Mỹ, Singapore, Úc và Đài Loan cho rằng người nào khỏe thì không cần đeo khẩu trang. Trong hình, công nhân đang sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Bangkok, Thái Lan. (Hình minh họa: Jonathan Klein/AFP via Getty Images)
Nhà máy trên khắp Trung Quốc đang chạy đua sản xuất khẩu trang để cố ngăn virus Corona lây lan.
Chính phủ Trung Quốc đã hối thúc các nhà sản xuất nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh.
Công nhân các nhà máy đang phải làm việc đến mệt mỏi.
Chị Wang Xiaoming, công nhân nhà máy, nói: “Mỗi ca tôi phải làm 25,000 cái. Mệt lắm, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Chúng tôi phải sản xuất thêm khẩu trang.”
Theo Bộ Kỹ Nghệ và Công Nghệ Thông Tin Trung Quốc, hiện nay, nước này làm ra hơn tám triệu khẩu trang một ngày.
Con số này chỉ đạt 40% sản lượng hằng ngày bình thường của Trung Quốc là 20 triệu cái, vì đây là thời gian nghỉ Tết.
Khi công nhân trở lại làm việc sau Tết, sản lượng dự trù sẽ tăng mạnh. Theo chủ tịch Hội Dệt May Trung Quốc, đến cuối Tháng Hai, khi các dây chuyền mới được sử dụng, số khẩu trang sản xuất có thể đạt đến 180 triệu cái một ngày.
Tại thành phố Nam Ninh, phía Nam tỉnh Quảng Tây, Nhà Máy Thiết Bị Y Tế Fangyuan đã làm việc trở lại hôm Thứ Ba. Với 35 công nhân làm việc thêm giờ, nhà máy đã nâng sản lượng hằng ngày lên đến gần 100,000 cái kể từ Thứ Năm.
Công nhân của 27 nhà máy ở tỉnh Hồ Nam cũng đã trở lại làm việc hôm Thứ Tư để sản xuất thiết bị bảo hộ phòng ngừa dịch bệnh.
Theo các giới chức Hồ Nam, tỉnh này có thể sản xuất đến 462,000 khẩu trang một ngày.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới không nhắc gì đến việc đeo khẩu trang để phòng ngừa virus Corona. Trong hình, khách hàng đeo khẩu trang tại một nhà hàng thức ăn nhanh của MacDonald ở Hồng Kông. (Hình: Anthony Wallace/AFP via Getty Images)Không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở nhiều nước khác, người ta đang đổ xô đi mua khẩu trang.
Tuy nhiên, hiện đang có nhiều thông tin trái ngược nhau về việc có nên đeo khẩu trang hay không.
Tờ báo chính của Singapore ra Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, khuyên người dân không nên đeo nếu khỏe.
Úc và Đài Loan cũng cho rằng người nào khỏe thì không cần đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, Úc cũng đã mở kho dự trữ y tế quốc gia để lấy ra một triệu cái khẩu trang.
Còn Đài Loan thì cấm xuất cảng khẩu trang. Cơ quan đường sắt Đài Loan thì loan báo nếu virus vẫn lây lan, họ sẽ không cho hành khách lên tàu nếu không đeo khẩu trang.
Tại Hồng Kông, một nhà lập pháp đặc trách ủy ban dịch vụ y tế của chính phủ, đã bị chỉ trích sau khi chia sẻ đoạn video hướng dẫn cách hấp để dùng lại khẩu trang xài một lần rồi bỏ.
Ở Ấn Độ thì có lời khuyên khá kỳ lạ. Chính phủ nước này đề nghị dùng món nước pha chế truyền thống, trong đó có gừng và rau húng, để phòng bệnh.
Còn tại Miến Điện, một bộ trưởng bị khiển trách vì chia sẻ một bài post trên Facebook khuyên người dân nên ăn thêm hành.
Trở lại Trung Quốc, các nhà máy tiếp tục hối hả sản xuất khẩu trang.
Bảng hướng dẫn chính thức của Tổ Chức Y Tế Thế Giới không nhắc gì đến việc đeo khẩu trang để phòng ngừa virus Corona. Nhưng website của họ cũng không khuyên là không nên đeo.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức, các cuộc nghiên cứu từ xưa đến nay cho thấy đeo khẩu trang có thể giúp phòng ngừa những bệnh thông thường như cảm cúm.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ CDC đã khuyến cáo bất cứ ai được xác nhận hoặc bị nghi ngờ nhiễm virus Corona nên đeo khẩu trang khi có mặt người khác.
