan] hỗ trợ nơi ẩn náu an toàn và quy chế tị nạn cho những người tìm cách chạy trốn khỏi Trung Quốc”.

Ả Rập Xê Út cấm Iran tham gia hội nghị của OIC

Ả Rập Xê Út đã không cho phép một phái đoàn Iran tham dự một hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra vào thứ Hai (3/2) tại nước này. Hội nghị của OIC dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Trung Đông, theo Reuters.
Chính quyền Ả Rập Xê Út đã không cấp thị thực cho phái đoàn Iran, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Mousavi, nói.
Ông Mousavi cho hay, Iran đã đệ đơn khiếu nại lên OIC và cáo buộc Ả Rập Xê Út lạm dụng vai trò chủ nhà của hội nghị. Hiện phía Ả Rập Xê Út chưa đưa ra bình luận nào về việc này.

Cảnh sát Anh bắn chết người đàn ông đâm hai người trên phố

Hôm Chủ nhật (2/2), Cảnh sát Anh đã bắn chết một người đàn ông đâm hai người trên một con phố đông đúc ở phía Nam London. Người bị bắn chết được cho là một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, theo Reuters.
Cảnh sát cho biết trong một tuyên bố rằng một thiết bị dùng cho hoạt động khủng bố đã được tìm thấy trên xác người đàn ông đâm người trên phố.
“Vụ việc đã nhanh chóng được xác định là một vụ khủng bố và chúng tôi tin rằng nó liên quan đến Hồi giáo [cực đoan]”, ông Lucy DémOrsi, một quan chức cảnh sát của Metropolitan, nói.

Dịch virus corona ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào?

 
Khu nghỉ dưỡng The Venetian Macao
 
Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang lao đao do phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc hay chuỗi cung ứng của nước này, khi người dân Trung Quốc bị hạn chế rời khỏi đất nước cũng như các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn bởi dịch virus corona.
Những gì hiện đang xảy ra ở Trung Quốc ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế thế giới so với đại dịch SARS gây ra gần hai thập niên trước. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, vào năm 2003, Trung Quốc chiếm 4,3% sản lượng kinh tế thế giới, nhưng vào năm 2019, nước này chiếm 16,3%. 
Ngành du lịch chịu thiệt hại lớn
Theo AP, khách sạn, hãng hàng không, sòng bạc và du lịch bằng du thuyền là những ngành chịu hậu quả nặng nề nhất trong đợt dịch bệnh, đặc biệt khi sự bùng phát lại xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán, một trong những mùa du lịch lớn nhất ở châu Á.
Theo Reuters, đến nay, ít nhất 29 hãng hàng không dừng, hủy hoặc hoãn các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, trong đó có các hãng của Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Anh, Việt Nam.
Số lượng khách du lịch Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng trước khi bùng phát dịch virus corona, một phần do các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng theo các số liệu chính thức, khoảng 134 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài vào năm 2019, tăng 4,5% so với năm 2018.
Khách du lịch Trung Quốc tại Mascow, Nga (ảnh: Oleg Afonin/Flick).
Trước khi bùng phát dịch bệnh, Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc (China Outbound Tourism Research Institute) dự đoán sẽ có khoảng 7 triệu công dân nước này ra nước ngoài đón Tết Nguyên đán năm 2020, tăng từ 6,3 triệu người vào năm 2019.
Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam là những điểm đến hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc. Họ cũng đem doanh thu lớn cho các thành phố như London, Milan, Paris và New York. Các quan chức kinh tế và ngành du lịch cho biết khi dịch bệnh bùng phát thì kinh tế của các nước láng giềng gần Trung Quốc nhất sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và châu Âu có khả năng phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế lớn khi dịch bệnh kéo dài.
Thái Lan, một điểm đến yêu thích cho du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng vào năm nay, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến nước này dường như nhỏ hơn nhiều so với Tết các năm trước. Các quan chức ước tính nước này có khả năng mất 50 tỷ baht (1,6 tỷ USD) doanh thu do dịch bệnh.
Khách từ Trung Quốc đại lục đến Ma Cao, nơi có nhiều sòng bạc đã giảm 80% vào ngày 26/1 so với một năm trước. Điều này được cho là mối đe dọa đối với kinh tế khu vực khi Ma Cao có nguồn thu chính đến từ kinh doanh sòng bạc.
Cổ phiếu của khu nghỉ dưỡng Wynn, Las Vegas Sands, khu nghỉ dưỡng quốc tế MGM hoạt động tại Ma Cao đã giảm lần lượt là 18,3%; 14,6% và 12,1% kể từ ngày 17/1.
Khi nhiều người đang kỳ vọng lượng khách Trung Quốc đến Hoa Kỳ sẽ tăng trở lại sau hai năm thương chiến Mỹ – Trung, thì dịch bệnh viêm phổi lại xảy ra. Các doanh nghiệp du lịch ở Trung Quốc được yêu cầu hủy bỏ chuyến đi theo nhóm, và chính quyền địa phương đang hạn chế việc đi lại từ Vũ Hán, cũng như theo dõi chặt chẽ các du khách khác và hỗ trợ việc sơ tán một số người nước ngoài bị mắc kẹt ở khu tâm điểm của dịch bệnh.
Tuy nhiên, các quan chức ngành du lịch cho biết còn quá sớm để kết luận liệu dịch bệnh có ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng hay không. Điều này phụ thuộc đáng kể vào việc dịch bệnh kéo dài bao lâu và liệu chính phủ Trung Quốc có áp đặt sự hạn chế đi lại đến các thành phố lớn như Thượng Hải hay không.
“Bất cứ điều gì xảy ra trong một thời gian dài, rõ ràng sẽ có tác động đáng kể”, Chris Heywood, phát ngôn viên của NYC & Company, tổ chức du lịch chính thức của thành phố New York cho biết. “Đối với chúng tôi, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ quan trọng”.
Ông Heywood cho biết du khách Trung Quốc là thị trường khách nước ngoài lớn thứ hai đến New York, chỉ sau Anh. Vào năm 2018, gần 3 triệu người Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ, chi hơn 36 tỷ USD.
Theo AP, người Trung Quốc du lịch đến các nước khác đã tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Ở Anh, lượng người Trung Quốc đến nước này đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2010, và lượng chi tiêu cho mỗi lần du lịch chỉ đứng thứ hai sau du khách đến từ Trung Đông, trung bình khoảng 2.200 USD trong năm 2018.
Các công ty toàn cầu đối mặt với sự gián đoạn hoạt động
Theo Jake Parker, phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung, không chỉ ngành du lịch, các công ty toàn cầu cũng đang đối mặt với sự gián đoạn ở mức độ khác nhau, trong đó có vấn đề về chuỗi cung ứng hay tạm thời đóng cửa một số cửa hàng bán lẻ và nhà máy, cũng như nhiều thách thức khác. Ông nói thêm, nếu kỳ nghỉ kéo dài hoặc các biện pháp hạn chế đi lại của chính phủ Trung Quốc mở rộng, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều công ty lớn của Mỹ, từ ngành giải trí cho đến công nghiệp ô tô, bán lẻ đã tạm dừng hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động tại Trung Quốc để đối phó với sự bùng phát của virus corona.
Các gã khổng lồ công nghệ cũng tạm dừng kinh doanh ở Trung Quốc. Theo Bloomberg, ngày 1/2, Apple thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng, văn phòng và trung tâm liên lạc của hãng tại Trung Quốc cho tới hết ngày 9/2.
Không chỉ các doanh nghiệp Mỹ, nhiều công ty khác trên thế giới cũng có động thái tương tự.
Theo New York Times, Ikea, gã khổng lồ ngành bán lẻ của Thụy Điển với khoảng 14.000 lao động Trung Quốc, hôm 29/1 cũng cho hay họ sẽ tạm thời đóng cửa gần một nửa trong số 30 cửa hàng ở nước này.
Hãng ô tô Nissan của Nhật dự kiến đóng cửa nhà máy đến hết tuần sau, trong khi Toyota cho biết một số nhà máy sẽ nghỉ thêm một tuần.
Nhà sản xuất ôtô Pháp PSA Group hôm 27/1 cho biết họ đã thiết lập đường dây liên lạc khủng hoảng giữa Vũ Hán và trụ sở tại Paris, nhằm xác định tác động tiềm tàng tới việc sản xuất. Công ty này tuyển dụng khoảng 2.000 lao động người Vũ Hán thông qua các liên doanh.
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top