Theo ông Robert Amler, hiệu trưởng Đại Học Y Khoa New York, khẩu trang không phải dùng để bảo vệ người đeo, mà là bảo vệ người khác trước những dịch cơ thể từ người đeo văng ra.
Các chuyên gia khẳng định cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh là thường xuyên rửa tay và tránh tiếp xúc với người bệnh.
Th.Long
Virus Corona có thể lây lan khi bệnh nhân chưa phát triệu chứng
Nhân viên trong phòng biệt lập tại bệnh viện UMC Utrecht, ở Utrecht, Hòa Lan. Đây là phòng đặc biệt được thiết kế cho những bệnh nhân có thể bị nhiễm virus Corona. (Hình: Jerry Lampen/ANP/AFP via Getty Images)
WASHINGTON, D.C. – Mỹ đã chính thức tuyên bố chủng virus Corona mới là tình trạng y tế khẩn trương. Tình trạng khẩn trương sẽ có hiệu lực từ 5 giờ chiều Chủ Nhật, 2 Tháng Hai, giờ miền Đông, tức 2 giờ chiều giờ California. Đến nay, số ca nhiễm ở Mỹ đã lên đến 7 ca.Bộ Trưởng Y Tế Alex Azar công bố quyết định này trong buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng.Ông Azar nhấn mạnh nguy cơ virus lây lan ở Mỹ là rất thấp.
Bộ Trưởng Azar tuyên bố tình trạng khẩn trương cùng ngày với Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC xác nhận có ca nhiễm virus Corona thứ bảy ở Mỹ.
Bệnh nhân mới này là một người đàn ông ở Santa Clara County, miền Bắc California. Đây là ca nhiễm thứ ba ở California. Những ca còn lại ở Mỹ gồm một ca ở Washington, một ca ở Arizona và hai ca ở Illinois.
Trước đó, hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, CDC ra lệnh cách ly kiểm dịch 195 công dân Mỹ 14 ngày tại căn cứ không quân March ở miền Nam California. Đây là lần đầu tiên CDC đưa ra lệnh như vậy trong hơn 50 năm qua.
Anh Jarred Evans, một trong số 195 người, nói với đài CNN rằng anh “sẽ ở đây lâu chừng nào nếu cần thiết.”
Evans cho biết tất cả họ đều phải đeo mặt nạ và được ra ngoài trời vài phút.
Cũng theo đài CNN, có tin, Bộ Y Tế đang yêu cầu Bộ Quốc Phòng tìm thêm chỗ để cách ly kiểm dịch công dân Mỹ về nước trên những chuyến bay do chính phủ thuê.
Vì căn cứ March được cho là đã hết chỗ chứa, nên chính quyền Trump đang xem xét những căn cứ và cơ sở quân sự khác để cách ly kiểm dịch những hành khách dự trù sẽ về Mỹ vào cuối tuần này.
Ở thời điểm hiện tại, biện pháp này sẽ không áp dụng cho công dân Mỹ từ Trung Quốc về nước trên những chuyến bay thương mại thông thường, mà chỉ dành cho những người đi những chuyến mà chính phủ thuê.
Trong khi đó, hôm Thứ Sáu, Tiến Sĩ Anthony Fauci, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cảnh báo một cuộc nghiên cứu mới xuất bản tối Thứ Năm cho thấy virus Corona có thể lây lan khi bệnh nhân chưa phát triệu chứng.
Tiến Sĩ Fauci nhấn mạnh: “Sau khi đọc bài báo này, không còn nghi ngờ gì nữa là tình trạng lan mà không có triệu chứng đang xảy ra.”
Gần một tuần qua, giới chức y tế Mỹ đã tranh cãi rằng liệu bệnh nhân có thể làm lây lan virus trong thời gian ủ bệnh hay không, tức là khi họ đã bị nhiễm virus nhưng chưa phát bệnh.
Bộ trưởng y tế Trung Quốc thì xác nhận nó có thể lây lan mà không có triệu chứng, nhưng giới chức Mỹ không tin vì phía Trung Quốc không đưa ra bằng chứng.
Vấn đề này rất quan trọng, vì nếu virus lây lan mà không có triệu chứng, các giới chức đôi khi cần phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ hơn, chẳng hạn cách ly kiểm dịch chặt chẽ hơn.
Tính đến nay, dịch virus Corona Vũ Hán đã khiến hơn 200 người chết và gần 10,000 người ở hơn 20 quốc gia nhiễm bệnh.
Bệnh dịch virus Corona Vũ Hán hoạt động ra sao?
Hà Dương CựKHKT-Benh-dich-virus-Corona-1 Virus Corona. (Hình: fda.gov) KHKT-Benh-dich-virus-Corona-2 Virus Corona dưới kính hiển vi. (Hình: hopkinsmedicine.org) KHKT-Benh-dich-virus-Corona-3 Theo Giáo Sư Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại Học California, San Francisco, thì không cần đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ. CDC cũng có lời khuyên tương tự. (Hình: Miguel Medina/AFP via Getty Images)
Bệnh dịch virus Corona phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đang gây chấn động khắp thế giới, ảnh hưởng không những về sức khỏe mà còn liên quan đến chính trị, tài chính, và nhiều lãnh vực khác. Thị trường chứng khoán tuột dốc vì bệnh dịch này. Hãng hàng không Anh và Canada đã ngưng tất cả các chuyến bay đến hay đi từ Trung Quốc.Cho đến nay, 29 Tháng Giêng, bệnh này vẫn còn trên đà bộc phát. Bệnh dịch Vũ Hán đã lan ra nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức và Việt Nam.Bệnh dịch Vũ Hán có tên chính thức là 2019 Novel Coronavirus (viết tắt là 2019-nCoV hay nCoV), có nghĩa là virus Corona mới 2019. nCoV còn rất mới nên có nhiều điều các nhà khoa học chưa có thời giờ để xác định được một cách chính xác. Trong bài này tôi xin nói về bệnh dịch nCoV theo những hiểu biết cho đến ngày nay: bệnh từ đâu phát sinh ra, lan ra như thế nào, và có thuốc trị không.
Virus và vi khuẩn khác nhau như thế nào?
Trước hết cần phân biệt giữa vi khuẩn (bacteria) và virus vì cách chữa bệnh do vi khuẩn gây ra khác với cách chữa bệnh do virus gây ra. Vi khuẩn là những tế bào có thể sống độc lập trong hoặc ngoài cơ thể. Bệnh như ho lao là do vi khuẩn gây ra. Những bệnh này có thể được chữa trị bằng thuốc kháng sinh (antibiotic).
Virus không phải là tế bào và không thể sống độc lập một mình được. Virus sống bám vào những tế bào trong cơ thể và dùng chất liệu gene của tế bào đó để sinh sôi nảy nở. Những bệnh như cảm cúm, thủy đậu hay AIDS là do virus gây ra. Thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với những bệnh do nhiễm virus. Muốn trị bệnh nhiễm virus cần phải có loại thuốc kháng virus (antiviral) như thuốc trị bệnh AIDS. Vì bản chất của virus nên rất khó có những loại thuốc kháng virus. Muốn phòng ngừa bệnh nhiễm virus thì phải phát triển một loại vắc xin như vắc xin ngừa cúm.
Virus Corona là gì
Virus Corona là một loại virus thường thấy ở các động vật. Được đặt tên là Corona (tiếng La Tinh có nghĩa là vương miện) là vì dưới ống kính hiển virus này có những thành phần chĩa ra trông giống như một vương miện. Đôi khi những virus này lây từ súc vật qua người rồi từ người này qua người khác. Theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO thì những virus này có thể gây bệnh cho người, bệnh nhẹ thì như là cảm thường còn bệnh nặng thì có thể chết người.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt là CDC) thì có nhiều loại virus Corona có thể gây bệnh cho con người. Trong đó có ba loại virus Corona đã gây ra bệnh dịch nguy hiểm trên thế giới, đó là nCoV hiện nay, SARS, và MERS.
Virus Corona MERS (Middle East Respiratory Syndrome, hội chứng hô hấp Trung Đông) xuất hiện tại vùng Trung Đông vào năm 2012. Bệnh này khó lây từ người này sang người khác nhưng khắc nghiệt hơn nhiều. Cho tới Tháng Mười Một, 2019, có 2,494 trường hợp bị bệnh MERS trong đó 858 bị tử vong. Tỷ lệ người chết là 34.4%.
Virus Corona dưới kính hiển vi. (Hình: hopkinsmedicine.org)Bệnh nCoV bắt đầu từ đâu
Bệnh dịch nCoV bắt đầu vào Tháng Mười Hai, 2019, từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Hiện nay người ta chưa biết chắc chắn bệnh dịch bắt đầu từ đâu. Giả thuyết được nói đến nhiều nhất là nCoV bắt nguồn từ một chợ bán những loại thịt rừng và cá tươi. Nhiều phần chắc là virus nCoV nhảy từ động vật hoang dã (có thể là dơi) qua người rồi truyền từ người này sang người khác.
Thời gian ủ bệnh
Các nhà khoa học cũng chưa biết rõ điều này nhưng căn cứ vào SARS thì thời gian ủ bệnh của nCoV có thể là từ 2 tới 14 ngày, có nghĩa là người bị lây virus thì trong vòng từ 2 tới 14 ngày những triệu chứng sẽ phát hiện. Trung bình bệnh sẽ phát hiện trong vòng 7, 8 ngày.
Triệu chứng bị nCoV
Những triệu chứng của nCoV là:
-Ho.
-Sốt.
-Khó thở.
-Thở dốc.
-Một vài trường hợp nặng nhưng hiếm là bị viêm phổi hay bệnh về đường hô hấp khác, thận bị hỏng và có thể dẫn tới tử vong.
nCoV truyền làm sao
nCoV còn quá mới nên các nhà khoa học chưa có thể khẳng định một cách chính xác bệnh truyền ra làm sao. Theo kinh nghiệm của hai loại virus Corona trước, SARS và MERS thì virus theo giọt li ti nước miếng hay nước mũi của người bệnh khi người này hắt hơi hay ho mà bay ra ngoài. Những người đứng gần có thể hít phải virus đó. Những hạt li ti đó cũng bám đầy vào thân thể của người bệnh khi người này cầm hay chạm vật gì, thí dụ như nắm cửa thì virus bám vào vật đó. Khi người khác cầm vào nắm cửa thì virus lại bám theo tay người ấy. Nếu người đó cho tay vào miệng hay dụi mắt thì sẽ bị lây bệnh.
Theo Giáo Sư Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại Học California, San Francisco, thì không cần đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ. CDC cũng có lời khuyên tương tự. (Hình: Miguel Medina/AFP via Getty Images)Làm sao để phòng ngừa nCoV?
Hiện giờ không có vắc xin để ngừa bệnh nCoV. Cần phải có nhiều thời gian để phát triển được vắc xin. Các nhà khoa học mất 20 tháng mới làm ra vắc xin cho SARS. Còn về nCoV họ nói là cần ít nhất là một năm, đến lúc đó bệnh dịch chắc đã qua rồi.
Sau đây là lời khuyên của CDC về việc phòng ngừa nCoV:
-Rửa tay bằng xà bông ít nhất là 20 giây.
-Nếu tay không sạch nên tránh sờ lên mắt, mũi, và miệng.
-Tránh tiếp cận với người bị bệnh.
-Nằm nhà nếu bị bệnh.
-Che miệng hay mũi khi ho, hay hắt xì bằng khăn giấy.
-Lau và tẩy trùng thường xuyên những chỗ nhiều người sờ đến.
Có thuốc chữa nCoV không?
Thuốc trụ sinh không trị được những bệnh do nhiễm virus như bệnh nCoV. Cũng không có thuốc kháng virus nào cho nCoV. Khi người bệnh vào bệnh viện thì bệnh viện chỉ hỗ trợ cơ thể để giúp cơ thể tự chống lại virus. Sự hồi phục tùy thuộc vào hệ thống miễn nhiễm của mỗi người. Những người già yếu, trẻ con hay những người hệ thống miễn nhiễm yếu thì sẽ bị nguy hiểm hơn người trẻ và khỏe mạnh.
Cập nhật tin tức về nCoV
Đây là một bệnh dịch nguy hiểm và còn trong vòng bùng phát nên tình thế thay đổi hằng ngày. Nếu bạn ở Hoa Kỳ mà muốn theo dõi một cách chính thức không qua những lời đồn đại hoang tưởng thì nên vào trang mạng của CDC mới được thiết lập đặc biệt cho nCoV: www.cdc.gov/coronavirus/
Hà Dương Cự